Chương 10
MỐI TÌNH ĐẦU

Chiếc tủ bằng cây gỗ đồng kêu kèn kẹt mỗi lần Ikuyo mở hoặc đóng ngăn kéo. Ngồi trong phòng mình, Tomoko nghe tiếng kêu đó vọng lại mà bực cả mình.
Ngày hôm đó, khi lại nghe cái tiếng chát chúa của các ngăn kéo bị kéo ra đẩy vào, Tomoko tức điên lên, nhảy xổ vào phòng mẹ và sừng sộ:
– Mẹ, phải thay kimono mấy lần trong một ngày thì mẹ mới vừa ý?
– Nhưng tao không có ý định thay mà chỉ sắp xếp chúng lại thôi mà.
– Xin mẹ cố gắng bớt làm ồn ào với những chiếc ngăn kéo ấy giùm con. Con đau đầu quá. Tiếng ồn đó cứ gõ liên hồi vào thần kinh con, làm con không chịu nổi.
– Ai đã làm mày đau đầu hả?
– Mẹ nói gì?
Ikuyo lặng lẽ chăm chú nhìn con, rồi dửng dưng đi lấy hộp kim chỉ và ngồi thêu.
Từ ngày Tomoko rời nhà Tsukawa để ra lập nghiệp riêng thì những lo lắng, khó khăn của một thế giới bấp bênh đã dồn dập đến với em. Và điều em lo nhất, đó là tiền, vì mặc dầu được bá tước che chở, giúp đỡ nhưng em không thể xin ông giúp một số tiền lớn mà không chứng thực được lý do. Em phải tự điều tiết lấy các khoản chi tiêu mà trước đây bà Tsukawa đảm nhiệm. Ngoài ra cô phải hoàn trả cho bà chủ những khoản chi tiêu mà em hoàn toàn không biết, phải thanh toan ngay lập tức những hóa đơn ma đột ngột xuất hiện trong sổ mua hàng của mụ. Tomoko cũng phải trả tiền giấy phép đặt tên biển hiệu Hana Tsukawa. Ngôi nhà em xây cất vượt xa số tiền dự tính. Sau cùng là khoản tiền mà em phải trả cho hai cô tập sự và hai cô kỹ nữ. Chỉ nghĩ đến việc xoay xở cho đủ tiền để trang trải mọi phí tổn đó cũng đã đủ làm Tomoko đau đầu, ngán ngẩm rồi.
Nhưng bù lại em cũng được nhiều thứ.
Tên tôi, nhà tôi, kimono của tôi, cái váy của tôi, tất cả những gì trong nhà này đều là của tôi hết! Mãi đến bây giờ Tomoko mới có thể nói được với mình như vậy mà lòng đầy tự hào, phần khởi và vững tin rằng cái nhà mà ta có quyền nói “nhà tôi”, cho dù đó là một túp lều tranh, còn giá trị hơn bất cứ lâu đài nào.
Từ ngày ngoại qua đời, em luôn luôn phải sống chung với những người xa lạ, và ý nghĩ có được một mái nhà của riêng mình ở tuổi hai mươi làm em sung sướng đến rơi nước mắt.
Không những em có thể sống một mình theo sở thích, mà em còn là cô chủ nhỏ của quán Hana Tsukawa và cai quản những kỹ nữ cùng trang lứa.
Thấm thoát đã gần ba năm rồi kể từ cái ngày đầu họ gặp nhau. Tomoko và Ezaki quen nhau được ba năm rồi nhưng vẫn giữ được sự trong sáng trong quan hệ của họ. Giữa khoảng thời gian từ mùa xuân đến tháng chín, khi chàng ra trường, họ gặp nhau chỉ có ba lần, sau đó thêm ba lần nữa, sau khi chàng được phiên chế về một trung đoàn, và nhân dịp này chàng xuất hiện ở Yokan trong bộ trang phục mang hàm thiếu uý với một thanh kiếm dài lủng lẳng bên hông. Đến lần gặp này, môi họ cũng chưa hề lướt khẽ lên nhau.
