Chương 17

Rừng Phong Ai Nhuộm Đỏ Tươi
Phải Chăng Nước Mắt Của Người Biệt Ly
Tây Sương Ký.
Hanaya đã trở thành nơi tiệc tùng của các sĩ quan quân đội và các công binh xưởng. Không khí kín đáo, ấm cúng của khách sạn ngày xưa nay đã hoàn toàn biến mất.
Họ vừa hát cùng cô, vừa vỗ tay và hò hét om sòm.
Một sự suy đồi ghê gớm. Nhưng có lẽ những con người đó đã nốc, nốc đến say khướt như vậy để quên đi mọi chuyện.
– Thưa cô!
Một người ở gái mang đến chai Saké và ghé sát vào tai cô thì thầm:
– Cô có khách ạ, bà lớn ở Osaka.
Ồ không, sao lại là bà ta nữa, Tomoko nghĩ, không đủ can đảm để đứng dậy ngay.
Bây giờ trong cả nước, quần áo và đồ ăn, thức uống rất khan hiếm, cho nên hàng tháng, ít nhất là một lần, bà Ikuyo đi Tôkyô “thăm con gái”. Rõ ràng là nhà Kuwata đang trong cơn túng thiếu và bà không thể tiếp tục sống ở đó được nữa. Ở Hanaya người ta đã cố gắng vượt mọi khó khăn và giữ được mức sống khá cao khiến bà bỗng nhiên nhớ tới nó.
Nhưng Tomoko không chịu đựng được nữa những tính khí đồng bóng của mẹ. Cô lặng lẽ kéo tấm vách ngăn và ngán ngẫm nhìn thấy bà đang cởi bỏ chiếc quần nông dân ống phồng.
– Tomoko, mẹ lại đến quấy rầy con một lần nữa đây! Bà tuyên bố với một giọng rất tự nhiên.
– Đi đường vất vả lắm phải không mẹ? Tomoko chỉ hỏi mà không chào mẹ, cốt là để che dấu sự ngạc nhiên của mình.
– À phải, vất vả lắm. Hành khách đông như nêm, khiến mẹ không có chỗ mà ngồi, phải đứng suốt từ Osaka đến Tôkyô. Không có ai nhường chỗ cho mẹ cả, mẹ đã phải nói là mẹ đã sắp sáu mươi rồi, nhưng chẳng ai tin!
Tomoko không thể không mủi lòng về chuyện đi cực kỳ gian khổ của mẹ, trong khi đó thì Ikuyo lại vừa nói vừa cười vui vẻ, mặt tươi rói, và tự hào là không ai tin bà lại nhiều tuổi đến thế.
– Mẹ ắt là mệt lắm. Mẹ muốn nằm giường thì để con cho kê một cái ở dãy nhà phụ còn bỏ trống.
– Chẳng cần đâu, riêng chuyện đi đến được Tôkyô là mọi chuyện mệt nhọc của mẹ đã bay biến hết! Mẹ nghĩ rằng khí hậu ở Osaka không hợp với mẹ.
– Hợp hay không thì mẹ đã biết rõ Osaka khi mẹ lấy Hachirô và đã đến sống ở đó, có phải không nào? Tomoko nói và đứng phắt dậy trước mặt bà, tựa như em cố ý ngăn cản mẹ mình đừng dấn thêm bước nữa trong phòng.
Nhưng Ikuyo không dễ gì bị bắt bẻ, bà vung tay, và vừa cười vừa thốt lên:
– Cái lão ấy thật là một thằng ngốc, đời thuở nhà ai lại lấy một mụ già như tao!
Tomoko lại ngồi xuống và ngẩng đầu về phía Ikuyo:
– Mẹ đến đây có việc gì thế?
– Sao, tao đến đây để làm gì à? Mày thực là khô khan với mẹ mày. Dù thế nào đi nữa thì mày cũng rất vững vàng, xoay chuyển được cả một cơ ngơi to lớn vào cái thời buổi này, hoan hô!
Nói đoạn, bà kéo ra từ chiếc túi du lịch những chiếc giày vải trắng và một chiếc áo vét có cùng hoa văn với chiếc kimono, và thế là bà đã biến thành một bà luống tuổi lịch sự, duyên dáng tựa như không hề có chiến tranh.
– Xin lỗi đã để bà phải chờ lâu, một người ở gái đi vào với chiếc khay để đầy thức ăn, đồ uống. Thật là thịnh soạn.
