cuốn 1: 1916-1946
Chương 33
Từ Yên bái - đến lào cai
rời bỏ đất nước

Hội sư tại đầu cầu Yên Bái khiến tất cả đều phấn chấn. Lực lượng hợp lại này cũng khả quan, có thể ứng phó với nguy cơ trước mắt. Anh em ở đây cũng mừng rằng có mấy anh trong Trung ương lên cẳm đầu, chia sẻ gánh nặng với họ, và sẽ có kế hoạch chu toàn hơn.
Đây chỉ là một thị trấn mạn ngược, nằm giữa một cánh đồng, chung quanh núi rừng bao bọc, khác hẳn với Phú Thọ, Việt Trì. Núi đá xanh, cao chọc lên mây, rừng âm u rậm rạp. Con sông Hồng quanh co, chẩy gấp. Bờ bên kia có con đường đi Nghĩa Lộ. Vị trí chiến lược tốt, nhưng cô lập. Nếu nối đi liền với những khu Bảo Hà, Tuyên Quang, Nghĩa Lộ thì sẽ là một nơi tiến thoái được, khi áp dụng một chiến thuật linh hoạt hơn, với tinh thần du kích. Nhưng tiếc rằng lúc đó, không có ai có đủ bản lĩnh thực hiện.
Yên Bái... một thị trấn lịch sử, anh hùng, bi tráng với cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Việt nam Quốc Dân đảng. Trước đây chỉ nửa năm, không bao giờ ngờ tới chúng tôi lại dẫn một toán quân Việt Quốc đến đóng ở đây. Nhưng địch thủ lần này không phải là người Pháp, mà chính lại là người Việt.
Bi kịch của thời đại... dạo qua mấy dẫy phố nằm dọc theo bờ sông, những cửa hàng thưa thớt, nhiều nhà đóng cửa im lìm vì chiến sự, tôi lại trầm ngâm nghĩ tới quá khứ, tới thủa còn thơ, trong đau thương của dân tộc. Nhìn xuống bến sông, thuyền bè cũng ít. Có lẽ chỉ có một nơi vui nhất là nhà ga khi có chuyến xe lên xuống. Vì ít chuyến nên hành khách đông nghịt, toàn những người gánh gồng buôn bán. Có người trèo cả lên nóc xe ngồi vắt vẻo, có thể nói, đây là chuyến xe lửa phá ký lục chạy chậm thế giới, vì nó ỳ ạch, sùi sụt một cách đáng thương. Vì có những xạ thủ quái ác luôn luôn xỉa vào các chỗ trống, nên đi lại trong thành phố cũng phải rất thận trọng. Mà bên này không đủ lực lượng để qua sông đánh đuổi. Tuy vậy, chiến sự đã dịu bớt dần dần.
Có lẽ vì còn phải đối phó với Pháp, Việt minh chưa dám làm mạnh quá tại Hà Nội, nhưng đã bắt đầu khủng bố, vây khốn các đảng bộ Việt Quốc ở địa phương.
Lợi dụng tình hình, chúng tôi tổ chức một cuộc hội nghị của Đệ Tam Khu, gồm cả Yên Bái, Bảo Hà, Lào kai và Hà Giang - chỉ trừ có Vĩnh Yên, để bàn về việc củng cố các căn cứ địa. Dự hội nghị có đại diện đảng, chính, quân của các khu đó. Hội nghị này đặc biệt ở chỗ là hội nghị lớn đầu tiên của Quốc Dân đảng, họp trong một chiến khu của mình.
Phòng hội nghị được trang trí nghiêm trang và giản dị. Sau khi bấo cáo về tình hình chung, và trình bắy rõ ràng những khó khăn trước mắt, anh em các khu đều thảo luận nhiệt liệt. Trên thực tế lực lượng các nơi đều ít ỏi, nền tài chính cũng nguy ngập.
