Chương 4
ĐI TOKYO

Đây là chuyến đi dài ngày và là lần đầu tiên Tomoko đi tàu hỏa.
Tuy phải xa quê hương, xa bà ngoại và rời bỏ căn nhà gỗ với biết bao kỷ niệm, vui có, buồn có, nhưng em không cảm thấy buồn vì giấc mơ của đời nó đương chờ đón nó ở Tôkyô:
được thấy lại mẹ và sống bên cạnh mẹ!
Nếu như chuyến đi ít làm nó vui, có lẽ là do có bố dượng bên cạnh. Nhưng trong bốn hoặc năm ngày sống gần nhau, em thấy bố dượng Keisuke là một con người hiền lành. Nó tin như vậy.
Ông bà trưởng thôn đã không giấu giếm vui mừng khi đón đứa con trai tiêu xài hoang phí trở về nhà một mình mà không mang theo vợ. Nhưng khi biết lý do duy nhất khiến anh trở về nhà là để gặp Tomoko ở nhà Sunaga thì họ lại càng ngạc nhiên hơn là bực mình. Khi họ hỏi anh có quan tâm đến các con của người vợ cả nữa hay không thì anh đã van xin cha mẹ hãy xem như anh không còn thuộc gia đình Kôsaka nữa. Nó loạn trí rồi à? Con Ikuyo đã làm nó mê mẫn rồi? Ông bà trưởng thôn thực sự đau khổ và không đả động gì đến chuyện đó nữa. Đứa con trai họ xưa kia ngoan ngoãn, phục tùng đến là vậy mà nay đã thay đổi hoàn toàn từ ngày nó tái hôn với cái con Ikuyo. Tuy nhiên, ông trưởng thôn đã nhìn thấy trước điều có thể xảy ra:
Keisuke không có tiền, lại không phải là loại người biết kiếm tiền; sớm hay muộn Ikuyo, vốn thích ăn diện, rồi cũng sẽ chán nó. Và ngày một ngày hai, Keisuke sẽ trở về. Mệt nhọc sau ba ngày đi từ Tôkyô đến Wakayama, Keisuke cần phải nghỉ ngơi, sau đó anh sẽ đến thăm chú Shinya.
Không bao giờ người ta biết được Shinya và Keisuke đã nói với nhau những gì trong ngày hôm đó. Chắc chắn là Shinya không có một sự cản trở nào đối với sự ra đi của Tomoko vì lẽ một khi cô bé thừa tự trực tiếp của gia đình Sunaga đã đi rồi thì ông ta sẽ chiếm đoạt được cái nhà một cách dễ ợt.
Khi phong cảnh bên ngoài bắt đầu tan biến trong hoàng hôn thì cũng là lúc mà Tomoko cảm thấy một nỗi buồn man mác xâm chiếm lòng nó. Còn Keisuke cũng chìm đắm trong cái buồn xa vắng trong chuyến đi này. Tomoko trợn tròn mắt ngạc nhiên nhìn anh:
dạo ở quê, anh ăn mặc còn chăm chút hơn là lúc này, một người dân Tôkyô thực thụ, càng tới gần Tôkyô thì quần áo anh lại càng lôi thôi lếch thếch, một điều khá kỳ lạ trước con mắt của Tomoko.
Tối đến, nó bắt đầu cảm thấy mệt mỏi nhưng nó còn phải sắp xếp chỗ ngủ cho con búp bê.
– Tomoko, con cũng phải đi ngủ chứ, không thì con sẽ kiệt sức đấy.
Tomoko không thể không nhìn chằm chằm vào mặt chú Keisuke. Vậy người này là chồng mẹ đó sao?... Nó không thể nào tin được. Và cũng khó mà tin rằng đó là con trai ông trưởng thôn. Anh chàng ta có nước da ngăm đen, phát phì trước tuổi, toàn thân phảng phất dáng dấp nhu nhược, vẻ mặt trông đáng thương...
– Tomoko, dậy đi nào!
