Dạo đó, nhà anh Tú Mỡ ở bên đê, không rõ gần Ô Cầu Giấy hay Láng. Một hôm, ngày nghỉ, anh rủ các anh em đến thăm nhà anh. Chưa bao giờ, tôi thấy sốt ruột như thế, vì anh đạp xe một cách quá ư từ tốn, như đi dạo mát, làm cho mọi người thường phải dừng lại để đợi. - Anh đạp nhanh hơn một chút có được không?- Gia Trí hỏi gắt.- Việc gì mà vội? - Tú Mỡ điềm nhiên đáp - Sắp tới rồi. Đạp nhanh quá, nhỡ có hòn đá nào trên đường mà vấp vào thì chết...Mọi người đều phải cười.- Cẩn thận vô áy náy- Khái Hưng xuề xoà, tỏ vẻ đồng tình.Cuối cùng, rồi cũng tới đích. Một căn nhà nhỏ, cũ kỹ, nhưng thoáng mát. Chung quanh có đất trồng cây. Trong nhà đồ đạc đơn sơ. Đời sống nhà thơ nghèo, thanh đạm quá. Số lương thấp, tiền nhuận bút cũng không được bao nhiêu. Nhưng anh thấy là đầy đủ: gia đình êm thấm, thơ được nhiều người yêu chuộng.Tú Mỡ là một nhân vật đặt biệt. Trông bề ngoài, không ai nghĩ một ông phán bình thường Sáng vác ô đi, tối vác về lại có tài viết thơ châm biếm như thế. Vả lại, tính tình anh hiền lành, khiêm tốn, ít nói.Bữa cơm gia đình khiêm tốn, chỉ có thịt lợn luộc, lòng heo, đậu rán chấm tương. Thêm vào, một ly bia Hommel hay rượu Văn Điển. Sau càphê đen là tới món thuốc lào quốc hồn quốc tuý. Nhìn anh, thực gầy như con hạc. Vì thế, vấn đề biệt hiệu Tú Mỡ của anh vẫn được người ta băn khoăn. Nghe nói, trước khi lấy tên này, anh cũng đã nghĩ đi nghĩ lại. Tú thì được rồi, nhưng Tú gì mới được chứ?- Có Tú Xương rồi, hay ta lấy chữ Tú Mỡ để đối lại, người ta dễ nhớ - Khái Hưng gợi ý.- Tú Mỡ à? Nghe không ổn lắm.Thạch Lam cho rằng chữ Tú Mỡ kém bề thanh nhã. Người gầy, mặt xương xương, bộ ngực lép, không hợp lắm.Nhưng sau rồi, anh Hiếu cũng chọn tên Tú Mỡ, để khiến người đọc chú ý.Tuy bận học thi, tôi cũng thấy ngứa tay, muốn thử viết. Mới đầu là mấy bài bàn luận ngắn về hiện tượng xã hội, và phóng sự ngắn về đời sống dân nghèo, hoặc về những nơi hội hè, du lịch. Rồi, tôi cũng bước vào làng thơ mới.Thơ mới xuất hiện chậm hơn đối với các thể văn khác. Trước 1930, là thiên hạ của thể thơ Đường, hay thơ lục bát với nội dung nhạt nhẽo, không làm ai rung động. Những bài thơ lãng mạn, tình cảm, như Lamartine khóc cho Graziella, hay Beaudelaire, Verlaine ủ rũ.Tôi đi theo gió xấu, đưa tôi đi đây đi đó,giống như chiếc lá khô... (tạm dịch từ Pháp văn).Hay thì hay nhưng quả thực ủy mị quá, không thích hợp cho lắm đối với những thanh niên Việt đương sống cuộc đời nô lệ dưới ách thực dân và còn bao nhiêu những cùng khổ. Nhưng tại các tầng lớp thành thị, trong hoàn cảnh tương đối yên ổn, những văn thơ lãng mạn, than khóc đã tìm được thị trường.Xe chạy tới ga Lăng Cô, câu thơ nào đó của Phan Khôi, thực ra nó ngộ nghĩnh, và chưa là mới lắm, chỉ mới thoát khỏi quy luật cũ. Một số nhà thơ bỏ Đường Luật, làm theo lối tám chữ một câu - thể Sonnet