Chương 24

Về Thăm Quê Hương
Thì Phải Mặc Áo Gấm
(Tục Ngữ Nhật)
Tomoko đã làm đúng vậy. Nhưng tại sao ở làng cô, người ta lại đón tiếp bà chủ giàu sang mặc chiếc áo kimono bằng vải sồi thượng hạng, và các ngón tay đeo đầy kim cương một cách hờ hững, dè dặt?
Cô thuê một phòng nhỏ trong quán Nhật ở Wakayama và một chiếc xe to đi về tận nhà mà cô ở từ thời thơ ấu. Xe bon bon chạy, làm tung lên những đám bụi trắng mù trời. Chuyến xe về thăm nhà lần này của Tomoko đã gây xôn xao trong dân làng Nishinosho, chủ yếu là những người tá điền cũ. Trước cổng nhà đã tụ tập những đám đông người hiếu kỳ, già, trẻ, nam, nữ, đông nhất là trẻ con.
Sau những lời giải thích và kiên trì của Tomoko, cuối cùng thì người em họ của cô cũng hiểu lõm bõm được ít nhiều.
– A, đúng rồi! Em nhớ ra rồi, dạo động đất ở Tôkyô ấy mà! Hai bà đẹp mã ở thành phố về đây lánh nạn sáu tháng; a, vậy dễ chị là bà má hồi ấy đấy nhỉ?
– Không phải, tôi là người con.
– A, đúng rồi, hồi đó chị thường hát ở trong vườn, giọng hay đáo để, phải không? Thế bà chị muốn gì nào?
– Chú có thể cho tôi biết nhà của gia đình Tazawa ở đâu không? Mẹ tôi là con dâu của nhà Tazawa.
Tazawa? Em không biết cái tên này, chị có nhớ nhầm không?
– Không, tôi nhớ rõ mà, ông Sheikichi Tazawa. Làm sao mà tôi quên được tên của cha tôi.
– Khoan, khoan. Để em đi hỏi bà già bên cạnh. Cụ thuộc vanh vách từng gia đình trong làng.
Nói đoạn anh chạy vội đi và trở lại ngay sau đó.
– Có phải là Kosaka, gia đình của ông trưởng thôn không?
– Không, ông Kosaka là chồng thứ hai của mẹ tôi, còn tôi là con gái của Tazawa. Tôi nhờ chú hỏi lại cụ một lần nữa xem. Nếu chú đồng ý thì tôi sẽ đi cùng.
Họ đi gặp bà già, da nhăn nheo từ đầu đến chân, sống trong ngôi nhà hẻo lánh, quạnh hiu, nền nhà bằng đất nện, mái ngói. Bà nhìn Tomoko với đôi mắt ti hí, vàng vọt, đầy nhử rồi hỏi:
– Cô là con gái của Ikuyo?
– Vâng ạ.
– Ikuyo, nó là đứa con gái đẹp nhất Nishinosho đấy, và anh con trai trưởng thôn đã yêu nó đến phát điên lên. Thằng chồng đã đưa con vợ nó về Tôkyô, và rồi đã bỏ vợ để về đây ở. Nhưng trời đã trừng phạt nó. Nó đã chết vì lao phổi.
Con gái của chúng nó đã bỏ đây để đến ở với mẹ nó ở Tôkyô. Vậy chính cô là đứa con gái đó?
– Không phải ạ. Nó là Yasuko, em cháu. Còn cháu là con gái của Tazawa.
– Hử, sao?
– Tazawa ạ.
– A, phải rồi, Tazawa ở làng Umehara! Bà vừa kêu lên vừa cười. Nó ở làng bên, chúng gặp nhau trong buổi lễ thần chiến tranh Hachiman ở Kinomoto. Con trai của nhà Tazawa ở Umehara, phải rồi. Nó là một thanh niên điển trai, thực thế, và con gái nhà Sunaga ở Nishinosho là cô gái đẹp nhất làng. Người làng bàn tán nhiều về đám cưới của chúng, vì cả hai đều là con một cả.
Tomoko vừa nghe câu chuyện dài dòng của bà lão vừa gật gù. Những điều bà nói nhìn chung là bổ ích. Cô hỏi tuổi bà và được biết bà sắp bước sang tuổi tám mươi thì cô cảm thấy hãnh diện là mẹ mình đã mặc dầu đã ngoài bảy mươi mà trông còn rất trẻ, đẹp, chưa mang dấu ấn của cái già với những nếp nhăn nheo ở các khóe mắt.
