Xế trưa. Hai Tràm chèo xuồng vìa nhà. Thật ra đó chỉ là một căn chòi nhỏ che chắn sơ sài bằng lá dừa nước với mấy cây mắm cong vòng nhỏ bằng nắm tay được buộc bằng lạc tre, xung quanh hoàn toàn trống không. Bốn bề gió thốc. Đồ đạc bên trong chẳng có gì ngoài chiếc giường tre ọp ẹp, vài thứ vật dụng làm bếp bằng nhôm đen sì móp méo. Quần áo, giày dép vứt xó mỗi nơi một chiếc lộn xộn như vừa trải qua một trận càn. Hai Tràm cột xuồng vô cọc rồi cúi xuống khuân bó củi lên vai. Nước ròng. Anh phải lội một quãng sình hơn năm sải tay mới vô tới bên trong. Mấy đứa nhỏ con anh, đứa ngồi cú rủ, đứa nằm chèo queo nghe tiếng chưn lập tức vùng dậy, chạy ra đón ba. Hai Tràm bước tới cái khạp bể miệng múc nước rửa chưn, thở chưa kịp ra hơi thì con Mắm đã rờ bụng kêu đói. Hai Tràm trợn mắt dòm thằng Đước nói: - Mày là anh sao ở nhà không lo cho mấy đứa em để tụi nó đói khát? Thằng Đước gân cổ cãi lại: - Có hột gạo nào đâu! Tui tính qua nhà bà Ba mượn đỡ nhưng sợ bả chửi, tại mình thiếu bả nhiều quá rồi mà chưa chịu trả. Hai Tràm thở è ạch, lấy bịch thuốc rê vấn một điếu bự chà bá. Thằng Đước nghĩ thầm, chắc ba nó muốn hút thuốc trừ cơm hay sao vậy cà? Hai Tràm đưa tay vỗ trán: - Ừ, hết gạo mà tao quên. Thằng Bần đâu rồi sao tao không thấy? Con Mắm mau miệng: - Đói quá, nó ăn mấy trái bần sống đi té re! Hai Tràm thò tay vô túi quần lôi ra mấy tờ tiền nhàu nát. Mắt thằng Đước sáng lên như hai cái đèn pha, chưa kịp sán tới thì ba nó lại cho vô túi: - Tiền này để mua sữa cho Nội. – Đoạn Hai Tràm co chưn đá đá vô bó củi:- Thằng Đước, mày mang thứ này đi bán, được bao nhiêu thì mua gạo nấu cháo. Thằng Đước cụt hứng, gãi đầu bí sị: - Thứ này bán ai mua? Nói vậy, nó cũng vác lên vai và đi một nước. Con Mắm chạy theo: - Có nặng hôn, anh Hai, để em khiêng phụ. Thằng Đước xây người lại, nạt lớn: - Mày yếu xìu làm được gì! Hai Tràm uống một ca nước mưa rồi kêu con Mắm lại hỏi chuyện: - Từ sáng giờ có tin tức gì của Má mày với Nội hôn?. Con Mắm gật đầu, nói khò khè: - Dì Bảy Lớn mới chèo xuồng đi ngang qua nói má trong nhà thương nhắn ba ra gấp. Hai Tràm bập bập điếu thuốc rồi nhả khói lên trần nhà: - Biết chuyện gì không? Con Mắm nói trống không: - Hết tiền! Hai Tràm liệng mẫu thuốc ra mép nước, lấy hơi lên như người sắp chết: - Lại tiền! Biết đào đâu ra bây giờ? - Rồi anh ngó ra bờ sông nơi chiếc xuồng đang neo:- Xuồng mượn. Nếu là của nhà thì tao cũng bán quách cho rồi. Hai Tràm là nông dân thứ thiệt mà không có nỗi một cục đất chọi chim. Trong nhà có đến năm, bảy miệng ăn, gặp cảnh bà già nay ốm mai đau. Chịu đời không thấu. Mùa nắng như mấy tháng này, anh vô rừng khai thác gỗ cho lâm trường. Tiền công nhẹ hìu không đủ xây xở, anh xin cán bộ lâm trường mót tí củi vụn kiếm thêm đồng ra đồng vô. Hết chuyện làm, Hai Tràm đi đào đất mướn, sửa ghe, làm nhà…nói chung bất kỳ công việc gì anh cũng không từ nan. Siêng năng, chịu khó là vậy nhưng cái đói vẫn treo lơ lửng trên đầu. Mùa mưa thì đỡ hơn. Cả nhà có việc để làm mướn: làm cỏ, bón phân, cắt lúa…mấy đứa nhỏ không ai thuê thì đi mót lúa ngoài đồng. Tuy cực nhưng vui vì có cái để cho vô miệng. Phải chi, Hai