Trong phòng khách, Tomoko đương chơi đàn Shamisen, còn Ezaki, vốn không thích âm nhạc, thì ngồi nghe, lưng tựa vào tường. Tomoko vẫn nghiêm nghị và căng thẳng như mọi khi, lúc tập dượt Ezaki vốn ít hoạt bát, anh nói với Tomoko ít đến nỗi người ta phải tự hỏi là anh có bao giờ nói chuyện với phụ nữ không. Khi mới quen biết nhau, trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi, họ mới nói sơ sơ với nhau về cuộc sống của từng người. Ezaki có thể ngồi im không nói năng gì trong một thời gian cực kỳ lâu, nhưng tình thương, sự trìu mến toát ra từ sự im lặng của anh đã đi sâu vào lòng Tomoko.
– Em có biết không, em chơi đàn Shamisen hay lắm – anh đột ngột nói như vậy với Tomoko.
– Sao bây giờ anh nói với em như vậy?
– Anh cũng không biết nữa, nhưng hôm anh về nhà, anh thấy gần nhà anh người ta dạy hát có đệm đàn.
– Lâu chưa?
– Có lẽ là lâu rồi, nhưng đến nay mới nhận ra.
– Thật thế ư?
– Điều này đã gợi cho anh nỗi nhớ nhà, và anh đã đi ra để nghe được rõ tiếng đàn Shamisen, nhưng không kịp hiểu tại sao, tiếng đàn đó lại không giống tiếng đàn của em.
– Có lẽ ai đó đang tập luyện?
– Anh không biết. Nhưng nhờ vậy mà anh mới biết là em chơi đàn đặc biệt hay.
Lời khen vụng về nhưng chân tình của anh đi thẳng vào lòng cô khiến cô rất đỗi vui mừng. Cô khẽ nghiêng đầu cảm ơn anh và nghĩ rằng nièm vui đó săp tiêu tan, cô lặng lẽ ôm lấy cây đàn. Khi có mặt anh, Tomoko luôn chơi đàn Shamisen theo phong cách trữ tình. Thời gian gần đây cô đã làm chủ được cây đàn và điều này đã cho phép cô đem lại cho âm điệu du dương một chiều sâu mới.
Chiều nay lòng em âu sầu mòn mỏi chờ anh, tuyết rơi thấm ướt các nụ hoa mang màu lớt phớt dễ phai và em mong chờ các bông mẫu đơn nở rộ....
Câu ca làm dịu nỗi buồn này đã khuấy động lòng cô đúng vào lúc cô lòng tự hỏi lòng họ còn được ở bên nhau bao nhiêu năm nữa. Thế rồi Ezaki đến gần cô và đặt tay lên vai cô...
Những cuộc gặp gỡ của họ đều diễn ra như thế cả:
Tomoko chơi đàn, còn Ezaki thì vừa nghe tiếng nhạc du dương vừa đắm mình trong mơ màng cho đến khi có ai đó vào phòng khách.
Có lần cô trách nhẹ:
– Em rất buồn khi thấy anh lúc nào cũng như xa em vời vợi.
Lúc đó toàn thân Ezaki đông cứng lại, còn Tomoko thì chờ đợi, mặt cúi gầm, lòng quặn đau về thân phận kỹ nữ của mình.
Run rẩy trong đôi tay rắn chắc của Ezaki, Tomoko vẫn còn e thẹn tự vấn mình là những lời vừa thốt lên có xứng đáng với một người con gái không? Vừa lim dim đôi mắt dưới những vuốt ve nhẹ nhàng của Ezaki cô tự hỏi liệu mối dây quý giá có mất đi mà không để lại dấu vết nào không! Nhưng trong khi mà lý trí nói với cô như vậy thì toàn thân cô run lên ngây ngất. Tình yêu chân thật và mạnh mẽ của Ezaki không giống tí nào sự thèm khát của lão già thường ôm ấp cô với kỹ thuật của một kẻ quen trác táng. Chưa bao giờ cô thấy tuổi thanh xuân lại đẹp đến thế. Ghì chặt Ezaki với tất cả sức lực, cô cảm nhận một cuộc đời mới đương đến với cô.