Tiếng gọi của Keisuke kéo nó ra khỏi giấc ngủ chập chờn. Một toàn cảnh sáng bừng trải dài trước mắt nó.
– Sắp được thấy núi Fuji rồi!
– Cháu cũng đã trông thấy nó.
– À, phải, con nhìn thấy nó từ trong toa-lét chứ gì?
Bực bội, nó bặm môi im lặng. Mặc cho Keisuke ra sức bảo nó ăn cơm hộp mà anh vừa lấy ra, Tomoko vẫn không đụng đến.
– Con cũng bướng bỉnh như mẹ con ấy! Keisuke nói và mỉm cười cay đắng.
Con thực không muốn ăn à? Anh cố nài.
Trong lời nói của Keisuke nó không thấy có ác ý gì đối với người con riêng của vợ ông ta. Nó chỉ thấy là ông bố dượng không xứng đôi lắm với người mẹ kiều diễm của nó.
Ở ga Tôkyô không có ai ra đón họ. Keisuke vác lên vai cái rương bằng mây của Tomoko và nắm lấy tay nó lên đường. Tomoko cảm thấy buồn. Vậy đó là ga Tôkyô, nơi mà nó tin chắc là sẽ được gặp mẹ.... Dưới mắt nó, nhà ga chỉ là một cái vỏ sò mênh mông, trống vắng buồn!
Nhưng rồi nó lại vui. Chẳng mấy chốc nữa là nó sẽ được thấy lại mẹ. Hy vọng đã làm tiêu tan hết mọi mệt nhọc của chuyến đi. Lòng nó tràn đầy phấn chấn, tim nó đập rộn ràng.
– Sắp đến nơi rồi, Keisuke vừa nói vừa ngoảnh lại. Anh vẫn vác cái rương, mặt nhễ nhãi mồ hôi. Áo sơ mi ướt đẫm dính vào lưng, còn áo vét thì anh đã vắt lên rương ngay từ khi bước xuống tàu.
– Chào em Ikuyo, bọn anh đã về! Keisuke vừa nói vừa đặt cái rương lên chiếc chiếu ở cửa ra vào.
– Ikuyo!.... Em đấy à? Tomoko, trông kìa, Yasuko đấy.
Keisuke chỉ cho nó đứa bé con đang nằm ngủ ở trong phòng cùng.
– Nó kháu khỉnh đấy nhỉ? Keisuke vừa hỏi vừa ngồi phịch lên chiếu, đối diện với Tomoko, và âu yếm ngắm nhìn con gái.
– Nó thật kháu. Tomoko trả lời và cười vui vẻ.
Cảnh êm đềm giữa người cha, con gái và đứa con riêng bị phá vỡ một cách tàn nhẫn. Từ phía cửa ra vào, một giọng chát chúa vẳng lên:
– A, mọi người đã về đấy à? Sao lâu thế!
Ikuyo đứng đó, trong khung cửa phòng khách bên cạnh, và nhìn họ.
– Chào em.
Keisuke lên tiếng, còn Tomoko thì không biết nói gì vì trái tim nó đang đập mạnh khiến nó không thốt lên được một lời nào; em lặng lẽ đứng dậy và theo Keisuke vào phòng khách.
– Ikuyo, em không nói gì với Tomoko ư?
Sự quan tâm của Keisuke đối với con bé không làm Ikuyo thích thú; mặt nàng sa sầm lại.
– Tại sao mặt mày lại bẩn thế! Hãy nhìn vào gương xem! Đi rửa mặt mau!
Đó là những lời đầu tiên mà Ikuyo nói với con gái. Như bị thôi miên, Tomoko đi về phía nhà vệ sinh mà mẹ nó chỉ cho. Nó vướn người lên để lấy chiếc gương móc ở xà, soi vào gương và nín thở:
cái mặt tròn trĩnh của nó đầy cáu bẩn. Ở đây người ta không cần phải ra giếng mà chỉ cần vặn vòi. Ngây ngất trước những điều diệu kỳ của Tôkyô, Tomoko hứng nước vào lòng bàn tay và rửa mặt. Vừa rửa mặt nó vừa nghĩ tới cái giọng nói kỳ quặc của mẹ. Mẹ đã thay đổi triệt để giọng nói, trong khi đó thì Keisuke, đã sống ở Tôkyô lâu hơn Ikuyo nhiều, nhưng anh vẫn giữ giọng nói vùng quê.
