cuốn 1: 1916-1946
Chương 16
Trước Cơn bão táp - Giai Phẩm

1943, đời sinh viên của tôi sắp kết thúc, nhưng kết thúc trong bị thương, lo buồn. Các bạn học của tôi miệt mài ứng phó thi cử, tôi cũng miễn cưỡng quá quan, thành tích không mấy đẹp đẽ. Các bạn đều thông cảm với tôi, giúp cho tôi thêm can đảm để bước lên con đường đã chọn.
Lớp học của tôi, từ hơn ba mươi người nay chỉ còn mười mấy người. Một tổ đã bỏ học. Có hai bạn đã sớm qua đời, mà lạ, cả hai đều vì chết đuối. Anh X. thì tại Hồ Tây, do từ thuyền bơi nhảy xuống hồ bơi, bất hạnh chìm xuống dưới mắt của ngay người em ruột. Anh rất xuề xoà, vui tính, và rất thích nói truyện với tôi. Tôi còn nhớ ngày hôm qua, lúc buổi sáng hôm đó, sau khi được vớt lên, anh nằm trên bãi cỏ xanh, mặt ngửa như nhìn lên trên lrờt, ngay trước cổng đền Quan Thánh. Tôi đứng lặng bên anh, rất lâụ, nghĩ tới những người thân của anh từ miền Trung ra. Rồi, sau đó, tất cả đều lặng lẽ đi sau quan tài, đưa anh tới nơi yên nghỉ cuối cùng.
Gần đến tốt nghiệp, lại thêm một bạn học, anh Bửu... đáp tàu thủy không may, tàu đắm. Từ đó, không bao giờ tôi gặp lại mặt anh nữa, một người bạn thẳng thắn, hiền hậu.
Trong thời kỳ tạm coi nhà xuất bản, chúng tôi cho in ra mấy cuốn sách mới. Cuốn Bạch Tuyết và bảy thằng lùn do Tú Mỡ soạn bằng thơ, in màu rất đẹp, là một cuốn có giá trị nghệ thuật.
Ngoài ra, một số sách Hồng cho trẻ em đọc. Còn có thơ của Hồ Dzếnh và Vũ Hoàng Chương:
Tôi còn nhớ mấy câu thơ của Hồ Dzếnh:
Trời đẹp như trời mới tráng gương,
Chân sim bóng nắng rợn ven đường.
C6 ai bên cửa ngồi hong tóc,
Cho chảy lan thành một suối hương.
Và tôi cũng xúc động trước hai câu của Vũ Hoàng Chương, trong một bài bát cú:
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết?
Một ván cờ thua, ngả cuộc đời.
Nhưng chưa bao giờ tôi hỏi anh viết hai câu đó có phải để khóc Thạch Lam không? Vũ Hoàng Chương, một người cao, gầy, nho nhã trong bộ áo dài Việt nam, hôm đó đến gặp tôi ở toà báo. Anh đưa tôi bản thảo cuốn Mây và muốn tôi cho ý kiến.
Sau đó, nhà xuất bản đồng ý in ra cuốn ấy.
Bây giờ, cũng như Thạch Lam, Bàng Bá Lân sau này, và Đinh Hùng, Thế Lữ, Xuân Diệu, anh cũng đã thua ván cờ của anh trong những trường hợp bi ai.
Ôi! những bạn văn thơ thương mến của tôi, nay ở đâu? Cũng vì ý kiến của anh, cùng với các anh Thế Lữ, Nguyễn Tuân, mà chúng tôi thấy nên cho ra đời một tuyển tập gồm sáng tác của những nhà văn hồi đó. Tập này, như nhiều người biết, đặt tên là Giai Phẩm, có đủ thơ, truyện ngắn, bình luận. Tôi có viết một tuyện ngắn trong đó, đầu đề là Tha hương miêu tả về cảnh ngộ phúc tạp giữa cái sống và cái chết tại một bệnh viện, và ảnh hưởng tới tâm tư của người sinh viên. Vì quá bận rộn, bôn ba và đầu óc đã khô héo, chính tôi cũng quên bẵng mất. Điều không ngờ là hơn bốn mươi năm sau, khi đã di dân sang Hoa Kỳ, còn có nhiều bạn tôi chưa hằng quen biết, lại nhắc tôi truyện đó, nhắc tới triết lý về nhân sinh bàng bạc trong đó. Các bạn đó cũng tiếc cho tôi không viết nhiều hơn.