Họ không thể gặp nhau luôn ở quán Yaoka được nên họ thường lui tới những nhà hẹn hò ở khu phố Fushimi, gần doanh trại của Ezaki. Tuy vậy, vì cô hay vắng mặt trong các giờ học Shamisen hoặc các cuộc hẹn với khách hàng để đi gặp Ezaki cho nên họ khó mà che được mắt của nhà Tsukawa. Bà Tarômaru đã nói thẳng với Tomoko:
– Một kỹ nữ có giá như mày mà lại chịu bán mình cho một thằng thiếu uý quèn à? Nếu bá tước Kômani mà biết chuyện này thì ông ta sẽ cười mày là đã cặp bồ với một gã hèn mọn đến thế! Mày phải chấm dứt mọi quan hệ với Ezaki đi. Bằng mọi cách tao sẽ ngăn cản mày tìm gặp Ezaki.
Nhưng đã hoàn toàn mù quáng. Cô ra khỏi nhà Tsukawa và đi thẳng đến Tanimachi, vội vã leo cầu thang dẫn đến căn phòng Ikuyo đương ở.
– Mẹ, chiếc kimono của con đâu?
– Mẹ không biết!
– Sao?
– Nó không còn đây nữa.
– Tại sao vậy?
Khi đi ra ngoài, vì để tôn trọng Ezaki, cô luôn chú ý không để lộ mình là một kỹ nữ và rất sung sướng khi được ăn mặc như một phụ nữ bình thường. Dạo Tarômaru chưa phát hiện ra mối quan hệ của họ thì những ngày cô có hẹn gặp Ezaki, từ sáng sớm cô đã chuẩn bị trước, làm tóc và chọn kimono càng giản dị càng tốt.
– Mẹ đưa con chiếc kimono đó. Con bận lắm.
Ikuyo vẫn ngồi im.
– Được lắm. Nếu mẹ không muốn trả con chiếc áo thì con sẽ tự lấy. Mẹ dịch ra.
Vừa nói, Tomoko vừa cục cằn nắm lấy hai vai mẹ và đẩy mạnh mẹ ra khỏi tủ com-mốt để lấy chiếc kimono, vội vã mặc vào và chẳng nói chẳng rằng chạy bổ ra khỏi nhà, mặc cho mẹ đương gào thét một cách vô vọng:
– Tomoko! Con sẽ về chứ, Tomoko? Về với mẹ đi con! Mẹ chỉ còn có mình con trên đời này! Chớ quên tao là mẹ mày!
Nhưng Tomoko không quay đầu lại. Cô đương phát điên lên vì sốt ruột và giận dữ. Một người mẹ chân chính lẽ ra phải biết con gái mình thích gì nhất trên đời này chứ, đằng này mẹ ta chẳng hỏi han gì về người mà ta yêu, lại còn tìm cách ngăn cản ta đi gặp anh ấy. Sự việc đã quá rõ, người mẹ mà trước đây ta cứ tưởng là đồng minh đáng tin cậy nhất của ta thì nay cũng chống lại ta, là kẻ thù của ta.
Lòng giày vò bởi những ý nghĩ đắng cay. Tomoko rảo bước đến nhà trọ của Ezaki. Anh không hề bối rối khi thấy cô bạn đến. Anh mời cô vào rồi lặng lẽ nhìn nàng. Tomoko cũng giữ im lặng.
– Em rất khổ tâm, cuối cùng rồi cô cũng lên tiếng.
– Không sao.
– Em sẽ đi ngay.
– Thế ư? Tốt thôi.
Cô không hiểu tại sao mình lại đến đây và đau lòng cảm thấy trong cuộc sống nề nếp của Ezaki không có mấy chỗ dành cho nàng. Fumitake Ezaki, con của một bác sĩ quân y, lớn lên trong một gia đình khắc nghiệt, không thể nào chuộc lại một kỹ nữ sau khi vừa được thăng thiếu uý.