– Cảm ơn, cảm ơn, có vẻ ngon quá! Ikuyo reo lên và vồ lấy đôi đũa.
Có lẽ bà đã báo dọn cơm cho bà khi mới đặt chân vào nhà, nếu không thì làm sao có được cơm nhanh thế? Tomoko hết chịu nổi sự bần tiện của mẹ mình.
Bà nheo mắt ngắm nghía khúc cá thu rán màu nâu ở đầu đôi đũa, rồi lại nhai ngấu nghiến, những chiếc răng giả lại kẽo kẹt vang lên.
– Không đến nỗi tồi, không tồi!
– Mẹ!
– Dễ có đến hằng bao nhiêu năm nay tao chưa được ăn cơm gạo trắng.
– Mẹ!
Ikuyo cũng ngẩng đầu lên nhìn con gái.
– Sao?
– Mẹ đến Tôkyô có việc gì vậy?
– Ồ, ở đó thật là kỳ cục.
– Ai kỳ cục?
– Tất cả các cửa hiệu đồng hồ đều bị trưng dụng vào công binh xưởng, và đức ông chồng của tao ngày nào cũng mặc đồng phục đến nhà máy. Nếu tao mà ở lại đó thì thật là kỳ.
– Đất nước đang có chiếc tranh, sao lại bảo là kỳ cục?
– Rồi đến tối, ông ta trở về nhà mệt lử, và thế là muốn hay không, tao cũng phải làm cơm.
– Đó là chuyện bình thường, phải không nào?
– Ở đó chẳng có cơm, cả đến bột mì cũng không, vậy thì thử hỏi mày làm như thế nào để có ăn?
– Ở Osaka, mẹ có thể về tận Wakayama để mua thực phẩm, làm được quá đi chứ, sao lại không? Thỉnh thoảng con cũng phải quàng túi vào lưng và đi về các nông thôn, đến tận Nerima để mua thực phẩm.
– Nhưng Tomoko, tao sắp sửa sáu mươi rồi!
Tomoko không nói nữa. Thật là khó tranh cãi với một người mẹ luôn luôn đưa ra chiêu bài tuổi tác để biện hộ cho thói muốn ăn mà chẳng muốn làm của mình.
– Mày thuê người trông nôm vườn tược đấy à?
– Vào thời buổi này ai còn lo đến chuyện làm vườn? Họ đang đào hầm phòng không đấy!
– Ở nhà máy, nơi ông lão nhà tao làm việc, họ cũng xây hầm sâu dưới đất.
Liên từ “ông lão nhà tao” làm chối tai Tomoko.
– Ông Kuwata có khỏe mạnh không ạ? Cô lễ phép hỏi, cốt để bà nhận ra cách bà gọi chồng vừa rồi là kém tế nhị.
– Lão ấy chẳng bao giờ ốm đau cả, nhưng lại là đồ vô tích sự! Tao bây giờ sống như một bà góa. Mày hiểu ý tao nói rồi chứ?
Tomoko đứng lặng vì quá ngạc nhiên khi thấy mẹ cười sằng sặc và đoan chắc với cô rằng chồng bà lâu nay không còn sờ mó gì đến bà nữa, và cuộc sống hiện tại của bà ở Osaka thật là “vô vị”. Tomoko nay đã bốn hai, cái tuổi mà người phụ nữ luôn lo sợ, soi gương hằng ngày và bỗng nhiên giật mình thấy các vết nhăn trên mặt mình ngày một hằn sâu. Tuy nhiên, dù cô không có chút kinh nghiệm gì về cuộc sống lứa đôi, nhưng cô không tin rằng quan hệ vợ chồng chỉ là quan hệ nhục dục.
Theo phong tục Nhật Bản, Tomoko cho làm một cái vườn truyền thống, và để bảo đảm cho hoa nở khắp bốn mùa, cô đã trồng nhiều loại cây con:
đỗ quyên, lệ quyên, táo tây lùn, trà hoa, mộc tê, đó là chưa kể rất nhiều cây anh đào nở hoa vào mùa xuân, những cây anh đào cổ thụ gợi nhớ phong cảnh của cố đô Kyoto trồng ở phía bên các đồi nhỏ nhân tạo; từ khách sạn, người ta có thể nhìn thấy chúng vào mùa hoa nở rộ. Còn bây giờ thì chưa có cây nào ra hoa, nhưng giữa các cây con cành lá sum sê, và sau cái màu xanh thẫm của các cây thông, từ các phong màu hồng điều tỏa rực ánh sáng long lanh.
