Chương 7
Được trả tự do

    
ầu tháng ba năm 1953 chế độ nhà tù Lubianka bỗng trở nên khắc nghiệt hơn. Những lỗ nhìn ở các xà lim bị bịt lại, không cho đi dạo nữa. Lính gác rầu rĩ. Tù nhân tự hỏi: liệu cuộc chiến tranh mới nổ ra chăng?
Một buổi sáng, hàng loạt đại bác nổ. Các sĩ quan trong tù thừa nhận đó là đại bác bắn trong một buổi lễ chính thức. Vậy là lễ mừng hay là lễ tang? Nhìn đầu các cai ngục, tù nhân đoán là lễ tang. Rồi mọi việc lại trở lại bình thường...  Một hôm có một tù nhân mới đến cho biết rằng Stalin mới chết. Các tù nhân phản ứng khác nhau, chẳng ai luyến tiếc Stalin, một số lo chế độ mới sẽ còn cay nghiệt hơn. Nỗi lo lắng này trở nên căng hơn khi tù nhân bị chuyển sang nhà tù Lefortovo. Sang tháng năm, Leopold bị gọi lên gặp giám thị:
- Anh có thể viết đơn xin Hội đồng ba bộ xét lại án cho anh.
Leopold vội viết đơn ngay trong phòng của giám thị gửi ban bí thư, gửi đích danh Beria là người phụ trách về an ninh. Hai tháng trôi qua. Leopold gửi thư lên giám thị để hỏi vì sao anh không được trả lời. Giám thị lại gọi anh lên và hỏi:
- Tại sao anh lại viết thư gửi đích danh Beria?
- Thế đó chẳng là tập quán hay sao? - Leopold ngỡ ngàng hỏi.
- Viết cho bộ trưởng an ninh hoặc gửi ban bí thư trung ương.
Leopold quay về xà lim và được tin Beria đã bị cách chức, không còn lãnh đạo bộ an ninh quốc gia nữa. Đến tháng tám, tù nhân lại được quay về Lubianka. Anh vào phòng Abakumov trước kia nhưng ngạc nhiên không thấy vị tướng đó, mà có người khác đến thay. Đó là một vị tướng già, đầu hói, râu rậm. Tướng quân thấy Leopold vào liền đứng dậy chào anh rất thịnh tình:
- Xin mời Lev Zacharevich ngồi xuống.
Leopold ngạc nhiên vì bao nhiêu năm qua có ai gọi tên và họ anh theo lối Nga như thế đâu.
- Anh đã xem báo những năm vừa qua chưa? - Vị tướng hỏi.
- Đọc báo? Không, làm gì được đọc.
- Trước hết tôi xin tự giới thiệu: Cách đây vài tuần tôi là Thứ trưởng Bộ An ninh; trước kia tôi là người cộng tác thân cận của Dzerzhinski nhưng tôi đã từ bỏ công tác đó vì không hợp với tôi. Tôi mang ít báo cho anh đọc và anh cho nhận xét với cương vị không phải tù nhân...
Viên tướng gọi nước chè và bánh kẹp thịt, rồi cho anh xem số báo đề ngày 16 tháng 1 năm 1953. Ở trên trang có một tiêu đề: “Những tên gián điệp và sát nhân khốn nạn nấp dưới mặt nạ giáo sư y khoa”. Và ở trang cuối có thông báo của hãng TASS tóm tắt vụ án áo trắng: “Mới đây, co quan an ninh quốc gia đã khám phá một toán gián điệp y khoa có mục đích giết các lãnh đạo Liên Xô bằng chất độc. Kèm theo tên chín người trong có sáu giáo sư Do Thái có tiếng của Liên Xô”. Phần lớn số khủng bố này quan hệ với tổ chức quốc tế Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc tư sản”.
Viên tướng theo dõi phản ứng của Leopold sau khi anh này xem xong báo:
- Theo ý kiến thành thật của anh về vụ án này là thế nào?
- Lố bịch, nếu định thủ tiêu các nhà lãnh đạo, thì dùng nhũng chuyên gia, việc gì phải dùng đến thày thuốc...