của Pháp, dễ diễn đạt tư tưởng, không gò bó. Sau này là thể dùng nhiều nhất cho thơ mới. Tôi gặp Thế Lữ lần đầu tiên cũng ở toà soạn, cũng đương ngồi đánh cờ. Người không cao, mặt hơi vuông, cũng gầy, miệng cười rất có duyên. Tuy gầy, nhưng cái bắt tay của anh rất chặt, tỏ ra anh rất nhiệt tình. Giống như Khái Hưng, anh mặc bộ âu phục màu xám, đội mũ dạ, ăn nói nho nhã, chậm rãi. Vì thân hình gầy ốm, vì nước da xam xám, nên nhiều người cho anh là nghiện thuốc phiện - việc này có thực, nhưng lúc đó anh đã cai được.Do việc gửi mấy bài thơ đến báo Phong Hoá, Nhất Linh đã hẹn anh đến toà báo. Gặp mấy anh Khái Hưng, Tứ Ly (Hoàng Đạo) anh được cổ võ vì thái độ nhiệt thành của các anh em. Về sau, Nhất Linh đã nhiệt liệt giới thiệu Thế Lữ trong bài Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mớiBài thơ đầu tiên đáng chú ý của anh là Con người vơ vẩn trên báo số Tết. Cùng trong số đó, có bài Thiên Thai của anh, một bài nữa, đầu đề là Cảnh đào Xuân - tôi làm, ký tên Trường Bách, và còn bài của vài nhà thơ khác.Thế Lữ, cả về nội dung và hình thức đều mang lại một luồng gió mới cho làng thơ. Hồi đó, làm thơ còn có Phạm Huy Thông, Bàng Bá Lân, và vài thi sĩ khác. Chính tôi cũng không hiều tại sao lại thích làm thơ mới.Đúng ra thì đối với tôi, văn xuôi thích hợp hơn. Lúc còn bé tôi đã từng viết truyện ngắn, và lúc đầu, trên tờ Phong Hoá, tôi cũng đã góp ít bài vào mục Từ nhỏ đến nhớn, mục Hạt đậu dọn. Có lẽ lúc đó có dịch thơ -dịch đây có nghĩa là một bệnh dịch - theo sau dịch làm báo, dịch viết văn... và sau những ngày gay go, căng thẳng mấy năm vừa qua, đầu óc người ta, nhất là thanh niên các thành thị, đã lãng mạn hoá. Người ta thích ngắm trăng và mây, tả hoa và nước, tình cảm nam nữ trước đây bị trói buộc, nay đã được dễ dàng đưa lên trên mặt giấy. Người ta, đặc biệt giới đẹp, biến thành đa sầu đa cảm. Cho nên thi sĩ cũng đua nhau ra đời. Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... rồi có Phạm Huy Thông, sau đó một tụi nhỏ hơn, đồng thời là Tường Bách, Bàng Bá Lân, Trần văn Kiện- thơ hay nhưng đời thơ quá ngắn ngủi. Riêng đối với tôi chẳng có ai cổ võ, hay hướng dẫn tôi trong nghề văn thơ. Có người nghĩ rằng, trong gia đình Nguyễn Tường, chắc là do Nhất Linh dìu dắt, chỉ bảo các em mà thành tài. Sự thực không đúng như vậy.Nhất Linh là người đi tiên phong, có óc sáng tạo và dám làm, dám nêu ra những ý kiến cải cách, đồng thời lại có óc tổ chức. Nhưng về tư tưởng cải cách, về đường hướng văn nghệ, theo chỗ tôi biết, thì các anh em cũng đều có ý nghĩ chung. Về lối viết thì hoàn toàn mỗi người có một sắc thái riêng. Cá tính tôi lúc đó không thiên về những thứ tình cảm cá nhân, cho nên thơ đều tả về cảnh thiên nhiên. Bài đầu, tôi nhớ mang máng lấy tện là Cánh đào đầu xuân nói về hoa lá, cảnh trời đất trong lúc