cuốn 1: 1916-1946
Chương 14
BướC Vào Con đường hoạt động cách mạng - Đại việt Dân chính - Quân Nhật

Dù muốn hay không, bánh xe lịch sử cũng phải chuyển động và lôi cuốn con người vào trong những cơn gió lốc không ngờ. Thời thế tạo anh hùng câu nói này chỉ có ý nghĩa là hoàn cảnh khách quan chi phối vận mệnh con người.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao (Kiều)
Những năm 1938-39 là những năm đã quyết định vận mệnh của nhiều người Việt, trong đó có chúng tôi.
Thế giới chiến tranh bùng nổ với việc quân Đức quốc xã xâm chiếm Tiệp Khắc, rồi Ba Lan. Cùng lúc, quân Nga Xô cũng tiến vào Ba Lan, chiếm một nửa phía Đông nước này. Dân Ba Lan khốn khổ phải sống dưới hai tròng tàn bạo. Dân Do Thái tại các nước này bị tàn sát, khủng bố dã man. Cuộc diệt chủng đã làm kinh hồn cả thế giới. Hai nước Anh, Pháp sau khi đã thoả hiệp với Đức để Đức dễ dàng xâm lăng Tiệp, Ba Lan, áo, nay thấy không thể lui được nữa, buộc lòng phảỉ tuyên chiến với Đức. Nhưng quân Đức quá mạnh, không bao lâu sau đã chọc thủng phòng tuyến Maginot, tiến vào miền Đông Bắc Pháp, uy hiếp Paris và cả nước Anh.
Phát xít thắng lợi không phải là điều tốt. Nhưng Anh, Pháp thua kém có thể đưa lại cơ hội hiếm có cho những nước bị thực dân thống trị. Tại Việt nam, một số nhân vật có ý thức dân tộc mạnh mẽ, có ý chí quật cường, thấy thời cơ đã đến, thành lập những tổ chức cách mạng để lãnh đạo phong trào. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một trong những người đi tiên phong, cùng với Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Long và một số bạn thân khác, bí mật bàn thảo việc tổ chức. Một ngày cuối năm, anh rủ tôi ra nói truyện ở ngoài sân nhà báo, bày tỏ ý kiến muốn thành lập một đảng với mục đích đâu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, đánh đuổi giặc Pháp, phế bỏ chế độ vua quan dựng nên một nước Việt nam cộng hoà, tiến tới dân giàu nước mạnh.
Thực ra, tuy chưa nói lên trước đây, nhưng mọi anh em đều có sẵn tinh thần yêu nước, nay chỉ cần bước vào hành động trực tiếp và cụ thể. Tôi ngỏ ý tán thành và tham gia vào công việc, cả hai đều biết rõ rằng sẽ khó khăn và nguy hiểm. Cương lĩnh chính trị nhấn mạnh vào việc toàn dân đoàn kết để giành độc lập, nhưng không đề cập nhiều đến vấn đề tự do dân chủ, có lẽ vì chịu ảnh hưởng của sức mạnh bề mặt của các nước phát xít và Nhật bản. Về đường lối đấu tranh, do lối nhìn hạn chế, thiếu chính sách cụ thể về các tầng lớp xã hội và về vấn đề quốc tế. Khuynh hướng dựa vào Nhật bản lúc đó cũng ảnh hưởng tới đường lối hành động của đảng, vì chưa trông rõ tương quan lực lượng giữa Trục Đức-ý-Nhật và Đồng minh, cũng chưa nhận thấy rõ bản chất của khối Trục. Do trên, Đại việt dân chính về sau chỉ phát triển được trong giai tầng trí thức, công chức, giáo viên, và tại thành phố, thiếu sự tham gia tích cực của các lớp thợ thuyền nông dân. Các anh em đều nhiệt tình, hăng hái, sẵn lòng hy sinh, nhưng phải công nhận là thiếu kinh nghiệm về hoạt động cách mạng, và thiếu học hỏi nghiên cứu về hiện tình thế giới, thiếu huấn luyện cho đảng viên. Anh em cảm thấy khó khăn trong việc dấy động dân chúng để chuẩn bị một cuộc nổi dậy, mà không mắc vào người thiếu sót của những cuộc cách mạng trước đây. Tôi được giao việc phát triển tổ chức trong tầng lớp sinh viên Đại Học. Chi bộ toà soạn gồm có Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và tôi -Tú Mỡ. Thế Lữ, vì không muốn tham dự hoạt động chính trị, nên không gia nhập. Thạch Lam cũng vậy
