Phần III : TRỞ VỀ
Chương 1
Chương 6
Những cuộc gặp gỡ kì lạ trong nhà tù của Stalin

     hi Hồng quân Liên xô bị thất bại trong buổi đầu chiến tranh, Leopold đã gặp một sĩ quan cao cấp bị bắt làm tù binh. Người lính xô viết đã thề rằng không để mình bị bắt sống, mà phải dành viên đạn cuối cùng để tự sát. Nhưng không ai chiến đấu chỉ với lời thề: khi bắt đầu xâm lược Liên Xô, quân Đức đã bao vây nhiều sư đoàn xô viết. Nhiều binh sĩ trốn thoát, nhưng cũng nhiều người bị bắt làm tù binh. Những binh sĩ này bị kết tội là đã không tự sát. Những ai trốn thoát khỏi vòng vây trở về quân đội thì bị liệt vào tội làm gián điệp. Trong cả hai trường hợp đều bị bỏ tù.
Leopold đã sống trong xà lim với ba vị tướng xô viết. Người thứ nhất đã tham gia nội chiến khi còn trẻ; đầu thế chiến anh chỉ huy một sư đoàn Cossacks, đơn vị này bị vây. Sư trưởng bị thương nhưng trốn thoát và ẩn trong một nhà nông dân. Được dân chữa chạy xong anh vượt được vòng vây phát xít trở về quân ngũ. Anh bị hỏi cung ngay: “Tại sao anh trở về? Bọn Đức trao nhiệm vụ do thám gì cho anh?”
Choáng váng, anh bị tống vào Lubianka...
Bạn tù thứ hai cũng là một sư đoàn trưởng đã từng tham gia nội chiến. Quân Đức bao vây và đánh tan sư của anh, anh cùng số binh lính còn sống quay vào rừng tổ chức du kích chiến. Rồi quân Đức lại tiến công, viên tướng bị thua phải cùng hai đồng chí vượt vòng vây trở về với Hồng quân. Anh bị bắt vì bị nghi làm gián điệp. Tội của anh là sao không chết trong những tình huống gay gắt như thế. Anh cũng bị đưa về Lubianka...
Viên tướng thứ ba bị tống vào Lubianka chẳng có lí do gì hết. Tội của anh là đã công tác trong bộ tham mưu của Zhukov trong chiến tranh.
Cả ba vị tướng vẫn giữ vững lí tưởng, vẫn tin vào chủ nghĩa cộng sản và coi nhẹ những lời phỉ báng của số quản giáo độc ác. Họ vẫn giữ chiếc mũ đính sao đỏ, họ giải trí và giải sầu bằng những ván bài domino nặn bằng bánh mì.
Có một hôm, tay quản giáo mới cấp trung sĩ vào xà lim bắt người tù phải chào hắn. Ba vị tướng không thèm đứng chào. Một vị quát: Từ khi nào một vị tướng Hồng quân phải đứng lên chào một hạ sĩ quan?
Viên hạ sĩ quan kia thôi không dám ép nữa.
Trong khi đánh bài, họ thường trao đổi với nhau về tình hình và một trong số vị tướng đó đã nhận định vụ án của ông không phải là một sự cố cá nhân, mà chính là do chủ trương của Stalin.
Có quá nhiều chứng cớ chứng tỏ đây là một chủ trương đàn áp có hệ thống trên qui mô rộng lớn. Ví dụ chuyện hai bác sĩ người Do Thái là hai anh em ruột mà một vị tướng kể cho Leopold nghe. Hai bác sĩ này công tác trong một bệnh viện Belorussia bàn với nhau về tình huống quân Đức tràn vào thì xử trí như thế nào. Một người bác sĩ trưởng quyết định ở lại để bảo vệ các bệnh nhân trong vùng bị địch chiếm đóng. Và thực tế ông đã cứu được nhều mạng người. Bác sĩ kia kiên quyết không lưu lại vùng địch nên cùng các thầy thuốc khác rút vào khu du kích. Sau chiến tranh, vị bác sĩ trưởng bị bắt về tội cộng tác với địch, còn người em cũng bị bắt về tội bỏ bệnh nhân đi trốn...