đi xuân. Không ngờ lại được một số người để ý. Họa sĩ Cát Tường cho là trong có nhiều hình tượng đẹp và do đó, về sau anh vẽ một bức họa đầu xuân. Hậu sinh khả uý, một lần tại toà soạn, Khái Hưng phát biểu ý kiến. Anh không ngờ tôi lại biết làm thơ mới... Còn Thế Lữ thì lúc nào cũng xuề xoà, mỉm cười rất có duyên, anh không sợ cạnh tranh.Việc học hành quá bận, nên sau đó tôi chỉ sáng tác thêm mấy bài, trong đó có bài Nắng trưa hè, tả về cánh đồng làng quê dưới ánh nắng buổi trưa mùa hạ. Ngày đó, bài này rất được chú ý, vì ít nhà thơ nào chuyên về ca tụng tự nhiên. Phạm Huy Thông có viết bài về thơ tả tự nhiên và dần dần, có độc giả gọi tôi là tiểu Leconte de Lisle một nhà thơ Pháp xuất chúng. Tiếc rằng đời sáng tác thơ mới của tôi cũng quá ngắn ngủi, phần vì bận rộn, phần vì đã hết hồn thơ, đầu óc trống rỗng, khô khan - không đúng như lời Đinh Hùng đã viết: là một trong ba tiểu qủy - Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Tường Bách tuy học bác sĩ nhưng có óc nghệ sĩ không kém các anh em. Tuy về sau, tôi có viết vài truyện ngắn và phóng sự, nhưng đời sáng tác văn nghệ đã phải đứt đoạn theo biến chuyển của tình thế. Và từ đầu thập niên 40 trở đi, đã đổi sang viết bình luận xã hội, chính trị, tuy trong thâm tâm tôi vẫn thích viết thơ văn. Trong cuộc đời lăn lộn và sóng gió, đó là phần nuối tiếc nhất. Có lẽ chính vì tôi đã chót chọn nghề y, một nghề đòi hỏi quá nhiều thì giờ và quá vật chất...Sau khi ra số Xuân, mấy anh em, trong đó có Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, hoạ sĩ Lemur -người vẽ tranh trong số này- kéo nhau đi dạo phố, rồi rẽ sang đường Cổ Ngư dưới hai rặng cây xanh qua đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc. Một bên là hồ Trúc Bạch xinh xắn, một bên là hồ Tây mênh mang. Từ trên đê Yên Phụ nhìn xuống, những ngôi nhà nhỏ nằm giữa làn nước long lanh và những vườn hoa đủ màu sắc. Mùa xuân, trăm hoa đua nở. Vào sâu trong làng, vườn nào cũng trồng đào, màu đỏ hay hồng nổi lên trong màu xanh lá cây. Ngoài ra, còn đủ màu cúc, thược dược, hoa mai... - Đây thức là một Đào Nguyên- Thế lữ nói.- Đẹp thực. Nhiều hình tượng, nhiều màu sắc, giống như trong mấy bài thơ. - Lemur chỉ vào mấy luống hoa bên đường, bảo tôi.Chắc là chợt nhớ tới một bài thơ, Khái Hưng gợi ý:- Nhưng tiếc là chỉ thấy hoa, mà không thấy người, chưa đủ, Rồi, như muốn thử kiến thức của Lemur, anh đọc hai câu thơ, khi chúng tôi ngồi nghỉ bên bờ hồ.Trước sau nào thấy bóng người.Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông- Ai viết ra câu thơ này? - anh hỏi.Ai cũng đều biết cả chỉ có nhà họa sĩ đồng ý là có bóng người thì tuyệt, để thêm vào tranh vẽ, nhưng anh chịu không biết ai là tác giả. Cả đến thơ Kiều anh cũng không thuộc.Lúc đó, trên Hồ Tây phẳng lặng, mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, chỉ có mấy chiếc buồm phất phơ ngoài xa. Thế Lữ vẫn là người trầm lặng nhất, ngồi trông ra cảnh thiên nhiên trước mặt. Những phút đó, có lẽ là những phút êm đềm, trong lòng nhẹ nhàng nhất của chúng tôi, vì ít phiền não nhất. Tôi còn nhớ mang máng hai câu thơ của anh:Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận,Một áng hương đưa, khói toả mờ.Không biết có phải bắt nguồn từ lúc này không?Số phận long đong của văn nghệ sĩ thời ấy, một phần vì suốt đời phải đi ở thuê. Thế Lữ cũng kiếm nhà ở ngoại thành, vì rẻ hơn và tĩnh hơn. Còn nhớ, căn nhà nhỏ của anh thuê ở ngay đường cái, xế trước ấp Thái Hà và gò Đống Đa có đường xe điện Hà Nội - Hà Đông ngang qua cửa. Nhà cũng thoáng mát.Đồ đạc cũng đơn sơ. Phòng ngoài, một tấm phản lớn để tiếp khách, một bàn làm việc, mấy chiếc ghế gỗ.Nghèo, nghèo thực. Còn nghèo hơn cả nhà Tú Mỡ. Đó là chỗ ở của hai danh sĩ một thời. Thế Lữ và Song Kim, nhà kịch sĩ có tiếng. Nhà Thạch Lam, nhà chị Thế tôi cũng nghèo, có khi còn nghèo hơn. Riêng tôi thì cũng quen với cành nghèo, trong cuộc đời ở trọ nay đây mai đó. Nhưng tôi vẫn thấy ái ngại về hoàn cảnh thiếu thốn của các anh em. Và, với Vũ Trọng Phụng hay Nguyên Hồng, tình trạng cũng gần như thế và còn hơn nữa. ấy là chưa kể tới một số nhạc sĩ, họa sĩ tài năng nhưng suốt đời sống trong cảnh thiếu thốn.Có hiểu biết những tình trạng thực tế như trên, thì mới hiểu được sự cố gắng vượt bực của văn nghệ sĩ thời đó, và đánh giá chính xác về tác phẩm và tác giả.Không phải là một người đẹp, nhưng chị Song Kim có đôi mắt to, rất niềm nở, cởi mở. Tuy một chân hơi thọt, nhưng chị vẫn đóng được nhiều vai trong nhiều vở kịch, và đóng rất giỏi. Chẳng ai rõ Thế Lữ - Song Kim chung sống từ bao giờ, và không ai hỏi đến. Cuộc tình duyên trước sau kể cũng éo le. Dù thế nào, không có Song Kim thì đã không có ban kịch Thế Lữ, và cuộc tình duyên của hai người thế mà cũng đã đi vào lịch sử văn nghệ, tuy khó tránh được dị nghị của những người khó tính.Một hôm, nhân tiện, chúng tôi đến thăm Thế Lữ rồi kéo sang ấp Thái Hà đến thăm nhà anh Vũ Ngọc Phan, anh Phan có nhã ý mời tới ăn cơm trưa. Chị Phan sẽ làm món ốc hấp tuyệt diệu để thết chúng tôi.Qua những bậc gạch, chúng tôi trèo lên gò Đống Đa. Gió thổi mạnh trên những ngọn cây, xì xào như tiếng than thở của những vong hồn chôn ở dưới chân. Lịch sử như sống lại sau hơn thế kỷ đã qua. Chung quanh, đồng ruộng gần xa vẫn im lặng. Dưới chân, những mái nhà trong ấp Thái Hà thấp thoáng giữa rặng cây, bên lạch nước trắng. Yên tĩnh, như một nơi ẩn dật.Qua cổng gỗ, vào một sân nhỏ, trồng nhiều cây, có cau, bưởi, mít. Căn nhà không lớn, nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Vũ Ngọc Phan, người nhỏ nhắn, nho nhã. Mới trông cũng đoán được là một học giả. Độ ấy, anh đã viết bài phê bình