Việc Vĩnh Yên, Việt Trì và Phú Thọ đã mất làm cho mọi người bối rối, nhưng nói chung tinh thần các anh em vẫn còn vững, đồng ý cố gắng giữ vững những địa phương còn lại và tìm cách tuyên truyền trong quần chúng, để có thêm hậu thuẫn. Sau một ngày thảo luận, hội nghị quyết định đặt Bộ Chỉ Huy Đệ Tam Khu tại Lào Cai để chỉ đạo toàn khu, rời trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn lên trên đó, đồng thời để tăng cường tiền tuyến, để lại một số binh sĩ, cán bộ cùng súng đạn ở Yên Bái, đủ ứng phó với sự tấn công của quân địch. Kế hoạch cụ thể gồm có mở rộng địa bàn chiếm cứ tại Lào Cai - Sapa và một phần Hà Giang, tại Yên Bái, gắng sức đánh ra ngoài, liên tiếp với Bảo Hà và Nghĩa Lộ.
Một buổi sáng sau, chúng tôi đáp một chuyến xe hoả đặc biệt, cùng một toán cán bộ, binh sĩ và sinh viên sĩ quan lên Lào Cai. Một chuyến xe võ trang, chuẩn bị rất cẩn thận, đề phòng bị tấn công trên đường.
Từ Yên Bái đến Lào Cai, hành trình độ 150 cây số. Nhưng chuyến xe này ỳ ạch, mất cả một ngày. Nó vốn đã chậm, lại phải leo núi, và không có than, phải dùng củi để đun cho nước sôi. Tuy vậy, chính cũng vì thế mà chúng tôi có thì giờ để ngắm thưởng phong cảnh nên thơ ở dọc đường. ở đây thực là cảnh mạn ngược, toàn núi cao rừng rậm hoang vu. Đằng xa là rặng núi Phan-si-pan cao ngất trời. Con sông Hồng cuồn cuộn chảy, bọt nước nổi lên trắng xóa trên mặt đá ghềnh. Thỉnh thoảng có những bản làng con con nằm trên lưng chừng núi, đôi khi thấy bóng váy thêu của mấy cô gái dân tộc thiểu số, những con ngựa thồ len lỏi trên đường núi treo leo. Có lúc chuyến xe mệt mỏi, phải nghỉ lại giữa rừng để lấy nước, lấy củi chúng tôi ra ngồi nghỉ bên bờ suối ngắm bóng nắng xuyên qua các ngọn cây.
Thực giống như một cuộc du lịch, hơn là một cuộc hành quân. Anh Hoàng Đạo cũng nhân cơ hội, viết mấy chữ trong bút ký, để ghi chép cuộc du lịch có một không hai trên thế giới này.
Giữa trưa, bình an tới ga Bảo Hà. Một dẫy phố nhỏ nằm giữa rừng núi, là một ngã tư đường quan trọng. ở đây chỉ có một toán quân nhỏ đồn trú, tình hình còn yên ổn. Đời sống êm đềm của cư dân chỉ có mỗi ngày mấy lần bị tiếng còi tàu quấy phá. Nhưng gần đến Lào Cai, tình hình có phần gay go hơn. Có người báo chỉ mấy hôm trước, một toán Việt minh đã đột nhiên đánh chiếm một nhà ga nhỏ chỉ cách Lào Cai mươi cây số. Chúng tôi dự tính phải chạm trán với một cuộc đụng độ trên đường, nhưng rút cục không xẩy ra sự gì. Chuyến tàu qua ga đó một cách thuận lợì, không ai cản trở hay phục kích. Có lẽ Việt minh không biết trên chuyến xe hôm nay có quân sĩ và yếu nhân Quốc Dân đảng, hay họ sợ bóng sợ viá. Dù sao, đây cũng là dấu hiệu khu vực này không êm đềm lắm...
Gần tối, mọi người xôn xao, vui mừng. Đã trông thấy những nóc nhà thấp thoáng trong cây, trên một thung lũng bằng phẳng hơn: Lào Cai. Đoàn xe từ từ tiến vào sân ga. Một số đông người đứng đón sẵn, vẫy tay từ xa.
