Những năm từ 1936 đến 1939, ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân bên Pháp dội sang Đông Dương thật mạnh mẽ. Người Pháp phân cực rõ ràng trong thái độ với thuộc địa. Một mặt, là những kẻ có tư tưởng thực dân, muốn ngu dân để tiện cai trị, bóc lột, triệt để bóp nghẹt dư luận. Nhưng tư tưởng “Bình đẳng - Tự do - Bác ái” của cuộc đại cách mạng tư sản vĩ đại lại dẫn dắt những người khác đến hành động nới lỏng quyền phát ngôn, tôn trọng dân bản xứ hơn. Cả hai phía “lập trường” đều có người trong bộ máy cầm quyền, sinh ra những mâu thuẫn trong cách “cầm” dân. Hoàn cảnh ấy nhá nhem, người muốn độc lập vừa được mạnh mồm lộng ngôn, lại cũng dễ “xộ” khám. Dù sao thì cũng “được thể”, Mặt trận Dân chủ Đông Dương ra đời, tập hợp những xu hướng có thể gọi là tương đối gần nhau, để rồi làm mưa làm gió ở Bắc Kỳ. Cái sự “tương đối” ấy thể hiện ở hai chữ Dân chủ, còn nghĩ về ý tứ độc lập thì vẫn khác nhau nhiều lắm. Dẫu sao thì “mảnh chăn chung” mặt trận thì ai ai cũng cần “đắp” trong cơ hội tự do này.Mặt trận có vẻ “lơ lửng”, ít hậu thuẫn, vì chỉ có ba nhóm. Cộng sản tập hợp quanh tờ Tin tức của Đặng Xuân Khu, Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu… Nhóm Ngày nay của Nguyễn Tường Tam nhiều trí thức, tiểu tư sản, quan tâm đến việc cải thiện đời sống người lao động, như hô hào làm “nhà ánh sáng”. Và chi nhánh đảng Xã hội (Đệ nhị Quốc tê) Pháp tại Hà Nội, bí thư là Caput rồi Lemaire, người ta có Trần Văn Lai, Phan Thanh, Phan Tử Nghĩa… Bộ ba ấy nhiều điểm mỗi anh nhìn mỗi phía, nhưng đều cần quần chúng. Mà quần chúng thì những người Cộng sản nắm, tuy chính đảng đang là bất hợp pháp. Cái cả ba đều muốn là đi với nhau, thế ỷ dốc sẽ làm thực dân kiềng, bẻ cả bó đũa vẫn khó hơn từng chiếc. Thanh thế của Mặt trận rất lớn, cho thấy sự lựa chọn của cái nhóm trong đó, vào thời điểm này, là phù hợp.Vấn đề đặt ra là: Tổ chức quần chúng có công khai không? Thực tê lúc ấy cũng trả lời là nó vừa công khai vừa bí mật. Vì, theo nguyên tắc, tổ chức quần chúng phải là công khai, nhưng đảng lãnh đạo nó lại nằm trong bí mật. Cho đến giữa năm 1939, trong cuộc liên minh với các nhà báo, trừ hai tờ La Patrie annamite và Nước Nam của bọn bảo hoàng, từ mấy tờ báo hàng ngày đến hết thảy các báo hàng tuần, đều ký tuyên ngôn chống việc thi hành hiệp ước 1884, Mặt trận Dân chủ lại được mở rộng hơn trước. Nhưng rồi, cuộc Đại chiên thứ II bùng nổ, Mặt trận Dân chủ cũng hạ màn. Có thể nói là từ năm 1936 đến năm 1939, Mặt trận vẫn đương coi là thời kỳ hình thành. Lúc mới đầu, trong đám chính trị phạm ở nhà tù ra, vẫn có anh em không thông với chính sách mặt trận. Có người bảo những người hoạt động hợp pháp như thế là làm chính trị, chớ không phải là làm cách mạng, vì làm cách mạng đánh đổ “chính phủ” thì phải bí mật mới được. Bây giờ cũng có anh em nhận định Mặt trận Dân chủ bấy giờ không phải là Mặt trận Dân tộc thống nhất, vì nó không chống đế quốc, còn ủng hộ chính phủ Mặt trận