Hôm nay là lần gặp thứ 4 giữa bà Yên và Jo. Bà nhìn cô dịu dàng: -Sông An, tôi muốn em biết rằng bắt đầu hôm nay là giai đọan khó khăn nhất của việc điều trị chứng PTSD cho em. Những lần trước tôi đã giới thiệu sơ sơ về PTSD, về những kỹ năng thư giãn và phương pháp suy nghĩ để giúp em tránh bị trầm cảm nặng nề hơn trong giai đoạn hai này, tôi nghĩ rằng em đã sẵn sàng. Em nghĩ sao? -Em ok ạ. -Tôi muốn em biết rằng trong những ngày sắp tới, bất cứ lúc nào em cần tôi, đêm hay ngày, giờ nào cũng được, em có thể gọi cho tôi. NẾu không gặp thì nhắn lại số điện thoại và tôi sẽ gọi ngay trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Tôi nối điện thoại văn phòng vào điện thoại nhà và điện thoại cầm tay, nên em cứ gọi thoải mái. -Dạ. -Tôi cũng muốn em biết rằng giai đoạn này đau khổ nhất nhưng quan trọng nhất và cho em nhiều lợi ích nhất, không những trong việc điều trị mà còn giúp em trong đời sống cá nhân và chuyên nghiệp sau này. Em hiểu chứ? -Dạ. -Tốt. Em kể tôi nghe về giấc mơ tối qua đi, hồi nãy em nói em gặp ác mộng. Jo ngập ngừng rồi nhắm mắt tìm lời kể: -Trong mơ em thấy mình trôi lềnh bềnh trên biển, trên lưng một con cá voi lớn, máu chảy đầm đìa ướt mặt em, và nắng, nắng cháy da em. Môi em khô nứt, và em không thể gọi hay la gì khi thấy con tàu trắng giương cờ màu xanh. Em la mãi la mãi rồi giựt mình tỉnh dậy thì nước mắt đầm đìa. Yên nhìn sâu vào mắt Jo, giọng đều đều: -Trong mơ em rất sợ, sợ bị bỏ rơi, sợ bị chết, và đau đớn trong cơ thể nữa, đúng không? -Một phần thôi. CÔ nói em mới thấy lạ, em giận lắm, em giận vô củng, nhưng không biết vì sao. Tại vì sao em lại giận phải không cô? -... -Mấy hôm nay em từ từ lấy can đảm nhớ lại chuyến vượt biển ngày ấy. Em không nhớ chi tiết, chỉ biết rằng tàu bị cướp biển tấn công hai lần, chúng lấy hết vàng bạc tiền, đổ nước và thức ăn xuống biển rồi bỏ đi cho tàu chết từ từ. Em nhớ mẹ em ôm em vào lòng, lấy tóc che nắng cho em. Hai rồi ba ngày trôi qua, tàu chết máy vì hết dầu, mà chưa gặp thuyền nào đi ngang cứu. Tiếng cầu kinh lặng dần vì không ai còn sức. Em nhớ, em nhớ... Jo nắm chặt hai bàn tay, răng nghiến lại, em oằn mình trên ghế, lấy hết sức nói tiếp: -Em nhớ mình thiếp đi và ở đâu ra dòng nước chảy vào miệng. Lâu lâu em lại thấy nước chảy vào miệng, và khi em tỉnh lại thấy mình ở trên tàu của Liên Hiệp Quốc. Em còn nhớ vật đầu tiên em thấy là lá cờ xanh với hình hai nhành nguyệt quế bay phấp phới ngoài bong tàu. Bà Yên hít một hơi dài, thở ra chầm chậm, rồi tiếp tục hít thở cho đến khi Jo làm theo. MỘt khoảng im lặng thật lâu trong văn phòng, Jo nói tiếp: -Mẹ em và nhiều người khác chết đi, chỉ còn khoảng 10 người sống sót, mà em là đứa bé duy nhất. Người ta kể rằng mẹ đã cắt ngón tay lấy máu cho em uống. Khi thuyền cứu hộ tìm được tàu em, thì tay mẹ bị cắt nát bét và mẹ đã tắt thở được 1 tiếng đồng hồ. Mẹ đã chết đi cho em