Chương 103

Hiếu đi làm trở lại. Cô chạy trốn những ánh mắt tò mò soi mói, chạy trốn những cuộc tiếp xúc với những người xung quanh và chạy trốn cả những ý nghĩ cứ dai dẳng bám trong đầu. Cả buổi sáng Hiếu gục mặt vô bàn máy, môi mím chặt lại, chân giậ̣m mô tơ thật mạnh cố xua đi những ám ảnh khủng khiếp đã qua.
Tới giờ cơm trưa Hiếu cũng không chịu rời khỏi máy. Thật tình Hiếu cũng thấy đói nhưng ngại tiếp xúc và sợ phải trả lời những câu hỏi chẳng khác nào tra tấn nên cô đành chịu trận để mặc cho lũ kiến hoành hành trong cái bao tử rỗng.  Giá như có một ổ bánh mỳ gặm cũng đỡ buồn, Hiếu nghĩ thầm.
Cầu được ước thấy. Bà Trần từ đâu bất ngờ xuất hiện với hai ổ bánh còn nóng hổi, đưa cho Hiếu một ổ, giục cô ăn kẻo nguội. Đang đói nên chẳng cần khách sáo, Hiếu nhai ngấu nghiến. Bà Trần thì vẫn giữ cử chỉ ung dung nhàn nhã của người quý phái, nhai chậm và kỹ.
Hiếu nói:
- Tại em mà năm nay chị không được ăn tết.
- Lại khách sáo nữa rồi! Được ở bên em là không có niềm vui nào sánh bằng. Đôi khi tôi có ý nghĩ rất trẻ con, muốn em bị bệnh hoài để  được ở bên cạnh chăm sóc. Không nói  chắc em cũng biết, cuối cùng chỉ có tôi là một lòng một dạ với em mà thôi.
Hiếu thấy nghẹn ngay cổ họng nuốt không vô miếng bánh.
Bà Trần nói:
- Tôi vô tâm quá, đáng ra không nên nhắc tới chuyện này. Em cũng không nên tự hành hạ bản thân mình, chuyện đã qua rồi hãy để cho nó qua đi, nhớ lại chỉ rước thêm những bực bội phiền toái không đáng có.
- Em đã quên rồi chị. Bây giờ em chẳng bận tâm đến chuyện gì khác ngoài công việc. Nghe nói sắp tới sẽ mở rộng sản xuất, tuyển thêm người làm hả chị? Em cứ phân vân hoài, việc đang thiếu mà tuyển thêm thì để làm gì? Chẳng lẽ mấy người lại giành nhau một cái máy? Thế nào cũng rối lên cho mà coi.
Bà Trần nói:
- Em khỏi phải lo, đã có tính toán hết rồi chẳng ai dại dột đến nỗi rước người vô để ngồi chơi xơi nước cả. Em hãy chuẩn bị tinh thần đi. Đầu quý II công việc nhiều vô kể,  làm chết thì thôi.
Bà Trần bỗng xoay sang chủ đề khác:
- Em còn nhớ mấy con cá vàng hôm trước hôn? Chúng chết hết  rồi, cái hồ bây giờ chỉ còn mấy hòn sỏi thôi. Tôi đang do dự có nên nuôi nữa hay không đây.
- Ồ, tại sao vậy hả chị? Chắc là chị không chăm sóc chúng cẩn thận chớ gì?
- Không. – Bà Trần nói bóng gió:- Tại chúng buồn quá mà chết đấy, có lẽ chúng nhớ em.
Hiếu im lặng. Bà Trần nói tiếp:
- Hôm nào rảnh em tới nhà treo giùm tôi mấy bức tranh. Thẩm mỹ của tôi kém lắm, cứ loay hoay mà chẳng sao vừa ý.
Thấy Hiếu có vẻ chần chừ lo sợ, bà Trần cười dễ dãi:
- Nếu thấy không tiện thì thôi. Mấy bức tranh đó cũng chẳng đẹp đẽ gì – Đoạn bà Trần đưa cho Hiếu lọ thuốc ghi toàn chữ Tàu:
- Thứ này rất tốt cho sức khỏe. Mỗi lần uống năm viên sau bữa ăn, chia ra làm hai lần. Ông chủ tiệm thuốc quảng cáo, nếu thường xuyên sử dụng sẽ trắng da, dài tóc.
- Cám ơn chị nhưng em không dám cầm đâu. Chị hãy giữ lấy, bồi bổ sức khỏe của mình, em thấy dạo này thần sắc của chị không được tốt.
Bà Trần cố nài ép:
- Tôi cũng có vài hũ để ở nhà. Chị em với nhau mà cứ câu nệ thì khó coi lắm. Yên trí đi. Tôi sẽ không làm em phải khó xử.
Nói rồi, bà Trần ấn vào tay Hiếu và bỏ đi không cho cô có cơ hội từ chối. Hiếu ngồi thừ, trong lòng bứt rứt không yên.
&
&&
Đúng vào sáng mùng mười tháng Giêng âm lịch, Trang được xuất viện. Mấy ngày tết phải nằm dài trên giường quả là chẳng hứng thú gì. Mặc dù bà Vân và thằng  cún con luôn ở bên cạnh nhưng Trang vẫn thấy nhớ nhà quá chừng. Ông Khả mỗi buổi chiều lấy cớ thăm con để gặp Trang. Trang luôn tìm mọi cách tránh tiếp xúc, vả lại bà Vân luôn bám chặt hai người như cái đuôi, khiến ông Khả càng không có cơ hội. Hôm qua, tranh thủ lúc bà Vân đi súc bình sữa, ông Khả liền vồ vập:
- Anh sẽ giữ đúng lời hứa của mình là chia tay với vợ, còn em thì sao?
- Không được đâu – Trang nói:- Ông còn có cả một tiền đồ xán lạn không thể chỉ vì em mà đánh đổi tất cả.
- Anh không quan trọng những chuyện đó. Cái chính là em có yêu anh và chấp nhận anh  hay không mà thôi.
