Chương 24
Tên đồ tể ở Prague

     háng sáu năm 1943 tình hình sức khỏe của Giering trở nên trầm trọng: bệnh ung thư cổ họng ngày càng nặng. Leopold khuyên hắn nên chữa bằng rượu mạnh cognac nhưng cũng không khỏi (chẳng cần ai khuyên, hắn cũng là tay bợm rượu rồi). Hắn càng uống nhiều hơn vì hắn không có hi vọng qua khỏi. Mặc dù những báo cáo của hắn về Berlin đều là những bản tin chiến thắng, nhưng hắn vẫn chưa thật tin. Rõ ràng hắn đã nhận xét với cấp trên của hắn để làm các vị này yên lòng rằng Sếp Lớn Leopold đã ngả về phe Đức, nhưng trong những cuộc trao đổi giữa hắn với Leopold, hắn luôn nhắc đi nhắc lại điều mà hắn lo ngại: vì lí do sâu xa gì mà thúc đẩy Leopold tham gia Trò cao thủ? Trả lời của Leopold trước sau như một: triển vọng hòa bình riêng rẽ giữa Liên Xô và Đức.
Hắn không hoàn toàn tin, hắn đã biết Leopold là người Do Thái, vẫn trung thành với chủ nghĩa cộng sản và kiên quyết chống quốc xã.
Giering là tên cớm thông minh nhưng là một người Đức thuần túy cho nên luôn luôn lý luận theo lôgich. Giả dụ có ai phát hiện cho hắn rằng Leopold nằm trong xà lim ngày đêm bị canh giữ mà vẫn viết được báo cáo và chuyển đến Juliette, thì hắn sẽ trả lời rằng: không thể có. Ngay chuyện có “những toán phản gián xô viết” khiến cho y lo ngay ngáy, nhung hắn không bao giờ nghi ngờ rằng không có những toán đó, thế mới là lôgich.
Một quan điểm xuyên suốt hành vi của hắn: chỉ thủ trưởng của Đội Đặc nhiệm là phải nắm được hết công việc của kế hoạch. Sau mỗi lần nốc cognac, hắn thường nhắc lại với Leopold rằng nguyên tắc hành động của hắn là: “Người chỉ huy một trò chơi lớn như tôi phải biết định mức độ chân lý và dối trá trong quan hệ với những người tham gia cuộc chơi... Đối với những người lãnh đạo ở Berlin, quan trọng là làm cho họ yên tâm bằng cách thuyết phục họ rằng dù có gì đi nữa thì mọi việc vẫn tiến hành tốt. Còn những quân nhân - họ chẳng hiểu nhiều về những tế nhị của kế hoạch này - và với Cục phản gián quân sự, điều tốt nhất là đừng cho họ biết nhiều, chỉ cho họ biết điều gì mà tôi cho là cần thiết mà thôi. Người nắm hết sự thật duy nhất chỉ có tôi”. Những cấp dưới hắn chỉ biết đến gì mà cần cho việc của chúng mà thôi.
Khi Pannwitz thay Giering đứng đầu ĐĐN, hắn chỉ hiểu biết tình hình ở Pháp qua những bản báo cáo gửi về Berlin là những cái xa vời so với thực tế tại chỗ. Leopold lo ngại Pannwitz sẽ đưa Trò Cao Thủ đến những tình thế đẫm máu hơn nữa. Cũng thời gian này Reiser chuyển về Gestapo ở Karlsruhe. Vậy là những đối tác chính của Leopold đều thay đổi cả.
Leopold gặp Pannwitz lần đầu tiên vào tháng bẩy năm 1943. Anh nhớ kĩ lúc hắn vào phòng của anh, tại Neuilly. Anh rất chú ý và tò mò quan sát tên trùm ĐĐN mới. Kẻ sắp trở thành kẻ thù chính của anh. Về thể chất, hắn khác Giering. Trẻ, to, mặt tròn và hồng, ánh mắt sắc sau đôi kính dầy, ăn mặc chải chuốt, dáng điệu tiểu tư sản. Vừa điềm tĩnh, vùa sôi sục, toát ra hình ảnh một hòn bầy nhầy, khó nắm được.