Cuối cùng rồi câu chuyện dài này cũng kết thúc và Tomoko cũng hỏi được địa chỉ nhà Tazawa và lên xe, mồ hôi nhễ nhại. Trên đường đi Umehara, qua cửa xe, Tomoko nhìn thấy những bông lúa vàng óng rợn sóng, và đây đó bóng dáng những người đàn bà đang gặt hái, mặc kimono vải với những hoa văn nhỏ và đội mũ trắng điển hình của vùng này.
Khi đến trước cửa nhà Tazawa ở Umehara, Tomoko trông thấy hai vợ chồng già đứng trước cổng nhìn bà với vẻ ngờ vực. Cả khi bà đặt trên thềm nhà gói quà bà mang từ Tôkyô, họ vẫn tiếp tục nhìn bà với con mắt xoi mói, lạnh lùng và từ chối lời thỉnh cầu của bà.
– Cô mang bình tro tang này thật là phiền cho chúng tôi quá.
– Khi còn sống, mẹ cháu đã từng mong muốn được chôn cất cạnh người chồng đầu của bà, còn cháu thì muốn nhân dịp này được xá lạy trước mộ của cha cháu.
– Mẹ bà đã tái hôn ngay sau cái chết của chồng, cho nên người ta không thể xem bà còn thuộc gia đình Tazawa. Tục ngữ có câu “Người vợ đức độ không lấy hai đời chồng”. Thật là không hay tý nào khi một người đã ra khỏi gia đình Tazawa lại muốn tro của mình được để trong hầm mộ của gia đình. Cả cô nữa, cô cũng không mang họ Tazawa phải không? Cô đã trở thành người thừa tự của nhà Sunaga phải không? Vậy thì cô hãy đi đi cho khuất mắt chúng tôi! Tôi không biết cô đang làm gì ở Tôkyô, nhưng cô về lại một nhà mà cô không hề đặt chân đến để nói rằng cô muốn thăm viếng mộ của cha cô thì bác không thể trả lời cô rằng “Tốt quá, cháu đến đi, bác sẽ chỉ đường cho cháu!”.
Bà chủ nhà hàng Hananoya, một cơ sở nổi tiếng ở Tôkyô, không chịu đựng được cung cách cư xử như vậy. Bà lặng lẽ rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà lòng nặng trĩu và cũng chẳng chào hai ông bà già. Bà đã lên xe và bác lái vừa bước lên ca bin thì các cụ già nhà Tazawa chạy vội chạy vàng đến, tay ôm các gói quà của Tomoko biếu họ, và kêu toáng lên:
– Này, cô hãy nhận lại các gói quà, chúng tôi không có lý do gì mà nhận cả!
Tomoko mở cửa xe và chững chạc bước ra. Bà không còn giữ được thái độ nhã nhặn của một người nhờ giúp đỡ, bình thản nhận lại ba gói quà và vứt mạnh lên cánh cổng nhà Tazawa. Ít phút sau cô đã ngồi trên xe và nói với bác lái:
– Bác cho xe chạy nhanh lên. Chúng ta trở lại Wakayama.
Mẹ, con không thực hiện được ước mong của mẹ, nhưng chẳng sao mẹ ạ.
Nghĩ cho cùng thì con cũng sẽ chẳng có đất để chôn hài cốt của con khi con qua đời. Mẹ yên nghỉ trên bàn thờ của con là được lắm rồi, mẹ có thể nghỉ ngơi thanh thản ở đấy cho đến khi con tìm được một chỗ để đặt bình tro của mẹ mà không phải cần phải cúi đầu trước bất kỳ ai. Con cũng thấy là đã có ý nghĩ kỳ quặc đến tưởng niệm trước mộ một người cha mà đến mặt con cũng không nhớ ra!
Mùa thu năm ấy trời khô ráo, hứa hẹn một mùa gặt bội thu. Nhưng Tomoko vẫn chưa nguôi cơn giận.
Một giờ sau ôtô dừng lại trước khách sạn Okamoto. Trong số khách hàng quen thuộc của Hananoya có một vị dân biểu người tỉnh Wakayama, và bà chủ khách sạn Okamoto đã đến thăm cơ sở của Tomoko cùng vị dân biểu đó. Bởi vậy cho nên bà mới chọn khách sạn này để dừng chân và nghỉ ngơi. Ở đây bà được đón tiếp rất nồng nhiệt với tư cách là chủ của nhà hàng Hananoya nổi tiếng.
Bà được bố trí ở hai phòng tầng trên cùng, cửa sổ trông ra biển và vịnh Wakayama.
– Phong cảnh mới đẹp làm sao, Tomoko thì thầm và nheo nheo đôi mắt.
Biển rộng bao la với màu xanh da trời và tiếng sóng lao xao đã xóa dần sự bực dọc và làm dịu lòng bà.
