Chương 11
Tên Du Đãng Và Nàng Lapheu

Mỗi buổi sáng, bà Kattran bảo mang đến cho tên du đãng một mâm kẹo bánh. Trong hầm muối Brahim đã tập thói quen ăn rất ít, một cái sandwich đủ cho anh rồi. Nhưng anh vẫn thích kẹo bánh. Tuy nhiên anh tiếp tục ăn như ở dưới hầm muối, ăn từng miếng nhỏ để có thể kéo dài bữa ăn rất lâu. Dưới hầm muối, một tên tù khổ sai có thể gặm miếng đường kéo dài hơn một tuần lễ.
Chính cô bé giúp việc của ông bà Kattran mang chiếc mâm đó cho anh. Cô bé là người nhà quê và họ hàng với ông cò. Được mười lăm tuổi, tóc tai xơ xác, nước da màu mật xám tro, đôi gò má xanh mướt.
Trong làng miền núi của cô bé, quê quán cò Kattran, dân chúng đói khổ quanh năm. Họ mắc nhiều bệnh tật, bịnh thiếu sinh tố, tê thấp lao. Ở đó sự thiếu ăn trở thành kinh niên muôn đời.
Cô bé giúp việc của ông cò, tuy đến thuổi dậy thì, thân hình vẫn mảnh khảnh không một chút nở nang.
Hàng ngày nó thường mặc chiếc áo màu hoa lưu ly thảo, một thứ áo quê mùa bằng vải thô.
Đôi chân cô bé lỏng khỏng, không có bắp thịt, với hai bàn chân nhỏ, dài, mang dép. Nó trông quá thô kệch. Cô bé đã được ông chủ báo trước cho biết mặc dù là một tên nghệ sĩ, anh thợ đóng bàn ghế vẫn là một tên du đãng. Cô bé đã được lệnh không nên nói chuyện với anh thợ.
Nhưng nó nhìn người nghệ sĩ với lòng xót thương. Vì trước đây anh đã ở dưới hầm muối.
Về lịch sử của anh, cô bé chỉ thâu nhập được những chi tiết này: anh bị tra tấn, thân mình anh đầy dẩy thẹo và anh sống dưới đất suốt 10 năm trong hầm muối.
Khi cô bé nhìn Brahim, nó không thể nghĩ đến chuyện khác hơn và lệ nó trào ra khoé mắt. Thiếu chút nữa là nó xẩy chân và té, dổ chiếc mâm, vì lệ nhoà mắt khi nó trông thấy cái đầu trọc nhẵn của tên du đãng đầy thẹo, đủ hình dạng, ngững vết thẹo nhỏ giống như những hạt giẽ, những thẹo khác lớn hơn, như quả bứa, hình bầu như con sò huyết, hoặc đường thẳng như vết dao cắt.
Sáng nay, đến 8 giờ, sau khi ông cò đi làm rồi, cô bé đặt cái mâm xuống trước Brahim.
Anh tiếp tục làm việc không nhìn cô bé. Nhưng Mark với hai lỗ mũi và với tất cả lỗ chân lông, ngửi thấy sự hiện diện của cô bé chỉ cách mình vài bước mà thôi.
Anh hồi hộp nhưng vẫn không nhìn, anh đợi cô bé đi khỏi. Đứa tớ gái nhỏ tiết ra mùi trái cây rừng, mùi trái xanh. Hồi còn nhỏ, Mark rất thích trái táo rừng chua, trái anh đào xanh. Cách anh hai bước, có cái mùi hột anh đào, mùi vỏ trái bứa xanh, mùi trái giẽ cắn bể.
− Thưa ông Brahim, tôi xin vĩnh biệt ông. Ông sẽ không gặp tôi nữa, tôi sẽ đi khỏi nơi đây.
Đây là lần đầu tiên cô bé thốt ra với Brahim. Anh vẫn không nhìn, nhưng nũi anh ngửi thấy mùi dâu, mùi quả phúc−bồn−tử. Ngay cả tiếng cô gái cũng đượm mùi trái xanh.
Brahim xúc động. Đứa tớ gái lại gọi anh bằng "ông" nữa. Đấy là người duy nhất từ mười năm nay đã gọi anh bằng "ông". Chỉ mình cô mà thôi, không có ai cả. Tiếng ông cô bé Lapheu thốt ra cũng nang mùi vị của cây, của cò xanh vò nát giữa lòng bàn tay.