Một cảnh tượng náo nhiệt, các anh em ra đón đông đảo, với đủ cờ sao trắng, biểu ngữ chào mừng. Tuy đi đường mệt nhọc, nhưng tất cả đều thấy phấn khởi. Có thể gọi đây lại là một cuộc hội sư thứ hai, mang thêm lực lượng để tăng cường phòng thủ, dù không nhiều.
Sau khi xếp đặt chỗ trú ngụ của mọi người, chúng tôi được đưa tới trụ sở Tỉnh chính phủ, tức là dinh Công sứ cũ. Lạ thực! Sao mình vẫn có duyên với mấy tay Công sứ cũ và cứ phải tiếp quản dinh thự của chúng? Đây mới chính là thay bực đổi ngôi. Nhưng rồi sẽ đứng được bao lâu Dinh Công sứ cũ trên sườn đồi, nhiều cây cối bao vây mát mẻ. Vì thị xã này như nằm trong lòng chảo, mùa nực nóng ghê gớm, cộng với những luồng gió Lào thổi như quạt lửa vào mặt. Lào Cai giáp giới với Hà Khẩu bên Vân Nam, cách một con sông Nan Ti (Nam Khê) nhỏ, trên có cầu thông đường sắt. Mấy dẫy phố lụp xụp, tiêu điều. Nhưng qua một con sông, thì tới khu Cốc Lếu, một khu buôn bán nhỏ, thịnh vượng hơn, cũng là nhờ ở sự hiện diện của một sòng bạc. Lào Cai sống được về thuế thu của sòng bạc và các phiên chợ... Một lần, buổi tối, anh Long và tôi vào sòng bạc xem tình hình. Đèn sáng choang, khách tấp nập ồn ào, đủ các giống người, các thứ tiếng, đương sát phạt nhau, như không có chiến sự gì cả. Có sòng bạc, tất nhiên có nhiều thứ bê bối, ảnh hưởng không tốt tới dân chúng. Nhưng biết làm sao?
Nghỉ ngơi một hôm, phải bắt đầu vào công việc. ở đây, đã có Tỉnh đảng bộ, tỉnh chính phủ và một quân khu như các tỉnh khác. Địa bàn cũng chỉ gồm một vùng không rộng lắm. Tất cả cũng không tới một trăm tay súng, nhưng ngoài có toán quân của anh Triệu Quốc lộc - người Thổ- có thể tiếp ứng.
Để điều chỉnh lại tổ chức địa phương, Bộ Chỉ Huy tnệu tập một hội nghị cán bộ, cổ võ tinh thần đấu tranh của mọi anh em, nhưng đồng thời cũng trình bày rõ tình thế phức tạp và khó khăn. Một mặt, cũng tổ chức một cuộc tập hợp và biểu tình của dân chúng, có chức viên, học sinh và dân phố tham dự. Tôi đại diện cho Trung ương nói truyện với dân chúng. Cũng có đủ cờ quạt kèn trống, biểu ngữ... song quần chúng không đông đảo lắm.
Nhưng, thời cục biến chuyển quá nhanh.
Quân Trung Hoa rút hết. Quân Pháp ấn binh bất động. Việt cách đã rút khỏi miền duyên hải về Quảng Tây. Quốc Dân đảng lâm vào cảnh cô lập chưa từng có. Việt Trì, Phú Thọ đã mất. Vĩnh Yên như trứng để đầu đẳng.
Bỗng một hôm, một anh em đưa điện báo từ Hà Nội lên.
- Các anh xem. Tin gấp.
Tôi đưa bức điện cho anh Vũ và anh Long. Cả ba chăm chú đọc những hàng chữ:
Trụ sở Trung ương, tòa báo, và mấy trụ sở khác đã bị bủng bố. Một số anh em bị thương và bị bắt- Anh Ba đã rời Hà Nội.