Năm 1949, hoặc năm 1950, Leopold có bạn tù là một nhà tâm lý bác sĩ có tiếng của Liên Xô, gốc Do Thái ở Vilna. Ông hầu như đồng hóa thành người Nga về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa. Chiến tranh ông vào quân đội chỉ huy đơn vị y tế quân đội tham gia giải phóng các nước vùng Baltic. Sau chiến tranh, ông trở thành bác sĩ tâm thần riêng cho con trai Stalin. Vasily, con trai thứ hai của Stalin được phong hàm tướng lúc hai mươi ba tuổi, là một phi công xoàng bợm rượu nổi tiếng cả Liên Xô. Vị bác sĩ tâm thần có tiếng này phải chịu trách nhiệm chữa bệnh nghiện rượu cho vị tướng trẻ đó. Sau khi chữa khỏi bệnh cho cậu công tử, Bộ An ninh thấy bác sĩ biết qúa nhiều chuyện nên quyết định bắt giam ông. Suốt quá trình lấy cung, an ninh chẳng đả động đến chuyện con Stalin, mà chỉ hỏi về tội sôvanh Do Thái. Chứng cứ ư? Khi Hồng quân tiến vào Riga hoang tàn, hàng trăm đứa trẻ lang thang trộm cắp. Vị tướng tư lệnh trong thành phố yêu cầu ông bác sĩ lập ra một trung tâm giáo dưỡng số trẻ lang thang đó. Ông đã tập hợp được số trẻ đa số là người gốc Do Thái. An ninh tóm lấy lý do đó để quật ông bác sĩ về tội sôvanh Do Thái:
- Rõ ràng anh đã ưu ái số trẻ Do Thái hơn số quốc tịch khác.
- Đâu có, sở dĩ trẻ Do Thái đông nhất vì chúng thuộc về loại gia đình khốn khổ nhất.
Các cuộc hỏi cung ngày càng lộ rõ tính bài Do Thái. Khi bổ sung biên bản, viên hỏi cung hỏi bác sĩ:
- Quốc tịch gì?
- Nga.
- Anh không phải Nga, anh chỉ là một tên Do Thái bẩn thỉu. Tại sao anh che dấu quốc tịch Do Thái?
Vị thầy thuốc tâm thần chỉ vì đã chữa bệnh cho con Stalin mà bị mắc nạn. Một người hỏi cung khác đến hỏi anh quốc tịch gì, anh khai:
- Tôi quốc tịch Do Thái.
- Anh không biết xấu hổ khi nhận là quốc tịch Do Thái hay sao? Quốc tịch thật của anh là Nga cơ mà!
- Chính tại nơi đây, trong cái nhà tù này tôi mới biết quốc tịch của tôi là Do Thái. Tôi không xấu hổ khi dân tộc tôi đã sản sinh ra cho nhân loại Jesus, Spinoza và Marx. Nếu các ông không cho người Do Thái hòa nhập vào một nước xã hội chủ nghĩa thì mặc thây các ông. Ngày nào nhân loại xóa bỏ phân biệt dân tộc, quốc gia người Do Thái chúng tôi sẽ là những người đầu tiên chứng minh tư tưởng quốc tế của chúng ta.
Khi trở về xà lim, Leopold thấy thái độ của vị thầy thuốc rất tự hào. Không khác gì khi anh trình người cha tác phẩm khoa học đầu tiên của anh và được người cha khen: “Cha rất sung sướng được thấy con thành đạt. Cha hi vọng tình thế này sẽ diễn ra lâu dài và một ngày kia con không phải tủi hổ vì con là người Do Thái”.
Sức khỏe của thầy thuốc suy giảm, anh không còn sức kháng cự và theo lời kể của nữ bác sĩ nhà tù Lubianka, anh đã chết vì suy tim.
