cuốn 1: 1916-1946
Chương 23
Chuyển động đầu tiên

Đời sống dân chúng sau ngày Việt minh cướp chính quyền không có gì thay đổi nhiều, vì không có chiến tranh hay hỗn loạn, trừ một vài vụ xung đột nhỏ.
Gia đình chúng tôi vẫn ai ở nhà nấy. Anh Cả, Nguyễn Tường Thụy vẫn làm tại sở Bưu chính Hà Nội. Anh Hai, Nguyễn Tường Cẩm, làm việc và lấy vợ tại Sài Gòn. Anh Tam ở bên Vân Nam, nghe tin nói sắp về cùng quân Hoa nhập Việt. Anh Long ở một nơi ngoại thành, chị Thế vẫn ở ngôi nhà nhỏ bên bờ Hồ Tây.
Mọi người đều chờ đợi quân Đồng minh tới tước khí giới quân Nhật.
Thái độ họ sẽ ra sao? Họ sẽ làm gì và ở lại bao lâu? Họ có can thiệp vào nội bộ của Việt nam không? Trước những câu hỏi ấy, mỗi phe phái đều có dự đoán và ước vọng riêng của mình. Ai cũng hy vọng rằng Đồng minh sẽ giữ lời hứa, sẽ tôn trọng nền độc lập của các dân tộc bị trị, và sẽ giúp đỡ chúng ta thực hiện độc lập tự do.
Tại miền Bắc, có vẻ lạc quan hơn vì quân Trung Hoa tuyên bố không có tham vọng gì về lãnh thổ cả. Nhưng, cùng lúc, họ lại là Đồng minh của Pháp. Họ sẽ có thái độ thế nào nếu quân Pháp lại đổ bộ lên Đông dương? Quân Anh sẽ vào miền Nam. Anh và Pháp cùng là đế quốc kỳ cựu, cùng là Đồng minh. Việc quân Anh sẽ hỗ trợ Pháp tái chiếm Việt nam chắc chắn sẽ xẩy ra.
Cả Hà Nội đương xôn xao về tin tổ đại biểu Đồng minh đầu tiên sẽ nhẩy dù xuống. Tổ này là tổ người Mỹ, đại diện cho Đồng minh. Tin này ít nhiều cũng làm phấn khởi phe quốc gia, dù có tin phao ra trước đây là Việt minh được sự trợ giúp của Hoa Kỳ tại chiến khu.
Hai hôm sau, đương ngồi tại toà soạn, ở dưới toà trị sự lên báo cho tôi là có một người Pháp muốn gặp. Điều này hơi ngạc nhiên đối với chúng tôi. Một người Pháp đến tìm vì lẽ gì? Người này trạc hơn 40 tuổi, tự xưng là thuộc đảng Xã hội Pháp, chi nhánh Đông dương. Ông nói:
- Tôi có một bức thư của anh ông, ông Nguyễn Tường Tam, từ Côn Minh đưa về, do đại úy Patterson nhờ chúng tôi chuyển cho ông.
Thư của anh Tam? Nhìn vào mấy chữ trên phong bì, không thể lầm được.
- Đại úy muốn gặp ông để nói truyện.
Tôi cám ơn ông ta. Nội dung bức thư đại ý nói quân đội Trung Hoa sắp tiến vào Bắc Việt và nhiều anh em sẽ cùng đi về nước. Bên trong cần chuẩn bị để đón tiếp. Vì còn bận mấy việc quan trọng, anh Tam cần ở lại Côn Minh một thời gian, rồi sẽ về sau.