- Em cám ơn tình cảm và tấm lòng của ông dành cho em, nhưng em không thể  vì hạnh phúc của mình mà làm khổ những người khác, mong ông hiểu cho em, em muốn mọi việc sẽ tốt hơn.
Ông Khả lấy cặp kính cận lau một cách vô thức. Chưa kịp mở miệng thì bà Vân từ toa lét bước ra.
- Nghe nói,  sắp tới ông Viện trưởng sẽ về hưu. Cái ghế viện trưởng chắc mẩm sẽ thuộc về anh.
- Em đừng đoán già đoán non nữa. Ông phó xếp hàng cả chục năm nay rồi.
- Ổng lẹo tẹo với cô thư ký, sự nghiệp chính trị coi như đã chấm dứt, chỉ có anh là người thay thế xứng đáng. Anh cố gắng,  thế nào cũng có tên trong danh sách ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân thành phố khóa tới.
Ông Khả xẵng giọng:
- Chuyện ở cơ quan anh mà em còn rõ hơn lòng bàn tay! Em giám sát anh còn hơn tù nhân chính trị!
Bà Vân chống chế, đấy không phải là giám sát, theo dõi  mà đúng hơn là sự quan tâm chu đáo của một người vợ hết dạ lo lắng cho sự nghiệp của chồng.
- Anh cảm giác mình như một con rối lố bịch không hơn.
Thằng cún con thức giấc, tè một bãi và khóc ré lên. Ông Khả lật đật ẵm nó lên:
- Ái chà, cu cậu lớn nhanh như thổi! Mới đó mà đã ra dáng nam tử hán lắm!
Cả ba chụm đầu vào thằng cún. Bà Vân day mặt sang, nói với Trang:
- Bác sĩ nói ngày mai cô sẽ xuất viện. Tôi đang lo cu Tiến sẽ sống như thế nào trong ngôi nhà chật chội, nóng bức như cái lò nướng bánh mỳ đó. Đã biểu về nhà tôi để tiện việc chăm sóc mà cô cứ...
Trang nói:
- Nó là con của em ít ra trong một tháng rưởi nữa. Xin hãy cho em được tận hưởng những khoảnh khắc làm mẹ trong thời gian ngắn ngủi đó. Bà hãy yên tâm, em sẽ chăm sóc thằng cún thiệt chu đáo.
Bà Vân đuối lý đành im lặng, thở ra mấy cái.
Tám giờ sáng Nhành xuất hiện ở bệnh viện. Thấy Trang từ trong bế con bước ra, cô liền sấn tới định đưa tay ẵm thằng cún thì bắt gặp ánh mắt khó chịu của bà Vân, bèn thu tay về. Gặp Nhành, Trang mừng rỡ ra mặt. Mồm mép tía lia:
- Chị Nhành! Sao trông chị ốm quá! Chỉ mấy ngày không gặp mà em thấy như là cả năm. Mấy chị ở nhà vẫn khỏe hả?
Nhành đáp:
- Khỏe. Tao tưởng mày lo vui vầy con cái mà quên hết tình nghĩa chị em  rồi chớ – Đoạn Nhành nheo mắt nhìn Trang:- Chà, sanh đẻ xong người cứ đẹp ra, đúng là gái một con trông mòn con mắt! Thảo nào người ta cứ theo tò tò!
Bà Vân tím mặt, day sang ông Khả, cặp môi mỏng cong lên.
Vừa lúc chiếc ô tô bóng lộn trờ tới. Mọi người lục tục bước lên xe. Nhành đi bằng xe gắn máy riêng của mình:
- Tao về trước chuẩn bị đón tiếp thiên thần bé nhỏ nhá!
&
&&
Xe không đi thẳng về nhà mà ghé tạt qua siêu thị năm từng. Bà Vân mua sắm
cơ man là thứ đồ  dùng trẻ con, nào là; sữa bột, quần áo, tã lót, nôi đưa, xe đẩy, lục lạc...chất đầy cả ô tô. Tới đầu hẻm, bà Vân nói với chồng:
- Vô đông người không tiện, anh hãy ngồi ở ngoài này. Thu xếp xong, em sẽ ra liền.
Trang ẵm con đi song song với bà Vân. Phía sau họ là đoàn người rồng rắn. Vô đến cửa đã thấy mấy người chờ sẵn, có ý nhìn mặt thằng cún. Chị Hai cạo heo nhào
tới vén khăn, ngó kỹ mặt thằng bé rồi tấm tắc khen:
- Đẹp trai, sáng láng dữ! Thằng này lớn lên tha hồ “ sát gái “ đây. Chèn đét ơi, sao mà giống hệt con gái mẹ của nó!
Mấy người khác cũng xúm lại, mỗi người vẹo một cái, khen vài câu. Cứ mỗi lần nhìn thấy những ngón tay cáu bẩn rờ lên mặt thằng cún là bà Vân lại một phen lên ruột. Mấy phút sau mới thoát ra được đám dông.
Bà Vân ngó dáo dác ngôi nhà xập xệ tỏ vẻ không yên tâm rồi nói bằng giọng lo lắng:
- Nhà cửa như vầy con tôi ngủ ở đâu?
- Ở đây chớ đâu. – Nhành vỗ tay bộp bộp xuống nền nhà có ý chọc tức:- Nằm dưới đất cho mát!
Bà Vân giãy nãy lên:
- Đâu được. Con nít cơ thể còn yếu, rủi nó bị sưng phổi thì biết làm sao? – Bà Vân dán cái nhìn xuống nền gạch nứt nẻ. Lũ kiến lửa tha mấy hột cơm nguội  bò thành đàn kéo dài lên vách tường:-  Cái này cũng gọi là nhà sao? Cái..