Liền ngay sau đó, lại có điện báo:
Vĩnh Yên bị đánh riết... Khu bộ Bắc Ninh đã pbải rút theo đường Lạng Sơn... các nơi đều lui vào bí mật.
Chúng tôi nhìn nhau. Việt minh đã bắt đầu tổng hành động. Tại Hà Nội, thế tất hoạt động của Trung ương Việt Quốc sẽ bị tê liệt. Bộ phận Bắc Ninh - Đáp cầu, một khu bộ quan trọng, không rõ có thể an toàn rút tới biên giới không? Cục thế nghiêm trọng. Nếu Vĩnh Yên mất, và Yên Bấi bị cô lập thì rồi địa phương duy nhất còn lại sẽ là khu Bảo Hà-Lào Cai. Với lực lượng mong manh hiện nay, có thể chống giữ được bao lâu. Cần tìm ngay được biện pháp cứu vãn tình thế.
Để tăng cường hoạt động ngoại vận, tranh thủ Trung quốc và Đồng minh giúp đỡ cho phái quốc gia Việt nam, chúng tôi đồng ý phái anh Long lên ngay Côn Minh để hợp tác với anh Tam. Lúc này, Bảo Đại cũng đã sang bên Trung Hoa. Vì đường xe hoả từ Hà Khẩu đến Mông Tự đã bị bóc hết trong thời kỳ chiến tranh, nên toán anh Long phải đi bằng đường bộ tới Mông Tự, rồi từ đó đáp xe đi Côn Minh. Đường đi không những mệt nhọc mà còn nguy hiểm vì thường bị thổ phỉ quấy nhiễu.
Thực tế ngoại giao lúc này cũng không có hy vọng đưa đến kỳ tích. Vì lực lượng người Việt Quốc gia quá ít, quá yếu, lại thiếu hậu thuẫn quần chúng. Lãnh đạo thiếu sách lược đúng đường, chủ động và có viễn kiến. Trong hàng ngũ các tổ chức quốc gia thiếu đoàn kết, kỷ luật thống nhất. Nhiều anh em giầu lòng ái quốc, muốn hiến thân cho độc lập tự do của dân tộc, nhưng rút cục cũng lâm vào cảnh bế tắc, thậm chí hy sinh nhưng không đưa tới kết quả tốt đẹp. Nếu cứ như thế này mãi, thì sẽ đi tới đâu, thực là rõ ràng. Thất bại, hy sinh, tan rời, trách nhiệm chính đương nhiên do những người câm đầu phải chịu, tuy nhiên chính mọi anh em từ cấp trên xuống cấp đưới đêu là có tinh thần hy sinh, đều đã chịu đựng nhiều gian khổ. Trong bao đêm liền, trên toà nhà góc đồi này, tôi không chợp được mắt, để suy nghĩ về một lối ra trong cục thế trước mắt, và xa hơn nữa, về con đường tương lai của đất nước. Việt nam cần phải đi con đường nào? Theo chủ trương thế nào mới đạt tới tự do và hạnh phúc chân chính. Muốn củng cố, mở rộng chiến khu. Nhưng khó lòng tìm ra người, ra súng, ra tiền? Trở về hợp tác với Việt minh để cùng chống quân Pháp xâm lăng? Nhưng kết cục sẽ chỉ là bị tiêu diệt hay đầu hàng, đoàn kết chống giặc không thể thực hiện được dù nghe rất hay trên lý thuyết.
Từ một năm nay, do dự, bị động, tự mãn đã là lỗi lầm chí mạng...
Rồi lại đến tin Vĩnh Yên bị tấn công rồn rập. Chẳng bao lâu, thủ quân vô viện phải ra hàng và chịu nạp vào biên chế của Việt minh. Mấy người chỉ huy bị bắt giam.
