Chương 18
CẠN TẦU RÁO MÁNG

Chiến tranh kết thúc...
Hầm phòng không nay dùng làm chỗ ở tạm cho Tomoko.
Tomoko đang nấu cơm với một nhúm gạo và bằng một cái nồi méo mó vừa được lôi ra khỏi đám gạch vụn của nhà bếp, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.
– Mẹ!
Ikuyo ngửng đầu lên.
– Mẹ làm gì đó?
– Tao gội đầu.
– Mẹ đã rửa chén bát chưa?
– Chưa. À này, tao vừa tìm được những cái thìa bằng sứ.
– Ở đâu?
– Dưới đống đĩa bát vỡ nát trong nhà bếp. Có lẽ mày đã quên chôn cất các chén bát Trung Quốc, và tao đã nhặt được ba cái thìa còn nguyên vẹn.
– Thật là khó tin, bằng sứ mà lại không sứt mẻ gì! Tomoko vừa phấn khởi nói vừa đưa tay ra cầm lấy những cái thìa.
– Con đã đào bới đống đổ nát đó, tuy nhiên...
Đã lâu lắm rồi. Nay cô mới cảm thấy lòng lâng lâng. Cô tiếp tục nói huyên thuyên. Từ hôm cô bắt đầu đào bới để moi lên vài ba cái bát bằng sứ trắng lần lượt được lấy lên từ lòng đất.
Đó là tất cả những gì còn sót lại từ ba nghìn mét vuông đất. Không còn lại một tí gì của Hanaya, và không ai biết được là ngày mai điều gì sẽ đến với chúng ta, nhưng với đất và chén bát, ta sẽ làm lại cuộc đời. Đây không phải là lần đầu mà chỉ trong một đêm cô đã mất hết tất cả những gì cô có. Cô nhớ như in cái ngày ấy của năm 1923, ngày mà quán Hana Tsukawa bị sụp đổ trong trận động đất mạnh. Và bây giờ đến lượt Hanaya.
– Mẹ thấy đấy, nước Nhật đã bại trận và bị người Mỹ chiếm đóng, nhưng người Nhật chúng ta, bằng cách này cách khác, vẫn sẽ tồn tại. Khách sạn của con đã bị cháy thành tro bụi nhưng toàn Tôkyô cũng bị cháy, và người ta sẽ còn gặp muôn ngàn khó khăn trong một thời gian nữa, nhưng cho dù là không có gì, người ta cũng không thể sống được mà không ăn... Con tự hỏi là có nên mở một quán ăn nhỏ hay không. Con thì tin chắc là nó sẽ ngày một khá lên. Ngay ngày mai, mẹ trông nhà cho con để con đi tìm nơi mua lương thực, thực phẩm.
Tomoko đang say sưa xây dựng kế hoạch làm ăn thì bỗng dưng cô nhận ra là từ nãy giờ mẹ không nghe cô nói mà chỉ nhìn vào khoảng không.
– Mẹ!
Ikuyo giật mình ngẩng đầu lên và nhìn con với đôi mắt nhòa vì ánh nắng.
– Có chuyện gì thế mẹ?
– Tomoko, mẹ tự hỏi là lúc này Hachirô đang làm gì. Đến bây giờ thì ắt lão ta đã biết là Tôkyô đã bị bom đạn Mỹ tàn phá tan tành, thế mà cũng chẳng biên thư hỏi thăm tao.
Tomoko rùng mình ớn lạnh.
Vậy là trong lúc cô đang tràn đầy hy vọng là sẽ hồi sinh và tâm sự với mẹ về những kế hoạch tương lai, vào lúc cô vừa quyết định là sẽ vùng dậy bằng chính sức mình, không cần đến sự giúp đỡ của đàn ông thì mẹ cô lại chỉ bận tâm về bản thân và trách móc ông chồng.
– Này Tomoko, có chuyện gì xảy ra với lão ấy nhỉ? Ở Osaka cũng có các công binh xưởng và binh lính, vậy thì chắc hẳn là ở đó cũng bị chiến tranh tàn phá, thế mà ông ta cũng chẳng hề đến Tôkyô thăm tao lấy một lần nào.