Tomoko rửa mặt về thì vô tình nghe được cuộc cãi vã giữa mẹ và bố dượng.
– Thế thì chỉ có cách là anh mang nó đi cùng?
– Chớ có nói bậy. Tomoko đã chín tuổi rồi, anh không thể đưa nó vào nhà tắm nam.
– Được, vậy thì nó sẽ đi một mình. Anh chỉ dẫn nó đến trước cửa nhà tắm thôi.
– Em đừng nói thế, em hãy mang nó đi. Đây là lần đầu tiên con nó đến nhà tắm công cộng, làm sao em lại để cho nó tự xoay xở lấy một mình được?
– Ôi phiền phức quá!
– Ồ không, chúng ta đi nào. Anh sẽ trông Yasuko, còn em thì đưa Tomoko đi, đồng ý chứ, Ikuyo?
– Tomoko!Mày làm sao mà cứ nhìn mãi tao như vậy hả? Chuẩn bị nhanh lên để mà còn đi tắm chứ.
– Tomoko, con đi tắm cùng mẹ con nhé.
Nghe giọng nói của Ikuyo và Keisuke, có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng Keisuke là cha đẻ và Ikuyo là mẹ ghẻ của nó.
Tomoko mở rương lấy quần áo sạch mà u già đã xếp vào đấy, cầm chậu thau mà mẹ đưa cho và đi theo mẹ. Ikuyo bước nhanh, điệu bộ và nét mặt có vẻ tự hào như có người giúp việc hộ tống. Khi đến trước nhà tắm công cộng, nàng kéo chiếc màn xanh thẫm trên đó có ghi những chữ móc meo “Buồng tắm nữ”.
và bước vào. Đi sau mẹ, Tomoko đưa mắt nhìn nhanh vào phía trong. Ở đây có vài phụ nữ đang cởi hoặc mặc quần áo.
Ở trong phòng thay quần áo của nhà tắm công cộng, nó tần ngần khi cởi quần áo trước những người đàn bà xa lạ đó. Ikuyo mà vừa rồi không có gì vội vã trong chuyện đi tắm thì bây giờ lại tỏ ra dứt khoát khi đã bước qua tấm màn.
Và khi nàng cởi bỏ nốt chiếc váy trong thì thân hình trần truồng như nhộng của nàng lung linh nhựa sống như thân hình một cô gái đôi mươi.
– Tomoko! Mày đừng có đứng ngây ra như vậy. Cởi quần áo nhanh lên.
Dứt lời, nàng đẩy cửa phòng tắm và mất hút.
Còn lại một mình, Tomoko dần hồi tỉnh. Nó lấy chậu thau và đẩy cửa phòng tắm. Phòng đầy hơi trắng dày đặc như khói. Một mùi lợm mửa. Nó đưa mắt tìm mẹ.
Chẳng nói chẳng rằng gì với con, Ikuyo vào bồn tắm ngâm mình trong đó.
Tomoko làm theo mẹ. Nước nóng quá, và nó liên tưởng đến Hachirô đã dồn dập ném củi vào lò mặc dù nước tắm đã sôi từ lâu khi anh nghe tin Ikuyo đang mang thai.
– Mẹ....
– Gì?
– Mẹ biết không, Hachirô, chú ấy đã bỏ làng đi sau khi ngoại mất. Chú ấy đến Osaka tìm việc, nhưng chú nói với con là chú muốn đến Tôkyô hơn.
Nhưng Ikuyo không có vẻ quan tâm đến số phận của người làm thuê cho nhà mình, nơi mà nàng đã sinh ra và lớn lên. Hoặc là do giọng nói quê mùa của Tomoko đã làm nàng bồn chồn. Thực thế, nàng vừa nhác thấy các bà láng giềng ngừng trò chuyện với nhau để vểnh tai về phía họ.
