Vĩ Thanh Tình cờ trong chuyến đi tham quan những danh lam thắng cảnh các tỉnh Miền Tây, tôi nghe được câu chuyện này từ chính miệng của Nhành, một trong năm nhân vật chính ở số 96/2C Bến Đình. Bữa đó đúng là một ngày tệ hại. Đang chạy ngon trớn, chiếc xe khách mười lăm chỗ ngồi chánh hiệu Hàn Quốc bỗng trở chứng nằm ì như cục sắt vụn. Bác tài, mình mẩy dính đầy dầu nhớt, thò đầu từ dưới gầm xe biểu có khi phải chờ vài tiếng đồng hồ. Hàng mấy chục con người bị vứt ra đường lúc trời đêm nhập nhoạng thì chẳng khác nào cực hình khủng khiếp. Cằn nhằn một lúc, tôi quyết định vẫy xe ôm vô thị trấn tìm thú giải sầu. Trước khi đi tôi đã cẩn thận để lại số di động, dặn ông Tư Phong, người đứng ra tổ chức chuyến đi khi nào sửa xong thì kêu một tiếng. Tư Phong là dân chạy áp phe kiêm thêm nghề tổ chức tham quan, du lịch. Sau khi thu tiền góp từng người, ông ta liền đến dịch vụ cho thuê xe nào đó đặt chuyến, phần dư thì bỏ túi xài chơi. Tôi có cái bịnh nói dai, gặp chuyện trúc trắc là băn hăn bó hó[/link] nên vừa mở miệng là ổng mừng húm, gật đầu liền. Có vài người nữa cũng bắt chước theo tôi, nhưng chúng tôi không đi chung với nhau. Ra tới thị trấn, tôi vô quán bia làm bậy vài ve. Quán vắng teo. Chủ quán là một cô gái lỡ thời, ngồi ngáp ngắn ngáp dài trên chiếc ghế xếp. Thấy tôi ngồi uống một mình, cô ta liền sán tới, cất giọng êm và xởi lởi: - Sao uống một mình vậy anh Hai? Bộ chán đời hả? Tôi vừa trúng năm tờ giải nhứt xổ số Vĩnh Long, có tiền mua “ di động”, du hí đó đây, tâm trạng vui như tết, vậy mà cô ta nhìn làm sao mà nói tôi chán đời vậy cà? Tôi liền nói ghẹo: - Bộ trên trán tôi có khắc hai chữ “ chán đời “ hả, cô Ba? - Không có. Nhưng ngó là đoán ra thôi, dễ ợt hà! Rồi cô ta tiếp tục liến thoắng như rà trúng đài: - Nhậu để vui người ta thường đi có bè có bạn, bộ anh Hai không nghe người ta nói “ trà tam, rượu tứ, bộ hành nhị “ hả. Rượu chè phải có người đối ẩm mới xôm. Còn ngồi uống một mình đích thị là có tâm sự, em nói có đúng hôn, anh Hai? - Chà, cô Ba cũng rành đời quá ha! Đúng là tôi đang bực mình vì chuyện đi đứng xe cộ. Nếu không ngại, cô Ba có thể ngồi uống với tôi vài ly, nhậu một mình kể cũng buồn. Mời lơi, không dè làm thiệt! Cô chủ ngồi phệt xuống chiếc ghế ọp ẹp, điềm nhiên rót bia và cụng ly với tôi. Nhìn cách khui bia, chạm cốc, chứng tỏ cô ta là dân có thâm niên trong làng “chai lọ “. - Em tên Nhành, thứ Hai chớ không phải thứ Ba như anh Hai mới nói. Cứ kêu em là con Hai, nhỏ Hai hoặc cô Hai, sao cũng được. - À, cô Hai! Coi bộ cô Hai có tửu lượng không phải hạng xoàng! Hỏi thiệt, sức cô Hai uống được mấy chai; năm, bảy hay nửa két? - Đàn bà mà nhậu nhẹt có hay ho gì đâu mà khoe mẽ hả, anh Hai! – Nhành cười buồn:- Nói, có khi anh Hai không tin, bữa nào khỏe khỏe trong mình, em có thể nuốt chững cả thùng đó nghe. Bây giờ xuống sức nhưng nửa thùng thì “ dư sức qua cầu “, anh Hai sợ chưa? - Sợ! Tôi chỉ năm, bảy lon là say nhừ tử! – Tôi gật đầu thú nhận:- Nghe nói đàn bà không nhậu thì thôi, chớ đã chịu uống thì cánh đàn ông là cứ phải “ tam bộ nhứt bái “ như Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê! Đêm choàng lên vai người chiếc áo cô đơn. Từ hướng tây một ánh sao băng bùng cháy như ngọn đuốc, lao vun vút như mũi tên. Vũ trụ bị thương chao nghiêng, điên đảo, tự nhiên tôi thấy nhói trong lòng… Uống hết lon thứ ba. Tự lượng sức mình “ địch “ không lại, tôi đành chịu mất mặt nam nhi đề nghị Nhành chấp một lon, Nhành uống hai, tôi một. Suy nghĩ một lát Nhành nói tiếp: - Em đang có chuyện buồn, muốn được giãi bày. Tánh em ruột để ngoài da, có nỗi niềm mà không nói ra trong lòng cứ nặng ì như đeo đá. Anh Hai có vui lòng ngồi thâu đêm suốt sáng với em hôn? - Cái này thì hơi găng à nghen – tôi nghĩ thầm, chiếc xe sửa xong lúc nào khởi hành lúc ấy, - rồi tôi quyết định:- Thây kệ, tới đâu hay tới đó có gì tính sau. Giọng Nhành cao vút: - Nghĩ gì vậy? Anh Hai uống đi. Uống rồi nói mới linh. Em là dân bợm thứ thiệt đó, anh, mở quán không phải để kiếm lời mà chỉ để có bia uống! Em nhậu đến nỗi ông già tức quá hộc máu mà chết, con nhỏ em chán đời quá cũng bỏ em đi mất biệt, bây giờ chỉ còn mỗi mình em trong cái xà lim bê tông cốt thép. Lạnh lẽo. Ghê người. Từ khi ông già đi về bên kia thế giới, em tính từ bỏ sự nghiệp bia bọt, nhưng chỉ chừa được vài buổi là chịu không thấu. Lại nốc và nốc! Con sâu rượu trong mình em con nào con nấy bự bằng ngón tay cái mất rồi! Nói đoạn Nhành cầm ly bia tu ừng ực, rồi ngửa mặt cười một tràng dài. - Bộ cô Hai buồn đời dữ lắm hay sao mà nhậu quá trời quá đất vậy? - Đâu có! Em nhậu để kiếm tiền đó anh. Em muốn có ngôi nhà lầu ba từng nên phải cắn răng cắn lợi mà nốc! Nhà cất xong thì ông già bị tăng xông máu nằm một đống. Ông già mê một ngôi nhà đàng hoàng không bị nắng rọi, mưa dột nên em phải cố. Bữa ăn mừng tân gia, em phải cõng ổng đi giáp vòng. Ông già vừa rờ rẫm các thứ, vừa luôn miệng xuýt xoa cứ như đứa con nít lạc vô thế giới thần tiên! Ổng hỏi em tiền đâu mà có, em nói tiền do làm lụng, tiện tặn, trúng xổ số. Lúc đầu ổng tin nhưng sau khi biết chuyện làm tày trời của em, ổng nhứt định không chịu vô ở trong căn nhà mới xây mà nằm lì ngoài cái chòi chăn vịt, được vài bữa thì hộc máu mà chết! Coi ra tất cả những gì em làm đều trở thành vô nghĩa. Tội em lớn bằng trái núi Sam không cách chi gột nổi! Nhành đột ngột im lặng. Cặp mắt phừng phực như ngọn đèn dầu sắp tắt. Nỗi buồn của Nhành lây sang tôi. Tôi cũng buồn... Hồi lâu Nhành nói bằng giọng ráo hoảnh của một người đã quen cam chịu những bất hạnh giày vò thể xác lẫn tâm