Chương 2
CÂY THỊ TRONG VƯỜN NHÀ NGOẠI

Tomoko áp sát vào ngực chiếc giỏ con bằng rơm mà nó vừa tết xong và khom người luồn qua cái cửa nhỏ cạnh chiếc cổng đen nhà ông trưởng thôn.
– A, Tomoko!
– Tomoko kia kìa!
Bọn trẻ chơi trong vườn liền chạy đến với nó. Chúng là con của bà cả:
Thằng con trai lên sáu và đứa con gái lên bốn.
– Chị đan cái giỏ này đấy à, Tomoko?
– Chúng ta đi hái mơ đi.
– Ừ phải đấy, đi hái mơ nào!
– Ồ, nhìn này, các cành nặng trĩu mơ kìa! Tomoko kêu lên.
– Vâng, nhiều! Cậu bé kiêu hãnh nói.
– Tomoko, chị lấy mang về nhà chị thật nhiều vào! – Cô bé kháu khỉnh bi bô.
Một giọng lạnh lùng làm chúng sửng sốt.
– Chúng bay làm gì ở đây thế?
Chúng ngửng đầu lên:
Ikuyo đang dữ dằn nhìn chúng.
– Chúng con đương chơi, Tomoko ngây ngô trả lời, vẻ sợ hãi.
– Ra ngoài vườn mà chơi, Ikuyo vừa cục cằn nói vừa nhìn Tomoko và hai đứa con chồng, trán nàng có một vết hằn thẫm ở phía trên lông mày, má nàng hõm sâu, chiếc kimono mặc cẩu thả, chuyện lạ đối với nàng:
mới có một tháng mà khó nhận ra được nàng.
– Ikuyo, Ikuyo!
Tiếng của Keisuke từ xa vẳng đến.
– Ikuyo, em ở đâu đấy?
Ikuyo nhíu lông mày, quay lưng về phía bọn trẻ, mở tấm vách trượt rồi đóng sầm nó lại và biến mất.
– Tomoko, chị về đấy à? Thằng bé ngơ ngác hỏi.
Tomoko quay lại lắc đầu, mặt tái mét và luồn qua chiếc cửa nhỏ.
– Chị sẽ trở lại chơi với chúng em nhé!
– Chị Tomoko!
Nhưng Tomoko vội vã ra về, đôi chân thoăn thoắt rảo bước nhưng đầu óc nó như bị sương mù phủ kín. Thái độ lạnh nhạt vừa rồi của Ikuyo thật rất xa vời với thái độ của một người mẹ. Kể cả khi chưa tái hôn, nàng chưa bao giờ dịu dàng với con gái. Nhưng Tomoko đã hoàn toàn quên điều này. Điều làm nó bận tâm nhất là hình ảnh của Ikuyo hiện nay rất xa vời với hình ảnh một người mẹ xinh đẹp, dịu hiền trong ký ức của nó.
Về đến nhà nó thấy bà ngoại đang nhuộm răng đen ở hiên.
– Tomoko, cháu ở đâu nãy giờ đây?
– Cháu đây mà.
Tomoko vừa đánh trống lảng vừa đi ngang qua mặt bà để vào nhà. Chiều dần buông. Nó cầm đèn ra hiên để lau chùi các bóng. Ở đây nó gặp phải một ông khách không mời mà đến, chú Shinya Sunaga.
– Xin báo với bác là con Ikuyo đang mong chờ một tin vui đấy.
– Sao, Ikuyo?
– Từ giờ đến cuối năm nó sẽ sinh con, hình như thế. Nghe nói thằng Keisuke cứ bám sát nó như đỉa đói, điều này cũng chẳng có gì là lạ!
–...
– Thế nó không đến nói với bác chuyện này à? Thật lạ quá!
Mừng thầm khi nhìn thấy nét mặt bực dọc của bà chị dâu, ông Shinya đứng dậy ra về, nện mạnh đôi guốc gỗ xuống nền nhà.
