gày 1 tháng 10 năm 1938, báo chí Pháp đăng trên trang nhất một tin tốt lành: Đêm qua tại Munich, hai thủ tướng Pháp và Anh đã chấp nhận đòi hỏi của Hitler về vấn đề vùng Sudetenland. Họ đã quỳ hàng trước tên độc tài phát xít. Khi họ trở về, họ đã được đón tiếp như kẻ chiến thắng. Rồi để bảo toàn hòa bình hơn nữa, chính phủ Pháp và Anh đã kí hiệp ước không xâm lược với chính phủ Đức quốc xã. Hitler đã ký bằng cả hai tay rồi tiến vào nước Tiệp (Czechoslovakia)... Tảng sáng ngày 24 tháng 8 năm sau, hiệp ước không xâm lược giữa nước Đức của Hitler với Liên Xô được kí tại Điện Kremlin. Đối với Leopold Trepper, hiệp ước đó không có gì đáng ngạc nhiên. Sau những cuộc thanh trừng, sau những cuộc thủ tiêu những cán bộ ưu tú của đảng và quân đội, Stalin nhất định phải tìm cách thỏa hiệp với Hitler. Ngày 16 tháng 4 năm 1939, ngoại trưởng xô viết Litvinov đề nghị đại sứ Anh nên kí hiệp định tương trợ Pháp - Anh - Liên Xô. Hai tuần sau, Litvinov bị thay thế bởi Molotov. Hai ngày sau việc thải hồi Litvinov, ngày 5 tháng 5, đại biện lâm thời xô viết tại Berlin gặp nhà ngoại giao Đức Julius Schnurre., giải thích sở dĩ Litvinov bị kỷ luật vì ông ta chủ trương liên minh với Pháp và Anh gây nguy cơ mới cho mối quan hệ Xô - Đức... Dù sao thì các ngài không còn việc phải khó chịu về Litvinov nữa... Ngày 30 tháng 10 năm 1939, trong cuộc họp ở Xô viết tối cao, Molotov đọc bài diễn văn khẳng định chủ trương thỏa hiệp với Đức như sau: “Mấy tháng qua đã có sự thay đổi nội dung các khái niệm xâm lược và kẻ xâm lược... Nước Đức ở trong tình trạng của một Nhà nước khao khát hòa hình còn Anh và Pháp lại theo đuổi chiến tranh. Vậy là đã có sự thay đổi vai trò như các vị biết đấy... Tư tưởng của chủ nghĩa Hitler cũng giống như bất cứ tư tưởng nào khác, có thể được chấp nhận hoặc bác bỏ. Nhưng bất cứ người nào cũng hiểu rằng không thể tiêu diệt tư tưởng bằng sức mạnh... Vì thế sẽ là điên rồ, thậm chí là tội ác nếu dùng chiến tranh để tiêu diệt chủ nghĩa Hitler dưới chiêu bài dân chủ. Quan điểm của chúng tôi bao giờ cũng nghĩ rằng một nước Đức hùng mạnh là một điều kiện cần thiết cho nền hòa bình bền vững ở châu Âu”. Xem bài diễn văn đó, Leopold nghĩ rằng thế thì mình đến Tây Âu để nhằm mục đích gì?... Cuối năm 1939, Trung tâm gửi cho Leopold nhiều chỉ thị ngừng thiết lập các cơ sở nhằm vào Đức. Trung tâm chẳng những ngừng phái cán bộ sang tăng cường, mà còn ra lệnh cho Leopold phải đưa trả Alamo và Kent về Liên Xô, điều Leo Grossvogel sang Hoa Kì và mời Leopold trở về Moscow. Leopold trả lời Trung tâm một cách dứt khoát và rõ ràng: chiến tranh giữa Đức và Liên Xô là không thể tránh khỏi, nếu Trung tâm bắt buộc thì Alamo và Kent sẽ trở về Liên Xô, nhưng về phần Leopold và Grossvogel thì không, họ không khi nào chịu phá hủy nhũng gì họ đã xây dựng nên, Leopold sau này còn được biết rằng Trung tâm còn quyết định điều Sorge về Moscow và đưa một viên đại tá vớ vẩn nào đó sang thay, nhưng Cục thấy rằng không thể thay được và cuối cùng cứ để Sorge ở lại Tokyo. Từ lúc đó trở đi Sorge bị trung tâm nghi là gián điệp đôi và theo Trotskyite. Báo cáo của anh gửi về có khi hàng tuần lễ, cục không thèm dịch ra. Manuilski thông tri cho tất cả các phân bộ của Quốc tế cộng sản, chỉ thị phải tán thành và thực hiện chính sách của Stalin: cuộc chiến tranh giữa nước Đức quốc xã với Anh, Pháp là cuộc chiến tranh giữa hai phe đế quốc, vậy giai cấp công nhân không liên quan gì đến nó. Trong nhiều năm qua, Quốc tế Cộng sản đã giải thích rằng cuộc đấu tranh chống Hitler là một cuộc đấu tranh dân chủ chống dã man. Chỉ vì hiệp ước Xô - Đức ra đời mà cuộc đấu tranh đó trở thành chiến tranh đế quốc, người cộng sản phải phát động phong trào rộng lớn chống lại chiến tranh và tố cáo những mục tiêu đế quốc của nước Anh. Về phần Dimitrov, ông viết rằng: “Cần phải phá tan huyền thoại về