Chương 21
ĐIỀM BÁO PHÚC CỦA HOA THỤY HƯƠNG

Ngồi trong phòng làm việc của Murata, Tomoko kinh hoàng nhìn ông.
– Xử hôm nào vậy? Tomoko hỏi, môi run run.
– Hôm mười ba. Vào rạng sáng mười ba, và mãi đến ngày mười lăm chúng tôi mới nhận được tin. Chúng tôi đã thông báo ngay cho các gia đình nhưng viết giấy báo cho cô thì khó quá, mà nói qua điện thoại cũng không được. Tôi rất khổ tâm.
– Tôi có linh tính rằng sẽ chẳng bao giờ còn được gặp lại anh ấy nữa. Cô thì thầm.
Sức khỏe bị sút kém và bệnh thiếu máu đã buộc cô phải nằm liệt giường liệt chiếu và hễ sức khỏe khá lên là cô bò đến bàn điện thoại để hỏi thăm ông Murata ngày đi sắp tới. Nhưng chỉ cần nhớ lại thái độ của bà Ezaki đối với cô là cô nghĩ ngay rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn được đi thăm anh ấy nữa. Vậy thì tại sao cô lại không ngăn cản bàn tay mình với tới ống nghe để ở đầu giường và gọi rất nhiều lần đến Sở Giải Ngũ? Mỗi lần cô bấm các chữ số thì những ngón tay của cô lại run lên vì hồi hộp và thất vọng, tựa như cô đã sợ hãi khi thấy đời phụ nữ của mình đương tàn lụi dần.
Đôi vợ chồng định cư ở Hananoya mau lẹ như trở bàn tay. Hachirô làm gác cổng, và sau một tháng họ cảm thấy như là ở nhà họ. Ikuyo không giúp con được gì, chỉ la cà ở nhà bếp rồi lại đến bàn thu tiền, quậy phá chán thì lại lang thang ngoài phố.
Hoàn toàn không để ý gì đến sự bực bội của Tomoko, bà đến ngồi ở đầu giường con gái và ba hoa đến hàng giờ.
– Mẹ đừng nói nữa, con không thích đâu. Con muốn được yên, xin mẹ đừng phá giấc ngủ của con và đừng vào phòng con làm mất trật tự nữa.
– Nhưng chính mày cũng không chịu nằm yên, cứ gọi điện thoại hoài.
Tomoko nghe nói mà tức lộn cả ruột. Đôi lúc, cô giả vờ ném vào mặt bà chén nước chè hoặc lọ thuốc ở đầu giường. Những lúc như thế này, cô lại tự hỏi mình đang lên cơn điên phải không, trong khi ấy thì Ikuyo lẩm bẩm một câu gì đó.
– Mẹ nói lí nhí gì vậy?
– Tao nói về chuyện kinh nguyệt của mày và của tao! Mày tắt kinh sớm quá đấy. Tao thì quá năm mươi tuổi vẫn còn. Ở thời mãn kinh tao chẳng có đau đớn gì.
– Vì con không phải là con của mẹ, đó, lý do là như vậy. Con không giống mẹ cả về thể xác lẫn tính tình.
Trong những lúc căng thẳng như thế này, điều an ủi duy nhất của cô là ngắm hoa trong vườn. Mặc cho ngoài trời giá lạnh, Tomoko mở toan cửa sổ và sung sướng ngắm nhìn sự đổi thay của mùa đông đang tàn và những nụ hoa đầu tiên của mùa xuân đang đến.
Ngày hôm đó cây thụy hương bắt đầu nở hoa. Tomoko ngây ngất đứng nhìn những bông hoa kín đáo báo hiệu mùa xuân đã đến.
Đây là lần đầu tiên cô thấy hoa thụy hương nở. Bác làm vườn thấy cô có vẻ thích hoa này mới ngưng tay làm và đi đến bên cây:
– Người ta nói rằng cây thụy hương nở hoa là dấu hiệu báo tin ta sắp gặp người yêu.
Mãi đến khuya cô mới đi ngủ, bên tai vẫn còn vang vọng câu nói của bác làm vườn:
“Hoa thụy hương là một điềm lành cho tình yêu”.
Sáng hôm sau cô tỉnh dậy, lòng rạo rực sinh khí và tin rằng lần này thế nào cô cũng được gặp Ezaki. Đầu cô đã hết choáng váng. Lại hy vọng!
Rời khỏi phòng, cô chạm trán với Ikuyo.
– Ôi, con đẹp quá! Con đi đâu đấy?
Nhìn thấy mẹ, Tomoko linh cảm là sẽ gặp chuyện không hay.
– Mùa xuân đã đến rồi mẹ ạ!
Nói xong, cô vội vã đi đến Sở Giải ngũ, lòng vẫn tin vào điềm báo phúc của hoa thụy hương. Nhưng hoa đã nhầm to!
– Ông ấy vĩnh viễn ra đi rồi!
Tomoko kinh hoàng thốt lên:
– Thế là hết!
Và cô ngất xỉu trước cửa ra vào.
Ezaki mất vào ngày mười ba tháng này, mười ngày trước đây... Cô cố nhớ lại xem vào ngày đó, ở Hananoya có xảy ra chuyện gì đặc biệt không. Không!
Mọi ngày đều phẳng lặng trôi qua. Vậy là cả khi linh hồn rời khỏi thể xác, Ezaki đều không hề nghĩ đến cô!
– Thế... việc chôn cất?...
– Chúng tôi đã báo cho các gia đình là bản án đã được thi hành, nhưng không có sự giao trả thi hài.
