Cuối cùng Huệ cũng tìm được nhà của Phương nằm sâu khuất trong con hẻm nhỏ lầy lội và chằng chịt như trận đồ thiên la địa võng nhờ vào sự chỉ dẫn tận tình của bà bán chè hột me tốt bụng ngay đầu hẻm. Ngó thấy cái ổ khóa chần vần bằng nắm tay nằm treo mình trên cánh cửa bằng cây mục ẩm, Huệ thất vọng. Cô đứng chần ngần một lát rồi quay đầu xe. Chưa kịp đạp đi thì có tiếng kêu giựt giọng từ phía sau: - Có phải con Huệ không? Huệ ngoảnh lại, reo lên mừng quýnh. Bộ tịch lăng xăng: - Chị Phương! Phương ngồi sừng sững trên chiếc cánh én màu lông chuột, một chưn đạp thắng, chưn kia chạm đất. Huệ bước tới nắm lấy tay Phương bóp mấy cái: - Trông chị khác trước nhiều quá! Đẹp và từng trải hơn. Phương nhún vai một cái không rõ là vui hay buồn, bước xuống xe, mở khóa, rồi vô nhà: - Lâu quá không gặp, tưởng mày chết trôi chết nổi đâu rồi chớ! Tánh mày tao còn lạ gì nữa, nếu không có chuyện cần kíp hay nhờ vả thì chẳng bao giờ mày chịu lặn lội mò tới chỗ này. Chị Phương đổi khác nhiều quá, Huệ nghĩ thầm, từ cách ăn mặc, đi đứng thậm chí mỗi lời nói, cử chỉ cũng khác, khác lắm. Trước đây, chị lúc nào cũng diêm dúa, chưng diện như người mẫu. Trong đầu luôn bị ám ảnh bởi chữ “ Tiền “. Chủ nghĩa vật chất đã ngấm vào xương tan vào tủy khó mà thay đổi. Vậy mà.. - Mày nghĩ gì vậy? – Giọng Phương trầm buồn:- Tao lạ lắm phải hôn? Huệ gật đầu: - Lạ thiệt! Chị lột xác như rắn! Phương thở dài: - Thiệt ra, đây mới đúng là con người thật của tao. Trước kia tao chỉ là một người xa lạ! Dù sao được sống bằng chính con người thật của mình cảm thấy hạnh phúc và an toàn hơn cho dù có nhục nhằn thể xác nhưng tâm hồn được yên ổn. Huệ quan sát ngôi nhà khắp lượt. Đồ đạc cũ kỹ, bày trí đơn giản, chỉ có chiếc tivi mười bốn inch là còn tương đối mới. Huệ hỏi: - Chị ở một mình à? - Một mình chớ mấy mình! Mày chỉ giỏi tài hỏi đố! Huệ lại hỏi nhà mua hay mướn. Phương nói: - Nhà này tao mua được gần một năm, bây giờ đã muốn sụm bà chè rồi, đang tính vá bớt cái miệng dành tiền sửa lại vào năm tới. Phương lấy nước chín từ cái bình thủy mời khách. Huệ chẳng cần ý tứ uống một hơi hết sạch. Nực nội lại uống nước nóng nên mồ hôi chảy ra dầm dề. Chiếc đồng hồ treo tường hình con bướm chỉ đúng mười một giờ. - Chà, khấm khá dữ! Chị tính xây mấy từng lầu? Phương trút bịch bún thịt nướng vô dĩa. Cười rung rinh cặp xương đòn gánh: - Mày tưởng móc túi thiên hạ dễ lắm sao? Lợp lại cái nóc, gia cố cái nền là hạnh phúc lắm rồi. Nè, mày ngồi xuống ăn với tao luôn thể. Sáng nay tự dưng mí mắt bị giựt liên tục, tao đoán, thế nào cũng có khách nên mua sẵn hai phần. Huệ sà xuống đất, lấy đũa gắp bún cho vô chén. Sáng nay ăn có nửa ổ bánh mỳ, lại đạp xe cả chục cây số trên “ con đường đau khổ “ nên tiêu hết trọi. Phương chan nước mắm ớt, bỏ thêm mấy cọng rau thơm vô chén: - Ở một mình nên tao làm biếng chun vô bếp, cứ cơm bụi, mỳ gói mà làm riết! Nhiều khi thèm cái không khí gia đình đến nôn nao. Có bữa lăng xăng nấu được món ngon nhưng đến khi dọn ra thì tự nhiên no hơi, không muốn ăn nữa. Nhơi thức ăn trong miệng cứ như bò nhơi cỏ, chẳng biết ngon dở thế nào. Đoạn Phương hếch mắt về phía chiếc giường đôi được đóng bằng cây thao lao còn mới rồi nói ngắc ngứ trong cổ họng như bị nghẹn đờm: - Giường đôi mà ngủ có một mình cứ thấy bập bênh thế nào! Huệ vừa nói vừa cười: - Sao chị không