Chương 11

Mưa lạnh đập mạnh vào cửa sổ ngôi trường bằng gỗ cây, tiếng ồn phá tan bầu không khí yên tĩnh của lớp học, vì tất cả học sinh đã ra về. Eliza để lại cuốn sách bài tập cuối cùng vào chỗ cũ ở trên kệ, rồi dừng lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Bầu trời đầy mây đen, ánh sáng lờ mờ âm u và cây cối trơ trụi lá. Không khí trong phòng thật lạnh, khiến cô run lẩy bẩy. Cô vội quay về lò sưởi để tìm hơi ấm trước những khúc củi đang cháy bập bùng.
Cha Nathan Cole đang ngồi trước lò sưởi, hai vai chồm tới trước, hai cùi tay chống trên đầu gối và hai bàn tay chắp lại với nhau. Cha đến một cách bất ngờ, trước 12 giờ trưa một chút, người ướt như chuột lột và áo quần lấm cả bùn. Eliza không bỏ công thuyết phục cha ở lại đêm khoan đi tiếp đến ngôi nhà thờ ngoài xa dưới trời đang giông tố này.
− Thời tiết như thế này làm cho tôi muốn cuộn người trước lò sưởi với một cuốn sách hay, - cô nói, rồi cười vì thấy vô tình cô đã nói một cách văn hoa. - Nói thế không có nghĩa là tôi muốn nói đến sách Thánh đâu.
− Xin lỗi cô. Có phải cô đề cập đến chuyện gì đấy ư?
Eliza định lặp lai ý ấy, nhưng rồi cô bỗng thấy vẻ luống cuống của ông, cô bèn đổi ý. Cô nói:
− Hôm nay tôi đã chú ý đến bọn học trò. Tôi thấy chúng có vẻ rất thích bài dạy của cha.
− Vâng, vâng, chúng thích thật, - ông gật đầu, rồi ông lại lơ đãng không chú ý đến cô.
− Có gì không ổn sao, Nathan?
− Không, ổn cả, - ông lại có vẻ thẫn thờ như trước, rồi lại ngồi yên trầm ngâm suy nghĩ trước khi nói tiếp, - Không, không có gì đâu.
− Không đúng. Cha đang gặp điều gì đấy đáng lo. Nào, chuyện gì thế? - cô hỏi, tự nhiên giọng cô trở lại giọng một cô giáo nghiêm nghị.
− Tôi,... - ông chùi mạnh hai tay vào nhau, để lộ sự chấn động sâu sắc trong lòng. - Tôi... không thể để cho cô bận tâm vì chuyện khó khăn của tôi,... vì tình trạng tiến thoái lưỡng nan của tôi.
− Tại sao không? - Eliza kéo ghế đến ngồi sát vào lò sưởi. - Tôi nghĩ tôi là bạn của cha mà.
− Đúng thế, - ông thú nhận rồi thở dài. - Tôi gặp rắc rối vì luật mới của bang Georgia. Cô nghĩ cái gì sẽ xảy ra do luật mới này?
− Sẽ chẳng có gì xảy ra hết. Đây chỉ là một trò bịp bợm. Bang Georgia không thể nào tin cái trò lừa bịp này qua mặt được mọi người. Ngay cả cái ý định chiếm đất của người Cherokee để chia lô ra, chia lô với ý đồ giao cho dân Georgia tại địa phương bằng một cuộc xổ số bốc thăm, là một mưu mô chứ chẳng có gì hơn. Bang Georgia không thể phân phối đất không thuộc quyền của mình. - Nghĩ đến chuyện này, cô đâm ra tức giận. - Mục đích thực sự của họ là vừa ăn cướp, vừa la làng, xúi dân chúng chống lại người Cherokee bằng cách khơi dậy lòng tham của họ. Chúng sẽ không bao giờ thực hiện được ý đồ này. - Cô nhìn cha Cole với ánh mắt dò hỏi - Chắc cha không tin là họ sẽ thực hiện được?
− Tôi không biết. Tôi không nghĩ đến chuyện này, - cha Nathan thú nhận.
− Vậy thì cha nghĩ đến cái gì? - Eliza cau mày hỏi.
− Tôi nghĩ đến điều luật sắp có hiệu lực vào mồng một tháng Ba này, điều luật buộc tất cả mọi người da trắng sống ở lãnh thổ Cherokee phải có giấy phép của chính quyền bang Georgia. Muốn có giấy phép, người ta phải thề trung thành với chính quyền Georgia, - cha Nathan lại bóp mạnh hai bàn tay với nhau ra chiều bị dao động mạnh. - Tôi biết cô không phải bận tâm đến điều luật này. Luật không áp dụng cho phụ nữ. Nhưng luật lại áp dụng cho tôi. Và thú thật với cô là tôi không biết phải làm gì.
− Phải làm về chuyện gì thế? - Cô không thấy được vấn đề khó khăn nằm ở đâu hết.