Ngoài Đại việt dân chính ra, cùng thời được tổ chức bí mật có Phục Quốc đồng minh hội, Đại việt Quốc Dân đảng, Đại việt Quốc xã, và Đại việt duy dân. Đại việt Quốc Dân đảng với người sáng lập - Trương Tử Anh và chủ thuyết Dân tộc sinh tồn, phát triển nhiều hơn cả trong trường Đại Học. Tại trường Thuốc, có anh Nguyễn Sỹ Dinh, bạn cùng lớp và bạn thân với tôi - và mấy người học lớp dưới, anh Nguyễn Tiến Hỷ tức Phan Trâm- sau này có dạo giữ chức Tổng thư ký Quốc dân đảng Việt nam, anh Nguyễn Tôn Hoàn, và Đặng Văn Sung. Ngoài ra còn có anh Bùi Diễm. Những người này về sau đều đã đóng vai trò quan trọng trong chính trường Việt nam. Anh Đặng Văn Sung nay đã qua đời. Về phần Việt nam quốc dân đảng, các anh em quốc nội bắt đầu khôi phục tổ chức bí mật, và do Chu Bá Phương, Lê Khang, nối lại liên lạc với Hải ngoại bộ ở ngoài nước. Các đảng phái quốc gia tuy nhiều, nhưng nói chung, vì thiếu tuyên truyền về cương lĩnh, đường lối, quá chú trọng về bí mật, nên ảnh hưởng tới quần chúng không rộng. Và cũng chưa kết hợp được thành một lực lượng đủ lớn mạnh để vận dụng thời cơ
Nói tóm lại, thời kỳ 1938-39 đánh dấu cho sự xuất hiện những phong trào chống thực dân Pháp cả ở trong và ngoài nước, báo hiệu cho một thời kỳ đấu tranh lớn và gay go sắp tới trong khung cảnh chiến tranh thế giới mở rộng đến toàn cầu. Phong trào cách mạng này không những đối với người Pháp, mà còn để chống đối với những nhóm người Việt thân Pháp, những nhóm chủ trương thoả hiệp với mục đích duy trì chế độ thuộc địa, và những mưa mô lôi cuốn dân Việt vào con đường phi chính trị, hưởng lạc, miệt mài về những hoạt động thể dục, vui chơi, hay văn chương đồi trụy. Ngọn lửa đấu tranh dân tộc từ đó được nuôi dưỡng âm ỷ trong lòng các tầng lớp dân chúng từ Bắc chí Nam.
Những chuyển động trong xã hội Việt nam và trên thế giới cũng có trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt văn nghệ nói chung và của nhóm Ngày Nay -Tự lực văn đoàn nói riêng. Sẽ không còn là thời kỳ tương đối êm đềm, lãng mạn sáu bẩy năm vừa qua. Vai trò của văn nghệ sẽ dần dần phai nhạt trong những giờ phút gay cấn, hoang mang. Chính trong hàng ngũ văn nghệ sĩ cũng sẽ xuất hiện sự phân hoá tất nhiên không thể tránh được, Tự lực văn đoàn cũng vậy.
Cục thế biến chuyển nhanh hơn người ta tưởng.
Tại Trung quốc, quân Nhật đã chiếm miền Hoa Nam, rồi đảo Hải Nam ở ngay bên cạnh Việt nam, uy hiếp tỉnh Quâng Tây. Quân đội Trung Hoa vì yếu kém, phải rút về gần biên giới Việt Trung. Quân Pháp ở Đông dương cảm thấy uy hiếp tới gần. Tưởng Giới Thạch rút về phiá Tây, đóng đô ở Trùng Khánh. Còn Hồng Quân Trung Hoa, sau cuộc chạy dài Vạn Lý Trường Chinh, đã tới chiếm căn cứ Diên An tại Thiểm Tây. Một số đảng viên đảng cộng sản Đông dương từng đã lánh sang vùng này để học tập, chuẩn bị trở về nước hoạt động.
