cuốn 1: 1916-1946
Chương 10
Đời Sống Y Khoa - Đoạn Tuyệt.
Đoàn ánh Sáng

Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò thực không ngoa. Nhưng đúng ra, học trò bao giờ cũng là nhất. Vì có ai gặp ma hay quỷ thực bao giờ đâu? Mà học trò lại ở trọ lại càng quỷ hơn cả. Chỉ có mấy tay trời đánh với nhau không có ai dòm ngó, kể cả gia đình. Tha hồ mà nói truyện, truyện gì cũng có thể được. Tha hồ đi chơi, đi đạo phố, có đêm trời lạnh, ngồi trùm chăn đọc sách, hay đánh tam cúc, đánh bất, mà có tiếng rao mía nóng, lục tàu xá (chè đỗ xanh), hay xôi lạp sường thì tuyệt. Những thứ quà đủ ngon và hợp với túi tiền của học sinh.
Thỉnh thoảng, nếu ai có vợ từ xa hay bạn gái tới thăm, thì mọi người rất tự giác bỏ ra đi, không cần nhắc nhở.
Một nan đề đứng trước mặt tôi, một lựa chọn khó khăn. Sau khi đỗ Tú Tài phần thứ hai, tôi sẽ tìm việc làm hay lên học Đại Học? Mà nếu đi học, thì học môn gì?
Phi Cao đẳng bất thành phu phụ, nếu lên học được thì sẽ có nghề nghiệp vững vàng và... dễ lấy vợ hơn. Học Luật, thì chỉ cần ba năm, không khó nhọc lắm, nhưng ra làm ông tham cạo giấy hay nhảy vào quan trường thì không thích hợp với cá tính tôi. Vậy chỉ còn con đường học Thuốc, ra làm một chân đốc tờ xem ra tốt hơn cả. Nghe nói học khá chật vật, sáu bẩy năm, mà quá ư duy vật, không nên thơ chút nào cả. Tôi không khỏi do dự. Nhưng sau rốt cũng phải nhắm mắt đưa chân. Triết lý thực dụng cho tôi biết trên đời không có gì là hoàn mỹ. Tôi đã chọn đúng, vì nghề bác sĩ về sau này đã giúp tôi vượt qua khó khăn bất ngờ -đúng là cần câu cơm, như người ta thường nói.
Ai đã học qua tại trường Cao đẳng Hà Nội cũng còn nhớ những con đường rộng ở khu phố Tây, hai bên đều trồng cây um tùm, những mùa thi đầy hoa phượng đỏ rụng trên mặt đất, và toà nhà chính của trường với nhà lầu nguy nga ở giữa, đồ sộ nhưng lại mỏng manh. L Université lndochinoise na que la facade - trường Đại Học Đông dương chỉ có bề mặt - tới nay tôi vẫn còn nhớ câu nói đó.
Lớp tôi lúc bắt đầu có độ hơn ba mươi người - lớp P.C.B (sinh lý, hoá học, vật lý), đủ các hạng người, đủ các nơi Nam Bắc, Lào, Mên. Nhưng tiếc rằng không có một phái đẹp nào. Nhìn đi ngoảnh lại, cũng chỉ thấy bóng dáng kiều diễm của một bạn học - cô J. O. người Nam Kỳ- nhưng lại ở lớp trên, không thể không cảm thấy buồn tẻ.
Cả toàn bộ Đông dương mới có mấy lớp sinh viên như vậy, nên chúng tôi cũng tự coi là may mắn quá rồi. Bẩy năm sau, khi tốt nghiệp ra, chỉ còn vẻn vẹn có mười mấy người mà thôi. Có bạn đã bỏ học, có bạn đã qua đời. Trong số bạn đã tốt nghiệp, nay đã có bốn người sang sống ở Hoa Kỳ. Một điều dù nằm mê cũng khó tưởng tượng được lại gặp nhau ở bên kia bờ Thái Bình Dương, và mỗi người một cảnh ngộ ly kỳ.
Thực ra đầu óc những người sinh viên trường Thuốc không đến nỗi quá vật chất và khô héo như người ta tưởng. Họ có cảm tlnh, có xúc động, mà nhiều khi còn sâu đậm hơn những người khác. Vì họ đã phải đứng trước nhiều cảnh bệnh tật, đau khổ, tuyệt vọng, tang tóc, chia ly - những cảnh thương tâm nhất trong đời người. Những cảm thụ ấy ăn sâu vào trong tim óc. Cho nên, trong lịch sử các nước, trong giới bác sĩ đã nẩy nở ra nhiều nhà văn xuất chúng, hay những nhà cách mạng kiên cường, cũng không có gì là lạ.