Tình hình Yên Bái lại trở nên nguy ngập hơn bao giờ hết. Chúng tôi phải điều động một số binh sĩ xuống trợ giúp, cố giữ tiền đồn trọng yếu này. Nhưng ngay lúc ấy, chung quanh Lào Cai cũng đã bùng lên tiếng súng. Từ bên Hà Giang, toán binh của Triệu Quốc Lộc bị tấn công, cũng phải rút chạy về vùng Bảo Hà. Chưa thấy có viện trợ từ ngoài vào. Đâu đâu cũng cáo cấp.
Bộ chỉ huy và các anh em hội họp, cuối cùng quyết định không chờ đợi nữa, phái tôi và một số cán bộ sang Vân Nam cầu viện, xem có thê trông mong gì về những tay quân phiệt ở đó Nhưng đồng thời, một mục đích không công khai ra là để tìm hiểu các đảng bộ của Việt Quốc ở hải ngoại để vạn nhất, tổ chức lại làm chỗ đứng sau này và đi tlm một con đường khác mong thoát khỏi bế tắc.
Với một tâm tình phức tạp, tôi sửa soạn ra đi. Lúc đó, còn hy vọng phần nào về tương lai khu căn cứ nhỏ này, cũng hy vọng có ít quân, ít súng đưa về để cầm cự một thời gian, đọ cơ hội. Nhưng vấn đề chính không phải là binh với súng, mà ra ngoàí, còn có thể gắng tìm một con đường hành động khác, gây ra một cục diện khác trong đó công tác trọng tâm phải là chống Pháp, chứ không phải là chống Việt minh. Vì tôi nghĩ, nếu mình không chống quân xâm lược, thì không sao lôi cuốn được quần chúng, không gây được thế lực mạnh.
Cần phải tìm ra một chủ trương thích họp với nguyện vọng và khâ năng của đại đa số dân chúng. Nhưng, trong đầu óc chúng tôi, tương lai vẫn còn mờ mịt. Đây là một con đường cheo leo giữa hai thế lực mạnh, rất mong manh.
Song với lòng bồng bột của tuổi trẻ, người ta thường không suy nghĩ nhiều, thường dám dấn thân vào mạo hiểm. Tôi nghĩ, nhiều lắm là vài tháng, một năm, tình hình sẽ có biến đổi, lúc đó hãy tính sau. Nếu lúc đó, tôi đoán trước được là sẽ phải phiêu bạt nước ngoài hàng mấy chục năm, thì có lẽ còn do dự hơn nữa.
Lại nghĩ đến những bậc tiền bối đã lưu lạc đất người từ đầu thế kỷ, đã có bao nhiêu người không trở về với quê hương. Mệnh vận, nhiều khi cũng đắng cay, bất công: những người có tâm huyết, có tài năng lại thường chịu đầy đọa nhất, còn những kẻ túi cơm áo giá, tham danh vụ lọ lại vẫn sống đàng hoàng, hưởng thụ. Giá trị con người chính là ở chỗ biết dấn thân, biết hy sinh, dù có thất bại.
Hình như hiểu thấu tâm lý trên, để khuyến khích chúng tôi, anh em làm một bữa tiệc để đưa tiễn. Thực đơn rất giản dị nhưng cũng đủ món, và đồng thời cũng để thết đãi mấy giáo quan người Nhật tại trường Lục Quân. Vì tôi nghĩ, mấy người Nhật này cũng là lưu vong ở đây và có lòng giúp mình, nhờ họ mà công việc huấn luyện có kết quả tốt đẹp. Một bữa cơm không thịnh soạn, nhưng chắc chắn là phong phú nhất đối với họ từ khi gia nhập hàng ngũ Quốc Dân đảng. Anh Vũ, mọi anh em bịn rịn nâng cốc rượu trắng chúc blnh an lên đường. Các sĩ quan Nhật cũng tỏ rất hào hứng, uống rất hăng. Vì lưu lạc, sống chết không biết lúc nào, và rất có thể bị Đồng minh bắt, đem ra xử...