hồn: - Không phải chỉ mình em chịu khổ mà cả mấy đứa ở chung cũng khổ, những linh hồn trôi sông lạc chợ cùng tề tựu dưới một mái nhà để cùng hứng chịu nỗi đọa đày nơi trần thế! Nhành đột ngột ngừng nói và uống bia tì tì. Dưới ánh sáng lờ mờ ngọn đèn neon đang thời kỳ quá đát, Nhành ngồi ủ dột như ánh trăng rằm đêm mưa, gương mặt hiển hiện tận cùng nỗi đau trần thế. Trong suốt bốn mươi lăm năm làm kiếp nhân sinh, tôi đã vô số lần chứng kiến những nỗi thống khổ của thập loại chúng sinh, những sinh linh sanh ra để chịu trời đày, những thể xác tật nguyền, những linh hồn quặt quẹo lóp ngóp, loi ngoi trong một thế giới chật chội, xa lạ vừa là nơi cư ngụ vừa là chốn lưu đày. Những kiếp số có tên có tuổi, có mẹ có cha, có quê quán bản làng, họ được pháp luật thừa nhận, được cấp hộ khẩu, chứng minh và được quyền đi bầu như bao công dân khác. Danh tịch, nhận dạng của họ được lưu trữ trong hồ sơ quản lý của ngành công an cùng chung với danh tánh những vị tai to mặt lớn, những nhà khoa học cự phách, những hoạch định gia tài năng, thao lược…nào có kém cạnh ai đâu!. Nhưng những quy chuẩn pháp lý ấy nào có ý nghĩa gì khi giữa cuộc đời thật họ không được Thượng Đế thừa nhận, không đươc đồng loại thừa nhận là Người! Họ bị xua đuổi, bị xa lánh, bị bỏ rơi, bị quăng vào một Tồn Tại đầy bất trắc, nghiệt ngã không chốn nương thân! Họ là tha nhân trên chính quê hương xứ sở của mình, là người dưng trong chính bản thể của mình. Bi kịch khủng khiếp nhứt kiếp nhân sinh sanh ra mang tiếng con người mà chẳng được làm người nhưng lại phải thực hiện trọn vẹn bổn phận con người! Họ không có quyền từ chối hay thối thác trách nhiệm! Làm Người trong thời buổi này quả là khó! Nhành nói không sai “ Vi gian nan/ Làm người khó/ Làm chó mới dễ! Đúng là làm chó có khi lại dễ hơn! Tôi không thôi bị giày vò bởi ý nghĩ khôi hài lẫn đau xót: không là Người, vậy họ là gì? Phải chăng đây là báo ứng tiền căn? Tôi không tin vào tôn giáo, triết học duy tâm nên khó lòng chấp nhận những lý lẽ đó, nhưng tôi vẫn không dứt băn khoăn: nếu trong cõi đời không hiện hữu luật nhân quả, không tồn tại thuyết luân hồi… thì tại sao thế gian này lại có người này sung sướng, kẻ khác lại khổ đau? Đời tôi lăn lóc đã nhiều, đắng cay, khổ hạnh đủ mùi nếm trải, vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng trong vở trò đời đen bạc mà tạo hóa bất công đã sắp đặt, an bài cho mỗi vai diễn. Tôi chiêm nghiệm. Và rốt cuộc đã hiểu ra một điều: hạnh phúc thì hữu hạn mà nỗi đau thì vô hạn. Niềm vui, hạnh phúc đều có gương mặt na ná như nhau. Rạng rỡ. Hào quang sáng bừng trên mỗi tế bào. Nhưng nỗi đau thì mỗi kiếp người mỗi vẻ. Đau đớn. Chán chường. U uất. Cam phận. Hận thù chất chứa….Từ lâu tôi luôn nghĩ, trong tận cùng thảm cảnh mỗi kiếp nhân sinh vẫn không thôi hy vọng, chỉ có niềm tin con người mới có thể tiếp tục tồn tại. Và tôi cay đắng thú nhận rằng mình đã lầm! Trên bước đường bôn ba, lưu lạc, tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu ánh mắt tận cùng thống khổ. Những ánh mắt như dòng sông chết. Vô ảnh. Vô hồn. Nhưng nếu soi vào thật lâu, thật kỹ ta vẫn nhìn thấy lấp lóe những tia sáng phục sinh. Chính những đóm sáng nhỏ nhoi đó đã nâng giấc những linh hồn lầm than cơ cực. Người đàn bà đang ngồi đối diện với tôi có con mắt mà chẳng có con ngươi! Đôi đồng tử tối tăm, âm u như hai nấm mồ lạnh lẽo. Đôi mắt của người đã chết, chết tự lâu rồi! Tôi nhấp từng ngụm bia đắng ngắt và nghe Nhành kể lể. Cô vật vã gieo từng hạt giống đau thương lên cánh đồng số phận hệt như nhà thơ đang gieo linh hồn xuống từng xác chữ. Tôi có quen người bạn làm thơ mỗi khi tìm cảm hứng sáng tác là anh ta vặn mình đau đớn như đang lên cơn đau ruột dư! Hỏi tại làm sao, nhà thơ trả lời cái Đẹp bao giờ cũng được kết tinh bằng nỗi đau, tựa như kiếp trai ngậm cát ngàn năm để tạo ra hạt ngọc quý. Đúng là anh ta có biệt tài nói lý lẽ! Tuy nhiên phải công nhận thơ của anh chàng rất đẹp, rất hay, đọc tới đâu tóc tai, ốc ác dựng đứng tới đó. Thơ của bạn tôi thuộc trường phái cách tân hiện đại, không vần, không điệu, ngôn từ lổm nga lổm ngổm như cua bò đọc cả trăm lần vẫn không sao thuộc nổi một từ! Nhà thơ nói vần điệu là chiếc lồng chật chội kiềm hãm sức sáng tạo khiến câu thơ không thể thoát ra được với bao la vô tận. Tôi đã có dịp đọc đứa con tinh thần mới nhứt của anh. Trong số ba mươi hai bài in trên giấy bóng tôi thuộc chỉ có bốn câu! Bởi vì bốn câu đó tương đối suôn vần và ý tứ hơi lạ chớ chưa hẳn là hay. Những nhà thơ “ truyền thống” thường ví người yêu, người đẹp với trời trăng, hoa cỏ, giọt sương long lanh buổi sớm mai vân vân và vân vân, còn nhà thơ của tôi lại ví cái Đẹp như sau:”..Em đã từng bám chặt vào đời anh như rong rêu bám vào sàn nước/ Như con mèo lười quanh quẩn bên bếp lửa chiều đông/ Như con sâu cuộn mình trong lá xanh/ Con sâu hóa bướm vụt bay đi chỉ để lại một ít phân khô trong chiếc lá tàn phai rỗ sứt rỗ sì!..Giữa lúc tôi đang còn thả hồn theo mấy vần thơ “ cua bò “ thì chuông di động réo lên. Tư Phong báo tin xe đã sửa xong. Câu chuyện bi lụy của Nhành đã giữ chưn tôi lại. Tôi quyết định không đi lòng vòng Miền Tây nữa mà ngồi lại quán để theo dõi toàn bộ câu chuyện, biết đâu kiếm được chút vốn liếng để cày ải trên trang giấy. Cũng cần nói thêm, tôi là một nhà văn “ tập sự “, suốt hơn hai chục năm ròng rã ôm mộng trở thành văn sĩ. Viết đã rồi gởi đi. Gởi đã rồi thấp thỏm hy vọng. Hy vọng đã rồi tuyệt vọng...Vợ tôi biểu, nhà văn trước hết cần phải có tài rồi mới kể đến sự cần cù siêng năng, khốn nạn cho thân tôi thiếu chữ “ Tài “ lại