Cuộc viếng thăm đột ngột và ngắn ngủi của Tomoko khiến Ezaki phân vân, bối rối. Anh đề nghị tiễn nàng một đoạn đường.
– Chúng ta đi tham quan miếu Yasukumi nhé.
– Em là một kỹ nữ, chắc anh đã biết, nhưng không phải là một phụ nữ nhẹ dạ.
– Anh biết.
– Anh có định cưới em không? Không, em muốn nói không phải bây giờ mà sau này, một ngày nào đó. Nếu anh muốn em đợi thì em đợi suốt cả đời.
– Đúng là anh đang nghĩ cách nào để cưới được em. Anh không có tiền tài và danh vọng, và anh cũng không biết là rồi anh có thể chuộc lại được em không.
Tomoko bối rối và hoang mang. Phải chăng số phận của một kỹ nữ luôn luôn bi thảm như trong các vở kịch trên sân khấu? Những ý nghĩ đó cũng đang giày vò Ezaki; anh hỏi Tomoko đang ngước mặt lên nhìn anh:
– Thế em không bỏ được cái nghề kỹ nữ à?
– Em sẽ rời bỏ khu phố ăn chơi, em sẽ không cần phải trốn tránh ai, em sẽ trả hết nợ để được tự do cho dù phải làm việc đến cạn kiệt cả sức lực.
Cô nói lên những ý nghĩ đó với nụ cười thoáng lướt trên môi. Trái tim son trẻ của nàng căng đầy hy vọng vào tương lai sau khi Ezaki hứa là sẽ cưới cô.
Vào thời kỳ này, bá tước Komani như có linh tính là mình sắp vĩnh biệt cõi trần nên đã nói với Tomoko là sẽ giải quyết cho cô được chuộc lại tự do, nhưng cô từ chối, mặc dầu đây là cách nhanh nhất để cô có thể đoạn tuyệt với cái nghề của mình.
– Em muốn làm việc, như ông thấy đấy. Nếu ông muốn giúp em thì tốt nhất là xin ông tạo điều kiện cho em trở thành một kỹ nữ độc lập. Ông có thể làm như thế được không ạ?
Hiểu rằng mong muốn rời bỏ khu phố ăn chơi là rất khó thực hiện được, Tomoko đành trả lời với ước mong thực tế hơn là được trở thành kỹ nữ độc lập để rồi một ngày nào đó cô có thể tự nguyện đoạn tuyệt với nghiệp chướng này.
Sau một thời gian đắn đo, cân nhắc, cuối cùng cô quyết định mua đất và sáu tháng sau cô đã có một cái nhà đơn sơ của riêng mình.
Vào thời buổi khó khăn, Akasaka đang trong cảnh xế chiều, duy chỉ có cơ sở của Tomoko là vẫn đông khách. Đó là nhờ tiếng tăm và uy quyền của bá tước Kônami, chỗ dựa vững chắc cho Tiểu Mẫu Đơn. Từ thực tế này, Tomoko đã hiểu ra rằng muốn điều hành cuộc sống theo ý muốn của mình thì trước tiên phải có quyền lực. Và trong cái thế giới mà cô đang sống, quyền lực là duyên dáng, là tiền bạc và các môn nghệ thuật, cho nên dù đã trở thành cô chủ nhỏ của quán ăn Hân Tsukawa, Tomoko vẫn tiếp tục tập luyện hăng say hơn bao giờ hết:
chơi đàn Shamisen, múa, hát.
Nhưng muốn học múa, học hát có đệm đàn thì phải có tiền đóng học phí.
Những khoản chi tiêu bất thường cứ nối tiếp nhau từ sau khi làm xong nhà, và cô thường khá vất vả mới xoay đủ được tiền cho ăn ở của chính mình. Nhưng mặc cho những âu lo đó, Tomoko vẫn bí mật đi gặp Ezaki mỗi khi có dịp. Thật vậy, dù là sống và làm việc độc lập, cô cũng không thể gặp gỡ anh một cách thoải mái được.
