Người dịch: BẢO KIẾM
Phần III : TRỞ VỀ
Chương 1
Chuyến đi kỳ quặc

    
rong căn hộ ở phố Strasbourg của một bà già làm liên lạc cho Leopold với Alex, sau vài ngày Paris được giải phóng, Leopold nhận được một bức điện khen ngợi hoạt động của anh và yêu cầu anh chờ phái đoàn quân sự xô viết đầu tiên đến Paris.
Đâu đâu cũng hừng hực không khí tự do đã trở lại, nhưng không khí hưng phấn này cũng không làm cho Leopold đơn giản và sớm buông súng xuống. Vì đôi khi kẻ thù chờ cho kẻ chiến thắng sơ hở là nó đâm luôn nhát dao vào lưng mình. Cái thằng Pannwitz tuy đã rút chạy nhưng ai dám đảm bảo ràng nó không thể cài một quả bom nổ chậm hoặc một tên tay sai ở lại để thủ tiêu anh?
Sự nghi ngờ này là có căn cứ: toán Alex đã phát hiện có dấu vết những tên đáng nghi đang tìm Leopold. Chúng đã mò đến ngôi nhà cũ của Katz tại phố Edmond-Roger, và tại một số nhà có trong thống kê của Gestapo. Những tên vô lại, những tên tay sai của Lafont chắc chắn đã nhận lệnh của Pannwitz đi tìm để trả thù Leopold. Vì vậy Leopold chẳng dại gì mà ra công khai hoàn toàn để giơ sườn ra cho những kẻ thù đang lẩn quất đâm anh. Anh sống nửa bí mật tại ngôi nhà ỏ phố Maine.
Ngày 23 tháng 11 năm 1944 chiếc máy bay xô viết đầu tiên từ Moscow hạ cánh xuống gần Paris, đưa Maurice Thorez và đại tá Novikov, trưởng phái đoàn quân sự phụ trách hồi hương người Nga về nước. Novikov tiếp Leopold rất tình cảm và cho biết anh có thể dùng máy bay mới đến này để quay về Moscow.
Đến ngày 5 tháng 1, Leopold mới lên được máy bay, có hộ chiếu xô viết mang tên giả. Có 12 người trên máy bay, trong đó có Alexander Rado và phó của Rado là Alexander Foote, là hai người Leopold được gặp tại nhà của Novikov.
Chiến tranh còn đang diễn ra ác liệt tại Trung Âu, cho nên máy bay phải đi vòng xuống phía Nam, qua Italia, xuống Bắc Phi. Đỗ tại đấy hai ngày. Leopold được tiếp đón rất mặn mà, chuyện trò thân mật với đoàn phi hành. Sau đó lại cất cánh sang Cairo. Rado ngồi cạnh Leopold, giảng cho anh nghe về những vùng bay qua, vì Rado vốn là nhà địa lí có tiếng. Những hành khách khác ít trò truyện. Tuy nhiên một người trạc sáu mươi tuổi người thấp và mập, tay chai sạn chứng tỏ là một người lao động chân tay, tự giới thiệu với Leopold ông là Chliapnikov, lãnh tụ tổ chức Công Nhân Đối Lập. Vốn là thợ luyện kim, đảng viên Bolshevik lão thành, trong những năm 1920 và 1921 đã cùng Alexandra Kollontai chủ trương trong đảng cho công đoàn được độc lập đối với đảng và nhà nước và cho công nhân được quyền đình công. Tự hào là công nhân cổ xanh, bàn tay chai sạn, ông đã từng bị Lenin châm chọc cay độc “Lúc nào đồng chí cũng đề cao bản chất vô sản tích cực của mình...”
Tuy thế, cũng chính Lenin đã bênh vực Chliapnikov khi Ban chấp hành trung ương quyết định khai trừ nhóm Công Nhân Đối Lập. Chắc đồng chí già này đã bị gạt ra trong thời kì thanh đảng như nhũng đảng viên Bolshevik lão thành khác.