Tại một toà nhà rộng, hai tầng ở phố hàng Trống, mặt trông ra hồ Hoàn Kiếm, tôi gặp ông Patterson, một người còn trẻ, hoà nhã, vui tính, nói tiếng Pháp rất thạo. Chúng tôi ngồi nói chuyện, trong khi dưới đường, có nhiều toán mang cờ đỏ, hô khẩu hiệu đương đi diễu qua. Không biết là tình cờ, hay hữu ý để biểu dương lực lượng dân chúng ủng hộ cho đại biểu Đồng minh xem. Patterson nói anh Tam vẫn khỏe mạnh, và quân Đồng minh sẽ giúp đỡ cho Việt nam được độc lập, nhưng nhiệm vụ của toán ông chỉ là liên lạc và xếp đặt việc thu khí giới của Nhật, cùng xem tình hình chung ra sao. Những việc khác sẽ do quân Trung Hoa và quân Anh xử lý. Tạm thời, Đồng minh chưa có ý công nhận chính phủ nào ở Đông dương, kể cả chính phủ Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, ông đưa tôi ra cửa sổ, trỏ tay xuống đường, mói một cách thâm trầm bằng tiếng Pháp: Tout est rouge. (Cái gì cũng đỏ cả). Chúng tôi nhìn nhau. Không cần nói năng gì. Để đối phó với tình thế, quốc dân đảng mở cuộc hội họp lâm thời cấp Trung ương. Do tình hình đặc biệt, chỉ có một số người đến họp, trong đó có anh Trương Tử Anh, Phan Trâm Nguyễn Tiến Hỷ, anh Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Chấn (Chấn đen), Hoàng Đạo, Xuân Tùng và tôi. Trong cuộc họp, việc chính là bàn về vấn đề có nên hợp tác với Việt minh hay không, vì Tổng Bộ Việt minh có ngỏ ý muốn gặp gỡ để thảo luận về việc cộng tác chống Pháp tái xâm lăng. Lúc đó do quân Anh giúp đỡ, toán quân Pháp do Cédille chỉ huy cùng đổ bộ lên Sài Gòn đã bắt đầu hành động, với cái gọi là khôi phục lại trật tự hạn chế mọi hành động của người Việt và chuẩn bị tước khí giới của các nhóm tự vệ.
Nguy cơ Pháp tái xâm lăng đã rõ ràng. Một thiểu số anh em tán thành đoàn kết dân tộc, cộng tác với Việt minh để chống Pháp trước đã, nhưng đa số e ngại nếu hợp tác thì kết quả chỉ có thề là đầu hàng hay sẽ bị tiêu diệt vì thế mình quá yếu. Cuối cùng, đi tới một kết luận tạm thời là trên mặt giữ liên lạc với Việt minh, tiếp tục hoạt động bí mật, chờ Đồng minh tới và các anh em ở hải ngoại về sẽ ra hoạt động công khai. Hội nghị không đưa ra một chương trình hành động cụ thể và thực tế, để tăng cường nội bộ hay gây ảnh hưởng trong quần chúng.
Lúc đó, vấn đề nội bộ, theo chỗ tôi thấy, rất quan trọng song không được chú ý, đó là việc làm sao có một cương lĩnh chính trị thống nhất. Mặc dầu một số người lãnh đạo trong Việt nam quốc dân đảng, Đại việt quốc dân đảng và Đại việt dân chính đã đồng ý hợp nhất dưới danh xưng Quốc Dân đảng, nhưng điều này không được truyền đạt tới các cấp đảng viên. Cho nên, đảng viên Việt nam quốc dân đảng đa số vẫn tin vào chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên, đảng viên Đại việt vào chủ nghĩa Dân Tộc sinh tồn do anh Trương Tử Anh đề xướng, còn anh em Đại việt dân chính thì đa số tin ở một thứ dân chủ xã hội không độc tài. Tuy vậy, tất cả đều đứng dưới một ngọn cờ quốc gia, không chấp nhận độc tài cộng sản. Nhưng yếu tố thất bại đã nẩy mầm, từ chỗ thiếu cương lĩnh chính trị thống nhất để hiệu triệu và tổ chức quần chúng, lại thiếu chương trình thực tế để đương đầu với Việt minh đương lợi dụng chiêu bài kháng chiến, thiếu sự kiên quyết gia cường lực lượng của mình mà quá ỷ lại vào người ngoài, không nhìn rõ được bản chất của các nước Đồng minh dù sao cũng vì lợi ích bản thân của họ trước hết. Riêng về các đảng viên Đại việt dân chính cũ, tôi thấy có một điều đáng buồn là số còn hoạt động Việt nam quốc dân đảng rất ít, một phần nằm im, một phần đã chạy sang với Việt minh, có người đã tham gia vào nội các Hồ Chí Minh.
Về mặt công khai, tờ Ngày Nay đã đình bản, Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng thương lượng ra một tờ báo hàng ngày. Lần này cử anh Nguyễn Trọng Trạc làm giám đốc, Khái Hưng và tôi phụ trách biên soạn. Mục đích là duy trì một cơ cấu ngôn luận của mình, nhưng dưới bề mặt trung dung, chỉ đăng tin tức và hô hào bảo vệ độc lập, tự do.