– Úi chà, vào thời buổi này ai mà còn có thì giờ rảnh rỗi để quan tâm đến mẹ và sức khỏe của mẹ?
Tomoko khạc nhổ rồi đứng dậy bỏ đi, lòng đầy ác cảm với người mẹ chỉ lo gội đầu, chải tóc và hỏi chồng nay ở đâu, làm gì, tại sao ông ta lại không đến...
Ikuyo không nắm bắt được tâm trạng của con gái trong lúc này, vẫn lè nhè bước theo cô:
– Trước đây, mỗi lần tao đi Tôkyô là lão vội vã thu xếp mọi việc để đến đây tìm tao, đúng thế không nào? Ấy vậy mà nay, biết tin Hanaya bị thiêu hủy, lão cũng chẳng vác mặt đến, và bây giờ đã là tháng ba, tư, năm, sáu, sáu tháng rồi!
– Mẹ hẵng nghe con nói này. Nước Nhật bại trận đang rối như canh hẹ; một đất nước bách chiến bách thắng thế mà vừa bị đại bại, bởi vậy chẳng có gì phải ngạc nhiên nếu như giao thông giữa Osaka và Tôkyô bị gián đoạn.
– Nhưng chiến tranh đã kết thúc được một tháng nay rồi. Có lẽ lão Hachirô nghĩ tao muốn sống trọn đời trong cái hang chuột này chăng?
– Con rất đau lòng để mẹ phải sống trong cái hang chuột này, mẹ ạ.
Cô cảm thấy mẹ quá ngây ngô. Dưới cái nóng như thiêu như đốt, khi mà ai nấy đều bận túi bụi cho một mục tiêu duy nhất là sống, thì việc ông già đó có đến tìm bà hay không có gì là quan trọng! Hầm trú ẩn có lẽ là một ổ chuột, nhưng mọi thứ ở trong đó đều vô cùng quí báu, sẽ rất cần cho hai mẹ con, như những cái chén mà sáng nay họ vừa đào lên được. Trong khi họ không có ai, không có lấy một người đàn ông nào ở bên cạnh để giúp đỡ, thì một ổ chuột cũng là một chỗ trú thân quí báu rồi.
– Nếu mẹ quá lo lắng như vậy thì mẹ cứ đi Osaka để xem có chuyện gì xảy ra ở đấy không.
Hoảng hốt, Ikuyo vừa thì thào vừa nhìn con gái với đôi mắt mất hết cả thần sắc:
– Tao đi à?
– Vâng, – Đi một mình à?
– Mẹ không thích cái “ổ chuột” này, có phải thế không nào? Mẹ không thích sống với con ư? Vậy thì tại sao mẹ lại không muốn trở về đó? Con không giữ mẹ đâu. Dù sao đi nữa thì mẹ cũng là vợ của Hachirô Kuwata, phải không?
– Tomoko!
Ikuyo nhăn mặt và nói với giọng van lơn:
– Tao không phải vợ của lão.
– Mẹ nói gì mà kỳ quặc vậy?
– Tao không yêu lão.
– Vậy thì tại sao mẹ lại lo ông ta đã bỏ mẹ?
– Điều đó không làm cho tao sốt ruột. Tao chỉ muốn biết là lão đã chết chưa.
–...
– Này Tomoko, nếu đúng như vậy thì tao chỉ còn có mày là chỗ dựa trên đời này nữa mà thôi.
Đừng nói độc ác với mẹ. Mẹ xin lỗi là đã nói đến cái ổ chuột, như thế là không đúng. Hãy giữ mẹ ở lại đây, cho dù là mẹ có làm con thêm khó khăn.
Con đồng ý nhé.
Tomoko giận dữ nhìn mẹ nói trắng trợn nói là bà không yêu ông Hachirô và không còn là vợ của ông ấy nữa! Còn tôi, cô tự nói với mình, thì không con lẫn không chồng để có nơi nương tựa, tôi chỉ có cách là trông chờ vào chính mình mà thôi.