“Sau khi nhóm Công Nhân Đối Lập thất bại, Chliapnikov giải thích cho Leopold, tôi đã được Lenin giúp đõ rời Liên Xô sang sống tại Paris và làm nghề thợ mộc. Chiến thắng của Hồng quân và lòng tha thiết với tổ quốc đã khiến tôi quay về với đất nước của tôi. Tôi đã viết thư cho bạn Molotov của tôi, nhờ giúp cho tôi và ông đã trả lời rất nồng nhiệt và động viên tôi trở về. Tôi chắc Molotov sẽ ra sân bay đón tôi. Tôi rất nóng lòng phục vụ đảng và đất nước...”
Ở Cairô, hành khách về Liên Xô được bố trí ở trong khách sạn. Hôm sau họ đến sứ quán xô viết để thăm. Trừ Rado không có mặt. Leopold nhận thấy Rado không mua bán gì với số tiền được phát. Hôm tiếp tục lên máy bay để sang Liên Xô, Rado không có mặt. Về khách sạn tìm không thấy anh. Chăn gối không dùng đến, túc là anh không ở khách sạn. Hay là anh bị tấn công?
Leopold đã gặp Rado tối hôm trước vì Rado đến phòng của anh và đưa ra nhiều câu hỏi:
- Anh có biết điều kiện sinh sống tại Ai Cập không? Anh có nghĩ rằng có thể sinh sống ở đây được không?
Đến trưa, mọi việc tìm kiếm Rado đều không thấy kết quả. Máy bay đành tiếp tục hành trình sang Iran. Trên đường bay, gặp bão cho nên máy bay phải bay thật cao để tránh mây dữ. Cả máy bay đều vô cùng lo lắng. Nhưng cuối cùng cũng đến được Teheran, thủ đô Iran.
Thời tiết xấu nên hành trình bị chậm lại. Foote và Leopold được triệu đến sứ quán xô viết, tùy viên quân sự Liên Xô cho hai anh biết rằng ông đã báo cáo việc Rado về Moscow. Ông nghĩ rằng hai anh này có thể cho ông biết tin tức về Rado.
Tất nhiên Foote là người lo nhất vì Rado là thủ trưởng của anh. Anh có thể bị tình nghi là đồng lõa với Rado. Foote nói với tùy viên xô viết:
- Tại sao ông lại muốn tôi về Moscow báo cáo về hoạt động của chúng tôi tại Thụy Sĩ? Tôi sẽ bị tình nghi. Chẳng ai tin những điều tôi nói đâu.
Trong khi bay về Liên Xô, Leopold suy nghĩ về Rado. Anh biết rằng Rado đã hoàn thành vượt yêu cầu của Trung tâm và không có ai có thể khiển trách được anh. Cuộc đời chiến đấu của anh bát đầu từ khi còn rất trẻ tại Hungari cùng với Bela Kun đã giúp anh tích lũy rất nhiều kinh nghiệm chính trị. Tại Thụy Sĩ anh đã đóng góp rất lớn cho chiến thắng. Với kinh nghiệm sống cũng như tri thức khoa học sâu sắc của mình, anh nhận định rằng dù chiến thắng, nhưng chẳng có gì thay đổi tại vương quốc của OGPU anh nhìn trước được số phận của anh tại Moscow. Chẳng hào hứng gì trước triển vọng chết trong ngục Stalin, anh đã biến mất tại Cairo, sau khi đã thận trọng sắp xếp cho vợ và các con anh sang Paris sinh sống. (Tự do của Rado chẳng được bao lâu vì sau khi tị nạn trong một trại của Anh, Liên Xô đã đòi trả anh ngay tức khắc và kiên quyết. Rado đã bị OGPU bắt đưa về Nga sau vài tháng trốn.)
