Chương 7
Thanh trừng trong Hồng quân

    
eopold chứng minh về việc thanh trừng Tukhachevski và đồng đội của nguyên soái này [1]. Ngày 11-7-1937 báo chí đua tin nguyên soái Tukhachevski cùng 7 vị tướng Xô viết bị bắt. Các tư lệnh Hồng quân đều là những đảng viên cộng sản lão thành, bị kết tội lật đổ chế độ, định đưa Liên Xô quay trở lại chủ nghĩa tư bản. Hôm sau, cả thế giới được tin Tukhachevski và các tướng Iakir, Uborevich, Primakov, Eidemann, Feldmann, Kork và Putna đã bị kết tội và bị hành quyết. Tướng Gamarnik, chủ nhiệm tổng cục chính trị Hồng quân tự sát. Vậy là Hồng quân bị chặt mất đầu.
Thực ra Tukhachevski cùng bộ tổng tham mưu có mâu thuẫn với Stalin từ nhiều năm: Stalin nhận định nếu có chiến tranh thế giới xảy ra thì không thể xảy ra trên đất Liên Xô; còn Tukhachevski qua nghiên cứu sự chuẩn bị của Đế chế Đức lại nhận định ngược lại rằng chiến tranh thế giới không thể tránh khỏi vì vậy phải chuẩn bị đối phó ngay. Trong một phiên họp của Xô viết tối cao, Tukhachevski đã phát biểu vào năm 1936 rằng ông tin rất nhiều khả năng chiến tranh sẽ diễn ra trên lãnh thổ Liên Xô.
Lịch sử cho thấyTukhachevski đã sai lầm là đã dự đoán quá chính xác nhưng quá sớm... Khi đó mọi lực lượng đối lập đã bị dập tắt và Stalin đã chuyên chính một cách tàn bạo. Chỉ còn Hồng quân là dinh lũy cuối cùng chưa nằm trong tay mình cho nên phải tiến đánh. Đối với phái Stalin mục tiêu đó rất là khẩn thiết. Vì những mục tiêu đều là đảng viên lão thành có công lớn trong Cách mạng Tháng Mười nếu gán cho họ nhãn hiệu là “Trotskyite” hoặc “Zinovievist” là không trúng, cho nên phải đánh thật mạnh và tàn bạo. Stalin đã dùng đến bàn tay của Hitler để đánh dập đầu quân đội nhân dân Nga.
Chính tên Giering, trùm đơn vị mật thám đặc nhiệm Sonderkommando chuyên trách đánh phá lưới Dàn Nhạc Đỏ trong Thế chiến II, đã kể cho Leopold chi tiết vụ án Tukhachevski cũng nhu vụ án Piatnitski...
Năm 1936 tại Berlin, trùm tình báo phát xít Heydrich tiếp tên tướng Nga hoàng cũ là Skoblin. Viên tướng không có quân này tiêu sầu bằng trò gián điệp nhiều mang trên một quy mô lớn: Trong nhiều năm y đã làm cộng tác viên cho tình báo Xô viết để điều tra về Bạch vệ Nga ở Pháp, đồng thời y lại ve vãn tình báo Đức. Tóm lại đó là một con người hoàn toàn khả nghi. Y đưa cho Heydrich một tin rất giật gân: Nguyên soái Tukhachevski đang chuẩn bị cuộc bạo loạn vũ trang chống lại Stalin.
Sau khi báo cáo Hitler, Heydrich phải chọn một trong hai phương án: Một là cứ để bạo loạn nổ ra, hoặc là thông báo cho Stalin bằng cách cung cấp cho ông này những chứng cứ Tukhachevski câu kết với quân đội phát xít Đức.
