- 16 -
TÂN TRÀO HÀ NỘI

Liệu cố gắng khôi phục lại thói quen ghi chép. Tròn một năm ngày vượt ngục Nghĩa Lộ, ông hoàn thành bản thảo về sự kiện “dậy non” kia. Có những đau xót, phân tích, nhận lỗi về phần mình. Có những dí dủm, tức cười dọc đường… Bao điều cần phải ghi ngay, toàn chuyện chả phải chỉ trọng đại với mình ông, mà hên quan đến những vận mệnh rất lớn. Mà từng tí một, Liệu nhận ra cái trí nhớ, vốn là niềm tự hào, đang phản bội lại mình. Cú ngã năm nào ở Côn Đảo dầu sao cũng để lại dư chấn trên đầu…
Nhưng chả thể tỷ mẩn nhặt, ghi lại hết. Ông đang sẵn quá giấy bút, vài tờ báo trong tay để thỏa mãn chí lập ngôn. Nhưng cái trong tù cực nhiều, là thời gian, thì lại không. “Cái gạch nối” giữa hai thời kỳ tự do và lưu đày có lẽ là những bộ “com lê”. Quần tây sáng, áo vét, sơ mi trắng thắt cravate làm Liệu nhớ bộ trong tù, cả trăm thằng “đồng phục”, khác nhau cái số má.
Chuyến xuôi sông Hồng vô sự. Miền xuôi đón họ với một trật tự khá hỗn loạn. Trên đường phố, lính Nhật rầm rập lê sáng lòe. Trong các căn nhà, báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh được truyền tay nhau đọc. Mạng thông tin, chủ yếu qua radio, đưa dồn dập việc quân đội Đồng Minh từ Normandie tiến về phía Tây châu Âu, đạo quân Quan Đông thất thủ ở Mãn Châu Lý. Trong trụ sở Cứu Quốc ở Đại Mỗ, Liệu cùng Xuân Thủy soạn lại tin tức, viết những bài kêu gọi chống phát xít.
Cơ sự xoay vần quá nhanh. Phát xít đầu hàng Đồng Minh. Các đô thị lớn cực kỳ mong manh, chả lực lượng nào có quyền lực thực sự. Trong khu rừng lớn có cây đa trùm rợp ở Tuyên Quang, Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân, nội dung chính là tiến về xuôi nắm lấy chính quyền. Tất tả lên Tân Trào, Liệu nghe nhiều chuyện về Nguyễn Ái Quốc, nhiều người bảo giờ là Hồ Chí Minh. Rằng đã bôn ba nhiều nước, chí hướng giành độc lập, tự do cho dân tộc lớn lắm. Rằng đã về nước năm bốn mốt, ở trong cái hang thẳm trên Cao Bằng chỉ huy cách mạng, gây dựng lực lượng. Ông Cụ rất tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, đem viên phi công Mỹ lái cái máy bay bị Nhật bắn rơi sang tận Trùng Khánh trao trả Đồng Minh. Sự trợ giúp rút cục khá nhỏ nhoi: người Mỹ chỉ cử đội biệt kích “Con nai” do một thiếu tá chỉ huy sang huấn luyện quân sự. Có một việc nhỏ làm hiện ra trong mắt các đồng chí một ông Cụ thật lịch lãm: mấy chị hậu cần lo sốt vó khi được giao tổ chức một buổi tiệc đãi bạn. Ăn uống gì, hút gì, ở đâu…, trao đi đổi lại mãi không ra. Ông Cụ bảo đem con bê về, ra suối thui chín, để xấp dao bên cạnh, tất nhiên kèm rượu cognac. Đây có lẽ là một bữa ăn nhô đời với thiếu tá Thomas và đội “Con nai”.
Đêm 13-8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân phành phạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh mất nước, dân nhục từ tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mình được sung sướng làm cái việc “nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất quân”… Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo ra một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn. Nhìn anh tôi nghĩ đến những ngày gặp nhau ở báo Le Travail, tôi mỉm cười nghĩ thầm: Chàng “bạch diện thư sinh” này đã trở thành một viên tướng rồi ư? Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động. Uỷ ban Khởi nghĩa chỉ còn chờ chính thức hóa tại Đại hội Quốc dân.
(Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội. 1991)
 
Liệu thấy thân phận mình được “cải thiện” từng bước. Cùng Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền ngồi chủ tịch đoàn điều khiển Quốc dân Đại hội ở đình Tân Trào. Được cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, sau đổi ra Chính phủ Lâm thời. Ông về Thủ đô Hà Nội giữa rừng cờ và biểu ngữ đón chào, lòng hân hoan không thể tưởng. Và cũng không thể tưởng trong niềm hân hoan ấy lại có những lẽ, những nỗi không thể tưởng ra.
HUẾ
 
Chưa kịp cảm nhận về một Hà Nội cách mạng, nơi mình ra đi trong cái đêm giá buốt để lên Sơn La, Liệu bù đầu trong đống việc của Chính phủ Lâm thời. Rốt lại, là ông chả giải quyết được bao nhiêu. Từ Trung Bộ có điện tín hoàng đế Báo Đại xin thoái vị, đề nghị phái đại biểu vào tiếp nhận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đang còn ở chiến khu, Trung ương Đảng và Chính phủ Lâm thời chỉ định Liệu, thay mặt Chính phủ, làm trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng thay mặt Mặt trận Việt Minh, cùng Cù Huy Cận, một gương mặt của thời Thơ mới.
 