Sự thật này khiến cho Leopold thấy mình ngây thơ, vì anh đã tưởng rằng chiến tranh chấm dứt, nạn khủng bố sẽ ngừng và chế độ sẽ đổi mới. Anh cũng đã từng sống trải qua những trận thanh trừng, nhưng có một thực tế khiến anh phải quay về Nga: gia đình anh đang ở Liên Xô. Anh không may mắn là vợ con ở Pháp, cho nên anh không dám hành động sơ suất gây hậu qủa cho vợ con anh.
Moscow đang đến gần... Biết bao nhiêu tình cảm trái ngược nhau, chủ yếu là lòng vui sướng sắp gặp lại những người thân xa cách bao nhiêu năm trường. Khi máy bay hạ xuống sân bay, anh thấy mình bằng lòng với mình rằng đã làm tròn nhiệm vụ, anh tự hào về đóng góp, nay xứng đáng được nghỉ ngơi. Anh nghĩ đến những đồng chí, những người đã nằm xuống và những người đã bị hành hạ.
Trong đêm tối, bước xuống cầu thang, anh cố tìm xem có người thân ra đón không. Vô ích, chẳng ai đón anh, cũng chẳng có hành khách nào khác. Một toán sĩ quan tập hợp thành ban đón tiếp. Quân nhân ra đón các chiến sĩ, thôi thì cũng được.
Những sĩ quan cấp cao - những đại tá - tiến lại gần Leopold và chào anh nồng nhiệt. Họ mời anh lên xe. Trong ánh sáng bất chợt, anh nhận ra một người hồi 1937 mới là đại úy. Nay anh đã lên như thế là nhanh. Leopold đặt ngay câu hỏi mà anh rất nóng hỏi, từ khi anh trở về:
- Vợ và các con tôi đâu?
- Xin anh khỏi phải lo lắng - Một sĩ quan trả lời anh - Chị và các cháu rất khỏe mạnh, riêng chị còn đang điều dưỡng trong một nhà nghỉ. Chúng tôi không báo tin cho chị vì chúng tôi không biết chính xác ngày anh trở về. Cục trưởng định sẽ để anh hai ba tuần lễ nghỉ tại một căn nhà để anh chuẩn bị bản báo cáo của anh. Chúng tôi dẫn anh đến đó đây.
Họ đã bố trí cho anh trú tại một căn hộ hai phòng của một đại tá đang đi công tác vắng. Vợ và cô con gái đại tá đó đón tiếp Leopold. Trước khi tạm biệt, hai vị đại tá hộ tống chỉ vào một cậu đại úy trẻ:
- Đây là sĩ quan hầu cận của anh, cậu đó sẽ phục vụ mọi yêu cầu của đồng chí...
Cách li để giúp anh làm báo cáo! Sĩ quan hầu cận, anh có nhu cầu gì đâu! Thái độ nửa nạc nửa mỡ của hai viên đại tá, và nhất là sự vắng mặt của vợ anh, tất cả những yếu tố đó gây cho anh một cảm giác lạ lùng, nghi hoặc.
Anh trú trong ngôi nhà mới, ít ra cũng khang trang hơn hè phố Paris mà anh phải lê những bước chân nặng nề sau khi anh phải rời Nhà Trắng.
Tối hôm sau, có ba người đến thăm anh, một mặc thường phục, hai mặc quân phục. Anh nhận ra chàng mặc thường phục vào năm 1938 là một cán bộ phụ trách công tác chính trị của Cục. Chức danh chính thức đó che dấu một thực tế khác: anh ta là tướng của Bộ Nội vụ.
Họ đưa đến một mâm cơm thịnh soạn, nhưng giữa bữa Leopold đưa ra câu hỏi mà anh rất quan tâm:
- Các anh có nhận kịp thời bản báo cáo tháng giêng năm 1943 mà tôi gửi qua trung gian Đảng cộng sản không?
- Có, có, chúng tôi đã nhận được bản báo cáo đó và chúng tôi quan tâm đến nó.
Một phút im lặng, rồi viên tướng thay đổi đề tài trao đổi:
- Thế anh định làm gì trong tương lai?
Leopold suy nghĩ rằng việc đó do Cục quyết định.