Phương án hai được chọn. Kế hoạch là tạo ra những chứng cứ giả nói lên rằng Tukhachevski đang chuẩn bị nổi dậy, với sự giúp sức của bộ tổng tư lệnh Đức. Tạo ra chứng cứ giả không khó, vì trước khi phát xít nắm chính quyền ở Đức, quân đội Liên Xô và Đức đã có quan hệ thường xuyên, thậm chí Hồng quân còn đào tạo nhiều sĩ quan Đức. Sau khi đã tạo ra các tài liệu giả rồi, làm sao đưa đuợc những tài liệu giả đó cho Stalin. Trong cuốn hồi kí “Thủ trưởng phản gián quốc xã phát biểu”, trùm phản gián Đức thời kì đó là Schellenberg đã viết rằng ngôi nhà chứa các tài liệu bị cháy và một điệp viên Tiệp đã nhặt được những tài liệu đó trong đống tro. Theo một thuyết khác thì chính Đức đã bán những tài liệu đó cho Nga qua trung gian là người Tiệp.
Thế rồi vào cuối tháng 5 năm 1937, hồsơ vụ Tukhachevski đã nằm gọn trên bàn giấy của Stalin: Ông đã có đầy đủ điều kiện để thanh loại con người mà ông thề sẽ loại trừ. Theo Giering thì Skoblin tìm gặp Heydrich không phải do chính y quyết định đâu. Stalin và Hitler đã thông đồng với nhau: Stalin là người đã đặt mưu kế, còn Hitler đóng vai kẻ thực hiện. Stalin quyết đập tan lực lượng đối lập cuối cùng trong nước, còn Hitler thừa cơ lợi dụng việc này để chặt đầu Hồng quân. Qua vụ Piatnitski, Hitler học biết rằng chính sách thanh trừng không bó gọn trong số ít sĩ quan cấp cao, mà nhất định sẽ lan tỏa đến toàn bộ Hồng quân, như vậy phải mất nhiều năm sau đó mới có thể xây dựng lại được bộ khung của quân đội Xô Viết. Ông ta sẽ được rảnh tay ở phía Đông để tấn công các nước Tây Âu. Vậy là ngay từ năm 1937 đã lóe lên chính sách giao hảo Đức - Xô mà sau này được chính thức hóa bằng hiệp ước thân thiện giữa hai nước đó.
Sang tháng 8 năm 1937, sau khi loại bỏ được Nguyên soái Tukhachevski, Stalin họp với Tổng cục chính trị của Hồng quân để chuẩn bị đợt thanh trừng “Những kẻ thù của nhân dân” trong quân đội. 13/19 tư lệnh quân đoàn, 110/135 sư đoàn trưởng, một nửa trung đoàn trưởng và phần lớn chính ủy bị xử tử. Hồng quân suy yếu trầm trọng, không còn sức chiến đấu trong nhiều năm.
Tận dụng thắng lợi này, bọn phát xít thông báo cho Paris và London những tin tức hãi hùng về tình hình Hồng quân sau khi bị thanh lọc. Leopold nghĩ rằng trước thực trạng Hồng quân bị suy yếu như thế, Pháp và Anh chẳng vội gì mà liên minh với Liên Xô về quân sự.
Chú thích

[1] Mikhail Nikolaievich Tukhachevski sinh năm 1893, mất năm 1937, xuất thân là sĩ quan cận vệ Nga hoàng, đảng viên Đảng Bolshevik năm 1918, tham gia cuộc nội chiến với cương vị quân đoàn trưởng quân đoàn Hồng quân thứ năm, năm 1920 là tư lệnh mặt  trận Liên Xô - Ba Lan. Năm 1921 tuân lệnh của Lenin, đã trấn áp cuộc bạo loạn của hải quân ở căn cứ Crônxtat. Năm 1925 là tổng tham mưu trưởng Hồng quân, năm 1928 là Tư lệnh quân khu Leningrad rồi được đề bạt thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Năm 1935 đưọc đề bạt nguyên soái. Bị tình báo phát xít Đức dùng kế li gián bởi một tên gián điệp đôi, Tukhachevski bị Stalin kết tội phản quốc. Tòa án xử kín và tuyên án tử hình ngày 11-6-1937. Hôm sau bị hành quyết ngay. Nãm 1961 được Khrutsev khôi phục danh dự.