Nhiều anh em muốn theo đuổi sự nghiệp văn chương đến cùng. Song hoàn ảnh không cho phép ngồi yên, cũng không còn tâm hồn thảnh thơi để sáng tác nữa. Về sau, nếu có viết, thì lại chuyển sang mặt khác: viết bình luận xã hội, chính trị, vì nhiệm vụ, và chính tôi, nhiều lúc nghĩ lại, cũng thấy tiếc.
Nguồn thơ của Thế Lữ có lẽ đã gần cạn. Anh quay sang nghề kịch. Thế Lữ có tài đa dạng: làm thơ, viết truyện, viết báo, làm kịch. Với sự cộng tác của một số nghệ sĩ trẻ, anh lập ra ban kịch Thế Lữ. Ban kịch dọn tới bên cạnh đầm Sét, thuê một căn nhà gỗ năm gian cao ráo, trước sau đều có đất rộng rãi. Trụ sở ban kịch lại thành ra chỗ tập hợp của nhiều văn nghệ sĩ. Đặc biệt là sau khi quân Mỹ bắt đầu phái máy bay đến oanh tạc Hà Nội, lại càng nhiều người kéo nhau xuống tránh nạn. Có thể đạp xe, hay đi xe điện, rồi đi bộ tới đầm Sét. Đầm này rất dài, có thuyền chở vào trong, giữa hai rặng cây và những mái nhà thấp thoáng, rất nên thơ. Tránh bom ở đây, lại được xem các kịch sĩ luyện tập. Mấy vở kịch đóng xong như Kinh Kha, hay Tục Lụy -truyện nàng tiên xuống trần gian- do Khái Hưng soạn thơ, sau này diễn tại nhà Hát Lớn, rất được hoan nghênh.
Mỗi khi có báo động, mọi người đều chạy ra vườn ngóng nhìn máy bay tới. Một cảm giác hiếm có trong đời là khi nằm ở đằng sau nhà, giữa những gốc dâu thưa, ngửa mặt nhìn lên bầu trời xanh ngắt. Một lúc, tiếng vang ầm ầm, mấy chiếc oanh tạc lớn từ từ bay ngang trên đầu, chung quanh nhào lộn những chiếc chiến đấu cơ nhỏ nhanh như con cắt. Chúng tôi ai nấy đều nín thở, nhưng mãi khi máy bay tiến tới thành phố mới nghe tiếng pháo cao xạ nổi lên, đạn nổ như những bông hoa trắng chung quanh máy bay. Sau đó, là tiếng bom nổ ầm ầm trong thành phố, mang đến tử thương cho người dân vô tội, nhưng thường không gây thiệt hại gì nặng cho quân Nhật. Chiến tranh, ly loạn, nhưng người ta vẫn phải sống, vẫn phải làm ăn, yêu đương. Bệnh viện buồn tễ thực, nhất là về đêm. Song lại là nơi xe mối tình duyên của nhiều đôi lứa. Không nói đâu xa, ngay trong lớp học chúng tôi, ít ra cũng có hai bạn đã tìm thấy hạnh phúc. Một là anh Đ., anh chàng người miền Trung, trắng trẻo đẹp trai lại học giỏi, một sinh viên mẫu mực. Và một là anh C., chăm chỉ, học giỏi, sốt sắng về công việc chung. Cả hai đều có tài năng, sau này đều giữ chức vụ cao trong ngành y tế chỉ khác là một ở miền Nam cộng hoà, một ở miềm Bắc cộng sản, và giống nhau ở chỗ đều có bạn trăm năm cùng trong nghề. Anh Đ. nay sống ở Hoa Kỳ, nhưng anh C. đã ra người thiên cổ.
