Chương Bảy

Chiều vừa nhạt nắng chúng tôi đã lục đục đi xuống tìm đường về. Lần này, không khác gì lúc đi lạc lên tận đỉnh, tôi phải chai lì chịu những cái đấm đá kịch liệt của Tinô cũng như phải chịu đựng những tiếng la khóc om sòm của nó. Đi khoảng ba mươi phút chúng tôi gặp một thằng bé độ mười bảy tuổi đi lên. Nó tự giới thiệu là người dẫn đường đưa chúng tôi về rồi nói là nhờ tiếng khóc của Tinô nên tìm ra chỗ của chúng tôi. Sau khi hỏi tên tôi, nó kể là C. Sơn hết lòng tìm người đưa mẹ con tôi về khi nàng nghe báo chúng tôi bị lạc trong rừng. Nó đã đưa nhóm chúng tôi vào một khu vườn có nhiều cây mít lớn rồi bảo chúng tôi giữ im lặng trong khi chờ người đến đưa về. Tại nơi đây, vợ chồng tôi đã chia hết thực phẩm trong hai chiếc giỏ để thủ tiêu những chứng vật của cuộc vượt biển.
Đêm xuống rất nhanh và cây cối trở thành những bóng đen thùi nhưng Tinô nhất định không chịu ngủ. Có lẽ vì ám ảnh hành trình quá nguy hiểm, nó trở nên thận trọng với cảnh vật man dại và tò mò với sự im lặng khác thường của mọi người xung quanh. Hơn thế nữa, nó tỏ ra ương bướng và phản đối kịch liệt khi tôi ghìm nó trong người để ru ngủ. Tôi càng dỗ dành chiều chuộng nó bao nhiêu, nó càng vùng vẫy, gượng đầu lên la khóc inh ỏi bấy nhiêu. Tiếng khóc vang lừng của nó trong vườn cây làm chồng tôi kinh đảm, hét to:
“Nín! Nín ngay! Có nín được không hả thằng kia? Cứ như vầy, mày giúp công an bắt bố mày rồi đó con ạ!”
Mọi người nghe Tinô khóc thì hoảng vì nghĩ rằng vườn cây chẳng xa đường Quốc Lộ là bao nhưng không ai lên tiếng than trách một lời nào vì nghe chồng tôi la nó. Tan nát tim gan, tôi ôm chặt nó mà nước mắt tuôn không ngừng. Đau khổ vì đã để cho con mình chịu hoàn cảnh nghiệt ngã, tôi không ngừng nói xin lỗi trong khi vuốt ve khuyên nhủ nó. Dường như vừa sợ bố vừa hiểu chút ít nỗi lòng của mẹ, Tinô tấm tức khóc một lúc rồi nằm yên ngủ. Lúc ấy, tôi hứa với lòng là khi về nhà tôi sẽ không bao giờ đem nó đi vượt biển nữa.
Khoảng mười hai giờ đêm, chúng tôi ra đường Quốc Lộ. Mọi người được chia thành từng nhóm nhỏ để chờ người chở xe máy về. Chồng tôi và người đàn ông có chiếc giỏ lớn được chở chung một xe đi trước trong khi đàn bà, con nít phải chờ đi những chuyến sau. Tôi và Tinô được người chở theo sau xe chồng tôi khoảng năm phút. Tưởng được chở thẳng về Nha Trang, chúng tôi được đưa vào khu Ba Làng. Đến chiếc cầu nhỏ không biết tên, người chở bảo tôi ôm Tinô xuống gầm cầu nơi mà người đàn ông có chiếc giỏ lớn và chồng tôi đang núp ở đó. Gầm của chiếc cầu nhỏ chẳng cho được bao nhiêu chỗ núp nên tôi đành nép tạm một bên chồng tôi. Cũng may là người đàn ông có chiếc giỏ lớn đã nhờ những người lái xe chuyển chiếc giỏ của ông giấu ở nơi nào và Tinô đã ngủ im lìm nên tôi cảm thấy an tâm phần nào trong khi chờ người đến đưa đi nơi khác.