Ngay chiều hôm đó và đến tận lúc hoàng hôn, Tomoko cố gắng viết thư gửi cho Hachirô Kuwata ở Osaka.
Chúng tôi tuyệt nhiên không nhận được tin tức gì của chú. Nhà của tôi đã bị cháy trụi, nước Nhật đã thua trận. Nỗi kinh hoàng của những đợt giội bom giờ đây như một cơn ác mộng. Chúng tôi sống trong một hầm trú ẩn, và mẹ thì luôn luôn chỉ nghĩ về chú. Bà rất sốt ruột vì từ mùa xuân đến nay chẳng có tin tức gì về chú. Tôi nghĩ là không nên yêu cầu chú làm việc này sau biết bao nhiêu là điều phiền toái mà mẹ tôi đã gây cho chú. Nhưng chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa cuộc sống trong hầm và đã suy nghĩ kỹ về kế hoạch xây dựng lại cơ ngơi đã bị tàn phá, nhưng sự có mặt của...
Viết đến đây, Tomoko đắn đo mãi, cuối cùng cô mới hoàn tất được bức thư bằng câu “nếu chú vẫn bình yên vô sự thì xin chú cho tôi biết chú có định đón vợ chú về Osaka không.”.
Cho lá thư vào phong bì, cô sực nhớ tới Yasuko.
Hay lắm, Tomoko quyết định. Cô sẽ không thể nào thực hiện ý đồ của mình nếu cô còn phải chăm sóc một mẹ già sáu mươi với tính khí đồng bóng, đến nhấc ngón tay lên để lao động cũng không xong. Mùa hè thì còn tạm được, chứ với cái rét đầu mùa thì người già lão làm sao mà chịu đựng được cuộc sống chui rúc trong cái hầm này? Cả Yasuko lẫn người tình của nó đều không thể cưu mang được Ikuyo. Chỉ có cách là Tomoko trợ cấp cho chúng nó một số tiền để chúng nhận bà đến ở chung một thời gian.
– Tomoko, mày biên thư cho ai đấy?
– Con không viết được, cô vừa trả lời mẹ vừa xé bức thư cô đang viết dở dang. Con đi đây một lát mẹ ạ.
– Mày đi đâu?
– Con vừa nảy ra một ý.
– Gì?
– Con sẽ về hơi muộn, nhưng thế nào con cũng sẽ về, mẹ cứ yên tâm, đừng lo sợ.
– Nhưng mày đi đâu mới được chứ? Tao không dám ở một mình trong hầm vào ban đêm đâu!
Tomoko không trả lời mẹ. Cô lặng lẽ mặc quần phồng, vai đeo túi cứu thương và kiên quyết ra đi. Cô đi nhanh qua cầu Mêmara, lần theo đại lộ Ginza.
Tôkyô vẫn chưa có tàu điện và xe buýt. Cô nện mạnh đôi guốc gỗ xuống đường.
Phố xá đổ nát. Đây đó có những phụ nữ mặc váy. Tôkyô đã thay đổi nhiều từ khi kết thúc chiến tranh. Cô nhận thấy dân chúng xanh xao vàng vọt, áo quần xác xơ. Nhìn qua cửa sổ tàu hỏa toàn là đổ nát, điêu tàn, cây cối như đeo khăn tang, nhưng có một cái gì đó đã thay đổi. Một màu xanh rực rỡ hiện ra giữa các rặng cây cháy đen. Thiên nhiên, dân chúng, tất cả cũng như Tomoko đều có vẻ sẵn sàng sống lại.
Cô xuống ga Nakano. Cô nghĩ rằng nhà của Yasuko và cái gã tự xưng là Maejima chắc là được bom đạn buông tha, chứ không thì chắc chắn là Yasuko đã đến thăm bà chị rồi. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, hai đứa đã nhiều lần đến thăm Hanaya để được những bữa ăn no nê, và bà chị đã luôn cho họ tiền hoặc thức ăn, đồ uống.