- Đúng thế! Trong vụ này chúng tôi đã phát hiện ra sự thật, nhưng tiếc rằng chậm quá...
Ông đưa cho Leopold tờ Sự Thật ra ngày 4 tháng 4 năm 1953. Ở trang hai có thông báo của Bộ Nội vụ như sau: Đã chứng minh được lời khai của các bị cáo rằng những lời buộc tội họ đều do các nhân viên điều tra Bộ An ninh Quốc gia cũ dùng những phương pháp điều tra không thể chấp nhận được và bị luật pháp xô viết cấm dùng.
Vị tướng lấy lại tờ báo:
- Theo ý kiến thành thật của anh về vụ án này là thế nào?
Vị tướng đưa ra tờ báo cuối cùng là tờ Sự Thật ra tháng bảy năm 1953 báo tin đã khai trừ Beria ra khỏi ban chấp hành trung ương, ra khỏi ĐCS, cách hoàn toàn chức vụ của “tên kẻ thù của nhân dân” ra khỏi Bộ An ninh. Viên tướng nói:
- Anh là người đầu tiên trong bản danh sách tù nhân mà bộ quyết định điều tra lại bởi vì chúng tôi biết rằng anh vô tội.
Khi Leopold quay lại xà lim và kể lại việc vừa qua không khí xà lim sôi động hẳn lên. Ai cũng hi vọng vài hôm sau một bạn tù của anh là tướng được gọi lên phòng hỏi cung và ở đây anh được báo tin rằng hồ sơ của anh đang được xét lại.
Trong thời gian đó, việc thanh trừng xảy ra mạnh mẽ. Tân Bộ Trưởng An ninh, Serov, thân cận của Khrushchev, chỉ đạo thanh trừng. Sau khi Beria bị loại vào ngày 26 tháng 6, đến lượt Abakumov cravát lòe loẹt, bị bắt, cũng như Rumin, nhà “sáng chế” ra vụ án Áo trắng.
Vào tháng chạp năm 1953, một sĩ quan mới nghiên cứu hồ sơ của Leopold: không hỏi cung ban đêm nữa, mà vào ban ngày. Ngôn từ cũng thay đổi hẳn: viên sĩ quan nắm chắc vụ Dàn Nhạc Đỏ không dùng cụm từ “những điệp viên của lưới” mà dùng cụm từ “những anh hùng chiến đấu chống chủ nghĩa quốc xã”..
Sang đến tháng giêng 1954 thì xong biên bản mới. Viên sĩ quan điều tra báo cho Leopold biết rằng hồ sơ của anh sẽ được chuyển lên Tòa án quân sự tối cao và anh sẽ được trả lại tự do.
Đến tháng hai, Leopold được chuyển vào bệnh viện nhà tù Butirki cùng số bạn tù được xét lại vụ án. Trong nhiêu tuần lễ, các thày thuốc ra sức phục hồi sức khỏe cho số tù nhân đã bị đầy đọa trong bao nhiều năm trường. Khi số này trở về nhà tù, các xà lim biến thành như khách sạn: thức ăn dồi dào, sách, báo, cai tù nhã nhặn tận tụy phục vụ như các phục vụ viên khách sạn...  Thời gian cũng thay đổi!
Ngày 23-3, Leopold được gọi lên Bộ An ninh, được một viên tướng chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của anh và ngày thành lập Hồng quân. Ba tháng sau, vào ngày 23 tháng 5 năm 1954, anh lại được Bộ triệu tập. Anh được đón tiếp long trọng, một sĩ quan đọc quyết định của Tòa án quân sự tối cao: Anh được hoàn toàn phục hồi, mọi tội danh trước kia buộc cho anh đều bị tuyên bố là không có căn cứ.
Từ từ, óc Leopold ghi những lời đó và diễn dịch ra: Anh sẽ ra tù, lấy lại tự do, tìm lại gia đình. Bỗng họng anh ngẹn ngào; anh lẩm bẩm: Thế còn gia đình tôi ra sao?