Cô bé lập lại:
− Thưa ông Mark, xin vĩnh biệt ông, kính chúc ông nhiều may mắn.
Mark ngước mắt nhìn lên. Cô bé đứng cách,ột thước, bàn tay buông thõng, tóc tai xơ xác, nước da màu mật xám tro, đôi má thóp và ửng hồng vì cảm động.
Hai má hông như hai quả dâu... Bé không đủ màu để làm cho hai má đỏ. Chỉ đủ cho nước da một màu hồng mét, như một thứ màu đỏ trong suốt của trái dâu vừa mới chín. Máu của cô bé quá loãng nên không đủ sức đỏ thắm như máu của đàn bà đúng tuổi. Ngay cả môi của cô cũng chưa đỏ. Người ta có thể nói đó là màu hồng của đá mắt mèo vì cô bé không đủ máu. Mọi thứ đều loãng trong cơ thể kia.
Mark chú ý nhìn thấy chiếc áo nhỏ xanh màu hoa lưu ly có nhiều điểm trắng li ti. Cô bé mang một sợi dây thắt lưng rẻ tiền bằng nhựa trắng. Đôi chân dài lõng thõng không vớ. Chân mang dép.
Đôi mắt đen sâu sắc của Mark lướt qua thân hình cô bé như những luồng quang tuyến X. Đôi mắt đã khám nghiệm hết, ghi nhận hết, Mark đã kê khai bằng cặp mắt. Cái nhìn dừng lại trên đầu cô bé. Anh khám phá trên trán, trên má, trên cằm của đứa tớ gái có những nốt nhỏ.
Anh hỏi:
− Cô đi à, có lâu không?
Anh lại ngửi thấy mùi trái anh đào, mùi cây rừng, mùi cỏ.
− Tôi đi luôn, tôi ở đây được ba tháng. Tôi có bà con với ông cò Kattran. Tôi quê ở Batra. Làng tôi rất đỗi nghèo. Ông cò bảo tôi ra tỉnh và hứa hẹn " Nếu trong ba tháng mày sống ở đây, học được khuôn phép, thì mầy ở đây luôn với vợ chồng tao. Bằng không mày trở về quê, không có thù hằn gì cả"
Cô bé xụp mí mắt xuống tiếp:
− Ba tháng làm thử đã hết. Bà không bằng lòng tôi, tôi không có cách nào thay đổi, tôi vụng về.
Đứa tớ gái khóc oà.
Mặt không biến đổi, chỉ hai mắt khóc mà thôi.
Đôi mắt màu xám xanh không một vẻ đẹp, đôi mắt của môt giống dân suy đồi và tuy nhiên, đôi mắt ấy long lanh qua màn lệ như kính pha lê. Nước mắt làm nở con ngươi và đột nhiên, đôi mắt ấy trở nên đẹp vì cái tjiếu sắc đẹp. Cả gương mặt sáng rực lên vì đôi mắt bỗng nhiên thành đẹp ấy. Đứa tớ gái trở nên xinh đẹp.
− Cô trở về quê à? Tôi nghĩ rằng như thế cô bằng lòng chớ? Cô được gặp bà con thân thuộc của cô.
− Ồ không! Không bao giờ tôi quay về quê. Ở đó đói kém và rách rưới lắm. Không!
Lệ đã ráo, ánh mắt hiện lên như ánh gươm. Hiện giờ cô bé đứng được thẳng người. Chiếc áo quá rộng đối với thân miình mảnh khảnh của cô không một đường nét. Bất kỳ chiếc áo nào mặc vào thân hình cô cũng rộng cả.
Cô bé không có ngực, không có mông. Trên cơ thể của cô không có chỗ nào mang nét đặc biệt của phái đẹp. Cô bé không thuộc phái nào cả.
− Bà và ông cò cho phép tôi được ở tám ngày nữa trong phòng của căn gác. Nếu không, ông cò sẽ cho tôi lộ phí do cảnh sát cấp phát và tôi trở về quê.
− Cô bảo rằng ông cò là bà con của cô. Tại sao ông không giúp cô tìm chỗ làm? Ông có rộng quyền hành. Ở Bucarest, một ông cò cảnh sát có nhiều quyền thế ngang hàng với nhà vua. Cô bị bắt buộc tìm một chỗ làm như tôi thì thật là kỳ.
