Chương 16
SỐNG LÀ ĐỂ TRÔNG THẤY NHỮNG NGƯỜI KHÁC CHẾT

Sống há không phải là trông thấy những người khác chết? Mọi người đều sinh từ một người mẹ và một ngày nào đó sẽ phải lìa đời, nhưng không một ai lại có cùng một quãng đời với người khác. Một số người, trẻ hơn cô, đã vĩnh biệt thế giới này, còn một số khác, như con của Yasuko, thì đã trở thành người thiên cổ ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Con người, cho dù là sống lâu muôn tuổi, nhưng khi chết đi thì cũng để lại muôn vàn đời sau những tiếc nuối thân thương, chẳng làm sao tránh được lưỡi gươm của tử thần. Cái chết của bà ngoại Tsuna, cái chết của bá tước Konami, của Keisuke Kôsaka. Và bây giờ, Shuichi Nôzawa.
Tomoko nghe tin Shuichi Nôzawa mất do thư ký của ông báo qua điện thoại.
Cái chết của ông quá đột ngột, quá trừu tượng đối với cô. Sau khi quyết định là sẽ không ra khỏi nhà trong ngày mai táng, cô đứng dậy đi lấy chiếc áo tang mà cô đã mặc hôm mai táng bá tước Konami với danh nghĩa là phu nhân của Nôzawa để được dự lễ và ngồi hồi lâu, mắt nhìn vào khoảng không vô định.
Thấm thoát đã mười hai năm rồi và cô không còn dịp nào nữa để mặc chiếc áo kimono này.
Ít lâu sau Ikuyo đột ngột xuất hiện ở Hanaya.
– Thưa cô, bà... - người tớ gái báo tin.
– Mẹ tôi ư...? Từ Osaka đến à? Đi với ai? Một mình hả?
Tomoko liền đứng phắt dậy và dồn dập hỏi. Vừa lúc đó Ikuyo xuất hiện, mặt mày rạng rỡ.
– Mẹ! Lâu lắm con mới được gặp lại mẹ.
Không nói không rằng, Ikuyo ngồi phệt ngay giữa phòng, vẻ buồn rầu.
– Tao có thể ở lại đây ít hôm được không?
– Nếu mẹ muốn, nhưng mẹ cho con biết có chuyện gì vậy?
– Hẵng khoan, để tao tắm đã, rồi tao sẽ kể hết cho mày nghe.
Tomoko lặng lẽ ngắm nhìn mẹ. Bà ta trông vẫn trẻ, nhưng hơi mập. Bà mặc một chiêc kimono sang trọng, ngón tay đeo nhẫn ngọc bích to.
– Đã bao năm rồi chúng ta chưa gặp lại nhau hở mẹ?
– Cũng phải đến mười năm rồi ấy nhỉ.
Tomoko muốn hỏi thăm tin tức về Hachirô nhưng cô cứ phân vân không biết gọi ông ta như thế nào. Gọi là “chồng mẹ” thì nghe kỳ quá, còn gọi là “Hachirô”.
thì suồng sã quá; cuối cùng cô chọn “ông Kuwata”.
– Ông Kuwata có khỏe không mẹ?
Ikuyo chau mày và trả lời một cách kỳ quặc:
– Tao không biết gì cả! Cái lão ấy chẳng bệnh tật gì, kể cả cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu.
– Yasuko vừa mới ở đây mẹ ạ.
–...
– Mẹ có biết không?
– Tao có nghe nói.
Tomoko rất ngạc nhiên trước thái độ dửng dưng của mẹ. Cô quyết định là không nói gì thêm về Yasuko nữa.
– Mẹ, thế ông Kuwata có biết mẹ đang ở đây không?
– Tao bỏ đi mà không nói gì với lão ta cả, nhưng lão cũng biết là tao không còn chỗ nào khác nữa.
– Mẹ cãi lộn với ông Kuwata à?
Nghe tới đây Ikuyo liền đứng bật dậy và đi lại gần con gái.
– Tomoko, tao muốn mày nghe kỹ những gì tao sắp nói với mày như những lời trối trăng của tao.
Những lời trối trăng của bà? Tomoko không tin ở tai mình nữa.
– Sao?
– Khi tao qua đời, tao muốn di hài của tao sẽ được để cạnh di hài của cha mày.
– Mẹ nói lăng nhăng gì vậy?
– Tao muốn được chôn cất trong hầm mộ của nhà Tazawa.
Ý kiến này của Ikuyo thật quá vô lễ đối với gia tiên khiến Tomoko đứng lặng thinh hồi lâu. Định thần lại, cô ngồi dịch sát vào mẹ và nghiêm nghị nói:
– Mẹ, mẹ hãy nghe con. Mẹ là vợ của Hachirô Kuwata. Mẹ đã kết hôn với ông ta đúng theo luật pháp. Vậy thì điều gì khiến mẹ nói lên những ý nghĩ đáng bị trời trừng phạt đó? Với Hachirô, mẹ có thiếu thốn gì đâu?
– Cho dù tao có nói với mày, thì mày cũng chẳng hiểu được đâu.
– Thôi, mẹ im đi. Xin mẹ nhớ cho rằng mẹ kết hôn với ông ta rồi về sống với ông ở Osaka theo ý muốn của mẹ, vậy thì khi mẹ qua đời, mẹ sẽ được chôn cất trong hầm mộ của nhà Kuwata, chấm hết.
– Nhưng Seikichi là cha mày?