Pannwitz sinh năm 1911 tại Berlin. Thời niên thiếu, hắn tham gia hướng đạo sinh đạo thiên chúa. Giáo dục theo đạo thiên chúa của gia đình đưa hắn đến trường thần học, nhưng sau ba năm y bỏ về nhà. Khi hắn 22 tuổi thì Hitler lên nắm chính quyền. Hắn là nhân viên cảnh sát hình sự, chuyên trách những vụ trọng án. Rồi hắn xin sang cảnh sát chính trị. Để leo lên trong chế độ quốc xã, con đường chắc chắn nhất, nhanh nhất là vào Gestapo. Số phận mỉm cười với hắn. Hắn được chú ý và ưu ái. Con sói non tiếp cận con sói vua, hắn trở thành một trong những cộng sự của Heydrich là tên tập hợp quanh mình những con người có năng khiếu, có óc phiêu lưu, tham tàn. Trong số này sau nổi lên là Schellenberg, Eichmann.
Ngày 29-9-1941 Heydrich được phong làm phó toàn quyền Bohemia-Moravia và đóng trụ sở ở Prague. Cánh tay phải của Heydrich là Pannwitz. Một thời kì đau thương khủng khiếp rơi xuống dân tộc Tiệp (Czech). Các trại tập trung đầy tù nhân; hàng trăm người kháng chiến bị bắt, tra tấn, đầy đọa, bắn giết. Anh và chính phủ Tiệp lưu vong quyết định thả du kích nhảy dù xuống Tiệp để trả miếng khủng hố trắng của phát xít. Ngày 27-5-1942 Heydrich đi trên xe bị du kích phục kích. Hắn bị thương nặng và đến ngày 4-6 thì chết.
Cuộc trả thù thật là khủng khiếp. Bản thân chịu trách nhiệm bảo vệ Heydrich mà không làm tròn trách nhiệm đối với chủ, Pannwitz ra tay tàn sát. Goebbels ra lệnh giết người Do Thái trước tiên. Hàng trăm người Do Thái trong trại Theresienstadt bị tiêu diệt. Trên toàn đất Tiệp ba nghìn người bị bắt, và sau khi Heydrich chết, khủng bố càng khủng khiếp hơn. Thật là cuộc tắm máu. Riêng tại nhà tù Prague 1.700 người Tiệp bị hành quyết; ở Brno 1.300 người. Ngày 10-6, toàn bộ dân làng Lidice từ ông già đến trẻ con đều bị tàn sát, riêng phụ nữ thì bị đày vào Ravensbruck.
Đích thân Pannwitz đã chỉ đạo việc điều tra thủ phạm cuộc phục kích và cũng chính hắn là người chịu trách nhiệm những cuộc tàn sát đó. Chắc chắn hắn không quên, hắn thường trông thấy bóng của những vô vàn nạn nhân của hắn, những cảnh tra tấn liên miên trong những hầm của nhà tù Prague. Cuối cùng chính là hắn đã chỉ huy trung đoàn SS tấn công nhà thờ Saint Charles-Borromee là nơi toán du kích đã phục kích Heydrich đang ẩn nấp trong nhà thờ này.
Sau những sự kiện đó, Pannwitz bị các sếp ở Berlin rầy la, cho nên hắn tìm cách mai danh ẩn tích bằng cách xin ra mặt trận Nga. Hắn chỉ ở mặt trận này có hơn tháng rồi chuồn vì không chịu nổi khí hậu khắc nghiệt ở đó. Đầu năm 1943 hắn trở về Berlin làm cộng sự cho Gestapo-Muller, phụ trách nghiên cứu các báo cáo của ĐĐN từ Paris gửi về. Sau đó sếp mới của hắn nhận xét hắn có đủ khả năng tiến hành trò “đại chính trị”. Pannwitz khá giầu óc tưởng tượng. Sau khi từ Prague trở về Đức, hắn đề xuất kế hoạch tiêu diệt kháng chiến Tiệp. Hắn giải thích rằng bắt một người yêu nước sẽ có mười người khác vùng lên. Vậy chỉ còn một giải pháp là: bắt giữ bọn lãnh đạo và khống chế họ mà sử dụng. Một khi họ đầu hàng Đức nhưng vẫn giữ cương vị cũ trong kháng chiến, họ sẽ tàn phá các phong trào bí mật.
Kế hoạch của Pannwitz trên giấy thì rất hấp dẫn, nhưng trong thực tế không phù hợp với tính khẩn trương của tình hình. Tại Tiệp Khắc Gestapo không còn thời gian, nó phải đánh nhanh đánh mạnh, cho nên phải dùng lại những phương pháp cũ.
Khi đọc những hồ sơ của ĐĐN Paris, Pannwitz nhẩy chồm lên: ở đó ít nhất người ta đang áp dụng đề án của hắn; ở đó ít ra người ta cũng đã hiểu. Và Pannwitz còn tin hơn Giering về sự đúng đắn của quan điểm của mình cho nên hắn lao vào đề án không cần phải đánh mà Sếp Lớn và những thành viên khác của DNĐ đã phải chạy sang hàng ngũ của Đức. Kế hoạch của hắn rõ ràng là: xin thay thế Giering đang ốm nặng sắp phải rời nhiệm sở; để đạt được nguyện vọng đó, hắn vận dụng hết những ô dù của hắn.
