- 8 -

MỚI THẬT ĐI TÙ

 

Xe bịt bùng tiến vào cầu cảng Lang Tó, không hú còi. Thật ra chẳng cần hú còi, vì lính kín đã xua hết mọi người trên lối xuống. Rồi cánh cửa kín mít mở, nhả ra lốc nhốc đám tù. Ai cũng tập tễnh, thâm tím, người nọ dựa người kia, đầu phủ khăn mặt trắng che chiếc sọ bị cạo nham nhở từ hôm ở khám Lớn.
- Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Pháp!
- Cách mạng thành công muôn năm!
Những tiếng hô bất ngờ dội ra từ cánh áo xám.
Dù bị bịt kín tin tức, ai đó kịp loan tin tàu hôm nay chở tù đi Côn Đảo. Người nhà vẫn ra kịp để tiếp tế trao đổi một cái nhìn. Liệu có còn đường mà về…
Đứng trong bạn tù, mồm hô khẩu hiệu, Liệu nhận ra vợ trong đám đông. Dù đã quen với “thứ” đi nằm khám của chồng, Tý cũng phải bật khóc khi trông thấy mái đầu lởm chởm. Đám người nhà, như bầy gà dạn dĩ, bị xua đi lại xông vào “đống thóc”, tức là những người sắp lên tàu Armant Rousseau ra đảo.
Hai người một xích tay, họ bị dồn xuống hầm hôi hám, ẩm thấp. Phía trên là thành tàu, có những lỗ tròn hắt sáng, với tới được. Nhưng với làm sao khi chân còn thêm cái cùm.
Đã bao lần Liệu xác định cho mình một thân phận tù đày. Anh đã “quậy” đến thế, thì lãnh đủ là đương nhiên. Chứ còn gì. Làm báo, anh đã công kích chế độ, hô hào độc lập, chơi chính quyền những đòn đau. Lập đảng Thanh niên, làm tổng bí thư, anh chủ trương chống Pháp và chống luôn đảng Lập hiến của đám đại địa chủ. Đất Nam Kỳ kể ra còn rất “độ lượng” với Liệu. Bao lần ra bót Catinat đối mặt với chánh cẩm Arnoux, năm 1927 bị thống đốc Bros ký nghị định trục xuất, đã vào khám Lớn rồi lại thoát. Cái giọt nước tràn đầy cốc là các vụ khởi nghĩa Yên Bái, Phú Thọ của bạn đồng chí Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu.
Đảng Thanh niên tan rã, tất nhiên chẳng ai tuyên bố - vì cứ đánh trống ghi tên là vào được, bộ ba thân thiết ly tán. Nguyễn Trọng Hy quay lại nghề dạy học. Bùi Công Trừng đi Pháp, trở thành cộng sản rồi sang Liên Xô. Chơi thân với các bạn ở Nam Đồng thư xã ngoài Hà Nội, Liệu vào Quốc dân đảng, làm đại diện của tổng bộ Nam Kỳ.
Việt Nam Quốc dân đảng thành lập chính thức tối Noel 25-12-1927 tại ngôi nhà bên hồ Bảy Mẫu ở Hà Nội, đa phần là thanh niên trí thức. Ngay hôm đó mục đích hoạt động của đảng đã thành đề tài tranh luận gay gắt. Nhóm Nhượng Tống, Nguyễn Khắc Nhu chủ trương chế độ quân chủ lập hiến. Nguyễn Thái Học (đảng trưởng), Phó Đức Chính nhấn mạnh nền dân chủ đại nghị, còn Lê Văn Phúc, Nguyễn Hồng Sơn lại muốn đưa thêm vào khái niệm cách mạng xã hội, cách mạng thế giới. Ý tưởng của nhóm thứ nhất nhanh chóng bị gạt đi, hai ý sau được thống nhất rằng trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới.
Trần Huy Liệu ở xa, không can dự vào những tranh luận đó, cũng chả cùng đồng chí chuẩn bị cho một cuộc “không thành công cũng thành nhân”. Năm 1930, bạo động Yên Bái thất bại. Nguyễn Thái Học và các đồng chí lên máy chém. Nguyễn Khắc Nhu nổi dậy ở Phú Thọ không thành, tự tử đến lần thứ ba mới chết được. Trong Sài Gòn, Liệu uất ức vì không được hy sinh cùng, hay chí ít là chia sẻ những nguy nan. Nhưng anh chả phải đợi lâu. Tòa án Nam Kỳ, do tình thế cấp bách, “tặng” anh cái án 5 năm cấm cố ra Côn Đảo.
Căn ngục lắc lư. Làm quen xong với bộ cùm, Liệu bắt đầu nghĩ lung. Tý cùng hai con Diễm, Vân chắc phải xé lòng khi nghe tiếng còi tàu rời bến. Đất Nam Kỳ cưu mang anh liệu có tiếp tục cưu mang vợ con anh? Liệu không hề hối đã đi theo thầy Bùi Trình Khiêm ngày ấy. ở lại quê nhà, dẫu bây giờ có thể không bị tra chân vào cùm, phỏng có ích gì nếu không lập được thân trai, không giúp được ai…
 
