Chẳng mấy chốc chiếc ghe thúng đưa chúng tôi đến một chiếc ghe đang lặng lờ trên mặt biển. Một vài cái đầu thò ra đưa cánh tay kéo chúng tôi lên. Tinô vẫn khóc vì lúc này bị chuyền sang một người khác mà trong bóng tối nó không nhận ra đó là bố của nó. Khi được kéo lên ghe tôi hết sức bàng hoàng vì kích thước quá nhỏ của vật sắp đưa mình vượt đại dương. Lúc đó tôi hiểu vì sao những người gác ở cái điếm canh cao nghều trong xóm chài kia không quan tâm đến tiếng chó sủa và tiếng kêu la ở ven biển. “Đi vượt biển trên chiếc ghe nhỏ như thế này trước sau cũng phải làm mồi cho hà bá, chứ làm sao vượt đại dương được! Hèn chi những người canh phòng không bỏ công ra lùng bắt những người liều mạng như mình!” Tôi đã nghĩ như thế nhưng ngay sau đó biết là mình đã hiểu sai vì những tiếng suỵt nho nhỏ của những người nằm im thin thít trên sàn ghe đang cảnh cáo tôi khi tôi lồm cồm len qua người họ. “Đi lại đàng kia, rồi chui xuống hầm mau đi em!” Chồng tôi nói khe khẽ khi anh chuyền Tinô lại cho tôi. Vui mừng vì sự trùng phùng, tôi lần theo những cánh tay dẫn dắt để bước xuống hầm ghe. Tôi đã dẫm lên rất nhiều người trong khi lom khom ẵm Tinô chui sâu vào phía trong cùng của đuôi ghe. Chệnh choạng trong bóng tối một lúc tôi chen được một chỗ giữa chị Phú và những tảng nước đá lớn bên hông. Co ro ngồi bó chân trong lúc ôm Tinô trên bụng tôi cảm thấy chóng mặt. Cố gắng nhìn về phía cửa hầm, tôi lờ mờ thấy vài bóng người leo xuống. Tiếng than vãn lẫn tiếng khóc của trẻ con vang lên rất nhiều nhưng chỉ một lúc bị ém chặt khi nấp hầm đóng kín mít. Ngột ngạt vì mùi dầu máy, mùi cá tanh, và mùi ẩm mốc, tôi nôn khan. Biết chứng bệnh của mình, tôi rút chiếc bao ny lông từ trong túi áo ra chuẩn bị. Tinô đã ngưng khóc có lẽ vì ngạc nhiên với bóng tối và những tiếng khóc của trẻ con gần đó. Ngơ ngác lắng nghe trong vài giây nó chợt ho dữ dội rồi ói thốc ói tháo ra. May là tôi kê được chiếc bao ni lông ngay miệng nó nên không bị ướt bởi các chất nhầy nhụa của thức ăn và nước dãi. Dù sao thì tôi chẳng được khô ráo chút nào. Từ lúc lội xuống biển và qua hai ngọn sóng lớn áo quần của tôi đã bị ướt đẫm, nay ngồi tại một nơi mà dưới dáy là nước ẩm và bên cạnh là khối đá lạnh, thân thể của tôi càng lúc càng lạnh hơn. Cảm giác khó chịu không ngăn được cơn ói mà tôi đang kềm chế nên tôi đã ói ngay sau khi Tinô vừa ói xong. Chúng tôi thi nhau ói cho đến lúc tưởng như không còn thức ăn gì trong bụng để ói được nữa. Dù mệt lả, tôi cố gắng lục túi lấy chai dầu xanh xoa trên trán và cổ cho Tinô, tôi xoa vào mũi mình và cho một chút vào lưỡi. Mùi dầu làm tôi thấy dễ chịu vì nó giảm bớt được những mùi khó chịu xung quanh. Tinô có lẽ cùng có cảm giác như vậy nên ngưng hẳn những cơn ói khan. Sau khi gút chiếc bao ni lông và lần tay trong những tảng nước đá bên cạnh tìm chỗ đặt nó phòng cho những cơn ói tiếp, tôi áp đầu Tinô vào ngực mình rồi xoa bóp nhè nhẹ trên đầu và trán của nó. Biết Tinô thường rơi vào giấc ngủ dễ dàng khi được vuốt ve nên tôi đã dùng ngón tay làm lược xới chải đầu tóc của nó rồi liên tục vân vê hai vành tai của nó. Dễ chịu với sự âu yếm êm dịu, Tinô thở đều đều một lúc rồi im lìm ngủ. Khi nó ngủ yên lành, tôi lần bàn tay phải vào trong những cây nước đá lạnh cạnh bên