Khi gặp Pannwitz lần đầu, Leopold không nghi ngờ con người có dáng vẻ của một viên kế toán hãng kinh doanh nhỏ nhưng hai bàn tay vấy toàn máu của những người Tiệp yêu nước, một tên vờ ra vẻ là một người quân tử chỉ làm những đại sự về chính trị thôi. Hắn sẽ thực hiện ý đồ của hắn, hắn đã đến đúng thời điểm. Các sếp của hắn ỏ Berlin nhận định rằng giai đoạn đầu của Trò Cao Thủ đã qua. Sau khi đã làm mọi việc - và đã hi sinh nhiều rồi - để giành được sự tin tưởng của Trung tâm, nay phải đi xa hơn, bước sang giai đoạn hai.
Tình thế mới đòi hỏi chính sách mới. Chiến tranh đã bước sang giai đoạn mới. Từ trận đại thắng ở Stalingrad, cỗ máy quân sự của Nga đã chuyển bánh và không vật gì có thể cản được nó nữa. Ngày 10-7-1943, quân Hoa Kỳ đã đổ lên đảo Sicily, ngày 25 Mussolini bị lật đổ. Triển vọng Anh Mỹ đổ bộ lên bờ biển phía Tây Âu ngày càng đến gần. Ở Berlin, chúng biết không thể chiến thắng bằng quân sự. Himmler, Schellenberg, Canaris không còn ảo tưởng gì về kết cục cuối cùng, từ nay đặt tất cả hi vọng vào giải pháp hòa bình riêng rẽ với phương Tây. Nếu hiểu niềm hi vọng đó và lập luận đó, Trò Cao Thủ sẽ có giá trị hàng đầu. Cho nên phải tăng nhanh nhịp điệu lên. Pannwitz đến Paris mang theo chỉ thị như thế.
Phải, cần tiến hành nhanh lên. Từ mùa hè 1943, Martin Bormann, cánh tay phải của Hitler, chú ý sát sao vụ này. Chẳng những hắn lập một nhóm chuyên viên phụ trách sửa soạn vật liệu phục vụ cho Trò Cao Thủ, mà hắn còn tự tay thảo những chỉ thị.
Hitler biết việc này, nhưng chắc không biết thâm ý của lũ tay chân. Đứng về phái chống lại chiến lược đó nổi lên hàng đầu là Canaris và Von Ribbentrop. Sự chống đối của ngoại trưởng Ribbentrop làm phiền cho kế hoạch bởi vì muốn cung cấp tin tức về đối ngoại bắt buộc phải qua tay hắn. Từ khi Bormann đích thân nắm kế hoạch này, tình thế có khác đi: ông ta có đủ thẩm quyền cần thiết để ngăn chặn những ý kiến do dự của Ribbentrop và Von Rundstedt cộng lại. Kể từ lúc đó trở đi kế hoạch Trò Cao Thủ mới mang tên là kế hoạch Con Gấu. Khi được tin bắt được Leopold, Trùm Gestapo Paris là Boemelburg đã thốt lên: “Rốt cuộc nay chúng ta đã tóm được con gấu xô viết!”. Tất cả những mưu sĩ đó không còn lo ngại con gấu sẽ tát vào chúng vì con thú rừng này đã bị chúng nhốt vào cũi, nhưng chúng đã quên mất câu tục ngữ rằng “chớ có đe hàng tổng khi chưa đỗ ông nghè”.
Pannwitz bắt đầu lên tiếng. Trước hết hắn phê phán người tiền nhiệm phụ trách ĐĐN. Hắn tuyên bố trước Leopold rằng Reiser coi vụ này với nhãn quan của một tên cớm thiển cận, còn Giering lại quá thận trọng cho nên tiến hành Trò Cao Thủ quá chậm chạp. Hắn giải thích cho Leopold rằng đáng lẽ phải bước sang giai đoạn chính trị từ lâu rồi. Tính toán của Pannwitz cho thấy hiểu biết về tình báo của hắn có nhiều khuyết điểm. Tuy có kinh nghiệm về hoạt động phản gián giúp cho y tránh không để ai báo cáo sai hoặc phóng đại, nhưng hắn lại hoàn toàn mù tịt về những điều trái sự thật chứa đựng trong những trình bày của Giering cho cấp trên ở Berlin.
