cuốn 1: 1916-1946
Chương 29
Tại Bộ Tổ ChứC Việt nam quốc dân đảng - Tổ Chức biểu tình đòi chính phủ không để Pháp đổ bộ
Quốc gia Thanh Niên Đoàn

Trụ sở Tổng Bộ Việt nam quốc dân đảng đặt tại trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, vừa trước đây cũng là một trại binh của Nhật. Cũng như các trường học khác ở Hà Nội, trường có sân rất rộng, trồng nhiều cây bàng. Mỗi lần nhìn thấy cây bàng, lá bàng rụng trên sân, tôi không khỏi nhớ lại quãng đời học sinh thơ ấu và hồn nhiên. Tuy nói là bộ tổ chức, những cũng chỉ có một phòng lớn ở ngoài và một gian nhỏ ở trong để họp bí mật. Hồ sơ các địa phương cũng rất ít vì lúc đó đa số phải tự lực cánh sinh, có khi phải trốn tránh không có chỗ trú nhất định. Anh em giao thông cũng hiếm, cần lắm mới phải dùng đến... Liên lạc không những khó khăn mà nguy hiểm. Chỉ có một số địa phương phái người lên xin ý kiến, trong đó có người đến rồi sau không về được nữa, hay là đã mất liên lạc với địa phương mình. Ngay tại Hà Nội, lực lượng đảng cũng rất thưa thớt. Chỉ có một số ít đảng viên Việt nam quốc dân đảng cũ trước kia nay lại bắt liên lạc.
Phần lớn anh em Đại việt dân chính cũ cũng nằm im, không Cộng tác với quốc dân đảng, một số đi với Việt minh. Bàn với anh Nguyễn Tường Long, anh cũng lắc đầu.
Tình hình nội vụ xem ra không lạc quan. Trung ương Việt nam quốc dân đảng quyết định tổ chức biểu tình ở các nơi để dấy động quần chúng. Khẩu hiệu được đưa ra là Chính phủ phải kháng chiến thực sự, Chống việc quân Pháp đổ bộ lên miền Bắc, Đoàn kết toàn dân, đình chỉ khủng bố
Tại Hà Nội, cuộc biểu tình thu hút được độ 2 ngàn người diễu qua Bắc Bộ Phủ, bờ hồ Hoàn Kiếm, không được như ý muốn vì người dân còn sợ Việt minh khủng bố. Theo tin ở mấy nơi ở các địa phương, thì gặp rất nhiều trở ngại do Việt minh phá hoại, ngăn trở, nên đã không thành công mấy. Bên Việt minh có đoàn Thanh niên Cứu Quốc, lôi cuốn được nhiều học sinh, sinh viên tích cực. Bàn với Trung ương rồi, cùng với mấy anh em trẻ như anh Trần Văn Tuyên, Phan Kích Nam v.v.. từ miền Trung ra, tôi soạn thảo ra bản cương lĩnh và nội quy của một đoàn thanh niên, với mục đích đấu tranh cho dân tộc, thực hiện hoàn toàn độc lập, tiến tới xây dựng một tổ quốc giàu mạnh. Phản đối đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cộng sản quốc tế
Đoàn Thanh niên này lấy tên là Quốc gia Thanh niên đoàn. Tôi làm Đoàn trưởng, hai phó đoàn trưởng là Trần Văn Tuyên, Phan Kích Nam, về sau khi tôi rời Hà Nội, lại thêm một phó đoàn trưởng là anh Mai Ngọc Liệu (hiện nay anh Liệu và một số anh em Quốc gia Thanh niên đoàn cũ đã sang sống tại Hoa kỳ). Sau đó ít lâu, tôi bận nhiều việc tại Trung ương, anh Tuyên bận việc Chánh văn phòng bộ Ngoại Giao với anh Tam, nên việc Đoàn thực tế do anh Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện), người Quảng Nam đảm nhiệm. Nam là một cán bộ rất sốt sắng và có tài tổ chức. Lấy danh nghĩa phe quốc gia để hiệu triệu, thanh niên đến tham dự cũng đông. Buổi lễ khai mạc khoá đầu tiên ở Ngũ Xã, tôi có đến nói truyện, và sau đó giữ mục Đường lối cách mạng Việt nam, theo đúng chủ trương dân tộc dân chủ và đoàn kết kháng chiến.
Không ngờ, người tham gia đoàn thanh niên này cũng khá đông, đủ các giai tầng, và gồm cả một số nữ thanh niên. Họ đều hăng hái, sốt sắng, tuy thiếu kinh nghiệm và không hiểu biết nhiều về chính trị. Đa số đều phản đối Việt minh, song cũng có một số tán thành mọi phái đều nên hợp tác để chống Pháp trước đã. Họ không ưa quân Trung Hoa, song họ lại mong Hoa quân trực tiếp giúp phe quốc gia để chống lại với Việt minh. Tình thế phức tạp và gay go lúc đó, chúng tôi chưa thể nói hết cho các anh em biết rõ. Vì chính chúng tôi cũng chưa biết sẽ biến chuyển ra sao. Vậy đối với thanh niên, lúc này trước hết cần huấn luyện riết về chính trị cũng như về quân sự tối thiểu, để có thể ứng phó với mọi thay đổi. Như vậy, sau này các đoàn viên quốc gia Thanh niên Đoàn đã đóng góp nhiều vào công việc, và khi lên chiến khu cũng đã thành những chiến sĩ thực sự không kém gì các anh em đảng viên.