− Về lời thề. Liệu tôi phải thề không và làm thế có phải "trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar" không? Về mặt đạo đức, tôi nghĩ hành động của bang Georgia buộc người Cherokee phải bỏ đất của họ mà đi là sai trái. Nhưng tôi là một nhà truyền giáo, tôi đến đây để mang lại cho họ "Lời của Chúa" chứ không phải tham gia vào chính trị để cùng họ đấu tranh.
Eliza nhìn cha Cole với cặp mắt hoảng hốt:
− Tại sao cha lại phải thế? - cô chống đối. - Cha và những nhà truyền giáo khác là những thầy giáo tinh thần của dân Cherokee. Lâu nay cha đã dạy dỗ họ cố giữ niềm tin ấy, bất kể thời thế trở nên khó khăn ra sao hay là họ đang đương đầu với sự áp bức ác liệt như thế nào. Nếu cha thề trung thành với bang Georgia, khác nào cha đầu hàng và nói với dân Cherokee rằng kẻ thù của họ quá hùng mạnh, không đánh lại nổi, ngay cả cha nữa?
− Tôi nghĩ rồi ra sẽ như thế đấy, - ông buông tiếng thở dài thất vọng và bối rối. - Thế nhưng không tuân lệnh của bang Georgia tất phải vào tù. Nếu những nhà truyền giáo bị giam cầm thì lấy ai giúp đỡ người Cherokee? Người Moravia đã dời đi khỏi bang Georgia và để vợ lại cho giáo hội lo liệu, - ông lấy mấy ngón tay chải tóc lại càng làm cho mái tóc rối bù thêm, đoạn cha chắp hai bàn tay lại với tư thế cầu nguyện. Ông nhìn Eliza, mắt thẫn thờ lo lắng và tình trạng khó xử đang dày vò ông, - nếu gặp hoàn cảnh của tôi, cô sẽ làm gì?
Cô ngần ngừ, vì cô chợt thấy ngôi nhà này, gia đình này rất có ý nghĩa với cô. Tất cả mọi người trong nhà... Temple xinh đẹp, cô xem như người em gái; Kipp kiêu ngạo, đầy thiên kiến và khá thông minh; Sandra chậm chạp và rụt rè, luôn luôn lép vế trước người chị xinh đẹp và người anh thông minh; và bé Johnny nữa, cô đã chứng kiến cảnh bé chập chững đi bước đầu tiên; những người nô lệ, Phoebe và Shadrach, ham học và ham hiểu biết; bà Victoria Gordon yếu đuối, hình ảnh của một người mẹ hy sinh tận tụy; và ông Will Gordon, người chủ gia đình, người mà cô bắt đầu kính trọng sâu sắc.
− Tôi không thể rời khỏi đây được, - cô đáp giản dị. - Nhưng hoàn cảnh của chúng ta không giống nhau, Nathan à. Chắc thế nào giáo hội ở Boston cũng có ý kiến với cha chứ?
− Họ có ý kiến là chúng tôi nên ở lại nhiệm sở và xem tình hình xảy ra như thế nào. Nhưng đấy chỉ là lời khuyên thôi. Chúng tôi không bị bó buộc phải làm theo một lời khuyên.
− Tôi nghĩ đây là một ý kiến khôn ngoan. Theo ông Will Gordon thì Tối cao Pháp viện thế nào rồi cũng nghe theo người Cherokee. Nên họ ra lệnh ngăn cấm, thì rồi cha sẽ khỏi phải lo lắng về lệnh đăng ký này. Bang Georgia sẽ không có quyền không thi hành lệnh của liên bang.
− Nếu tôi bị bắt trước khi Toà án Tối cao phán quyết thì sao? Hay là nếu tòa không ra lệnh cấm thì sao? Tôi phải thề hay là đi ở tù? Tôi không biết theo đường nào thì đúng, - ông lắc đầu, đau khổ không biết quyết định ra sao. - Nhiệm vụ của tôi là phải sống với người Cherokee, đừng để bị tù mà phải xa cách họ. Nhưng nếu tôi thề thì liệu tôi có mất niềm tin và kính trọng của họ không? Nhiệm vụ của tôi là phải phục vụ họ để họ tin tưởng, hy vọng vào Đấng Tối Cao. Vậy tôi phải làm gì mới phải?
Eliza hết cả kiên nhẫn. Với cô, câu giải đáp đã rõ ràng rồi.
− Nếu cảnh vệ Georgia đến bắt cha, cha nên nói với họ rằng cha xem mình là người Cherokee. Tôi sẽ làm như thế đấy.
− Eliza, cô nói nghe đơn giản quá! - Ông cười với cô, nụ cười dịu dàng, buồn bã.
