Trong khi chúng tôi âm thầm tiếp tục nửa chặng đường còn lại, mưa vẫn không dứt hạt. Chiếc áo len mà Tinô đang mặc thấm nước mau chẳng khác gì những bộ đồ và khăn lông trước đó, ướt sũng như đang ngâm trong chậu nước giặt. Nhìn nó run rẩy trong tay, tôi cuống cuồng lột chiếc áo len ra đưa cho chồng tôi rồi bật hết hàng nút của áo mình và áp nó vào trước ngực. Vài người theo sau ánh đèn của chúng tôi đang ngạc nhiên nhìn Tinô trần truồng như nhộng, càng ngạc nhiên hơn khi thấy tôi bạch ngực ra. Giả tảng như không thấy sự phơi bày này, họ lơ ngơ nhìn quanh quất rồi hay giả lơ tìm chỗ khác để leo xuống. Dù mọi người tế nhị thể nào, tôi không hề quan tâm vì tôi chẳng còn biết giữ kẻ hay e thẹn gì nữa. Đầu tôi lúc đó chỉ có một ý nghĩ là truyền hết mọi nhiệt độ trong cơ thể mình cho Tinô được ấm hơn. Hơn thế nữa, tôi còn muốn dùng cả tính mạng mình đền bù lại tình cảnh không như ý muốn mà đứa con non nớt của tôi đang phải gánh chịu. Trong khi tôi chỉ nghĩ đến sức khỏe của con tôi, thì vùng da thịt trước ngực tôi dần dần ấm lên bởi thân nhiệt của Tinô. Biết nó cũng được ấm như mình, tôi cảm thấy yên tâm nên di chuyển mau hơn theo ánh đèn soi của chồng tôi. Theo lệ, chồng tôi thường tìm chỗ nào tốt nhất để leo xuống, rồi chuyển hai chiếc giỏ xuống và rọi đèn cho tôi. Tuy nhiên, đến một tảng đá quá cao so với bên dưới, anh đã quẳng hai chiếc giỏ xuống xem độ sâu nó là bao, rồi bám vào đường hở giữa hai tảng đá để leo xuống dưới. Lúc này Tinô đã say trong giấc ngủ, nên tôi không thể xách nách nó đưa xuống như lúc ban đầu, cũng như không thể ẵm nó bên hông bò theo chồng tôi như lúc được sử dụng đèn pin. Đặt Tinô ngang bụng, cuộn tròn đầu và mình nó trong vòng tay, tôi lết đến nơi mà chồng tôi vừa leo xuống, rồi kê lưng sát vào đường kẽ và buông mình tuột xuống. Việc làm không báo trước của tôi khiến chồng tôi kinh hoàng, la lên: “Em làm gì vậy? Sao không nói không rằng mà tuột xuống như vậy? “Em phải làm như thế thôi! Chứ vách đá cao như thế chuyền con xuống, lỡ tuột tay, đầu nó va vào đá thì khổ.” Tôi trả lời với giọng hài lòng mặc dù toàn thân rất ê ẩm không thể đứng lên được. Đỡ tôi dậy, chồng tôi lo lắng hỏi: “Xem người có sao không? Kiểm lại chân coi có bị trặc 'sơ mi' không!” Cử động cả hai chân để khám xét, tôi lắc đầu: “Em không bị trặc chân nhưng em rớt dép hết rồi!” Nghe lời này, chồng tôi quay quắt mò mẫm xung quanh tìm kiếm khiến tôi phải gàn ra ngay: “Nhưng em nghĩ là không cần dép nữa đâu. Đi chân không thấy vậy mà không bị trượt.” Dứt lời, tôi lom khom tìm đường đi xuống. Tôi biết là nếu không có đôi dép, chân tôi sẽ bị cứa cắt nhiều hơn nhưng tôi không muốn làm trì trệ lộ trình mà nhóm chúng tôi đang gần đến đích. “Sá gì chuyện chân bị cắt hay chảy máu nếu được đến điểm hẹn đúng giờ, và được lên ghe an toàn. Nếu không phải quay trở về thì cũng không cần dép làm gì.” Nghĩ thế, tôi cố gắng