Bình dân và thành phần của chi nhánh Xã hội Đệ nhị quốc tế còn có cả người Việt lẫn người Pháp. Thực ra, thì Mặt trận Dân chủ về tổ chức, đương trong thời kỳ hình thành, về mục đích yêu cầu, nó chủ trương chống phản động thuộc địa, đòi tự do dân chủ. Không thể nói là phản động thuộc địa không có “bà con” gì với đế quốc chủ nghĩa. Có chăng, nó là những khẩu hiệu thấp nằm trong chương trình tối thiểu của luận cương cách mạng tư sản dân chủ.Những đánh giá trên trong cuốn “Hồi ký Trần Huy Liệu” ra năm 1991, đặt ra những câu hỏi về cái nhìn của ông về chính sách mặt trận. Cho giai đoạn 1936 - 1939 mới chỉ là “thời kỳ hình thành” của Mặt trận Dân tộc thống nhất sau này, phải chăng ông có ý tiếc cho một liên minh giàu khả năng bị đứt đoạn vì chiến tranh thế giới? Cho chủ trương chống phản động thuộc địa, đòi tự do dân chủ lúc bấy giờ chỉ là những “khẩu hiệu thấp” so với lý tưởng của cách mạng tư sản dân chủ, phải chăng ông chưa thỏa mãn với hiện tình dân chủ?Cách mạng cần mặt trận như một chính sách để đạt đến một độc tôn tuyệt đối hay lấy đó để mưu cầu hạnh phúc cho cả khối thống nhất, nghĩa là con người vừa đủ ăn đủ mặc, vừa được lựa chọn tư tưởng của mình, hành động trong khuôn khổ pháp luật?Đấu tranh với thực dân và bộ máy cai trị bằng nhiều hình thức, Mặt trận Dân chủ không quên xông cả vào nghị trường. Ở miền Trung, đại biểu Phan Thanh, người của đảng Xã hội trúng vào viện Dân biểu. Ngoài Bắc, ông cộng sản Khuất Duy Tiến đoạt phiếu rất cao rồi bị chính quyền gạt đi với “mánh” rằng lý trưởng địa phương đã chứng nhận phi pháp cho Tiến. Kể thì rộn rịp, sôi nôi vô cùng, các hoạt động của một thời “chưa bao giờ được tự do như thể”, có lẽ vậy. Nhưng không gì vĩ đại bằng cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938 tại trường Đấu Xảo Hà Nội, nay là Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô.Họ (chi nhánh đảng Xã hội - TC) đứng ra xin phép bọn thống trị Pháp và dựa vào ta (nhóm Tin tức) vì ta có quần chúng. Ta cũng dùng áp lực quần chúng để đẩy họ tiến lên từng bước. Mới đầu vì bọn thống trị đe dọa, họ muốn làm chiếu lệ, hạn chế số người tham gia cũng như số người phát biểu ý kiến. Nhất là họ không muốn cho có tiếng nói của người cộng sản. Thế nhưng các đoàn thương nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, tiểu thương… đều đòi có được các đại biểu lên nói. Họ phải nhượng bộ. Rồi những đoàn thể kia lại đòi có tiếng nói của nhóm đại diện cho lọ là nhóm Tin tức, Caput cuối cùng phải nghe, nhưng lại ghép đại biểu báo Tin tức chung vào với đoàn Thanh niên. Về diễn văn, họ đòi phải đưa cho họ, nghĩa là cho bọn thống trị, duyệt trước, nhưng đến lúc nói, ta nói thêm vào rất nhiều. Về tổ chức, họ phải thi hành mệnh lệnh của bọn thống trị là cấm không cho được tụ tập và biểu tình ngoài đường, mà mọi người chỉ kéo đến làm mít tinh ở trong phạm vi trường Đấu Xảo. Khi làm mít tinh, quần chúng không được dùng cờ biển, không được hát Quốc tê ca, mà chỉ hát bài Marseillaise là Quốc ca của Pháp. Ta không cưỡng lại. Thế nhưng đến ngày 1-5, các đoàn thể quần chúng trước khi đến trường Đấu Xảo làm mít tinh, đều tụ tập ở Hội quán ái hữu của mỗi ngành hay ở một địa điểm nhất định. Hàng ngũ chỉnh tề, có người phụ trách từng nhóm, từng đoàn. Mỗi người đều đeo huy hiệu. Trên mũ cài những khẩu hiệu la liệt. Từng đoàn qua các đường phố, ai cấm được họ hô những khẩu hiệu vang lừng. Bà con trong phố nhiều người cũng hô theo. Thế là, các phố đều nổi dậy những cuộc biểu tình kéo đi như nước lũ về trường Đấu Xảo Hà Nội. Trong các đoàn thể nhân dân, còn có cả đoàn người thất nghiệp. Nhân dân ngoại ô thành phố Hà Nội cũng tiến vào như thác chảy. Khi đi đường cũng như lúc làm mít tinh, các đoàn thể đều có trật tự nghiêm chỉnh, bọn mật thám và cảnh sát không còn vin vào được cớ gì để can thiệp.Ban tổ chức lễ kỷ niệm vừa khai mạc, sau bài Marseillaise, mọi người đồng thanh hát luôn bài Quốc tế ca. Ai bịt được hai vạn rưởi cái mồm trong lúc ấy? Sau đó, chỉ trong giây phút, 12 lá cờ đỏ của 12 đoàn thể nhân dân trương lên phần phật trước gió. Ai dẹp được cái khí thế hùng dũng ấy? Hôm ấy, đại diện cho Đảng Xã hội là bác sĩ Trần Văn Lai khai mạc. Các đại biểu nhân dân lần lượt lên đọc diễn văn. Diễn văn của chị Thảo, thay mặt phụ nữ, được vỗ tay rất nhiều. Đại biểu nông dân là Mai Văn Thể hô những khẩu hiệu bỏ thuốc nào (lào) thuốc ná (lá) ai cũng bật cười. Anh Phan Tử Nghĩa nhân danh Đảng Xã hội. Tôi thay mặt cho nhóm cộng sản công khai là nhóm Tin tức đọc một bài diễn văn viết ít nói nhiều, được người nghe vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Hoan nghênh nhiệt liệt đây có nghĩa là hoan nghênh nhiệt liệt Đảng Cộng sản.Bọn thống trị Pháp không hài lòng lắm, nhưng làm cách nào cản được. Tôi còn ghi mãi trong đầu cái ấn tượng hôm ấy. Đứng trên lễ đài nhìn xuống: cả một bể người sục sôi, nhưng rất có kỷ luật.Đoạn hồi ký trên không ghi nhiều về diễn văn (thực ra là “phát biểu) của đại biểu nhóm Tin tức; một biểu thị khiêm nhường. Nhưng trong ký ức nhiều người dự cuộc mít tinh khổng lồ, Trần Huy Liệu được ghi nhận như một người có tài nói. Chữ eloquent (hùng biện, có tài kích thích) được báo chí nhắc đi nhắc lại trong các bài tường thuật.Hiển nhiên Liệu là một trong những đích ngắm lớn nhất của nhà đương cục để sau này… Nhưng bấy giờ cái dịp ấy chưa đến. Còn hơn một năm nữa, đời tự do “làm loạn” của anh mới hết.ĐỨT GÁNH TÌNHChế độ đa thê ở Việt Nam đang hồi cáo chung. Có nhiều nhẽ, như văn hóa phương Tây đang đàn áp thứ giáo lý bảo vệ đàn ông. Cơ sở kinh tế trong gia đình không còn do một tay ông chồng gây dựng, nắm giữ nữa, nhiều khi chuyển sang người vợ. Dù Liệu đã hết sức “thu dàn xếp”, dù Tý với Bách nhiều lúc cũng chị chị em em thân tình, mà những cá tính vẫn va chạm nhau, cảnh chồng chung không thể quá mượt mà. Chả biết là may hay không may cho họ, đến một lúc, có cái sức ép từ bên ngoài đến, nó làm đứt phựt, vỡ toang tấm tình đến sau; một vết thương chả thể nào lành.Cuộc đi chơi Huế kết thúc đột ngột, vì Hà Nội gọi Liệu về. Hai người đã cãi nhau về vụ Bách muốn đến thăm cụ Phan Bội Châu, rồi làm lành, rồi tỷ tê sang chuyện sinh con. Rõ ràng là Liệu rất muốn.