Leopold sung sướng khi đang bị vào tù năm 1948 được làm bạn xà lim với một cựu bác sĩ hải quân vui nhộn trạc năm mươi tuổi, to khỏe, lạc quan, dí dỏm. Anh mang đến xà lim không khí thư giãn hơn nữa là vui nhộn. Đề tài vui nhộn của anh thường chính là cuộc đời của anh.
Trong chiến tranh, do biết tiếng Anh nên được phái về công tác tại Bộ Hải quân ở thủ đô vối chức trách sĩ quan liên lạc với đoàn thày thuốc Hoa Kỳ. Khi chiến thắng, anh bị bắt. Lý do? Gián điệp, bằng chứng? Lá thư của một thày thuốc Mỹ gửi cho anh bắt đầu viết bằng hai chữ: bạn thân mến. Sĩ quan hỏi cung nói:
- Dear Friend, nghĩa là gì? Nghĩa là bạn thân. Chẳng là chứng cứ tội gián điệp hay sao? Tại sao Mỹ không gọi tôi là bạn thân? Không thể được...
Lôgich không thể cãi được! Khi điều phi lý đã được quan trọng hóa thì chỉ hài hước mới lay động được nó. Anh bạn hải quân đã sử dụng hài hước một cách thường xuyên tuy không hy vọng lay động nhưng cũng làm anh hài lòng. Khi được tin Liên Xô công nhận nhà nước Israel và cử sĩ quan sang huấn luyện cho đội quân nước này, anh bạn hải quân lại đùa:
- Đáng lẽ đừng để tôi ở lại nhà tù này, xin cử tôi sang Palestine để phục vụ cho Liên Xô.
Anh đã đề nghị như vậy trong một buổi hỏi cung.
- Phái một con chó phản cách mạng sang Palestine ư? Chúng tôi chỉ cử những sĩ quan ưu tú đã được thử thách sang đó mà thôi.
Trong môi trường tù đầy, những chuyện vặt đó đều trở thành những trò giải khuây duy nhất cho người tù. Nó có tác dụng giúp họ chịu đựng, đứng vững được. Trong cảnh ảm đạm không có ngày về, nụ cười là biểu tượng cho sự sống.
Đến năm 1956, Leopold gặp lại anh hải quân đó, anh vẫn hài hước và chính có hài hước mà anh sống sót.
Trong số bạn tù cũng có những phản diện.
Vào khoảnn năm giờ sáng...  Cánh cửa mở, một quân nhân ăn mặc bảnh bao bị đưa vào xà lim. Leopold chưa phân biệt được đó là người Trung Quốc hay là người Nhật Bản vì trời còn nhập nhoạng. Người đó tự giới thiệu là tướng Tominaga, tham mưu trưởng quân đội Nhật tại Mãn Châu, bị bắt tù binh vào cuối thế chiến. Hắn đã bị đưa làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử bọn tội phạm chiến tranh, mở tại Tokyo. Ngay hôm đầu tiên, nhìn thấy bữa cơm, hắn xin gặp giám thị nhà tù:
- Tôi bị đau dạ dày nặng, tôi không thể ăn những thứ này. (Leopold thấy bữa ăn này cũng chẳng đến nỗi, vì các sĩ quan được nhà ăn sĩ quan cung cấp).
Tominaga phàn nàn:
- Tôi không cần những thứ này, tôi không đòi hỏi gì qúa đáng: chỉ vài quả chuối mỗi ngày!
Hắn không hiểu vì sao các bạn tù phá lên cười: ở Moscow sau chiến tranh mà đòi ăn chuối thì khác gì đòi ăn cam trên bắc cực...
Tominaga đành thôi đòi chuối, nhưng được nhà tù cho ăn theo chế độ đặc biệt. Vì nhà tù đề phòng viên tướng Nhật nói lộ những lời cung khai, cho nên mới đưa Tominaga vào chung xà lim với các tù nhân mà họ tưởng là không biết tiếng Nhật cũng như tiếng Anh. Thật là sai lầm vì Leopold cũng như một vị tướng Nhật có biết tiếng của Shakespeare, tuy nói không giỏi. Một hôm, Tominaga nói bằng tiếng Pháp và kể rằng y đã từng làm tùy viên quân sự tại Paris. Từ đó giữa những người bạn tù này không gặp khó khăn gì trong giao tiếp. Leopold hỏi Tominaga:
- Anh có biết gì về Richard Sorge không?