Nhành đanh giọng cướp lời:
- Ý bà muốn nói là cái chuồng heo hay là ổ chó chớ gì? Mà như vậy thì đã sao nào! Tất cả những người nghèo quanh đây đều sanh ra và lớn lên từ những cái ổ chó, chuồng heo như vầy đó. Bà hãy nhìn sang những căn nhà bên cạnh, chúng ọp ẹp rách nát thậm chí  không bằng cái toa lét nhà bà. Nhưng những đứa trẻ vẫn cứ sống khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi, chưa có đứa con nít nào  chết vì phải ở chỗ rách nát như vầy bao giờ.- Giọng Nhành uốn éo:-  Bà lo lắng thái quá cũng đúng thôi, vì bà đã quen sống trong giàu sang nhung lụa, nệm ấm, chăn êm! Nhưng nỗi lo của bà có sánh bằng nỗi lo của người mẹ mang nặng đẻ đau hay không. Người mẹ có thể ăn đói, bận rách chớ không bao giờ cam tâm để con mình sống khổ. Tui nói, chắc bà cũng không hiểu bởi vì bà chưa từng có cảm giác làm mẹ!
Bà Vân xiểng niểng như bị ăn tát:
- Nhưng trên danh nghĩa tôi là mẹ của nó..
Nhành nói:
- Đúng vậy. Nhưng tôi cũng lưu ý bà một điều, hãy còn một tháng rưởi nữa bà mới chính thức có được cái quyền đó. Nếu không có việc gì mời bà đi về cho. Cháu tôi buồn ngủ lắm rồi, mắt nó díp lại kia kìa. – Đoạn Nhành tranh bế thằng cún, cô cầm ngón tay bé xíu của nó khều khều lên gương mặt bụ sữa và nói bằng giọng đớt đát:- Mấy người đi về hết đi, tui buồn ngủ lắm rồi, hổng nghe, tui tè vô mặt cho coi!
Nhành suy nghĩ một lúc tìm những lời độc địa, rồi vừa liếc về phía bà Vân, vừa nói:
- Chỉ có mẹ Trang với dì Nhành là thương tui thiệt lòng thôi. Còn mấy người chỉ là người dưng nước lã hổng thương yêu gì tui hết ráo á, chẳng qua mấy người lo sợ  khi nhắm mắt xuôi tay không có người để tang! Giỗ quảy không có đứa đốt cho mấy cây nhang!
Bà Vân tái mặt, đặt các thứ lên nền nhà rồi bước te te ra hẻm. Đi được một đoạn bà ngoáy cổ lại, nói khít qua kẽ răng:
- Tôi nói trước, mấy người liệu bề mà chăm sóc cu Tiến cho cẩn thận, nó mà bị rụng một cọng lông chưn thì đừng trách tôi là không nói trước!
Trong thâm tâm bà muốn nhìn mặt thằng cún lần nữa nhưng bắt gặp ánh mắt khiêu khích của Nhành đành hậm hực từ bỏ ý định.
&
&&
Mấy ngày qua không khí trong ngôi nhà luôn nặng nề, u ám như có lam sơn
chướng khí bao phủ, từ khi có sự xuất hiện của thằng cún con, tất cả đã thay đổi, đám mây lo âu phiền muộn được ngọn gió trong lành, mát rượi cuốn phăng lúc nào không hay. Thằng bé trở thành trung tâm mọi chuyện xảy ra trong ngôi nhà hơn hai chục thước vuông. Vui buồn, hờn giận, thậm chí cãi lộn chí chóe cũng từ nó mà ra cả.
Trang có cái tật hễ thấy con khóc là lật đật đi pha sữa cho nó bú. Theo suy nghĩ đơn giản của cô “ mau ăn thì chóng lớn”. Hiếu cực lực phản đối, cô nói:
- Ăn uống phải có giờ có giấc hở ra là ấn núm vú vô miệng thằng nhỏ có ngày nó chết chương. Tao hỏi mày, nếu mày đã no cành hông rồi thì có tọng thêm được nữa hôn?
Trang cãi thí:
- Con nít khác, người lớn khác. Bú toàn nước óc ách tè xong là thấy đói!
Hiếu trợn mắt nói như quát:
- Đói gì mà đói! Nó trớ[1] cả ngày hôm nay, phải thay mấy cái áo, bộ mày không thấy sao? – Nói đoạn, Hiếu giựt chai sữa, liệng vô  chậu nước.
Vì chuyện này Trang làm mặt giận,  cả ngày không nói chuyện. Xây qua xây lại thừa lúc Hiếu không để ý, Trang lại lấy bình sữa nhét vô miệng thằng cún. Thằng nhỏ đúng là cố ăn! No cành hông, vậy mà hễ ấn núm vú vô miệng nó lại mút chùn chụt.
Nhành cả ngày quấn quít bên thằng cún. Cô dành ẵm  mà chẳng chịu nhường ai. Trang bực lắm nhưng không dám hé răng. Nhành nói:
- Mày sức khỏe chưa được tốt, đi ngủ đi. Để tao chăm sóc thằng cún con!
- Để em! Chị ẵm cả ngày mỏi tay rồi. Vả lại con nít mà ẵm hoài nó hư!
- Cháu tao mà hư thì cả thế gian này thành đạo tặc mất! Coi kìa, trông nó ngủ mới đáng yêu làm sao!
- Chị cho bế một tẹo, em ghiền quá! – Ngân xán lại.
- Ghiền thì đẻ một đứa mà tha hồ bồng bế. Cháu tao, tao không đưa cho ai hết!
Lại hờn giận. Tiếng nhỏ. Tiếng to. Cuối cùng Nhành cũng phải nhượng bộ vì đối phương chiếm đa số. Ngân cứ trầm trồ:
- Đẹp quá! Biết chừng nào em có đứa con kháu khỉnh như vầy ha.
Bốn người đàn bà xúm xít bên thằng cún  ngắm nghía như báu vật. Được hai hôm thì thằng cún bị đi tướt, xèn xẹt suốt ngày uống thuốc vẫn không khỏi. Không hiểu, Trang nghe ai mách biểu mà ra tiệm thuốc tha về chai “ Con rồng “. Khi Trang vừa rót ra muỗng thì Hiếu cũng vừa đi làm về.