văn chương: Cái đó ai cũng biết. Nhưng có một điều mà tới nay, tôi vẫn không quên: đó là một món ốc hấp do chị làm, với lá gừng. Trái với tôi nghĩ, ốc rất mềm, không dai, vị ngọt và thơm. Về sau, không bao giờ tôi được nếm một món ốc ngon như thế nữa. Cũng không được gặp lại anh chị Phan nữa. Trong làng thơ hồi ấy, tôi không được quen anh Phạm Huy Thông cùng anh Lưu Trọng Lư. Nhưng trong ký ức bề bộn, tôi không thể quên để mấy giòng nhắc tới một người bạn trẻ, bạn thơ thân thiết - anh Bàng Bá Lân. Vì hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi đã không liên lạc được. 40 năm sau, khi đã sang Hoa Kỳ ngụ cư, mới có người cho biết anh vẫn ở Sàigòn. Song đáng buồn là anh bị bệnh nặng phải nằm liệt trên giường. Anh có gởi cho tôi hai bức thư rất chân tình, đầy cảm xúc. Hai người bạn trẻ xưa nay đã đầu bạc. Cầm thư anh, bất giác tôi nghĩ đến câu thơ Đường tả cảnh tiễn bạn già trên con sông Dương Tử: Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu Thực là thương cảm. Nhưng sóng đây lại là sóng Thái Bình Dương. Rồi về sau, lại nghe tin anh mất. Một người bạn cố tri, một thi tài đất nước đã ra đi. Tôi may mắn vẫn còn ở trên đời, nhưng biết bao nhiêu người thân, bao nhiêu tài hoa, xuất chúng mà tôi đã có dịp gặp nay đã đều vĩnh viễn ra đi. Đau thương ngày càng đè nặng lên những người còn sống. Ngàn năm bạc mệnh, một đời tài hoa... Câu Kiều đó lại vẳng bên tai. Mấy ngày tôi gặp anh lần cuối cùng là ở ga Kép, Bắc Giang. Anh mời tôi lên chơi. Nhà anh cao ráo, lại có cửa tiệm ăn trông ra đường phố ga.Phố này ngày phiên chợ đông đúc, đủ cả người Kinh, người Thổ, đủ các màu sắc rực rỡ trên quần áo những cô gái dân tộc thiểu số. Anh Lân thết chúng tôi mộc chầu phở đặc biệt, ở dưới vùng xuôi không có, là phở xá xíu, ăn lạ miệng. Nhà anh có vườn cam Bố Hạ gần đó. Vườn rất rộng, nằm trên sườn đồi. Từ xa đã thấy vàng óng cả một vùng. Đi trong các vườn cam, không khí thoáng mát, đượm mùi thơm dịu của cam. Cắt mấy quả cam, vừa ăn vừa nhìn ra đồng, núi xa xa. Màu cam rất đẹp, nhưng tiếc là hơi chua, không ngọt như cam Xã Đoài.Trở về nhà, anh bảo tôi đi cưỡi ngựa. Tôi vừa thích vừa run, lo gặp một con ngựa bất kham thì rầy rà. Người ta bắt đến một con ngựa thấp bé hiền lành, có vẻ dễ thương nữa. Tôi yên lòng, nhẩy lên yên, bỏ lỏng cương. Thì nó cũng từ tốn bước đi nhưng mà quá từ tốn, thúc thế nào nó cũng không đi nhanh. Rồi nó tự rẽ vào một cổng chùa bên đường, và ung dung cúi xuống gậm cỏ, mặc tôi muốn dật cương hay thúc chân, nó vẫn đứng lì. Cuối cùng, anh Lân phải đến lôi nó đi, cứu tôi ra khỏi cảnh bê bối đó. Tôi bèn liều nhảy xuống đất, thoát nạn. Từ đó, tôi không dám cỡi ngựa nữa.Đến bây giờ, những kỷ niệm êm đềm trên vẫn còn phảng phất trước mắt tôi, với hình ảnh anh Bàng Bá Lân đứng dưới gốc cam, sáu mươi năm về trước.