Bà Yên mỉm cười nhìn cô gái trẻ ngồi trước mình: -Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã giữa tháng 11 rồi. Tôi và em cũng đã gặp nhau được hai tháng, em cảm thấy thế nào, Sông An? -Em thấy nhẹ nhàng hơn hồi xưa, dù rằng em vẫn còn thỉnh thoảng bị những cơn giận bất tử, phải cố gắng lắm mới kềm chế được. Em vẫn còn bị ác mộng, nhưng xen kẻ vào đó thỉnh thoảng em lại thấy mẹ trong cơn mơ, như hồi ở Việt Nam. -Tốt, vậy là có tiến triển. Như tôi nói với em lúc đầu, cuộc điều trị này không phải một sớm một chiều, và nó tùy thuộc vào em rất nhiều, cũng như sự tin tưởng em dành cho tôi. Nhưng tôi tin với cá tính của em, chúng ta sẽ hoàn thành tốt việc điều trị, và hy vọng một ngày nào đó em sẽ thoát những cơn ác mộng của mình. Jo ngồi trầm tư suy ngẫm lời bà Yên nói. Bà hỏi: -Sông An này, nhìn lại những chuyện đã xảy ra ở trung học và vừa rồi, hình như em rất dễ nổi giận khi có những mâu thuẫn liên quan đến sự kỳ thị màu da và chủng tộc. Em có biết vì sao không? -Em nghĩ rằng có. -Nếu em muốn nói thì tôi sẵn sàng nghe em. Jo hít một hơi thật sâu, nhìn ra cửa sổ và từ từ kể chuyện đời mình: -Vì em là trẻ mồ côi, nên ở trại người ta tìm người bảo lãnh em, và có một hội Tin Lành đã làm điều đó. Khi em qua Mỹ, em ở bên tiểu bang Michigan, một cặp vợ chồng già da trắng đón em về ở chung. Những ngày vui vẻ đầu tiên trôi qua mau, họ thất vọng vì một con bé xấu xí, câm lặng, không tỏ vẻ biết ơn vì được họ đón về nuôi dưỡng đã chớ, lại không mang lại cho họ sự hãnh diện mà họ mong ước. Em thật sự muốn làm họ vui lòng lắm, nhưng không thể. Em cố gắng nhưng không làm được những việc họ muốn như nhào vào lòng họ, gọi họ là Mommy Daddy, đi chơi khắp nơi với họ. Lúc ấy em mới qua, tiếng Anh còn rất tệ, ngoại trừ môn Toán em học môn gì cũng dở, thầy cô than phiền vì quá câm lặng, và nóng tính nếu bị bạn bè chọc. Và em ngày một trở nên lầm lì hơn. Yên gật đầu thông cảm: -Em không giống như hình ảnh một đứa con nuôi mà họ mong muốn. -Đúng rồi, em không giống. Cũng tội nghiệp họ, nhưng em lúc đó còn quá nhỏ để hiểu. Rồi họ trả em lại cho hội Tin Lành, nói rằng không có khả năng nuôi em, nhưng em biết thật sự họ không thể chịu đựng được em. Nước mắt chảy dài trên mặt Jo: -Em muốn nói với họ thật nhiều là em biết ơn họ, nhưng em không thể nói. Ước gì em có thể quay lại để gặp họ. Ước gì lúc ấy em biết nhiều tiếng Anh hơn. Ước gì em khôn ngoan hơn. Yên chồm tay sang nắm lấy tay cô, nói chậm rãi: -Sông An, lúc ấy em mấy tuổi? -Dạ sáu. -Một cô bé sáu tuổi mới trải qua một trải nghiệm đau thương như thế, ở một môi trường xa lạ, sợ hãi cô đơn. Em có nghĩ rằng nó phải biết những điều trên không? -Không. Jo nói kiên quyết hơn. -Đúng rồi, đó là trách nhiệm của xã hội, của người lớn, của cán sự xã hội. Tiếc rằng thời ấy chúng ta chưa được như bây giờ. Có một lý thuyết mà tôi muốn em biết đến, đó gọi là attachment theory. Lý thuyết đó giải thích lý do vì sao trẻ mồ côi rất thân thiện và thích gặp gỡ người lạ khi được thăm trong viện lại trở nên