được sống. Ôi mẹ ơi. Nói đến đây Jo co hai chân lên ghế, gục đầu xuống khóc nức nở. Bà Yên đứng dậy, quỳ xuống bên cô và để một bàn tay lên lưng cô. Cứ thế người khóc người quỳ khoảng hơn 20 phút. Jo từ từ dịu lại, lấy giấy lau mắt rồi hít thở thật sâu. Bà Yên trở về ghế ngồi. Jo ngước lên nhìn bà: -Đã lâu rồi em không khóc. Đã lâu rồi em không thể nhớ đến cảnh tưởng đó. Em cố gắng shut it out, chôn nó vào đáy lòng, và cứ bị ác mộng hoài. Bà Yên nhìn Jo, nét mặt như già thêm vài tuổi, bà nhẹ nhàng nói: -Đó là một kỷ niệm quá đau khổ cho em, và em còn quá bé. Điều duy nhất em có thể làm để vượt qua là quên nó đi, nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm trí em, vì vậy em vật lộn với nó và bị ác mộng hoài. Hồi đó chắc họ không cho em gặp counselor phải không? -Em nhớ có gặp bác sĩ, rồi họ cho em uống thuốc ngủ, rồi cho em vào trại, và sau đó qua Mỹ. -Em nhớ mẹ lắm phải không? -Em nhớ lắm. Em yêu mẹ lắm. Mẹ hay gọi em như cô gọi, Sông An, Sông An, dòng sông yên bình của mẹ. Con lớn lên phải làm người tốt, phải đem sự hãnh diện về cho quốc gia, cho gia đình. Con gái của mẹ, con mang họ Phạm, cha con là người anh hùng, con phải sống thật tốt nghen. Những ngày trên tàu là những ngày mẹ nói nhiều nhất, kể nhiều nhất về ba, về gia đình nội, về ông bà ngoại. Mẹ xin lỗi em đã đưa em lên tàu. Nước mắt lại tràn ra ướt đẫm khuôn mặt Jo. Bà Yên ngồi lặng thinh đợi Jo khóc xong, nói: -Em có bao giờ nghĩ rằng vì sao bao nhiêu năm mồ côi, bị đẩy từ nhà này qua nhà khác, vật chất thiếu thốn, tình cảm thiếu thốn, mà lại trở thành sinh viên ưu tú, được học bổng toàn phần của một đại học nổi tiếng nhất nhì vùng không? Jo suy nghĩ hồi lâu rồi nhìn bà lắc đầu. -Đó là vì em may mắn có được tình yêu của mẹ em những năm đầu đời. Theo lời em kể, bà đã yêu thương em, giáo dục em, lo lắng cho em từng ly từng chút. Bà đã chết vì em, mong em được sống. Bà đã trao vào em niền hãnh diện gia tộc, thúc đẩy em phải thành người sau này. Những năm đầu đời đó là nền tảng cho sự phát triển của em cả cuộc đời. Nó giống như khi xây nhà người ta phải xây móng trước, nếu móng vững thì nhà xây cao bao nhiêu cũng được. Em thật may mắn có người mẹ như vậy, Sông An ạ. Mặt Jo tươi lên, rạng rỡ như bông hoa gặp ánh mặt trời ban sáng: -Thiệt hả cô, dù rằng em mất mẹ từ năm 5 tuổi cô hả? Em cứ thấy trong mình một động lực phải thành công, phải vượt trội, không cho ai đè bẹp mình. Mẹ em đẹp lắm cô à. Bà dịu dàng lắm. Suốt những phút còn lại Jo kể về mẹ cho bà Yên nghe. Bà mỉm cười lắng nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu khen ngợi. Nụ cười Jo như toả sáng cả văn phòng, bà nửa vui nửa sợ, vui vì đã vượt qua được một chặng khó khăn, sợ vì những ngày điều trị sắp tới những khó khăn chỉ tăng chứ không gảim, biết bà có giúp được con bé hay không đây. Đức Mẹ ơi xin giúp chúng con, bà thầm cầu nguyện trong lòng