Maejima bị sung vào nhà máy sản xuất vũ khí và ít ra thì cũng đã có công ăn việc làm, nhưng bây giờ thì nhà máy đã đóng cửa cho nên chắc nó cũng túng thiếu, Tomoko nghĩ như vậy. Còn Yasuko cũng lười biếng như mẹ nó, lại không có chút tài năng gì nên thất nghiệp là cái chắc.
– Có ai trong nhà không? Tomoko vừa cao giọng hỏi vừa đi vào nhà. Cái đầu tiên mà cô nhìn thấy là ba đôi giày ống bằng da nâu mà cô từng thấy trong chiến tranh, những đôi giày của quân đội Mỹ! Thế nghĩa là sao? Yasuko và gã kia đã làm gì trong căn nhà này?
Yasuko trông thấy chị ở lối vào nhà nhưng không thèm chào hỏi. Tomoko đành phải lên tiếng trước:
– Chào em, em khỏe chứ?
– Vâng.
– Chị mừng là nhà em còn nguyên vẹn. Maejima thế nào?
– Anh ấy đi vắng.
– Còn em, bây giờ em làm gì?
– Em giặt thuê.
– Chị vào được chứ?
– Mời chị vào.
– Nhìn thấy những đôi giày ở cửa, chị nghĩ là có lính Mỹ ở đây.
Yasuko phá cười lên, hãnh diện:
– Những đôi giày đó đều là của Maejima cả, mỗi ngày anh ta đi một đôi.
– Thế ư? Trông em và hắn có vẻ phát đạt nhỉ.
Yasuko trở lại với hai chén nước chè nâu:
– Mời chị.
– Cảm ơn em.
Tomoko đón lấy chén nước nhấm nháp. Cô cảm thấy ngay một vị khác hẳn vị chè Nhật. Đúng là chè Anh.
– A, thật là chuyện hiếm! Đã nhiều năm nay chị không được uống thứ chè này. Vị ngon quá. Chè ngoại nhập phải không?
– Hình như là chè Lipton.
Ngây ngất trước vị chè, Tomoko tiếp tục tự hỏi mình về những hoạt động của Maejima. Trước chiến tranh hắn chỉ là một khách hàng ngẫu nhiên của Hanaya, hắn đến đấy chỉ để ăn uống và chẳng làm gì. Rồi hắn chung sống với Yasuko. Khi cần một số tiền lớn thì chúng lại cầu cứu đến cô. Sau chiến tranh việc cả vợ lẫn chồng không ai nghĩ đến chuyện đến thăm ân nhân của mình để chia buồn về chuyện khách sạn Hanaya bị thiêu cháy hoàn toàn đủ để chứng tỏ chúng thật là vừa đôi phải lứa. Tomoko nẫu cả ruột trước thái độ bạc bẽo của cô em gái.
– Chồng em bây giờ làm gì?
– Em cũng không biết nữa...
Nhìn mắt em, Tomoko biết chắc là nó không nói dối.
– Em biết không, Yasuko, mẹ đã về sống với chị mấy hôm nay rồi, và hiện giờ mẹ đang ở đó, trong căn hầm.
– Thế ạ?
Yasuko không chút ngạc nhiên và cũng không hỏi gì thêm.
– Chị không có ý định ăn không ngồi rồi mãi trong căn hầm bởi vậy chị nhờ em trông nom, chăm sóc giúp chị một thời gian để chị có thể bắt tay ngay vào công việc. Chính vì lẽ đó mà hôm nay chị đến gặp em...
–...
– Giờ đây chị không còn có nhiều tiền như trước đây, nhưng chị không yêu cầu em phải cưu mang mẹ. Vả lại cũng chỉ một thời gian ngắn thôi mà.
– Hễ có được một mái nhà là chị sẽ đến đón mẹ về. Được không Yasuko?
– Tại sao chị không đưa bà ta về Osaka?
– Chị chắc là chú Hachirô sẽ không chấp nhận; chưa bao giờ mẹ xử sự với ông như một người vợ. Ông ấy đã không đến tìm mẹ chứng tỏ là ông không muốn sống với bà ấy nữa.