Giữa bữa tiệc, một sĩ quan - tên là Hùng - giáo vụ trưởng - tự động đứng ra múa kiếm, rồi gõ chén hát một bài tạm biệt bằng tiếng Nhật. Tiếng hát, chúng tôi không nghe hiểu, nhưng giọng hát bi thương, đặt biệt rền rĩ của tiếng Nhật khiến chúng tôi rung cảm. Chỉ có những người trong cảnh gian truân, ly biệt mới nghe thấu được giọng hát ấy. Ba người Nhật vừa hát theo dịp gõ vừa rơm rớm nước mắt. Trong thâm tâm, tôi cũng mong muốn cho họ sớm được trở về với tổ quốc, với gia đình, sống được cuộc đời thường dân, quên đứt những ngày tội lỗi đã qua.
Thế rồi, một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1946, chúng tôi tất cả tám người, rời bỏ dinh Công sứ cũ Lào Cai, xuống đến đầu cầu sang Hà Khẩu. Một cái cầu sắt không dài, trên sông Nam Khê. Đứng ở đầu cầu, nhìn lại giang sơn, núi rùng bát ngát, sông Hồng cuồn cuộn, dẫy núi Hoàng Liên sừng sững ở xa xa. Đất nước rộng mênh mang như thế, nhưng sao nay lại không một chỗ dung thân yên lành. Gạt bỏ những ý nghĩ bi quan, chia tay với các anh em ra tiễn, chúng tôi bước thẳng qua cầu, sang đất Hà Khẩu.
Đây là chỗ mà tôi đặt chân đầu tiên lên đất Trung Hoa.
Cũng là một thị trấn nhỏ nằm trong một thung lũng, hai bên là núi rừng, ở giữa con sông Nam Khê chẩy gấp. Con đường sắt lách mình giữa giòng sông và vách đá.
Có giấy giới thiệu chúng tôi vào dinh Đốc Biện (viên chức trấn thủ) làm giấy tờ nhập cảnh. Rồi, do một anh em ngày trước có làm việc trong quân đội Trung Hoa dẫn đường, chúng tôi men theo nền đường sắt, dọc sông, tiến lên, mở đầu cho một cuộc hành trình đặc biệt gian nan nhưng cũng đầy thú vị: đi bộ từ Hà Khẩu lên Mông Tự, cách nhau 170 cây số.
Đến đây chấm dứt quãng đời ngắn ngủi chưa đầy hai tháng của tôi ở chiến khu ba... Nhưng đó là một quãng đời khi rất hào hùng, khi rất nên thơ, một quãng đời đầy hy vọng và đầy thất vọng. Không ai ngờ được là từ một nhà báo, một bác sĩ, thời cuộc đã xô đẩy tôi nghiễm nhiên đóng vai một người chỉ huy cả văn lẫn võ trong một chiến khu, rồi lại dẫn một cuộc trường chinh đến mục đích. Nhưng nay lại bắt đầu một cuộc hành trình gian truân và sôi nổi khác, cuộc hành trình này sẽ gần như vô tận.
Vì đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng trong công cuộc đưa tới thất bại, chúng tôi không khỏi thấy bùi ngùi vô hạn. Từ lúc tham gia cách mệnh tám năm trước đây với tấm lòng chân thành, vô tư, không tham vọng, không màng danh lợi, bao nhiêu anh em nay mỗi người một số phận. Nhưng chúng tôi không được phép bi quan. Hoài bão không thay đổi là đi tìm chân lý, gắng tìm một con đường hạnh phúc cho cả dân tộc, trong đó có chính mình. Không có gì có thể lay chuyển được ý niệm này, mặc dầu thần vận mệnh vẫn không ngừng theo rõi chúng tôi và sẽ đưa tới những bờ bến không ai ngờ tới.
Cái cầu sắt Lào Cai, sông Hồng, núi rừng quê hương, đã dần dần mất hút tận chân trời, khi tôi tạm dừng bước, quay đầu lại...
Tạm biệt, cố hương!
-----------------------

Xem Tiếp: ----