Bà Tsuna ngơ ngác dõi theo ông, rồi tĩnh tâm lại, bà quay người đột ngột:
– Tomoko, cháu ở đấy à? Cháu làm gì thế?
– Cháu đang lau chùi bóng đèn. Nó bẩn quá bà ạ.
Vừa rồi nó không có ý nghe trộm, nhưng vì ông chú bị nặng tai, thường phải nói rất to, nên nó đã nghe được câu chuyện giữa bà và ông chú. “Ikuyo đang đợi tin vui. Từ nay đến cuối đến cuối năm nó sẽ có một đứa bé”.Má đang chờ đợi một đứa bé! Tin này làm nó bị sốc mạnh. Lâu nay bà Tsuna đã cấm không cho nó nhắc tới Ikuyo trước mặt bà, cho nên chẳng bao giờ Tomoko nói với bà là đôi khi nó đã đến nhà ông trưởng thôn vào lúc trưa. Tuy nhiên, lần này nó muốn nói với bà là mẹ nó đã mang thai. Tomoko vốn rất thích em bé, và mỗi khi nghe tin bên hàng xóm có đứa bé vừa chào đời thì nó mừng vui khôn xiết, tựa như tin vui đó là của chính gia đình mình, nhưng lần này nó có những tình cảm trái ngược nhau một cách kỳ lạ:
một niềm vui mênh mông trước ý nghĩ về cuộc sống mới bé bỏng đó, và đồng thời một nỗi buồn man mác, không tên. Nó có linh tính rằng mẹ trước đây đối với nó đã xa vời vợi nay lại sắp sửa đi xa hơn nữa cho đến khi không một ai có thể đến gần được.
Ngày nào nó cũng tắm với bà ngoại, nhưng chiều nay, bà bảo nó đi tắm một mình. Lấy lý do bị cảm, bà bảo người chị làm chuẩn bị giường cho bà và đi nằm ngay, trong khi Hachirô, anh đầy tớ trẻ đi kiểm tra xem nước tắm của Tomoko có đủ nóng không.
– Cô chủ nhỏ, nước tắm có vừa không?
Anh hỏi to từ phía lò nấu. Nhưng Tomoko trả lời mà không nói đến độ nóng của nước:
– Chú đừng gọi cháu là cô chủ nhỏ, mà chỉ gọi cô chủ thôi.
– Tôi không thể gọi cộc lốc như thế được.
– Tại sao vậy?
– Trước cô, có một người mà tôi vẫn thường gọi như vậy.
– Ai thế?
– Mẹ cô, cô chủ nhỏ ạ.
Tomoko tiếp tục kỳ cọ với một cái túi nhỏ đựng cám gạo.
– Cô chủ nhỏ...
– Sao?
– Hôm nay cô có gặp mẹ cô không?
–...
– Thời gian này người ta không thấy bà ta ra khỏi nhà. Không biết bà nhà có ốm đau gì không?
– Mẹ cháu sắp có em bé.
Ngạc nhiên, Hachirô tiếp tục cho củi vào lò, chẳng nói chẳng rằng.
– Hachirô?
– Dạ?
– Nước nóng quá, bỏng cả da cháu đây này!
Trong gian phòng có trải mười chiếc chiếu, bà Tsuna nằm dài trên chiếc giường rộng nhất, mắt thao láo nhìn vào chỗ trống, đèn ngủ vẫn còn chong.
– Ngoại ơi! Tomoko thì thầm, chú Hachirô đun nước tắm sôi sùng sục làm cháu suýt bị bỏng bà ạ.
– Thế ư.
Vẻ dửng dưng của bà ngoại làm Tomoko lo lắng.
– Ngoại ốm à, ngoại?
– Bà đau bụng.