– Tomoko, mày đừng có nói cái giọng Wakayama ấy nữa, nếu không thì ở trường người ta sẽ cười cho đấy.
Toàn thân nó ửng đỏ, nhưng không phải vì nước nóng. Nãy giờ các bà quan sát nó vừa nhận xét về nó. Hai bà cạnh nó đang cọ mình với những túi nhỏ đựng cám gạo lên tiếng hỏi:
– Cháu bao nhiêu tuổi rồi, bé!
–... Chín tuổi ạ.
– Cháu kháu quá!
Ikuyo nói xen vào:
– Cháu nó bé so với tuổi phải không? Đã hai năm nay tôi không được gặp cháu, nhưng người ta nói rằng nó không lớn lên được tý nào. Thất vọng quá!
– Không đâu! Hãy xem này. Nó đẹp, nó giống mẹ nó. Rồi bà sẽ mừng khi thấy nó lớn lên. Nó sẽ là niềm tự hào của bà, con bé ấy, rồi bà xem. Bà sẽ không hối tiếc về tiền của bà bỏ ra để dạy cho nó ca hát và nhảy múa đâu.
– Đó là bà giáo dạy hát có họa đàn theo, Ikuyo thì thầm vào tai Tomoko.
Khi họ rời khỏi nhà tắm công cộng thì trời đã tối và đường phố trở nên yên tĩnh.
Có lẽ do cảm giác dễ chịu sau khi tắm mà lần này Ikuyo bước đi ung dung với vẻ vui tươi. Nàng vừa được một bà khen ngợi, như người ta đã thường nói với nàng, rằng với sắc đẹp của nàng, lẽ ra nàng đã là một kỹ nữ rồi.
– Mẹ!
Mỗi khi có thể, Tomoko lại nhớ đến niềm hạnh phúc bị lãng quên à nó cảm thấy khi nói “mẹ”, vả lại, ở cái tuổi khao khát mong muốn học tập, nó rất muốn biết ý nghĩa của những từ mà hồi nãy đã tình cờ lọt vào tai nó.
– Này nhé, những ngày thất nghiệp là những ngày mà nội thành đông người nhất. Năm nay đã có ngày đầu năm, ngay hội hoa đào, và sắp tới là ngày hội mùa hạ. Và những ngày nghĩ lễ là gần như vậy, có ngày mồng một và ngày rằm, và đến... Đấy, nói chung là như vậy.
Ikuyo nói huyên thuyên và với một giọng pha đôi chút âm điệu của đồng quê, Tomoko cho rằng đó là một biểu hiện tình cảm của mẹ đối với nó. Tiếp theo, Ikuyo giải thích chó nó ý nghĩa của một số từ mà nàng đã dùng:
– Nội thành là khu phố Yoshiwara. Ở đây có các cô gái làng chơi xinh đẹp và các kỹ nữ. Ngoại thành là nơi có những nhà ở như nhà của chúng ta.
Cơ may nào đã đưa Keisuke và Ikuyo đến ở ngay cạnh khu phố của những lạc thú? Dù sao thì Ikuyo, với chiếc gáy xoa phấn và nước hoa, cũng rất hài lòng với môi trường ở đây.
Keisuke đang sống cuộc đời bình thường của một công chức:
anh ra đi từ sáng sớm và mãi đến chiều tối mới về. Anh làm việc ở một cửa hàng sách của khu phố Kanda. Trong khi đó thì Ikuyo lượn lờ trong nhà mà không có việc gì đặc biệt để làm. Còn Tomoko thì ngoài những giờ học ở trường, nó giúp me chăm sóc Yasuko và làm việc nhà rất chăm chỉ, nhờ vậy mà Ikuyo có được nhiều thì giờ rỗi rãi theo học lớp dạy đàn shamisen.