- Anh đừng lo ngại. Một sĩ quan sẽ đưa anh về nhà. Ngày mai lãnh đạo cục sẽ tiếp anh để giải quyết mọi vấn đề vật chất để tri ân những công lao anh đã đóng góp cho Liên xô nhằm đảm bảo cho anh sống với gia đình một cách xứng đáng...
Họ đưa cho anh quyết định trả tự do. Leopold kí nhận, nhìn viên tướng già và hỏi ông:
- Tôi còn phải kí gì nữa không?
Anh biết rằng thông thường một tù nhân được tha còn phải kí bản cam kết phải im miệng về tất cả những gì xảy ra trong thời gian bị giam cầm...
Viên tướng đỏ mặt...
- Không, tuyệt đối không! Anh có quyền và thậm chí có nhiệm vụ phải kể tất cả biến cố anh đã trải qua trong những năm bị thẩm vấn... Chúng tôi không còn sợ chân lí nữa. Chúng ta cần có chân lí nó cần cho chúng ta như dưỡng khí vậy...
Than ôi, cái phong trào “trăm hoa” đó chẳng tồn tại được bao lâu thì tù nhân được tha lại buộc phải giữ im lặng. Nhưng Leopold sung sướng vì được nghe thấy những lời nói đó, những lời nói chỉ đạo cách xử thế trong suốt cuộc đời của anh. Nó đến rất muộn màng. Những trường thoại đẹp đẽ về toàn bộ chân lí, nhưng một khi người ta xây dựng vương quốc trên dối trá và làm giả, người ta chẳng dễ gì phát hiện ra con đường chân lí.
Thế là xong. Leopold được một đại tá dẫn ra khỏi nhà tù Lubianka sau khi vào đây chín năm bẩy tháng.
Tiếp xúc đầu tiên của anh với toàn bộ ánh sáng thật lạ kì. Anh như người say rượu, bước chân khó khăn, tầm nhìn như bị mờ đi và anh khó phát hiện không gian bao la không có chấn song giới hạn.
Hai người lên xe và xe lăn bánh ngay. Một ý nghĩ ám ảnh anh: Sẽ gặp vợ con trong vị thế nào? Các con anh có nhận anh không. Và Luba? Họ có được báo trước việc anh được tha không? Xe đến làng Babuchkin nhỏ bé, cách Moscow mười hai kilôrnet. Hai người dừng xe trước căn nhà số 22 phố Naprudnaia...  Viên đại tá nói gọn thon lọn:
- Đây rồi.
Leopold bước xuống và xe chạy đi. Anh đứng im một lúc lấy hơi thở vì qúa xúc động và cũng để ngắm bộ quần áo lố lăng của mình: Chiếc ba lô lủng lẳng trên tay, chiếc quần và áo thun mà bạn tù cho, anh trông như một gã lang thang...  Bộ quần áo của anh lúc bị bắt đã rách nát và bỏ đi rồi, bây giờ chỉ sót lại chiếc áo bađơxuy cũ kỹ đã từng phục vụ anh trong những đêm đông lạnh buốt. Anh hỏi chủ nhà 22 gia đình Trepper sống ở đâu...
Người đàn ông nhìn anh từ đầu đến chân rồi với giọng nửa tò mò nửa thù địch trả lời cụt lủn:
- Đằng sau nhà này, trong túp lều kia kìa...
Túp lều: Người ta không thể tìm cho gia đình anh chỗ nào hơn một túp lều à? Anh đi một vòng sau ngôi nhà mới thấy một túp lều thật bằng gỗ, rất nghèo nàn... Anh lại gần và gõ cửa. Một thanh niên mở cửa: Đó là Edgar, con anh...  Nó không nhận ra anh, nó nhìn anh với vẻ nghi ngờ. Anh hiểu rằng chuyến trở về này chẳng thuận lợi. Anh được tự do, nhưng chưa hề tưởng tượng ra rằng giành lại được tự do sao mà khó thế. Anh giữ bình tĩnh nói với con:
- Tôi là bạn của cha cháu, tôi đưa tin tức về cha cháu...
Nó nhìn anh chằm chằm và lắc đầu:
- Ông nhầm rồi, chúng cháu không còn cha, người đã chết trong chiến tranh rồi...