Tràm lằm bằm tiếc rẻ, được như trước kia thì hay biết mấy… ..Cách đây ba năm, Hai Tràm cùng mấy chục hộ “ đói đất “ may mắn được Ban giám đốc lâm trường cho thuê đất ruộng để canh tác. Theo thỏa thuận mỗi mẫu phải nộp tô hai chục giạ lúa và tuyệt đối không được bắt cá trên ruộng, nếu không sẽ bị thu hồi đất và chịu phạt. Điều kiện đưa ra có vẻ éo le nhưng mọi người vẫn phải chấp nhận, xăng xái ký vô tờ hợp đồng, bởi họ không còn sự chọn lựa nào khác. Mướn được ba mẫu đất, Hai Tràm đi hỏi nợ cất tạm căn lều và mua sắm ít dụng cụ sản xuất. Hai năm đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ, cái ăn, cái mặc coi tạm ổn. Anh đang tính chuyện cho mấy đứa nhỏ đi học và sửa lại cái lều. Mọi thứ đang còn trong dự định bổng “ đùng “ một cái, Lâm trường đột ngột thu hồi lại đất để giao cho văn phòng huyện ủy, nghe nói để lập quỷ công đoàn, công điếc gì gì đó. Nhưng những vị cán bộ ăn trắng, mặc trơn quanh năm suốt tháng chỉ ngồi bàn giấy, hò hét chỉ huy thì sao quen với nghề mần ruộng một nắng hai sương, tay lấm chưn bùn. Thế là họ lại giao cho đầu nậu để hưởng huê hồng. Và cũng trên mảnh ruộng này, Hai Tràm phải mướn lại của ông Bảy Thời ( vốn là dân lái heo chuyên nghiệp nhờ thường xuyên ăn nhậu với mấy vị cán bộ tai to mặt bự nên được các anh ưu ái) với số lúa phải nộp tô đã đội lên gấp ba lần! Sáu chục giạ quy thành tiền là một triệu rưỡi cho mỗi mẫu. Bên thuê phải trả trước phân nửa, nửa phần còn lại phải nộp đủ sau kỳ thu hoạch. Và tất nhiên không được đọng đến bất kỳ con cá nào trên ruộng. Bà Sáu than trời như bộng: - Trời ơi, họ đưa ra cái giá như vầy khác nào đẩy mọi người vào cảnh chết đói! Làm được bao nhiêu mấy ổng hưởng hết còn đâu! Đoạn bà Sáu chấp hai tay trước ngực rồi ngửa mặt dòm trời: - Làm chi bất công quá vậy ông? Nông dân rặt thì chẳng có nổi miếng đất cắm dùi. Những kẻ chỉ quen ăn trắng bận trơn, nhìn cái cày ra cái cuốc thì đất đai cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi! Hai Tràm đang ngồi vò đầu bứt tai ở ngạch cửa, nghe bà Sáu nói lập tức nói át đi: - Má đừng nói lung tung, người ta nghe được thì khốn! Thây kệ, tới đâu hay tới đó mình là dân đen cấm được kêu ca! Bà Sáu cãi lại: - Có chết tao cũng kêu, kêu cho thấu đến tai ông Trời. Thời Pháp thuộc thuế má đâu có nặng dữ vậy. Một cổ ba tròng làm sao dân đen sống cho đặng? Không có đất mần ruộng cầm bằng chết đói! Hai Tràm nhẩm tính, nếu mưa thuận gió hòa thì cũng được ngày hai bữa cháo rau lây lất qua ngày. Chỉ sợ sâu rầy, chuột bọ, ông Trời làm mình làm mẩy thì coi như công cốc. - Ông trời có nghe cũng chẳng giúp được gì, nhưng Bảy Thời mà nghe được thì đói nhăn răng! Má làm ơn nhỏ nhỏ cái miệng cho tui nhờ! Bà Sáu ngoài miệng tuy nói cứng nhưng trong bụng ỉu xìu, thân già cả ăn uống không bao nhiêu nhưng sắp nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tiền mướn ruộng quá mắc, điều kiện đưa ra quả là o ép nhưng không còn cách nào khác, Hai Tràm cùng những người nông dân khốn khó phải cắn răng, cắn lợi mà ký vào bản hợp đồng đã soạn sẵn. Và thầm van vái lòng hảo tâm của ông Trời! Họ lại tiếp tục canh tác trên mảnh ruộng