câm nín, xa lạ, và tránh mọi cử chỉ thân thiện khi được bố mẹ nuôi đưa về nhà. Lý do là vì chúng rất sợ sự mất mát. Trong thâm tâm chúng rất muốn yêu mến họ, nhưng lại sợ rồi lại bị họ bỏ rơi, bị tổn thương một lần nữa, nên chúng đóng cửa lòng cho đến khi thật sự tin tưởng họ. Nếu cha mẹ nuôi không biết điều này, đòi hỏi ở chúng tình cảm thân thiết ngay, và sau đó khi thất vọng đem chúng trả về, thì lại càng làm cho chúng sợ hãi hơn, và sau này càng khó cho chúng thiết lập một mối quan hệ bình thường với người khác. Vì vậy hiện tại đang có những nơi đòi hỏi cha mẹ nuôi một khi đã nhận rồi thì không được trả lại. Giống như khi đã sinh ra đứa con thì phải nuôi và yêu thương nó suốt đời, dù nó có thành người ra sao đi nữa. Tình yêu vô điều kiện và sự kiên trì là yếu tố quan trọng để có thể thành công trong việc nhận con nuôi. -Như vậy, như vậy là không phải lỗi do em? -Hoàn toàn không. -Cũng không phải lỗi ở họ? -Ừm, theo tôi thì do họ là người lớn, lỗi ở họ một phần, nhưng đó là cá nhân tôi nghĩ thế. Nếu nghĩ như em, do họ không có hiểu biết, không được giúp đỡ từ cán sự xã hội, thì không phải lỗi ở họ. -Em rất quý họ. Đã nhận một người xa lạ về sống chung, cố gắng yêu thương mình, em rất quý và biết ơn họ. -Em là một cô gái nhân hậu. Rồi sau đó cuộc sống em ra sao. -Sau đó em bị đẩy từ foster home này qua foster home kia, không ở lâu được hơn một năm. Những tháng ngày đó thật khủng khiếp. Em không có bạn bè, bị kỳ thị, bị ghét bỏ. Vì em không biết nịnh, cho nên ít được thương, và có khi bị bỏ đói. Em bị gọi là ‘banana,’ ‘con câm,’ ‘da vàng mũi tẹt,’ ‘xấu xí.’ Em bị ăn hiếp, bị đánh bởi những đứa trẻ khác và em cũng đánh lại chúng. Cho đến năm em học lớp 8, em đã được một cô giáo yêu thương, nâng đỡ, cho em ở lại lớp sau giờ học phụ giúp cô ấy. Ngày nào cô cũng nói chuyện với em, nghe em kể chuyện, khuyến khích em đọc sách, kèm tiếng Anh riêng cho em. Cô khen em đẹp, nói rằng nét mặt em là nét Châu Á, rất có duyên. Rằng cô luôn ước có cặp mắt xếch và mái tóc thẳng như em. Nói chung là cô đã cho em niềm tin và tình yêu bản than. Cô ấy làm em nhớ những lời mẹ hay nói với em, và từ đó em trở thành học sinh xuất sắc. -Một cô giáo tuyệt vời. -Vâng, cô ấy tuyệt vời lắm. Từ lúc ấy, em chú tâm vào việc học, giờ rảnh là vào thư viện đọc sách, tránh mọi mâu thuẫn với những người sống chung. Khi em học giỏi, người lớn cũng tôn trọng hơn, tụi nhỏ thì nhờ vả và cũng ít làm phiền. Với lại em ít ở nhà, học suốt và đọc suốt. -Và trở thành học sinh ưu tú, được học bổng toàn phần vào đại học nhất nhì bang Cali. Jo cười bẽn lẽn, -Cũng may mắn thôi cô. Bà Yên lặng thinh nhìn Jo một hồi lâu: -Sông An, có lẽ tôi phải nói em nghe thường hơn, rằng em là một cô gái mạnh mẽ, thông minh, nhân hậu, và đặc biệt rất kiên cường. Một phần lớn do em có người mẹ đã yêu thương em hết mực, phần còn lại do em luôn cố gắng vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Tôi rất khâm phục em và tôi chắc rằng mình không phải là người duy nhất nghĩ vậy về em.