- Khoan đã! Mày cho cháu tao uống thứ gì vậy?
- Con rồng! Nghe nói loại này nghe nói cầm ỉa rất công hiệu.
- Buông ra! – Hiếu hét lên một tiếng trời long đất lở, chạy tới cầm cái chai
quẳng  mạnh ra đường. Trang còn đang ngẩn ngơ thì bị liền một cái tán nhá lửa.
- Đồ ngu! Mày ngu lắm Trang! Thuốc này chỉ dùng cho trẻ em trên sáu tuổi. Mày muốn giết nó hay sao vậy hả?
Trang xanh mặt, giựt thót một cái, hỏi:
- Thiệt vậy hả? Sao người ta nói…
- Con người ta có cái đầu là để suy nghĩ, để phân biệt đâu là đúng sai, điều hay lẽ phải chớ không phải bạ đâu cũng tin, bạ đâu cũng gật.
Bị đánh Trang không giận Hiếu mà ngược lại còn cám ơn rối rít.
Hết bị đi tướt thằng cún chuyển sang bị táo bón, hai ngày mới ị một lần. Trang lo quá không biết tính sao.
Ngân nói:
- Vắt nước cam cho nó uống đặng thông ruột.
Nói rồi, Ngân tất tả chạy ra chợ mua mấy trái cam, lựa trái bự nhứt vắt lấy nước rồi pha thêm chút đường. Trang giữ đầu thằng bé, còn Ngân thì đút từng thìa nhỏ, thằng cún có vẻ thích chép chép cái miệng nhỏ xíu như  mỏ chim. Ngân cứ thế cho nó uống hết sạch nửa trái. Khoảng một tiếng sau thằng cún bắt đầu ị ra toàn phân lỏng. Nó phẹt phẹt liên tục từ xế trưa đến chập tối không dưới mươi lần, môi khô cong lên và người bắt đầu lên cơn sốt.
Nhành đi chợ về, nghe kể lại, giận quá bèn chửi hai đứa một trận nên thân. Trời đất! Cho uống chỉ cần một hai thìa nhỏ là đủ. Sao nó nóng như vầy, hả Trang? Mày có cho nó uống nước hôn?
Trang lắc đầu, mếu máo:
- Không, em sợ uống nhiều, ỉa nhiều.
- Ngu! Ngu lắm! Phải cho uống thiệt nhiều nước không thôi thằng nhỏ sẽ bị đau ban khỉ. Dốt như vầy mà bày đặt làm mẹ.
Nhành hối Ngân ra tiệm thuốc mua mấy gói oreson về pha với nước chín để nguội. Thấy nhiều quá, Trang định pha phân nửa, để lại  phân nửa dành cho lúc khác.
Nhành gắt:
- Phải pha hết! Hà tiện là giết thằng nhỏ đó, hiểu chưa?
Cũng may là mấy ngày đó, vợ chồng ông Khả vì bận công chuyện không đến được  nếu không thì đã xảy ra lôi thôi lớn. Buổi tối cả nhà xúm lại bên thằng cún, họ chuyền tay nhau như đội bóng chuyền chiếc cúp vô địch. Giọng nói thường khi bỗng trở nên đớt đát, nghe thật tức cười.
Trang nói:
- Em hổng dè việc nuôi trẻ lại lách cách đến thế. Vậy mà em cứ đơn giản, đói thì cho ăn, đau thì uống thuốc, vậy thôi.
Hiếu phán một câu xanh rờn:
- Tao sẽ là mẹ đỡ đầu thằng cún con!
Ngân thắc mắc:
- Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ em chỉ nghe nói  những người theo đạo Gia tô mới có cha đỡ đầu còn mẹ đỡ đầu không thấy nhắc tới.
Nhành cãi lại:
- Đó là chuyện tôn giáo! Rõ ràng mày chưa tìm hiểu tới nơi tới chốn. Truyện cổ tích “ Cô bé Lọ Lem ” cũng có  mẹ đỡ đầu. Chính bà mẹ này đã biến trái bí rợ thành cổ xe, mấy con chuột thành ngựa kéo đó thôi. Mày là “ dân kinh tế “ nên cứ ù ù cạc cạc!
Đoạn Nhành xây mặt về phía Hiếu nói:
- Không được! Bà Hiếu đừng chơi khôn. Chỉ có tui mới có thể là mẹ đỡ đầu của thằng cún!
Hiếu bĩu môi:
- Mày suốt ngày chè rượu say sưa làm mẹ đỡ đầu để  cháu tao  thành hũ chìm à?
Ngân nói:
- Để em, em mới xứng đáng làm mẹ đỡ đầu!
Tranh cãi kịch liệt, cuối cùng thằng cún có liền một lúc ba bà mẹ đỡ đầu.
Hiếu nói:
- Phải là bốn chớ, còn con Huệ nữa chi.
Nhắc tới Huệ  không khí bỗng vón thành cục. Những gương mặt cười bỗng biến dạng méo mó trông rất khôi hài. Huệ vẫn lúc tỉnh lúc điên không có dấu hiệu tiến triển. Mỗi ngày Hoạt đều đến thăm, và  đều ra về với dáng điệu đau khổ, ân hận giày vò.
Ngân than thở:
- Mới có mấy bữa mà em thấy anh Hoạt ốm nhom!
Nhành liệng cái nhìn giận dữ về phía Ngân, làm như cô chính là thủ phạm gây ra bất hạnh cho Huệ không bằng:
- Mày còn thương tiếc con người bạc bẽo đó hả? Con Huệ ngày nào còn ở trong nhà thương điên là ngày ấy tao còn căm thù tay Hoạt tận xương tận  tủy! Tội nghiệp con nhỏ! Cầu Trời khẩn  Phật cho nó tai qua nạn khỏi tui nguyện cạo đầu, ăn chay một tháng!