Nhưng anh trả lời:
- Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ về tình báo, giai đoạn đó trong cuộc đời của tôi coi như kết thúc, mhung trước khi lui về Ba Lan tôi muốn trình bày với Cục về toàn bộ công việc đã trải qua trong cuộc chiến tranh...
Với giọng dằn từng tiếng, Leopold nói tiếp:
- Tôi muốn Cục giải thích về nhũng sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo Cục.
Viên tướng soi mói sa sầm nét mặt:
- Thế tất cả những điều anh quan tâm chỉ có thế thôi à?
- Vậy có phải ngẫu nhiên mà anh không quan tâm đến vấn đề đó phải không?... Trước hết, tôi xin đặt một yêu cầu về kế hoạch cuối cùng của Dàn Nhạc Đỏ…
- Đồng ý, viên tướng cắt ngang, ngày mai chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất của anh....
Ngày hôm sau, hai đại tá đến gặp Leopold. Anh nhận xét ngay rằng hai người này nắm rất chắc hồ sơ Dàn Nhạc Đỏ. Anh bắt đầu nói:
-Tôi tin rằng Grossvogel, Maximovich, Makarov, Robinson, Sukulov hãy còn sống. Họ có thể và phải được cứu, nhưng quan trọng là phải biết các anh còn giữ quan hệ với Pannwitz hay không?
- Nó trốn vào vùng núi Alps của nước Áo, đó là nguồn tin chắc chắn báo cho chúng tôi như vậy...
Đến đây, Leopold đề nghị phái hai sỹ quan đến gặp Pannwitz, hai sĩ quan này phải nắm chắc vụ Dàn Nhạc Đỏ, nói cho Pannwitz biết rằng từ tháng giêng năm 1943, Cục đã biết rõ Trò Cao thủ vì Leopold đã báo cáo. Pannwitz phải chấp nhận tìm mọi cách cứu những chiến sĩ Dàn Nhạc Đỏ còn bị giam (1) và hãy hứa với nó sẽ chiếu cố nó sau chiến tranh, nếu không như thế Himmler và Bormann sẽ được thông tin. Nếu chúng biết rằng Cục đã thao túng việc này từ lâu thì Pannwitz sẽ là người phải chịu trách nhiệm và sẽ buộc hắn phải trả giá rất đắt vì chúng vẫn còn khả năng buộc Pannwitz phải trả giá. Đề xuất này theo Leopold là hoàn toàn phù hợp với công lí và lôgich. Hai đại tá hứa sẽ trình bày đề xuất này lên Cục.
Tuần lễ đầu tiên Leopold viết báo cáo cùng với nữ thư kí đánh máy. Tuy nhiên anh càng ngày càng nhận thấy cách cư xử không phải loại giành cho người chiến sĩ đã lập được nhiều thành tích.
Ba ngày sau khi đến Moscow, Bộ Nội vụ mới mang trả va li cho anh. Ngay khi rời sân bay anh mới biết rằng anh cầm va li của Chliapnikov vì hai va li giống hệt nhau. Chính Chliapnikov cũng thừa nhận rằng anh cũng nhầm. Hai sĩ quan Bộ Nội vụ mang đổi va li cho hai người.
Chức danh của hai vị đại sứ rất có ý nghĩa: Rõ ràng Chliapnikov đang nằm trong tay Bộ Nội vụ, và Leopold bây giờ mới hiểu ra rằng Molotov đã lừa Chliapnikov khi viết bức thư rất nồng nhiệt mời Chliapnikov trở về tổ quốc. Đối với một đảng viên Bolshevik lão thành phấn khởi được trở lại Tổ Quốc mang hết sức tàn để phục vụ, mà đối xử tệ như vậy thật là bất nhân. Xe ô tô mà Molotov hứa ra đón người bạn già thật ra lại là xe của Bộ Nội vụ đến đưa Chliapnikov vào thẳng nhà tù Lubianka.