– Mẹ đã cạn tàu ráo máng với cha con rồi cơ mà. Từ ngày cha qua đời đến giờ, mẹ đã ăn nằm với bao nhiêu người đàn ông rồi? Mẹ thật là táo tợn, dám nói lên điều đó vào lúc này. Mẹ có biết là xử sự như vậy đối với Hachirô là nhẫn tâm không?
– Mày không hiểu đâu.
– Mẹ không giải thích cho con thì làm sao con hiểu được? Tại sao mẹ lại bỏ Osaka? Hachirô đã làm gì mẹ?
– Ông ấy không làm điều gì hại đến tao cả. Ông ta quán xuyến mọi việc, về con cái, về cửa hiệu, làm hùng hục suốt ngày không chút nghỉ ngơi!
– Mẹ có ý định bỏ ông ta à?
– Đâu có. Vả lại nếu tao muốn chia tay với ông ấy thì ông cũng chẳng đồng ý đâu.
– Nhưng mẹ muốn bỏ ông ta phải không? Mẹ cứ nói toạc ra đi.
– Ừ tao muốn đấy, nếu mày chấp thuận cho tao ở đây.
– Con không đồng ý.
Tomoko cảm thấy nhẹ nhõm sau khi nói thẳng ra được điều đó.
– Mẹ, mẹ phải trở lại Osaka ngay, con sẽ đi mua vé cho mẹ.
– Sao? Tao cốt đến đây là để thăm mày cơ mà! Ít ra thì mày cũng giữ tao lại vài ba ngày chứ.
– Không cần thiết đâu.
– Tao van mày, Tomoko...
– Con không đồng ý! Mẹ sẽ đi chuyến tàu sáng.
– Tomoko, mẹ chỉ còn có mình con trên đời này, con là người duy nhất mà mẹ có thể trông cậy được, thế mà con lại nỡ lòng nào nói với mẹ độc ác như vậy. Trời ơi là trời, sao tôi lại đau khổ thế này!
– Thôi thì mẹ cứ ở lại vài hôm.
Độ ba ngày sau khi Ikuyo trở về Tôkyô thì Hachirô xuất hiện. Hình như ông ta ra đi vội vã nên không mang theo hành lý gì cả. Râu ông lởm chởm, tóc dài và bù xù trông như một người hoang dã.
Tomoko đến chào ông và thầm nghĩ với ngoại hình ông như thế này Ikuyo có chê ông thì cũng chẳng có gì là lạ cả.
– Chào cô chủ, trông cô chẳng thay đổi gì.
– Mẹ cháu quấy nhiễu chú nhiều quá với tính khí đồng bóng của bà, có phải không ạ?
– Không, không đâu, lỗi tại tôi. Bà chủ nổi giận là phải. Tôi đến đây để đưa bà về. Mong cô nói giúp cho tôi một lời.
Tomoko không tin vào đôi tai mình nữa, lẽ nào chú ấy vẫn gọi mẹ em là “bà chủ” sau chừng ấy năm lấy nhau?
– Chú Hachirô, chính vì chú xử sự như vậy cho nên bà ấy mới được thế hách dịch với chú đấy. Khi bà ta trái chứng trái nết thì chú cũng phải ăn miếng trả miếng, đỏ mặt tía tai lên chứ.
– Nếu tôi mà nổi cáu lên thì sẽ xảy ra biết bao nhiêu là điều phiền toái. Thôi thì đành phải xin lỗi bà ta để được yên cái thân già. Một sự nhịn là chín sự lành, cô ạ.
Thực là một cặp vợ chồng kỳ quái! Giữa họ không có quan hệ vợ chồng mà là quan hệ chủ tớ như xưa kia. Ôi sao mà buồn vậy, một cái buồn vô danh!
Tomoko nghĩ rằng họ sẽ ở lại đây vài ba ngày vì Hachirô vừa phải đi một quãng đường dài, nhưng ngay ngày hôm sau, ông đã vội vã ra về cùng với vợ.
Bà Ikuyo chia tay con gái mà không chút bịn rịn nhớ thương. Còn Tomoko thì có cảm nghĩ là mọi sự quan tâm của cô dành cho họ đều là vô ích cả. Cô gần như là hối hận đã lén lút giúi vào tay mẹ mười yên lúc chia tay.
Mẹ vừa đi khỏi thì Tomoko nhận được thư vay tiền của Yasuko. Thư không nói rõ cần bao nhiêu tiền, cần tiền để làm gì cũng không nói rõ là mượn hay xin.
Nhưng Tomoko cũng gửi cho em ba mươi yên.
Tháng mười hai trôi qua nhanh. Tomoko đang tất bật chuẩn bị cho lễ đón mừng năm mới thì thình lình cô đầy tớ gái chạy vào, mặt mày tái mét báo tin:
– Thưa cô, chiến tranh bùng nổ!
– Mày nói gì?
– Chiến tranh! Radio loan báo là tướng Tojo vừa tuyên chiến với Mỹ, Anh.
Tomoko liền mở máy thu thanh, âm vang một khúc quân hành. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến tranh đã bùng nổ!
Ít lâu sau, viên thư ký của Nôzawa đến thăm cô ở Hanaya và trao cho cô một kỷ vật của ông Nôzawa theo lệnh của bà vợ góa, một chiếc áo vải sồi mà sinh thời ông rất thích, cùng với một tập giấy bạc cuốn trong vải lụa. Tomoko lấy chiếc áo và từ chối lấy tiền. Nhưng viên thư ký năn nỉ:
– Xin bà nhận cho. Chúng tôi không dám làm trái lệnh bà Nôzawa.