Thằng cún đột nhiên toét miệng cười hết cỡ. Hiếu bèn chộp lấy cơ hội trêu ghẹo:
- Đó! Cháu tao cười mày đó. Mày mà ăn chay thì quỷ cũng thành Phật! – Đoạn Hiếu quay mặt về phía Trang:- Tối nay tao ngủ với thằng cún đó nghen.
Nhành đi tắm rửa, thay đồ rồi dắt xe ra cổng. Ngân cầm tay thằng cún lắc lắc mấy cái: 
- Mẹ Nhành đi nhớ về sớm nghe, đừng say xỉn quá con cấm cửa không cho vô nhà đâu  – Ngân đặt ngón trỏ ngo ngoe trên má:- Lêu lêu mẹ Nhành say xỉn đi!
Để thằng bé ngủ với Hiếu, Trang không yên tâm trong bụng nên cứ trằn trọc. Nửa đêm. Thằng cún bỗng thức giấc, khóc ré lên. Hiếu ngồi dậy, đưa tay rờ lên tã lót. Ướt nhẹp! Hiếu nói lầm rầm:
- Lạnh quá con ngủ không được phải không? Để mẹ thay cho tấm khác, ngoan nào!
Thay tã khô ráo nó nín khóc. Hiếu áp mặt nó vào ngực mình. Bản năng làm mẹ thôi thúc không sao cưỡng lại được, cô mở áo ngực, áp cái miệng nhỏ như mỏ chim vào đầu vú đỏ như son. Thằng bé mút chùn chụt. Hiếu lim dim mắt, cảm giác hạnh phúc lan tỏa khắp cơ thể. Nghe khóc Trang bước xuống bắt gặp cảnh tượng đó cô đứng chôn chưn tại chỗ, mắt ánh lên những tia xúc động. Mút mỏi miệng mà không có lấy giọt sữa, thằng cún lại khóc ré lên. Hiếu lại ấn bầu vú còn lại vào miệng thằng bé.
&
&&
Nhành quẹo xe vô con hẻm. Bên trên có treo tấm bảng nền xanh, chữ trắng “ Toàn thể nhân dân khu phố Năm – Phường Tám quyết tâm xây dựng thành công Khu phố Văn hóa “. Chạy rà rà thêm một đoạn, bắt gặp khu chung cư lô K, Nhành dừng xe hỏi thăm một bé gái thắt bím chừng mười ba, mười bốn tuổi đang chơi nhảy dây một mình dưới sân:
- Chào em! Em có biết nhà chú Linh chỉ cho chị với.
Cô bé mở to đôi mắt tròn xoe như hai trái nhãn:
- Chú Linh nào ạ? Hoàng Linh hay Lưu Linh? Chú Hoàng Linh làm phóng viên, còn chú Lưu Linh thì  làm bên y tế. Chú Linh y tế  lúc nào cũng say xỉn nên mọi người đặt là Lưu Linh.
Nhành nói như reo:
- Chị tìm chú đó!
- Ủa, lại thêm một người nữa hả! – Cô bé thốt lên tỏ vẻ ngạc nhiên pha lẫn thất vọng rồi nhét chùm dây thun vô túi áo lòng thòng:- Mấy cô ăn bận mođen  tới kiếm chú Linh y tế hà rằm, họ toàn là dân cave kiếm chú  cốt để moi tiền!  Em không biết chị là người thứ bao nhiêu nữa. Nhưng dòm cách ăn bận, nói năng của chị thì hoàn toàn không giống mấy cô đó.
- Bộ chú Linh quen nhiều phụ nữ lắm, hả em? – Không đợi câu trả lời từ cô bé Nhành đột ngột lái sang chuyện khác:- Em có gần nhà chú ấy hôn?
- Ở chung từng. Em ở từng hai còn chú Linh ở từng ba. Ngày nào em cũng thấy chú linh say lắc lư, nhưng mà chú say rượu không như người ta, càng say nói chuyện càng vui. Hễ thấy chú Linh châm nam đá chân chiêu là tụi em liền xúm lại. Chú ấy có cả một kho tàng chuyện tiếu lâm. Tụi em cười lăn ra! Em nhớ hoài chuyện này của chú. Rồi cô bé bắt đầu nhái giọng kéo nhựa cố hữu  của Linh, kể:
- Có đôi vợ chồng nọ chung sống suốt năm chục năm trời  mà chưa từng bao giờ lớn tiếng với nhau. Phóng viên tờ “ Bưu điện Washington “ bèn tìm đến phỏng vấn:- Thưa bác, bí quyết nào giúp vợ chồng bác giữ gìn hạnh phúc suốt mấy chục năm qua? Người ta bảo chén bát nằm trong sóng[/link] còn có khi khua. Sao bác lại giỏi chịu đựng đến thế? Đâu là bí quyết?. Bà vợ thật thà:- Nào có bí quyết gì đâu! Chuyện là như vầy. Hồi mới lấy nhau chúng tôi ở Texas. Một hôm chồng tôi đánh xe ngựa chở tôi ra thị trấn mua sắm. Đang đi con ngựa bỗng trở chứng cứ đứng ì ra không chịu nhúc nhích. Chồng tôi liền xuống xe, vỗ lên đầu nó, bảo:-  Lần thứ nhất nghen!. Sau đó chúng tôi đi tiếp. Được nửa đường con ngựa chết giẫm lại giở trò. Vẫn động tác cũ, chồng tôi bảo:-  Lần thứ hai nghe!. Đến gần thị trấn, con ngựa lại bổn cũ soạn lại. Ông ấy chẳng nói chẳng rằng, móc súng đòm chết con ngựa trước cặp mắt kinh hoàng của tôi. Sau này giữa hai vợ chồng có chuyện không vừa ý, cãi lộn om sòm. Ông ấy bảo:- Lần thứ hai, nghe bà! “. Và đó chính là bí quyết im lặng của tôi!