thừa chữ “ Tai “. Cổ nói thẳng vô mặt tôi mà không cần vòng vo tam quốc: - Tài của anh chỉ có thể viết báo tường thôi! Dẹp mộng văn chương, đẩy chiếc “ cánh én ghẻ “ ra chợ đón khách kiếm đồng ra đồng vô là thượng sách! Lời nói thật lòng của vợ đau còn hơn roi quất. Vợ chồng đầu ấp, tay gối mười mấy năm dài đăng đẳng, dẫu cạn tình cũng còn nghĩa chẳng lẽ em không tìm được lời nào tế nhị, nhẹ nhàng hơn hay sao, làm chi mà buông ra những lời phụ phàng, cay đắng thế hả em? Tôi biến thành gã xe ôm thứ thiệt. Mộng văn chương bị nợ áo cơm phủ lớp bụi dày, dần dần bị vùi chôn như nấm mồ hoang lạnh. Tôi bắt đầu nung nấu ý định viết trở lại do một chuyện hết sức tình cờ. Hôm đó đang ngồi mọc rễ trên chiếc “ cánh én ghẻ” chờ khách. Để chống lại cơn buồn ngủ, tôi mượn tờ báo cũ làm giấy gói cá của bà ngồi bên cạnh và đọc ngấu đọc nghiến. Đây rồi! Tôi reo lên. Một tờ báo chuyên về văn học có uy tín đang tổ chức cuộc thi truyện ngắn, thời hạn kéo dài trong vòng một năm. Cuộc thi đã đi được nửa đoạn đường, phải gấp lên mới kịp. Thế là từ đêm đó, tôi quyết định gieo những hạt giống lép cuối mùa hy vọng lên cánh đồng ước mơ khô cằn sỏi đá đến đỗi quên ăn quên ngủ và nghĩa vụ làm chồng! Vợ tôi chẳng có phản ứng gì, không phản đối cũng không tán đồng. Trong thâm tâm, cổ vẫn khinh tôi là thằng đàn ông vô tích sự, thế nào tôi cũng nhanh chóng bỏ cuộc cho mà coi! Thằng con trai học lớp chín thấy tôi gõ bàn phím vi tính second hand liền nhăn mặt phàn nàn: - Ba à, con thấy ba viết hoài mà có được đăng đâu. Tiền in tốn lắm! Thôi, ba nhường máy cho con chơi half life. Ghiền quá! Chỉ có một người duy nhứt về phe tôi, là đứa con gái bé bỏng đang học lớp hai. Khi tôi đánh máy, nó bắc ghế ngồi kế bên, miệng hả ra tròn vo như muốn nuốt từng chữ. Những từ nào không hiểu nó lại hỏi, tôi trả lời phát mỏi miệng. Cuối cùng tôi nói với con gái, nếu con muốn ba trở thành nhà văn thì con phải biết im lặng! Vô lớp học, con gái tôi khoe với bạn cùng bàn là ba nó sắp là nhà văn lớn! Báo hại! Thầy giáo chủ nhiệm hỏi, tôi không biết giấu cái mặt mo vô đâu. Con ơi! Tại sao con lại “ nói thách “ dữ vậy, tội nghiệp cho ba! Đêm. Hai cha con nằm bên nhau nó rụt rè nói khi nào truyện của tôi được đăng, lãnh tiền nhuận bút thì mua cho nó cái đồng hồ điện tử tám ngàn một cái, tôi gật đầu. Dường như thấy chưa đủ, nó tiếp tục “ yêu sách” đòi thêm đồ chơi khám bác sĩ giá ba chục ngàn bán đầy rẫy ở chợ Kim Biên, tôi ừ luôn. “ Lòng tham “ con gái tôi thật là vô đáy khi nó lại đưa ra một yêu cầu mà thoạt nghe qua tôi đã rụng rời tay chưn, sửa lại cái nhà! Nó nói nhà chật quá, đi đâu cũng đụng, sửa lại cho rộng rãi để có chỗ cho nó học hành. Con à, cha nhà văn nào cũng nghèo kiết xác, tiền nhuận bút chỉ đủ một chầu liên hoan thôi, con có hiểu không? Nó nói, ít tiền vậy thì viết làm gì? Viết để chứng tỏ cho nhân loại biết rằng trên thế gian này còn có kẻ bất tài là ba đang tồn tại, viết để khẳng định cái Tôi, để kiếm chác chút hư danh, để khỏi bị mẹ con chê là thứ bất tài vô dụng! Sau hai tháng cật lực, tôi đã hoàn thành năm truyện ngắn. Ra bưu điện gởi mà hồi hộp muốn rụng tim. Những ngày chờ đợi với tôi quả là cực hình khủng khiếp, tôi phải liên tục uống thuốc trợ tim và thường xuyên kiểm tra huyết áp. Đêm. Tôi không ngủ được, thỉnh thoảng lại mò xuống từng dưới bật vi tính đọc lại những gì mình đã mang nặng đẻ đau. Mỗi truyện ngắn đủ năm ngàn từ, năm truyện là hai mươi lăm ngàn, tôi đã học thuộc lào lào như sư sãi thuộc kinh siêu độ! Quả thật, đây chính là thứ kinh siêu độ cho tôi, suốt tám ngàn, ba trăm, chín mươi lăm ngày mòn mỏi một ước mơ nếu lần này không xong chắc linh hồn tôi mãi mãi bị lưu đày dưới diêm la thập điện! Tôi nâng niu, vật vã những đứa con tinh thần và luôn cảm thấy không hài lòng với mình. Có những đoạn đọc thấy dở ẹc, nhân vật hành động cứ như con rối, vậy mà tôi lại dám gởi đi, đúng là điếc không sợ súng! Tôi hối hận, giá như đừng quá nôn nóng.. Vợ tôi ra “ tối hậu thư “ nếu lần này tiếp tục thất bại thì hãy vĩnh viễn từ bỏ giấc mơ văn sĩ là vừa! Cuộc thi nghiệt ngã này, với tôi là “ canh bạc cuối cùng “. Tôi cứ băn khoăn, Ban biên tập đã phát hiện ra một “ tài năng lớn “ đang còn núp dưới đống lá ủ hay là do thấm nhuần giáo lý nhà Phật “ cứu một mạng người phước đẳng hà sa! ”, thương hại cho một kẻ bất tài vô dụng, sợ hắn thất chí mà làm chuyện tương tự cụ Phan Thanh Giản sau khi dâng cho kẻ thù ba tỉnh Miền Tây Nam kỳ mà cuối cùng một trong năm truyện ngắn của tôi đã được đăng! Mặc dù truyện đã bị cắt bỏ một số đoạn, trang, từ chỗ năm ngàn từ bây giờ chỉ còn lại ba ngàn tám trăm bốn mươi hai từ, nhưng như vậy đã quá đủ cho một người “ mặt chai mày đá “ như tôi rớt nước mắt vì sung sướng! Tôi đã khóc như cha chết, khóc lụt khóc lội, khóc đã lại cười khành khạch như điên. Không hiểu sao tôi chợt liên hệ đến nhân vật Phạm Tiến trong “ Nho lâm ngoại sử “ của Ngô Kính Tử, Phạm Tiến thi đậu cử nhân mà đã hóa rồ, tôi chưa “ ẵm giải “ mà cũng sắp sửa vô nhà thương điên! Vợ tôi nhíu mặt, nói: - Anh hì hục viết từ năm hai mươi tuổi, bốn mươi ba mới được in truyện đầu tay, như vậy tính bình quân mỗi tháng anh rặn ra đúng một từ! Xin lỗi độc giả, tôi hơi vòng vo chuyện viết lách không phải để phô phang mà muốn chứng minh cho các bạn thấy con đường văn nghiệp của một kẻ bất tài, vô dụng như thằng tôi nó gập ghềnh, trần ai ra sao mà thôi. Trở lại câu chuyện còn dang dở. Đêm đó Nhành đã kể cho tôi nghe câu chuyện, chuyện đời cô, chuyện bốn cô gái cùng ở Bến Đình và những số phận ràng buộc. Những mảnh đời bất hạnh, đắng