Một ngày trong năm 1933. Vừa đến toà soạn chơi, Khái Hưng đã hỏi tôi.- Tuần này anh có rỗi không?- Có việc gì, anh?- Tôi hỏi lại. Kỳ thực, lúc nào tôi cũng bận và cũng rỗi cả, vì tự học một mình.- Đi lễ chùa, ở Bắc Ninh. - Anh cười.Lễ chùa? Xưa nay, Khái Hưng đâu phải là một Phật tử nhiệt tâm. Vì mấy anh em dự định đi thăm phong cảnh Bắc Ninh và đặc biệt là mấy ngôi chùa cổ có tiếng như Bút Tháp, Phật Tích. Hôm đó, có Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Gia Trí và tôi. rrước hết, chúng tôi đáp xe hỏa đến một ga gần chùa Bút rháp. Đây là một ngôi chùa cổ, có tháp cao cổ kính nhiều tầng. Rồi thuê một chiếc thuyền rộng, xuôi giòng sông đào tới miền đồi Lim.Cảnh thực nên thơ. Chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước chẩy êm, giữa hai cánh đồng dâu biền biệt. Xa xa là những rặng đồi núi thấp. Chung quanh im vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc thuyền nhà chài vắt lưới bên bờ. Cảnh đồng quê Việt nam sao mà êm đềm thế, hình như ngủ im đã hàng thế kỷ.Mọi người ngồi yên, ngắm cảnh. Không có nước trà, nhưng có nước vối rất hợp vị.- Giá lúc này, có ai làm một bài thơ tả cảnh sông nước thì hay.- Anh Gia Trí đương ngồi ở một đầu thuyền, hí hoáy phác những nét chì, đề nghị. Không ai tức cảnh làm thơ cả. Khái Hưng bèn đọc hai câu thơ của Lý Bạch: Cô phàm viễn ảnh bích không tận,Duy kiến Trường giang thiên tải lưu - Nhưng đó là thơ Đường, mà đây đâu phải Trường Giang?- Nhất Linh nói.Thế Lữ ngẫm nghĩ một lát, rồi nhỏ nhẹ nói:- Trước đây, lâu lắm, tôi có làm một bài, xin đọc để các anh nghe, được không?Mọi người hoan nghênh. Anh từ tốn ngâm một bài thơ tám câu, trong đó tôi chỉ còn nhớ bốn câu sau cùng:Trời lặng, én nghe chèo vỗ nước.Nhớ nhung, ai tiếc cánh buồm xa.Cô hàng đâu biết ta buồn nhỉ.Đon đả ra chào hỏi khách qua. Chùa Phật Tích nằm trên một sườn đối. Một ngôi chùa nóc, tường rêu phủ. Đằng sau chùa, rải rác nhiều tháp lớn nhỏ, chứng tỏ đã bao đời nhà sư đã tu hành ở nơi vắng lặng này. Đứng trên đồi, dưới gốc thông reo, nhìn xuống những xóm làng nhỏ bé núp sau lũy tre, cảm giác lâng lâng như đương lui về quá khứ.Rời chùa Phật Tích, theo con đường nhỏ, chúng tôi rẽ sang chùa Bách Môn gần đồi Lim... Cũng nằm trên sườn đồi, có đường rộng dẫn vào, chùa Bách Môn kém bề cổ kính, có nhiều cửa to nhỏ ra vào, nhưng đếm đi đếm lại cũng không đủ một trăm.Song, ngôi chùa này đã đượv Khái Hưng để ý và chọn làm nơi chàng trai trẻ Ngọc đã gặp chú tiểu Lan trong mối tình của cuốn tiểu thuyết đầu tay. Liên tưởng đến truyện ngày xưa, Lê Thánh Tôn đã gặp một nàng tiên tại một ngôi chùa nào đó. Câu thơ được truyền tụng tới nay:Gió thông đưa kệ tan niềm tục,Hồn buớm mơ tiên lẩn sự đời. Vì đó mới có cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, hiện đại hoá và lãng mạn hoá cuộc gặp gỡ kể trên. Truyện viết thì hay thực. Nhưng đối với tôi, thì cảnh đồng quê, sông núi, chùa chiền cổ kính, và tất cả những con người đã sống âm thầm trên mảnh đất quê hương này, bên gốc thông reo vi vút - giang sơn Việt nam yêu mến mới thực gây xúc động sâu xa trong tâm khảm tôi như một phần của linh hồn đất nước, chưa có một ngòi bút nào tả nổi.Hồn bướm mơ tiên là cuốn tiểu thuyết in ra đầu tiên của Tự lực văn đoàn. Cùng một hoài bão về văn hoá và cải cách xã hội, mấy anh đã tổ chức một tập hợp trên chủ trương tự lực, cả về tinh thần lẫn vật chất, không ỷ lại, không khuất tất. Có chí hướng cao thượng, lại tập hợp được những nhân tài xuất chúng, đó là nguyên nhân tại sao Tự lực văn đoàn đã thành công và gây được ảnh hưởng sâu xa trong xã hội Việt nam.Lúc đó, còn là học sinh mới mười bây tuổi, tôi phải chuyên chú về thi cử. Tự lực văn đoàn gồm sáu người tức Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ - Anh Gia Trí không ở trong văn đoàn, tuy góp nhiều về