để khám phá tiếp. Sau khi biết những cây nước đá này được phủ bởi trấu, lưới câu và những chiếc bố rách, tôi đã rút một chiếc bố rồi từ từ đẩy dưới chỗ mình ngồi để không phải bị thấm ướt thêm bởi nước ở bên dưới. Mặc dù chiếc bố đã bị ướt lạnh nhưng nó đã tăng được độ cao của chỗ tôi ngồi như một vật đệm và giúp tôi không phải bị thấm nước thêm. Trước khi đi, tôi được biết là chủ ghe sẽ dùng nước chảy tan từ những cây nước đá cho nước uống trong khi đóng kịch dùng chúng cho việc ướp cá dưới hầm khi đi chài. Sự tính toán có vẻ có lý nhưng không hiểu ông ta đã tính toán chuyện chứa nước tan như thế nào khi lượng nước ở dưới chỗ tôi ngồi càng lúc càng tăng nhiều hơn thêm vì những cây nước đá hình trụ vuông dài đang tan chảy ra. Mọi người dưới hầm, có lẽ cùng ở tình trạng, ngồi trên chỗ ướt át như tôi nên rúc vào nhau tìm hơi ấm. Một lúc sau, tiếng khóc, tiếng than, tiếng dỗ dành và tiếng ói từ từ lắng dịu đi và tôi chỉ còn nghe tiếng rè rè đều đều của máy ghe. Chiếc ghe lúc này có lẽ đang lướt trên mặt êm của biển nên không còn bị chòng chành nghiêng ngã như trước đó. Tôi cảm thấy đỡ chóng mặt nên không còn buồn nôn nhưng bị lạnh toàn thân nhất là hông bên phải. Lần tay phải sâu vào các khối đá lạnh để khám phá thêm, tôi mò được một cục đá có hình tam giác độ hai nắm tay và rút thêm được một tấm bố nhỏ. Chèn tấm bố bên hông phải mình xong, tôi bỏ cục đá vào một chiếc bao ni lông, cột chặt lại rồi nhét vào trong túi áo. Hai túi áo khoác của em gái tôi có hình vuông cạnh dài đến mười bảy xen ti mét nên chứa được nhiều thứ như chai dầu xanh, gói chanh đường, vài gói sâm nhỏ, và vài chiếc bao ni lông. Những thứ này không hề bị thất thoát sau những lần tôi leo lên trượt xuống ở mạn ghe khi vật vã bởi những ngọn sóng lớn. Ngay cả chiếc giỏ vải bé xíu mà tôi tròng vào cổ, đang ở dưới người Tinô vẫn còn nguyên các thứ. “Anh kia gửi cho chị gói này nè.” Tôi giật mình đón gói đường tẩm chanh từ tay người ngồi trước mặt. Thì ra chồng tôi đã xuống hầm ghe từ lúc nào nên nhờ người ngồi cạnh chuyển gói đường này cho tôi để bày tỏ sự quan tâm. Vài giọt nắng xuyên qua các kẽ hở của những tấm ván trên hầm cho tôi biết trời đã sáng. Lúc này có lẽ ghe chúng tôi đang trôi giữa các chiếc ghe đánh cá khác nên ông chủ ghe bắt tất cả tất cả thanh niên xuống hầm. Chắc chắn là ông đang rất căng thẳng vì nghĩ đến tiếng la khóc bất chợt của mấy đứa trẻ trong lúc gặp ghe tuần của công an biên phòng hay những chiếc ghe đánh cá khác cạnh kề. May mắn là dưới hầm ghe đã trở nên yên tĩnh hơn. Những tiếng khóc, ho khan, nôn oẹ, ói mửa, và cằn nhằn từ từ giảm dần và mất hẳn đi. Mấy đứa trẻ có lẽ mệt mỏi đã chìm trong giấc ngủ, còn những người lớn đã quen với môi trường ẩm ướt và hôi hám nên im lặng với ý nghĩ riêng của mình. Tôi không biết những người khác nghĩ gì; còn tôi thì nhẩm tính đến khi nào ghe sẽ ra hải phận Quốc Tế.Tôi nhớ như in là chiếc thúng chở chúng tôi ra ghe lớn khoảng hai giờ sáng và chúng tôi đã xuất phát sau đó khoảng nửa giờ. Nếu căn cứ theo sự tính toán của anh Thảo và chồng tôi trước ngày đi thì phải đến ngày hôm sau ghe chúng tôi mới ra khỏi hải phận Việt Nam . Hôm nay là thứ năm ngày 30 tháng 3 năm 1989. Sáng thứ năm nào tôi cũng có hai tiết địa lý lớp