cay của họ khiến tôi không sao cầm được nước mắt. Nhành kể tới sáng mà chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Thấy tôi có ý muốn nghe tiếp Nhành mời tôi về nhà: - Anh Hai à, chuyện của tụi em buồn lắm nghe mà phát rầu! Nếu anh Hai muốn giữ vẻ trẻ trung, yêu đời thì em khuyên anh Hai đừng nghe nữa. Còn như anh Hai cứ khăng khăng thì em cũng ráng chiều lòng. Về nhà em, hai anh em mình vừa uống vừa nói chuyện cho vui nghen, anh Hai! Hai tiếng “ anh Hai “ ngọt ngay như bàn tay dẫn tôi đi theo Nhành. Vừa đi mà trong lòng cứ đau đáu ý nghĩ, chuyện buồn như vậy mà nói cho vui sao. Ngôi nhà lầu đúc ba từng trở nên lạc lõng giữa bốn bề mái tranh vách lá nghèo nàn. Nền nhà lót gạch bông ba tấc. Vách cẩn gạch men màu xanh da trời. Rộng rải. Cô đơn. Rờn rợn. Tôi để ý trên bàn thờ có đặt di ảnh người đàn ông xương xẩu. Đôi mắt mở trừng như đang theo dõi mọi biến động xung quanh. Nhà đẹp nhưng vật dụng bên trong lại sơ sài, ọp ẹp. Bụi bặm đóng lớp. Mạng nhện tứ tung. Chứng tỏ chủ nhân của nó làm biếng, làm nhác trong chuyện dọn dẹp, lau chùi. Thấy tôi suy nghĩ mông lung, Nhành cười tỉnh queo: - Uống thì nhiều chớ ở bao nhiêu, anh Hai? Em ở dơ lắm phải hôn? Nói thiệt anh Hai đừng cười, bản thân em nhiều khi còn quên tắm nữa là. Từng tuổi này phải sống một mình chán đời lắm, anh Hai ơi. Tôi bật cười. Nhành đã thay từ “ ăn “ thành “ uống”. Đúng ra phải “ ăn thì nhiều chớ ở bao nhiêu “. Khẩu khí, tính cách phóng khoáng của người Nam Bộ bị Nhành méo mó. Thấy Nhành bưng ra thùng “ 333”, liệng xuống chưn, tôi hoảng quá, uống hết bây nhiêu chắc có nước khùng luôn. Nhành cười cười: - Tới đâu hay tới đó, có gì em “ gánh phụ “ anh Hai. Nhà hết nước đá rồi, uống không nghen. Tôi không quen uống bia không đá nhưng ráng chiều lòng cô chủ. Bia chưa trôi xuống cổ lại chạy ngược trở ra, tôi lấy tay bịt miệng, cố nuốt trở vô. Nhành cười khục khục trong cổ họng giống như tiếng ục ục cục khí đá liệng vô thau nước: - Uống vài hớp là vô liền hà. Anh Hai thắc mắc tại sao trong nhà hổng có thứ gì phải hôn? Vì tất cả đã biến thành bia chun vô bao tử em hết trơn rồi. Nhưng mà cho dù có ghiền đến mấy em cũng quyết giữ lấy cái nhà tổ tiên để lại. Có tiền thì uống bia, không tiền thì uống rượu. Rượu ở đây rẻ rề, mười ngàn một can bự tắm còn không hết! Nhành đặt ly bia xuống, nhấp nháy mắt cười tinh nghịch: - Bịnh của em là bịnh nghề nghiệp, ở nước ngoài có bảo hiểm hẳn hoi. Tôi cười vuốt đuôi, nghe ruột gan quặn thắt. Thấy tôi có vẻ sốt ruột, Nhành rề rà tiếp tục kể. Cho đến tận chiều tối mới xong toàn bộ câu chuyện. Tôi than: - Buồn quá! Tôi có thể viết truyện của cô và những người cùng ở số 96/2C Bến Đình ra sách được không? - Được quá đi chớ! – Nhành gật đầu mà không cần do dự:- Anh Hai cứ ghi tên thiệt, người thiệt, chính xác cả địa danh, chẳng cần chỉnh sửa gì cho mắc công. Bốn mươi triệu dân Việt Nam điều biết chuyện của em, thêm bốn mươi triệu người biết cũng không chết chóc gì, có khi lại càng nổi tiếng được mời đóng phim, quảng cáo không biết chừng! – Ngừng một lúc, Nhành nói tiếp bằng giọng khôi hài: - Em chỉ có một đề nghị, chừng nào ra sách anh Hai nhớ gởi cho em vài cuốn. Em giữ lại một cuốn làm kỷ niệm, còn bao nhiêu thì tặng bạn bè cho tụi nó mừng! Khi người ta nhắc đến nỗi đau của mình bằng thái độ bình thản đến lạ lùng thì quả là đáng sợ, rõ ràng trái tim cô ta đã chết từ lâu rồi! Dẫu Nhành đã mở lời nhưng tôi không thể đành lòng viết lên tên tuổi, địa chỉ thật những người trong chuyện. Nói thô tục ” chín phương làm đĩ phải chừa một phương lấy chồng “, giảm bớt bốn chục triệu người biết đích danh cũng là việc nên làm. Viết đến đây chắc hẳn bạn đọc sẽ có ý nghĩ, trước nỗi đau oằn oại, trước nỗi nhục đến tận cùng thảm cảnh như vầy thà rằng không viết có hơn không. Phải chăng tôi là kẻ “ chuyên trị đầu cơ “ bất hạnh của nhân sinh để kiếm chác hư danh? Tôi xin phép được thưa rằng, đời tôi cũng là bi kịch. Tấn bi kịch kéo dài suốt mười tám năm ròng rã. Tôi chỉ thật sự làm Người năm mười tám tuổi. Năm 1978 chiến tranh xảy ra ở biên giới Tây Nam, tôi được lịnh nhập ngũ. Ai cũng biểu đời lính là cực khổ, là hy sinh, là đối mặt với thiếu thốn trăm bề. Vậy mà tôi lại thấy sướng! Suốt ngày phơi nắng ngoài thao trường với những bài chiến thuật lăn, lê, bò, tòi mà tôi cứ vui như tết, bữa ăn toàn gạo mốc với mấy con khô nhỏ bằng ngón tay út mặn đắng cô họng lại thấy ngon! Đồng đội tôi than trời như bộng, đứa nào đứa nấy đều ốm nhom, đen sì, ghẻ lác đầy mình, nhiều đứa chịu đời không thấu đã đào ngũ. Còn tôi thì ngược lại. Trắng. Và mập ra! Sau đó tôi được chuyển về trung đoàn pháo cao xạ 57 li và tiếp tục được huấn luyện. Gần kết thúc khóa học đơn vị của chúng tôi rục rịch đi K thì má tôi lên thăm mang theo bộ quần áo dân sự biểu tôi bận vô và theo bà trốn về thành phố, vì từ Tây Ninh muốn về Sài Gòn phải qua trạm “ Suối Sâu “, mà trạm này kiểm tra rất gắt nên phải “ giả dạng thường dân “, tôi khăng khăng cự tuyệt, không phải tôi có tâm hồn yêu nước hay thấm nhuần ý nghĩa lớn lao “ môi hở răng lạnh “ hay “ vì tinh thần quốc tế vô sản “ gì ráo mà bởi vì ở quân đội tôi thấy hạnh phúc và an toàn hơn ở nhà rất nhiều! Nếu dịp nào có điều kiện, viết quyển tiểu thuyết tự thuật về đời mình, tôi dám chắc chắn rằng đến tượng đá cũng phải vặn mình rơi nước mắt! Kể đến đây, tôi chợt nhớ, một lần cán bộ quân lực tiểu đoàn khi tiến hành bổ sung lý lịch quân nhân có hỏi tôi sanh năm nào, tôi trả lời bằng giọng bùi ngùi, sanh ra năm mười tám tuổi! Giờ đây đã ở tuổi ngoài tứ tuần, cũng vợ con đề huề như ai, có