cuốn 1: 1916-1946
Chương 28
Quốc Hội Và Chính Phủ liên Hiệp Kháng Chiến

Thời kỳ hai tháng đầu năm 1946 rất phức tạp với sự đối chọi của nhiều thế lực. Phe quốc gia lúc đó giống như một con thuyền chênh vênh giữa sóng thác rập rềnh, mà hai bên lại là vách đá cheo leo. Chỗ dựa quốc tế duy nhất là Trung quốc, nhưng quân đội Tưởng không có ý muốn dẹp hẳn cộng sản Việt minh -mà dù có muốn cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là về phía Liên Xô. Đồng thời, việc cấp thiết cho họ là nguy cơ quân Mao Trạch Đông đương tràn lấn khắp nơi, Tưởng không muốn sa lầy tại Việt nam, thà để cho Pháp chế ngự cộng sản Việt nam! Mà số khí giới họ giúp theo chỗ tôi biết, thì bất quá là vài trăm khẩu súng của Nhật hay của Pháp đã cũ, nhiều cây không dùng được và thiếu đạn dược... ứng phó thế nào khi quân Hoa rút? Phe Việt minh tuy nắm chính quyền, có số lính Bảo An, một số lính khố đỏ, có vũ khí dồi dào hơn, và đương mộ binh riết để huấn luyện, nhưng hãy còn non nớt, thiếu vũ khí hạng lớn. Theo lời của mấy lãnh tụ cộng sản hồi đó, họ rất lo lắng vì bị kẹp giữa ba lực lượng: quân Hoa, phe quốc gia, và quân Pháp đương đe dọa đổ bộ lên miền Bắc. Sách lược của Hồ Chí Minh tất phải là tạm hoà hoãn để tránh xung đột với quân Tàu, đòi họ rút về nước rồi thừa cơ Pháp chưa chiếm vững, sẽ dốc lực lượng để tiêu diệt đội quân nhỏ yếu của người quốc gia. Sách lược này rõ ràng, rất nguy hiểm.
Và cũng rất rõ ràng, phe quốc gia chỉ có một con đường để thoát khỏi diệt vong, là cấp tốc tăng gia quân đội và mở rộng, củng cố chiến khu, lợi dụng mâu thuẫn trong quốc tế để duy trì và phát triển, lãnh đạo dân chúng chiến đấu. Phải kiên quyết hành động bằng mọi cách, trong một chương trình chung cho mọi đoàn thể.
Có lẽ một phần còn hy vọng việc kết hợp còn kéo dài được, một phần cho rằng trước sự đe dọa của quân xâm lăng Pháp, Việt minh chưa dám quyết liệt và còn e lòng dân phản đối, nên đa số các người cầm đầu phe quốc gia vẫn còn bận rộn về việc tham gia Quốc Hội đề cử thành phần Hội đồng Bộ trưởng. Trung ương không phái cán bộ cao cấp tới các địa phương để lãnh đạo việc đảng. Mặt khác, một số thành phần trong đảng bất đồng ý kiến, đã có những hành động riêng rẽ, ảnh hưởng tới việc dốc sức vào gây dựng lực lượng chung. Còn có ít phần tử mới tham gia đàng vì thời cục xô đẩy, thiếu ý chí và thiếu kỷ luật
Tất cả những thiếu sót trên khiến phe quốc gia đã chưa xây dựng được lực lượng mạnh thống nhất, có sức chiến đấu để đương đầu với những ngày gay go về sau. Dù có những đánh phá, chỉ trích, cuộc tuyển cử vẫn cứ cử hành vào đầu tháng 1-1946. Vì có sửa soạn trước, đã chỉ định ứng cử viên, và đã lôi kéo người đi bầu theo lối xua gà, lại cũng có kèn có trống nên tỉ lệ đi bầu cũng khả quan.
Ngày họp ở Nhà hát lớn thành phố, vào cuối tháng 2-46 tôi có đến xem tình hình như một ký giả, chứ không như một đại biểu, và rút lui rất nhanh. Trong bụng tôi nghĩ, chẳng qua cũng là một màn kịch đóng trò thống nhất, song đủ mặt anh tài.
Quốc hội kỳ ấy đã phê chuẩn danh sách chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đã biểu quyết giữ lại cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài Tiến quân ca làm quốc ca.