- Tất nhiên tôi biết, vì khi xảy ra vụ đó, tôi đang là thứ trưởng bộ quốc phòng.
- Vậy tại sao Sorge bị kết án tử hình từ cuối năm 1941 mà đến tận 7 tháng 11 năm 1944 mới bị hành hình? Tại sao các ông không đề nghị đánh đổi? Nhật và Liên Xô chưa tuyên chiến với nhau (mãi đến 7 tháng 8 năm 1945 Liên Xô mới tuyên chiến với Nhật).
- Hoàn toàn sai, ba lần chúng tôi đề nghị đại sứ Liên Xô tại Tokyo đánh đổi Sorge với một tù binh Nhật. Cả ba lần chúng tôi đều nhận được cùng một câu trả lời: “Chúng tôi không biết cái anh chàng Richard Sorge là ai”.
Báo chí Nhật đã đăng bao nhiêu tin rằng Sorge có quan hệ với sứ quán Liên xô. Sorge là người đã cảnh báo Liên Xô âm mưu tiến công của Đức, là con người đã báo cho Liên Xô đang túi bụi chiến đấu với Đức ở Moscow rằng Nhật không đánh Liên Xô, tạo điều kiện cho bộ tổng tham mưu Xô viết điều các sư đoàn còn sung sức từ Siberia về cứu Moscow. Thế mà lại nói rằng họ không biết Sorge.
Người ta thích để Richard Sorge bị xử bắn còn hơn phải gánh thêm một nhân chứng về tội lỗi của họ khi chiến tranh kết thúc. Chủ trương đó không phải của sứ quán mà là của Moscow. Sorge chết vì quá thân với Berzin. Từ khi cục trưởng tình báo Hồng quân bị xử tử. Sorge bị coi là gián điệp đôi, hơn nữa là Trotskyite. Hàng tháng điện của anh không được dịch ra, cho đến khi trung tâm nhận ra cái chân giá trị của những tin tức về quân sự của anh. Sau khi anh bị Nhật bắt giam, lãnh đạo cục đã bỏ rơi anh như vứt bỏ một cái bọc công kênh: đó là chủ trương của nhóm lãnh đạo mới của cục tình báo Hồng quân.
Moscow để “tên vô danh” Richard Sorge bị bắn chết ngày 7 tháng 11 năm 1944.
Nhân chứng khác của lịch sử...
Con người đó người nhỏ nhắn, mặt gầy nhưng cương nghị. Anh ta đã kể lại đời anh khiến cho Leopold nhận ra đó là tên phó của tướng Vlasov! Con người có số phận lạ kỳ...
Cách mạng tháng Mười nổ ra khi hắn là sĩ quan trẻ của Nga hoàng. Nặng tư tưởng chống Bolshevik, hắn ôm hận với cuộc cách mạng này bằng quyết tâm trả thù: hắn xung vào Hồng quân. Thời gian trôi đi hắn chờ thời cơ phục thù. Quân Đức xâm lược Liên Xô làm cho hắn phấn chấn hẳn lên. Hắn là tên đầu tiên tham gia đội quân “giải phóng” của Vlasov. Chẳng mấy chốc tên chống cộng cuồng tín này nhận thấy đội quân này chỉ là màn kịch lừa dối nhằm giúp phát xít tuyên truyền. Trở thành chính ủy của Vlasov, hắn cố nhồi nhét vào binh lính tư tưởng quốc xã. Giữa hai con đường: làm tù binh ăn đói hoặc tham gia đội quân giải phóng, nhiều tù binh Nga đã chọn con đường thứ hai. Hắn kể rằng trong những lần đụng độ đầu tiên, phần lớn lính ngụy này đã đào ngũ chạy sang hàng ngũ Hồng quân. Một đơn vị phi công sau bao nhiêu khó khăn mới lập được bỗng kéo nhau bay về phía sân hay Xô viết.