Tomoko đứng bên cửa sổ ngắm trời, ngắm biển cho đến lúc hoàng hôn buông xuống. Bà lắng tai nghe tiếng sóng vỗ vào bờ bất tận. Bỗng bà quay lại nhìn bình tro tang và thì thầm:
– Mẹ ơi, Tsune bây giờ đang học trường Lyxê, nhanh quá mẹ nhỉ.
Vài năm trước đây, nhân dịp Yasuko đi bước nữa, Tomoko đã chính thức nhận Tsune làm con nuôi và đổi tên cháu là Tsuneharu. Cả Yasuko và Tsuneharu đều không phản đối việc này. Từ lâu Tsune đã tỏ ra yêu quí dì hơn mẹ nó. Nó không giấu giếm sự bất bình khi biết mẹ nó có quan hệ mật thiết với anh đầu bếp trẻ của khách sạn và sắp tổ chức lễ cưới. Còn Tomoko thì hiểu quá rõ tình cảm của hai mẹ con Yasuko.
– Nó là cháu ngoại của mẹ, và bây giờ nó đã trở thành con của con. Mai sau dù mộ chúng ta ở đâu, nó cũng sẽ đến đó chăm sóc và đặt ở đây những bông hoa tươi thắm, đốt lên những nén hương thơm ngát. Mẹ biết không, nó dễ thương lắm mẹ ạ, Tomoko thì thầm, mắt không rời bình tro của mẹ.
– Xin lỗi bà là đã không đến chào bà ngay được, mong bà thông cảm cho, tôi bận việc quá. Đã lâu lắm chúng ta không gặp nhau. Xin cảm ơn bà đã ghé lại đây. Chuyến về thăm quê nhà của bà tốt đẹp chứ ạ?
Đó là bà chủ khách sạn Okamoto, vừa đi vào vừa nói oang oang với giọng của vùng Wakayama. Khách sạn nổi tiếng cả vùng. Bà có vẻ như rất phấn khởi khi được đón tiếp một bà khách như Tomoko.
– Nghe tin bà sẽ đến chơi, tôi rất vui mừng. Cả hai chúng ta đều là những phụ nữ thành đạt bằng chính công sức của mình! Người ta đã kể nhiều cho tôi về bà, và bây giờ tôi muốn được trò chuyện một cách thân tình và cởi mở.
Rượu Saké và đồ nhắm được mang tới.
Tiếng sóng biển đã làm dịu cơn giận của bà, nhưng Tomoko cũng sẵn sàng mở rượu để quên nỗi thất vọng của mình trong lần về thăm quê này.
Hai người đàn bà ngót nghét sáu mươi cùng nâng ly, tuy nhiên ý muốn dùng Saké để làm vui bầu không khí không đạt lắm như họ tưởng. Sau vài ly rượu, Tomoko lại cảm thấy bại hoại, chán chường hơn. Bà chủ Okamoto thì có vẻ buồn rầu một cách kỳ lạ. Có lẽ đã xảy ra điều gì không hay cho bà vì bà bắt đầu than vãn mỗi lúc một kịch liệt.
– Người ta đã bàn tán nhiều về hai chúng ta. Họ nói với nhau rằng chúng ta đã có một cuộc sống đầy cam go, nhưng mức độ khó khăn thì có khác nhau; bà thì đã rời bỏ quê hương để đến Tôkyô sinh sống, còn tôi thì đã trầy trật trụ lại ở cái xó xỉnh này, nhưng cuối cùng rồi cũng không thể ra đi được vì phải một thân một mình vật lộn với biết bao là khó khăn.
Bà chủ Okatomo vừa nói vừa uống hết ly này đến ly khác.
– Người ta đã hỏi tôi tại sao tôi vẫn tiếp tục kinh doanh khi mà với một cơ ngơi to lớn tôi có thể dừng lại được rồi, và khi người ta hỏi tôi như vậy thì tôi lại tự nhủ mình thật là ngu ngốc vì có ai đâu để mà trao quyền thừa kế gia tài kếch xù của mình?
– Thế bà không có con ư? Tomoko dè dặt hỏi.
– Không. Các bác sĩ cho tôi biết là tôi sẽ chẳng bao giờ có con. Thế còn bà, bà không đến nỗi bất hạnh như tôi chứ?
– Vâng ạ, Tomoko trả lời và không đả động gì đến chuyện Tsuneharu là con nuôi, vì bà đã xem nó như con đẻ của mình cho nên đã gật đầu một cách tự nhiên và đầy vẻ tự hào của một người mẹ.