Còn câu truyện của tôi lại khác. Tôi không phải là một sinh viên mẫu mực, cũng sống một cuộc đời hơi khác. Và cuộc gặp gỡ giữa tôi và Liên cũng hơi đặc biệt. Một hôm, tại nhà thương Phủ Doãn, khi đi theo giáo sư khám các phòng, tôi bỗng để ý tới giữa đám sinh viên, một cô gái nhỏ nhắn, mặt tròn trĩnh với đôi mắt ngây thơ. Tuy cũng mặc áo khoác trắng, nhưng xem ra cô chỉ độ hơn mười lăm tuổi. Làm gì có sinh viên nhỏ tuổi như vậy? Mà xem ra, cô rất tự nhiên, hình như quen thuộc với cả mọi người ở đây.
Sau tôi mới biết cô là con một gia đình Hoa Kiều, bố là người Hoa, mẹ người Việt. Mẹ cô mắc bệnh nằm nhà thương khá lâu, cô thành ra một người khách đặc biệt. Với tính tình hồn nhiên còn trẻ con, mọi người đều coi cô như em gái nhỏ, đặc biệt sau khi bà mẹ từ trần. Haì người thân nhất trong đời cô là bà ngoại và mẹ đã kế tiếp nhau ra đi, ông bố lại ở xa, nên cô học trò trường trung Học Trung Hoa thường chạy vào nhà thương chơi, có khi theo bác sĩ đi vào các phòng bệnh. Rất tự nhiên, có lẽ vì tính tình cởi mở giống nhau, chúng tôi thích nói truyện với nhau, rồi trở nên bạn thân. Liên coi tôi như người anh lớn thông cảm với cô trong tình trạng cô đơn. Gia cảnh đau buồn khiến cô có những ý tưởng mới về vai trò bình đẳng tự lập của phụ nữ.
Với tư tưởng ái quốc, trong tuổi còn nhỏ, cô dấn thân vào phong trào học sinh Hoa kiều chống Nhật bản xâm lược, và đã bị quân Nhật bắt giam cùng với một số thanh niên khác. Trong hoàn cảnh từ tội ác liệt, lại bị tra vấn nghiêm ngặt, qua một thời gian cô mới được thả ra nhờ vận động của các giới. Cùng ở trong cảnh ngộ, để tìm khuây khoả, tôi và những bạn học của cô thường đưa cô đi những nơi thắng cảnh, như chùa Hương, chùa Trầm, Phật Tích. Không rõ từ lúc nào, tình bạn hay tình anh em đã đổi thành cảm tình khăng khít, mặc dầu có những cách biệt về bối cảnh xã hội. Chúng tôi cảm thấy không thể rời xa nhau được nữa, tuy tương lai vẫn còn bất định. Không nói ra, nhưng chúng tôi đã ngầm ước hẹn sẽ chung sống với nhau mãi mãi.
Liên lại là một người cộng tác đắc lực trong việc làm báo Bình Minh, báo Ngày Nay bộ mới sau này, sau khi Nhật bản đảo chính quân Pháp, về việc thu lượm tin tức các nơi và thông dịch tài liệu cần thiết. Trong lúc đó, cô vẫn sống rự lập bằng nghề dậy học. Nhưng, dù có giàu tưởng tượng thế nào đi nữa, cô cũng không thể biết trước vận mệnh sẽ lôi cuốn mình vào một con đường kỳ lạ không ai nghĩ tới.
Cho tới về sau này, tới những ngày nguy nan, những ngày lưu vong đầy khó khăn, trắc trở, chúng tôi bao giờ cũng vẫn là bạn đồng hành cùng chung chí hướng, khuyến khích lẫn nhau vượt qua mọi sóng gió.