Chương 8
TRỞ LẠI TOKYO

Chính vào lúc này bà chủ vừa nghe chồng nói tràng giang đại hải vừa lặng lẽ lau chùi lò sưởi. Bàn tay bà có nước da màu vàng sáp, các ngón tay búp măng trong bốn năm qua đã trừng phạt, dạy bảo, kèm cặp Ochobo để đưa em vào khuôn phép. Biết bao lần bàn tay đó đã đánh em? Biết bao lần những ngón tay xinh đẹp đó đã véo em? Nhiều lắm, không kể xiết được. Tomoko quan sát, tựa như một ảo ảnh đang xa dần, cái bàn tay màu vàng sáp đang cầm giẻ lau đánh bóng nắp lò sưởi mà rùng mình ớn lạnh.
–... Đấy, thật khó cho chúng tôi khi phải để cháu ra đi sau nhiều năm nuôi dạy cháu, bà chủ tiếc lắm, nhưng chuyện này không phải do chúng tôi quyết định. Cháu cần phải biết là nhà Kanô cũng phải tuân thủ một số điều lệ đã ban hành ở Nichômachi từ những ngày xa xưa, ông chủ trịnh trọng nói.
– Thưa vâng.
– Thông thường thì cháu và mẹ cháu phải được xóa nợ, nhưng như cháu biết đấy, mẹ cháu đã nghỉ việc vì đau ốm và phải còn làm việc ở đây một năm nữa.
Sau này cháu phải có bổn phận chăm sóc mẹ cháu vì bà chẳng còn thân thích nào nữa ngoài cháu ra, bởi vậy tốt hơn hết là cháu nên vào một cơ sở đào tạo kỹ nữ thật sự hơn là ở lại làm thành viên của nhà Kanô.
– Thưa vâng.
– Cháu có may mắn được ở lại học việc lâu đến như vậy là vì cháu đã làm việc nhiều so với tuổi cháu. Nếu cháu được nhanh chóng trở thành một kỹ nữ tiếng tăm sau khi chuyển sang một cơ sở khác thì các đàn chị của cháu cũng mừng lắm đấy. Sự ra đi của cháu sẽ đem lại tốt lành cho cháu, cháu có thấy như vậy không?
– Thưa có.
Tomoko trả lời nhưng nó không mấy chú ý đến những lời nói của ông chủ.
Tomoko đã hiểu ngay được chuyện này khi ông chủ cho gọi nó lên, còn bà chủ thì nét mặt căng thẳng. Cách đây ít hôm, các chị cả chỉ kháo nhau về chuyện này, ai sẽ đi và đi đâu, chỉ có Tomoko là giữ im lặng vì em không quen biết ai để có thể đổi chỗ học hoặc đổi nghề. Nó nghĩ tới bạn cũ Ochoma, năm ngoái đã chuyển sang một nơi khác và lặng nhìn vào khoảng không vô định với một tâm trạng bất an về một tương lai mờ mịt.
Giờ đây, trong lúc ông chủ đang thuyết giáo thì có điều gì đó lóe lên trong tim nó. Cảm giác bồn chồn, mơ hồ đột nhiên biến mất, và nó bắt đầu cảm thấy bùi ngùi. Không phải nó cảm thấy vui mừng được giải thoát khỏi bàn tay vàng sáp ấy với những trận đòn đã giáng tới tấp xuống người em. Rời bỏ nhà Kanô đối với nó không những là được giải thoát khỏi ông bà chủ, mà còn được giải phóng khỏi mẹ nữa. Bởi vậy, khi ông chủ nói em phải cưu mang mẹ vì nó là chỗ dựa duy nhất của bà thì nó cảm thấy chân tay bủn rủn và hoảng sợ. Điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu như mẹ nó xử sự như mọi người mẹ bình thường và quan hệ của họ là quan hệ giữa mẹ và con gái.
Tomoko cảm thấy khó chịu. Nó không thể khẳng định là quan hệ này bắt đầu nảy nở từ bao giờ, nhưng gần đây nó không thể chịu đựng được ý nghĩ Ikuyo thực sự là mẹ nó.
Bây giờ đến lượt bà chủ nói:
– Ochoma không ở đây nữa, và bây giờ cháu cũng bỏ đi mất chỉ còn lại mình ta, ta buồn lắm. Nhưng vì lợi ích của cháu, ta đành phải nuốt nước mắt vậy thôi.
–...
Tomoko chẳng bao giờ thích kiểu chuyện trò mau nước mắt như vậy, và bà chủ càng nói càng giống một diễn viên kịch, đến nỗi nó thấy lặng thinh là thượng sách.
– Ta chỉ yêu cầu cháu là đừng quên ơn ta đã truyền cho cháu nghệ thuật làm kỹ nữ. Cho dù cháu ở đâu với tuổi thanh xuân và tài nghệ của cháu, cháu cũng sẽ không thua kém ai về mặt biểu diễn nghệ thuật này.