1940. Quân Hitler tiến vào thủ đô Pháp, Paris. Một chính phủ bù nhìn với thống chế Pétain đứng đầu được thành lập. Ngay sau đó, phong trào kháng chiến Pháp nổi lên, tướng De Gaulle thành lập chính phủ lưu vong Pháp tại Luân Đôn. Mặc dầu chính phủ Pétain tuyên bố vẫn có quyền quản hạt đối với các thuộc địa, nhiều người Pháp sống ở các thuộc địa cũng bí mật theo phe kháng chiến, một số chạy trốn sang các nước khác. Có tin đồn quân Nhật bản sắp đánh vào Đông dương. Có một phần người Việt cảm thấy cổ võ, vì tin rằng quân Pháp nhất định sẽ bại. ít nhất, ách thống trị thực dân sẽ sụp đổ. Dù người Nhật nắm quyền, ta cũng được hả dạ vì được thấy bọn da trắng hung hăng sẽ phải cúi đầu khúm núm trước người da vàng. Có người tin rằng Nhật bản tuy là quân phiệt, nhưng có thể giúp cho ta độc lập: bao nhiêu chí sĩ Việt nam chẳng đã từng lánh sang Nhật bản, và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chẳng vẫn còn ở Đông Kinh?
Dù sao, người Việt cũng phải chuẩn bị để ứng phó với thời thế. Một buổi tối, tôi từ trường học đạp thẳng lên toà báo. Hoàng Đạo, Khái Hưng và một bạn nưa, anh Ph... đương ngồi đánh bài. Khái Hưng nhanh nhẹn lấy bánh mì và một đĩa thịt mặn để trên bàn, rồi bảo:
- Đói quá rồi, tạm ăn thế này cho đủ sức mà bàn truyện.
Bánh và thịt thường mua ngay ở một hiệu tạp hoá Khách xế cửa toà báo, là chỗ chúng tôi hay sang nghỉ ngơi và uống bia sau giờ làm việc.
Mỗi người thêm một cốc bia, rồi sang buồng nhỏ bên cạnh.
Thay mặt bộ chỉ huy, Hoàng Đạo truyền đạt ý kiến ở trên và cho biết tin đặc biệt quân Nhật từ đất Quảng Tây đã chia mấy ngả tiến về phía Lạng Sơn. Dân ở thị xã rất hoang mang, nhiều người sửa soạn lánh ra ngoài.
Phải đặt vấn đề: ngay trước đây Nhật - Pháp vừa ký với nhau một bản thoả thuận, sao bây giờ lại xung đột? Hoàng Đạo giải thích: Có thoả thuận thực, nhưng tướng Nishihara tới Hà Nội tuần qua chỉ để yêu cầu việc đình chỉ giao thông từ Bắc Việt tới Vân Nam, chặn đường tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch.
Mọi người suy đoán, quân Nhật một mặt thương thảo thoả thuận, một mặt gây áp lực bằng quân sự, bắt buộc đương cục ở Hà Nội phải tiếp nhận những điều kiện nặng nề hơn. Nếu xẩy ra chiến tranh, tất cả đều phải chuẩn bị ứng phó và khai thác tình hình.
Hôm sau, được biết một tin quan trọng là một toán quân của Phục Quốc Quân - thuộc Việt nam Phục Quốc đồng minh hội vẫn hoạt động tại biên giới Trung Việt trước đó - cũng đã tiến vào địa phận Lạng Sơn. Chúng tôi rất phấn khởi, vì đây là một toán quân của người Việt mình. Nếu mà chiếm được Lạng Sơn- dù với sự hỗ trợ của quân Nhật- cũng sẽ gây được một tiếng vang lớn, lôi cuốn được sự hưởng ứng từ nhiều nơi trong tình cảnh nao núng của quân Pháp.
Từ lâu, nay mới có một cơ hội tốt đẹp như vậy. Tôi lại chợt nhớ tới những ngày tráng liệt đời xưa, phong trào Cần Vương Đề Thám, Việt nam quốc dân đảng. Trước mặt, còn bao nhiêu gian nan, nhưng cũng tràn trề hy vọng, vì Pháp nay đã suy yếu. Nhưng sẽ phải làm gì, mà phải làm gấp... Các anh em được thông báo, chờ lệnh hành động.
Phần lớn dân chúng tại Hà Nội vẫn có thái độ chờ đợ, e ngại. Chiến tranh sẽ gây ra xáo loạn, rủi ro cho cuộc sống. Có người e quân Nhật quá tàn bạo... Nghe nói có nhiều vụ tàn sát người Trung quốc tại Nam Kinh, tại Hồng Kông. Hình ảnh võ quan Nhật cưỡi ngựa, đeo kiếm dàí bên hông và chém người như ngóe thực ra rất khủng bố. Tránh được beo lại gặp phải hổ. Số phận những dân tộc yếu ớt trước bạo lực thực đáng thương..