Thời kỳ này, có thể gọi là đỉnh cao của Tự lực văn đoàn với nhiều tác phẩm phong phú và đa dạng. Cuốn Nửa Chừng Xuân có thể gọi là sáng tác tiêu biểu của Khái Hưng, và về sau, với Những Ngày Vui, Thoát Ly, Gia Đình... Khái Hưng là người sáng tác tiểu thuyết phong phú nhất, được độc giả, đặc biệt phái nữ, yêu chuộng.
Song, tác phẩm gây ảnh hưởng sôi động nhất, tiêu biểu cho quan niệm xã hội của cả nhóm, có lẽ là cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Trong cuốn Nửa Chừng Xuân, mâu thuẫn mới chỉ được đưa ra và giải quyết nửa chừng. Đến cuốn Đoạn Tuyệt, thì mới thực là đoạn tuyệt. Nhất Linh có đầu óc quyết liệt với cái cũ hơn Khái Hưng. Bi kịch trong cuộc hôn nhân Loan-Thân là sản phẩm tất nhiên của đầu óc đó. Nhiều người cũng thấy xung đột giữa các thế hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, là do quan niệm quân thần phụ tử và tam tòng tứ đức, một quan niệm bóp nghẹt quyền tự do được sống, được phát triển của con người, và nhất là đối với phụ nữ, ép buộc họ phải chịu đựng đau khổ trong một khuôn khổ cổ hủ mà có người cho là đạo lý, luân thường bất khả di dịch. Đoạn Tuyệt bản thân là một bản tuyên ngôn ly kỳ, lại thêm một mối tình dang dở lãng mạn với một nhân vật cách mạng nên được người ta chú ý hơn. Một nhân vật chính trong Nửa Chừng Xuân -Lộc- lại là một quan huyện, nên có người không ưa lắm, mặc dầu nhân vật Dũng trong Đoạn Tuyệt hoạt động có vẻ tài tử giang hồ hơn là một chiến sĩ cách mạng thực sự, nhưng có vẻ hợp thời hơn.
Tất nhiên, cũng gặp nhiều người công kích, cho là phá hoại truyền thống, phá hoại tôn ti trật tự. Những công kích đó không những đến tự những người già nua, mà còn cả đến một số người tự cho là tiến bộ như Trương Tửu, hay Nguyễn Công Hoan.
Chỗ đặc biệt của Nhất Linh là nhạy cảm trước những biến chuyển của thời đại, và muốn đưa ra những ý kiến về cải cách xã hội. Nhưng đó cũng là chỗ yếu của cuốn Đoạn Tuyệt, vì có lúc phải uốn nắn đời sống để cho thích hợp với luận đề đã đặt ra, trong truyện không tránh được những đoạn kém tự nhiên. Ngược lại, những tác phẩm của Tự lực văn đoàn lại bị soi xét dưới một con mắt khác bởi những người Mác-xít. Họ gán nhãn hiệu lãng mạn, ủy mị tiểu tư sản, xa rời quần chúng và đưa quần chúng vào con đường xa lánh đấu tranh. Người cộng sản có cái nhìn cực đoan, phủ định tất cả các thứ văn chương không đúng với đường lối đấu tranh giai cấp như họ muốn, nên đã phủ định giá trị nhân bản, tiến bộ và giá trị văn học của Tự lực văn đoàn, nhất là về sau này, khi một số trong nhóm gia nhập những đảng phái quốc gia.
Các nhà văn không thể thoát ra khỏi khuôn cảnh đời sống thực tế của mình. Phần lớn văn nghệ sĩ hồi ấy đều xuất thân từ những gia đình nghèo hay trung lưu. Và nhiều người bản thân nghèo, hay rất nghèo túng. Suy nghĩ về anh em chúng tôi và các văn nghệ sĩ khác, đời sống có ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung các tác phẩm. Nếu Vũ Trọng Phụng viết được những sách như Số Đỏ, có thể cũng vì anh nghèo xác xơ, tiếp xúc với những hạng người ở dưới đáy xã hội.
Lấy thí dụ nữa với Thạch Lam. Từ nhỏ, hoàn cảnh nghèo, sa sút của gia đình đã gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn anh em, và chúng tôi cũng thường tiếp xúc với cảnh nghèo khổ chung quanh. Trưởng thành, Thạch Lam cũng đã sống một đời nghèo túng khó khăn, và sẵn có lòng nhạy cảm đối với những cảnh ngộ đáng thương trong xã hội. Nếu có gì là đặc sắc trong tác phẩm của anh, thì phải nói là tấm lòng trắc ẩn đối với con người.