Dòng suy nghĩ vừa hùng tráng vừa lo âu bị cắt đứt khi một anh nôn thốc vào người cùng cặp cùm với mình. Như điện truyền, cả hầm tàu đầy tiếng nôn mửa. Mật vàng mật xanh ra nhơn nhớt rồi cũng hết, cứ oẹ khan từng cơn. Mùi hắc ín trộn với mùi tanh tưởi thành một thứ xú tạp không thể tưởng.
Mà sao ngoài kia trời xanh thế…
Trông trận khua vang khắp địa cầu
Riêng ai nằm xó bãi Hòn Cau
Sa cơ vẫn thẹn mình thua sức
Vì nước thêm thương bạn mất đầu.
Chưa chút công lao trong dịp truởc
Còn nhiều cơ hội với mai sau
Ai về nhắn hỏi người trong ấy
Gánh nặng đường xa đã đến đâu…
 
Tâm trạng bí bức lao tù, căm thù đế quốc bên ngoài dai dẳng áp vào Liệu. Suốt năm năm trời anh làm bao nhiêu bài thơ kiểu như thế, những vần thơ sau này rơi vãi khá nhiều.
 
Nhưng đấy chỉ là tâm trạng. Liệu không thể ngờ ra Côn Lôn, anh được hưởng một cuộc sống vật chất không đến nỗi nào. Thịt cá có lúc ê hề, gông cùm chả phải lúc nào cũng xủng xoảng. Việc đi lại trong từng khám khá thông thoáng. Nhưng dù sao cũng là đời thằng tù, cấm cố, khác hẳn những lúc “nếm náp” vị khám Lớn trong đất.
 
Sau này ra tù về Hà Nội, Liệu “kể” lại cho công chúng đời sống ngoài đảo trong thiên hồi ký “Côn Lôn ký sự”, đăng báo rất ăn khách. Không căm hờn chứa chất quá, cũng chả thi vị hóa, “Côn Lôn ký sự” có giọng điệu bình thản, tỷ mẩn những chi tiết nhân bản.
 
Nụ cười ở trong nhà tù nhiều khi rất có ý nghĩa. Trong đầu óc chứa muôn vàn những nôi đau đớn cùng muôn vàn những điều căm tức do một cuộc thất bại gây nên, gặp nhau muôn ôm nhau mà khóc nhưng lại thay cho trận khóc bằng một nụ cười. Người nhận nụ cười ấy thấy như bị một luồng điện truyền khắp mình, cũng trả lời bằng một nụ cười khác. Những người ở xã hội ngoài thường được tiếp xúc với nhau một cách dễ dãi nên trong khi gặp nhau ít gây cho nhau được cái cảm giác sâu xa, chớ những người ở trong nhà tù, năm chừng mười họa nhờ cái khe cửa hay cái kẽ vách mà xa nhau có dịp gần nhau, thì cái giờ khắc ấy không thể lấy tiền bạc mà đánh giá được. Lắm lúc gặp nhau ở tận xa xa, chỉ được trông thoáng nhau coi vóc người gầy hay béo, sắc mặt buồn hay vui đê đoán sức khỏe cùng tinh thần của nhau. Lắm lúc mình trông thấy bạn mà bạn không trông thấy mình, cũng cứ việc nhìn cho tới khi không còn tăm bóng.
 
Năm năm trời ấy, Liệu đã chuyển từ lập trường Quốc dân đảng sang Cộng sản, dù trong xương tủy anh vẫn là người “Dân tộc chủ nghĩa” như luật sư Monin đã “định danh” hồi còn ở Sài Gòn. Anh có khối rắc rối sau này vì sự thay đổi ấy.
 
