cuốn 1: 1916-1946
Chương 21
Những giờ phút quyết liệt
Việt minh cướp chính quyền
Tình thế khó khăn của phe quốc gia

Ngày hôm sau, 16 tháng 8, 1945. Chín giờ sáng, tôi đạp xe từ nhà đến tòa báo. Mọi người đều có vẻ phấn khởi, đồng thời cũng tỏ ra thắc mắc về tương lai. Pháp đã chạy, Nhật đầu hàng. Vậy thì, cục thế sẽ đi tới đâu?
Lên trên gác, hai anh Khái Hưng và Nguyễn Trọng Trạc đã ngồi ở tòa soạn, vẻ mặt băn khoăn. Song Khái Hưng cũng đứng dậy, lấy cốc rót rượu ngọt màu hồng -thứ rượu nhẹ chuyên dùng vào những ngày lễ tiết - đưa cho tôi và anh Trạc: - Chúng ta mừng quân Nhật đã bại, phải đầu hàng. Bây giờ ta đã thực sự độc lập... anh nâng cốc. Chúng tôi cùng cạn cốc
- Nhưng, chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chức. Trạc nói. Nhật hạ khí giới, nhưng Triều Đình Bảo Đại, không ai tin tưởng rằng có thể lãnh đạo đất nước trong những ngày giờ khó khăn, bối rối này.
Và cả ba đều bất giác nghĩ đến việc quân Pháp có thể trở lại cùng với quân Đồng minh đổ bộ lên Đông dương nay mai.
Ai cũng biết, Pháp là một thành viên trong khối Đồng minh, với chính phủ lưu vong De Gaulle.
- Bọn Việt minh gần đây hoạt động mạnh- Trạc tiếp.
Thực vậy, khẩu hiệu Chống Pháp, chống Nhật, giành độc lập của Việt minh được tung ra ở nhiều nơi, tỏ ra rằng họ chỉ coi triều đình Huế là bù nhìn của Pháp, rồi của Nhật, và chỉ có họ mới có tư cách giành độc lập cho dân tộc mà thôi.
Khái Hưng và tôi đưa mắt nhìn nhau. Nguyễn Trọng Trạc một người thuộc đảng xã hội Pháp (S.F.I.O), anh không phải không theo rõi tình thế. Anh lo ngại về mặt Việt minh không phải là vô căn cứ. Và câu nói này cũng tỏ ra anh không am hiểu về tình hình các đảng phái khác.
Tôi cảm thấy việc tuyên truyên của các đảng phái quốc gia trong quần chúng thực là yếu kém. Không mấy những ai hiểu rõ Việt nam quốc dân đảng, Đại việt quốc dân đảng hay Đại việt dân chính đương làm những việc gì, chủ trương ra sao mà chỉ nghe thấy đồn Đại việt Quốc gia Liên minh hợp tác với Nhật. Không ít người, dưới sự xuyên tạc của Việt minh, cho là Đại việt đồng nghĩa với thân Nhật, thân phát xít. Nhớ tới việc Việt minh triệu tập hội nghị ở Thái Nguyên với kế hoạch lập một ủy ban nhân dân cứu quốc, chúng tôi càng sốt ruột. Lời hiệu triệu đẩy mạnh công tác từ hải ngoại gửi về chưa được hưởng ứng mạnh mẽ. Một số thành viên cũ của các đảng phái quốc gia nay đã hoạt động trong Việt minh, mà đại đa số người dân không hiểu Việt minh là do đảng cộng sản chi phối, hay dù biết, cũng cho là người cộng sản cũng thành thực muốn tự do độc lập. Việc tuyên truyền Việt minh đã có chiến khu trên bẩy tỉnh Việt Bắc càng mang tính chất thần bí lại càng có vẻ hấp dẫn, coi Việt minh là tổ chức duy nhất có thể cứu nước.