cũ qua ba tầng trung gian. Cực khổ không sợ, chỉ sợ mùa màng thất bát không đủ lúa nộp tô, không lo được cái ăn cái bận cho sắp nhỏ. Nhiều bữa ăn cơm với nước mắm kho quẹt nhìn xuống ruộng thấy đàn cá lội tung tăng mà thèm chảy nước miếng. Một lần, thằng Đước, con trai lớn của Hai Tràm liều mạng lội xuống ruộng bắt mấy con lóc chỉ lớn bằng mấy ngón tay đem về kho với muối. Hai Tràm từ thị trấn trở về, nhìn thấy mặt tái xanh như lá lúa, liền hất luôn nồi cá xuống ao, rồi cầm roi quất túi bụi vô người nó: - Trời hỡi, mày muốn cả nhà lại tiếp tục cảnh tha hương cầu thực có phải không, thèm chi mấy con cá để gây họa cho mọi người. Tao phải đánh cho mày một trận nhớ đời. Thằng Đước đứng yên chịu trận, không thèm chống đỡ, mắt nó long lên sòng sọc: - Ba thấy kỳ hôn, cả nhà ăn nước mắm kho quẹt riết bị bón luôn! Cá đầy nhóc ruộng sao mình không được ăn? Vô lý quá trời, tui không chịu được. - Vô lý! – Hai Tràm thay cái roi khác. Bà Sáu, phải xông vô đỡ đòn cho đứa cháu nội đích tôn: - Bây định giết cháu tao chắc? Chuyện gì cũng từ từ bảo ban, dạy dỗ, hở ra là động tới roi vọt. Chẳng qua nó xót ruột muốn một bữa tươi, nó làm vậy cũng vì mọi người trong nhà thôi. Hai Tràm quẳng roi vô xó nhà, rồi leo lên giường mắt nhìn thao láo ra bờ ruộng ngập nước: - Đâu phải má không thấy. Ngày nào ông Bảy cũng cho người xuống kiểm tra. Họ lục tung khắp mọi ngõ ngách. Tuần trước nhà bà Năm Dư bị bắt quả tang, bị phạt nặng, bị thu hồi ruộng còn rờ rờ ra đó. Tui đánh nó chẳng qua không muốn cả nhà bị chết đói. Bà Sáu lấy chai dầu “ nhị thiên đường “ xức cho thằng Đước. Miệng liên tục hít hà: - Mai mốt con đừng dại dột nữa nghe chưa, sống như vầy sướng như tiên rồi, đòi hỏi gì nữa. Bộ con không thấy nhà thằng Đầy không có ruộng mần phải kiếm ăn trậm trầy trậm trật thiếu điều chết đói nhăn răng đó hả? Lát sau, ông Bảy Thời đột ngột xuất hiện cùng đám lâu la với gậy gộc trên tay. Ông ta lướt đôi mắt giảo hoạt ngó khắp nơi, rồi hất hàm hỏi: - Tui mới vừa hay tin, nhà này bắt trộm cá có phải không? Hai Tràm lập tức ra hiệu cho mấy đứa nhỏ câm miệng, còn mình thì chối bai bải: - Đâu có, ấy là mấy người xấu mồm, ác miệng đặt điều vu khống, chớ có cho vàng tui cũng không dám cả gan. Không tin chú Bảy cứ kiểm tra thử coi. Bảy Thời giở nồi cơm nguội, nồi nước mắm kho quẹt rồi gật đầu, đe: - Các người làm sao thì làm, để tui phát giác thì đừng có trách! Hàng ngày, người ta thấy ông Thời, ngồi chễm chệ trên chiếc vỏ lãi cùng đám “ đệ tử “ chạy dọc theo tuyến kênh một cách oai vệ chẳng khác nào những tay cường hào ác bá thời trước. Ông ta sục sạo từng bụi lúa, đếm từng con cá và luôn lớn tiếng quát tháo, đe nẹt: - Tao nói trước, đứa nào mà đụng tới một con cá thì đừng trách tao độc ác! Có người khẩn cầu: - Thưa ông Bảy năm nay mùa màng hư hao, ông làm ơn nhẹ nhẹ.. Không đợi người đó nói dứt lời, ông Thời sừng sộ cắt ngang: - Không xin xỏ gì hết ráo! Chịu cái giá đó thì làm, không chịu thì tao lấy lại cho đứa khác. Cả lũ khát đất đang xếp hàng chờ đến lượt đầy nhóc, chỉ cần một cái vẫy tay của tao là chúng nó mừng húm kéo tới chật nhà. Vụ mùa năm đó bị sâu rầy phá