Nếu để ý, thì sẽ thấy những nhân vật chính trong tác phẩm của Thạch Lam rất ít có những cụ Thượng, ông Tuần, quan Huyện, hay ông Nghị, ông Tham đầy rẫy trong những tác phẩm của nhiều tác giả khác, ngay cả trong Tự lực văn đoàn. Một tác phẩm đáng quý là ở chỗ có những cảm thụ chân thành, xâu xa đối với những đau thương, những bất hạnh, bất công trong đời sống. Tính chất này ít hay nhiều, bàng bạc trong sáng tác của Tự lực văn đoàn, cho nên được độc giả yêu chuộng.
Riêng chỗ tôi thấy, dù mỗi người đều có thiếu sót, các anh em trong nhóm đều là những người bản tính hiền hậu, hoà nhã, giàu lòng thương người, không tham danh tham lợi. Tôi chưa thấy bao giờ to tiếng cãi cọ, cũng không ai áp đặt ý kiến mình lên người khác. Tất cả đều mang hoài bão làm được một cái gì có ích cho đồng bào, đều ghét những tệ đoan, bất công trong xã hội. Khi xẩy ra ý kiến khác nhau về công việc, thì bàn luận với nhau để giải quyết. ý kiến của Nhất Linh thường được chú ý hơn cả.
Đoàn ánh Sáng ra đời cũng vì tâm trạng trên. Ai đã đọc Người Quay Tơ của Nhất Linh chắc cũng biết truyện Giấc Mộng Từ Lâm trong đó tả một nơi sống mơ tưởng. Với ý tốt muốn đưa người dân ra khỏi chỗ tối tăm bùn lầy nước đọng và ổ chuột, các anh em đưa ra ý kiến trước hết hãy góp sức, cổ động các giới giúp xây dựng những khu nhà ánh Sáng để làm gương mẫu, bắt đầu cho một phong trào rộng lớn. Theo ý định của Nhất Linh, đây không chỉ là xây dựng mấy căn nhà, mà là khởi đầu phong trào cải cách, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nghèo khó... Phong trào được nhiều bạn hưởng ứng, như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Vũ Đình Hoà, Tôn Thất Bình, Phạm Văn Bính (từ Thái Bình lên). Anh Hoàng Đạo viết bài mô tả khu ánh Sáng tương lai.
Chính Huỳnh Tấn Phát sau này cũng phải công nhận là phòng kiến trúc Luyện - Tiếp - Đức đã đưa ra kiểu nhà ánh Sáng bền chắc, rẻ tiền, văn minh hợp vệ sinh... được dư luận đồng tình và báo chí giới thiệu rộng rãi, gây nên tiếng vang lớn trong nước và ở một số nước Châu Phi.
Dù kết quả thực tế không nhiều, dựng được mấy khu nhà ở bãi Phúc Xá, bờ sông Hà Nội, rồi sau phong trào tắt dần, nhưng cũng đã là một việc có ích. Ai cũng biết là, muốn giải quyết vấn đề nghèo khó, thì cần phải trừ bỏ ách thực dân và do người Việt tự quản lý đất nước. Phong trào ánh Sáng trên tính chất, chỉ là một việc trên ngọn. Trong buổi trình diễn tại nhà Hát Lớn thành phố, tôi và mấy bạn có đến dự. Nhưng khi mục kích tay Thống sứ Bắc Kỳ tiền hô hậu ủng, khệnh khạng bước lên chỗ ngồi, rồi tất cả đều đứng nghiêm để nghe bài quốc ca Pháp - La Marseillaise - thì chúng tôi thấy lợm giọng, bấm nhau bỏ ra ngoài. Miả mai nhất là bài La Marseillaise hô hào bảo vệ tổ quốc - lại tấu lên cho những kẻ bị thống trị nghe? Trong lúc đó, những nữ sinh diêm dúa bắt đầu cầm những rỏ hoa đi lần lượt bán cho các quan khách Pháp, Việt, để mong họ bớt ít của cho những dân nghèo... Tôi cảm thấy đó không phải là con đường chính để đi.
Tuy vậy, phong trào ánh Sáng cũng đã đánh dấu một giai đoạn mới, không toàn ở giá trị bản thân, mà chính ở chỗ nhóm Ngày Nay. Tự lực văn đoàn đã từ địa hạt thuần tuý văn chương, bước vào hành động. Với thời cục chuyển động, từ 1937 trở đi, dù muốn hay không, công việc sáng tác, làm báo đã dần dần đi xuống. Một giai đoạn khác sẽ bắt đầu.