sáu tại điểm chính. Nhìn ánh nắng sáng qua khe hở trên sàn, tôi đoán lúc ấy khoảng mười giờ và nghĩ rằng học sinh của lớp học mà tôi đảm trách giảng dạy hôm nay đang xôn xao vì sự vắng mặt của tôi. Ông hiệu trưởng chắc hẳn đang thắc mắc vì sự vắng mặt không lý do một cách bất thường này. Ông có biết là tôi đi vượt biển chưa thì tôi chẳng thể nào đoán được nhưng tôi chắc rằng cư dân ở xóm Cù Lao đã bàn tán sự vắng mặt của nhiều người trong xóm và chắc chắn công an biên phòng đã phát hiện chuyến vượt biển của chúng tôi. Tin tức trong thành phố biển Nha Trang thường được loan truyền rất nhanh cho nên chẳng mấy chốc nó sẽ lan đến trường tôi dạy. Hình dung cảnh các giáo viên trường xì xầm như những khi có tin người trong thành phố vượt thoát, tôi cảm thấy tim mình bồi hồi xúc động. Rồi tôi đã lo lắng hồi hộp khi nghĩ đến cảnh ông hiệu trưởng tức giận vì bị khiển trách, và sự kém may mắn của chuyến đi của tôi khi bị công an tuần tiểu bắt đưa về đất liền. Đầu tôi liên tục vang lên những lời phê bình của cấp trên của ông: “Đồng chí làm hiệu trưởng như thể nào mà không quản lý được tư tưởng chính trị của giáo viên đồng chí? Một giáo viên có tư tưởng phản động đến thế mà đề cử danh hiệu giáo viên tiên tiến của trường mấy năm liền như thế à?” Sau đó là những câu biếm nhẽ của những người cán bộ dành cho những người trốn ra khỏi nước mà tôi thường nghe: “Sau chiến tranh, đất nước khó khăn không góp sức góp phần trong việc xây dựng đất nước lại trốn ra nước ngoài! Vinh hạnh gì loại người bám theo ngoại bang để chực bơ thừa sữa cặn!”, “Đấy là bọn vong bản,bám đít ngoại lai! Chúng chỉ muốn làm tôi mọi cho bọn Tư Bản nước ngoài nên phải trốn đi!” và“ Chết chìm, chết biển cũng đáng cho lũ phản bội tổ quốc!”Càng suy nghĩ, tôi càng cảm thấy rất buồn tủi và đau lòng. Chua xót nhất là tội danh phản bội Tổ Quốc mà mình đang bị gán ghép. Thật là chua xót cho một người bị mang tội phản quốc như tôi lại là người mơ ước được sống và chết nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ước mơ này đã khảm trong tiềm thức của tôi ngay từ thời thơ ấu và có lẽ nó sẽ theo tôi đến cuối cuộc đời cho dù tôi chẳng hiểu mình sẽ còn sống được bao lâu trên chiếc ghe lênh đênh chưa đến bến bờ và không biết sẽ chết ra sao. Nghĩ đến chuyện ra đi không bao giờ được trở lại, tôi tự hỏi không biết giờ này trên sàn tàu, ông chủ ghe và những người phụ lái có còn được nhìn lần cuối những viền đất xanh rì cây cối của những đảo xa của Nha Trang không; nhưng khi ý thức là mình thật sự xa bà con thân thuộc và xóm giềng, tôi đã âm thầm rơi nước mắt. Tôi đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến sự phiêu lưu của mình không biết sẽ ra sao trong lúc ông nội chồng và mẹ chồng lọm khọm nhang đèn cầu nguyện trời phật ngày đêm. Càng nghĩ, tôi càng nhớ đến sinh hoạt thường ngày của gia đình chồng. Trưa nay không có tôi chắc mẹ chồng tôi sẽ tự làm lò trấu để đun hay chỉ dùng vài bã mía khô để nấu qua loa cho bữa ăn chỉ còn hai người. Mà có thể là họ không nấu nướng hay ăn uống gì vì đang lo lắng và nóng lòng chờ tin của chúng tôi. Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt kinh hãi của bác gái dâu của tôi khi tôi thành thực nói cho bà biết là tôi sẽ đưa Tinô đi vượt biển. Lúc ấy, hình như tâm trí bà chứa đầy hình ảnh hiểm nguy mà mẹ con tôi sắp chuốc nên ánh mắt bà đã toát ra sự lo âu đến cực cùng. Ngày hôm đó, khi về thăm nhà, tôi đã tâm sự với bà một cách thành thật như với mẹ ruột mình vì tôi không gặp được mẹ ruột của tôi. Mẹ tôi đang bận mót lúa tại quê ngoại nên không hề hay biết chuyện tôi mang con dại đi vượt biển. Khi tôi mượn chiếc áo khoác của cô em gái, cô ta đã nói với tôi là: “Chị sẽ trả nó lại cho em thôi!” Giờ này, chắc em gái tôi vẫn còn tin là tôi sẽ quay trở về như lần trước chứ chẳng bao giờ ngờ là tôi đang lênh đênh trên biển trong tình trạng chưa biết sống chết ra sao. Chị em tôi, cùng là cô giáo nhưng chẳng hề giúp được gì cho mẹ ruột của mình. Trong khi tôi phải làm bao nhiêu việc mà không đủ nuôi con của tôi thì em gái tôi vừa dạy, vừa bán bánh, vừa bán thuốc lá lẻ ở chợ vẫn không đủ nuôi con của cô ấy. Tôi không hiểu mức độ chua xót của mẹ tôi đến dường nào đối với hoàn cảnh của chúng tôi, nhưng khi nghĩ đến bà, tôi hình dung rất rõ những nét nhọc nhằn trong đôi mắt sâu, trong từng nếp nhăn trên trán và trong những đường khô nứt trên môi. Kèm theo nỗi khổ sở hằn sâu lên khuôn mặt ấy, sự vất vả cơ cực đã chồng chất trên tấm lưng còng của bà liên tiếp theo tháng ngày mà không biết đến bao giờ mới ngơi. Sau năm 1975, vì không còn vốn để buôn bán bà đã xoay đến chuyện lượm từng hạt gạo rơi ở những chỗ buôn gạo ngoài chợ nay lại lam lũ mót từng hạt lúa ở những cánh đồng vừa gặt xong. Nghĩ đến đời sống tần tảo khổ nhọc của bà, lòng tôi trĩu nặng. Chưa bao giờ tôi khao khát được sống và được đến bờ tự do. Hết lời kêu gọi tấm lòng từ bi của trời phật, tôi cầu xin cho ghe chúng tôi được thuận buồm xuôi gió và đến bến bình yên. Những người ngồi gần, có lẽ cùng chung tâm trạng như tôi, tựa vào nhau cầu nguyện theo tôn giáo riêng của mình trong những tiếng thì thầm. Thời gian trôi qua tưởng chừng như vô tận. Rồi chúng tôi đã thiếp đi, và ngủ gà ngủ gật lên nhau. Đột ngột, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gọi của những người trên sàn. Họ chuyền cơm nước xuống và gọi chúng tôi đón lấy. Những chén nhựa chứa cơm và những ca nước được chuyền tới tay từng người. Chúng tôi nhận cơm lại thành nắm để ăn trong khi chuyền nhau uống chung một ca nước. Cho Tinô ăn xong, tôi ăn phần thừa của nó rồi cất phần mình vào túi ni lông để dành. Tôi không thấy đói vì cảm thấy vui với niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng. Những tia nắng nhạt nơi khung cửa của nắp hầm báo hiệu trời dã về chiều. Ghe chúng tôi đã đi hơn nửa ngày; chắc chắn là chúng tôi đã thoát được sự đuổi bắt của công an. Vài người đàn ông, có lẽ có cùng ý nghĩ với tôi, nài nỉ ông chủ ghe cho lên sàn cho thoải mái nhưng ông ta một mực từ chối với lý do vẫn còn nhiều tàu Quốc Doanh đánh cá ngoài khơi đang trên đường quay về đất liền. Ông nói là nếu những chiếc tàu ấy thấy ghe chúng tôi có nhiều người sẽ nghi ngờ và gọi báo công an thì cuộc đuổi bắt không thể nào tránh khỏi. Nghe những lời đối thoại của họ, những người đàn bà không nói gì. Riêng tôi, tôi lại rơi vào tình trạng bất an vì hiểu là ghe của chúng tôi vẫn chưa đến hải phận Quốc Tế. Trong khi mọi người trong hầm ngột ngạt vì không khí im lặng nặng nề, một tiếng