chỗ chun ra chun vô, cơm ngày hai bữa, quần áo bận cả ngày cuộc sống như vầy coi như tàm tạm, nhưng mỗi khi nhớ lại quá khứ buồn đau là tôi không sao cầm được nước mắt. Vợ tôi an ủi, chuyện qua rồi nhớ lại làm gì cho khổ cái thân. Nhưng làm sao tôi có thể sống bình yên khi con người sống không chỉ có hiện tại, tương lai mà cũng cần chiếc gương quá khứ để soi rọi những hoài niệm. Tám tuổi tôi đã biết nấu cơm, giữ em, xách nước ; mười một tuổi, tôi đã phải ra bến xe kiếm ăn; mười hai tuổi trở thành tên trẻ ranh lừa đảo; mười ba tuổi, tôi bị đuổi ra khỏi trường vì không có tiền đóng học phí. Ngoài đời, tôi bị những đứa lớn hơn đánh đập chèn ép, về nhà lại bị đòn roi. Ba tôi là một kẻ nát rượu. Mỗi lần uống say là ông lại lôi má tôi ra đánh! Má tôi là người đàn bà yếu đuối, thiếu chữ nghĩa, thiếu cả tiền bạc, một nách mười con! ( đã chết hết hai khi được vài tuổi, đó là chưa kể hai lần bị hư thai! ) Bị xã hội bất công, bị chồng đối xử tệ bạc, bị bức bách chuyện mưu sinh, bà lại không đủ sức làm đảo chánh chính quyền Thiệu như ông Dương Văn Minh đã từng lật đổ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, cũng không can đảm chống lại ba tôi nên chỉ biết trút nỗi hận đời lên đầu thằng con trưởng nam! Tôi bị đòn nhiều lắm, hầu như ngày nào cũng bị đánh không dưới hai chục roi. Mỗi lần đánh là má tôi khóc than kể lể đến vài tiếng đồng hồ, bà chửi đời bất công tàn nhẫn, chửi ba tôi là thứ chẳng ra gì và vụt roi xuống người tôi. Bà đánh tôi bất kể vật gì có trong tay. Có nhiều trận đòn tôi lết đi không nổi. Đã vậy, ba tôi cứ đêm đến là dựng tôi dậy, bắt tôi đứng khoanh tay để nghe “ giáo huấn “ bằng giọng say bí tỉ, bị muỗi cắn tôi cũng không dám đập. Đợi đến khi ông ngủ quên, tôi bèn rón rén leo lên giường. Lúc sau, giựt mình tỉnh dậy ông lại lôi tôi xuống và tiếp tục dạy tôi học cách làm người! ( không hiểu sao trong hàng chục đứa con, ông chỉ “ giáo huấn “ mỗi mình tôi? ) Không có chốn dung thân ngoài đời và cả trong ngôi nhà “ thân yêu “ của mình, tôi đã nhiều lần tự tử vì không thể nào chịu nổi kiếp sống đọa đày nhưng Thần Chết luôn xây lưng với tôi! Mười sáu tuổi, tôi cao không tới một mét rưởi nặng chưa đầy bốn chục ký lô mà đã trở thành phu khuân vác ở hãng thơm như những người lớn tuổi. Thấy tôi còn con nít nên chủ cả tha hồ bóc lột tiền công. Vào bộ đội chưa đầy ba tháng tôi tăng thêm bốn kí lô, cao thêm ba xentimét! Cuối cùng tôi là chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn, được đọc báo cáo điển hình trước Hội nghị, được ưu tiên chọn đi hợp tác lao động tại Liên Xô ( toàn trung đoàn chỉ có ba người được đi, hai người kia nhờ vào lý lịch mấy đời theo Việt cộng, còn tôi nhờ vào nỗ lực bản thân ). Có thể nói, tôi trưởng thành là nhờ vào quân đội. Nếu không gia nhập quân đội, có lẽ tôi đã trở thành tên tội phạm nguy hiểm, bị tù đày và có thể đã “ dựa cột “ từ đời nào. Khi viết những dòng này tự nhiên nước mắt cứ trào ra không sao cầm lại được. Tôi đã từng đọc “ bộ ba tự thuật “ của đại văn hào Macxim Gocki bằng tiếng Nga lẫn tiếng Việt, và của những nhà văn có quãng đời tuổi thơ cơ cực khác nhưng thiệt lòng mà nói thời ấu thơ của tôi còn nhục nhằn, thê thảm hơn rất nhiều. Nếu bạn đọc có ý muốn tìm hiểu tường tận hơn, tôi xin hẹn gặp nhau ở quyển sách tự thuật dự kiến dày năm trăm trang. Xin thề có quỷ thần hai bên vai vác tôi không thêm thắt bất kỳ chi tiết nào để tăng thêm bi kịch, tôi chắc chắn rằng những ai có trái tim bằng đá cũng phải biết rơi nước mắt. Và bạn nào vốn có tiền sử bịnh tim mạch thì không nên đọc! Tôi viết chuyện những cô gái ở Bến Đình và những người có liên quan khác bằng tấm lòng đồng cảm xót xa cùng sự chia sẻ của người cùng cảnh ngộ. Tôi muốn góp một ít vốn liếng nhỏ nhoi của mình kêu gọi “ sự cứu trợ “ của Con Người - những Con Người sanh ra được làm Người đúng nghĩa thật sự. Tôi cứ băn khoăn, câu chuyện của Nhành vẫn chưa kết thúc, số phận của những người trong chuyện sung sướng, đau khổ như thế nào vẫn còn là bí ẩn. Sung sướng chắc là không rồi, còn đau khổ có lẽ sẽ dày thêm. Lúc đầu tôi định để ngỏ tùy bạn đọc suy diễn theo cảm nhận tình cảm, lý trí riêng của mình, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy không ổn, bản chất của tôi đâu đó phải rõ ràng sự thật cho dù bi đát đến đâu thì cũng là sự thật, ta không thể chạy trốn hay chối bỏ nó. Tôi hỏi: - Cô Hai nghĩ như thế nào lại bỏ nghề về quê? Còn anh chàng Lưu Linh kia ra sao, bộ ngày nào cũng như hũ chìm hả? Cuộc đời còn có nhiều niềm vui, nhiều lý tưởng để phấn đấu cứ đắm chìm trong bia rượu rõ ràng là một hướng đi không lối thoát. Nhành ngồi tư lự một lúc rồi cất giọng trầm buồn: - Ngày nào cũng vậy, anh Hai à, khi tỉnh táo thì hai đứa dòm nhau như kẻ thù, hễ có vài chai vô bụng thì yêu nhau trối chết! Tình của hai đứa em là thứ tình thổ tả. Thúi hoắc! Bao lần em có ý định dứt ra nhưng không được. Hễ có hơi men chếnh choáng là cái chưn lại đòi đi, trái tim lại đòi yêu, thân thể cứ rừng rực đòi vuốt ve mơn trớn... Nói thiệt, em từng có bầu với Linh và đã sẩy thai... Kể đến đây đôi mắt Nhành đỏ hoe. Cô cố kiềm nén nhưng không thể, nỗi đau bỗng vỡ òa ra thành vô vàn mảnh vụn. Có rất nhiều mảnh vỡ cắm phập vào tim tôi. Rỉ máu. Nhành sụt sùi: - Anh Hai biết hôn, đứa con được kết tinh bằng bia bọt đã chết không kịp ngáp khi còn trong bụng mẹ! Ông trời báo ứng em đó, anh Hai. Bác sĩ nói may mà nó chết nếu có sống thì cũng khùng khùng điên điên! Nhành uống như nuốt trộng cả ly bia: - Sau lần đó em quyết tâm đoạn tuyệt với Linh, đoạn tuyệt với quá khứ đau buồn. Em