Chương Mười Lăm

Niềm vui sướng đã khiến chúng tôi không thể nào chợp mắt được chút nào dù được chăn ấm, nệm êm, không gian yên tĩnh và riêng tư. Bất lực với chứng mất ngủ kỳ lạ, chúng tôi đã lang thang lên xuống cầu thang để đến phòng ăn lấy nước uống hay nói vài ba câu chuyện với nhau ở hành lang. Anh Thảo, dù cùng ở tình trạng mất ngủ và buồn chán như chúng tôi, cảnh cáo với chúng tôi là nên ở trong phòng riêng của mình, và hạn chế lên xuống thang lầu hay qua lại các hành lang để giữ yên lặng cho thủy thủ đoàn làm việc khi trời sáng cũng như vào lúc ban đêm. Thực sự là chúng tôi chẳng hề gây phiền toái cho những chủ nhân trên tàu khi mà các phòng ở của chúng tôi không cùng tầng với họ. Trong khi chúng tôi ở tầng thứ ba thì họ ở tầng hai hoặc tầng dưới cùng khu nhà ăn. Có lẽ vì thủy thủ đoàn quá ít trong khi con tàu đồ sộ có quá nhiều phòng cho nên có rất nhiều phòng thừa chưa từng có người ở qua. Tôi đã đến viếng các phòng khác của những người cùng chuyến vượt biển và thấy phòng nào, phòng nấy đều thơm mùi mới. Các phòng mới này có đầy đủ giường nệm, tủ gỗ, bàn viết và phòng tắm mới toanh. Đặc biệt là các cửa kính của chúng ở các vị trí khác nhau nên người ở có thể nhìn được quanh cảnh bên ngoài ở những góc độ khác nhau. Trong phòng mình, tôi thường hay đứng trên thảm đỏ cạnh tấm màn treo gần cửa kính để ngắm trời mây và biển nước vì chẳng có việc gì khác để làm. Mỗi lần như thế, tôi có cảm tưởng như là thượng khách của một khách sạn quý phái rồi bâng khuâng mãi với sự may mắn mà mình đang có. Khi còn điêu đứng với tình trạng hiểm nguy và khổ sở trên ghe, có bao giờ tôi nghĩ hay mơ ước được sống sung sướng và đầy đủ tiện nghi như vầy đâu! Trong tâm tưởng của tôi lúc đó, chỉ cần một vùng đất của một hoang đảo cho chúng tôi thoát ra khỏi biển nước mênh mông đã là sự quý hóa lắm rồi. Giờ này, sự may mắn ngoài sự tưởng tượng đã đến với tôi như một phép nhiệm mầu ngọt ngào. Như người được kéo lên thiên đàng sau những ngày bị đày dưới địa ngục, tôi thấy hồn mình bay bổng nhẹ tênh. Dù là vậy, điều này không có nghĩa là tâm trí của tôi được thanh thản và bình an. Cảnh đối phó với những ngày sóng to gió lớn, cảnh đói khát, cảnh đẫm ướt trong nước biển, nước ói, nước tiểu, và phân vẫn bám chặt trong óc tôi như không thể giải tỏa ra hết được. Để trấn tĩnh lại sự xáo trộn trong tinh thần, và vỗ về giấc ngủ mình, tôi đã dùng phương pháp đếm thứ tự các con số; thế nhưng, hễ mỗi lần nhắm mắt là tôi lại thấy hồn mình lâng lâng vui sướng vì hình ảnh của sợi dây thừng màu xanh biển tung trong không trung và đang từ từ rơi xuống. Sau đó, tôi cảm thấy đầu của mình cứng chặt lại vì màu xanh thẫm mênh mông và vô tận của đại dương. Trong khi màu xanh nhạt của chiếc dây thừng đã cho tôi niềm hy vọng của sự yên bình và tin cậy, màu xanh thẫm của đại dương vẫn còn khảm trong trí tôi nỗi sợ hãi kinh khiếp vì sự chết cận kề. Sự tương phản của hai màu xanh đã làm tôi thần kinh của tôi căng ra  rồi dùn lại không biết bao nhiêu lần khi nhắm mắt. Mức khác biệt tối đa của chúng đã khiến tôi bị mất ngủ hơn năm ngày liền trên tàu.