Nhành cười đến chảy nước mắt. Thấy đây là dịp tốt để tìm hiểu về Linh, Nhành bèn mua một ít hạt dẻ rang bán trên chiếc xe đẩy đang đậu gần đó. Hai người ngồi trên thảm cỏ vừa nhấn nhá hạt dẻ vừa nói chuyện.
- Bộ chú Linh chẳng bao giờ tỉnh táo hả em?
- Có chớ, những lúc ấy chú thường đóng cửa, ngồi nhà một mình. Chú rất ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, nhưng có hơi men thì ngược lại. Kỳ quá ha chị.
Nhành nói:
- Theo em, chú Linh là người tốt hay xấu?
- Em cũng không biết nữa. – Cô bé đặt hạt dẻ lên miệng, dùng hàm răng khỏe khoắn cắn mạnh:- Chú Linh tử tế, hay giúp người khác như  vậy là tốt. Ba em nói,
uống rượu nhiều là xấu. Vậy chú ấy cũng xấu luôn!
Cô bé co chưn đá văng hòn sỏi nhỏ dưới chưn, tiếp tục liến thoắng:
- Chú Linh thỉnh thoảng có xuống nhà em đánh cờ tướng với ba. Chú cao cờ lắm, chấp con ngựa mà ba em còn đánh không lại nhưng chấp hẳn cặp ngựa thì chú ấy thua liểng xiểng.
- Nghe nói, chú Linh đã từng có vợ? – Nhành khơi mào chuyện.
Cô bé gật đầu:
- Đúng rồi. Nhưng cô Giang đã bỏ chú Linh đi lấy chồng khác rồi. Chồng mới của cô Giang làm nhân viên bảo hiểm, vừa xấu trai, lại kiếm tiền không bằng chú Linh. Chị biết hôn, từ khi bị vợ bỏ, chú Linh chán đời uống rượu ghê lắm. Nhìn thấy, em phát nóng lạnh luôn!
Cô bé khen hạt dẻ ăn thiệt bùi, nói:
- Kỳ quá ha chị. Tại sao cứ chán đời người ta lại vùi đầu vô bia rượu mà không tìm thứ khác đỡ hại hơn?
Đoạn cô bé ngẩng mặt lên nhìn Nhành tỏ vẻ tò mò:
- Chị là gì với chú Linh vậy? Nhưng em biết chắc chắn không thể là người yêu của chú ấy, có đúng hôn?
Nhành bật cười:
- Bộ chị xấu lắm hả?
- Ồ không. Ý em không phải vậy! Chị đẹp lắm! Em nói thiệt chớ không phải vì chị cho em ăn hột dẻ mà em nói nịnh đâu. Bởi vì chú Linh rất ghét đàn bà, ghét cay, ghét đắng, ghét thiếu điều xúc đất đổ đi nữa là..
Nhành thốt lên:
- Sao kỳ vậy, hả em?
- Em đâu biết. Có lẽ nguyên do cô Giang  bỏ đi nên chú Linh mới  như vậy – Giọng cô bé bỗng cao vút lên như đoạn nhạc đến chỗ điệp khúc:- Kỳ ở chỗ, khi say rượu chú Linh lại rất thích phụ nữ! Tuần trước, sau khi uống say bí tỉ  chú ấy xuống tầng trệt tán tỉnh chị Hoa thợ may, chú Linh còn làm thơ nghe hay lắm, em chỉ nhớ mấy câu: “ Quả đất rộng mênh mông/  Anh không chốn dung thân!”, “ Em trói chặt đời anh bằng sợi tóc mong manh/  Em bóp chết tim anh bằng cái nhìn đắm đuối...”. Chị Hoa hoảng quá vội chạy trốn, không ngờ chú ấy cứ rượt theo. Bực quá chị Hoa nói, nếu anh thiệt lòng với tui thì đợi tỉnh rượu, xuống đây nói chuyện đứng đắng  đàng hoàng, anh cứ như vầy, tui la lên đó.
Kể đến đây cô bé nhoẻn miệng cười để lộ cái răng lòi xỉ  coi rất có duyên:
- Vậy mà sáng hôm sau, vừa thấy chị Hoa,  chú Linh lập tức lấy cuốn sổ che mặt, chạy như ma rượt, chạy đến nỗi suýt nữa đâm đầu vô cột đèn khiến mọi người cười lăn ra!
Cuối cùng cô bé đưa ra kết luận:
- Chính vì thế em mới dám  chắc chắn, chị không thể là người yêu của chú vì chẳng ai chịu lấy một người chỉ yêu mình lúc say túy lúy, còn lúc tỉnh táo thì coi như kẻ thù không đội trời chung!
Chia tay cô bé. Nhành thẫn thờ như người mất trí. Để xác minh tính chân thực, Nhành quyết định tìm đến Công ty Linh đang làm việc. Cô dừng xe, hỏi bác nhân viên bảo vệ:
- Anh Linh hôm nay có đi làm không bác?
- Có chớ, cậu Linh vừa cắp cặp lên phòng kế hoạch ở từng hai. Cô lên ngay đi vì chốc nữa thế nào cậu ta cũng phải ra sân bay giải quyết một số việc.
Nhành bước nhanh lên bậc thang hình trôn ốc. Tim đập loạn xạ không phải vì mệt mà vì hồi hộp, căng thẳng. Lên đến từng một, Nhành nhìn thấy Linh đang đứng xớ rớ trước căn phòng nằm cuối dãy hành lang, bên nách kẹp một xấp hồ sơ khá dày. Anh ta cũng nhìn thấy cô, lập tức ngó lơ sang chỗ khác  và nhanh chóng biến mất đàng sau cánh cửa.
Nhành đứng im một lúc rồi rụt rè đưa tay gõ lên cánh cửa sơn xanh, đồng thời
áp tai  lắng nghe tiếng động bên trong. Lúc sau, một gương mặt lạ hoắc ló ra nhìn cô, cất giọng the thé:
- Cô kiếm ai?
- Xin lỗi, tui tìm anh Linh, tui vừa thấy ảnh vô trỏng.