– Ồ, các lá phong đẹp quá!
Tomoko cũng có nhận xét như thế. Ikuyo thốt lên vì nỗi nhớ quê nhà, nhớ một thế giới mà ở đó người ta có thì giờ ngồi chiêm ngưỡng những màu sắc mùa thu. Và kỳ lạ thay, nhận xét này của Ikuyo đã bỗng nhiên làm tiêu tan mọi tức tối của Tomoko đối với mẹ, tựa như nó có năng lực quyến rũ và làm dịu con tim nóng bỏng.
– Vâng, đúng thế, các lá phong đẹp thật mẹ ạ. Trong vườn hoa truyền thống của Nhật, người ta luôn luôn trồng ở phía tây những cây mà lá sẽ có màu đỏ khi sang thu, gọi là “cây của mặt trời lặn”, nhưng có lẽ trong suốt hai năm qua, kể từ ngày xây dựng Hanaya, chưa bao giờ Tomoko ngắm nghía những chiếc lá màu hồng điều đó cảm động như hôm nay. Những chiếc lá phong lộng lẫy với muôn vàn tia sáng tựa như đã hút hết những ánh hồng của đằng tây. Cảnh đẹp huy hoàng đã làm cho Tomoko ngây ngất hồi lâu.
Những bông hoa mùa xuân có vẻ đẹp riêng nhưng chúng thiếu nỗi buồn xao xuyến lòng người của các chiếc lá thu màu hồng điều. Ngay cả các cây mẫu đơn đang độ ra hoa, với vẻ duyên dáng thẹn thùng và càng lộng lẫy với thời gian cũng không có được sự táo bạo của những lá đỏ mùa thu. Trong khi Tomoko mãi ngắm vườn hoa và thả mình vào những nghĩ suy đó thì các tia sáng ở tận chân trời biến mất rất nhanh, đánh dấu sự ngắn ngủi của mùa thu ấy. Những màu sắc tráng lệ của lá phong nhạt đi rõ rệt, và hoàng hôn lướt nhẹ trên vườn cây. Thiếu ánh sáng, các lá chuyển sang màu xám thê lương.
Những giấc ngủ đã giết chết sắc đẹp của mẹ cô cũng như đêm tối đã viết chết những lá đỏ tỏa sáng trong vườn lúc hoàng hôn. “Một lần nữa ta lại phải giữ mẹ ở lại” Tomoko than thở.
Cuối cùng rồi Ikuyo cũng thức giấc. Bà ngáp dài.
– Mẹ có thể nghỉ lại đây cho đến khi nào Hachirô đến đón mẹ về Osaka. Nào, mẹ đi ngủ kẻo khuya rồi.
– Tomoko, mẹ tự hỏi lần này cái lão ấy có đến không?
Từ ngày quân đội Mỹ đổ bộ lên Saipan, quân đội Nhật từng “bách chiến bách thắng”, nay liên tiếp thất bại, và đất nước của mặt trời mọc đã cất lên những tiếng kêu hấp hối đầu tiên. Người dân Tôkyô đã bắt đầu phải chịu cảnh tang tóc của chiến tranh:
Kinh đô thiếu trầm trọng lương thực và quần áo, ngay đến Hanaya cũng không thoát được nạn đói.
Ikuyo không thể chịu đựng được hơn nữa những khó khăn trong tiếp tế của Osaka, nay có vẻ thỏa mãn lắm với việc ăn uống ở Hanaya nhờ vào những thức ăn thừa của khách, và sau ít hôm, bà đã hết băn khoăn là không nhận được tin tức gì của chồng.
Mười ngày sau khi Ikuyo đến Tôkyô, những trận giội bom của không quân Mỹ bắt đầu và tăng dần từng ngày. Hầm trú ẩn trong vườn trở thành trung tâm trú ẩn của những người ở Hanaya và khách vãng lai.
Không còn ai thích ăn uống, chè chén nữa, kể cả rượu cũng không thể làm say lòng người. Người nào cũng có cái nhìn vô vọng và sợ hãi như đọc thấy các chữ “thất vọng” viết trong không trung.
Tất cả các còi báo động loạt rú lên xa, gần, lanh lảnh, trầm mặc, rùng rợn.
– Mẹ, bây giờ không phải là lúc mẹ đếm những chiếc kimono của mẹ! Nếu mẹ không yên tâm thì cứ để luôn chúng ở trong hầm.