Được thế, chả phải chỉ mình Tý bị đặt vào chuyện đã rồi. Nhưng bao lâu mà Bách chả thấy gì. Đêm khuya, Liệu hé cho cô biết có những áp lực đang chờ họ. Rồi rõ, là đoàn thể không cho phép kéo dài tình trạng này nữa. Đó là cuộc họp ở tòa soạn báo Tin tức 105 phố Henry d’Orlean (Phùng Hưng), Bách gọi là “phiên tòa đặc biệt”, diễn ra ngay sau ngày cặp uyên ương trở về từ Huế.Ở tuổi bảy mươi, bà lão Phạm Thị Bách nhớ lại trong “Những ngày xa xưa ấy”:… có mặt: Đặng Xuân Khu, Trần Đình Long, Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến, và dĩ nhiên là cả anh Liệu. Chính giữa là một chiếc bàn tròn, phía trước còn chiếc ghế trống, có lẽ để dành cho tôi.Từ cầu thang tôi vừa bước lên nhìn sơ những người xung quanh, tình oan nỗi giận chất chứa trong lòng. Tôi ngồi xuống ghế cất tiếng hỏi:“Xin các anh cho biết chẳng hay tôi có tội gì?”Anh Khu trả lời giọng dịu ngọt:“Chị không có tội gì cả, vì luật lệ Đảng không cho phép đảng viên có hai vợ, thế thôi!”Anh Long nói tiếp: “Chị Thu Tâm, chúng tôi thương chị nhiều lắm nhưng có bổn phận phải thương sự nghiệp của anh Liệu nhiều hơn”.Anh Việt nói thêm: “Chẳng là anh Liệu vốn làm việc ngoài công khai, nếu anh trái luật Đảng lấy vợ hai thì quần chúng sẽ bất mãn không tín nhiệm Đảng nữa, đại cuộc sẽ vì vậy mà giảm thanh thế đi. Xin chị hãy suy nghĩ cho kỹ mà đừng oán giận chúng tôi”Anh Khu xích ghế lại gần tôi giọng vuốt ve an ủi:“Mai sau Việt Nam độc lập, tên anh Liệu ghi vào lịch sử, chị cũng sẽ được tiếng thơm muôn đời!”Tôi nhìn anh Liệu, vẻ mặt khắc khổ và nhẫn nại của anh khiến tôi chạnh lòng đau đớn. Tôi đứng lặng nhìn anh một lúc rồi quay gót bước xuống lầu không chào hỏi gì ai cả.Cuộc chia tay ở ga Hàng Cỏ đã rất ít lời. Cả hai đều nghẹn ngào, nhưng có lẽ chẳng ai biết sẽ không còn gặp lại nhau.“Ta có tội gì?”.“Vì ta có tới mười hai chiếc áo màu và bảy đôi giày khác nhau để đi chơi với Liệu trong các lần du lịch các tỉnh khác nhau ư?”. “Cơn cớ gì mà Liệu ngoan ngoãn chịu chấp hành quyết định của họ vậy? Có phải sức ép đã được tạo ra từ rất lâu mà anh không cho ta biết?”. “Chẳng nhẽ người cách mạng lấy đạo đức thay cho ái tình ư? Nhưng lại đã có những ông ấy ông nọ cũng vợ nọ con kia đấy thôi sao?”. “Chắc chắn là Tý, và có lẽ cả bà Đặng Xuân Khu không ưa gì sự có mặt của mình, đã tác động lên các ông. Tại sao ta không thể yêu ai khác? Ta còn trẻ, có đầu óc, những đàn ông vẫn chạy theo ta kia mà…”Đó hẳn là những câu hỏi ám ảnh người đàn bà bị bỏ rơi. Rồi Bách cũng lấy chồng, có những người con, sống chả phải chật vật nhưng vết thương lòng còn đó. Nhiều năm sau, bà lão gầy gò và còn rất sắc sảo giải thích “lý do lớn nhất”:Tai hại hơn hết là một câu chuyện tâm tình giữa đôi vợ chồng trẻ vì