Ngày 25-8-1945 họ rời Hà Nội trên hai ô tô, có tiểu đội bảo vệ của Giải phóng quân. Chả ai thấy hiểm nguy gì, biết đâu người của Quốc dân đảng luôn rình rập ám hại, theo đến Thanh Hóa thấy không ăn thua thì bỏ.
Đêm 29-8, đoàn có mặt tại trụ sở Uỷ ban hành chính Trung Bộ ở Huế. Cuộc hành trình dài và mỏi mệt, cứ trăm cây đại một lần diễn thuyết rã họng làm Liệu không chợp mắt. Ngủ thế nào khi trước mặt là sự kiện vĩ đại, có một không hai trong đời người. Ngày mai, ông sẽ thay mặt quốc dân đồng bào dự lễ thoái vị, nhận ấn kiếm từ tay hoàng đế Bảo Đại. Lịch sử Việt Nam sẽ ghi chế độ phong kiến chấm dứt từ đây, chuyển sang nền Dân chủ Cộng hòa.
Dinh Khâm sai cũ vắng lặng, dù ngoài kia thành Huế chắc chẳng yên ả. Liệu trở dậy, bước ra vườn, tự nhiên muốn có điếu thuốc trên tay. Chẳng bao giờ hút thuốc, nhưng những nỗi niềm đang trào lên trong lòng làm ông bồn chồn quá thể.
Còn hơn hai tháng nữa, Liệu tròn bốn tư tuổi.
Ông chợt cảm thấy mình đã sống rất nhiều, quá nhiều. Có bao nhiêu sự kiện trọng đại với đời người, với dân tộc, ông đã trải qua, và không thể không ghi lại. Nhưng đến bao giờ mới có thì giờ ngồi yên.
Và ghi cái gì, bỏ chỗ nào? Ví như là những chuyện nho nhỏ mà buồn cười: hôm ra đi từ Hà Nội, ông chọn trong đống quần áo cũ vứt lộn xộn ở Bắc Bộ phủ mãi mới được bộ tropical gọi là tươm tất để khoác vào cái thân thể còm cõi, ngắn ngủn của mình. Ví như giữa đường, một ông cụ tặng phái đoàn tấm biển có dòng chữ “Khánh chúc Tân triều” để chào mừng chính quyền Dân chủ Cộng hòa. Bao nhiêu nỗi niềm để điểm lại. Nhưng đêm thì ngắn, ngày mai ông không thể không khỏe mạnh.
Những ngày “ngồi rồi” ở Việt Bắc kháng chiến, Liệu có thì giờ ghi lại chuyến đi đặc biệt vào cố đô…
 
Đến cách thành phố Huế 2 cây số, chúng tôi đã gặp ông Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền văn phòng của Bảo Đại hồi ấy ra đón phái đoàn… Qua câu chuyện của ông Phạm Khắc Hòe, thì sau khi quân Nhật đã đầu hàng và dân chúng biểu tình đoạt chính quyền ở Huế, Bảo Đại đã hoang mang lo sợ. Cái hy vọng của hắn không còn là phải “duy trì ngôi báu” mà chỉ là bảo toàn tính mạng…
Chúng tôi bàn nhau cách xử trí với Bảo Đại, theo hướng chung là khoan hồng, nếu có việc gì khác sẽ thỉnh thị Hồ Chủ tịch và Chính phủ sau.
Bàn xong, chúng tôi nói cho ông Phạm Khắc Hòe viết mấy điểm mà phái đoàn đề ra…
1. Sau khi đến điện Kiên Trung gặp Bảo Đại, chúng tôi sẽ nói cho biết ngày làm lễ thoái vị và nghi thức thủ tục của buổi lễ này.
2. Sau lễ thoái vị, Bảo Đại sẽ phải ra khỏi hoàng cung, chỉ được đem theo những đồ dùng riêng, còn những tài sản, vật liệu trong hoàng cung sẽ do Uỷ ban Hành chính Trung Bộ làm biên bản và bảo quản.
3. Những lăng tẩm của hoàng tộc nhà Nguyễn là công trình của nhân dân xây dựng nên phải là tài sản của nhà nước. Họ nhà Nguyễn được đến đây cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận làm của riêng.
(Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội. 1991)
 