− Ông cò đã chấp thuận cho tôi đến Bucarest để làm bồi tại nhà ông bà, nơi đây. Nhưng tôi không "thích hợp" với công việc hầu hạ Ông bà, nên tôi bị sa thải và vì vậy tôi phải về nhà quê, ông cò bảo hay nhất là tôi về quê liền, vì dù sao đi nữa tôi sẽ phải đi và nếu không, trong vòng một năm, tôi sẽ có một đứa con và tôi sẽ mắc bệnh.
Ông bảo tất cả các cô gái ở nhà quê lên đều tự nhiên có con và sau đó, họ vào khám hoặc nhà thương. Ông bảo tôi phải đi ngay để tránh cho tôi những đau khổ đang chờ đợi tôi.
Chính ông cò bảo thế?
− Đúng vậy. Tất cả các cô gái ở làng tôi lên tỉnh, lúc trở vể đều có con mang theo, hoặc bệnh tật hoặc ra tù. Ông cò không muốn mang trách nhiệm. Ông cò nói rằng thành phố Bucarest là một thành phố cạm bẫy của các cô gái nhà quê.
Và tôi phải đi trước khi có một chuyện chẳng lành xẩy đến cho tôi.
− Chính vì thế mà ông không muốn tìm cho cô một chỗ làm chứ gì?
Ông bảo trong làng chúng tôi quá đói khát và quá ngược đãi nên có thể sống thoải mái ở thành thị. Ông nói vì bổn phận nên ông mới gửi trả tôi về quê. Nếu tôi đã đủ khả năng làm việc thì tôi ở lại đây luôn, điều đó lậi khác. Nhưng tôi lại không thành công.
− Ông cò khắt khe quá. Nhứt là đối với một cô bé họ hàng..
− Phải ông ấy khắt khe, nhưng có lý. Tất cả những người con gái làng bỏ đi, mọi việc điều xẩy ra y như ông nói. Ông cò không muốn nhận lãnh trách nhiệm về một ngươi chắc gặp rủi ro là một chuyện thông thường.
− Thế là đúng. Ông là cảnh sát mà.
Mark và cô bé tránh nhìn nhau.
Cô bé nói gương mặt sáng rỡ lên:
− Tôi hy vọng tìm được một chỗ làm. Tôi đã tìm được một chỗ ở đàng kia. Việc này thích hợp với tôi. Thợ làm vớ. Nhưng ông giám đốc bảo tôi phải có đúng mười sáu tuổi mà hiện giờ tôi còn một tháng nữa mới được mười lăm tuổi.
Tôi phải đợi thêm mười ba tháng nữa. Đến lúc đó ông Giám đốc mới nhận tôi vào xưởng làm... những đôi vớ của đàn bà, toàn bằng lụa. Tôi rất thích nghề này.
Mark buồn bã nhìn thân hình gầy guộc của cô bé. Chiếc áo xanh. Anh có thể giúp cô bé, bảo đảm cho cô. Nhưng cô bé còn vị thành niên. Nếu ai chạm tới cô bé, chính kẻ đó bị kết tội khỏi điều tra. Chính anh Brahim là người muốn bảo vệ mà anh lại không dám giúp đỡ. Anh buột miệng nói:
− Vĩnh biệt. Cô tên là gì?
− Lapheu
− Lapheu? Chính là họ của cô mà...
− Phải
− Thế còn tên cô?
− Lapheu. Tôi tên là Lapheu, Lapheu. Hai lần Lapheu.
− Này Lapheu à, chính vì cô còn nhỏ, nên tôi muốn giúp cô một cái gì. Với tất cả sự thành thật của tôi. Nhưng tôi phải chịu phép. Tôi bị "để ý" rồi cô à!
− Em cảm ơn ông lắm. Em rất hân hạnh được ông muốn giúp đỡ.
Brahim sụp mí mắt xuống. Giọng nói của Lapheu không chứa đựng một sự nghi ngờ nào cả.
Cô bé đã si tình anh, cũng như bao nhiêu người đàn bà khác mà anh đã gặp trong đời của anh.