di chuyển nhanh hơn và không nghĩ đến đôi dép hay độ chênh lệch cao sâu của những tảng đá nữa. Chẳng hiểu vì tâm lý được an ổn hay vì đã gần đến hạ lưu của lòng sông khô mà càng xuống dưới tôi càng thấy mình đi nhanh hơn và thuận tiện hơn. Đoạn đường không còn sự chênh lệch của những ghềnh đá cao sâu nên chúng tôi không còn phải bò trườn. Bước lên vài mô đá thấp hay len qua những khóm cây mọc mất trật tự giữa đường, chúng tôi có thể đi thẳng người như đi trên đường bằng. Thêm một quãng chúng tôi phải bước trên đoạn đường nhiều sỏi đá rồi đi lên những mô đá nổi lổm chổm nơi đoạn đường có nhiều bụi cây mọc trong những vũng nước để bước qua. Tràn trề hy vọng với ý nghĩ sắp được ghe vớt, chúng tôi đồng bước thật nhanh. Lúc này bầu trời quang đãng hơn vì mưa đã hoàn toàn dứt hạt. Nhìn về trước chúng tôi thấy rất nhiều lùm cây thâm thấp xen lẫn những bụi cỏ cao. Chi chít như đám rừng thấp, chúng kéo dài tận về phía trước nơi thấp thoáng màu xanh của biển. Tiếng sóng nước hòa lẫn tiếng gió vọng từ xa đến. Giọng nói hân hoan của một người đàn ông nào đó chợt vang lên. Anh ta báo cho mọi người biết chỉ còn mười lăm phút nữa sẽ đến một giờ. Chúng tôi đang vui mừng với ý nghĩ sẽ được ghe đón, bỗng thấy hồi hộp khi nhìn thái độ kỳ quặc của hai người thanh niên dẫn đường. Sau khi căn dặn chúng tôi đứng yên một chỗ hai người đi thẳng về phía trước ngó quanh quất khắp nơi như đang kiếm tìm vật gì. Một hồi sau, hai người trở lại và người thanh niên dẫn đầu nói với giọng áo não: “Bãi bị bể rồi!” “Gì mà mới đến đã nói là bãi bể?”, “Tổ chức làm ăn cái kiểu gì kỳ vậy?”, “Bắt người ta lội núi non hiểm trở mấy tiếng đồng hồ rồi nói khơi khơi là bãi bể, ai mà tin được chứ!” Nhốn nháo trong bất bình, chúng tôi không hề nhích bước. Cảm giác vui mừng vì đã đến đích vẫn còn lan tỏa trong thân thể chúng tôi khiến cho ai nấy không tin lời thông báo khá tàn nhẫn của người dẫn đường. “Tôi nói thật là bãi mình bị bể rồi. Mình phải đi trở lại ngay!” Người thanh niên lập lại lời cảnh báo của mình với giọng đầy thuyết phục. Rồi bất kể chúng tôi cằn nhằn thể nào, anh ta chen ngang giữa nhóm người, vừa bước vừa nói với giọng thiếu bình tĩnh: “Tụi mình phải đi ngược trở lại ngay! Đi càng xa nơi đây càng tốt. Nếu không, sẽ bị bắt hết cả lũ.”Vẫn không nhúc nhích, mọi người nhìn anh ta chằm chằm. Chồng tôi hỏi với giọng bực bội: “Mấy anh chơi cái trò gì đây? Mới vừa đưa xuống đã nói đi về. Lấy lý do gì anh nói bãi bị bể?” Người dẫn đầu khựng lại, nói một cách hấp tấp: “Chúng tôi có tín hiệu riêng nên biết ghe bị động. Nếu mình còn ở đây trước sau gì cũng bị bắt.” Người đàn ông, thường kè kè bên mình một chiếc giỏ to gấp đôi chiếc giỏ lớn bình thường, dàn hòa: “Nếu ghe bị nghi ngờ không đón mình lúc một giờ được thì nó sẽ tìm cách đón vào giờ khác trong khoảng từ một đến ba giờ. Mình cố gắng chờ thêm chút nữa xem sao.” Người thanh