hại gần như mất trắng. Bảy Thời bất đắc dĩ phải cho đám dân đen khất nợ đến mùa sau. Tiền bạc và công sức lại đổ ra. Anh đã cùng vợ con cật lực trên cánh đồng với hy vọng có hột gạo để trả nợ, để có thứ lua vô miệng nhưng một lần nữa trời lại không chiều lòng kẻ khốn khó….. Đứng trên bờ vác cuốc nhìn cánh đồng lúa chín sắp đến ngày thu hoạch bị chuột cắn nát tơi bời mà rớt nước mắt. Không hiểu sao chuột ở đâu về nhiều quá trời quá đất! Lúc đầu Hai Tràm thấy chúng xuất hiện lác đác, anh đã cẩn thận đặt bẫy, đánh bả thậm chí dùng bẫy điện để diệt chúng. Diệt được vài chục con thì chúng biến mất. Chưa kịp thở phào thì lũ chuột đói lại kéo đến rần rần. Lần này chúng đông gấp vạn lần diệt không xuể. Có đêm anh vừa bắt vừa tiêu diệt đến hàng trăm con! Xác chuột chất thành đống cao như núi, bốc mùi hôi thối nồng nặc cả một vùng. Vậy mà chúng không những không giảm đi mà mỗi lúc càng đông nghẹt, cứ như chúng sản sinh ra từ đất. Hai Tràm dự tính, với số lúa còn lại cũng không đủ một phần tư nộp tô thì nói chi tới chuyện dành dụm hột gạo để nuôi năm, bảy miệng ăn. Trò đời tréo ngoe, càng làm càng mắc nợ! Ông Bảy Thời chê Hai Tràm là kẻ bất tài vô dụng và thẳng tay lấy lại ruộng, kèm theo là tờ giấy nợ dài như sớ Táo quân. Anh lại trở về nghề đào đất, đốn cây như lúc đầu.. Đã vậy, phước bất trùng lai, họa vô đơn chí! Tuần trước trong khi mót củi, bà Sáu bỗng xây xẩm mặt mày rồi té chúi đầu xuống nước. Hên là có người nhìn thấy, kịp thời đưa vô nhà thương. Bác sĩ nói, dì Sáu bị cả trăm chứng bịnh trong mình, phải mổ cấp kỳ, nếu không sẽ vô phương cứu chữa. Hai Tràm thều thào hỏi: - Thưa bác sĩ chi phí ca mổ là bao nhiêu? - Vài triệu! Vài triệu. Ông bác sĩ nói gọn ơ. Hai Tràm rụng rời hồn vía, ngồi thụp xuống đất. Vài chục ngàn còn không có nói chi bạc triệu! Trời hỡi, tại sao ông bất công đến vậy? Cứ nhè vào kẻ khó mà gieo họa! Bà Sáu biết chuyện cứ nằng nặc đòi chết cho rảnh nợ. Hai Tràm nói: - Má đừng nói vậy tui càng thêm rối trí! Tui sẽ làm tất cả để cứu má! Anh lại đánh điện cho Trang, hy vọng cô em gái sẽ có phương cách cứu vãn tình thế ngặt nghèo này. Gởi xong Hai Tràm lại phân vân, số tiền lớn như vậy em mình làm sao mà kham nổi? Cả đời mình chưa lo cho em được thứ gì mà chỉ gây bao phiền phức. Tội nghiệp con nhỏ mới mười mấy tuổi đầu đã phải xa gia đình, bươn chải vào cuộc mưu sinh đầy gian lao, bất trắc. Hai Tràm trách mình là kẻ vô tích sự không đáng tồn tại trên cõi đời. Buổi chiều vừa vìa tới nhà là Trang lập tức vô ngay nhà thương thăm má. Hai mẹ con ôm nhau khóc ròng. Bà Sáu dòm thấy đứa con gái út tiều tụy, xanh xao mà nước mắt cứ ngắn dài: - Bộ ở trển mần cực lắm sao mà ốm vậy, con? Trang không trả lời. Dòm thân hình trơ xương nằm giẹp trên giường mà lòng đau nhói. Mới có mấy tháng mà má già lẹ quá! Các bác sĩ đã làm xong xét nghiệm và chờ...tiền! Hai Tràm như người mất hồn, áo quần xốc xếch, hỏi Trang: - Bây giờ mình tính sao cô Út? Trang ngước đôi mắt sưng húp, nhìn anh Hai và nói: - Em cũng không biết nữa. Có lẽ phải tới nhà cậu Năm, nhờ cậu giúp đỡ. Cậu Năm cũng nghèo trớt, cơm có khi chẳng đủ ăn thì lấy gì mà giúp? Hai