–...
Hình như bà chủ hiểu lầm rằng Tomoko cứ khăng khăng chẳng nói chẳng rằng là vì nó buồn rầu trước sự chia tay sắp tới. Bỗng nhiên bà sụt sịt:
– Ôi! Ta không cầm được nước mắt mỗi khi ta nghĩ rằng ta sắp phải xa cháu, người mà ta coi như là con đẻ. Cháu thật dễ thương. Úi chà, do số phận cả!
Đang là một con quỷ dữ đột nhiên biến thành một con cừu non, những sự thay hình đổi dạng nhanh như trở bàn tay đó luôn luôn làm cho Tomoko kinh ngạc mặc dầu nó đã quá biết tính khí hai mặt của bà.
– Cháu phải đích thân nói lại với Kokonoe toàn bộ chuyện này, vì trước mặt cô ấy, chúng tôi vẫn luôn tỏ ra là không hề biết các người là hai mẹ con.
– Được ạ.
Việc này đối với nó thật là khó. Từ hai năm lại đây, ít khi nó gặp mẹ, và mỗi lần gặp đều là ở phòng ăn, hoặc trong lúc tiếp khách làng chơi, chẳng mấy khi nó đặt chân vào phòng mẹ. Khoảng cách giữa hai mẹ con cùng sống dưới một mái nhà mà không nhìn thấy nhau có lẽ còn hơn nếu họ sống xa nhau. Tomoko bước từng bậc một của cầu thang mà lòng nặng trĩu ưu phiền.
Phòng riêng của Kokonoe ở cuối hành lang. Đây là một cái phòng buồn tẻ, xấu xí đối với một phụ nữ đã từng một thời là “ái phi”, từng ở phòng đẹp nhất của nhà Kanô. Tomoko quì xuống trước cửa phòng để báo sự có mặt của mình:
– Xin lỗi mẹ, con là Ochobo! Mẹ đang có khách ạ?
Nó gọi mãi nhưng không nghe trả lời. Nó quyết định đẩy cửa bước vào phòng vì nó nghĩ dù sao thì đây cũng là phòng của mẹ mình, có lúc nào mẹ đi vắng thì cũng chẳng sao.
Trong ba năm hành nghề, Ikuyo đã mua tất cả những vải vóc mà nàng thích và tự cắt may lấy. Bà chủ đã nhắc cho nàng biết khoản nợ của nàng đã tăng lên nhiều nhưng nàng cứ tỉnh bơ. Ở nhà Kanô, Ikuyo là người nhiều kimono nhất, và toàn là loại vải sang trọng, đắt tiền, mặc dầu là nàng ít có dịp để diện.
– Anh, mày về rồi à?
–...
– Mày ngốc quá! Ai bảo mày nhen lửa lò sưởi, cứ chuốc khổ vào thân thôi.
Người ta sắp đưa than hồng đến rồi mà.
Tomoko sửng sốt nhìn mẹ. Ikuyo vừa tắm xong, tay còn cầm chiếc khăn ướt.
Nàng mặc chiếc kimono màu vàng chanh, dây thắt hờ tren ngực. Cái màu vàng chanh rất thông dụng trong giới diễn viên kịch múa nhưng không phải là màu phổ biến. Thỉnh thoảng Ikuyo mặc như vậy xuống phòng ăn và làm cho mọi người phải kêu lên. Mỗi lần như vậy Tomoko lại cảm thấy xấu hổ và khó chịu.
Tuy nhiên, màu vàng chanh lại rất thích hợp với làn da trắng mịn của Ikuyo, và điều này đã làm tăng thêm ác cảm của những người trong nhà đối với nàng. Một số kẻ đã nói toạc rằng một gái mại dâm mà những nét duyên dáng quyến rũ đã lụi tàn thì sức mấy mà mê hoặc được khách làng chơi? Nhưng Ikuyo trơ trơ như đá.
– Có chuyện gì vậy, mày lại vừa bị bà chủ mắng phải không?
– Đâu ạ, nhưng...
Nó định nói với mẹ về tình hình mà nó vừa được biết, nhưng lại thôi.
– Con gái gì mà kỳ vậy! Nhưng mày đến đây để làm gì chứ?
– Con sắp chuyển sang một cơ sở khác.
Vừa ngắm nghía mình trong gương, Ikuyo vừa sắp xếp lại cho trật tự lại các lọn tóc. Nàng không có vẻ gì là ngạc nhiên trước tin này cả.
– À tốt! Nàng chỉ nói có thế thôi.
– Cuối tháng con sẽ rời nhà Kanô.
– Mày sẽ đi đâu? Ikuyo vừa hỏi như với một người xa lạ vừa lấy mấy ngón tay xoa mạnh vào môi dưới.