về quê và quyết tâm làm lại từ đầu nhưng tất cả đã trễ mất rồi. Đã mấy lần em có ý định cai rượu nhưng đều thất bại. Và bây giờ hãy dzô trăm phần trăm đi, anh Hai! Tôi nhấp một ngụm nhỏ, rồi len lén phun ra, thuốc độc có khi lại dễ uống hơn. - Em không biết Lưu Linh sống ra sao. Nhưng chắc cũng sáng say, chiều xỉn, tối lai rai thôi. Em không hận anh ta đâu, suy cho cùng Linh cũng là một gã trai tội nghiệp, đáng thương, anh ta là nạn nhân của một thời đại hoàng kim về vật chất mà suy tàn về nhân cách! Tôi hỏi: - Còn cô Hường, người đã “ truyền nghề “ cho cô thì sao, cổ về quê hay vẫn ở thành phố tiếp tục sự nghiệp “ ve chai”? - Nó thề chết mục xương ở trên thành phố chớ nhứt định không chịu về quê. Sau lần bị cưỡng bức, nó trơ ra như đá, dường như tất cả các dây thần kinh cảm xúc của nó đứt hết trơn hết trọi rồi – Trầm ngâm một lúc Nhành khẽ gật đầu:- Có thể là nó đúng. Ở dưới này kiếm một xu cạo gió còn khó. Ở trển mỗi ngày đàng hoàng vài trăm ngàn, kiếm tiền dễ như lấy đồ trong túi áo, ai mà không ham. Nhành vần vo cái ly trong tay, nói ngập ngừng: - Dẫu sao cái giá phải trả cũng không rẻ chút nào. Tôi thoáng buồn. Nhành đã can đảm từ bỏ quá khứ không mấy đẹp đẽ để làm lại cuộc đời nhưng lại không đủ nghị lực vượt qua những cám dỗ men cay. Âu cũng là số phận. Thấy tôi có vẻ chộn rộn, muốn biết thêm về số phận những người còn lại, Nhành nói: - Trong mấy chị em chỉ con Huệ là khổ nhứt. Cho đến bây giờ nó vẫn còn điên. Trong các chứng điên thì điên vì tình là khó trị nhứt. Ngày nào nó cũng lên cơn “ bất tử “, không giờ giấc gì ráo, thích thì lên cơn, không thích thì thôi! Tánh nó tùy tiện thậm chí cả lúc điên cũng không chừa cái tật! Đoạn Nhành xuống giọng nghe não nùng: - Chắc có lẽ suốt đời nó không thể nào thoát khỏi cái nhà thương điên ghê tởm đó. Ở trỏng có gì vui mà nó cứ khoái, không biết! Ngày trước cả ngày nó khóc, khóc đến đỗi không còn một giọt nước mắt để khóc, bây giờ nó cười, cười cả ngày, cười mỏi miệng vẫn còn cười. - Còn Hoạt, gã đàn ông đã đẩy Huệ vô cảnh ngộ thương tâm bây giờ chắc sống vui vẻ lắm hả? – Tôi tìm cách khai mào câu chuyện về Hoạt. Nhành nói: - Không phải vậy đâu! Anh ta tỏ vẻ ăn năn hối hận ghê gớm. Tuần nào cũng tới thăm con Huệ, rủ rỉ bên tai nó những lời yêu thương tha thiết – Nhành thở dài:- Có những lỗi lầm không thể nào chuộc lại được, thậm chí nỗi day dứt ân hận sẽ đi theo ta suốt cả cuộc đời. Nếu như Hoạt biết tha thứ, cảm thông thì có lẽ giờ này hai đứa đã đàng hoàng hạnh phúc. Đợi đến lúc thần kinh có vấn đề thì cho dù có móc ruột moi gan ra mà giãi bày thì phỏng có ích gì. Ứ hự, đúng là trò đời oái oăm hết chỗ nói. - Và những người còn lại? - Chị Hiếu vẫn làm xí nghiệp may, vẫn “ vợ chồng “ với bà quản đốc Trần, coi bộ không dễ gì rứt ra được, mặc dù sau đó chỉ đã biết tất cả mọi chuyện. Nếu được hợp pháp như ở Hà Lan có lẽ họ đã đàng hoàng kết hôn chớ chằng chơi. So sánh, một bên là sự cô đơn, có nguy cơ chết già và bên kia có người bầu bạn, chăm sóc cho dù hơi tréo ngoe, thì chọn lựa của chỉ vẫn tốt hơn, có đúng hôn, anh Hai? Không hiểu sao tôi lại gật đầu mặc dù tôi không đồng tình việc sinh hoạt đồng giới tính. Cái trò coi có vẻ dị hợm, kinh tởm và trái với thuần phong mỹ tục của người Việt. Nghĩ lại thấy Nhành nói cũng có lý, có người để lo lắng, nhớ thương, cùng san sẻ thì cuộc sống mới nở hoa, hoa gì cũng là hoa, thứ hoa cứt lợn thổ tả cũng là hoa, dù sao hoa vẫn đẹp hơn cỏ dại mọc trên sỏi đá khô cằn.. Nhành ngừng nói, đi thẳng vô nhà vệ sinh. Chỉ chờ có vậy, tôi liền đổi vị trí hai lon bia, vì lon của tôi còn đầy, còn lon của Nhành đã sắp cạn. Khi tôi vừa đặt ly lên miệng thì Nhành cũng từ trong bước ra. Mặt đỏ ửng như mặt trời lúc lặn. Nhành ngồi xuống cầm lon bia, rồi liếc xéo một cái: - Anh Hai biết uống rượu mà ăn gì không say hôn? Tôi chưng hửng vài giây rồi trả lời: - Thì ăn các món chua chua, bởi vì vị chua có tính dã rượu, đúng hôn cô Hai? - Trật lất! Uống nhiều vẫn say như thường, em cá với anh Hai đó. - Vậy ăn gì cà? Nhành cười rúc rích, đá lông nheo mấy cái tinh nghịch: - Chỉ có ăn gian mới uống không say thôi! Tôi cười ngượng. Thì ra Nhành không bỏ sót mọi cử động của tôi. Tửu lượng tôi “ yếu đô “ nếu cứ thẳng thét với Nhành thì chắc chắn sẽ nốc ao sớm, thôi thì tránh voi không xấu mặt nào. - Bây giờ anh Hai phải để em “ giám sát “, lon ai nấy uống, uống chậm bị “ đắp mô “ ráng chịu. Em hạ lon rồi đó nghe – Nhành liệng lon bia của mình xuống đất, cúi xuống lấy hai lon khác, một cho tôi, một cho Nhành. - Tôi chịu thua rồi. Cô Hai mà làm găng quá thì tôi sử dụng ba mươi sáu kế của Tôn Tử mất thôi. Kế gì hả? Là kế “ tẩu đà vi thượng “ chớ kế gì nữa. - Anh Hai không dám “ chém vè “ đâu, em dám chắc vậy đó. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc mà anh Hai! Tiểu thuyết của anh Hai không có đoạn kết thì ai đọc hén! - Chịu thua cô! – Tôi cố “ chạy nước rút “ để khỏi bị “ đắp mô “. Nhưng Nhành uống lẹ quá, tôi đành “ thúc thủ “. Nhành nói: - Em đã từng cụng ly với đủ loại người từ ông cán bộ cao cấp chí đến ông thợ sửa xe đạp, nhưng ngồi với một nhà văn như anh Hai đây mới là lần đầu. Sau này anh Hai đoạt giải Nobel, em cũng hãnh diện lây chớ bộ! - Cô Hai nhạo tôi hoài! Văn chương như cái ách, ai thấy cũng giựt mình tránh xa! Chỉ có những thằng khùng như tôi mới rước vô tròng lên cổ! Mà đã tròng vô rồi thì không sao tháo ra được, đành phải chấp nhận bản án khổ sai chung thân trong gông xiềng chữ nghĩa. Loại nhà văn “ ghẻ ruồi “ như tôi mà được bạn đọc lướt mắt qua cái tít đã là một diễm phúc lớn lao