quơ đại ông nào đó cho cân bằng? Phương im lặng. Mặt tối sầm lại. Lúc sau Phương thở dài buồn rượi: - Đừng nhắc tới chuyện gia đình, chồng con, chán lắm. Đàn ông có cả tỉ nhưng chẳng có nổi một người để mắt tới mình. Lúc này mày làm gì? Tao nghe đồn mày làm thợ may công nghiệp có phải không? – Đoạn Phương ngắm nghía Huệ rất lâu:- Chà, thời giờ ngựa chạy tên bay, mới đó mà đã gần năm năm. Hồi mới vô làm ở “ Chân Quê “, mày còn là cô bé lêu khêu, thiếu thịt. Vậy mà bây giờ đã trở thành cô gái xinh xắn, nõn nà chẳng khác gì người mẫu! Được khen, Huệ khoái lắm. Mặt ửng đỏ. Cô và nốt mấy cọng bún còn sót lại rồi đặt chén xuống. Phương sớt bớt phần bún trong chén mình cho Huệ: - Ăn phụ tao. Dạo này không hiểu sao, tao bị chứng sợ cơm, bụng thấy đói mà nuốt không trôi, bác sĩ nói nguyên do bị ức chế tinh thần. Huệ nói: - Chẳng bù cho em, em ăn hoài mà không biết no! – Nhớ đến công việc, Huệ im lặng một lúc rồi nói nhỏ bằng giọng buồn buồn:- Sau khi rời khỏi “ Chân Quê “, em đi làm thợ may công nghiệp. Bây giờ em bị thất nghiệp rồi, chị Phương ơi! Phương thu dọn các thứ đặt vô xó tường, rồi bày ra hai cái ly đóng bợn. Nắng nực. Căn nhà kín gió trở nên ngột ngạt quá chừng. Ngồi yên hồi lâu Huệ hỏi dò: - Nga với Hạnh bây giờ ra sao rồi hả chị? Phương để cái bình thủy xuống, đôi mắt mờ tối ngó lên trần nhà. Lát sau cất giọng buồn hiu: - Mày bỏ đi được vài tháng thì con Hạnh bị sida bây giờ sống chết ra sao không ai được biết. Nó ham đô la, bán dâm cho thằng Việt kiều. Không ngờ cái gã coi bề ngoài lịch lãm, khỏe mạnh là vậy, lại mang trong người con vi rút cầu gai! Cho tới gần một năm sau mới tình cờ phát hiện trong một tai nạn giao thông. Khi nghe tin dữ, không hiểu sao nó bình thản đến lạ lùng cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bạn bè đứa nào đứa nấy cũng phục lăn, khen nó là đứa có bản lãnh. Nhưng rồi một đêm, vô tình tao phát hiện nó ngồi khóc nấc sau nhà bếp bên cạnh con dao sáng choang với lá thư tuyệt mệnh. Biết nó có ý tự tử, tao liều mạng xông đại giằng lấy con dao đến nỗi tét một đường chè hẻ thẹo hãy còn đây nè – Phương vạch tay áo để lộ vết sẹo dài bằng ngón trỏ rồi kể tiếp:- Cả hai chị em ôm nhau khóc cho đến sáng mặc cho máu chảy lênh láng trên nền gạch. Sáng hôm sau trong lúc tao đi trạm xá may lại vết thương thì nó bỏ đi mất không để lại một chữ. Hai người cùng nhìn nhau làm thinh và thở dài. Mấy lần Huệ định lên tiếng nhưng lại thôi. Phương uống nước như sợ không có nước để mà uống: - Mày đi là khôn, ở lại chỗ đó thế nào cũng thân tàn ma dại. Mấy đứa đẻ bọc điều là mấy đứa khôn. Huệ không nhớ, cô đã kể chuyện mình đẻ bọc điều từ hồi nào mà chị Phương nhớ dai dữ vậy. Cô đưa tay đập muỗi trên đùi chan chát. Bên ngoài có gã đàn ông đẩy chiếc xe đạp bán keo diệt chuột. Chiếc loa phóng thanh ra rả quảng cáo loại keo diệt chuột. Inh tai. Chờ cho chiếc xe khuất dạng, Huệ nói: - Còn chị Nga? Nhắc đến Nga, Phương mặt mày bí sị: - Con Nga sau khi thấy bài học nhãn tiền sợ quá bỏ nghề luôn. Tưởng nó chí thú làm ăn ai dè vẫn chứng nào tật nấy. Mày có biết hiện giờ nó làm gì không? - Nghề gì, hả chị? – Huệ tỏ vẻ bồn chồn. - Nó làm vợ hờ cho ba thằng cùng một lúc! Mấy thằng già no cơm rửng mỡ thích chơi trống bỏi ra sức cung phụng nó đủ điều. Có tiền dư dả nó nướng sạch vô mấy sòng đỏ đen, số đề. Thỉnh thoảng