Khi những người còn lại được đưa về cùng một điểm thì những người chuyên chở quyết định chuyển những đứa con nít và đàn bà vào các khu nhà dân ở. Sau khi phân công, một thanh niên bảo tôi ôm Tinô đi bộ theo anh vào làng. Giả như người trong xóm, vô tình đi chung đường, chúng tôi người đi trước, kẻ đi sau. Qua khỏi con đường đất giữa hai cánh đồng khô, chúng tôi dừng lại căn nhà ngay ngoài bìa làng. Gõ cửa và thầm thì với bà chủ nhà một lúc, người thanh niên bảo tôi vào ngủ tạm trong căn nhà ấy và căn dặn đúng năm giờ sáng hôm sau anh sẽ đến đưa tôi ra lộ để đón xe về. Bà chủ nhà rất tử tế với mẹ con tôi. Trao cho tôi tấm chiếu, bà nói tôi hãy yên tâm ngủ cạnh bồ lúa và hứa sẽ đánh thức tôi dậy khi người thanh niên trở lại. Sáng hôm sau, chưa đến năm giờ, người thanh niên đã trở lại. Anh ta dẫn tôi và Tinô ra đường Quốc Lộ và chờ đến khi chúng tôi đón được xe mới quay lưng đi. Người dẫn đi, người đón lại, người đưa về nói làm sao tôi theo y vậy chứ chẳng hề hỏi thăm họ là ai, quan hệ như thế nào với người tổ chức, tên gì hay đang làm gì. Họ, một chuỗi người bí mật, giúp chúng tôi, những kẻ đào thoát, một cách kín đáo và âm thầm mà không hề đòi hỏi một sự đền trả nào. Điều bí ẩn này đã khiến tôi vừa thắc mắc vừa cảm kích không nguôi trên đường về nhà. An lành trên chiếc xe xích lô, tôi thầm cảm ơn trời phật đã cho tôi gặp những người từ tâm nên đã thoát cảnh điều tra và bắt bớ.
Khi chiếc xích lô vào trung tâm thành phố thì tôi không còn lo sợ sự tra xét của công an nữa. Ngang qua Ngã Sáu, tôi thấy chồng tôi và người đàn ông có chiếc giỏ lớn trong lòng sông khô ở núi Rù Rì đang đi bộ trước nhà thờ núi. Lúc này người đàn ông có chiếc giở lớn không phải kè kè chiếc giỏ lớn của ông nữa nhưng tướng đi của ông khệnh khạng và chàng hảng như đang khiêng vật gì nặng ghê gớm lắm. Chồng tôi đi bên cạnh ông ta, tướng đi của anh chẳng khá gì hơn. Xe xích lô chở Tinô và tôi qua mặt họ rồi mà tôi còn ngoái đầu nhìn lại. Lòng thắc mắc không hiểu sao họ không chịu đón xe về tận nhà trong khi tướng đi dị kỳ của họ khó được bỏ qua bởi những cặp mắt tò mò của những người đi đường.
Tôi về nhà khoảng sáu giờ rưỡi sáng. Hôm ấy là ngày gia đình chồng tôi có giỗ nên tất cả các thành viên trong gia đình đã tụ tập trong nhà từ đường từ sớm để góp sức mình. Vừa trông thấy mẹ con tôi, mẹ chồng và các cô chồng tôi bỏ dở công việc đang làm, đến tụm quanh rồi ôm Tinô vào nhà chăm sóc. Mẹ chồng tôi đi ra đi vào, tíu tít căn dặn mấy đứa em họ:
“Tụi mày lo nấu nướng giúp chị mày nhá! Trông nó phờ phạc, xác xơ như thế thì còn làm được gì!”