Tôi biết sự biến động tâm lý mình không thể phôi phai một sớm một chiều và chỉ có thể tìm lại giấc ngủ bình thường sau khi tâm thần tôi được ổn định. Điều này không thể xảy ra trong thời gian ngắn bởi vì khi gặp nhóm người vượt biển tại khu ăn uống, tôi đã có thêm nhiều suy nghĩ và ưu tư hơn. Trong khi đồng ý với lời xì xầm của những người trong nhóm hoa tiêu về chuyện vợ ông chủ ghe cho bà con đi “hôi” quá nhiều, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy họ và vài đứa con của họ đeo khá nhiều nhẫn vàng y. Tôi không ngờ một người tài trí như ông chủ ghe lại nghĩ đến chuyện mua cất vàng làm vật tùy thân thay vì phụ tùng sửa máy cho những ngày tự thân tự lực trong những ngày trên biển. Nếu chúng tôi không được tàu cứu vớt thì số vàng ấy sẽ đi về đâu và có giá trị gì? Tôi thầm trách ông rất nhiều về chuyện không cân nhắc giá trị của sự vật khi chuẩn bị cho chuyến hải trình đầy nguy hiểm vừa qua; tuy nhiên, sau khi suy nghĩ sâu kỹ, tôi hiểu vì sao ông phải thủ thân như thế. Nếu chúng tôi chẳng may bị công an phát hiện và chiếc ghe, vốn liếng duy nhất của ông, bị tịch thu, thì ông phải làm gì để nuôi bảy đứa con trên một đất nước có nhiều chính sách khó khăn và phức tạp. Hơn nữa, phòng trữ vàng để nuôi các con ông trong trại tị nạn khi dự tính đến bờ Phi Luật Tân là chuyện có thể hiểu được. Có rất nhiều chuyện để suy nghĩ và cũng có rất nhiều điều có thể lý giải được cho sự thông cảm mục đích của việc làm người khác; tuy nhiên, trong tất cả sự việc, sự hy sinh của người ở lại mới là đáng kể. Hơn bao giờ, tôi nhớ đến chị Hạnh và những tiếng thở hổn hển của chị khi chở tôi qua cầu Rà Ra và cầu Xóm Bóng. Lúc đó chị đã tâm sự là chị đã trả đứt tiền mua chiếc ghe để các con chị có thể vượt biên gặp ba của chúng ở Mỹ và là chị phải hy sinh ở lại để thanh toán những chi phí còn lại cho chuyện bãi và dầu. Sự hy sinh ấy nay được đáp đền bằng bức điện tín của ông thuyền trưởng và chắc hẳn là chị sẽ rất vui mừng khi nghe tin các con chị bình an. Chị đã đến nhà chồng tôi để nhận số vàng như đã giao kèo chưa thì tôi không thể nào đoán ra nhưng tôi hình dung được cảnh toan tin của những người trong thành phố biển. Giờ này có lẽ mọi người đều biết là chuyến ghe vượt biển của chúng tôi đã thành công và đang kháo nhau về chuyện liều lĩnh của chúng tôi. “May là con mình không bị chết chìm cho nên không bị dè bỉu là chết ngu!” Tôi vô cùng cảm kích sự cứu độ của Trời Phật khi nghĩ như thế. Cũng nhờ sự dẫn dắt vô hình của các đấng tối cao mà chiếc ghe của chúng tôi lạc hướng đến chiếc thuyền có người thuyền trưởng nhân đạo. Tưởng tượng cảnh gia đình chồng tôi ngạc nhiên khi nhận điện tín, tôi vui sướng đến điên cuồng cho dù cảm giác bàng hoàng với thực tế ngọt ngào mà mình đang có chưa hết trong tâm trí tôi. Nhiều lần, tôi cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng sự may mắn trong hiện hữu chỉ là ảo mộng. Tôi đã không hề chợp mắt được có lẽ một phần cũng từ sự lo lắng này.
Thuyền trưởng không những là người nhân đạo mà còn là người rất tế nhị. Thấu hiểu sự buồn tẻ trong cảnh vô công rỗi nghề của chúng tôi, ông đã cho phép chúng tôi dạo trên boong hoặc xem phim ở tầng hầm, nơi gần phòng giặt giũ, trong những giờ giấc nhất định. Mỗi khi ra boong tàu, tôi có cảm tưởng như đến trên một sân sắt trống trải màu xám đang hiên ngang vượt sóng nước tiến về phía trước. Nó giống như sàn lộ thiên của xà lan có mũi nhọn mà cạnh vuông phẳng gắn liền với phần tầng của đuôi thuyền có thể xem là một sân vận động rộng dài bằng sắt trước một khu cao ốc ba tầng. Tôi ước đoán bề rộng của sàn lộ thiên này có thể làm bãi đậu của một chiếc trực thăng bởi vì cấu trúc của nó chẳng khác gì chiếc hàng không mẫu hạm, nếu không kể phần tầng với các phòng sang trọng có cửa kính và thảm đỏ. Khi đứng ở các thanh chắn màu trắng của boong tàu, chồng tôi thường nhìn ngang, nhìn dọc rồi nói rằng chiếc tàu này có chiều dài tối thiểu là hai trăm mét và rộng ít nhất là năm mươi mét. Đây là một chiếc tàu thủy lớn đến độ tôi chưa hề tưởng tượng ra, cũng như chưa từng