Buổi chiều, trước khi đi gặp Bảo Đại, có một điều tưởng là nhỏ, mà làm phái đoàn khó nghĩ. Nên xưng hô thế nào với ông hoàng? Nhỡ Bảo Đại xưng “trẫm” thì sao? Chưa thoái vị, vẫn còn là hoàng đế thì xưng “trẫm” là bình thường.
Bảo Đại đang trong tay mình, xử thế nào mà chả được Nhưng chính quyền đang còn mới mẻ, ở cái thành phố đã là Ngự địa Kinh sư của nhà Nguyễn từ hàng trăm năm ta phải cư xử đúng mực để ổn định lòng người. Dù sao con người ấy cũng muốn giao đại tí “quyền lực” cỏn con còn lại cho ta. Danh từ xưng hô không quan trọng lắm, cứ gọi “ông “ theo giao thiệp thông thường, bên kia xưng gì thì xưng. Mà chắc gì Bảo Đại đã dám xưng “trẫm” với những người nắm vận mệnh mình.
Chiều hôm ấy, trước khi vào điện Kiến Trung, tôi tưởng tượng là sẽ được thấy những nhộn nhịp, hỗn tạp của một cảnh cuối cùng đương tan rã, sẽ thấy những bộ mặt ngơ ngáo của những hoàng thân quốc thích, những công nhân viên và cả vợ Bảo Đại là Nam Phương hoàng hậu. Thế nhưng, cảnh trước mắt đã khác trí tưởng tượng của tôi. Xe phái đoàn đã đậu ở cửa điện Kiến Trung, chúng tôi vẫn không thấy rộn lên cái gì ngoài hai người ra cửa đón là Bảo Đại va ông Phạm Khắc Hòe. Bảo Đại hôm ấy mặc chiếc áo dài màu lam, quần lụa, đầu trần. Trên bộ mặt nục nạc vô tri vô giác của hắn không lộ một vẻ nào khác. Câu đầu tiên mà hắn đón chào chúng tôi đã giải quyết xong một việc xưng hô giữa chúng tôi và hắn, là hắn gọi chúng tôi bằng “ông “ và xưng “tôi”. Trong phòng khách, ngoài Bảo Đại và ông Phạm Khắc Hòe ngồi tiếp chúng tôi thì chỉ có mấy người lính “khố vàng” hầu hạ trà nước. Mới đầu tôi hỏi Bảo Đại về mấy điều kiện mà phía phái đoàn đề ra có ý kiến gì không, hắn xin tuân theo cả. Sau mấy câu trao đổi ngắn gọn trong bầu không khí yên lặng, chúng tôi không biết nói gì thêm. Đối tượng của chúng tôi lúc ấy là Bảo Đại lại càng không biết nói gì. Tôi liền gợi chuyện: “Những ngày ông làm vua là những ngày nước ta bị mất nước, hết Pháp, đền Nhật, chắc ông cũng chẳng sung sướng gì, hơn nữa, chắc cũng nhiều cái khổ tâm?”. Hắn chậm rãi trả lời: “Vâng chúng tôi cũng có nhiều cái khổ tâm”. Thế rồi câu chuyện lại rơi vào chỗ yên lặng.
(Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội. 1991)
 
Tới khi về, phái đoàn lại có hai việc phải giải quyết. Như đã định, trong buổi lễ, cờ quẻ ly vẫn treo trên kỳ đài, khi có tràng đại bác nổ thì hạ xuống, cho cờ đỏ sao vàng lên. Nhưng cờ đỏ sao vàng đã ngự trên đó từ hôm 23 tháng 8, không lẽ giờ lại hạ xuống… Liệu bảo sẽ ra lệnh cho địa phương để ban tổ chức được làm. Việc thứ hai, lại ông Hòe nhắc, trong tháng này, tức tháng 8-1945, ngài Ngự và ông đều chưa được lĩnh lương. Liệu lại hứa sẽ lưu ý, giải quyết không khó khăn lắm.
Xe ra khỏi điện Kiến Trung, khi đầu óc đã rảnh rỗi, Liệu mới có thì giờ quan sát. Nhiều ô cửa nửa mở nửa đóng, những cái đầu bịt khăn đen lấp ló nhìn theo họ.
Ngày 30-8, năm vạn dân Huế tập trung trước Ngọ Môn. Cờ đỏ sao vàng cắm san sát dọc sông Hương. Ngồi trên xe tiến vào Ngọ Môn, Liệu nghĩ cái chỗ này ngày nào chỉ “sứ Thiên Triều” mới qua được, rồi thống tướng De Courcy gây chuyện đòi Tôn Thất Thuyết mở cửa cho y vào.
Bảo Đại mặc hoàng bào, quần trắng, chít khăn vàng, chân đi giày dừa thêu rồng chờ phái đoàn ở lầu Ngũ Phụng. Sau vài lời xã giao, “đương triều” và “tân triều” ra mắt quốc dân. Trần Huy Liệu thay mặt đoàn thông báo cho đồng bào biết Chính phủ Lâm thời sẽ ra mắt tại Hà Nội ngày 2 tháng 9. Tuyên ngôn Độc lập do cụ Hồ Chí Minh đọc.
Rồi đứng sang một bên nghe đọc Chiếu Thoái vị.
Dưới kia là biển người. Cần phải đọc trịnh trọng, nhất là giữ thái độ đàng hoàng, dù mình là kẻ yếu, thua trong cuộc cờ này. Xác định vậy, nhưng Bảo Đại vẫn quá xúc động. Loa phóng thanh phát không rõ điều ông nói, có thể vì đấng quân vương ít nói tiếng Việt, nhất là trước đám đông. Đám đông, dù sao cũng hiểu quyền lực đang được chuyển sang tay “tân triều”. Về việc riêng, Bảo Đại nêu hai yêu cầu chính yếu nhất, dưới dạng ôn hòa như một “mong muốn”:
 
1. Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt thánh, chính phủ mới xử trí thế nào cho có sự thể.
2. Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, chính phủ sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào sự kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chủ Cộng hòa nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
Những câu cuối cùng của bản Chiếu rất hùng hồn: Trẫm ưng làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ, quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia để lung lạc quốc dân.
“Việt Nam độc lập muôn năm? Dân chủ Cộng hòa muôn năm?”, - ông hô to.
 
Lá cờ vàng của chính thể quân chủ hạ xuống. Cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên kỳ đài giữa tiếng hoan hô như sấm. Hết hai bốn phát súng lệnh, Liệu bước lên nhận từ tay Bảo Đại thanh kiếm để trong bao vàng nạm ngọc, chiếc túi gấm đựng bộ quân cờ nạm ngọc.
 
Đến lượt trao Quốc ấn thì có chuyện. Liệu không ngờ nó nặng đến thế. Bảy ki lô gam vàng làm ông lảo đảo. Dưới kia biển người hoan hô, vỗ tay từng tràng như sấm dội. Bên trên, vị đại diện “tân triều” phải lấy hết sức bình sinh giơ cao ấn lên cho mọi người nhìn thấy. Khốn khổ là sức anh học trò mới đi tù về đâu có nhiều nhặn. Nhưng tư thế của ta lúc này là tư thế của vị đại diện chính quyền Dân chủ Cộng hòa, không thể run rẩy.
 
Vận hết sức bình sinh, Liệu giơ cao Quốc ấn vài lần, đưa đi đưa lại cho các góc cùng xem. Cuộc “cử tạ” phải kéo dài vì người bắt đầu nhảy lên, tung mũ nón. Cũng may là ông “lực sĩ” bất đắc dĩ, mặt hết đỏ lại sang tái, đã không để rơi ấn xuống sân Ngọ Môn. Rồi nó được chuyển sang tay Cù Huy Cận có thể hình tròn trĩnh, “phù hợp” hơn.
 
Cảnh tượng trên được Nam Phương hoàng hậu theo dõi từ một khung cửa sổ trên điện Kiến Trung, cùng với Bảo Long, từ nay đã thành cựu thái tử.
 
Khi nhà vua, giờ là công dân Vĩnh Thụy trở về đó, bà mới thở phào, quên đi cái hình dung kinh khủng trước đó, mình là hoàng hậu Mari Antoinette cùng chồng, vua Louis XVI bị chặt đầu. Cuộc cách mạng này, vậy là có vẻ không tắm máu như cái cuộc ở Pháp cách nay một thế kỷ rưỡi. Nhưng một nỗi buồn mênh mang lại ập đến.
 
Trần Huy Liệu hồ hởi, tất nhiên. Sự kiện không phải chỉ là việc Bảo Đại thoái vị. Cái chính, lớn lao nhất, là từ đây đất nước không còn cái chế độ phong kiến đã tồn tại cả nghìn năm nay. Những đặc quyền đặc lợi rồi sẽ hết. Còn lại, là sự bình đẳng giữa mọi công dân, là tự do, dân chủ. Đó là những lý tưởng ông hằng mong mỏi.
 
Bây giờ nhớ lại tôi nghĩ nếu đời người ta, tình yêu đầu tiên vẫn là tình yêu ngây thơ nhất, thắm thiết nhất, say mê nhất, thì nuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, theo chủ quan của tôi, cái phong vị của những ngày đầu sau cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi vẫn đậm đà nhất, nhớ lâu nhất.
(Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội. 1991)