- 26 -
VĨ THANH

Năm 1985, 17 năm sau ngày mất, Trần Huy Liệu lại được “lên chức”. Người ta quyết định cải mộ cho ông từ “nghĩa trang nhân dân” về Mai Dịch, chỗ yên nghỉ của những bậc “khai quốc”, các ủy viên Trung ương. Dường như đây là “sự nhìn nhận lại” với những gì ông đã làm và đã không làm.
 
Khu “Vĩnh viễn” của nghĩa trang Văn Điển khá lặng lẽ. Những người thân, bạn bè, đồng sự trao đổi nhỏ nhẹ, đi lại khẽ khàng. Chỉ có tiếng búa lộp cộp vào hòm áo. Sự ý nhị ấy, ngoài ý nghĩa thông thường, còn vì lẽ hôm nay có mặt cả hai bà vợ người đã khuất. Thực ra, sự “cùng ra mắt” này đã được chuẩn bị từ trước: bà Tý đánh tiếng muốn gặp, bà Sửu chấp nhận ngay. Bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi, còn gì nữa mà mặt nặng mày nhẹ. Còn ông, còn sự chia rẽ gây đau khổ. Mất ông, sự đơn côi cũng lại gây khổ đau. Tìm nhau, họ cứ như là tìm về ông.
 
Bộ cốt đã lấy lên đầy đủ, chải rửa sạch sẽ. Người cháu Trần Huy Nghiêm, đã gần sáu chục, cầm chiếc hoa cái Liệu, cất lời: “Mời hai bà rót nước gội đầu cho ông”.
 
Bà Tý cầm chiếc can đổ nước vang xuống chiếc sọ trong tay Nghiêm, rồi chuyển sang bà Sửu. Cả hai đều run rẩy, phần vì yếu, phần xúc động. Đây quả là nghi thức quan trọng nhất trong cuộc cải mộ, “nói” nhiều hơn hẳn những lời lẽ, ngôn từ…
 
Họ đã chấp nhận, rồi tha thứ, quyến luyến nhau, điều không thể có khi ông chồng chung còn sống. Sự đa mang của ông làm khổ họ. Một người cả đời gánh vác việc nhà để ông đi xa, quyết liệt giành giật ông khỏi tay người khác. Một người cam chịu cảnh lẽ mọn, thi thoảng được gặp chồng. Nhưng cả hai đều không thể bỏ ông.
 
Bây giờ Liệu đã về hẳn cõi vĩnh hằng. Sẽ không bao giờ được bế ẵm, gội rửa cho ông nữa. Ở nơi ấy, hẳn ông sẽ nghỉ ngơi êm đềm sau một cuộc đời quá nhiều chôn rộn, ngổn ngang.
 
Tháng 10-2007