– Đối với em, bà ta cũng chẳng bao giờ cũng xử sự như một người mẹ cả, chị Tomoko ạ.
– Phải, chị biết. Đối với chị cũng vậy, nhưng cha mẹ là cha mẹ.
–...
– Chúng ta không thể bỏ mặc mẹ già trên sáu mươi sống trong một cái hầm phòng không được! Bây giờ còn là mùa nắng ấm, chứ đến khi trời trở rét, hoặc mưa dầm thì khổ vô cùng tận.
– Kẻ nào đã gieo gió thì sẽ gặt bão.
Miệng há hốc vì ngạc nhiên, Tomoko nghe những lời đó mà não cả lòng. Lời nói từ cái miệng xinh đẹp mới độc ác làm sao, giống hệt như miệng của mẹ nó!
– Vậy theo em thì nên làm thế nào? Cho dù là bà ta chưa bao giờ xử sự với em như một người mẹ thì cái từ “mẹ” vẫn tồn tại cơ mà! Em và chị, chúng ta đều là những đứa con của mẹ, chúng ta có cùng dòng máu của mẹ, chúng ta không thể bỏ mặc mẹ như vậy được.
–...
– Chị biết là em không có chút tình cảm nào đối với mẹ. Vì vậy chị xin em để mẹ ở với em chỉ một năm thôi. Chị sẽ đưa em tiền để em chi vào ăn uống của mẹ.
–...
– Chị tin là em sẽ không từ chối lời đề nghị của chị. Nếu một người hoàn toàn xa lạ mà rơi vào cảnh ngộ như mẹ thì em cũng không nỡ nào từ chối cơ mà. Đồng ý chứ?
– Em chẳng biết nữa, em phải hỏi ý kiến của Maejima đã.
– Mấy giờ thì chú ấy về?
– Tùy lúc. Có hôm anh về rất muộn. Hôm nay, ăn sáng xong là anh ấy đi ngay...
– Nhưng chiều nào Maejima cũng về chứ?
– Vâng.
– Nếu vậy thì chị đợi.
Tomoko nhất quyết ở lại và chỉ ra về khi nào cô có được sự đồng ý của Maejima. Cô không thể bắt tay vào công việc chừng nào cô chưa tìm được giải pháp về mẹ.
Yasuko ngồi nguyên tại chỗ và lặng thinh. Quan sát bộ mặt phụng phịu trông nghiêng của nó, Tomoko thầm công nhận là nó giống mẹ như đúc.
Khoảng tám giờ tối thì Maejima về. Gã mở cửa rầm rầm, miệng hét to “hello” làm Tomoko phải sửng sốt, quên cả chào nó.
– A bà chị vợ! Lâu lắm rồi nhỉ, bây giờ chị ở đâu? Hanaya đã cháy trụi phải không? Hôm nọ tôi đi xe Jeep đên quận Ginza cũng bị tàn phá tan tành.
Tomoko lạnh nhạt đáp lại:
– Còn chú thì trông có vẻ phát tài lắm. Xin chúc mừng.
Áo quần, bộ dạng và cách nói năng thô lỗ của Maejima chỉ làm cô thêm ngạc nhiên và hoảng sợ.
– Phải mà, chiến tranh đã kết thúc, bây giờ người ta đã được sống tự do, đúng không? Quân đội chiếm đóng đảm bảo sự tự do cho người Nhật, nhờ vậy mà tôi cũng trở nên thịnh vượng. Nào, Yasuko, mang bia lại đây! Tôi muốn cụng ly với chị. Đưa cả sôcôla nữa, và mở hộp măng tây nhé! Còn cô, cô có thể uống coca với chúng tôi. Đúng rồi, coca cola mà tôi cất dưới giường ấy.
Khuya lắm Tomoko mới về. Một mình đi trong đêm thanh vắng, trên các đường phố bị bom đạn chiến tranh tàn phá tan hoang là điều không hay đối với một phụ nữ, nhưng sự khó chịu về lời lẽ huênh hoang của Maejima làm cô quên cả nỗi sợ hãi. Maejima đã từ chối thẳng thừng để nghị của cô.