Quân Anh tới Sài Gòn rất nhanh, nhưng quân Trung Hoa ở ngay bên cạnh lại rất chậm chạp... người ta không hiểu. Giữa những tay quân phiệt Trung quốc thường có nhiều âm mưu qủy kế. Tưởng Giới Thạch muốn nhân cơ hội này điệu quân Vân Nam sang Việt nam rồi sau đó điệu đi Đông Bắc chống quân Trung Cộng, quân đội Nam Kinh thừa cơ khống chế Vân Nam. Song, nghe nói Long Vân làm phản, nên trước hết phải giải quyết Long Vân. Vì thế, mãi tới gần tháng 10, quân Lư Hán mới qua đường Lào Cai, Hà Giang nhập Việt, đồng thời quân của Trương Phát Khuê từ Đệ Tứ chiến khu Quảng Tây tiến tới Lạng Sơn.
Thú thực, ấn tượng của tôi đối với quân đội Trung Hoa không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Ngẫu nhiên, trên con đường Gambetta, tôi gặp một đạo quân Hoa từ ga Hàng Cỏ tiến tới. Tuy cũng khá đông, song không kèn không trống, đội ngũ kém chỉnh tề, kém oai phong, quần áo xốc xếch. Vũ khí mang theo chỉ có súng trường và ít súng máy. Không có xe cơ giới lớn nào. Chỉ có mấy xe Jeep của mấy ông tướng. Sau rốt, là bộ phận cấp dưỡng với gồng gánh, nồi niêu trông càng luộm thuộm. Người Việt đứng xem với con mắt hoài nghi. Song, nhiều khi sẽ lầm nếu chỉ nhìn bề ngoài. Có những đội quân đánh du kích, tác chiến rất cừ. Như tại mấy tháng sau, khi có vụ chạm trán với quân Pháp tại Hà Nội, đội quân Cảnh Bị đã lanh lẹn chiếm những vị trí cần thiết trên mái nhà, sau gốc cây, và uy hiếp quân Pháp có xe thiết giáp trợ lực phải rút lui có trật tự.
Quân đội Trung Hoa tiến vào Việt nam với nhiệm vụ là tiếp thu khí giới của Nhật, giữ gìn trật tự không để xẩy ra hỗn loạn, nhưng không can thiệp trực tiếp vào nội bộ Việt nam. Họ đứng trước vấn đề đối xử với Chính phủ Hồ Chí Minh như một thực thể hiện hữu. Mặc dầu không công nhận nó, họ cũng không thể giải tán nó nếu không có hỗn loạn xẩy ra uy hiếp đến trật tự
Một mặt, vấn đề Đông dương tất nhiên phảỉ có ảnh hưởng của Pháp, vốn vẫn tuyên bố là có chủ quyền. Dù trên bề mặt, Trung quốc không thể không tuyên bố ủng hộ nền độc lập, tự trị của các thuộc địa cũ, nhưng cùng là Đồng minh, chầc chắn đã có Hiệp Định ngầm với Pháp về vận mệnh Đông dương, tuy rằng họ không muốn Pháp toàn quyền thống trị như trước kia. Nam Kinh thừa biết chính phủ Hồ Chí Minh thực chất là cộng sản. Hồ Chí Minh, tức Nguyễn ái Quốc là một thành viên trong Quốc tế cộng sản, đã từng hoạt động tại Trưng Quốc nhiều lần. Nhưng họ cần đến chính phủ sẵn có này để cung cấp lương thực và vật liệu cần thiết, rồi mau chóng rút về, đưa quân lên Đông Bắc.
Bài học quan trọng lúc này là các đảng phái quốc gia người Việt đã không ý thức rõ rệt về tính chất phức tạp của tình hình quốc nội và quốc tế, nên đã không có một đối sách hữu hiệu, và lâm vào cảnh bị động.
Cần công nhận rằng sách lược của Việt minh tỏ ra mềm dẻo và khôn khéo, dùng đủ mọi cách để lách được con thuyền vượt qua thác ghềnh liên tiếp đổ tới.
Ngày nay, nghĩ lại những bài học ấy vẫn còn thấm thía. Một chính đảng hay một con người, nếu chỉ biết chủ quan, tự đại, không nghiêm khắc với mình, không biết tự kiểm thảo, cùng chỉ cho mọi lời phê bình là nói xấu mình, thì nhất định sẽ lạc hậu và thất bại mãi mãi.