– Ấy chết, hầm ẩm thấp lắm, sẽ hỏng hết áo!
– Thế mẹ định mang xuống hầm rồi hết báo động lại mang lên à?
– Mẹ không còn cách nào khác nữa.
– Như vậy thì mẹ gây khó khăn cho mọi người mỗi lần xuống hầm, kể cả mẹ nữa. Nếu mà mẹ không xuống hầm kịp và xảy ra chuyện không hay cho mẹ thì con, con sẽ bị quở là đứa con...
Tomoko định nói là “đứa con bất hiếu” nhưng lại thôi. Những từ này làm cô sợ khiếp vía.
Các máy bay B29 tiếp tục ném bom cháy. Trời Tôkyô về đêm thường xuyên rực lửa, nhiều hôm báo động suốt cả đêm, và ngay cả Ikuyo rồi cũng phải nhìn trực diện thực tế rùng rợn. Ngao ngán, bà luôn hỏi con gái, trong lúc đợi chờ còi báo hiệu:
– Tomoko, mày có tin là chúng ta sẽ thoát được không?
Tomoko không thể khẳng định được điều đó với mẹ, cô chỉ lặng thinh nắm chặt bàn tay của mẹ để thay cho câu trả lời.
Mẹ ơi, con không biết là chúng ta có thoát được không, nhưng mẹ thấy đấy, giờ đây chỉ còn lại có mẹ con ta ở trên đời này. Cả mẹ lẫn con đều không có người đàn ông nào. Có lẽ là chúng ta sẽ bị chết cháy trong hầm này, và khi hầm trú ẩn sẽ là mồ chôn chúng ta... Khi còn sống mẹ con ta thường hay xung khắc với nhau, không thương yêu nhau, không thân mật, không dịu dàng với nhau như lẽ thường tình, nhưng chết mà tay trong tay có lẽ là cách kết liễu đời mình hay nhất đối với chúng ta, những người bạn đời, gắn bó với nhau bởi cùng chung huyết thống. Mẹ à, có lẽ mẹ con ta chỉ giải quyết được mối bất hòa bằng cái chết mà thôi.
– Tomoko, mày có tin là chúng ta rồi sẽ thoát được không?
Ikuyo dồn dập hỏi con gái, run rẩy vì sợ hãi, còn Tomoko thì không trả lời mẹ mà tiếp tục thì thầm từ đáy lòng mình về tình cảm đối với mẹ.
– Cái lão ấy sao mà khờ thế không biết?
–...
– Lão không biết ta sợ đến chừng nào cơ chứ. Tại sao Hachirô lại không đến tìm ta nhỉ? Lẽ ra ta cứ ở Ôsaka, thế mà lại hay ít ra thì cũng không sợ bằng ở đây.
Tomoko tỉnh mộng, tựa như vừa bị giội một gáo nước lạnh.
– Này, Tomoko, hay là tao đánh điện về cho lão ta?
– Mẹ muốn thì mẹ cứ làm đi.
Năm mới lặng lẽ trôi qua, và ngày mồng chín tháng ba, khi các chồi liễu chưa kịp nở thì diễn ra một trận tấn công quyết định vào kinh đô Tôkyô bằng không quân. Từ nửa đêm đến rạng sáng, các khu phố Ginza, Tsukiji, Nihombashi, rồi toàn bộ miền thấp của kinh đô chìm đắm trong một biển lửa khổng lồ, và sóng biển đã nhận chìm hoàn toàn khách sạn Hanaya.
– Rời bỏ các hầm trú ẩn ngay! Chạy nhanh về phía biển, dọc theo sông Tsukizi! Ông chủ khách sạn bên cạnh hét to, và các bà láng giềng răm rắp vâng lời, ào chạy dọc theo bờ sông. Tomoko nắm chặt tay mẹ chạy nhanh theo đám đông. Cô không kịp mang theo gì ngoài cái túi đựng đồ cấp cứu. Ngoái cổ lại phía sau, cô nhìn thấy Hanaya bốc cháy. Quá khứ cần cù lao động của ta đang cháy, đang biến thành tro bụi!
– Mẹ ơi, mọi thứ đều biến hết, con chẳng còn gì nữa cả! Trắng tay. Lại trắng tay như khi rời bỏ quê hương!
Không đáp lại lời kêu van của con, Ikuyo lẵng lẽ xốc lại kimono.