Chương 8
Dàn nhạc biểu diễn

    
hững người thật sự chiến thắng trong cuộc chiến đó là bộ binh Nga, chân dán trong tuyết buốt ở Stalingrad, là hải quân Hoa Kì mũi đầy cát đỏ của Bãi biển Omaha, là anh du kích Nam Tư hoặc Hi Lạp chiến đấu trên núi cao. Không cơ quan tình báo nào quyết định được tiến trình của chiến tranh. Sorge, Rado (trưởng lưới tình báo Xô viết tại Thụy Sĩ), hoặc Trepper đều không thể bẻ lái được Thế chiến. Đứng trên tuyến đầu, trong phạm vi khả năng của họ và nhờ lòng tận tụy của những đồng chí của họ, các điệp viên đó đã góp phần vào thắng lợi quyết định của chiến tranh. Dàn Nhạc Đỏ là một trong những lưới tình báo quan trọng nhất của tình báo Xô viết, nhưng không phải là duy nhất. Có những lưới khác hoạt động ỏ Balan, Tiệp Khắc, Rumania, Bulgaria, Thụy Sĩ, Bắc Âu. các nước vùng Balkan. Leopold thấy cần phải đánh giá đúng vị trí của những lưới tình báo đó.
Leopold nghĩ rằng cần phải trả lời mau chóng một câu hỏi rất quan trọng: Dàn Nhạc Đỏ rất tốt, nhưng tác dụng của nó là gì? Chỉ là một tập hợp con người dũng cảm bám thắt lưng kẻ địch để lấy tin tức và tài liệu chăng? Cũng rất tốt, nhưng giá trị của nó như thế nào?
Trepper đã nêu ra những ví dụ và qua cuốn sách này, anh sẽ đưa ra những chứng cứ của hoạt động trực tiếp và những phương pháp để bạn đọc hiểu càng kĩ hơn, càng chính xác hơn.
Từ năm 1940 đến 1943, Dàn Nhạc Đỏ đã gửi về Trung tâm chừng 1500 báo cáo.
Loại báo cáo đầu tiên là nói về những phương tiện của kẻ thù: công nghiệp chiến tranh, nguyên liệu, vận tải, vũ khí mới. Trong lĩnh vực này, DNĐ có được một số chiến công. Đã gửi về Moscow các bản vẽ tuyệt mật loại xe tăng mới của Đức, loại xe tăng Con Hổ T6, để Liên Xô chế tạo ra loại xe tăng Kliment Voroshilov (KV) ưu việt hơn về mọi mặt so với xe tăng của Đức.
Xe tăng Voroshilov xuất hiện trên mặt trận khiến cho phát xít hoàn toàn bất ngờ.
Vào mùa thu năm 1941, Trung tâm nhận được báo cáo số 37 với nội dung: “Việc sản xuất hàng ngày từ 9 đến 10 máy bay Messerschmitt ME-110. Ở mặt trận Liên Xô, Đức bị bắn rơi mỗi ngày 40 máy bay”. Rất dễ dàng thấy thất bại của không quân Đức.
Cuối năm 1941, DNĐ báo cáo cho Cục trưởng: “Nhà máy Messerschmitt mấy tháng qua đã đóng loại máy bay tiêm kích mới có tốc độ 900 km/h.”. Bản vẽ của loại máy bay đó đã được chụp vào microfilm và chuyển về Moscow. Vài tháng sau, một loại máy hay tiêm kích Xô viết ưu việt hơn loại Messerschmitt xuất xưởng.
Loại báo cáo thứ nhì nói về tình hình quân sự: số lượng sư đoàn, vũ khí dự trữ, kế hoạch tấn công.
Ví dụ báo cáo số 42 ngày 10-12-1941: “Không quân Đức có ở tuyến 1 và 2: 21.500 máy bay, trong đó có 6.258 máy bay vận tải; 9.000 máy bay tham chiến ở mặt trận Liên Xô”.
Hoặc:
“Tháng 11-1941 - Nguồn tin Suzann. Bộ tổng tham mưu Đức đã đề xuất phải cố định trong suốt mùa đông tuyến mặt trận từ Rostov - Izyum - Kursk - Orel - Briansk - Novgorod - Leningrad.”
Vài ngày sau: “Hitler đã bác đề xuất đó và đã ra lệnh tổ chức lần thứ sáu cuộc công kích vào Moscow và dùng tất cả các lực lượng có thể có để tung vào mặt trận này.”
Cuối năm 1942:
“Ở Italia, vài bộ tư lệnh quân đội bắt đầu phá hoại các chủ trương của đảng. Không loại trừ khà năng lật đổ Mussolini (1). Đức tập trung lực lượng giữa Munich và Innsbruck đề phòng nếu có sự biến thì can thiệp.”