Dù thể nào, tôi cũng phải đến trường để chứng tỏ mình không vắng mặt một ngày nào ở địa phương. Tắm rửa xong, tôi vội vã dắt xe đạp ra khỏi nhà ngay. Vừa thót lên xe tôi thấy chân mình như đang mang đá tảng. May là tôi chỉ phải đạp xe trong vòng năm phút vì trường tôi chỉ là một điểm phụ trong xóm ga xe lửa gần nhà. Giáo viên của trường cấp hai mà tôi dạy thường lên lớp theo tiết học nhưng nếu chúng tôi có tiết dạy sáng thứ hai thì tất cả đều phải dự lễ chào cờ. Thường thường sau lễ chào cờ, chúng tôi, học sinh và giáo viên đều phải ngồi nghe thầy phó hiệu trưởng nói chuyện. Dĩ nhiên, giáo viên được ngồi trên ghế băng dài trong khi học sinh ngồi dưới đất. Hôm đó chẳng hiểu vì lý do gì mà trong lúc ông hiệu phó phát biểu, một số học sinh nhạo ông với những lời nhại rất vô lễ. Bốc lửa đến quên bài dạy dưới cờ, và cả thông điệp hàng tuần của ông hiệu trưởng, ông hiệu phó nói một cách giận dữ:
“Tôi nói thật với các em là bao nhiêu năm tôi chưa từng ăn sáng. Tôi đã chiến đấu cực khổ đến ngày hôm nay để mong thấy thế hệ sau tiến bộ hơn mình thế mà các em lại hư đốn đến như thế.”
Đám giáo viên chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, phân vân không hiểu sao ông nhạy cảm đến độ đem chuyện riêng tư nói trước học sinh. Tôi cảm thấy tội nghiệp khi nhìn cánh tay cụt của ông, nghe chuyện không ăn sáng của ông và chứng kiến sự thua cuộc của ông trước học sinh. Còn đang phân vân, tôi thấy ông cho học sinh giải tán. Nhìn các hàng học sinh lủi thủi bước về lớp lòng tôi chợt nhói lên khi tưởng tượng một ngày nào đó Tinô sẽ là một trong những đứa học trò như thế. Nó sẽ là những đứa cúi đầu tuân phục hay ương bướng thì tôi chẳng thể nào đoán được nhưng với lý lịch của mình, nó sẽ không tránh khỏi tình trạng bị liệt hạng với cái nhãn hiệu “tư tưởng chính trị không tốt” như bố của nó. Dù sao tôi cũng hiểu dạy học vốn dĩ là nghề có nhiều thử thách. Đối đầu với học sinh cứng đầu cứng cổ ở tuổi vị thành niên quả là khó, đối đầu với những học sinh khá thông minh càng khó hơn. Tôi đã từng chứng kiến nhiều thái độ khinh thường của học sinh khá giỏi. Những thái độ khinh thường này không phải do ảnh hưởng bởi sự bất toàn của giáo dục gia đình mà bởi sự thông minh vượt bậc.  Tôi chợt nhớ những câu hỏi móc méo của những đứa học trò lớp tám và lớp chín trong những giờ học lịch sử mà tôi thường nghe: “Cô nói mọi người sẽ được sung sướng khi đất nước tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản mà sao em thấy dân mình không chịu ở lại để chờ sống sung sướng lại ùn ùn kéo nhau đi vượt biển vậy hả cô?”, “Sao tụi Đế Quốc Tư Bản bóc lột nhân công một cách dã man mà sao nhiều người liều mạng đến mấy nước Tư Bản chi vậy?” và “Chẳng lẽ những người vượt biển dùng sanh mạng để đánh bạc với tử thần chỉ vì vật chất thôi sao cô?” Thật đáng buồn là tôi đã phải chịu những câu hỏi châm chọc như thế. Thực tế thì chẳng oan ức gì! Cũng bởi tôi không dám giải thích hết tất cả các sự kiện lịch sử thế giới và các mặt ưu và khuyết của từng chủ thuyết xã hội với kiến thức đã có trong trường trung học của miền Nam trước 1975; mà phải dạy rập khuôn theo những điều trong sách giáo khoa. Chán chường với những ý nghĩ đang có, tôi chợt cảm tưởng mình và các giáo viên miền Nam trong trường chẳng khác gì hai người dẫn đường trong đêm tối trên đèo Rù Rì hôm trước: không thể bật đèn, bị phản đối mà vẫn phải dẫn người bước đi. Những ánh sáng nhập nhòe bất chợt giống như những kiến thức đã có nhưng phải quên đi khi chiếc nút đèn pin tắt sáng. Tôi không rõ vai trò của ông hiệu phó ở vị trí nào trong sự so sánh của mình, nhưng cảm thấy áy náy khi đặt mình vào cương vị của ông. Tôi nhớ những cái đánh đấm của Tinô khi đưa nó đi trên con đường đầy nguy hiểm. Một ngày nào đó khi Tinô lớn khôn, liệu những cái đấm đánh của nó sẽ là những phản kháng bất trị như những đứa học sinh kia không? Những ý nghĩ dằn vặt trong đầu khiến tôi cảm thấy mệt; cho nên, tôi đã đứng dậy một cách uể oải khi đi theo mọi người vào văn phòng.