Ngay trong bộ tham mưu của Vlasov, các sĩ quan chọn ăn nhậu hơn là đọc cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi” của Hitler. Năm tháng trôi qua, đội quân ngụy này bị Đức chuyển thành đội quân đàn áp nhân dân vùng bị chiếm đóng.
Hắn bị giam cùng xà lim với Leopold suốt thời gian xét xử Vlasov và bộ tham mưu của y. Tối tối, hắn kể lại phiên tòa rất tỉ mỉ với thái độ của người quan sát chứ không phải là bị cáo.
Hắn kể rằng hôm đầu tiên trước tòa Vlasov muốn long trọng tuyên bố với vị trí của một vị anh hùng:
- Dù các ông quyết định thế nào, tôi sẽ đi vào lịch sử!
Tòa im lặng. Bỗng một giọng the thé từ phía các bị cáo vọng ra:
- Đúng, anh sẽ bước vào lịch sử qua cái đũng quần.
Đó là tiếng của viên phó của tướng Vlasov, kẻ đùa dai đến cùng. Sau khi tòa tuyên án treo cổ, tòa hỏi ai có ý kiến gì không. Tên bạn tù của Leopold đứng lên nghiêm trang phát biểu ý kiến:
- Tôi có một đề nghị: Tôi khẩn khoản xin tòa đừng treo cổ tôi bên cạnh Vlasov!
- Tại sao thế? - Chủ tọa phiên tòa hỏi.
- Người Vlasov rất to, còn tôi lại nhỏ xíu. Treo cổ cạnh nhau sẽ khiến cho buổi lễ mất không khí trang nghiêm đi!
Khi cai tù dẫn y sang khu xà lim tử hình, y xiết tay các bạn tù và tuyên bố: Tôi đã và sẽ còn là kẻ thù không đội trời chung với chế độ Xô viết. Tôi chỉ ân hận có một điều: đã đi theo cái đạo quân Vlasov thối nát đó.
Hắn nói điều đó với ý thức đầy đủ.
Tuổi tác không làm cho thân hình cao lớn của tên này còng xuống. Quần áo ngược với dáng đi thanh lịch: chiếc quần ngắn thò cả bắp chân, chiếc varơ quá rộng vắt trên vai...  Hắn bước vào xà lim của Leopold như đi vào phòng khách của giới thượng lưu: hắn đến gần từng người rồi tự giới thiệu tên với cái giọng xun xoe hơi ngả đầu xuống.
Hắn tự giới thiệu với Leopold: Vitali Szulgin...
Anh nhìn hắn sửng sốt: Vitali Szulgin, trùm Trăm Đen (Black Hundred) (1)?
- Chính tôi, tôi cho rằng anh đã đọc cuốn sách xuất bản tại Moscow về chuyện của tôi; nhưng hãy cẩn thận, sách đó còn xa sự thật...  - Szulgin thanh minh.
- Tôi trước hết phải cho anh biết rằng tôi là người Do Thái.
- Trong tù chúng ta chẳng có gì phải giấu diếm nhau, nhưng tôi xin báo để cho anh biết rằng từ nhiều năm tôi không còn bài Do Thái nữa. Năm 1935 tại Paris, tôi đã phát biểu trong một cuộc họp trước tổ chức Tam điểm về vấn đề “Tại sao tôi không còn bài Do Thái nữa”.
Rồi Szulgin lên giường cạnh Leopold và bắt đầu kể lại cuộc đời mình. Vào buổi đầu chiến tranh, bọn quốc xã mời hắn sang Berlin tham gia phong trào chống cộng sản. Nhưng mặc dù chống cộng triệt để, có cảm tình với phát xít, hắn đã từ chối vì hắn nhận xét rằng những tên Đức đó chẳng quan tâm gì đến việc nước Nga đỏ hay trắng, nó quan tâm chủ yếu là chiếm được những vùng lãnh thổ bao la. Suốt thế chiến, hắn mai danh ẩn tích trong một làng nhỏ bên Nam Tư. Sau chiến tranh, hắn quyết định quay về Liên Xô vì chiến thắng đã làm cho tư tưởng đại tộc Nga nổi bùng lên. Lưu luyến đất mẹ, hắn quyết định kết thúc cuộc đời trên đất Nga, dù có phải vào tù.