Nghĩ lại hồi đó, dân tộc Việt nam lại gặp cảnh bi đát, lại thêm một kinh nghiệm đau thương. Hai đế quốc cấu kết với nhau để cấu xé người dân vô tội. Chỉ hai hôm sau, Nhật và Pháp lại ký kết một thoả hiệp nữa. Lần này, Pháp bằng lòng chịu để quân Nhật đến đồn trú tại Đông dương và được tự do vận chuyển -có nghĩa là trên thực tế, Nhật đã chiếm đóng đất này, với điều kiện là để Pháp toàn quyền quẫn lý nội bộ- có nghĩa là sẽ vẫn đàn áp mọi sự phản kháng của các dân tộc Đông dương.
Sau đó, tức khắc việc gì phải đến đã đến. Nhật rút ra khỏi Lạng Sơn, và nhường cho quân Pháp bao vây, tấn công rồi tiêu diệt toán Cách mạng Phục Quốc Quân. Vì thiếu súng đạn, mấy trăm chiến sĩ không chống cự nổi. Hai vị lãnh tụ là Trần Trung Lập, Đoàn Kiểm Điểm và một số anh em bị sát hại. Đại đa số bị bắt. Số còn lại chạy thoát khỏi vòng vây, sang Trung quốc. Đó là một thảm kịch bi ai trong lịch sử chiến đấu của người Việt bất khuất, một thảm kịch đầy nước mắt và máu. Cho đến tận nay, mỗi khi nhớ lại đoạn sử đó, tôi không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc những người đi trước. Bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã bất hạnh ra đi. Là một thanh niên còn có tâm hồn, không thể không xúc động mạnh, không thể không vừa ngậm ngùi vừa căm phẫn trước mọi tàn bạo, mọi bất công. Người thanh niên ấy đứng trước những đau khổ, éo le của con người, của nhân loại, không thể không suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa, những quy luật trong lịch trình triền miên mà nhân loại phải đi, để tìm thấy một con đường hành động. Trong trường đại học và ngoài xã hội, nhiều người hoang mang. Anh em Đại việt dân chính cũng bối rối. Trong một buổi họp ngắn ngủi của chi bộ, ý kiến ở bộ chỉ huy xuống là: mọi người hãy tạm ngừng hoạt động để tránh bất trắc. Hồi đó tôi ở chỗ gác trọ trong ngõ Chân Hưng, gần ga Hàng Cỏ Chỗ này cũng gần ngay Sở Mật Thám Hà Nội. Trừ đi học ra, tôi tránh không gặp mấy anh em sinh viên đã vào đảng, cũng không đến toà báo nữa.
Nhưng, nhanh hơn chúng tôi đoán, tai họa đã đến ngay. Một hôm, vừa ăn cơm chiều xong, thì bỗng có người gọi tôi xuống đường, ra chỗ vắng, và báo tin là Pháp đã bắt đầu khủng bố. Ba anh Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí đã bị bắt. Về anh Nhất Linh, thì không có tin tức gì, cũng không biết ở đâu. Lúc đó, chỉ biết tin có thêm vài anh em bị bắt. Mọi người cần tạm lánh đi nơi nào kín đáo, rồi sẽ tìm cách liên lạc sau. Qua một đêm không ngủ, sáng sau tôi không đến bệnh viện tập sự nữa -bệnh viện Phủ Doãn- mà đi liên lạc xem tình thế xác thực ra sao. Cũng mừng, là vì một số lớn đảng viên trí thức, công chức hay sinh viên vẫn chưa việc gì.
Bọn mật vụ có tới khám xét tòa báo, nhưng ở đó không có tài liệu nào về tổ chức bí mật. Báo tất nhiên phải đình chỉ. Công việc nhà xuất bản, nhà in do anh Thạch Lam điều hành. Anh không dính dấp gì tới công việc chính trị, nên cũng không lo ngại lắm.
Dựa trên tin tức lượm được, và phán đoán trên tình thế, chúng tôi cho rằng tuy bọn Pháp trong tay có tài liệu, nhưng cũng không muốn làm to truyện quá, không có lợi khi quân Nhật vừa tới, nên chỉ bắt mấy người xuất đầu lộ diện để dẹp phong trào và ngăn ngừa người Việt nam tiếp xúc với Nhật.