Mark chẳng khác gì đá nam châm; tất cả mọi người đàn bà đều bị anh thu hút. Ngay cả cô bé xấu xí này, người khẳng khiu hãy còn là một đứa trẻ con. Anh lấy vẻ nghiêm khắc thận trọng giải thích:
− Ý định cô tốt, phải rồi, đừng kể đến, Tôi có thể làm được thực sự có kết quả, nhưng tôi không muốn, tôi có thể gửi cô cho mẹ tôi.
Bà là một người đáng kính mến, bà có thể tìm ngay cho cô một việc làm và một chổ ở. Mẹ tôi đã tìm việc làm cho mấy cô gái trong xóm luôn.
Bà sẽ gởi cô cho một bà láng giềng. Cô sẽ học ủi, học giặt, học đan giống như tất cả mấy cô gái trong xóm tôi.
Nhưng điều đó sẽ có nhiều rủi ro lắm. Tôi là một tên tù khổ sai đang hưởng tự do tạm. Cô còn vị thành niên. Chỉ cần một tên cảnh sát thấy chúng ta đứng gần nhau hoặc ai tố cáo, thì không cần điều tra, tôi sẽ xuống hàng trăm thước dưới dất tại hầm muối.
Với tôi, một cô gái vị thành niên, mặc dầu đứng cách xa, cũng có giá trị như một vé vào hầm muối.
Vì vậy tôi không giúp được gì cho cô cả. Tự do của tôi treo trên sợi chỉ, lại không được thứ chỉ may, mà là thứ chỉ lưới nhện. Vì vậy, tôi xin vĩnh biệt cô.
Cô không được tên du đãng giúp đỡ. Mặc dầu cô muốn yên thân, trong lúc còn nhỏ dại, một tên du đãng không thể giúp đỡ cô, ngay cả ông giám đốc nhà may kéo sợi cũng vậy, không thể nhận cô vào làm trước khi cô đủ tuổi.
Vĩnh biệt cô bé.
Mark đưa tay ra cho cô bé, một bàn tay, mặc dầu sau mười năm làm việc nặng nhọc, vẫn trắng bạch như bàn tay một vị Tổng giám mục.
− Tôi chúc cô may mắn. Nhiều may mắn. Và tôi cảm ơn cô vô cùng. Tôi không quên cô được vì cô đối với tôi quá đặc biệt.
− Thưa ông Mark, tôi đã làm gì mà ông cảm ơn?
− Nhiều lắm rồi. Tôi không quên cô. Cô là người duy nhất trong 10 năm nay đã gọi tôi bằng tiếng "ông".
Dường như tôi được ân thưởng huy chương. Tôi cảm thấy vừa hội phục lại nhân vị của tôi giữa những người khác. Dưới hầm muối không ai gọi mình bằng "ông". Tôi là Mark Brahim.
Có nhiều người quen tôi, thương tôi như mẹ tôi chẳng hạn. Và những người quen biết cũ. Họ đều gọi tôi bắng tên.
Tôi đa tiếp một vị giáo sĩ đến thăm. Tôi đã nghĩ chắc ông sẽ gọi tôi bằng "ông". Khi trong mười năm không ai gọi tôi bằng "ông", cô không thể tưởng tượng nổi cái tiếng "ông" ấy nó mang một sự quan trọng như thế nảo?
Cái quan trọng của tiếng ấy giống như cô mặc áo đại lễ, mang giày đánh bóng. Nhưng người ta đã từ chối gọi tôi bằng "ông". Vị giáo sĩ thật vô cùng khả ái. Nhưng ông lại gọi tôi bằng "con". Chỉ có mình cô gọi tôi bằng "ông" cám ơn cô Lapheu.
Brahim tiếp:
− Bây giờ cô đi, ai biết được bao lâu nữa mới có một người gọi tôi bằng "ông", Không biết bao giờ có một người gọi tôi như vậy. Thôi vĩnh biệt cô.
Lapheu cúi đầu. Đôi má cô nóng bỏng.
Nước mắt cô rơi trên áo xanh. Cô đã nói hết ra những điều gì mà cô chất chứa từ bấy lâu, Mark cũng vậy. Đây là dịp anh bộc bạch hết những điều mà anh từng ấm ức, Cả 2 người không còn một điều gì nữa để nói thêm.
Và tuy nhiên cô bé chưa chịu đi, cô còn đứng đó với chiếc áo xanh trước tên du đãng, giống như một chiếc hoa lưu ly nở ra giữa đường, con đường mà tên du đãng phải trải qua.
Và nàng ngăn chận đường của anh.