gặp tao, nó quay mặt ngó lơ không thèm dòm. Tại tao phản đối chuyện sai quấy của nó nên nó ghét. Nó biểu tao, ốc không mang nổi mình ốc mà còn bày đặt lên mặt dạy đời! - Chị Nga làm như vậy là tự hại mình rồi – Huệ nói. Phương gật đầu cho là phải. Cô trải chiếu nằm xuống, Huệ cũng nằm xuống bên cạnh. Phương lấy chưn khều khều cho cái quạt máy chỉa đúng hướng và tiếp tục câu chuyện: - Thấy tụi nó mà phát ngán! Rốt cuộc thiệt thòi luôn về phía người đàn bà. Sau nhiều đêm lăn qua lăn lại, suy tính thiệt hơn, tao quyết định từ bỏ quá khứ nhơ nhớp và làm lại từ đầu. - Chị làm được vậy là bản lãnh lắm, em phục sát đất! Xí nghiệp em cũng có mấy đứa hoàn lương nhưng chỉ được vài tháng là “ ngựa quay đường cũ “ bởi vì kiếm được đồng tiền chính đáng sao mà cực quá! Huệ đột ngột hỏi: - Bây giờ chị đang làm gì? - Khóc mướn! – Phương trả lời cộc lộc bằng giọng vô cảm. Huệ bật dậy, ngồi chùm hum. Mắt trợn dộc tưởng chừng muốn nổ con ngươi: - Khóc mướn nghĩa là sao? - Thiên hạ bây giờ phú quý nên sính lễ nghĩa. Đám ma phải có nước mắt ỉ ôi mới đủ bài bản, không khóc được thì mướn người khóc, miễn sao có nước mắt để hợp thức hóa thủ tục làm người. Rồi Phương nói cặn kẽ: mỗi sô khóc mướn khoảng mười đến mười lăm phút thì được nhận thù lao năm chục ngàn. Mỗi ngày Phương chạy năm, bảy sô là chuyện thường. Huệ bần thần, lấy dây thun cột lại mái tóc đuôi gà cho có. Phương từ từ nhấc người lên. Ngồi chống tó, mắt dòm ra cửa, mặt mày buồn xo: - Cái nghề hạng bét này cũng chẳng vinh dự gì cho cam. Nhưng dù sao cũng không nhục nhã bằng nghề bán thân. Trong hai cái nhục, tao chọn cái nhục ít hơn. Được cái kiếm tiền cũng bộn, đủ trang trải cho bản thân và gởi chút đỉnh về quê cho ông bà già. Huệ ngồi đờ một lúc lâu, rồi rụt rè lên tiếng: - Chị thấy em có thể làm được công việc như chị không? Phương nhíu mắt hi hí nhìn Huệ một chặp rồi gật đầu: - Mặt mày, tướng tá coi được. Những người có vẻ đẹp lạnh lùng, đài các không thích hợp với nghề này. Nè, sao hỏi kỹ vậy, bộ muốn làm đồng nghiệp của tao hả? Huệ toét miệng cười “ chữa cháy “, rồi nói: - Em cũng không biết nữa. Tìm kiếm việc làm sao mà cực quá! Nhưng mà em còn đang đắn đo.. - Chịu, thì tao giúp cho một tay, nhưng trước tiên phải suy tính thật kỹ càng. Có đi tận cùng mới thấu hiểu những nhục nhằn mà người bán nước mắt phải trả giá. Ban ngày khóc cho thiên hạ, đêm đến dành nước mắt khóc cho chính mình. - Khóc phải do cảm xúc, tình cảm mà ra, bỗng dưng rớt nước mắt khơi khơi em không làm được. Hồi đó mỗi lần đi đám ma nhìn người ta khóc sụt sùi là em lấy tay che miệng cười hoài. Chắc em không làm được đâu, há chị? - Được! Chỉ cần qua một khóa huấn luyện là có thể ra nghề. Huệ ngạc nhiên la lớn: - Em có nghe lộn hôn đó! Hổng lẽ lại có nơi chuyên dạy khóc mướn? Phương gật đầu: - Chớ sao! Phải được dạy dỗ đàng hoàng, có thực tập và thi tốt nghiệp hẳn hoi! - Chà, cũng rắc rối dữ! Em cứ tưởng chỉ cần có khiếu một chút, được chỉ vẽ một chút là có thể đàng hoàng hành nghề. - Lấy được tiền của thiên hạ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chớ đâu phải giỡn chơi. Khóc không đạt họ nắm cổ liệng ra khỏi nhà mà không trả một xu! Về nhà suy nghĩ thật kỹ, nếu đã nhứt định thì tới đây. Hiện đang khai giảng khóa mới, phải nhanh lên mới kịp. Huệ im lặng, đôi lông mày chau lại, suy nghĩ rất hung.