Kê đầu lên chiếc gối bằng sành, bà nhớ lại buổi trò chuyện với chú em chồng. Shinya đã kể cho bà về Ikuyo bị gia đình chồng ngược đãi làm sao. Điều này cả làng đều tiên đoán trước cả rồi, và Tsuna là người đầu tiên nghĩ tới chuyện đó:
tình thương và lòng thù hận đối với người con gái độc nhất của bà càng lúc càng sâu đậm khiến mình mẩy bà quặn đau. Ấn mạnh các đầu ngón tay vào hai bên bụng để cố nén cơn đau, bà Tsuna nghĩ tới tình cảnh thai nghén của con bà.
– Đồ bất hiếu!...., bà rên rỉ. Chính bà cũng không hiểu vì sao bà lại căm ghét Ikuyo đến như vậy.
– Hachirô, Hachirô! Chú không có ở đấy à, chú Hachirô?
Chàng trai Hachirô lanh lợi nên được Tomoko quí mến, nhưng hôm nay nó nghe gọi nhiều lần mà cũng chẳng buồn trả lời.
– Chú ở đâu, Hachirô? Cháu gọi chú đứt cả hơi rồi đấy.
– Thưa cô chủ nhỏ, Hachirô trả lời, mặt sa sầm, má cô đến kia kìa.
– A, ở đâu thế?
– Ở trong vườn ấy. À không, bà ở phòng ngoài, đang trò chuyện với cụ.
Vừa nghe xong, Tomoko liền chạy ngay đến tiền sảnh, bước vội lên các bậc tam cấp và đứng sững lại chỗ vách ngăn. Ikuyo đứng ở đó nhìn mẹ một cách lạnh lùng. Bà Tsuna đang ngồi ở mép chiếu, không buồn bảo nàng vào. Giữa họ, trên nền nhà, có một bọc vải vừa ném xuống đó.
– Tao là người quyết định về ăn mặc của Tomoko. Công hơi đâu mà mày để ý đến những chuyện không liên quan gì đến mày nữa! Vẻ bực dọc, bà Tsuna cố gắng kiềm chế để không bật ra những lời lẽ nặng nề.
– Con chẳng phải bận tâm về chuyện ăn mặc của nó nếu biết rằng mẹ nuôi dạy nó đàng hoàng. Nếu như con có mặt ở đây thì nó phải mặc những chiếc áo kimono bằng vải như thế đâu!
– Bây giờ Tomoko đã đi học rồi, con cái các nhà thân hào có mặc kimono với ống tay hẹp đến trường không?
– Cháu nó sẽ mặc những áo mà nó muốn!
– Các con của mày bây giờ là những đứa con của ông trưởng thôn. Tomoko là người thừa tự của nhà Sunaga, và về mặt pháp lý, nó không còn dây liên hệ gì với mày nữa. Vậy thì mày chỉ nên can thiệp vào những chuyện có liên quan đến mày mà thôi.
– Những đứa con không phải do con mang nặng đẻ đau thì không phải là con của con.
– Vậy thì mày hãy chăm sóc tốt đứa bé mà mày sắp có ấy.
– Mẹ hãy để cho con vào nhà. Chính vì Tomoko mà con phải đến đây.
– Ngay cả mẹ mày mà mày cũng không coi như một người mẹ thì liệu Tomoko có coi mày như một người mẹ không?
– Mẹ hay không phải là mẹ thì bà sẽ thấy, Ikuyo vừa nói vừa khoát tay gọi Tomoko.
– Tomoko, đến đây nào!
– Chớ có nhúc nhích! Bà Tsuna hét to, làm Tomoko đứng ngây như trời trồng.
Ikuyo lấy lại bình tĩnh vì khi thấy mẹ mình không kiềm chế được, và nàng lặng lẽ cởi cái bọc vải ra. Trong bọc là một chiếc kimono nay đã trở thành quá lòe loẹt đối với nàng để may cho Tomoko một chiếc.
– Tomoko, đến đây!
– Đừng có đến, cháu!