Tên trưởng ĐĐN đề nghị Leopold chuyển tù nhà tù Neuilly đến một tư gia có lính gác kín đáo; theo ý kiến của hắn cũng là ý kiến của các sếp, liên lạc với Moscow bằng điện đài trở nên không đủ, vậy phải bước sang giai đoạn khác là liên hệ trực tiếp. Hắn dự định sẽ cử một phái viên đến Trung tâm để thông báo cho Moscow ý nguyện của một nhóm quân nhân Đức quan trọng để thảo luận về hòa bình riêng rẽ với Liên Xô. Đặc phái viên này sẽ mang theo những tài liệu chứng minh quan điểm đó, đồng thời cả tài liệu có những chứng cứ ngược lại chứng minh rằng trong những giới khác của Đức người ta cũng tìm giải pháp hòa bình riêng rẽ... với phương Tây.
Mục đích của kế hoạch đẹp đẽ đó nhằm phá vỡ khối liên minh chống phát xít...Chúng sẽ không chịu từ bỏ ý kiến. Pannwitz rất thiển cận, nhưng trên hết, đó là một tên phát xít thuần túy, thấm đầy óc tự cao nòi giống, biết rất rõ Leopold là người Do Thái, và mù quáng bởi lòng khinh rẻ ngốc nghếch đó cho nên hắn đã đánh giá thấp kẻ thù. Phải là người hoàn toàn vô ý thức và hoàn toàn bị đầu độc mói tưởng tượng rằng những chiến sĩ của DNĐ có giây phút nào đó chủ trương đi với bọn quốc xã. Cuộc chiến đấu của DNĐ là sống chết, nhưng tên Pannwitz không đủ khả năng hiểu nổi điều đó.
Được nghe báo cáo kế hoạch đưa phái viên sang Moscow, Himmler cho rằng quá may rủi. Pannwitz cho biết Himmler ngại phái viên đó có thể bị cộng sản thuyết phục mất. Điển hình những người Đức tham gia DNĐ ở Berlin hãy còn mới rượi trong tâm trí của hắn. Làm sao những người như Schulze-Boysen, Arvid Harnack lại có thể trở thành gián điệp của Liên Xô, làm sao những con người giầu có và đáng trọng trong xã hội Đức lại tham gia chống lại chủ nghĩa quốc xã, điều đó vượt quá lý trí của hàng ngũ Gestapo.
Pannwitz không ngã lòng: hắn đề nghị gợi ý Trung tâm cử một phái viên sang Paris. Leopold làm ra vẻ ủng hộ đã trả lời rằng ý kiến đó có thể thực hiện được. Về Kent, hắn cho rằng ý kiến đó là không tưởng. Như chiếc con lắc quay giữa hai vị trí, Kent quay về lập trường phản bội. Hắn muốn chứng tỏ lòng trung thành đối với thủ trưởng mới và trở lại phía đối lập. Vợ hắn sắp ở cữ, hắn không muốn gia đình hắn mất ổn định. Cuối cùng Leopold thuyết phục được Pannwitz bằng lập luận rằng nếu còn để Kent dính vào vụ này thì toàn bộ kế hoạch sẽ trở thành trò hề mà thôi.
Một bức điện đài gửi cho Trung tâm trình bày rằng một nhóm sĩ quan Đức muốn liên hệ với Moscow, đề nghị Moscow cử một phái viên sang gặp người Đức, sẽ hẹn gặp phái viên tại nhà của Hillel Katz  tại số 3 phố Edmond-Roger. Giao hẹn cứ 10 ngày, Leopold lại chờ tại đó phái viên của Moscow.
ĐĐN ra sức chuẩn bị cuộc gặp này. Pannwitz và cấp dưới bàn mãi về lịch trình của cuộc gặp. Cùng với Berg, Leopold sẽ gặp để cùng phái viên chuẩn bị cho cuộc hẹn: Pannwitz sẽ đóng vai đại diện của nhóm sĩ quan Đức. Thái độ say sưa của hắn khi xây dựng cái lâu đài trên băng thật là đáng tức cười. Chó sói khoác áo choàng của người chăn cừu, tên đồ tể ở Prague đóng vai nhà trung gian với Moscow.
Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ “Lịch sử” này, Pannwitz khăng khăng mở rộng tầm hoạt động của các điện đài. Còn chuyện lưới của Rado thì hắn chẳng chú ý đến nữa. Chính Schellenberg nắm vụ Rado, đối đầu với Gestapo-Muller, sếp trực tiếp của Pannwitz. Sự tranh giành giữa các phe trong chế độ quốc xã được đặt lên trên cả lợi ích của Đế chế 3. Leopold có chứng cứ khi hai phái viên của Schellenberg đến Paris yêu cầu được gặp Leopold và Kent về lưới của Rado. Pannwitz dặn Leopold đừng kể những gì anh biết về Rado.