Mãi tới tối hôm ấy mới có một anh em trong đảng đến liên lạc, do anh Chu Bá Phượng phái tới. Vì anh Hoàng Đạo vẫn còn bệnh, và chúng tôi là biệt phái ra làm báo, nên chỉ biết là các anh em sắp tập hợp chuẩn bị hành động, và kế hoạch chủ yếu sẽ là hợp tác với Phan Kế Toại - Nguyễn Xuân Chữ, để tăng cường chính quyền hiện hữu. Đây là giờ phút nghiêm trọng nhất, gấp bách nhất trong thời vận định đoạt số phận của cả một dân tộc. Lúc này, từng giờ, từng phút, cần phải có sự quyết đoán kiên cường và hợp thời của những người cầm đầu của đảng phái. Chỉ sai đi, chậm đi một vài giờ cũng làm mất cơ hội lịch sử ngàn năm mới có một lần.
Và làm mất cơ hội lịch sử đó, đã khiến cho các anh em quốc gia lâm vào một cảnh khó khăn, gian hiểm vô chừng, rồi đưa đến thất bại, hy sinh, lưu vong, đưa đến chỗ cả dân tộc rơi vào ách chuyên chế, lầm than cộng sản, đưa đến một cuộc kháng chiến đẫm máu, kéo dài, cộng với cảnh nồi da xáo thịt khủng khiếp.
Trong hai ngày 17 và 18 kế sau, những tin tức dồn dập và hỗn loạn tràn ngập cả nước và ngay ở Hà Nội càng làm cho chúng tôi nóng ruột, ăn ngồi không yên. Trước hết là tin một cuộc biểu tình tại Nhà hát lớn, nghe nói là do các công chức tổ chức để chúc mừng độc lập và chống việc Pháp quay trở lại, cùng ủng hộ một bức thông điệp của vua Bảo Đại gửi cho chính phủ các nước lớn trên thế giới. Song trong cuộc biểu tình này, cán bộ Việt minh đã xuất hiện với cờ đỏ sao vàng và hô hào dân chúng ủng hộ.
ý đồ vận động quần chúng để cướp chính quyền tại Hà Nội của Việt minh đã rõ ràng. Một mặt Việt minh cũng đã cho người đến vận động khâm sai Phan Kế Toại, và bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, lúc đó đã thay Phan Kế Toại vào quản trị công việc ở Bắc Bộ Phủ. Đồng thời, họ cũng đã dụ được đa số Bảo An Binh theo lời họ. Dưới mắt đa số người dân lúc đó, họ chỉ thấy Việt minh là một tổ chức cách mạng có tiếng tăm, có hoạt động. Trong khi ấy, các đảng phái quốc gia cũng có họp khẩn cấp, với đại diện của Đại việt Quốc gia Liên minh, của Việt nam quốc dân đảng và Đại việt quốc dân đảng (hai tổ chức này đã kết hợp dưới danh nghĩa Mặt Trận quốc dân đảng). Nhưng ý kiến phân vân, không đi tới được một quyết định chung. Người thì chủ trương lợi dụng quân đội Nhật để nắm quyền ngay. Người thì phản đối vì sợ như vậy sẽ bị Đồng minh nghi ngờ, không thừa nhận. Người thì tin rằng Phan Kế Toại, Nguyễn Xuân Chữ sẽ nắm vững được quyền lực và Việt minh không đủ sức để đảo chính. Có người lạc quan, cho là dù Việt minh có cướp được quyền cũng không thành vấn đề lớn vì lực lượng không có bao nhiêu, nếu họ làm sai trái, ta sẽ vận động nhân dân để truất họ đi. Vả lại quân Trưng Hoa sắp tới tiếp thu đầu hàng của Nhật. Một số nhỏ anh em thì kiên quyết chủ trương hành động để nắm ngay lấy chính quyền trước khi người cộng sản ra tay, có chính quyền, có quân đội trong tay thì không sợ Việt minh đảo chính. Nếu để cộng sản nắm lấy quyền lực thì tất nhiên sẽ gặp khủng bố và tiêu diệt, tai hoạ vô chừng.