– Đây là chiếc kimono mà mẹ đã tự may cho con. Nào, cầm lấy.
– Tomoko, bà cấm cháu đấy!
Bị kẹt trong cuộc xung đột giữa mẹ và bà, Tomoko cảm thấy thật khó xử.
Tuy nhiên giọng nói của mẹ đã cuốn hút em mạnh hơn là cái nhìn điên loạn của ngoại. Và nó bước về phía mẹ, không để ý gì đến sự cấm đoán của ngoại.
– Tomoko! Bà Tsuna hét lên một cách vô vọng khi thấy bàn tay của đứa cháu gái chạm vào mảnh lụa mịn màng.
Định thần lại, nó rút lui, còn Ikuyo thì vừa nhặt mảnh vải vuông dùng để bọc chiếc kimono, vừa đi giật lùi.
– Chào con, Ikuyo vừa nghiêm nghị nói vừa đi ra.
Tomoko đứng lặng, chiếc kimono màu hoa cà trong tay, và in sâu vào trí nhớ của mình hình ảnh của mẹ, lộng lẫy, tóc bới cẩn thận, khác với hôm kia.
Nó nghe có tiếng ai nức nở. Tay bấu vào lò than bằng sứ, trán áp vào đó, bà Tsuna âm thầm khóc.
– Ikuyo, đồ bất hiếu! Đồ bất hiếu!.... Đứa con bất hiếu...
Ôm chặt chiếc kimono vào lòng, Tomoko rón rén đi ra. Trên mảnh đất hình vuông, nó bắt gặp Hachirô như người mất hồn đang lơ đễnh nhìn về phía mẹ nó vừa mất hút.
Nó đi về phòng mình và lập tức trải chiếc kimono ra. Điều làm nó thích thú nhất, đó là chiếc áo được cắt may đúng theo kiểu kimono của các bà, không có dây thắt ở eo. Ngoại luôn xem Tomoko như là một đứa bé con cho nên không bao giờ bà may kimono cho nó mà lại không luồn dây vào trong áo, mặc cho Tomoko phản đối.
Nó mặc thử chiếc áo mới, quay phải rồi lại quay trái, ngắm nghía mình từ dưới lên trên. Vì quá bé nhỏ nên khi nó cúi xuống thì hai ống tay áo chạm sàn nhà và khi nó vỗ vỗ tay thì chúng quất xuống chiếu. Và nếu như không có ai vừa gọi thì có lẽ nó cứ đùa nghịch mãi như thế này.
– Tomoko!
Tiếng bà ngoại làm nó giật mình. Nó nhanh nhẹn cởi chiếc kimono màu hoa cà. Vừa lúc ấy bà Tsuna bước vào phòng. Và ngay lập tức bà nổi máu tam bành khi nhận ra là nãy giờ cháu bà mải mê đùa nghịch với chiếc kimono thay vì khóc sướt mướt như bà nghĩ.
– Ikuyo... đứa con bất hiếu...
Những tiếng nức nở trở thành những tiếng la hét điên loạn. Bà nắm lấy chiếc áo kimono màu hoa cà và quất mạnh xuống chiếu như đánh một con thú dữ.
Chẳng mấy chốc chiếc áo đã biến thành một đống giẻ vụn. Mặt tái mét và nín thở, Tomoko sợ hãi nhìn bà. Cảnh điên loạn diễn ra trước mắt làm nó đau khổ hơn là nỗi buồn mất áo do mẹ cắt may. Những từ “đứa con bất hiếu” mà bà hét lên một cách điên loạn khiến nó nghĩ đến cội rễ của mọi tội lỗi trên đời. Nó không biết những từ đó nói lên điều gì, nhưng “đứa con bất hiếu” có thể là cái gì đó rất rùng rợn. Trong trái tim thơ dại của Tomoko đã hằn sâu một điều chắc chắn:
con gái bất hiếu là kẻ không xứng đáng nhất, bị nguyền rủa nhất.