Với tiền lương ít ỏi của Keisuke thì khó mà thỏa mãn được những ham muốn của Ikuyo. Về ở và ăn thì họ không thiếu bất cứ thứ gì, nhưng không đủ khả năng thuê người làm thì thực không thể chịu nổi đối với người đàn bà khó tính nhất của gia đình Sunaga. Tuy nhiên, những người láng giềng đã được nghe đồn về sự may vá của nàng, và nhờ hữu xạ tự nhiên hương mà người ta đổ xô đến đặt hàng cho nàng. Việc này cũng chỉ đưa lại cho nàng được một ít tiền, tuy vậy Ikuyo cũng tự hào là đã tự mình kiếm ra tiền. Nhưng cho dù cả khu phố có ca ngợi sắc đẹp của nàng, và cho dù nàng có nhà ở ngay cạnh Yoshiwara, thì nàng cũng vẫn chỉ là một người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở thôn quê ở trong một gia đình cổ xưa, thiếu giáo dục, và không được học hỏi bất cứ một môn nghệ thuật nào nhằm tô đẹp, làm vui cho cuộc đời, tóm lại không là ai khác ngoài người vợ bình thường của Keisuke Kôsaka.
Đã từ lâu Ikuyo nuôi tham vọng làm nghề buôn bán như phần lớn dân cư ở một khu phố thấp hèn. Mẹ của Keisuke cho cậu quí tử một trăm yên trong dịp anh về thăm nhà ngắn ngủi và số tiền đó lẽ ra là phải giúp thực hiện dự định ấy, nhưng một trăm yên đã bị mất trên đường, trở về Tôkyô như Keisuke đã thú thật với Ikuyo. Đó là dịp để họ cãi cọ nhau.
– Tại sao người ta lại có thể đần độn tới mức là bỏ một số tiền lớn như vậy vào trong túi xách được!
– Ừ, đúng thế.
– Như vậy có nghĩa là ta không thể làm gì được nữa hết, ta lại trở về như trước chứ gì?
– Anh thật sự đau khổ về chuyện này.
– Tôi thì đã chán ngấy cuộc sống bần cùng này rồi! Anh không hiểu à?
– Anh hiểu, anh hiểu. Chính vì vậy mà anh đã về Wakayama. Anh nghĩ rằng anh sẽ làm em sung sướng khi anh trở về với số tiền đó, nhưng thực là chẳng may gì cả! Chắc chắn là bọn chôm chỉa đã lấy cắp số tiền của anh trong lúc anh ngủ!
– Tiền thì cất trong thắt lưng, có thế thôi. Ngốc nghếch lắm thì mới không giữ tiền ở trong người!
– Đúng vậy.
– Anh thì cứ mặc sức mà nói! Còn tôi, tôi biết làm gì?
Nói đoạn, Ikuyo đứng dậy, mặt hầm hầm, còn Keisuke thì cúi đầu, bộ dạng thảm hại. Chưa bao giờ Tomoko hình dung một cảnh tượng như vậy. Tâm hồn trẻ non của nó còn giữ mãi kỷ niệm về một người phụ nữ với một sắc đẹp lộng lẫy và một sự điềm tĩnh uy nghiêm, mặc toàn trắng trong lần tái hôn. Tomoko hoàn toàn bị mất phương hướng, không tài nào thiết lập được mối quan hệ giữa người đàn bà có cái gáy xoa phấn đang đứng trước mặt nó và người mẹ xưa kia.
“Đàn ông đều như vậy cả ư?” nó tự hỏi vì bị choáng trước cử chỉ phục tùng của Keisuke, hiến mình không điều kiện cho vợ. Quyết định mạnh mẽ duy nhất mà anh đã có trong đời, quyết định tái hôn với Ikuyo, đã đẩy anh vào cuộc sống này, phù hợp với những ước mong, hoài bão của vợ anh, nên anh không có bất cứ lý do gì để thù oán nàng về chuyện đó. Tomoko thấy mẹ mình thật sung sướng. Và không nghi ngờ gì nữa, Ikuyo đã tận hưởng niềm hạnh phúc được trách mắng chồng mình và xem anh như một kẻ ngốc nghếch khờ dại.