Chức trách duy nhất của viên sĩ quan hầu cận Leopold chỉ là giám sát anh. Thời giờ rỗi rãi của anh này là để ve vãn cô con gái chủ nhà... Một chiều cậu ta đi vắng, Leopold đã vào buồng của cậu ta và đọc thấy trên bàn bản háo cáo của cậu ta giám sát Leopold về hành vi, lời nói, thậm chí còn thêm thắt cho sai lệch đi nữa... Leopold liền lấy bút sửa lại bản báo cáo bằng bút đỏ và phê ở lề những chỗ báo cáo láo...
Cậu bé trở về buồng rất khuya và hôm sau cậu biến mất.
Tóm lại Leopold thấy mình ở trong trạng thái bị giam cầm.
Cục phái sĩ quan “hầu cận” khác với phong thái khác. Anh mời Leopold xem phim, anh chấp nhận... Trong rạp Leopold đâu có chú ý phim, mà anh tập trung dự đoán xem họ làm gì với anh.
Mười ngày sau, ba sĩ quan cũ lại mang cơm tối đến nhậu. Thức ăn dồi dào, rượu uống tha hồ, nhưng tình cảm nhạt nhẽo, họ mong lấy vật chát để gây tình cảm. Viên tướng Bộ Nội vụ cất tiếng trước tiên:
- Anh định làm gì trong tương lai?
- Như tôi đã trình bày: quay về Ba Lan đất nước đã sinh ra tôi, nhưng trước khi đó tôi muốn bàn luận với Cục.
Viên tướng lắc đầu: rõ ràng đối tượng ngoan cố. Câu trả lời khô khan:
- Nếu anh gắn quá chặt với quá khứ, anh Otto ạ, không phải chúng tôi là người nói về chuyện đó! Chuyện đó do chỗ khác xử lí. - Viên tướng nhấn mạnh bẩy từ này. - Anh hiểu chứ?
- Tôi rất hiểu và tôi xin nói thẳng với anh rằng: tôi chẳng cần biết chỗ nào sẽ bàn luận với tôi.
Đến đây là quá rồi. Viên tướng đứng dậy và bước ra khỏi buồng cùng với hai người sĩ quan kia, không chào một lời. Chắc chắn anh ta đi báo cáo. Thái độ của anh làm hại anh. Tham vọng cục giải thích và mơ tưởng về Ba Lan thân yêu, thật là một ý đồ phi lí, quá quắt, không thể tha thứ được... Hai bên chưa đụng đến các đĩa thức ăn khá đắt tiền.
Hôm sau, một đại tá khác đến và bảo Leopold:
- Anh phải thay đổi chỗ ở.
Leopold sẵn sàng chờ đón điều xấu nhất. Anh thu xếp hành lí và đi theo đại tá leo lên xe. Đêm tối mờ nhưng Leopold không lạ gì Moscow cho nên anh nhận ra con đường dẫn tới trụ sở Lubianka ở quảng trường Dzerjinski.
Qua cổng nặng nề thứ nhất, đến một cổng thứ nhì. Viên đại tá câm như hến bám sát Leopold, bấm chuông, trao đổi với người nào đó qua lỗ nhìn vài câu. Cổng mở. Hai người vào phòng tiếp tân. Viên đại tá rút trong túi ra một biên lai đưa cho sĩ quan trực ban kí nhận rồi quay lại phía Leopold bắt tay nồng nhiệt và lâu khiến anh rất ngạc nhiên. Đại tá đứng yên trong vài giây, nước mắt lưng tròng và ra đi.
Leopold nhìn xung quanh... Anh đang đứng giữa đám mây mù. Sự thật làm anh không còn nhìn thấy gì nữa: anh trở thành tù nhân. Tù nhân trong nhà tù Lubianka.
Chú thích:

(1) Pannwitz thừa quyền hoãn thi hành án đối với những tù nhân nằm trong tay y với lí do họ cần cho “công tác” của hắn. Tất nhiên lúc này Leopold chưa biết số phận của các đồng đội thật chính xác.