Anh thấy đôi chân muốn khuỵu xuống, phải ra sức bình sinh mới đứng thẳng được:
- Thế anh cả cháu đâu, cậu ấy không có nhà à?
- Không, anh ấy ở Moscow, tối nay mới về nhà.
- Thế mẹ cháu đâu?
- Mẹ cháu đang ở tỉnh khác...
Anh cảm thấy mệt nhoài, rất mệt: Con anh đã đón anh như một người lạ đến quấy rầy nó.
- Chú rất mệt, cháu có thể cho chú nằm nghỉ ở buồng bên cạnh được không?
- Nếu chú muốn, xin chú nằm trên giường...
Edgar mang đến một chén cà phê rồi biến mất.
Anh chìm trong tuyệt vọng bao la, không có giới hạn. Là người tùng trải qua tất cả những thử thách mà vẫn giữ vững được niềm hi vọng, nay anh quỵ ngã. Xúc động làm anh sụp xuống và nước mắt chạy quanh mắt anh. Anh thấy mình là người lạ trước vợ con mình: Ý nghĩ đó xé nát tim anh, ngực anh bị đau đớn khôn cùng. Hàng giờ anh đã khóc như con trẻ. Đôi lúc anh đã giữ bình tĩnh, cố phân tích, cố bấu víu vào một niềm hi vọng, nhưng vô ích. Anh chẳng còn gì, anh đã mất hết. Anh nằm vật ra như thế. Bỗng cửa mở. Họ thì thầm ở buồng bên. Anh nhổm dậy và hé cửa: Michel, đứa con trai cả của anh vừa trở về. Anh tự giới thiệu và cố sức thì thầm:
- Chào cháu, thế cháu có nhận ra chú không?
Nó quan sát anh khá lâu, suy nghĩ và trả lời:
- Xin lỗi ông, không, cháu không nhớ rằng đã gặp chú...
Nó cũng thế...
Anh nài nỉ:
- Vậy cháu thử nhớ lại khi còn niên thiếu...
- À thực ra, cháu cảm thấy hình như đã gặp chú ở đâu đó...
Sau này Michel kể rằng người đàn ông anh đã gặp hôm đó giông giống người cha nó, nhưng cái ông già tóc hoa râm và giáng vẻ ôm ốm chỉ hơi giống hình ảnh người cha của nó. Ngoài ra phải biết rằng nó đã được thông báo chính thức rằng cha nó đã bị phát xít giết chết rồi cơ mà.
Anh cố giữ bình tĩnh để nói với Michel:
- Chú là bố của con đây...  Bố đã trở về Liên xô đã mười năm và cũng trong mười năm đó bố đã bị tù...  Họ mới trả lại tự do cho bố và đưa bố về với các con...  Con cần hỏi bố gì không?
- Một câu hỏi thôi - Michel trả lời - Tại làm sao người ta bỏ tù bố? Ở nước ta, người vô tội không thể nào bị bỏ tù mười năm.
Leopold ngồi phịch xuống ghế. Hình như anh rất xanh. Anh rút một tờ giấy từ trong túi ra đưa cho con: Đó là tuyên bố của Tòa án tối cao Liên xô khẳng định những tội danh tố cáo anh đều không có căn cứ và anh đã được phục hồi.
Michel đọc và im lặng. Sắc mặt của nó có thay đổi...
- Bây giờ, Leopold bảo con, ta giả định rằng chúng ta có thể ôm hôn nhau chứ...
Nó tiến lại gần. Anh ôm lấy con và...
Anh cảm thấy một niềm vui rất dịu dàng và rất mạnh mẽ; anh vội hỏi:
- Mẹ đâu?
- Mẹ đi Georgia đã hai hôm rồi. Mẹ là thợ ảnh rong. Mẹ đến đó đều đều ba tuần mới trở về để mang tiền nuôi gia đình. Con sẽ đánh điện báo tin cho mẹ...