Những ngày tiếp sau, cơn bão lòng đã lắng dịu, nhưng bà Tsuna luôn luôn trong tâm trạng buồn rầu. Còn Tomoko không còn bụng dạ nào nữa để trò chuyện với ngoại. Rất lạ là nó không giận vì bà đã xé chiếc áo kimono của nó.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng, trên đường đi đến trường, Tomoko lại nghĩ đến chiếc kimono màu hoa cà với những ống tay dài quét chiếu mà lòng đầy tiếc nuối.
Một ngày nắng đẹp, Tomoko đi học về, tay cầm chiếc dù đã gập lại và chạy nhanh đến phòng bà ngoại.
– Chào bà, cháu đã về!
Bà Tsuna đương nằm trên giường, lưng quay ra phía nó, chẳng nói chẳng rằng.
Đêm hôm đó, thật khuya lắm, Tomoko đột ngột tỉnh giấc. Có lẽ đây là linh tính, chứ thường nó ngủ say mãi đến tận sáng sớm. Nó lắng tai nghe. Từ nệm bên cạnh, không một hơi thở nào đến tai nó. Nó chong mắt nhìn vào đêm tối và nhận ra rằng ngoại đã không còn ở đó nữa. Nó giỏng tai nghe, nhưng chỉ nghe có tiếng giọt mưa rơi tí tách.
– Ngoại, ngoại ơi!
Tomoko đứng dậy, không khí ẩm thấp, ngột ngạt tỏa khắp phòng. Một nỗi lo sợ lờ mờ co thắt trái tim con trẻ của nó. Nó linh cảm một điều gì khác thường.
Không thể ngồi yên, nó bước nhanh đến phòng vệ sinh.
– Ngoại, ngoại ơi!
Tiếng nói của nó bây giờ tựa như một lời rên rầu rỉ. Nhà buồn như chấu cắn giữa một đêm mưa dầm, ở một thời điểm mà bà làm công và cậu đầy tớ đã lần lượt ra về hết, chỉ còn lại có nó và bà ngoại. Và ngoại đã biến đâu mất!
– Ngoại, ngoại ở đâu? Ngoại!
Nó không nghĩ rằng bà lại đi ra ngoài vào một cái giờ muộn màng như thế này. Hẳn là bà đương ở đâu đó ở trong nhà và bị té xỉu. Vừa lúc đó, nó nghe một tiếng động lớn ở phía sau vườn.
Quên cả sợ hãi, nó lao nhanh ra ngoài. Và lúc ấy, dưới cơn mưa tầm tã, trong đêm tối âm u, nó phát hiện ra một hình dáng đang nằm oằn oại trên mặt đất.
– Bà ngoại!
Tsuna đã định tự tử bằng chiếc thắt lưng buộc ở một cành cây thị, nhưng cái cành khô đen sạm đã bị sâu mọt đẽo gặm còn già lão hơn cả chính bà, đã bị gãy lìa ra khỏi thân cây, và người bà già rơi bịch trên đất ướt sũng.
– Ngoại, ngoại!
Tay và chân bà cựa quậy, vậy là không chết. Vừa lớn tiếng gọi bà, Tomoko vừa sát vai vào lưng bà. Nước mưa không ngớt chảy vào trong chiếc kimono đã bị mở tung. Với ý định làm sao để đưa thật nhanh được bà vào nhà, Tomoko đã tập trung tất cả nghị lực của mình để làm bà tỉnh lại, vì nó biết rằng nó không thể vực được bà đứng dậy và đưa bà vào nhà.
– Ngoại ơi! Cháu van bà, bà đứng dậy đi...
Có lúc bàn tay của Tomoko chạm vào tấm da trần của ngoại. Tomoko ướt sũng nước mưa, vừa nhẹ ru bà, vừa cảm thấy như có một đương động đậy dưới lòng bàn tay mình.