Vừa thấy chúng tôi, ông hiệu phó than:
“Học sinh thời này như thế đấy!”
“Cũng tại lý thuyết trong sách vở không hề giống với thực tế ngoài cuộc sống mà ra!” Tôi định đáp lại như vậy nhưng nghĩ chẳng ích lợi gì nên thôi. Tướng mạo của tôi lúc này không được bình thường, tốt hơn hết là im lặng nếu không muốn ai để ý đến mình. Các giáo viên khác, toàn là giáo viên lưu dụng và sinh quán tại miền Nam, như thường lệ, chỉ cười chứ không hề trả lời tiếng nào. Chán nản sự tình, ông hiệu phó lấy xe đạp bỏ đi. Hôm đó, ông về điểm chính sớm hơn mọi hôm; còn chúng tôi nấn ná ở văn phòng nói chuyện trời đất nắng mưa một lúc mới bảo nhau đến lớp sớm để giữ trật tự. Vì không muốn bị chú ý từ phía sau lưng, tôi chờ mọi người rời văn phòng xong mới thủng thỉnh đứng lên. Trong phòng vẫn còn hai giáo viên nữ là chị T. Phương và chị T. Hồng đang tiếp tục câu chuyện dang dở cho nên tôi phải vừa nhìn mặt họ vừa trao đổi vài câu vớ vẩn với họ trong khi dịch từng bước nhỏ lui về phía sau. Lối đi giật lùi để tỏ ra lịch sự là không quay lưng khi còn đang đối thoại nhưng thực tế tôi không muốn họ phát hiện dáng đi  không bình thường của tôi. Vừa nói, vừa đi lui dần về phía cửa ra vào, tôi nói chào cả hai rồi vội vã bước ra khỏi văn phòng. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm vì không thấy một bóng người nào trong sân trường, nhưng vẫn cố gắng bước ngay ngắn khi dọc theo hành lang để tránh những đôi mắt ngờ vực từ trong các cửa sổ của lớp học và nhất là chuẩn bị qua cái ải quan sát của học sinh lớp mình sắp dạy. Quả như tôi đoán, khi đi ngang những đứa học sinh đứng chào mình, tôi bắt gặp vô số ánh nhìn kinh ngạc. Hiểu được nguyên do của sự kinh ngạc ấy, tôi cố gắng giữ dáng đi ngay thẳng hơn khi bước đến bàn giáo viên. Tôi đã giữ nụ cười trên môi để che giấu vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của mình khi tiến hành các bước điểm danh, kiểm tra bài và ôn bài cũ. Dù cố gắng thể nào, tôi cũng không qua những cặp mắt tinh tường của học sinh. Chúng chẳng ngừng trao nhau những ánh nhìn ngạc nhiên khi tôi ghi đề bài mới trên bảng. Lo sợ tướng đi đàng sau lưng của mình thố lộ bí mật, tôi bảo đứa trưởng lớp chép phần mà tôi ghi trong giáo án lên bảng để cả lớp chép vào vở. Phớt lờ những ánh mắt ngạc nhiên, tôi giữ thế ngồi ngay ngắn trong khi môi vẫn giữ nụ cười thân ái và bình thản. Những đứa học sinh lớp bảy, vừa học môn Sử Địa do tôi phụ trách vừa được tôi chủ nhiệm, rất ngoan ngoãn. Tất cả cùng im lặng chép bài. Những lúc không thể nhìn rõ chữ trên bảng chúng khèo lưng nhau chỉ trỏ với nhau hoặc khẽ khàng hỏi nhỏ đứa ngồi trước nhờ hỏi dùm đứa lớp trưởng.
...