Người đó gãi ót sột sột, nói:
- Cô nhìn lộn người rồi, không có Linh nào ở đây hết ráo.
- Vậy sao?  - Nhành hỏi lại máy móc, cố rướn người nhìn vào bên trong.
Người đó tỏ vẻ khó chịu, nói gay gắt:
- Đã nói là không có, cô cố tìm kiếm làm gì cho uổng công. Hình như cậu ta đang ở từng hai, lên trển mà tìm. Tôi đang bận không thể tiếp khách được.
Cánh cửa đóng sập lại. Rõ ràng, Linh đã cố tình lánh mặt cô, cơn uất nghẹn khiến cô phát khóc. Tất cả những lời cô bé hoàn toàn chính xác.
Trở xuống bãi giữ xe. Bác bảo vệ nhìn cô ái ngại:
- Tôi đoán, thế nào cậu ấy cũng tránh mặt. Cô đừng buồn nữa. Không phải chỉ mình cô đâu, trước đây thỉnh thoảng có vài  cô cũng đến đây kiếm cậu ấy và đều  thất vọng trở về. Tôi khuyên cô một điều, đừng bao giờ tin vào lời hứa của những gã say sưa.
Nhành thấy rã rời chưn tay, thậm chí dắt xe không nổi, bác bảo vệ phải ra tay giúp. Bây giờ thì cô mới hiểu vì sao Linh chỉ tìm đến cô trong những lúc hơi men chếnh choáng. Cô muốn gọi trời hỏi đất, tại sao mối tình đầu của cô lại chịu nhiều bi thảm như vậy. Tại sao? Tại sao?. Chạy ngang quán “ Chim Hót “  Nhành tấp xe vô, kêu bia và tu như nước lã. Trong cơn say, cô tự vấn bản thân đã làm gì nên tội mà Linh nỡ đối xử tàn nhẫn, trong khi cô đã tin tưởng tuyệt đối, dâng hiến cho anh cả thể xác lẫn tâm hồn. Linh ơi, anh là một tên Sở Khanh đốn mạt! Tui căm thù anh cho đến chết!
Xế trưa, Nhành trở về trên chiếc xích lô. Hai người đàn ông trong xóm khiêng  chiếc xe gắn máy, hai người khác khiêng cô vô nhà. Trang trải chiếu cho Nhành nằm dưới đất, rồi móc túi trả  tiền xe.
Bác đạp xích lô phân trần bằng giọng lơ lớ của người miền Trung:
- Đang chạy xe, tự nhiên cổ té cái rầm. May mà  chiếc xe hàng thắng kịp, nếu không thì...Lúc đầu tui nghĩ cổ bị trúng gió, lại gần mới biết là do say rượu. Anh cảnh sát giao thông lục bóp cổ tìm được cái địa chỉ, biểu tui chở về. Trời đất, uống chi  dữ vậy không biết! Nếu vào lúc ban đêm thế nào có chuyện chẳng lành. Xinh đẹp như cổ dễ trở thành  miếng mồi béo bở cho mấy thằng dê cụ.
Nhành nằm vật vã suốt cả tiếng đồng hồ, mắt nhắm nghiền mà miệng cứ lải nhải không dứt:
- Linh ơi, tui yêu anh thiệt lòng mà anh nỡ xem tui như thứ đồ chơi, món hàng giải trí. Tui thề sẽ băm xác anh  nhuyễn nhừ như món cá băm viên. Anh là tên khốn nạn nhứt trong vô số những thằng khốn nạn, anh là tên đểu cáng nhứt trong hàng vạn tên đểu cáng. Tui sẽ giết anh như giết một con chó!
Nhành la lớn quá làm kinh động đến mọi người xung quanh. Chuyện  chẳng hay ho gì mà cứ la ong óng chẳng khác gì  vạch áo cho người xem lưng. Trang vội đóng chặt cánh cửa, kéo rèm lại. Nhưng tiếng gào thét của Nhành vẫn len  lỏi qua khe hở thoát ra ngoài một cách bướng bỉnh. Vài mụ đàn bà đang chơi bài tứ sắc ngay đầu hẻm vểnh tai lắng nghe có vẻ thích thú.
- Cha, cái con bợm ghiền đó đã bị cha nào “ xơi tái “ rồi đá đít. Đáng đời!
Người khác nói:
- Đàn bà mà nhậu nhẹt là thứ đàn bà hư, thằng nào dám rớ tới. Chẳng qua bọn nó muốn lợi dụng chơi cho sướng con c.. rồi thì bỏ. Ngu thì ráng mà chịu còn kêu ca nỗi gì.
Bà bận áo bông cằn nhằn:
- Nói hoài hà, xuống bài đi mẹ!
Người đàn bà đó tính toán một lúc rồi xuống mấy quân tượng xanh.
Chập tối, Nhành mới tỉnh hẳn, lúc này mọi người đã tề tựu đông đủ cả. Nhành rửa mặt xong, bước ra ngoài. Hiếu kêu giựt  lại:
- Đi đâu đó?
- Mua bia! – Nhành đáp cộc lốc.
- Định uống cho chết hả? Mà có chết cũng chẳng giải quyết được chuyện gì. Không đi đâu hết, ngồi xuống. Con Ngân đóng cửa lại cho tao.
Nhành miễn cưỡng ngồi bệt xuống đất, mắt đóng đinh lên trần nhà.
Hiếu an ủi:
- Chuyện đã dĩ lỡ rồi, hãy cố mà quên đi coi như đây là bài học đường đời. Ông bà xưa có câu “ Món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời “, ngay từ đầu tao đã có linh tính thằng cha đó là người không ngay ngắn rồi, ai lại bày tỏ tình cảm trong lúc say bét nhè! Tuổi mày, năm nay rơi nhằm sao xấu  gặp toàn là chuyện chẳng lành, không bị sứt mẻ gì cũng có thể gọi là may mắn lắm rồi. Đừng làm ầm lên chẳng hay ho gì.