Âm mưu vượt biển, tìm tri âm mới, so đo lại tư tưởng, tình cảm là sinh hoạt thường ngày. Nó còn sôi nổi, bận tâm trí hơn nỗi lo đối phó với đám cai ngục rất nhiều. Không ngờ là Liệu lại khỏe ra, rắn rỏi hơn những ngày trong đất, trừ lần ngã…
 

NGƯỜI TÙ CHĂM HỌC

 

Khám Lớn Sài Gòn đã vào đêm. Ngọn đèn hành lang soi lờ mờ bóng người lính gác bất động. Thỉnh thoảng anh ta đứng dậy, xốc súng đi rảo qua các phòng giam. Tiếng ngáy, tiếng chép miệng, nghiến răng như một bản hợp xướng kinh khủng, khúc “sô lô” là tiếng rên của người bị đánh ban ngày.
 
Mò mẫm trong xó tối, Liệu lôi ra mảnh báo tiếng Pháp. Lợi dụng ánh đèn ngoài kia, và lúc người lính gà gật, anh đứng hẳn dậy xem. Đến một chỗ ngắc ngứ thì ngẩn người ra, cứ thế tần ngần, cuối cùng Mò mẫm đến cuối phòng, lay người dược sĩ bị bắt vì tội làm thuốc giả.
- Này, hỏi tí đây. “Anh-đê-păng-đăng-xơ” là gì?
- Là “độc lập” - người dược sĩ lầu bầu, trở mình ngủ tiếp.
- Nhưng “anh-đê-păng-đăng” cũng là “độc lập” kia mà…
- Một đằng là tính từ, một đằng là danh từ. Còn gì nữa không?
- Còn một đoạn nữa nhưng tối quá.
Tiếng thì thào làm vài người thức dậy. Góc bên kia có tiếng càu nhàu:
- Thôi bố trẻ ơi, để chúng con ngủ ạ.
- Rõ là con mọt, đêm xuống mới cót két.
- Đ. mẹ thằng nào phá giấc ông… Mai cho một trận?
Một thường phạm nổi cáu làm Liệu lo lắng, lui về chỗ. Cái bọn chuyên lấy đấm đá đạp làm cơm ăn nước uống hàng ngày, anh ngán lắm, dù ngoài kia có lúc chỉ huy cuộc mít tinh cả vạn người. Mảnh báo lại bị dúi vào xó, để mai lôi ra.
 
Ấy là vào năm 1927, những hoạt động chính trị tạm lắng xuống với Liệu. “Lắng xuống” vì anh phải nằm bót sáu tháng, “trận phủ đầu êm dịu” của chánh cẩm Arnoux với kẻ quậy phá nguy hiểm.
 
Nhưng khám Lớn có cái hay, là chỗ để bồi bổ sự học. Liệu rất tự tin khi dùng tiếng Việt và chữ nho, nhưng lỗ mỗ về tiếng Tây. Vào khám thiếu tự do mà anh không phát điên, có lẽ vì nhờ cái đức “mọt sách bẩm sinh”.
 
Vào Nam Kỳ, xứ thuộc địa Pháp, sinh sống, thực hành chí hướng đều bằng chữ nghĩa, Liệu thấy có quá nhiều thứ mình còn thiếu. Thực dân sang đây đô hộ người Việt, đặt chế độ cai trị tàn ác khiến anh căm thù. Nhưng nước Pháp - với tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, những nhà triết học của thế kỷ Ánh Sáng - hấp dẫn anh. Trước đó, những “tinh thần pháp luật”, khế ước xã hội”, rồi nay là “Tư bản luận”, “Lịch sử tiến hóa nhân loại”, “Lịch sử tư tưởng thế giới”… anh đã đọc qua tiếng Hoa của Thương vụ ấn quán Thượng Hải. Nhưng chỉ là ông đồ non mà làm báo ở Nam Kỳ thì thiếu hụt quá.
 
Thời làm chủ bút Đông Pháp thời báo, Liệu lấy tin khá nhiều ở báo chữ Tây. Trước khi đưa người biết dịch, anh hay tò mò “điểm” những từ quan trọng, đoán nội dung tin, hễ khớp với bản dịch mà thấy mình mò đúng thì khoái chí lắm. Liệu nhất định phải học tiếng Pháp. Không hệ thống cũng được. Nhưng lúc thì “cày” một nghìn ba trăm chữ về đám tang Phan Chu Trinh, lúc vợ đòi sữa cho con, đành chịu. Có ai ngờ được tập trung để học mà cũng khó thế.
 
“Dịp tập trung” ấy là sáu tháng khám Lớn ông Arnoux dành cho. Thày dạy có thừa. Bạn tù giỏi tiếng Pháp rất nhiều, dư thời gian và sẵn sàng bảo học, có khi hai ông thầy cãi nhau trước mặt trò.
 