vô tình đã lọt vào tai các đồng chí. Nằm trên mui thuyền trong một đêm trăng sáng tại cửa biển Thuận An, khi tôi và anh Liệu nằm nghỉ trong khoang thuyền, giữa hôm ấy tôi nói với anh Liệu một câu thế này:“Theo chỗ em biết anh là một nhà văn chân chính và quả thật là có thiên tài, em xét đoán rất công bằng chứ không hề có ý gì thiên vị. Anh còn khá hơn Nguyễn Tường Tam rất nhiều. Vậy sao anh không theo nghiệp văn mà lại ưa thích chính trị nhỉ?”Anh Liệu trả lời không ngần ngại: “Anh chỉ thích viết lối văn tranh đấu mà thôi chớ còn viết văn tiểu thuyết thì không bao giờ anh muốn viết”. Tôi nói: “Ai bảo anh viết tiểu thuyết! Anh có thể chỉ viết những bài ích lợi và thiết thực cho dân chúng, cho quốc gia thì mai sau anh vẫn có thể có một chỗ ngồi xứng đáng trên văn đàn, hà tất cứ phải tham gia chính trị?” Anh Liệu hỏi lại: “Em không thích anh làm chính trị phải không?”Tôi trả lời một cách nghiêm túc: “Không phải thế nhưng em tiên liệu rằng môi trường chính trị không hợp với anh, bởi anh bản chất nhiều tình cảm, người anh còn chịu ảnh hưởng Nho giáo rất nhiều, không thể hợp với chủ nghĩa Mác-xít”. Anh Liệu cầm tay tôi: “Nói nhỏ chứ kẻo người ta nghe được!”Câu chuyện chấm dứt tại đây, và sớm mai khi đò trở về đến bến sông Hương, các bạn từ giã chúng tôi một cách rất tự nhiên không có ý gì khác. Nhưng mãi nhiều ngày sau anh Liệu nói cho tôi hay những cách trang điểm lộng lẫy quá và câu chuyện tôi nói với anh hôm ở Cửa Thuận đã lọt vào tai đồng chí Đặng Xuân Khu và chắc chắn anh Liệu sẽ bị kiểm điểm”. Đoạn viết trên trích trong “Những ngày xa xưa ấy” Tập hồi ký mỏng có 9 chương. Chương cuối là một bức thư gửi người đã nằm dưới ba thước đất, bà Phạm Thị Bách “tổng kết”: “Cuộc đời em chỉ chui rúc vào những sự kiện gì xảy ra chung quanh người anh”. Tuy nhiên, in kèm vào hồi ký là một phụ lục, người biên soạn xác định là bà Bách viết và đưa sau đó, đặt “tít”: Nói chung về cuộc đời Trần Huy Liệu.Tôi không có phước được gần ông trọn đời.Nhưng theo sự hiểu biết và nhận thức của tôi thì ông có chí lớn nhưng kiên thức đối với cuộc đời không được sâu sắc lắm:1) Ông muốn tìm kiếm một cái gì thật toàn thiện, toàn mĩ, là điều không thể được.2) Không chịu tìm hiểu cho thật thấu đáo “cá thể” của mình mà chỉ hành động theo cái xốc nổi của bản năng.3) Nhìn thấy những cái hay quá sớm, quả là một con người có một giác quan bén nhạy ít ai có được; nhưng lại không thấy được cái hiện tại mình đang sống4) Quá chủ quan trước mọi sự việc do bản tính kiêu căng, vì lầm mình đã thành công sớm tức là có đủ tài năng.5) Về tình cảm, ông thật có nhiều điểm đáng trách: vì yêu mà không dám hy sinh một mảy may nào của cá nhân mình, cũng không hề dám đương đầu với nghịch cảnh. Nếu đến lúc diện đối diện thì ông lại thực thi cái thuyết của Thánh hiền là “phu thê như y phục” và trong thâm tâm có còn một chút gì vướng vất thì cũng chỉ tự an ủi bằng cái câu “Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”.