Ngoài đoàn Thanh niên Quốc gia, tôi cùng với một số anh em tổ chức một đoàn tự vệ bí mật, để bảo vệ cho rrung ương và những cơ quan trọng yếu. Ngày đó, có thể nói chúng tôi hoạt động trong vòng khủng bố, lúc nào nguy hiểm cũng có thể xẩy ra. Trong thành phố Hà Nội và nhiều nơi khác, thường thường xẩy ra những vụ bắt cóc hay ám sát, đa số đối với những cán bộ trung cấp. Ra khỏi trụ sở là phải đi hai, ba người một tốp, có súng càng tốt. Buổi tối, nhất luật không được ra ngoài, trừ có việc cần thiết.
Các anh em không ai tỏ ra sợ hãi, phần lớn rất bình tĩnh như không có gì nguy hiểm. Nhưng dù sao, cũng vẫn ở trong một vị thế đối địch, luôn luôn khẩn trương. Mọi người đều nghĩ tới ngày quân Tàu sẽ rút lui, nhưng không ai công khai nói ra.
Điều kỳ lạ là, sau khi đất nước đã độc lập, mối đe dọa hàng ngày không phải từ người ngoại quốc tới, không phải từ quân Hoa, vì họ sẽ rút đi, không phải từ người Pháp, vì họ chưa tới, mà dù có tới thì cũng chỉ là một trường chiến đấu, sống hay chết nào có quan hệ gì. Mà lại chính ngay từ người mình, cùng một dân tộc. Chúng tôi làm cách mạng để chống thực dân, chứ không phải để chống lại người Việt nam. Chúng tôi hoàn toàn thực lòng muốn hợp tác với tất cả các phe người Việt khác trong mục đích chung. Kể cả người cộng sản. Bi kịch của thời ấy là chính quyền không may đã rơi vào tay đảng cộng sản Việt nam, được thấm nhuần bởi lý thuyết Mác-Lê-Stalin, giai cấp đấu tranh và chuyên chính vô sản. Giành độc lập chỉ là một bước để thực hiện lý thuyết đó. Họ không thể chia quyền với các phái khác, và cái gọi là đoàn kết của họ chỉ là bắt mọi người đều phải phục tùng. Dù trên bề mặt, có đưa ra những khẩu hiệu Độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, cốt lõi chính sách của họ vẫn là thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết. Tuy vậy, một mặt, cũng phải công nhận là đảng cộng sản Việt nam có đấu tranh chống thực dân Pháp, vì họ hiểu ràng Việt nam không độc lập thì không thực hiện được mục đích. Đó là chỗ chủ trương của họ khác với nhóm Đệ Tứ, nhóm này cho rằng giai cấp vô sản vẫn có thể đấu tranh dưới bất cứ kẻ thống trị nào, dân tộc hay ngoại bang. Vì nhóm Đệ Tứ đi ngược lại với chủ trương của họ, và Đệ Tứ lại là nhóm có khả năng đoạt quyền lãnh đạo của giai cấp thợ thuyền nhất, nên mấy lãnh tụ như Tạ Thu Thâu đã bị cộng sản thủ tiêu ngay trong những ngày đầu. Cũng như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn... hay Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi đã thành nạn nhân sớm nhất của cộng sản. Một phần đồng bào tin tưởng rằng Chính phủ Hồ Chí Minh thực sự kháng chiến, nên cho là người đảng phái quốc gia nhẩy ra quấy rối, vì quyền lợi địa vị, lại dựa vào thế lực quân ngoại quốc. Dân chúng rất dễ tin những người bị bắt, bị thủ tiêu là phản động, cường hào ác bá, là Việt gian. Phải công nhận thủ đoạn tuyên truyền và vu cáo của người cộng sản rất có mánh lới. Trình độ hiểu biết của quần chúng chưa đủ để nhận ra, nhất là giới thanh niên bồng bột. Thêm vào đó, việc tuyên truyền của phe quốc gia chỉ giới hạn vào những giai tầng trí thức, trung lưu, mà không đi vào sâu được những giới thợ thuyền, dân nghèo, nông dân nghèo khổ.
Những hoạt động của phe quốc gia không lôi cuốn được nhiều quần chúng cũng vì những lẽ trên. Ngay tại Đệ Tam Khu, tức là từ Vĩnh Yên cho tới Lào Cai, là nơi lực lượng quốc dân đảng tụ tập đông nhất, mạnh nhất, cũng có nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Nhìn vào những tài liệu anh Phượng để lại, và quan sát trên bản đồ Bắc Kỳ, thì việc đập ngay vào mắt tôi là những cứ điểm của quốc dân đảng giống như mấy cù lao nhỏ giữa đại dương Việt minh. Trừ khu Lào Cai - Bảo Hà chiếm được một mảnh địa bàn - khá rộng nhưng toàn rừng núi - tất cả đều chỉ là mấy thị xã tỉnh lỵ cô đơn. Mỗi chỗ chỉ có vài trăm anh em, và số súng trường mỗi nơi cũng không quá một trăm khẩu. Không cần phải học qua quân sự cũng hiểu rằng đây là một điều tối kỵ trong cách bố trí trận tuyến. Việt minh lúc nào cũng có thể tới quấy nhiễu, lại còn việc tiếp tế lương thực, đạn dược, lấy đâu ra?
Ngay tại Hà Nội, việc duy trì sinh hoạt tất yếu của ban Trung ương và các trụ sở cũng đương gặp khó khăn. Anh Chấn, phụ trách về tài chính, cho biết rằng nguồn thu nhập nay chỉ còn trông vào việc mộ quyên, và vài cơ sở kinh doanh cũng không thuận lợi lắm.
Chinh Phủ Liên hiệp Kháng Chiến đã thành lập. Nhưng nguy cơ hỗn ìoạn không vì thế mà giảm đi, nguy cơ ngày càng gần.