Khó hơn là tài liệu. Sách vở giáo trình thì Tây cấm ngặt. Đành gom nhặt những mẩu báo gói đồ tiếp tế, “nghiên cứu” rồi đem hỏi, có khi “nghiên cứu” cả trong hố xí. Bên ngoài, Tý rất chịu khó gửi cho anh những gói đồ tiếp tế mà báo gói nhiều hơn cá khô, muối lạc.
- Từ này nghĩa là gì?
- Trật tự câu này thế nào?
- Mệnh đề nào là chính?
Cái mạnh của Liệu là kiến thức chính trị, kinh nghiệm sống. Thầy giáo bổ sung nghĩa từ, giảng văn phạm là anh “thủng”, trước biết ý nghĩa câu văn, sau có thông tin về ngoài đời.
Sang năm 1929 lại có dịp tập trung lớn, lớn chưa từng thấy, tòa Nam Kỳ cử đi bồi bổ kiến thức.
“Khóa chuyên tu” dài những năm năm, “trường” biệt lập, không có vợ con eo xèo, đám nặc nô đòi nợ, cũng chả lo viết báo kiếm sống. “Trường” Côn Đảo cách đất hàng trăm cây số, Liệu được phân về “lớp” Hòn Cau còn hẻo lánh hơn, tha hồ tập trung.
 
Côn Đảo tuy xa nhưng không phải không có liên lạc Nhân vợ một mã tà về Sài Gòn, Liệu nhắn Tý đang bán rau ở chợ Bến Thành gửi cho quyển từ điển Larousse. Thay cho những mảnh báo tiếng Tây, anh có hẳn người bạn nhỏ dầy cộp, cầm nặng tay, có điều giấu giếm khó. Một chương trình nghiêm ngặt được đề ra: mỗi ngày học 200 từ với đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng. Gốc dừa, vườn chuối, bãi cát là vở, mẩu gạch, khúc que là bút, đâu đâu cũng chi chít chữ viết. Trong một tháng, Liệu học được 6000 chữ. Nhịp độ “nhồi” sau đó chậm lại vì cái đầu đã “đầy” dần. Hai năm ở Hòn Cau, vốn tiếng Pháp của anh tăng vùn vụt, chỉ trừ sáu tháng nằm liệt vì chuyến rong chơi xuống hang yến.
 
Có lần bạn tù trêu, thách Liệu nhớ hết nghĩa của một từ rất hóc hiểm. “Lời giải” đâu ra đấy làm anh em phục lăn, gọi anh là “tự vị sống”. Dường như chả biết sốt ruột, bí bức là gì, “nhai” từ điển chán, Liệu tấn công sang sách, từ chính trị sang văn học.
 
Nghiền “Tội ác của Sylvestre Bonnard”, một tuyệt tác của Anatole France - đến mười lần, anh điên cả người vì chưa cảm nhận được cái hay trong câu chữ.
 
Do cách học đặc biệt này ở “trường Côn Đảo” mà khi “tốt nghiệp” anh học trò đã đọc hiểu thông, viết chưa thạo, còn nghe và nói không được chuẩn. Nhưng thế cũng đã đủ để xông vào trường văn trận bút sôi nổi sau đó.
 
Cảnh tù ngục bí hãm sinh ra cho con người những phẩm chất tuyệt vời. Ông đồ non nhất định phải học tiếng Tây và vẫn nhất định phải làm báo.
 
Là thư ký tòa soạn “Hòn Cau tuần báo”, Liệu góp bài với “Tiếng sóng bể”, “Bàn góp”, những tờ báo viết tay độc nhất vô nhị trên thế giới. Đây cũng là thời kỳ manh nha nhà viết sử tương lai. Dựa vào trí nhớ, anh viết về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917), khởi nghĩa Yên Thế. Bạn tù Quốc dân đảng Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Phúc, Nguyễn Phương Thảo (sau này là trung tướng Nguyễn Bình) xem và góp vào đấy khá nhiều ý. Bên “phe” Cộng sản, Ngô Gia Tự, trước cuộc vượt biển bất thành, đã bao đêm ngồi ngoài bãi cát nghe anh tâm sự về mộng viết sử. Trần Huy Liệu không thể ngờ rằng sau này, sau những tột đỉnh vinh quang, thăng trầm trên đường đời còn là cái cớ để anh trở thành người viết sử chuyên nghiệp.