cái gọi là tính chất của chiến tranh chống phát xít là chính nghĩa”. Leopold nhận thấy sự xoay chuyển này đã làm cho hàng ngũ cộng sản Bỉ mất phương hướng: đau đớn, một số đành chịu đựng, số khác thất vọng đã xin ra khỏi đảng. Bốn giờ sáng ngày 1 tháng 9 năm 1939, quân phát xít tấn công Balan. Chúng tiến rất nhanh và tàn sát người Do thái cũng như người Balan với con số hàng ngàn người. Khi tên Goebbels đến Lodz, bọn vô lại tổ chức một cuộc tiêu diệt người Do Thái, chúng ném cả trẻ con qua cửa sổ. Cũng thời gian đó, Hồng quân tiến vào nửa kia của đất nước Ba Lan và Molotov gửi điện mừng cho ngoại trưởng Đức “Xin chúc mừng thắng lợi đẹp đẽ của quân đội Đức đã làm cho cái hiệp ước Versailles hoang dã bị vứt bỏ”. Điều này cho thấy rõ hơn lí do cách đó một năm Stalin đã giải tán Đảng cộng sản Ba Lan. Những người cộng sản Ba Lan không bao giờ có thể tha thứ được tội ác đó. Một tháng sau khi kí hiệp định không xâm lược Xô Đức, hai nước này lại kí tiếp hiệp ước thân thiện. Tiếp theo là các cuộc thương lượng phân chia vùng ảnh hưởng Xô Đức một khi Hitler đánh gục nước Anh. Trong bão táp của thời thế, Dàn Nhạc Đỏ tuân theo lương tâm cách mạng, kiên quyết giữ vững nhận định thế nào phát xít cũng gây ra chiến tranh, cho nên Dàn Nhạc Đỏ không tan vỡ. Trung tâm hồi hương vợ Leopold về Liên Xô rồi thông báo cho nàng rằng chồng nàng cũng sắp trở về. Đồng thòi Trung tâm còn buộc Dàn nhạc phải làm một công việc có tính chất phá hoại bản thân mạng lưới tình báo này. Một việc đầu tiên là yêu cầu chuyển tiền cho Sorge ở Tokyo. Leopold đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ đó bằng cách sử dụng các quan hệ với những chủ ngân hàng Hà Lan. Leopold hài lòng vì vốn yêu mến Sorge là một con người thông minh và sáng suốt. Việc thứ hai là tiếp nhận bốn điệp viên của Trung tâm gửi qua châu Mỹ dưới vỏ bọc là công dân Uruguay. Theo luật lệ công dân Nam Mỹ muốn nhập cảnh Hoa Kỳ đều phải đến lãnh sự quán nước của mình để xin phép. Nhưng Trung tâm lại quên chi tiết quan trọng này. Trong bốn người Urugay đó thì ba người không biết nói tiếng Tây Ban Nha (là tiếng dùng ở Uruguay) và không biết gì về đất nước Uruguay! Cuối cùng Trung tâm đành phải cho ba người này hồi hương. Chỉ riêng việc này càng cho Leopold thêm nhận định về sự kém cỏi của lãnh đạo tình báo Hồng quân. Cuối cùng, Trung tâm trao cho Leopold thêm một nhiệm vụ rất nguy hiểm là lập một cơ sở “làm giả”. Việc này rất dễ bị cảnh sát phát hiện, như thế sẽ đưa Dàn Nhạc Đỏ vào thế bị phản gián Bỉ giám sát. Nhưng Dàn Nhạc Đỏ phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên. Grossvogel đã kiếm được Abraham Raichmann vốn là một tay học nghề làm giả trong khi làm cho Quốc tế cộng sản, hành nghề làm giả giấy tờ cho người Do Thái trốn khỏi Đức. Dùng y, nhưng Leopold không cho y gia nhập Dàn Nhạc Đỏ để tránh hậu họa khi bị lộ. Anh ta đã mua chuộc được nhiều nhân viên lãnh sự Mỹ latin cho nên anh có chẳng những hộ hiếu thật, mà còn cả những giấy phép nhập quốc tịch nữa. Raichmann còn mua lại những hộ chiếu của những người châu Âu đã di cư vào Hoa Kì. Chắc chắn mẻ phất nhất của anh ta là vụ mua được cả gói hộ chiếu chưa dùng mới in xong của một nhà in Luxembourg. Đang làm ăn phát đạt thì Raichmann bị bắt vì một tên làm giả khác bị lép vế đã tố cáo anh ta. Cảnh sát khám nhà và lấy được nhiều giấy tờ khống chỉ chưa kịp tiêu thụ. Trước tòa án, anh khai rằng thu thập giấy tờ làm bộ sưu tập chơi như người ta sưu tập tem, bướm v.v... Do không đủ chứng cứ nên anh được miễn tố. Trong khi anh bị bắt, Dàn Nhạc Đỏ đã chạy luật sư bào chữa cho anh và chăm sóc trợ cấp cho gia đình nghèo túng của anh. Cũng vì cảm động trước sụ chăm sóc tận tình của Grossvogel, Raichmann đã không khai ra Dàn Nhạc Đỏ. Trung tâm cũng hài lòng đã được anh cung cấp cho khá nhiều giấy tờ đủ dùng trong chiến tranh sau này.