chẳng đòi hỏi gì hơn nữa. Có một đồng nghiệp đã liệng vô mặt tôi câu lục bát như sau “ Văn chương phú lục chẳng hay / Trở về làng cũ học cày cho xong! “. Tôi chỉ là một nhà văn hạng bét, loại tép riu chẳng làm nên trò trống gì đâu. Cô Hai nói vậy là bỉ mặt[link=http://vnthuquan.net/diendan/#_ftn6] tôi rồi! Nhành động đậy cặp môi nhợt nhạt như muốn nói gì, không hiểu sao lại đổi ý, uống ừng ực. Tôi đề nghị Nhành kể nốt số phận những nhân vật còn lại trong chuyện. Nhành giương con mắt trõm lơ nhìn tôi. Buồn rượi. Chỉ khi nói về Ngân, ánh mắt đó mới lấp lóe sinh khí: - Trong năm đứa con gái cùng nhà chỉ có Ngân là tốt số hơn cả. Năm ngoái, Ngân làm đám cưới có mời em tới dự. Nhìn thấy nó vui vầy hạnh phúc, phước lộc tràn trề mà em rớt nước mắt. Em khóc vì mừng cho Ngân, cho Tuấn, khóc vì tủi phận bọt bèo của mình và những người khác. Phải chi đứa nào cũng được may mắn như vợ chồng Ngân thì cuộc đời này đâu còn tiếng “ Khổ “. Được cái, Ngân tuy đã là bà giám đốc nhà cửa xênh xang nhưng xử sự rất bình dân, chân thành không kiểu cách. Nó rủ em vô Công ty làm cho có chị có em, nhưng em từ chối. Một đứa nghiện ngập như em chỉ có thể làm trong hãng bia thôi! Đúng là cõi nhân gian vắng đi một tiếng khóc, có thêm một nụ cười cũng là may mắn lắm rồi. Nhân loại từ khi sanh ra đã gắn liền với tiếng khóc và đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng toàn là nước mắt. Những sinh linh lầm than đang lóp ngóp loi ngoi trong bể đời chật chội cũng được tạo bằng nước mắt đấy thôi. Nhành kể tiếp về chuyện của Ngân: - Cách đây vài tháng, em phải lên thành phố chữa bịnh, em bị viêm túi mật phải nằm ở nhà thương Bình Dân gần nửa tháng. Sau khi ra viện, em có đến thăm Ngân. Em chờ tới gần nửa đêm mới gặp được nó. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nó than lúc nào cũng bị vây hãm bởi công việc, thậm chí không có đến một phúc để dành cho riêng mình. Câu chuyện liên tục bị đứt đoạn vì chuông điện thoại cứ réo ầm ĩ. Còn Tuấn, chồng nó thì đi công tác liên miên hết trong nước đến ngoài nước. Mang tiếng là vợ chồng, cùng sống chung một mái nhà mà có khi cả tháng mới gặp nhau một lần! Thèm một đứa con đến chảy nước miếng cũng đành phải gác sang một bên. Coi bộ thành đạt như nó cũng khổ tâm lắm chớ chẳng vui sướng gì. – Đoạn Nhành ngửng mặt nhìn tôi:- Trên thế gian này tất cả đều khổ vậy ai sung sướng hả, anh Hai? Tôi im lặng thở dài, trong thế giới quay cuồng, xô bồ xô bộn này, khi mà mọi giá trị tinh thần phải nhường ngôi cho những giá trị vật chất con người không còn là Tôi nữa mà đã là Người Ta, con người không tồn tại với chính mình mà chỉ là một ai đó hoàn toàn xa lạ! Một kẻ lạ hoắc nghiễm nhiên chiếm lấy ngôi nhà bản thể của ta, rồi hắn sai khiến ta phải làm thế này, không được làm thế kia! Nhành triết lý: - So ra Con Người thời cộng sản nguyên thủy hơn gấp vạn lần Con Người thời hiện đại, bởi vì họ được sống trọn vẹn Bản Ngã của chính mình, còn chúng ta chỉ là những Phi Ngã xa lạ! - Chà, không dè cô Hai cũng nghiên cứu triết học cặn kẽ dữ! Giỏi thiệt nghen! Nhành cười buồn: - Tài giỏi gì đâu, anh Hai, chẳng qua đó là kết quả thu thập được trong những năm tháng lăn lộn trong làng “ chai lọ “. Vốn liếng của em chỉ có bấy nhiêu, anh Hai mà hỏi nữa là em bí lù luôn. Im lặng một lúc, tôi nói: - Còn chuyện của Trang thì sao? Cổ về quê hay ở lại thành phố? Nhân vật Trang gây xúc động mãnh liệt trong tôi. Nếu như có điều kiện nhứt định tôi sẽ tìm gặp cô gái đáng thương này. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, thời gian như liều kháng sinh đặc trị hàn gắn vết thương lòng, thôi thì, hãy để cho vết thương liền thẹo, nỗi đau rồi sẽ qua, bởi vì con người không thể sống bằng quá khứ mà còn hiện tại và cả tương lai phía trước. Nhưng tương lai là gì? Tôi không thôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ canh cánh bên lòng thì tiếng lè nhè của Nhành níu tôi về thực tại. - Dzô đi anh Hai, uống rồi em kể cho nghe! - Ờ thì uống! - Lần đầu tiên trong đời tôi uống nhiều đến vậy, bụng óc ách như cái thùng chứa nước. Lạ là tôi lại không thấy say, càng uống càng thấy buồn thêm thôi. Nhành rứt cái râu con khô mực cho vô miệng nhai nhóc nhách, rồi tiếp tục câu chuyện bằng giọng nhão nhoẹt: - Thật, bây giờ đã hết bịnh và chấp nhận ký thác tấm thân tầm gởi cho cô Thuần hộ pháp. Đoạn kết như vậy coi như có hậu, đâu phải nhứt thiết có tình yêu mới chung sống được với nhau. Mấy ông nhà văn các anh luôn đặt tiếng yêu lên hàng đầu mà quên đi nhiều thứ khác. - Cô Hai nói cũng đúng – Tôi nói:- Hạnh phúc là được nhận thứ ta đang cần. Thật cần một chốn dung thân, cần tiền và những tiện nghi khác, còn cô Thuần cần một người đàn ông. Cả hai coi như đã toại nguyện. Tất nhiên mọi thứ trên đời chỉ là tương đối không bao giờ trọn vẹn, bởi vì bản chất của vũ trụ vốn dĩ không hoàn hảo. Nhành chép miệng than: - Chỉ tội cho con Trang. Mấy ngày đầu nó ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất trí. Đêm ngủ mà nó cứ giựt mình ba bốn lượt vì nhớ tới con. Rồi nó lấy mấy bộ quần áo cũ của thằng cún hửi hoài hửi hủy. Nó ghiền cái mùi mồ hôi, mùi nước đái khai khai của thằng nhỏ. Nhìn thấy cái lục lạc nằm chỏng chơ trên sàn gác, nó chụp lấy lắc leng keng rồi khóc như mưa, con ơi, mẹ nhớ con đến cháy gan cháy ruột! Đêm nay con ngủ có bị giựt mình hôn? Mẹ Vân có pha sữa đúng vạch hôn? Con phải bú nửa bình mới no. Con có tật phải được xoa đầu mới chịu lim dim...Cứ thế, nó cứ sụt sùi, kể lể cả đêm. Tiếng kêu của người đàn bà mất con giữa đêm khuya thanh vắng nghe như lời trăng trối