Lấy danh nghĩa của đảng, anh Phan Trâm có tới giao thiệp với nhóm Bảo An Binh, nhưng Việt minh đã nhanh tay hơn. Kết cục là các đảng phái quốc gia không có hành động cương quyết và kịp thời, để lỡ mất cơ hội ngàn vàng, giành đủ thì giờ cho Việt minh lợi dụng lòng tin của dân chúng và thái độ thụ động của chính phủ Bảo Đại, phát động cuộc biểu tình và tuần hành ngày 19 tháng 8 để cướp chính quyền - sự kiện mà họ vẫn gọi là Cách mạng tháng tám. Việc phát động cuộc biểu tình này một cách nhanh chóng và có hiệu quả, theo chỗ tôi thấy, thực là bất ngờ và ra ngoài dự tính của chính phủ lúc đó và của các đảng phái quốc gia, cũng như của quân đội Nhật bản.
Sáng hôm ấy, chưa được ý kiến gì mới từ các anh em, tôi vẫn theo lệ thường tới toà báo để đợi tin tức, vả lại số báo Ngày Nay cuối cùng vẫn đương in. Anh Khái Hưng đã ngồi đợi sẵn ở phòng khách. Hai chúng tôi không nói năng gì, đều cảm thấy nặng nề, mà không biết vì cái gì. Anh lặng lẽ pha cà phê, đặt cốc cà phê đen nóng trước mặt tôi:
- Anh có thêm tin tức gì không?- Anh hỏi tôi.
- Cũng chưa có tin tức gì mới. - Ngừng một phút, tôi tiếp- à! Chắc anh cũng biết, hôm qua biểu tình ở Nhà hát Tây, có cờ đỏ sao vàng...
Đó chính là điều mà chúng tôi thắc mắc nhất. Việt minh đã có hoạt động công khai ở đây. Mục đích họ là gì? Tuy băn khoăn nhưng thú thực, lúc đó chúng tôi cũng chưa lo lắng gì nhiều, vẫn nghĩ rằng tình thế chưa có biến đổi nhanh, chính phủ Trần Trọng Kim vẫn sẽ như một nội các gác cửa, đợi quân Đồng minh kéo tới mới sẽ ngã ngũ. Các anh em ở ngoài về lập chính phủ khác, do Trung quốc quốc dân đảng hỗ trợ. Và như thế, sẽ ngăn cản được mưa mô trở lại của Pháp. Nhưng, chính trong lúc này, những tiếng ồn ào trong thành phố từ xa vẳng đến tai chúng tôi. Khái Hưng đứng dậy, mở cửa sổ, tiếng động càng ngày càng gần. Nhìn xuống phố Quan Thánh, đã thấy nhiều người tập hợp, qua mặt tòa báo, dồn về phiá vườn hoa hàng Đậu. Có người cầm cờ đỏ nhỏ bằng giấy, có người hô khẩu hiệu ủng bộ độc lập, đả đảo thực dân Pháp. Thỉnh thoảng có vài người đi kèm, họ chia nhau rẽ vào các nhà bên đường xua người ra phố tham dự biểu tình. Vì vậy, người xuống đường càng ngày càng đông, nam nữ, già trẻ đều có, vì nếu không hồ hởi để đi biểu tình, cũng khó mà từ chối không dự vào một hoạt động để ủng hộ độc lập. Lần đầu tiên, chúng tôi thấy đông người xuống đường như thế, đó là sức mạnh quần chúng.
Lúc đó, Khái Hưng chắc cũng cùng một cảm nghĩ với tôi: cuộc biểu tình đông đảo, nhưng lại là do Việt minh tổ chức, không phải do các đảng phái bên mình. Đương bối rối, thì ở dưới cổng, có hai người bước vào toà báo, yêu cầu mọi người tham gia. Cũng có một số nhân viên ở tầng dưới theo ra phố.
Hai người đó chỉ trỏ, hình như định lên trên gác. Nếu họ lên thực thì thực là khó nghĩ đối với chúng tôi, không biết nên xử trí ra sao... Nhưng may, không hiểu vì sao không có ai lên gác. Dù sao, trong lúc này, chúng tôi cũng cảm thấy cô độc. Nếu Việt minh thắng thế, nắm được chính quyền thì sẽ gây khó khăn cho các phái khác. Tuy chưa hẳn là đối địch, theo quan niệm của chúng tôi, nhưng lối tuyên truyền của Việt minh vu cáo chúng tôi là thân Nhật đã làm cho một số dân chúng có ác cảm.