Tuy vậy, tình hình vẫn cấp bách. Tôì lánh đi ra ngoại thành, tạm trú ở nhà một người bạn, trong một làng nhỏ gần Đại Từ trên con đường đi Vãn Điển. Ngày ngày chỉ có việc đọc tiểu thuyết cùng đánh cờ tướng với ông cụ thân sinh anh bạn. Không thấy có gì lạ sau một thời gian, tôi lại trở về nhà trọ. Một buổi sáng, tôi đến nhà thương, bị mọi người xúm xít hỏi vì sao mất tích mấy hôm. Có cô y tá hóm hỉnh hỏi: Nghe nói, quan về nhà quê cưới vợ, phải không? Nghe tiếng gọi quan, đương buồn bực, tôi cũng phải bật cười, cố đáp:
- Quan muốn lấy vợ lắm, nhưng tiếc rằng chẳng có ai muốn lấy cả.
Một buổi tối sau, có người lên gác trọ tìm tôi. Nhìn rõ, mới biết là anh Dương Đức Hiền. Chúng tôi vui mừng xiết tay nhau. Hiền, ngăm ngăm đen, rất tráng kiện, cứng cáp, tính tình thẳng thắn, được bạn hữu mến. Cả hai đều chưa bị khó dễ. Anh Tam vẫn mất tích. Sau có tin báo là anh đã trốn ra ngoàì nước, đi Quảng Châu. Hai chúng tôi đồng ý tạm thời hãy nằm im, xem tình thế biến chuyển ra sao.
Tình thế hầu như tuyệt vọng. Tổ chức gần như tan rã. Song chúng tôi cũng vẫn cố gắng giữ những đường giây liên lạc bí mật. Sự kiện này đã dạy cho chúng tôi một bài học đắng cay, và cũng mở mắt cho những người chỉ trông mong vào ngoại bang, nhất là vào một đế quốc quân phiệt. Một kinh nghiệm xương máu. Đói với tôi, đây là ký ức thấm thía đầu tiên, không bao giờ quên. Tôi mang máng thấy rằng, một sự nghiệp lớn không thể chỉ có sốt sắng và dấn thân mà có thể làm thành. Cách mạng là cả một khoa học, và cần học hỏi không ngừng nếu không muốn thất bại.
Một sự bất ngờ nữa, sáng hôm sau, đợi tôi ngay cửa phòng cấp cứu bệnh viện Phủ Doãn. Theo tin riêng, chúng tôi đã biết tình hình của anh Long anh Khái Hưng và anh Gia Trí, bị giam trong sở Mật Thám. Các anh bị tra tấn tàn nhẫn, kể cả bằng roi điện. Tìm cách lung lạc mấy tên mật thám người Việt, nhưng không ảnh hưởng nổi mấy tay mật thám đầu sỏ Pháp để cứu các anh em.
Tôi vừa mặc áo khoác, đến cửa phòng cứu cấp thì thấy hai người y tá đẩy một xe cáng tới, trên nằm một người bệnh không trông rõ mặt... Nhưng một điểm khiến tôi chú ý, là đi sau xe cáng, có hai người đàn ông mặc quần áo thường đi kèm sát tù nhân? Bất giác, tôi đi theo xe vào trong phòng. Đầu tóc bệnh nhân cắt ngắn, lởm chởm. Tôi bỗng rợn mình. Bác sĩ thường trực đã đến khám. Người bệnh quay mặt lại. Hai luồng mắt người đó và của tôi chạm nhau. Lạ là tôi còn tự kiềm chế được, không thốt lên tiếng nào, vì đó chính là anh Gia Trí! Dù có thay đổi thế nào, tôi cũng nhận được ra anh, tóc lởm chởm, bộ râu quai nón. Đôi mắt trong và xanh như mắt mèo của anh nay lờ đờ, mệt mỏi như mất hồn. Tôi nén sự xúc động của mình, cố giữ tự nhiên, giúp bác sĩ, xem những vết thương do tra tấn của anh. Bề ngoài, những vết thương ấy không sâu, nhưng vết thương do điện thực ra ảnh hưởng sâu xa tới thần kinh và tinh thần của kẻ bị hại. Mỗi khi bị tra tấn, tù nhân buốt rùng khắp mình, đầu óc đau rức, mắt choáng lên một cách ghê sợ, rú lên một cách thê thảm.
Cũng may, hai tay hộ tống không biết tôi là ai, và cũng không ngờ vực gì. Bác sĩ bảo tôi băng bó. Đây là một dịp tốt vô cùng, có thể trao đổi bằng ám hiệu. Rất mừng là thấy anh tinh thần vẫn còn vững.
Lần sau, anh tới băng bó, thừa dịp, anh đút nhanh cho tôi một mảnh giấy mỏng. Nhờ đó, ở ngoài chúng tôi biết rõ tình hình các anh em ở trong, và ngược lại.