Bà chủ Okatomo nhìn Tomoko có vẻ ngạc nhiên, rồi bà òa khóc. Bà than thở giọng đầy nước mắt:
– Tôi thèm được như bà quá! Là một người phụ nữ, tôi lại không có cái hạnh phúc đó!
Bà ta say đến mức ấy ư? Tomoko tự hỏi với một thoáng ngờ vực, rồi với trực giác do nghề nghiệp đem lại, bà đoán là bà ấy vừa bị choáng mạnh vì chuyện không có con.
Bà chủ nhà hàng Okamoto muốn tâm sự với Tomoko về những nỗi đau khổ của đời mình. Bà vừa kể lể vừa nốc rượu Saké để nhận chìm phiền muộn.
– Tôi không gặp may với đàn ông. Có lẽ tôi đã bị một ngôi sao xấu chiếu mệnh. Tôi đã khước từ tất cả những chuyện ái ân chăn gối từ lâu và tôi đã nhận một thằng con nuôi. Ôi, tôi đã nuôi nấng nó như một ông hoàng con, tôi đã tiêu biết bao nhiêu là tiền của để lo cho nó ăn học. Tôi đã gửi nó lên Tôkyô khi nó được vào đại học. Nó là lẽ sống của tôi. Và tôi đã sung sướng mà thốt lên rằng cuối cùng rồi mình cũng đã có một đứa con, nó sẽ lo lắng đến việc dâng hoa, thắp hương trên mộ tôi khi tôi qua đời.
Bà ngừng nói và nuốt tiếp một ngụm Saké.
– A, lũ trẻ, chúng nó thoát thai từ bụng ta trong đau đớn thì mới đích thực là con của ta. Vì thằng con mà tôi chăm sóc như chăm sóc con người của tôi, thằng con mà cuộc sống của nó là lẽ sống duy nhất của tôi, thằng con đó đã phản bội lòng tin cậy của tôi! Khi nó tốt nghiệp đại học, nó và vợ đã đến đây gặp tôi, và đã nói với tôi:
“Má, bây giờ má phải nghỉ việc thôi, sẽ có người thay chỗ của má”, ôi tôi tức quá, hét lên:
“Con vợ của mày, tao không ưa đâu, tao không nhường chỗ của tao cho nó đâu!” Tôi đã trả lời nó như vậy và thế là nó bỏ đi Tôkyô, không nói gì với tôi nữa. Ít lâu sau nó nhắn tôi gởi tiền trợ cấp cho nó như trước, và tôi đã thương tình mà thỏa mãn yêu cầu của nó. Nhưng khi người ta nói lại với tôi là nó đi đâu cũng huênh hoang “Hễ bà già mà chết thì khách sạn Okatomo sẽ thuộc về nó. Chỉ còn là vấn đề thời gian nữa mà thôi!” thì tôi đã nổi xung và hủy bỏ ngay các giấy tờ về con nuôi, trả nó cho cha mẹ đẻ nó.
Trước tình hình đó, nó khôn khéo đến xin lỗi tôi:
“Con xin lỗi má, con sẽ làm bất cứ điều gì má bảo”. Nhưng tôi tự nhủ là nó giả vờ xin lỗi để được thừa hưởng cái gia tài kếch xù của tôi, điều này làm tôi càng thêm tức giận và tôi đã thẳng thừng tống khứ nó ra khỏi nhà. Tất cả cuộc đời tôi là thế đấy, bà ạ.
Đúng như Tomoko thầm nghĩ, sự việc này vừa mới xảy ra. Khi kể xong câu chuyện, bà chủ bật lên một tiếng thở dài não ruột trước khi kết luận:
– Xin bà hãy tin tôi, người ta không thể trông chờ được gì ở những đứa con không phải do mình đứt ruột đẻ ra. Ôi, tôi thèm khát được như bà, mong muốn được như bà...
Bà ngước cặp mắt đẹp nhìn Tomoko, rồi lại buồn bã cụp mắt xuống và kết thúc lời nói trong tiếng thì thầm.
Tomoko định nói với người đàn bà đang thèm khát muốn được như bà rằng Tsuneharu của bà cũng chỉ là một đứa con nuôi, nhưng bà chủ Okatomo đã không để cho bà nói chen vào, vả lại chính bà cũng không đủ can đảm lấy ngay cuộc đời của mình để thử an ủi một người đàn bà đã khẳng định rằng ta không thể trông chờ được gì ở một đứa con không phải do ta đứt ruột đẻ ra.
Tomoko lặng lẽ đưa ly rượu lên môi, quay người lại nhìn chiếc bình đựng tro tang và lắng nghe tiếng sóng lao xao từ xa rồi lại gần.
Hoàng hôn buông xuống và đêm khuya dần.

Hết