Mãi tới trưa, mới được tin Việt minh đã tiến chiếm Bắc Bộ Phủ. Bác sĩ Chữ bắt buộc phải trao quyền. Còn có tin khi đoàn biểu tình tới bao vây Bảo an binh tại phố Đồng Khánh, thì gặp một toán quân Nhật án ngữ. Sau một hồi giao thiệp, quân Nhật cho là việc nội bộ của người Việt, không ảnh hưởng gì tới vị thế của họ cùng tới việc trị an của thành phố, nên tự động mở đường. Trong Bảo an binh, đã sẵn có tay trong, nên đều phục tùng sự chỉ huy của Việt minh. Đại diện của Quốc dân Đảng phái đi du thuyết quân Bảo An đã không thuyết phục nổi ai.
Thế chính trị cùng thế võ trang đều đã mất, các đảng phái quốc gia lâm vào một bước khó khăn nghiêm trọng, đành tạm nằm im đợi thời cơ, để đảng cộng sản tung hoành tại thủ đô và các tỉnh. Chỉ có một số anh em có võ trang, dưới sự chỉ huy của anh Lê Khang, kéo lên Vĩnh Yên, phối hợp được với anh Đỗ Đình Đạo, thu phục được số Bảo an binh ở đó, đuổi được cán bộ Việt minh đi và thành lập chính quyền, làm cơ sở tiên phong cho Đệ Tam Chiến Khu của quốc dân đảng sau này. Trong lúc hỗn loạn, để tránh nguy hiểm có thể xẩy ra, và để xem tình hình ở ngoài thực sự ra sao, tôi và anh Khái Hưng lấy xe đạp ra ngoài phố. Trên đường, vẫn còn rớt những người đi tuần hành về, có người tay còn cầm cờ đỏ. Tới một làng phía Đại Từ, định nghỉ chân ở nhà người quen Khái Hưng, nhưng sau lại thấy có người ra vào dòm ngó, không ổn, nên chúng tôi lại trở về thành.
- Đâu cũng là Việt minh cả...
Anh Khái Hưng lắc đầu, chép miệng nói, trên con đường trở về.
Cảnh tượng rộn rịp ở trên đường phố, chưa bao giờ có một số người đông đảo như thế đổ ra biểu tình, tuần hành, chính phủ đương triều phải nhường bước cho một đảng phái chinh trị lên nắm quyền, thực là một sự kiện lớn, hãn hữu trong lịch sử đất nước.
Nhưng thực chất sự kiện này là gì? Có phải là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập trong tay hai đế quốc Pháp - Nhật, gọi là cách mạng tháng tám như đảng cộng sản vẫn lớn tiếng tuyên truyền từ trước tới nay hay không? Đứng trên khách quan lịch sử, gạt bỏ lối nhìn đảng phái thiên kiến mà nhận xét, thì cái gọi là cách mạng tháng 8 bất quá chỉ là một cuộc đảo chính, và cuộc đảo chính này đã đưa đến một chế độ chuyên chế tai nạn cho dân tộc, một thời kỳ bi đát hàng nửa thế kỷ, tới nay chưa kết thúc. Đó không phải là một cuộc cách mạng giành được độc lập, vì lúc đó, Pháp đã bỏ chạy, Nhật đã đầu hàng, chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim là cơ cấu quản trị đất nước, dân tộc Việt nam đã độc lập thực sự. Không phải vì Việt minh cướp được quyền lực trong tay Phan Kế Toại: Nguyễn Xuân Chữ mà Việt nam mới có độc lập, người ta có thể cho rằng Bảo Đại - Trần Trọng Kim vốn là bù nhìn của Pháp, của Nhật, nhưng lúc Nhật đầu hàng, chính phủ đó có tự do hành động, có quân đội dù nhỏ trong tay. Chỉ vì tự cho mình là yếu kém nên mới khiếp đảm mà nhường quyền lực cho Việt minh. Ngày nay, nhìn trở lại thời kỳ quyết định ấy, cộng sản Việt nam nhanh chân nắm được chính quyền, mà không gặp trở ngại lớn, một nguyên nhân quan trọng chính là ở chỗ thiếu quyết tâm, thiếu tổ chức và lực lượng nhất trí của người Việt không cộng sản.