Tham vọng của Pannwitz là xâm nhập các lưới tình báo xô viết tại Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mở rộng Trò Cao Thủ. Dưới danh nghĩa của hãng Vua cao su, Leopold và Grossvogel trước kia đã đặt cơ sở hoạt động ở Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Muốn nối lại những quan hệ đó, phải thông qua Leopold và Grossvogel. Hai người chiến sĩ này tìm cách phá mưu mô của Pannwitz.
Thời kỳ đó, Trung tâm tập trung quan tâm đến tình hình ở Italia sau khi Mussolini bị lật đổ, và cũng trong thòi kỳ này nhiều giới ở Berlin thử bắt quan hệ với phương Tây. Allen Dulles, trùm tình báo Hoa Kì, khi đó đã gặp nhiều phái viên Đức tại Thụy Sĩ. Trung tâm được thông tin nhờ Trò Cao Thủ.
Về phần Pannwitz hắn ngày càng nóng lòng sốt ruột chờ phái viên của Trung tâm. Cái hướng sai đó khiến cho hắn rất thất vọng: Trung tâm chẳng bao giờ phái người sang gặp hắn. Leopold đã biết trước như vậy, nhưng anh cũng được dạo chơi mấy lần đến phố Edmond-Roger. Cuối tháng tám, anh đã được gia đình Katz tiếp đón nồng hậu. Ngôi nhà này đã trở thành cái bẫy, Raichmann trở thành miếng mồi, mồi bị mốc meo nhưng đối tượng chẳng thấy đâu cả.
Trông thấy Leopold vào nhà này, Raichmann không đủ can đảm để lại gần, mặt hắn cúi gằm xuống, đứng cách một khoảng xa. Còn Leopold trong lúc “chờ đợi” đã suy nghĩ về cái dốc mà tên này cũng như Efremov hoặc Mathieu đã trượt xuống. Họ đã theo những con đường khác nhau, nhưng họ đã để bản thân họ lăn xuống cái hố là phản bội lại đồng chí. Pannwitz đối xử với họ cũng khác nhau. Mathieu là một “cộng tác viên danh dự”, Efremov đã chọn quốc gia Ukraine, nhưrm Raichmann lại bị “ông chủ” xếp vào loại bét và dù gì đi nữa, hắn cũng vẫn bị tên phân biệt chủng tộc siêu hạng Pannwitz coi là “tên Do Thái bẩn thỉu”.
Pannwitz không quên những sự phân biệt đó đối với bọn tay sai khi hắn vội vã rút khỏi Paris sắp được giải phóng; hắn dù phải rút chạy nhưng không quên khẩu hiệu hàng đầu mà Đế chế III dạy hắn là mối hằn thù đối với người Do Thái. Mathieu được trả tiền và cho thôi việc. Tên này đã phục vụ tốt, phản bội giỏi, nó xứng đáng với cái lương phản bội. Efremov được ưu ái hơn: nó nhận một hộ chiếu giả và ít tiền để trốn sang Mỹ latinh. Raichmann bị tù tại Bỉ: nó không hiểu rằng dù phản bội nhưng đối với bọn quốc xã một người Do Thái không bao giờ lấy lại được danh dự! Mười ngày sau, theo kế hoạch của Pannwitz, Leopold cùng Katz trở lại Edmond-Roger, để chờ phái viên của Liên Xô. Raichmann định gỡ lại lòng tin. Hắn mời Katz cho gặp riêng và xin Katz nói với Leopold rằng hắn biết hai người còn tiếp tục đấu tranh và hắn hối tiếc việc hắn đã làm. Hắn đã trình bầy sở dĩ hắn quay phản vì vợ con hắn bị đe dọa và cũng vì thủ trưởng Efremov của hắn phản bội đã khai báo ra hắn và những người khác. Bây giò hắn sẵn sàng làm một việc gì đó để chuộc tội... Katz vờ không hiểu ý kiến của hắn.
Không thể nào tin được hắn. Đã phản bội một lần thì lần sau có cơ hội hắn sẽ phản bội nữa. Chính hai tay của hắn đã đóng chặt cái lối về. Khi đã phó mặc cho kẻ thù tùy ý khu xử thì chỉ còn có hai lựa chọn. Giữa đầu hàng và kháng chiến là một vực thẳm không thể qua được. Không thể từ phản bội trở thành người kháng chiến được.