niên đi cuối nói: “Thời gian từ một đến ba chỉ là giờ trừ hao thôi, thực sự nếu chúng ta không bị lộ thì ghe đã có mặt ở đây từ lúc mười hai giờ khuya rồi. Tưởng đâu ông chủ ghe bốc vợ con ổng ở chỗ nào khác rồi nên họ không đến điểm hẹn. Thì ra, họ đã biết động nên không đi. Bí mật được tiết lộ nhưng không một ai chịu tin. Chúng tôi vẫn khăng khăng với sự trừ hao và gắn chặt với giờ dây thun cố hữu của người Việt. Không thấy ai phản ứng trước điều tiết lộ, người dẫn đầu nói: “Nếu mấy anh chị muốn ở lại chờ thì ở, còn chúng tôi phải đi về. Tụi công an mà tóm, các anh chị chỉ bị tù vài tháng chứ tụi tôi mọt gông vì tội tổ chức.” Vẫn không một ai nhúc nhích nên hai người dẫn đường đành quay lưng bước đi. Họ bước thêm độ dăm bước, tôi vội lên tiếng: “Các anh làm ơn đưa vợ chồng tôi đi với!” Hai người dẫn đường khựng lại, đưa mắt nhìn nhau. Một hồi, người dẫn đường đi đầu bước xuống chỗ tôi, nói: “Nếu chị muốn đưa cháu về chúng tôi có thể hướng dẫn đường cho chị nhưng chúng tôi không thể đưa cả chồng chị đi. Lên trên Quốc Lộ, người ta thấy anh là nghi ngay.” Vừa liếc ngang khuôn mặt căng thẳng của chồng tôi, tôi vừa hỏi vặn: “Nói vậy sao anh bảo chúng tôi đi về? Đi về cả đoàn hay ba người cũng vậy thôi. Không lẽ để cả đoàn giải tán kiểu mạnh ai nấy đi?” “Tôi nói về cả đoàn có nghĩa mình phải rời xa cái chỗ này kiếm chỗ nấp đâu đó rồi dò la động tĩnh trước khi tìm xe về thành phố. Còn chị muốn cháu nhỏ sớm về nhà lại muốn về cả gia đình thì chúng tôi không thể tìm phương tiện chuyên chở cho cả ba cùng một lúc được. Nếu chỉ mỗi mình chị với cháu thì may ra.” Trong khi tôi và hai người dẫn đường đôi co thì người đàn ông có chiếc giỏ kềnh càng nài nỉ: “Chị ở lại đi chị! Bãi này phải có ít nhất mười hai người thì tụi ghe mới bốc. Nếu chị về, không đủ trả chi phí, họ không chịu bốc chúng tôi và chồng chị đâu. Đâu dễ gì đến được chỗ này. Để hai anh này về coi tình hình và báo cho chủ ghe biết mình đã đến nơi. Biết đâu vì bị điều gì đó, ghe không thể vào đón mình đúng như qui định nhưng sẽ đón sau đó một vài ngày.” Lời nói của người đàn ông này đúng một phần nào vì tôi biết có nhiều chuyến đi có những trục trặc gì đó mà người phải nằm bãi một vài ngày ghe mới đến đón đi được, nhưng tôi không biết trả lời ra sao trước cảnh tình của con tôi. Chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ bỏ chồng tôi ở lại và cũng không đi với hai thanh niên lạ trong rừng với hàng nút áo bật mở, nhưng tôi phải làm sao nếu Tinô có mệnh hệ nào. Bối rối trước ánh nhìn chờ đợi của mọi người, tôi cúi đầu nhìn xuống. Tinô im lìm trong vòng tay ôm của tôi, ngủ một cách ngon lành và an ổn. Hơi thở của nó bình thường và đều đặn. Sờ đầu và lưng để kiểm tra nhiêt độ nó kỹ hơn, tôi vẫn không thấy một dấu hiệu nào của cảm lạnh hay nóng sốt. Khép hai vạt áo của mình để che kín thêm cho nó, tôi nói: “Thôi các anh đi đi. Tôi ở lại.”