− Thế đấy. Tình hình chung là thế đấy. - Cô vùng đứng dậy và quay người nhìn vào lò sưởi, cố kìm hãm cơn giận trong lòng lại. - Mọi người đều tuyên bố đây là một cuộc tranh cãi để ai có quyền làm chủ vùng đất này. Nhưng người Cherokee có mặt trước ở đây, vậy thì còn đặt ra vấn đề làm gì? Tôi là phụ nữ, nhưng tôi vẫn thấy chuyện này là âm mưu giữa bang Georgia và chính quyền Jackson. Với những thủ đoạn tàn bạo, cướp bóc trắng trợn và những kẻ buôn rượu lậu đổ vào, bang Georgia hy vọng sẽ làm cho đời sống của dân Cherokee quá khốn khổ để buộc họ ký một hiệp ước mới nhường đất. Nếu những người Cherokee có cầm vũ khí chống lại những kẻ áp bức thì tôi cũng không trách họ.
− Cô không biết tình thế mới nói vậy thôi. Việc cầm vũ khí chống lại của dân da đỏ sẽ tạo cớ cho bang Georgia đưa quân đội vào đây. Tình hình còn tệ hơn nữa.
− Cha nói đúng. - Thất vọng và chán chường, cô nhìn ngọn lửa trong lò sưởi, nhìn những ngọn lửa liếm trên than hồng rồi từ từ đốt cháy củi và lắng nghe tiếng mưa rơi đập ầm ầm lên cửa sổ. Cô phân vân không biết rồi ra bang Georgia có thành công trong việc làm tiêu tan ý chí của người Cherokee không. - Cha Nathan này, cha có nghĩ là ông Will Gordon và các đại biểu khác sẽ ký hiệp ước từ bỏ đất đai của mình không? - Nghe chính mình nói, câu hỏi của cô cũng sặc mùi bội phản.
Hất đầu ra sau, Nathan cau mày nhìn cô, vẻ kinh ngạc:
− Không. Nếu ký thì họ sẽ chết!
Câu trả lời quá nhanh, có tính khẳng định quá mạnh, đến nỗi Eliza bàng hoàng:
− Họ chết à? Tại sao thế?
− Bởi vì... làm thế là vi phạm "Luật Máu" của họ, - ông trả lời với vẻ hết sức miễn cưỡng.
− Luật máu? Luật gì thế?
Lại một lần nữa, Nathan tỏ ra miễn cưỡng phải trả lời:
− Đó là điều luật thiêng liêng lên án tử hình bất kỳ người Cherokee nào ký nhường đất của xứ sở mà không có phép đặc biệt của Hội đồng.
− Tôi chưa hề nghe nói đến luật này.
− Tôi biết có một trường hợp duy nhất được đem ra áp dụng, áp dụng lâu rồi, vào năm 1807. Một tù trưởng có tên Lưỡng Đầu đã ký một hiệp ước với chính quyền liên bang bằng lòng nhường những vùng đất rộng lớn bao gồm bình nguyên Cumberlanh và những phần mà bây giờ là bang Kentucky. Có chuyện hối lộ đút lót dính dáng vào việc này. Để trừng trị kẻ phản bội, một tốp người được lệnh hành quyết ông ta.
− Họ đã hành quyết ông ta? - Mặc dù đã biết câu trả lời, nhưng cô vẫn hỏi, vì có cái gì đấy thôi thúc cô hỏi.
− Đúng. - Khi Nathan dừng lại, cô có cảm tưởng cha không hài lòng về một hình phạt nghiêm khắc như thế. - Cách đây hai năm, Hội đồng Quốc gia đã thông qua Luật Máu, biến luật này thành luật chính thức nằm trong luật lệ của người Cherokee. Kể cũng lạ, hay có lẽ để được chính đáng, Luật Máu đã được John Ridge soạn thảo. Ông ta là con trai của thiếu tá Ridge, người có chân trong ban hành quyết. Tôi nghe nói rằng thiếu tá Ridge đề nghị ngành lập pháp phải đứng ra ngăn cản những kẻ bị tư lợi cá nhân cám dỗ. - Ngồi tựa người ra lưng ghế, cha Nathan buông tiếng thở dài não ruột. - Có tin cho biết cả hai bộ lạc Choctaws và Chickasaws đều đã thương lượng một hiệp ước mới, đổi đất của họ để lấy đất ở miền Tây. Tôi không tin người Cherokee lại dễ dàng bằng lòng đến sống ở đấy. Vì họ rất mê tín dị đoan về miền Tây.
− Mê tín sao?
− Mùa hè vừa qua, khi tôi đi sâu vào tận những nơi xa xôi hẻo lánh những người Cherokee ở trong núi, tôi đã nói chuyện với một ông già vẫn còn tin vào những niềm tin tà đạo của tổ tiên họ. Ông ta không có quan niệm về trời, hay là về kiếp sau. Theo ông ta, linh hồn người chết sẽ lang thang cho đến khi họ đến "vùng đất tối tăm" ở miền Tây. Đến đấy, họ mới định cư.