Xét trên lịch sử của các nước Đông Nam á vào thời kỳ Nhật đầu hàng, thì hầu hết các nước ấy đều lẳn lưọt giành được độc lập mà không rơi vào cùm kẹp cộng sản. Như tại Nam Dương, lúc đầu chống lại việc quân Anh nâng đỡ quân đội Hoà Lan trở lại tái xâm chiếm - là lực lượng dân tộc, trong đó có nhiều thành viên, do Sukarno đứng đầu. Sau đó, đảng cộng sản Nam Dương cũng có lực lượng võ trang tham dự chống Hoà Lan, song không đáng kể, và còn quấy phá hàng ngũ dân tộc nên thất bại. Quân Hoà Lan cuối cùng phải rút và một chính phủ quốc gia được thành lập.
Cần phải khách quan để rút kinh nghiệm về những bài học lịch sử. Lực lượng các đảng phái quốc gia Việt nam thiếu tổ chức có hệ thống chặt chẽ, thiếu lãnh đạo sáng suốt, thiếu võ trang, tuyên truyền trong quần chúng, thiếu khu căn cứ, tới ngày quyết liệt lại không mạnh dạn cướp lấy thời cơ trăm năm có một, kết quả lâm vào thế bị động và nguy nan. Có anh em lại chủ trương không nên xung đột với Việt minh, gây đổ máu giữa người Việt với nhau vô ích, đợi cộng sản lên cầm quyền rồi dần dần nó sẽ lộ chân tướng, và tất sẽ bị nhân dân lật đổ. Một chủ trương quá lý tưởng và quá tin ở người khác. Vì không nghiên cứu kỹ càng về sách lược, chiến thuật, nên không hiểu gì về câu châm ngôn của cộng sản tất cả vì chính quyền - Có chính quyền là có tất cả. Đến bây giờ, người cộng sản cũng vẫn coi trọng câu châm ngôn ấy, bám chặt chính quyền là vấn đề số 1 đối với họ.
Nếu trước kia, các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại, dựng một chính phủ vững mạnh, thì không những ngăn ngừa được nền chuyên chính của cộng sản, mà còn có thể lãnh đạo toàn dân chống đế quốc Pháp quay trở lại.
Bất cứ một chính phủ dân tộc nào lúc đó cũng có khả năng chỉ huy cuộc kháng chiến, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc đảng cộng sản Việt nam ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp - Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một thứ tuyên truyền vô căn cứ, để mê hoặc dân chúng. Dựa vào lập luận ngụy biện này, đảng cộng sản đã có thể lôi kéo dân chúng đi theo con đường tai họa xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Thực ra, lúc này, Pháp đã bị Nhật tước quyền rồi, mà Nhật lại đã đầu hàng.
Ngày 19 tháng 8, 1945, đích xác là một ngày tối quan trọng đối với tương lai của toàn dân Việt nam. Những ngày 54 hay 75 sau này, trên thực chất, chỉ là kết quả và tiếp tục của việc đảng cộng sản Đông dương cướp chính quyền trong ngày đó.
Tuyệt đại đa số những người dự vào cuộc biểu tình đều thực lòng tin rằng Việt minh là một mặt trận ái quốc, tranh đấu cho độc lập tự do của dân tộc, và sự kéo tới Bắc Bộ Phủ, Bảo An Binh (trại lính khố xanh tại đường Đồng Khánh) để cướp quyền là giành được độc lập từ trong tay Nhật, Pháp. Không ít người thực sự hân hoan, phấn khởi.