Cuối cùng, những điệp viên chính đều gửi báo cáo tổng hợp và những phân tích dự báo. Ví dụ:
“Các giới lãnh đạo Quân đội Đức nhận định cuộc tấn công chớp nhoáng vào Liên Xô đã thất bại và nước Đức không còn chắc chắn chiến thắng được nữa. Trong giới chỉ huy quân đội Đức, các tướng lĩnh suy nghĩ, rằng chiến tranh sẽ còn kéo dài ba chục tháng nữa và sẽ kết thúc bằng sự thỏa hiệp.”
Ai nghĩ rằng các báo cáo của Sorge, Schulze-Boysen hoặc Trepper gửi đến Moscow đều được coi trọng lắm đều là nhầm. Đầu tiên phải qua co yếu mở khóa mã, rồi những chuyên viên quân sự và chính trị chọn lọc, xác minh, so sánh với những nguồn tin khác. Cho nên báo cáo của DNĐ về việc Đức rút ba sư đoàn ở bờ biển Đại Tây Dương mùa thu 1940 về Balan được Trung tâm đối chiếu với các nguồn tin tình báo từ Balan, từ lưới tình báo trong thợ xe lửa chở những sư đoàn đó.
Mùa thu năm 1941, Hồng quân đang ở trong tình thế nguy hiểm. Trong năm tháng trời, quân Đức đã tiến 1200 km. Kiev thất thủ, vựa lúa mì bị phát xít ùa vào. Ở phía cực nam, tướng Manstein đã tiến đến Biển Đen. Ở phía Bắc, Leningrad bị uy hiếp, còn ở phía giữa Liên Xô, Smolensk rơi vào tay quân thù, vậy là con đường quân phát xít tiến về Moscow đã bị mở.
Trong một bản thông cáo chiến thắng, Hitler đã tuyên bố: “Quân Nga đã bị tiêu diệt. Moscow sẽ thất thủ trong ít ngày nữa thôi”.
Bộ tham mưu Đức chuẩn bị các kế hoạch chiếm đóng thủ đô Liên Xô và chuẩn bị cả bộ máy quản lý thay thế. Hitler tin chắc rằng Moscow thất thủ sẽ gây ra sự hoảng loạn trong quân đội và nhân dân, buộc Stalin phải đầu hàng. Hắn triệu các tướng lĩnh đến bản doanh ở Rastenburg tại Đông Phổ để quyết định kế hoạch tấn công. Quốc trưởng chủ trương đánh vỗ mặt vào Moscow, nhưng bộ tham mưu của hắn đề xuất kế hoạch bao vây: các quân đoàn số 3 và số 4 sẽ hội quân tại lưng Moscow sau khi đánh vu hồi rất xa. Chính phương án này được chọn.
Leopold ngày nay tiết lộ rằng có một chiến sĩ của DNĐ đã dự cuộc họp cấp cao này. Viên thư kí tốc ký là thành viên của nhóm Schulze-Boysen đã ghi chép cẩn thận những ý kiến của Hitler và các tướng phát xít. Bộ tham mưu Xô viết nắm chắc kế hoạch của địch nên đã chuẩn bị kế hoạch phản công và đẩy lùi một cách thắng lợi quân đội Đức (Cần nhấn mạnh giá trị tuyệt vời của những tin tức do Sorge báo cáo khẳng định Nhật Bản án binh bất động, nhờ đó Liên Xô đã điều được những sư đoàn sung sức từ miền đông về thủ đô và đã góp phần quyết định cho chiến dịch bảo vệ Moscow). Cũng viên thư kí tốc kí đó đã báo cáo trước 9 tháng về kế hoạch của Đức tấn công vùng Caucasus. Ngày 12- 11 - 1941 Trung tâm nhận được báo cáo sau đây:
“Kế hoạch III mà mục tiêu là Caucasus đầu tiên định vào tháng 11 mở màn, nhưng sẽ tiến hành vào mùa xuân 1942. Tập trung xong lực lượng vào 1-5. Toàn bộ cố gắng hậu cần hướng về mục tiêu đó kể từ 1-2. Các căn cứ xuất phát của chiến dịch Caucasus là Losowaia - Balakleya - Chuguyev - Belgorod - Achtynka - Krasnograd. Bộ tổng tư lệnh đóng ở Kharkhov - sẽ báo cáo các chi tiết sau”.
Ngày 12-5 một giao liên đặc biệt đến Moscow, mang theo cuốn vi phim do Leopold gửi về bao gồm các tin tức về các trục tấn công: tháng tám chiếm xong vùng Caucasus trong đó có Baku và tất cả các giếng dầu lửa. Stalingrad là mục tiêu chủ yếu của cuộc tấn công.
Ngày 12-7, lập bộ chỉ huy mặt trận Stalingrad do tướng Timoshenko chỉ huy. Thế là bẫy đã giăng ra và quân đội Đức sẽ rơi vào chiếc bẫy khổng lồ này.
Chú thích

(1) Sáu tháng sau Mussolini bị lật đổ.