Khi nhận được điện có nội dung: “Bố đã trở về, xin mẹ về nhà ngay” Luba cứ tưởng là một việc làm khiêu khích của cơ quan an ninh. Tuy thế chị cũng không thể gạt phắt khả năng này cho nên chị vay tiền để trở về nhà. Xe lửa chật khách, chị phải trình bức điện mới được thu xếp chỗ ngồi trong buồng dành cho công nhân đường sắt.
Cuối cùng Luba trở về... Sau mười lăm năm xa cách, thoạt nhìn thấy nhau đã giá trị hơn ngàn diễn văn...  Khóc vì vui và chen lẫn nỗi buồn...  Không có sự phục hồi nào xóa nổi những năm tháng mất mát và điều khẳng định nào còn khuấy lại nỗi ưu tư.
Hạnh phúc đối với anh hình như còn mong manh...  Anh sống những thời gian này như trong mơ vì còn khả năng bị thực tế tàn phá một cách thô bạo.
Rồi cả khu phố loan tin “Chồng bà Luba đã trở về”. Hàng xóm, người tò mò và tất nhiên cả những chỉ điểm viên kéo đến. Bao nhiêu bàn tay giơ ra với Leopold, anh phải bắt tay, phải kể chuyện và giải thích...
Vài hôm sau, một chiếc xe lộng lẫy đỗ trước nhà gỗ của anh. Một đại tá đến truyền đạt lời mời của Cục trưởng cục tình báo Hồng quân mời anh đến cục. Anh lại vào căn phòng năm 1937 tướng Berzin gặp anh. Một vị tướng khá già bước ra xiết tay anh một cách dạt dào tình cảm...
- Vậy mà - Ông nói - Vậy mà!
Ngạc nhiên về cách mào đầu này, Leopold gay gắt đặt câu hỏi:
- Tại sao trong nhiều năm Cục trưởng không bênh vực tôi?
- Nhưng ai có thể bênh vực anh - Viên tướng cười - Chúng tôi cùng ở một nơi với anh. Chỉ sau khi Stalin chết, chúng tôi mới có thể loại trừ bè lũ chịu trách nhiệm bắt giữ những điệp viên khi họ trở về Liên xô. Anh hãy coi những năm ngồi tù như thời gian chiến đấu chống quân thù. Hãy quên quá khứ đi. Vào tuổi năm mươi anh vẫn còn trẻ. Chúng tôi sẽ hết sức khôi phục sức khỏe cho anh và chuyển anh về sống tại trung tâm thủ đô. Chúng tôi đã đề nghị chính phủ trả lương hưu cho anh. Và bây giờ anh dự định làm gì?
- Tôi xin như năm 1945: Trở về Ba Lan đất nước của tôi. Công tác tình báo của tôi đã kết thúc ngày giải phóng Paris. Sau đó tùy thuộc vào ý chí của tôi.
Lưỡng lự một chút, vị tướng nói:
- Nhưng các con anh đều được giáo dục tại Liên xô. Ở lại Liên xô hợp lý hơn, nơi đây anh được hưởng tất cả các quyền lợi xứng đáng với con người như anh. Anh dễ kiếm việc làm...
- Không, tôi vẫn là công dân Balan. Trong chiến tranh, ở nước tôi ba triệu người Do thái đã bị thủ tiêu. Vị trí của tôi là sống trong cái cộng đồng bé nhỏ đã sống sót sau lễ thiêu sinh...
Ông chúc anh may mắn và từ biệt. Đó là lần quan hệ cuối cùng của anh với cơ quan tình báo. Từ ngày hôm đó, anh quay lại những kỉ niệm thời kì hoạt động tình báo xô viết. Đối với anh, những kỉ niệm đó lạ thay như là của thời kì tiền sử vậy.
Cục trưởng giữ lời hứa. Anh được vào viện dưỡng bệnh trong nhiều tuần lễ; vài tháng sau, anh được phân một căn hộ và đến năm 1955, anh được nhận lương hưu vì có công đối với Liên Xô. Trên sổ hưu trí của anh, những năm ngồi tù được tính là những năm công tác trong cơ quan tình báo.
Một nhiệm vụ rất đặc biệt!
 

Hết

Xem Tiếp: ----