Ở trường mà Tomoko vào học sau kỳ nghĩ mùa hè, có nhiều học sinh khu phố Yoshiwara. Một em bé cùng lớp với Tomoko đến trường với chiếc gáy xoa phấn trắng, và trong một môi trường như vậy thì những từ như học làm kỹ nữ hay là kamuro (bé gái giúp việc cho một kỹ nữ) đã nhanh chóng gia nhập vốn từ vựng của Tomoko. Ở trường, nó ngồi cạnh con trai của bà chủ chứa, con gái của bà chủ quán nước, và có hôm đương học thì một anh hề, người tháp tùng các kỹ nữ đến những nơi hẹn hò, ló đầu vào lớp tìm một bé gái có chiếc gáy xoa phấn, cho thấy là toàn khu phố, ở phía trong thành hoặc phía ngoài thành đều sống nhờ vào hoạt động của Yoshiwara, và dân chúng ở khu phố không hề nghĩ rằng khu ăn chơi là một nơi bẩn thỉu, hoặc là một nơi bị loại ra khỏi thế giới của họ.
Một bé gái mà Tomoko bắt bạn đã nói là lớn lên nó sẽ trở thành một cô gái làng chơi sang trọng như bà Eizan nổi tiếng.
Một hôm cô bé đó thì thầm rằng hôm nay là “ngày lễ” và nó kiếm được nhiều tiền. Tim Tomoko đập rộn rã lúc cô bé rủ nó cùng về khi tan trường. Hôm đó đúng là ngày hội những người chết. Tay trong tay, hai đứa bé len lỏi qua làn sóng người, mỗi đứa cầm trong tay con búp bê của mình.
Về đến nhà, sau khi chào tạm biệt bạn, Tomoko nghe tiếng khóc dữ dằn của đứa em gái, Ikuyo đương ngồi trang điểm trước gương, và không để ý gì đến đứa bé. Nàng có vẻ như vừa tắm xong, mùi hương thơm nức. Tomoko thích nhìn mẹ trang điểm hơn là bận tâm chăm sóc đứa bé.
Nó tự nói với mình rằng cả Keisuke lẫn Ikuyo đều rất buồn trước cuộc sống hiện tại, nhưng nó có cảm tưởng Ikuyo là người buồn nhất vì nghèo quá không thể thuê mướn đầy tớ được nên bắt buộc phải quản lý gia đình một mình. Hạnh phúc nhất của Ikuyo bây giờ là thoa phấn mặt và tô son môi vì nàng không còn thích thú ngồi may kimono và luôn luôn mặc những chiếc áo mới. Nàng ngắm mình trong gương một cách nghiêm trang, điều này làm nảy sinh ở Tomoko sự kính trọng lẫn sợ sệt.
Bất thình lình Ikuyo trông thấy con gái mình ở trong gương. Tomoko lễ phép cúi mình, hai bàn tay đặt lên chiếu.
– Con chào mẹ.
– À, mày đã về. Vào xem con Yasuko có cần gì không.
– Vâng ạ....
– Này, mày cầm cái gì ở trong tay đấy?
– Thưa chiếc bánh bột tẻ ngày hội đấy ạ. Bạn Omitsu đã cho.
– Đưa tao xem nào.
Nàng đưa chiếc bánh đến gần gương và nhìn nó một lúc, rồi tiếp tục trang điểm mà không bình luận gì. Tomoko không có thì giờ để ngồi không, nó đi vội sang phòng bên, nơi Yasuko vẫn còn khóc tướng cả lên.
Nó bế em lên và đi sang phòng mẹ. Ikuyo đã trang điểm xong, và bây giờ nàng đang bận nhìn một cách hờ hững cái bánh có hình cô gái làm bằng bột tẻ đặt trên lòng bàn tay. Cảm thấy sự có mặt của hai chị em Tomoko ở sau lưng mình, nàng nói với chúng, mắt vẫn không rời chiếc gương:
– Cô ta đẹp quá!
Và nàng lại ngắm nghía không biết chán cái bánh hình cô kỹ nữ.