khóc rất non nớt của một đứa trẻ sơ sinh vang lên. Ông chủ ghe lại thò đầu xuống cửa hầm, với khuôn mặt đầy lo lắng. Ông gợi ý với người đàn bà đang vỗ về đứa nhỏ là hãy thăm chừng nhiệt độ của nó và nên cho nó bú thường xuyên hơn. Giọng nói đầy lo lắng của ông khiến tôi nhớ đến lời kể của anh Thảo. Thì ra ông chủ ghe đã đưa vợ con ông đi cùng và đang lo lắng tình trạng sức khỏe của đứa con sơ sinh của ông. Tôi không đoán được là ông có bao nhiêu đứa con và có tất cả bao nhiêu đứa trẻ đang ở dưới hầm nhưng khi nghe những đứa trẻ khác khóc hòa theo tiếng khóc của đứa con Út của ông bà chủ ghe, tôi hiểu được là số con nít trong hầm ghe không ít hơn số tham gia của người lớn. Vì chúng khá đông nên cùng thi nhau khóc dai dẳng mà không một người lớn nào có thể làm ngưng được. Ngay cả Tinô, vừa mới ăn ngủ no nê, cũng hòa với chúng la khóc inh ỏi như bị ai nhéo. Bất lực với chứng khóc bất trị của chúng, chúng tôi đành chịu đựng ngồi yên. Độ nửa giờ sau, khi tiếng khóc của những đứa trẻ được giảm đi thành những tiếng ri rỉ thì những tiếng kêu trời kinh hãi của chúng tôi vang lừng trong hầm ghe. Lúc này, chiếc ghe nghiêng qua lại với độ chênh khá lớn nên tất cả mọi người dưới hầm đều bị lăn từ bên nọ sang bên kia, lộn xộn không theo vị trí nào nhất định. Sau một hồi xoay quần các chỗ, tôi bị tống vào giữa. Tại đây tôi lãnh hầu hết thức ăn và nước dãi từ những cái nôn oẹ xung quanh. Mọi người chẳng khác gì tôi; người nọ xả lên người kia hàng hà chất nhầy nhụa đầy thức ăn lẫn các thứ nước khác trong khi hứng lại hầu hết những thứ cùng như thế. Hòa với tiếng la, tiếng khóc, tiếng ói mửa là tiếng đập rầm rầm của nước. Những tiếng đập hung tợn làm tôi liên tưởng đến những cơn sóng cao ở gần bờ và cảm thấy sợ hãi khi tưởng tượng các miếng ván gỗ xung quanh chiếc ghe Çang long ra và như sắp sửa vỡ tung ra. Lần này, những tiếng cầu nguyện không còn thì thầm như trước. Tất cả tên các vị thượng đế trên trời đều được gọi thật to. Chỗ thì gọi Chúa, chỗ thì gọi mẹ Maria, chỗ thì gọi Phật Tổ, phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát rồi cả phật Di Lạc. Tuy nhiên, chúng tôi có kêu gào các đấng từ bi bao nhiêu, chiếc ghe vẫn không ngừng lắc lư nghiêng ngã. Dồn cục vào nhau, chúng tôi cùng lăn qua lộn lại. Có lúc tôi cảm thấy như được đưa bổng lên cao, rồi bị lăn xuống theo những cái đánh rầm của khoang ghe. Có lúc vừa bị nghiêng sang phải lại ngã ngay sang trái, sau đó vừa bị trượt ra góc sau cùng lại bị tuột trở lại vào trong. Tinô vừa khóc, vừa ói, vừa kêu mẹ rối rít mặc dù nó đang ôm chặt cổ tôi và ngồi ngay trên bụng tôi. Tệ hại chẳng kém gì tôi, đầu tóc, áo quần, chân tay của nó không một chỗ nào khô ráo. “Đưa con đây cho anh!” Quay sang người vừa nói, tôi nhận ra chồng tôi đang ngồi cách tôi chỉ một người. Chuyền Tinô sang cho anh xong, tôi tìm cách lết gần anh hơn. “Em bị ngộp quá!Chắc con cũng vậy. Mình tới xin ông chủ cho lên 'boong' ngay, nếu không, trước sau mình cũng chết ở đây thôi.”Nói xong, tôi nhất định lần đến chỗ cửa hầm van nài ông chủ ghe kéo lên cho bằng được. Vợ ông chủ ghe cũng kêu tên ông nhưng ông không thò đầu xuống như những lần trước. Một người phụ lái thò đầu xuống báo là ông chủ đã đồng ý cho những người muốn leo lên sàn.