– Đi Tôkyô ạ.
– Tôkyô hả?
–...
– Nơi nào ở Tôkyô?
– Ở Akasaka ạ.
– Đi Tôkyô thật ư? Mày may mắn quá đấy.
Tomoko không còn biết trả lời ra làm sao trước câu nói đầy đai nghiến ấy của mẹ. Nó không thể nào giả vờ nói năng như một người con gái cúc cung tận tụy với mẹ như bà Kanô đã căn dặn, nhưng bỏ ra về thì nó lại thấy phân vân lúng túng.
– Mày thật là may mắn được đi Tôkyô! Ikuyo nhắc lại, mắt lơ đễnh vào khoảng không trống vắng. Khi nào thì mày đi?
– Ngày cuối cùng của tháng này, hoặc ngày đầu của tháng tới.
– Sớm thế ư?
– Vâng...
– Vậy chúng ta sắp sửa chia tay nhau rồi!
Tomoko ngước mắt ngạc nhiên nhìn mẹ. Nàng nói với một giọng giống hệt giọng của bà chủ khi bà vừa nói vừa thở dài:
“Do số phận cả!”.
Với rượu saké láng bóng trên mặt, chiếc kimono lòe loẹt, hở hang và dáng ngồi lả lơi trước gương; Ikuyo không có vẻ gì là một người mẹ, tuy nhiên giọng nói cảm động của nàng đã làm Tomoko bối rối, nước mắt chực tuôn rơi.
– Rốt cuộc, ta chẳng giúp được gì cho mày.
– Mẹ, con...
– Hãy cẩn thận khi đến chỗ ở mới. Thỉnh thoảng nhớ gửi thư cho tao, nhớ không?
–...
– Tao cũng chẳng muốn ở đây, tao muốn đi Tôkyô lắm, nhưng đối với tao, thế là hết!
– Không, không đúng như vậy đâu, mẹ ạ, con sẽ trở lại để đón mẹ đi.
– Mày đến Akasaka, đó là một khu phố nổi tiếng về kỹ nữ. Tao tin rằng, rời khỏi đây, tương lai của mày sẽ tốt đẹp. Biết mày sung sướng sẽ giúp tao có đủ can đảm để chịu đựng cuộc sống nơi đây, cho dù chỉ còn lại có mình tao. Tất nhiên không phải tao hoàn toàn sẵn lòng ở lại trong một nơi như thế này nhưng...
– Con sẽ nhanh chóng trở lại đón mẹ đi, mẹ....
Nước mắt giàn giụa, Tomoko bấu chặt vào thành lò sưởi. Rốt cuộc rồi nó cũng nói năng lễ độ với mẹ như bà chủ đã căn dặn, nhưng lẽ ra nó phải vui mừng về những lời lẽ đó phát ra một cách tự nhiên thì Tomoko lại bị dày vò vì bởi những tình cảm trái ngược nhau. Khi mà cơ hội rời bỏ người mẹ tồi tệ đó rốt cuộc đã đến thì nó lại buông mình theo cơn sốt nước mắt.
– À, tao sẽ tặng mày một chiếc kimono đẹp mà mày có thể mặc ngay cả ở Akasaka. Chính tao đã thiết kế mẫu.
Ikuyo lảo đảo đứng dậy và đi về phía tủ để quần áo, nhưng nàng đã dẫm phải gấu áo khiến nàng ngã lăn đến chỗ Tomoko. Nó hoảng sợ, nín thở và nghĩ rằng đây là một biểu hiện buồn rầu của người mẹ sắp phải giã từ con gái. Nhưng Ikuyo đã xoạc một chân lên phía trước để đứng dậy. Cặp đùi trắng của nàng có lúc đã lộ ra tận bẹn. Nó sửng sốt không phải vì đôi chân trắng muốt của mẹ mà vì hương thơm tỏa lên từ dưới váy của nàng. Tomoko trợn tròn đôi mắt ngạc nhiên vì cái mùi êm dịu ấy. Em cảm thấy nước mắt mình cạn dần như thủy triều đang xuống.
– Ơ kìa, mày nghĩ gì thế?
Ikuyo đặt chiếc kimono gói ghém cẩn thận trước mặt nó.
– Nhìn này, tao cho mày đấy.
Khi mới đến nhà Kanô, Ikuyo là người lễ độ nhất, nhưng ba năm sống ở đây đã biến đổi nàng thành một người ăn nói thô lỗ, nhất là khi nàng nói năng với Tomoko. Giữa cô Kokonoe của nhà Kanô và Ikuyo ở cái thời mà người ta còn gọi nàng là bà trẻ của nhà Sunaga, không còn có điểm giống nhau nào nữa.