- Quên sao được, nhứt định tui sẽ giết hắn! – Nhành nói bằng giọng tột cùng phẫn nộ. Gương mặt chưa tỉnh hẳn rượu  đằng đằng sát khí.
- Tất cả bọn đàn ông đều mang trong mình dòng máu dối trá, phản trắc mày giết được một người chớ đâu giết hết cả thiên hạ. Vả lại pháp luật có để cho mày yên không? Chuyện lùm sùm này làm lớn ra  chỉ thêm nhục, mấy mẹ nhiều chuyện ở Bến Đình thế nào cũng có dịp cười cho thúi mũi,  chi bằng nên im lặng là tốt hơn hết.
- Chị khác, tui khác. Chị có thể để cho cha Tưởng sống yên ổn, còn tui  thì không! Tui nhứt định phải cho gã Sở Khanh đốn mạt một trận nhớ đời rồi tới đâu thì tới, vô nhà đá hay “ dựa cột “ cũng cam tâm, mấy  người đừng cản tui vô ích.
Càng nghĩ càng thấy buồn, trong nhà có năm người thì hết bốn đã phải khóc
hận vì tình. Trang đành chấp nhận số phận an bài, Hiếu đã từng phẫn uất  tìm đến cái chết, Huệ thất tình phát điên, còn Nhành thì nhất quyết phải giết người mới hả giận. Số phận mỗi người mỗi khác, nhưng đều gặp phải cảnh éo le, nghiệt ngã như nhau.
&
&&
Việc giải tỏa, đền bù bắt đầu rục rịch từ sau tết. Những hộ tự nguyện tháo dở trước thời hạn được hỗ trợ thêm năm triệu gọi là chi phí di dời. Hộ quá thời gian quy định mà vẫn chưa thực hiện sẽ bị cưỡng chế, và phải hoàn toàn chịu mọi phí tổn phát sinh. Ngôi nhà mấy chị em Hiếu đang mướn  còn gần hai tháng nữa mới hết hợp đồng. Trước thời hạn cuối cùng để di dời hơn một tuần lễ, bà Bảy Tùng cứ vài ngày lại đảo qua một lần nhắc nhở mấy chị em liệu mà thu xếp trả nhà đúng hạn kẻo để bị cưỡng chế thì mệt lắm, không những bị hụt mất khoản tiền thưởng mà có khi phải nộp phạt. Bà Bảy đề nghị, hay là tao đưa tụi bây ít tiền để mướn chỗ khác vậy.
Nhành lắc đầu, nói:
- Tụi con  chưa kiếm được chỗ ở mới, bây giờ phải dọn cấp kỳ thì biết đi đâu? Dì Bảy yên trí đi, tụi con hứa là sẽ trả nhà đúng kỳ hạn, có gì tụi con sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bà Bảy Tùng đe:
- Làm sao thì làm, để sanh ra phiền phức là không yên với tao đâu. Ở thành phố nhà cho mướn đầy rẫy ra đó chớ có ít ỏi gì cho cam. Bộ ở dưới nền nhà này có chôn vàng hay sao mà tụi bây cứ luyến tiếc dữ vậy?
Thật ra mấy chị em cứ chùng chình chưa quyết định dứt khoát vì nhiều nguyên do. Tìm một ngôi nhà tương đối lý tưởng với số tiền eo hẹp chẳng dễ dàng gì; Trang sau khi giao con nửa muốn về, nửa muốn ở lại thành phố tìm kế sinh nhai;  Huệ còn ở nhà thương điên không biết chừng nào mới hết bịnh;  Nhành chán đời cũng có ý định về nhà cho rảnh nợ;  Ngân thì đang tính tìm một chỗ ở mới gần nơi làm việc hơn,  còn lại mình Hiếu thì không thể đủ sức mướn hẳn một ngôi nhà, cô dự định trở về “ xóm nhập cư “ kiếm đại chỗ nào chun ra chun vô. Tình hình này coi bộ mấy chị em sắp chia đàn xẻ nghé đến nơi rồi.
Hiếu nói:
- Tụi bây phải dứt khoát đi hay ở, cứ chần chừ do dự làm sao tao biết đường mà tính. Trước tiên, tao muốn nghe ý kiến của con Trang.
Trang nói:
- Em đã suy nghĩ lại và quyết định sẽ vìa quê sau khi giao thằng cún cho vợ chồng ông Khả. Thiệt lòng em rất muốn ở lại thành phố nhưng thấy có nhiều điều không tiện, vả lại ở đây có nhiều kỷ niệm buồn quá, nên em muốn tìm quên.
- Lại đi! Mày cứ thay đổi xoành xoạch như người ta thay quần áo, tao đến khổ vì mày. Được, muốn về thì cứ việc. – Giọng Hiếu có vẻ hờn mát:- Mắc công tao phải năn nỉ bà Trần muốn gãy lưỡi bả mới đồng ý nhận mày vô làm trở lại, bây giờ tất cả đã hóa ra là công cốc!
Thâm tâm Hiếu muốn cùng có chị có em dù sao vẫn tốt hơn, nhưng Trang không thích thì có ép cũng không được. Tức ở chỗ Trang cứ thay đổi ý kiến như thời tiết!
Hiếu ngửng cổ dòm Nhành:
- Còn mày thì sao?
Nhành nói:
- Bây giờ đầu óc của tui rối tung rối mù như đám rừng chẳng liệu được việc gì. Chuyện đó từ từ tính sau. Người tui lúc này đây đang bị ngọn lửa tam muội thiêu cháy. Giải quyết sòng phẳng với “ Độc Cô Cầu Bại “ tui mới yên lòng nghĩ tới chuyện khác.
- Nói chuyện với mày tức anh ách! – Hiếu bực dọc nói lớn:- Nói như vậy tao hết cách. Thôi, ai có thân nấy lo.
Ngân nói:
- Chị Hiếu định đi đâu?
Hiếu không nói không rằng xách giỏ đi te te một hơi ra đầu hẻm.