Hắn đến trình diện sứ quán Liên xô tại Belgrade. Viên sĩ quan trực ban trẻ ngạc nhiên thấy một người tự nguyện vào tù, tra cứu danh sách những người bị truy tìm. Szulgin không có tên trong danh sách:
- Ông có thể đi đi, chúng tôi không biết ông.
Nhưng hắn không thất vọng. Hôm sau hắn lại đến. Một viên đại tá trực ban. Từ lúc Szulgin xưng tên, đại tá đứng dậy, xông thẳng vào Szulgin và thét:
- Chính mày là Szulgin, kẻ đã tổ chức những vụ tàn sát người Do Thái ở nước Nga phải không?
- Thế là có người còn nhận ra tôi - Tên trùm Trăm Đen kêu lên.
Người ta đưa hắn lên máy bay về Moscow. Hắn hằng mơ ước trở thành phi công, nay được mở đầu chuyến đi máy bay trong đời theo lộ trình Belgrade - Lubianka.
Rồi đến việc hỏi cung...
- Cần gì phải mất thì giờ - Hắn tuyên bố với sĩ quan hỏi cung. Ông cứ đưa tôi vào xà lim tôi sẽ viết lịch sử cuộc đời tôi và những tội ác của tôi chống lại Liên Xô...
Hắn viết hàng trăm trang. Mỗi khi hắn đi khai cung, hàng trăm sĩ quan xúm vào nghe hắn khai vì đây là buổi khai cung bổ ích. Szulgin đã tiếp phần mới lạ vào lịch sử nước Nga trước cách mạng tháng Mười. Với cương vị trùm Trăm Đen, hắn đã cùng hai phái viên nữa tham gia phái đoàn các chính đảng đến gặp Nga Hoàng đòi ông vua này thoái vị. Nicholas II đang mải đánh cờ, khi thấy có chuyện đòi ông thoái vị đã vui vẻ kêu lên:
- Thôi, thế là xong!
Szulgin kể thêm:
- Các anh có biết không, đó là vị vua đần độn nhất trong triều đình nước Nga.
Quan điểm chính trị của Szulgin khá kỳ quặc. Hắn thường thuyết người ta nghe luận điểm ưa thích: sự vĩ đại của nước Nga:
- Đất nước chúng ta dưới sự lãnh đạo của Stalin đã trở nên một đế quốc tầm cỡ thế giới. Ông ta đã đạt được mục tiêu mà các thế hệ người Nga hàng mong ước. Chủ nghĩa cộng sản sẽ biến mất như một vật xấu xí, nhưng đế quốc vẫn tồn tại. Tiếc rằng Stalin chưa phải là Nga hoàng, mặc dù ông có đủ các phẩm chất của Nga hoàng. Cộng sản các anh không hiểu gì về tâm hồn Nga. Dân tộc Nga có nhu cầu gần như tôn giáo là được một người cha lãnh đạo để giao phó số phận cho người cha đó. A, tiếc rằng Stalin lại là Bolshevik!
Tôi không muốn được tha, bởi vì ở đâu tôi cũng sẽ bị đón tiếp như các anh đã đón tiếp tôi. Tôi hi vọng sẽ được cấp một xà lim để tôi yên tĩnh viết lịch sử đất nước ta...
Hắn vốn là một tên bài Do Thái cuồng nhiệt, là kẻ đã tổ chức bao nhiêu vụ tàn sát người Do Thái lại được trả lại tự do trước những đảng viên cộng sản. Hắn được cấp một đất ở một làng quê và cho đến ngày nay hắn tiếp tục viết những sách nịnh chế độ Stalin.
Chú thích:

(1) Đảng Trăm Đen gồm những toán vũ trang chuyên gây ra các vụ tàn sát người Do Thái trước năm 1917.