Lực lượng của quốc dân đảng đã tập hợp ở Hà Nội trong mấy ngày đó, vì không nhận được mệnh lệnh về hành động nên đã lục tực rút về các địa phương. Chúng tôi cũng chỉ được tin ở trên bắn xuống, là trong tình hình đặc biệt, cứ vẫn tiến hành việc báo như trước, để đợi tình thế ngã ngũ, sẽ có chỉ thị sau.
Khái Hưng và tôi trở lại toà báo làm việc. Còn có anh Nguyễn Gia Trí, vừa ốm khỏi, thỉnh thoảng cũng tới bàn luận về thời cực nnh hmh chung quanh vẫn yên tĩnh. Một thông cáo của ủy ban cách mạng nhân dân thành phố hô hào mọi người ùng hộ, tuân theo mệnh lệnh của ủy ban, đề phòng mọi bọn phản động và phá hoại.
Tâm tình chúng tôi lúc đó thực mâu thuẫn. Vì nay quyền lực đã ở trong tay một đảng khác. Mặc dầu, chưa có cảm giác là đối địch hẳn, vả lại hai bên đều cùng một mục đích chống Pháp, giành độc lập, lúc này chưa phải là lúc quyết liệt với nhau... Nhưng chúng tôi lại nhớ tới câu nói của Dương Đức Hiền, cảnh cáo đồng chí cũ của anh:
Nếu các anh cứ lừng khừng như thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!
Cảnh cáo của anh, chúng tôi không cần nghe, nhưng tự xưng mình là cách mạng độc tôn rõ ràng là bản chất của người cộng sản mà Dương đã học được, nhưng chỉ hơn mười năm sau, dưới mắt cộng sản Việt nam, anh không còn là cách mạng nữa.
Vài ngày sau, lại một thông cáo nữa của Việt minh, đại ý nói các nơi đều phục tùng cách mạng cả, chỉ có một vài địa phương một số thổ phỉ đã nổi lên làm loạn. Một vài điạ phương đây chỉ vào Vĩnh Yên, hay Hà Giang mà lực lượng võ trang quốc gia đã chiếm cứ được.
Gọi các lực lượng quốc gia là thổ phỉ cũng chưa đủ, cuối cùng thông cáo còn thêm một câu chiêu hồi: mong những kẻ đã đi lầm đường sớm tỉnh ngộ và quay về với tổ quốc.
Cho những đảng phái khác với mình là đi lầm đường và tự cho mình là tổ quốc, tỏ rõ rằng Việt minh đã có thái độ độc tôn thế nào ngay lúc mới lên. Song những câu nói như vậy, làm sao các đảng phái khác có thể chấp nhận được? Về sau này, mới càng rõ những đảng cộng sản cầm quyền nào cũng tự hoá mình với tổ quốc, dân tộc.
Các đảng phái quốc gia rút vào bí mật, với mục đích là chỉnh đốn lại hàng ngũ, củng cố một số chiến khu, và đợi quân đội Tnmg Hoa nhập Việt tiếp quản phần Bắc Việt nam từ vĩ tuyến 17 trở lên. Các thành phần lưu vong tại hải ngoại cũng lục tực trở về nước để hoạt động.
Thừa lúc không có ai chống đối mạnh, Việt minh ngay từ vài hôm sau đã tổ chức một số nhân vật, trí thức, sinh viên đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường chỗ cho một chính phủ cách mạng.
Như vào chỗ không người, đảng cộng sản đã thực hiện được mục đích nắm quyền trên toàn quốc, tiến tới thành lập một chính phủ lâm thời.
Bức màn đen tối đã rủ lên đầu dân tộc, lên đất nước Việt nam thân yêu từ đó. Những phút tưng bừng, phấn khởi, đầy hy vọng vừa qua đã biến thành những giờ phút đau thương với chuyên chế, khủng bố, chiến tranh triền miên. Đó là chuyện về sau.
Trong lúc chuyền tiếp, Khái Hưng, Gia Trí và tôi đồng ý đình bản tờ Ngày Nay và thay vào đó, ra một tờ báo hàng ngày trung dung hơn, làm cơ sở cho công việc tuyên truyền sau này. Đó là tờ Việt nam Thời Báo do Nguyễn Trọng Trạc làm chủ nhiệm.