tranh vẽ và ý kiến. Sau này cũng chỉ thêm một thành viên là Xuân Diệu, cộng thành Thất tinh hay Thất hiền. Một điều đặc biệt trong Văn đoàn là tất cả đều như anh em một nhà, gắn bó và nâng đỡ lẫn nhau, không hề có xích mích, ganh tị. Tôi chưa thấy giữa các anh em có cãi cọ, to tiếng bao giờ, cũng không có tranh chấp về tiền tài. Tài năng đa dạng của nhóm đã làm thoả mãn mong muốn của phần đông độc giả các giới. Dưới đây kể lại mấy điều kinh nghiệm trong làm báo, làm văn: Muốn được vui vẻ, khoan khoái thì có những bài trào phúng, hoạt hoạ sống động Muốn có truyện ngắn, truyện dài để xem thì có đầy đủ, và viết rất hấp dẫn.Muốn thấy phê bình, đả kích những cái bất công, xấu xa, rởm đời thì có nhiều mục châm biếm. Có nhân vật như Bang Bạnh, Sa tiền (Thống sứ Chatel)Mục Bùn lầỳ nước đọng bày tỏ những khốn khổ của dân nghèo. Mười điều tâm niệm đưa ra một quan niệm về công bằng xã hội, đạo lý làm người. Hạt đậu dọn phơi bầy những thứ cẩu thả trong văn chương, những thứ kỳ cục.Chọn vài đoạn tiêu biểu: Trong một truyện đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, có đoạn. Từ lúc gặp Liễu Dương (sic), Hùng Phong chợt thấy trái tim mình, trái tim từ trước vẫn câm lặng, bắt đầu ú ớ chẳng khác một đứa trẻ bập bẹ lời nói đầu tiên. P.H bình: Thế thì trái tim ấy nó sắp sửa vòì kẹo ấy.Một đoạn nữa:Nàng chưa bị tiếng sét của tình yêu đánh cháy lòngP.H bình: Văn kêu như sét. Nàng chưa bị chết cháy. Một đoạn văn của nhà lý thuyết Trương Tửu:Khi mảnh yếm rơi xuốngThì người đàn bà phải thay nó bằng cái coóc xê!Mảnh yếm là của thời đại cũ. Cái coóc xê là của thời đại mới... và sau đó.Khi mảnh yếm rơi xuống,thì người dàn bà không mặc được nó lên ngực nữa P.H bình: Còn chúng tôi, đọc hết dòng này, quẳng sách và ôm nhau cười. Tự lực văn đoàn có can đảm chỉ trích cả giới thực dân: Toàn Quyền, Thống đốc, Đốc Lý và giới triều đình: nhà vua, Hoàng Trọng Phu, Phạm Quỳnh. Phê bình những chủ trương thoả hiệp với nhà nước Bảo Hộ. Tất nhiên, những chỉ trích ấy không thể trực tiếp, rõ ràng dưới chế độ chuyên chế. Vậy mà Phong Hoá, Ngày Nay đã nhiều lần bị kiểm duyệt, cảnh cáo, bị treo giò... anh em mấy lần bắt buộc phải đi nghỉ mát. Một lần, Ngày Nay ra một số đặc biệt. Tranh bìa, anh Gia Trí vẽ cảnh một tứp lều lụp xụp, rách nát, ngoài cửa, một người đàn bà lam lũ, mấy đứa nhỏ gầy đét, ỏng bụng đương bò lê.Dưới đề một câu là (tôi chỉ nhớ có một câu) Bố cu mẹ đĩ rúc vào nằmPhòng kiểm duyệt rất nhanh kết tội nói xấu chính phủ Bảo hộ, báo phải đình bản ba tháng và định truy cứu Nhất Linh ra toà, nhưng sau đổi ra cảnh cáo nặng.Vẫn không chừa, mấy tháng sau, người ta lại bàn tán về một hoạt họa trên báo, vẽ Lý Toét từ nhà quê ôm một con gà mái đưa biếu ông Sa tiền (Thống sứ). Gà mái, dịch ra tiếng Pháp có nghĩa bóng là kỹ nữ. Ông Thống sứ này có tiếng là hiếu sắc. Song chắc cũng không muốn làm to truyện, ông ta đành lờ đi. Cách châm biếm, hài hước nhiều khi rất tài tình. Như ông Bùi X.H. chủ nhiệm tờ Hà Thanh Ngọ báo, tới một nơi hội họp, bị người ta cản lại hỏi. Ông cáu sườn vì bị coi rẻ, bèn lớn tiếng bằng Pháp văn Je suis quelquun (ý nói ta là một người có tên tuổi đây) Phong Hoa khi nhắc lại truyện này, bèn nhại tiếng quelquun đổi sang Je suis King Kong (gần đồng âm), King Kong là tên con khỉ đột khổng lồ trong một phim ảnh nổi tiếng mà ai cũng biết.Vì vậy Tự lực văn đoàn đã gặp khó dễ, công kích, chê bai từ mọi phía, cũng không có gì lạ. Theo chỗ bản thân tôi thấy thì Phong Hoá, Ngày Nay có khi chủ quan, lầm lẫn, hay châm chọc hơi quá đáng, nhưng không có ác ý, không muốn dìm ai xuống để tranh giành cái gì. Bản tính các anh em là vô tư, hiền hậu, đồng thời cũng kiên quyết trong việc bênh vực công lý, chống đối bất công, xấu xa. Tôi thấy, nếu không có tâm hồn như vậy, thì không có Tự lực văn đoàn.