Tràm nghĩ thầm, thôi thì còn nước còn tát. Hai anh em đến nhà cậu Năm ngay đêm hôm đó. Nhà cậu nằm khuất trong rừng tràm bốn bề ngập nước, có chiếc xuồng tam bản neo đậu bên hông nhà. Sau khi nghe kể, cậu Năm thở dài: - Thấy tình cảnh thê thảm như vầy, cậu cũng muốn giúp bây, nhưng trong nhà chẳng có gì khả dĩ để bán có tiền, chỉ còn cái tủ thờ cũ này để thờ tổ tiên mà có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Trang khóc nức nở: - Má con mà có mệnh hệ gì chắc con không sống nổi, cậu ơi! Cậu Năm động lòng cũng muốn khóc theo. Hai anh em tình nghĩa sâu nặng. Hồi đó cậu trốn lính phải ở trong rừng. Hàng tuần cô em đội gạo mười mấy cây số nuôi anh cho đến khi cậu giác ngộ đi theo Cách mạng. Cậu Năm đi chiến đấu được gần hai năm thì bị thương ở chưn trái phải giải ngũ, về quê lấy vợ, sanh con. Cậu mợ đẻ một hơi sáu đứa, đứa nào, đứa nấy đều nhăn nhúm, xốc xếch như miếng nùi giẻ và chẳng được học hành tới nơi tới chốn. Mấy cậu cháu nhìn nhau thở dài bất lực, không sao giải được bài toán khó. Đến gần nửa đêm Hai Tràm đành phải cáo từ ra vìa. Vừa chèo xuồng được vài sải tay, bỗng cậu Năm kêu giựt lại: - Tụi bây lên đây, để cậu nói chuyện. Hai anh em mừng khấp khởi như bắt được vàng. Không chờ hai đứa cháu ngồi xuống ghế, cậu nói liền: - Cậu còn mấy mẫu ruộng có thể đem cầm cố nhưng.. Nói đến đây, cậu im lặng. Trang ngồi yên, răng cắn chặt vào môi đến tóe máu. Cô hiểu rằng tình thế này không còn sự chọn lựa nào khác: - Con hiểu, cậu còn phải lo cho mợ và các anh chị nữa. Nếu cậu tin tưởng con hứa sẽ chuộc đúng thời hạn, quyết không để cậu bị mất ruộng! Hai Tràm thoáng rùng mình, đưa mắt nhìn em. Trang chỉ làm thợ may, lương ba cọc ba đồng thì làm sao có thể xoay xở đâu số tiền lớn như vậy? Tuy nhiên, đây là cách duy nhứt để thoát khỏi cảnh ngặt nghèo. Cậu đưa đôi mắt mờ đục nhìn Trang một lúc rồi nói bằng giọng lo lắng: - Bây có dám chắc hôn? Tám sinh mạng nhà cậu trông chờ vô mấy mẫu ruộng nếu xảy ra trục trặc cả nhà sẽ chết đói nhăn răng! Chẳng cần nghĩ ngợi, Trang đáp liền: - Con xin cam đoan với cậu. Ở chỗ con làm, ông chủ rất tốt, con có thể xin ứng trước nhiều tháng lương, ngoài ra con còn có việc làm thêm vào những lúc rảnh rỗi. – Để tạo thêm niềm tin Trang nói:- Ở thành phố kiếm tiền dễ lắm, cậu. Trang phải lựa lời nói dối để cậu yên tâm, kỳ thực cô chẳng có ông chủ nào tốt bụng đến vậy và kiếm được đồng tiền cũng chẳng dễ dàng gì. Cô đã quyết định đánh đổi hạnh phúc, tình yêu của mình để cứu má thoát khỏi lưỡi hái Tử Thần. - Vậy cậu yên tâm rồi. – Nói xong, cậu lấy xâu chìa khóa mở tủ lấy bằng khoán đất giao cho Trang và giục:- Thôi, mấy đứa bây đi mau mau để còn kịp. Ngày mai cậu sẽ tới bịnh viện thăm cô Sáu. Bằng khoán đất được cầm đúng mười triệu, tiền chi phí ca mổ còn dư Trang gởi cho Hai Tràm mua miếng đất nhỏ cất nhà và làm vốn sinh nhai. Ca mổ thành công, Trang vô thăm má một lúc rồi đón xe lên thành phố ngay trong đêm đó, cô không dám nán lại lâu vì sợ phải đối diện với ánh mắt nhìn thấu tâm can của má. Ngồi trên xe đò cô đã khóc, khóc rất nhiều khi liên tưởng đến số phận của mình trong những ngày tới.