Thành phần của chính phủ này ai cũng đều biết, chỉ xin nhắc lại sau đây để tham khảo:
Chủ Tịch chính phủ: Hồ Chí Minh
Phó Chủ Tịch chính phủ: Nguyễn Hải Thần
Cố vấn chính phủ: Vĩnh Thụy
Bộ trưởng Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng (trung lập)
Quốc Phòng: Phan Anh (trung lập)
Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (quốc dân đảng)
Tài Chánh: Lê Văn Hiến (cộng sản)
inh Tế: Chu Bá Phượng (quốc dân đảng)
Giáo dục: Đặng Thái Mai (cộng sản)
Tư Pháp: Vũ Đình Hoè (Dân Chủ Đảng)
Canh nông: Bồ Xuân Luật (Việt cách)
Công chính: Trần Đăng Khoa (Dân Chủ Đảng)
Y tế: Trương Đình Tri (Việt cách)
ủy ban kháng chiến, chủ tịch: Võ Nguyên Giáp (cộng sản)
Phó chủ tịch: Vũ Hồng Khanh (quốc dân đảng)
Sau đó, chính phủ Liên hiệp đã ra mắt quốc dân trên bao lơn gác nhà Hát Lớn. Hồ Chí Minh tuyên bố vài câu về việc thành lập và cương lĩnh của chính phủ, sau tới lưọt ông Nguyễn Hải Thần diễn thuyết. Nhưng có lẽ vì ở ngoài lâu quá, nên ông nói rất khó nghe và đệm nhiều chữ Hán, khiến người ta thất vọng.
Chính phủ này khi ra đời lập tức phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm, đối nội cũng như đối ngoại.
Lúc đó, với một thỏa hiệp ngầm, Trung quốc đòi thỏa thuận với Pháp, sẽ rút đi bắt đầu ngày 28-2-46, Pháp có một số nhượng bộ cho Trung quốc về các tô giới, ngược lại Trung quốc đồng ý quân Pháp sẽ thay thế mình tại Bắc Việt. Để thu xếp ổn thỏa việc này, tránh chiến tranh xẩy ra. Trung quốc đã đồng ý thành phần của chính phủ Liên hiệp này, và khuyên Pháp-Việt hai bên nên thảo ra một bản hiệp định về quan hệ giữa hai nước.
Quan điểm của Pháp lúc đó là chỉ để cho Việt nam là một quốc gia tự do trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Mặc dầu muốn thỏa hiệp, Hồ Chí Minh cũng không thể chấp nhận quan điểm ấy vì bị nhiều phe, kể cả trong nội bộ đảng cộng sản, chống đối cho là đầu hàng, phản bội dân tộc và sẽ bị quốc dân nổi lên chống đối.
Cuộc thảo luận vì thế giằng co rất lâu và không dám đưa ra công khai. Trọng điểm ở chỗ Pháp nhìn nhận Việt nam là độc lập hay chỉ là tự do, có quyền thế nào về mặt quân sự và ngoại giao, quân Pháp sẽ đóng tại đây bao lâu mới rút, và Nam Kỳ có tự trị hay không?
Hắc búa nhất vẫn là tranh chấp về quân đội. Ai cũng hiểu một quốc gia chỉ có thể có một quân đội thống nhất, nếu không sẽ hỗn loạn, và lúc đó muốn đánh Pháp, cần thống nhất chỉ huy quân đội mọi phái. Nhưng võ trang lại là vấn đề sinh tử không còn võ trang thì chỉ ngày mai là sẽ phải đi chầu Diêm Vương thôi, ở trong một chế độ vô pháp vô thiên, giết người như ngoé.
Việt minh, căn cứ vào nguyên tắc thống nhất trong chính phủ liên hiệp, đòi tất cả các võ trang đều phải sát nhập vào Vệ Quốc Quân, bỏ danh nghĩa Quốc Dân Quân và đeo dấu hiệu cờ đỏ sao vàng. Điều này, không một cán bộ nào trong phái quốc gia có thể chấp nhận được. Nhìn trên lịch sử, những cuộc liên hợp Quốc-cộng đều kết thúc bằng sự đầu hàng của một bên nào đó, hay là chiến tranh trường kỳ.
Việt nam cũng không thể thoát ra khỏi quy luật này. Rút cục chóng chầy cũng sẽ đi tới bắn lẫn nhau thôi. Sau chiến tranh chống ngoại xâm, bi kịch chung cho Việt nam và các nước cộng sản khác là nội chiến, tàn sát lẫn nhau. Kết quả tất nhiên của các chính sách chuyên chính cực đoan của đảng cộng sản - cũng như tại Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba. Không bao giờ có thể đoàn kết, hoà giải chân chính với người cộng sản, trừ phi họ không có vũ khí trong tay, đó là bài học kinh nghiệm lịch sử.
Vì anh Chu Bá Phượng được cử làm bộ trưởng bộ Kinh Tế thay anh Hoàng Đạo, Trung ương lại điều động tôi về bên trụ sở Tổng Bộ, giữ nhiệm vụ bộ tổ chức của đảng. Nhiệm vụ bộ tuyên truyền giao cho anh Khái Hưng giữ.