– Thế còn thi hài? Gia đình cũng không được nhận sao?
– Gia đình người quá cố có van nài chúng tôi cho họ biết, nhưng điều này ở ngoài quyền hạn của chúng tôi.
Ông Murata nói, mắt không nhìn Tomoko mà tập trung vào một điểm trong không gian.
– Có một số người bị hành hình rồi mới được nhìn nhận là vô tội. Rất nhiều sai lầm, nhưng chúng tôi hoàn toàn bất lực.
– Thế đại tá Ezaki chết thật rồi?
– Đó là điều duy nhất mà chúng tôi tin chắc. Một tu sĩ đã được chứng kiến những khoảnh khắc cuối cùng của ông ấy và sẽ nói lại với gia đình, trong chừng mực những điều mà tu sĩ có thể nói được.
– Ông ấy có nghĩ rằng một ngày nào đó tôi có thể nhận được di hài của đại tá, dẫu tôi không thuộc gia đình ông ấy?
– Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm để biết thi hài của ông ta ra làm sao, đó là tất cả những gì tôi có thể trả lời cho cô được.
Murata nhấn mạnh các từ và có vẻ như muốn kết thúc buổi nói chuyện.
Tomoko lặng lẽ ra về, mang trên đôi vai mảnh khảnh tất cả sức nặng mệt nhọc của thời kỳ dưỡng bệnh. Khi trông thấy cô chủ trở về mặt buồn rười rượi, những người giúp việc được nghe mang máng về quan hệ xưa kia của cô với đại tá Ezaki, đã tế nhị bỏ đi, nhằm để cho những giọt nước mắt của cô chủ được tự nhiên tuôn trào và làm dịu bớt nỗi nhớ thương vô vàn người thiên cổ.
– Mẹ!
– Gì!
– Mẹ có còn nhớ Ezaki không?
– Ezaki... à, có chứ, mày đã có những lúc phát điên lên vì nó chứ gì?
– Anh ấy đã bị hành hình rồi.
Ikuyo ngừng tay một lát rồi lại tiếp tục may, giả vờ như không nghe thấy gì.
Cử chỉ này của bà đã khiến cô cảm kích.
– Mẹ!
– Gì?
– Mẹ may cái gì thế?
– Một chiếc áo vét không có ống tay.
– Cho ai?
Tomoko thấy hối tiếc cho câu hỏi ngớ ngẩn vừa rồi.
– Mẹ may cho con đấy.
Tomoko sực nhớ ra là lễ mừng thọ sáu mươi của mẹ đã qua ba hay bốn năm rồi. Cô hối tiếc là đã không nghĩ đến chuyện ngày mừng mẹ được lên lão.
– Mẹ ơi, khi nào mẹ may xong áo, con sẽ bảo bác hàng vải đưa đến một súc lụa để may cho mẹ một chiếc kimono.
– Cảm ơn con.
Không khí mùa xuân khô và nhẹ. Tomoko đi ra vườn, đến chỗ để các thanh gỗ nhỏ để thờ cúng mà cô đã mang về từ các chùa ở Tôkyô trong những lần đến đây cầu xin cho Fumitake Ezaki được tai qua nạn khỏi. Cô chụm những thanh gỗ lại, bật diêm nhen lửa rồi đến ngồi xổm dưới bóng cây thụy hương. Phải bật đến hai, ba que thì diêm mới chịu cháy.
Tomoko buồn bã nhìn các que diêm không chịu bén lửa và nghĩ rằng chúng cũng giống như đời cô, gian nan, vất vả. Nhìn ngọn lửa xanh, đỏ dần dần biến các thanh gỗ thành tro, cô có cảm tưởng như mình đang đốt các bức thư tình.
Một đống tro tàn, đó là tất cả những gì còn lại của người cô yêu!
Cô cảm thấy cái giá lạnh của trời đất thấm vào da thịt, nhưng cô vẫn ngồi bất động, tay cầm cành thụy hương vẽ trong đống tro tàn những chữ FUMITAKE EZAKI. Cô viết, viết nữa, viết mãi cho đến khi chúng được khắc sâu vào đất.
– Tomoko! Tomoko!
Những tiếng gọi của mẹ đã làm cô bừng tỉnh. Cô vội vàng dùng hai tay xóa sạch tên người đã khuất.
– Tomoko! Có chuyện gì vậy? Ikuyo hỏi con từ cửa sổ phòng.
– Chẳng có gì đâu ạ.
– Con thấy chiếc áo gi-lê này thế nào?
Ikuyo vui vẻ hỏi, quên khuấy đi mất là con gái bà vừa được tin về cái chết của người yêu quí!
– Đẹp lắm, Tomoko trả lời, giọng yếu ớt.
Và cô đưa mắt chăm chú nhìn mẹ đương ríu rít như một đứa trẻ thơ.
Trong đời mẹ, mẹ cũng không gặp may với những người đàn ông. Mẹ đã có nhiều đời chồng nhưng đều không may mắn. Mãi đến lúc này Tomoko mới thực sự cảm thấy gần gũi mẹ mình.
– Mẹ ơi, mẹ có biết năm nay con bao nhiêu tuổi không?
– Bốn sáu hay bốn bảy gì đó. Mày còn trẻ chán, lại là chủ khách sạn Hananoya tiếng tăm lừng lẫy thì kiếm được một tấm chồng có gì là khó. Nhưng chớ có lấy một người tồi tàn như chồng tao...
Tomoko rất khó chịu khi nghe những lời đó của mẹ. Và không đợi mẹ nói hết câu, cô đưa tay hất tung ấm nước sôi ở trên lò sưởi.