Đã lâu lắm rồi nay Tomoko mới trở lại sống dưới cùng một mái nhà với mẹ cô. Lúc này Ikuyo chỉ mới xuýt xoát tứ tuần, còn quá trẻ mà đã phải chịu một cuộc sống ẩn dật trong một căn phòng chật hẹp, bí bức, cho nên nàng dồn nén, ấp ủ những giận hờn và lặng lẽ quan sát nhân phẩm của con gái. Nàng giỏng tai nghe trộm điện thoại, xem trộm những lá thư của Ezaki. Và khi Tomoko trách những về chuyện này thì nàng lại nổi xung:
– Mày nói gì? Cái gã Ezaki ấy mà làm lái xe cho bá tước Kônami thì cũng chẳng đáng.
Ở trong cái nhà này, những kỹ nữ, những cô học việc, những người đầy tớ, tất cả đều là những người xa lạ, thế mà tại sao họ, những người ruột thịt, lại không thể để cho con tim của mình xích lại gần nhau được? Tomoko tự hỏi mà lòng buồn vô hạn. Cô có ý định tạo điều kiện cho mẹ được đào tạo về công việc nội trợ nhưng với tính khí đồng bóng và ích kỷ, Ikuyo không muốn nhận bất cứ sự đào tạo nào. Bà cũng không thể giúp cô quản lý chi tiêu của nhà Hana Tsukawa. Bà đã tỏ ra là một người hoàn toàn vô tích sự. Công việc kim chỉ là tất cả những gì mà bà có thể làm được.
Tiếng tăm lừng lẫy của Tomoko trong giới thượng lưu chứng minh sự thành đạt diệu kỳ của cô đồng thời cũng làm dấy lên một làn sóng ghen tuông từ phía các bạn đồng nghiệp. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, người ta kháo với nhau rằng nhà kỹ nữ mới mở chỉ là cái vỏ bề ngoài che đậy một nơi hành nghề ô uế, rằng nhà Hana Tsukawa là một ổ trụy lạc. Tomoko rất buồn về những lời vu khống đó. Nhưng điều làm cô đau khổ nhất là cuộc đời gái điếm trước đây của mẹ đã để lại dấu ấn trên người cô như dấu đóng trên da bằng miếng sắt nung đỏ mà muôn đời cũng không thể xóa đi được, cũng sẽ làm oen ố cuộc đời cô.
Để trở thành vợ một quân nhân, là một kỹ nữ đã là một trở ngại rồi, nhưng nếu gia đình của Ezaki biết cô là con của một gái điếm cũ thì trở ngại thực khó mà vượt qua được, cho dù mối tình của Ezaki đối với cô có bao la như biển cả, có sâu thẳm như đại dương. Ý nghĩ đó làm cô ngất lịm!
Nhà đã xây xong. Cô đã trở nên độc lập. Cô đã đi được bước thứ nhất trong việc thực hiện lời cô hứa với Fumitake Ezaki. Nếu cô quay lại nhìn tất cả những gì mà cô phải chịu đựng đến bây giờ thì nỗi đau đớn đã qua đi đó có vẻ như quá ít, và có lẽ những âu lo đang chờ đợi cô rồi cũng như vậy thôi. Giờ đây cô không còn việc gì phải làm nữa ngoài việc dốc hết sức lực vào thành công của nhà hàng Hana Tsukawa. Nghĩ đến đây, tinh thần chiến đấu của cô lại vượt lên trên mọi buồn lo và đau khổ Cô đang nghĩ ngợi mông lung về người yêu, về mẹ, về công việc làm ăn thì bỗng sa sầm mày mặt và ngã lăn trên chiếu. Chỉ trong vài phút toàn bộ nhà Hana Tsukawa bị chấn động nền móng và đổ sập trong một tiếng rầm khủng khiếp. Động đất! Phải mất một thời gian cô mới ý thức được biến cố vừa xảy ra.
Cô bất lực nhìn nhà của mình bị phá sập hoàn toàn.