ít lâu sau, chúng tôi được tin một số anh em, trong đó có Hoàng Đạo, Khái Hưng, Gia Trí đã bị giải đi tập trung tại Hoà Bình, cùng với một số người trong các tổ chức khác. Một nhiệm vụ khó khăn đè nặng trên vai chúng tôi là vận động để các anh em được chóng tha về.
Tôi và anh N.L đảm nhiệm việc tiếp xúc với đại diện của Nhật bản ở Hà Nội. Viên Công sứ Nhật này đóng ở ngay Viện Nghiên cứu quang tuyến phóng xạ (radium) bên phố Trường Thi. N.L biết tiếng Nhật và quen thuộc với một số người Nhật trong đó. Ngồi đợi một lúc, thì được đưa vào bàn giấy ở trong. Viên Công sứ độ khoảng năm mươi tuổi, để râu mép -nhiều người Nhật để râu lối ấy- và cũng như nhiều người Nhật, quần áo âu phục nhưng xốc sếch, lôi thôi. Bề ngoài thì hắn ta cũng chăm chú nghe nói, nhưng thỉnh thoảng lại đứng lên, đi tới một cái lồng chim treo bên cửa sổ, ngắm nhìn hai con bạch yến nhảy đi nhảy lại. Sau rốt, hắn hẹn sẽ nghiên cứu và tìm cách giúp đỡ các người bị bắt.
Lúc ra ngoài, N.L. và tôi nhìn nhau, nhếch mép cười. ấn tượng sâu sắc nhất của chúng tôi về buổi gặp mặt đó có lẽ là hai con chim ở trong lồng. Và kết luận không ai nói ra, là chỉ nên trông mong ở mình mà thôi. Cứu tinh Nhật bản miệng nói lớn giúp đỡ các dân tộc bị trị á Châu, nhưng mặc nhiên để cho đế quốc Pháp tiêu diệt khủng bố những người yêu nước Việt nam. Đó là thực tế.
Khỏi cần nói, một bàu không khí lo buồn trùm lên gia đình. Vì mấy anh bị bắt, anh Tam đã lưu vong, bôn ba nơi hải ngoại, biết ngày nào mới trở về? Anh em còn lại, toà báo, đều bị mật thám theo rõi gắt gao.
Duy trì nhà báo và nhà xuất bản, do anh Thạch Lam gánh vác: anh Hoàn giúp việc quản trị. Thạch Lam là một nhà văn giầu tình cảm, nhưng không phải là một nhà kinh doanh tháo vát. Anh Tú Mỡ, Thế Lữ và tôi cố hỗ trợ phần nào. Không còn tờ báo nữa, thì xuất bản sách cũ hay nhận in sách mới để duy trì cơ sở và đồng lương tối thiểu cho các nhân viên.
Lúc này, trên thế giới, cuộc đại chiến đã bước vào một giai đoạn gay go và tàn khốc, Anh, Pháp, Liên Xô đã kết đồng minh với nhau để chống lại tử thù Đức, ý đương hung hăng. Quân Đức đã tiến sâu vào nội địa Liên Xô, uy hiếp thành phố Stalingrad, và bao vây Mạc Tư Khoa, Leningrad. Quân Nhật đã tiến xuống miền Đông Nam á, rồi tấn công Cảng Trân Châu, tại Hawaii, Hoa Kỳ, và do đó, Mỹ bắt buộc phải tuyên chiến với Nhật. Khói lửa tung trời đã lan đến chung quanh Việt nam. Mệnh vận của toàn nhân loại sẽ ra sao? và của các dân tộc nhỏ yếu ở Đông dương sẽ ra sao? Quân Nhật và quân Đồng minh có sẽ xâu xé nhau trên ngay cõi đất này không? Máy bay Hoa Kỳ chẳng đã bắt đầu bay lưọn trên bàu trời Hà Nội?
Nhưng trên đường phố Hà Nội, bên cạnh mấy tên cảnh sát Pháp, và thỉnh thoảng dáng vài tên lính Nhật ngạo nghễ, người dân Việt vẫn phải làm ăn, sinh sống. Hàng Đào, hàng Ngang vẫn còn tấp nập người đi dạo vỉa hè, trên bờ hồ Gươm, những cô gấi yểu điệu vẫn đon đả chào mời khách qua đường ghé vào ăn kem.
Trong tâm lý hoang mang trước tình thế, người Việt nam sẽ phản ứng ra sao?