Thấy Tomoko say sưa ngắm nghía chiếc kimono, Ikuyo tỏ vẻ khó chịu:
– Ê, tao cho mày chiếc áo đấy, tao đã nói rồi mà.
– Con cảm ơn, rất cảm ơn mẹ.
Tomoko quỳ xuống, hai bàn tay úp lên chiếu để cám ơn mẹ, trong khi đó thì một kỷ niệm đau buồn hiện ra trong trí nhớ của nó.Nó nhớ lại chiếc kimono mà mẹ đã mang đến nhà bà ngoại để tặng nó nhưng ngoại đã cắt cái áo đó ra làm nhiều mảnh trong một cơn điên loạn. Tomoko đứng lặng, mắt nhìn đăm đắm chiếc áo mà mẹ vừa cho nó.
– Con gái gì mà khó ưa thế!
Tay cầm chiếc kimono màu hoa cà, Tomoko suy nghĩ, đắn đo không biết cô nên đứng dậy và ra hay không, và tự bảo với mình rằng có lẽ còn lâu lắm nó mới được gặp lại mẹ.
– Tomoko – Ikuyo gọi con gái.
– Gì ạ?
– Hình như mày vừa phải đi chụp ảnh!
– Vâng ạ.
– Mày đã nhìn thấy ảnh chưa?
– Rồi ạ.
– Mày có được tấm nào không?
– Không ạ. Có lẽ bà chủ đã gửi những tấm ảnh đó đến chỗ giới thiệu tìm việc làm rồi.
– Tốt. Ảnh chụp thế nào? Ikuyo có vẻ quan tâm đến chuyện chụp ảnh này.
– Người ta nói với con là ảnh rất giống con. Nhưng chuyện gì thế ạ?
– Không, chẳng có gì cả. Ở đây người cũng sắp tổ chức chụp ảnh. Tao rồi cũng phải chụp.
Ikuyo vừa nói vừa đưa mặt lại gần chiếc gương và ấn các ngón tay vào hai khóe mắt.
– Nếu những đường nhăn nheo này mà hiện rõ nét trên ảnh chụp thì sẽ phiền cho tao lắm đây.
Bộ mặt của Ikuyo đượm một vẻ buồn man mác, không phải già nhưng cũng chẳng trẻ, mà chỉ là một bộ mặt của kẻ đã có một cuộc sống bùn nhơ, trụy lạc, tương phản với màu trắng hồng của phấn son. Tại sao những cuộc đời đen tối nhất, buồn bã nhất, như cuộc đời của các gái điếm lại cần phải tô son, trát phấn?
Hay là Ikuyo thoa phấn trắng lên mặt vì cái đen tối của đời nàng đã làm nàng sợ hãi? Cho dù là phận làm con, nhưng Tomoko cũng không thể tự kiềm chế để khỏi rùng mình khi nhìn thấy người đàn bà đang lo sợ cái già ập đến.
Ngày Tomoko lên đường đi Tôkyô, bà chủ cho làm lễ Đạo Thần để tẩy uế bằng ngọn lửa. Tomoko đến dự, bận kimono bằng lụa thường.
Rạng đông ló dạng – Cháu phải chú ý giữ gìn sức khỏe nghe.
Tomoko gập người cúi chào bà chủ.
– Cháu xin cám ơn bà đã chăm sóc dạy bảo cháu trong mấy năm qua.
Ra khỏi nhà, gả mối lái rảo bước đi trước, Tomoko lẽo đẽo theo sau. Bất chợt nó dừng lại trước cổng chính:
ảnh của tất cả các gái điếm của nhà Kanô được trưng lên ở đây. Trong tất cả các bức ảnh, chỉ có khuôn mặt của Kokonoe là nổi bật hơn cả. Nhìn thấy mẹ với cặp mắt ươn ướt, cái mũi dọc dừa, đôi môi thanh tú, nụ cười rạng rỡ, mọi sợ hãi tưởng tượng của Tomoko đều bị quét sạch và những nỗi kinh hoàng của cô cũng dần dần lắng dịu.
– Mày nhanh lên chứ, tàu sắp đến rồi. Tay mối lái ngoảnh đầu lại và giục Tomoko. Vừa lúc ấy em cất tiếng gọi to:
– Bà chủ, bà chủ!
– Có chuyện gì thế hử? Bà Kanô hốt hoảng chạy ra hỏi to.
Tomoko nói lắp bắp:
–... Xin bà vui lòng chăm sóc mẹ cháu giùm!
Dứt lời nói lại nhảy xổ ra ngoài, đi thẳng đến đường cái và không đưa mắt nhìn tấm hình của mẹ nó nữa. Nó ra sức chạy, đung đưa hai tay. Khi đến được nhà ga Shizuoka, nó có cảm tưởng như là tay trái của nó đã dài ra:
ống tay áo của nó bị rách, treo lủng lẳng ở bàn tay đỏ ửng vì giá rét.