Tôi đã gục xuống bàn sau khoảng thời gian đóng vai cô giáo ngồi nghiêm trang theo dõi học sinh chép bài. Đứa trưởng lớp hốt hoảng chạy đến văn phòng báo cáo tình trạng của tôi và cầu cứu hai cô giáo không có tiết dạy đến giúp cho tôi. Khi họ đến lớp là lúc tôi vừa tỉnh dậy. Tôi nói là tôi thức khuya lo cho Tinô nên đã ngủ gục trong lớp mà không hay. Hai cô giáo T. Hồng và T. Phương nhất định không tin lời tôi nói. Chị T. Hồng thì quả quyết là tôi chưa ăn sáng nên bị trúng gió, còn chị T. Phương một mực bảo tôi về văn phòng để chị cạo gió cho. Vì không muốn khuấy động thêm sự tò mò của học sinh, tôi nói với chúng là tôi lên văn phòng nghỉ một chút rồi về lớp ngay. Tôi đã cố gắng tạo ra vẻ bình thường khi bước ra khỏi ghế nhưng khi tôi vừa bước vài bước toàn thân của tôi loạng choạng như sắp ngã khiến chị T. Phương và T. Hồng phải chụp lấy tay tôi dìu đi. Nhìn tôi như thế, học sinh kinh ngạc lắm nhưng chúng không dám ồn ào vì vốn sợ cái oai của chị T. Phương, cô giáo dạy toán của chúng.
Vừa đến văn phòng, chị T. Phương bảo tôi vén áo đưa lưng để chị cạo gió cho. Tôi một mực từ chối với lý do ghét cách chữa trị này, rồi nói là chỉ cần nghỉ một chút là sẽ đỡ ngay thôi. Xui cho tôi, chị T. Phương là người tin chứng trúng gió có thể gây chết người nên luôn luôn chứa đồ nghề trị bệnh trong chiếc ví xách đi làm của chị. Lăm lăm đồng bạc cắc và chai dầu gió trên tay, chị bảo tôi phải để chị cạo vài đường nếu không tôi sẽ bị kiệt thêm. Lằng nhằng giải thích về tác dụng của những đường cạo gió, và sự luân chuyển điều hòa của máu huyết, chị nói là nhất định chữa cho đến khi nào tôi tỉnh táo và linh hoạt lại mới thôi. Trước sự tình nguyện làm thầy lang không công của chị, tôi đành vén lưng mình lên.
“Em làm gì mà lưng bị trầy trụa dữ vầy nè?”
Giọng nói thảng thốt của chị T. Phương làm tôi giật mình. Thì ra cái lưng của tôi đã ghi lại dấu tích sau một ngày leo núi mà khi tắm vội tôi chẳng hề biết. Hồi hộp, tôi hỏi:
“Ủa? Lưng của em bị trầy dữ lắm hả chị?”
“Chứ còn gì nữa! Bị đến như vầy mà không biết sao?”
“Tại em mới bị té xe hôm qua thôi.”
  Chị T. Hồng ghé mắt nhìn sau lưng tôi một lúc rồi nhìn thẳng vào mặt tôi, ôn tồn hỏi:
“Lan té xe ở đâu mà lưng nát bươm nát bét vậy hả?”
“A...à... ở dốc Hòn Chồng đó mà!” Tôi ngập ngừng trả lời khi lục trong trí lần bị té nặng nhất trong đời, rồi tả thêm những gì xảy ra trong lần ấy “Em bị lộn mấy lần khi té lăn xuống dốc vì xe đứt thắng hãm không được.”
“Vậy mà cũng ráng đi làm!”
Chị T. Hồng phàn nàn với tiếng thở hắt đầy nghi ngờ trong lúc chị T. Phương hỏi với giọng nghi ngại:
“Còn thằng bé thì sao?”
“Thằng bé nào? A…à…Tinô đó hả? May là nó ngồi trên xe với bố và chú nó ở một xe khác nên không bị gì cả.”
“Bận rộn vậy mà cũng ráng đi chơi tận Hòn Chồng lận ha!”
Lời ca cẩm đầy móc méo của chị T. Hồng khiến tôi chưa biết trả lời ra sao thì chị T. Phương kéo áo tôi xuống, bảo:
“Lưng như vầy chị muốn cạo gió cũng cạo không được. Thôi để chị nhờ đứa học trò nào ở xóm em chở em về dùm rồi chị coi lớp cho. Còn dạy lớp nào nữa thì để hết giáo án lại đây. Nếu lỡ ông hiệu phó trở lại thì chị nói em bị trúng gió cần về.”