nghĩ là mình được cơ hội đứng trên ấy một lần ở trên đời. Mỗi lần nhìn nó chạy chầm chậm trên biển, tôi lờ mờ đoán là nó đang đi về hướng bắc để ngang qua các vùng biển của Trung Quốc, Đại Hàn để đến Nhật, nhưng rất lạ lùng là tôi chẳng hề thấy chiếc thuyền lớn nào lảng vảng  gần đó. Đại dương mênh mông và trải r?ng trước tầm nhìn của tôi. Nó chẳng khác nào một chiếc nồi xu xoa xanh thẫm khổng lồ mà hàng triệu vết lõm tròn trên mặt như bị múc bởi những chiếc muỗng vô hình nào đó. Thỉnh thoảng tôi thấy những đốm trắng của bọt sóng lớn gợn lên ở xa xa nhưng không thể nào thấy được gì ở nơi xa tít vì không có ống dòm. Đôi khi vợ chồng tôi gặp người thanh niên hay chạy bộ trên boong vào buổi sáng sớm, nhưng chúng tôi chỉ cười tỏ vẻ thân thiện với anh ta chứ không nói gì, bởi tính mắc cở và sự giới hạn tiếng Anh. Có lần tôi chẳng thấy anh mang theo ống dòm nên cảm thấy rằng mình khá may mắn khi được anh mang nó đúng ngày chiếc ghe chúng tôi cần được cứu vớt. Nếu ngày đó, anh không mang theo ống dòm, và không muốn ngắm biển thì không hiểu số phận của chiếc ghe chúng tôi sẽ về đâu. Có chăng là trước khi về chầu hà bá, chúng tôi vẫn sẽ ám ảnh mãi thái độ lãnh đạm của những chiếc tàu lớn và sự nhẫn tâm của những người ở trên đó. Nhờ được ở trên tàu, tôi mới hiểu là mình đã phán đoán sai về sự lạnh lùng và vô nhân đạo của những con tàu mà ghe chúng tôi gặp trên biển trước đây. Rất là khó nhận ra một chiếc ghe nhỏ trên mặt đại dương nếu nó ở khoảng cách khá xa chiếc tàu lớn. Hơn nữa, khi chiếc tàu di chuyển, không nhất thiết là thuyền trưởng hay thủy thủ đoàn phải quan sát xung quanh đại dương hàng giờ. Có thể nói là tôi đã đánh giá một cách sai lầm khi cho rằng các chiếc tàu lớn mà tôi thấy trước đó tàn nhẫn hay thấy chết mà không cứu.
Thuyền trưởng thường căn dặn chúng tôi canh chừng những đứa trẻ kỹ lưỡng khi dạo trên boong tàu và cũng thường thông báo cho anh Thảo biết những ngày biển động để anh thông dịch lại cho chúng tôi hay. Dù ông cẩn thận thế nào, chẳng có bao nhiêu người trong nhóm chúng tôi thích dạo trên sàn sắt trơn láng. Loanh quanh cùng mọi người trên boong độ năm phút là tôi đưa Tinô về phòng ngay.Cảm giác ghê rợn với màu xanh thẫm của nước biển chưa  hề gột sạch trong ý tưởng của tôi. Buổi tối có phim, tôi cũng chỉ coi khoảng nửa giờ rồi về phòng vì chẳng hiểu gì. Một lần, thuyền trưởng đã mời cả nhóm chúng tôi đến phòng thâu âm để nghe những lời nhắn gửi và những lời ca của những thuyền nhân Việt Nam mà ông đã cứu vớt trước đó. Sau đó, ông đề nghị mỗi người chúng tôi nói một vài câu hay hát một vài bản nhạc để thâu âm làm kỷ niệm. Đến phiên mình, tôi đã hát bài Cho Con của Phạm Trọng Cầu. Đây là bài hát mà tôi thích nhất từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và thường ngâm nga mỗi khi ẵm Tinô trong tay:

Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa

Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực

Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con

Vì con là con ba, con của ba rất ngoan

Vì con là con mẹ, con của mẹ rất hiền

...Ngày mai, con khôn lớn

Bay đi khắp mọi miền

Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương

 

Dù tôi đã hát bài này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi hát trong xúc động như lần ấy. Tôi đã chậm nước mắt khi hát những lời diễn tả đúng tâm trạng của mình. Kết thúc buổi ghi âm, một nỗi buồn man mác vẫn còn đeo đẳng trong lòng tôi cho đến khi về phòng. Từ đây, phải chăng tôi đã thực sự mất quê hương, còn Tinô thì sẽ không còn ai thân thuộc ngoài ba mẹ của nó.