của người sắp giã biệt cõi đời. Nhành khóc. Nước mắt lã chã rớt xuống cốc bia. Tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi, vội quay mặt đi giấu đôi mắt ngân ngấn nước. Tôi bỗng thấy căm ghét chính bản thân mình, chẳng lẽ làm thằng đàn ông là không biết khóc? Chẳng lẽ nước mắt là ủy mị, là yếu đuối hay sao. Nhành khóc muồi mẫn một lúc rồi tiếp tục câu chuyện, vài bữa sau, ngôi nhà bị phá bỏ để xây dựng công viên. Trước khi về quê, Trang lấp ló trước nhà ông Khả nhìn lén con lần cuối. Nó đứng gần cả tiếng đồng hồ vẫn không thấy thằng cún đâu. Sốt ruột nhưng không dám bấm chuông. May sao chị Lài phát hiện, mở cửa cho mẹ con trùng phùng trong năm phút, thời gian vừa vặn cho một tử tù trước khi ra pháp trường viết vài dòng vĩnh biệt gởi lại người thân. - Mợ Hai cấm tui không cho cô tiếp xúc với thằng nhỏ nhưng thấy cảnh tình mẹ con cô, tui không đành đoạn. Năm phút thôi nghe, để lâu rủi mợ biết coi như tui phải vìa quê chăn vịt! Chị Lài ẵm thằng cún ra. Trang nhào tới ôm chặt con vào lòng. Có lẽ thằng nhỏ cũng nhận ra mẹ ruột, tớt miệng cười loe xoe: - Con à, mẹ vìa quê nghen con. Không biết tới bao giờ mẹ có dịp dòm mặt con lần nữa. Thiệt lòng mẹ muốn gần con lắm nhưng không được vì người ta không cho phép. Có thể đây là lần cuối cùng mẹ con mình được gặp lại nhau. Con nói gì đi, sao cười hoài vậy? Tức nhiên thằng nhỏ mấy tháng tuổi không thể nói được, nó cũng không thể hiểu được những gì đã xảy ra với mẹ con nó. Nó cứ cười và mẹ nó thì cứ khóc.. - Hổm rày nó có bú đúng cữ hôn, chị Lài? - Có! – Chị Lài đang đứng canh cửa, ngoáy cổ lại trả lời cộc lốc. Trang lại hỏi: - Nó ngủ có ngoan hôn? - Ngoan! - Nếu nó không chịu ngủ, chị phải rờ đầu nó như vầy nè – Trang đưa đầu ngón tay cào cào lên mái tóc “ bò liếm “ của nó, nói:- Nhưng chị nhớ cắt móng tay, không thôi làm con đau, tội nghiệp! Năm phút trôi vèo. Trang hôn con lần cuối rồi xách bị cói chạy nhanh ra cửa bỏ lại tiếng khóc điếng phía sau lưng. Trang về quê luôn trong nội nhựt. Tôi hỏi, từ dạo đó tới nay hai người có dịp gặp lại nhau không, Nhành gật đầu nói chỉ một lần, cánh đây cũng lâu lâu. Rồi nhành nói tiếp, bữa đó, vừa về quê là Trang xách liềm đi cắt cỏ tới nửa đêm mới lê cái xác không hồn về nhà. Từ hôm đó nó bỗng hóa câm. Cả ngày cứ vùi đầu trong công việc, nó muốn đày đọa thể xác để quên đi đày đọa trong tâm hồn. Gặp nhau, suýt nữa em nhận không ra! Trang đen đúa, giàsọm, nhìn mà đứt từng đoạn ruột. Em biểu nó hãy gác chuyện cũ qua một bên, kiếm một tấm chồng rồi sanh con đẻ cái cho bằng chị bằng em nhưng nó nói không thể được. Hình ảnh đứa con cứ lởn vởn trước mặt không một phút nào rời. Em biết nó chưa thể quên tay Khả. Trang nói: - Có lẽ em cam chịu số phận, chị Nhành ơi, lúc này em chẳng còn bụng dạ nghĩ tới chuyện khác. Chị đừng hối, để em từ từ. - Còn ông Khả? - Anh ta ngồi ghế viện trưởng chưa nóng đít thì sự việc đổ bể, bị cảnh cáo mặt Đảng, và trở về ghế trưởng phòng như cũ, sự nghiệp chính trị coi như chấm hết. Theo em, xử như vậy là quá nhẹ. Thằng chả đáng lý phải bị tướt hết chức vụ, Đảng tịch, cho về làm phó thường dân. Thứ hạnh phúc mà vợ chồng họ đang thụ hưởng là của cướp đoạt từ tay người khác, bị ông Trời trả báo là đáng lắm! Đoạn Nhành thở dài: - Mà họ có hạnh phúc đâu. Đứa con chính là bi kịch gây ra đổ vỡ. Ông Khả hễ nhìn thấy thằng cún là nhớ tới con Trang, bà Vân cũng vậy. Nhưng khác ở chỗ, một đàng nhớ để mà thương, để hoài mong da diết, một đàng nhớ để mà ghét, để cuồn cuộn lòng ghen. Té ra, họ cũng là những người bất hạnh. Tất cả sinh linh trên thế gian này đều bất hạnh! Chúng tôi còn nói chuyện vòng vo đến gần sáu giờ tối. Đúng bảy giờ sẽ có chuyến xe cuối cùng về thành phố. Tôi cáo từ và hẹn gặp lại Nhành khi nào tiểu thuyết được in. Nhành vui lắm, tiễn tôi một đoạn khá xa: - Đi mạnh giỏi nghe anh Hai! Tôi gật đầu và chúc Nhành gặp nhiều may mắn sau những phong ba bão táp cuộc đời. Khi nào lấy chồng nhớ mời tôi một tiếng. Nhành hứa sẽ cố bỏ rượu, còn chuyện chồng con thì khó nói lắm: - Duyên số mà, anh Hai, có khi tìm kiếm cả đời không thấy, lại có lúc tình yêu lù lù dẫn xác tới, có đuổi cũng chẳng thèm đi! Thôi, ở như vầy khỏe cái thân, anh Hai à. Xong xuôi, Nhành xây lưng bước đi liu xiu dưới bóng chiều chập choạng. Tôi đứng trông theo lòng buồn khôn tả. Đường ra bến xe gần ba cây số, tôi không ngoắt xe ôm mà tà tà thả bộ, không phải tôi tiếc tiền hay thích “ tra tấn “ cặp giò, chẳng qua tôi muốn được yên tĩnh, muốn được buông thả với những ý nghĩ vẩn vơ. Câu chuyện đã kết thúc. Số phận những người trong cuộc đã quá nhiều bi kịch, tôi không cần thêm thắt gì cho tốn công, tốn sức. Điều khiến tôi băn khoăn là chưa biết đặt tên tiểu thuyết là gì cho hợp lẽ. Lúc đầu tôi định lấy tên là “ NHỮNG NGƯỜI NHẬP CƯ “, nhưng nghĩ lại thấy không ổn, chỉ bấy nhiêu gương mặt không đủ phác họa bức tranh toàn cảnh những người nhập cư...Vừa đi vừa nghĩ ngợi mông lung. Khi đi qua chiếc cầu đá, nhìn xuống dòng sông chảy xiết, những đám lục bình trôi vật vờ về phía hạ nguồn, bây giờ con nước ròng, chỉ vài giờ nữa là con nước lớn, những đám lục bình tả tơi, trôi nổi lại xuôi về phía thượng ̣ lưu, trôi hoài, trôi mãi, trôi đến khi bị sóng đánh, bị chưn vịt chiếc máy đuôi tôm cuộn nát, bầm giập, tả tơi và chìm lỉm dưới đáy sông đục ngầu, coi như kết thúc một đời bèo bọt. Liên tưởng đến những nhân vật trong câu chuyện, thân phận của họ có khác gì kiếp lục bình trôi nổi, tôi nảy ra ý tứ và đặt tên cho tiểu thuyết đầu tay của mình là “ NHƯ LỤC BÌNH TRÔI “. HẾT sách đã được NXB CAND ấn hành vào 2/2006