Đó là vào hồi tháng 2 năm 46. Mới có nửa năm qua đi, mà đã có bao nhiêu thay đổi. Chính phủ Hồ Chí Minh, Bảo Đại thoái vị, các anh em ở hải ngoại về. Quân Trung Hoa tới tiếp quản. Đảng vụ quốc dân đảng phát triển, một số nơi có đảng bộ, có võ trang. Việt minh khủng bố tàn ngược. Quân Pháp xâm chiếm miền nam, và nay lăm le đổ lên miền Bắc. Dân chúng hoang mang. Nhiều nơi vẫn còn nạn đói rớt lại.
Chưa bao giờ, chưa bao giờ chúng tôi - trước đây mấy năm chỉ là thư sinh, nhà văn nhà báo nho nhã - đứng trước một tình thế phức tạp, khẩn trương và nguy nan như vậy. Trước mặt toàn là những kẻ địch gian hiểm, tàn ác khó lường, mà trong đó trước đây đã có những bạn cùng chiến đấu cho dân tộc. Một điều không ngờ lại nghe nói rất nhiều về những chiến sĩ lưu vong ở hải ngoại, đinh ninh là có lực lượng mạnh và có tài kinh luân cái thế để giải phóng và xây dựng đất nước, song sự thực đã không được như thế. Phải kính phục tinh thần hy sinh, chịu đựng của các vị đó, song về mặt hoạt động thì lại kém nhóm cộng sản.
Đặt quá nhiều hy vọng vào quân Trung Hoa, song hy vọng nhiều thì thất vọng cũng nhiêu. Bảo là quân Trung Hoa không giúp được gì cho phái quốc gia thì cũng không đúng, không có quân Hoa yểm trợ thì đã không thể xây dựng được một số đảng bộ và khu căn cứ. Trung quốc có mục tiêu và lợi ích của nước họ. Không có ai làm cỗ cho mình sơi cả, mà phải tự mình kiếm gạo, kiếm thịt trước đã. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm lịch sử quá cay đắng.
Hôm đó, trời còn lạnh. Tôi đến toà báo lần cuối. Lá bàng vẫn rụng trên sân và trên hè đường. Bụi tre Đằng Ngà vẫn còn đứng tại một bên sân.
Lấy ít giấy má rồi, cùng anh Khái Hưng cáo biệt. Đến nay, hình ảnh nhà văn gầy nhỏ vẫn còn như trước mắt tôi, Qua mấy tháng làm việc ngày đêm, căng thẳng trong đấu tranh anh lại gầy thêm, thêm mấy nét răn trên trán. Cũng như tôi, anh bị lôi cuốn vào một cơn bão táp không biết bao giờ mới ngừng.
Nhưng anh vẫn lạc quan, đôi mắt anh vẫn sáng, vẫn hay pha trò.
Con người nhiều khi cũng kỳ lạ. Một nhà trí thức hiền từ đã biến thành một chiến sĩ kiên cường, bất khuất, chống đế quốc, chống độc tài.
Đối với tôi một người trẻ nhất trong các anh em, Khái Hưng như là một người anh lớn. Chỉ với sự hiện diện của anh với tinh thần chịu đựng của anh, cũng là một sự cổ võ vô hình cho tôi. Và tờ Việt nam là thành quâ lớn của sự cố gắng của anh cùng các anh em cộng sự.
Thực tình, tôi không muốn rời toà nhà này, nơi mà tôi đã làm báo, viết văn, làm việc chung mười ba năm dài. Đã có biết bao vui buồn, thành công và thất bại ở đây. Dù sao, những tờ báo Phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực Văn Đoàn, phong trào ánh Sáng, Đại việt dân chính, và bây giờ, 1946, tờ Việt nam cũng đã đi vào lịch sử. Và giá trị của toà nhà này cũng vì đã là một nơi tập hợp hiếm có cả về văn hoá lẫn chính trị của bao nhiêu anh tài đất nước. Trong đó có một số người dù muốn dù không, trước và sau người ngày biến chuyển kinh thiên động địa, cũng đã tham gia vào sự nghiệp chung của đất nước trong khi một thời đại cũ biến đi, một thời đại mới bắt đầu.
Cùng anh Vương Các Đạo, một anh em trong nhóm cảnh vệ lúc đó, chúng tôi sang trụ sở Đỗ Hữu Vị, rất gần đây. Anh Vương Các Đạo, thân hình đặc biệt cao lớn, da ngăm ngăm đen, trước đây trong Bảo An Binh, một người rất thẳng thắn, trung hậu. Trong lúc nói truyện, anh tỏ vẻ rất tin tưởng, tuy anh biết đương gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi cũng không muốn nói cho anh biết tình hình thực ra còn khó khăn hơn anh tưởng nhiều, và bao mối đe dọa đương ở trên đầu phe quốc gia.