– “Bà con! – Gã nói một cách khinh bỉ.- Nhưng thưa bà chị vợ, bà con, gia đình, tất cả những chuyện này đều đã lỗi thời rồi! Giờ đây người ta đang sống trong chế độ dân chủ. Vậy thì xin bà hãy thôi, đừng có quan tâm gì đến mẹ bà cả. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về điều gì đã xảy ra với bà ta. Từ nay trở đi là thời đại của chủ nghĩa cá nhân! Bà là bà, tôi là tôi, Yasuko là Yasuko, mỗi người phải tự gìn giữ lấy hạnh phúc của chính mình. Mẹ của chị phải tự lo lấy cái thân xác của bà. Hãy bỏ mặc cho bà ta gục ngã! Chị vừa nói là sẽ mở một quán ăn, phải không? Tôi có thể cung cấp cho chị mọi thứ lương thực, thực phẩm mà chị muốn. Ê Yasuko, mang sugar đến đây! Sugar nghĩa là đường. Và xin bà chị nhớ cho rằng bây giờ người ta sống theo Anh quốc. Chị, chị hãy nhìn đường này, loại đường thượng hạng đấy. Ten pouds! Mười bảng Anh, và tôi để lại cho chị với giá ba trăm yên đấy, nhưng chị đã giúp đỡ chúng tôi nhiều, tôi bán cho chị theo giá mua thôi. Chị thấy thế nào?”.
Cơn giận tràn ngập lòng Tomoko khi cô qua cầu Mihara. Bất lực và giận dữ, nước mắt đầy tròng khi cô về đến trước cửa hầm. Cô cảm thấy sục sôi với đứa em gái đã dám nói là mẹ chưa bao giờ làm được gì cho nó. Cô rất phẫn uất khi nghe thằng em rể khuyên cô không nên chăm sóc mẹ, mà bỏ mặc mẹ cho số phận. Thật là cạn tàu ráo máng! Để trả thù chúng, cô quyết tâm chăm sóc mẹ và khôi phục lại nghề kinh doanh khách sạn phát đạt như Hanaya. Cô sẽ xoay trở thực phẩm ở chợ đen và bước đầu khai trương một tiệm ăn nhỏ.
Một lát sau, khi đã trấn tĩnh, cô mở cửa hầm và nhẹ nhàng đi vào. Cô nín thở và giỏng tai trong khoảng trống âm u. Cô nhớ lại mẹ đã dõi nhìn cô ra đi, tựa như tận đáy lòng mẹ đã van xin cô đừng bỏ mẹ lại một mình.
“Mẹ ơi, con đã về. Yasuko, con gái của mẹ đã từ chối đón mẹ về ở với nó.
Vậy là bây giờ mẹ chỉ còn lại đứa con duy nhất là con. Và con cũng chẳng còn em gái nữa. Chúng ta cần phải chung sống với nhau. Chúng ta sẽ ra khỏi cái ổ chuột này, con sẽ xây một cái nhà tuyệt đẹp trên mảnh đất này. Con mong mẹ chia sẻ cùng con những khó khăn sẽ đè nặng lên đôi vai con và mẹ sẽ thấy là chúng ta cũng sẽ sung sướng trong tinh thần mẹ yêu con, con kính mẹ như bao cặp mẹ con bình thường khác”.
Cô thì thầm với mẹ rất lâu trong không gian tĩnh mịch và lần mò được chỗ nằm của bà. Ô kìa, tay mẹ ghì chặt cái gì vậy? Dưới ánh trằng mờ nhạt cô phát hiện ra đó là một phong thư. Cô liền nhẹ nhàng gỡ tay mẹ ra và cầm lấy phong thư đi ra ngoài. Đó là thư Hachirô xin lỗi đã không cho bà biết tin tức gì về ông.
Lửa tình rực cháy trong lòng con người đã ngũ tuần ấy. Điều này đã làm vui lòng Ikuyo. Xem xong thư bà ngủ một giấc ngon lành trong sự chờ đợi một ngày mai tươi sáng.