- 19 -
“THI” ĐỖ!

Tổng kiểm thảo là kết quả quan trọng nhất của lớp chỉnh Đảng. Còn hơn cả kỳ thi tốt nghiệp, nó ảnh hưởng tới tiền đồ chính trị của người cán bộ sau đó.
 
Nhưng giờ thì Liệu không nghĩ nhiều tới điều này. Là người cách mạng, ông sẽ phải thành khẩn với tổ chức cách mạng, không giấu giếm khuyết điểm, những quan hệ “nhạy cảm”, cũng chả vì thế mà tự “tiêu diệt” điểm mạnh cũng như các yêu thích của riêng mình. Không thế thì ông chả còn là mình. Có lẽ đây là lúc những phẩm chất “trung quân” cũng như “tiết tháo” nhà nho thể hiện ra.
 
Vả lại ông còn bao nhiêu để mà mất. Bị đánh tụt xuống những vị trí xa vời vợi trong phẩm trật quan lộ, chỉ còn cả tiếng chứ không thực quyền, ông phải tự cứu lấy mình. Đường chính trị thế là coi như xong. Nhưng Liệu còn đó chí lập thư. Ông yêu sách vở, thích viết lách, tra tầm để mà dựng lại những trang sử dân tộc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mươi lăm năm trước, lão mật thám già Grandjean đã lấy chân viên chức trong trường Viễn Đông Bác Cổ ra dử để Liệu thôi làm cách mạng đấy ư? Và mấy năm nay, giữa bao nhiêu sự vụ, ông đã làm xong cuốn “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam”.
 
Lớp chỉnh Đảng chia thành từng tổ, cá nhân viết tự kiểm điểm, nêu ưu khuyết để mọi người phê bình. Trông vào các lứa cán bộ thì có vẻ bị cào bằng, anh bần nông “i tờ ít” về lý luận có thể vặn vẹo anh đã lịch duyệt trên trường văn trận bút. Khả năng tiếp thu phê bình, trả lời để “thông” cả trăm phần trăm hầu như là không thể; cũng có nghĩa là những ai thuộc “tầng lớp trên” dễ gặp nguy nan lắm. Trước đó một cao trào do Đảng khởi xướng đã chả có khẩu hiệu “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” là gì.
 
May là những người tổ chức lớp, kể từ Tổng bí thư Đảng trở xuống, chỉ để cho học viên có xuất thân khác nhau cọ xát ở mức độ “cho nóng người” lên thôi. Chứ với từng cá thể, lai lịch, trên có đường hướng đánh giá, phân loại, thậm chí thái độ đối xử không cào bằng cả. Liệu là người được hưởng “diện chính sách” ấy.
 
12-10-1952
Tối nay, anh Lương, một người trong Học ủy và Trung ủy đến hỏi chuyện riêng mình về những thắc mắc không tiện nói ra trong tổ học tập. Mình không ngần ngại gì, nói cho anh L. nghe mấy điều vẫn “găm” trong đầu mình đối với chủ trương của Bác mà chưa được công khai kiểm thảo lần nào, như “Uỷ ban Hành động” (không chịu gọi là “Uỷ ban Khởi nghĩa) trong đại hội Tân Trào, việc trù định dời chính phủ ra ngoài để diệt nội phản trong khi bị bọn quân phiệt Tàu áp lực (không chịu mang danh nghĩa là Chính phủ lâm thời), việc tự tiện cho Bảo Đại lập chính phủ, việc định đổi quốc kỳ trước áp lực của bọn phản động… Kết quả, đồng chí Lương khuyên mình đừng quá quan tâm đến những việc đã qua để an tâm học tập. Và những “chuyện lịch sử” ấy vẫn chỉ là chuyện trong xó tối. (Nhật ký quyển 444)
 
Cần phải trình bày những gì và không trình bày những gì trong tự kiểm thảo? Liệu không nghĩ nhiều đến những đồng chí cùng sinh hoạt trong tổ của khóa chỉnh Đảng. Dù đã lên ghế “bị cáo” đôi lần, bị phê bình ra gì, Liệu hiểu họ chất phác, không có ác ý, có điều nhận thức khác mình. Vấn đề là cấp trên nữa, những người sẽ xem “bản văn” để quyết định vận mệnh mình. Liệu sẽ không “đánh” cái tầm của mình xuống quá, cũng không coi ban thân chỉ toàn đúng. Thái độ phải hoàn toàn thành thực, cái thật - chứ không phải thật thà - sẽ quyết định hết. Nhưng mà năm ăn năm thua, còn kiểu gì khác đâu?
 
Dự thảo tổng kiểm thảo có ba phần lớn. Phần đầu tiên, Gốc rễ xã hội và hoàn cảnh gia đình, khá đơn giản. Nhà ông có nòi yêu nước, lại nghèo, nghĩa là “rất cơ bản” về lý lịch. Phần hai, Hoạt động qua các thời kỳ thì phải nghĩ nhiều, nào “tiền Cộng Sản”, vì sao từ Quốc dân đảng chuyển sang Cộng sản, làm báo thời Mặt trận Dân chủ rồi đi tù thế nào. Đến thời chính quyền cách mạng, ông phản ứng với chủ trương ký Hiệp định Sơ bộ, lấy người đàn bà có một “nhân thân” không thể nói là không đáng ngại. Và kháng chiến, những tâm thế, nhận thức của ngày hôm nay…
 
Sau hết, học viên phải tổng kết tư tưởng của mình, từ nguồn gốc, bản chất các ý nghĩ, tình cảm đến tác phong thể hiện ra. Cuối cùng là phương hướng sửa chữa, phấn đấu. Đây có thể là cái phần đơn giản, dễ “hô khẩu hiệu” nhất, lại cũng có thế lật đi lật lại lâu bao nhiêu cũng không đủ.
 
Ngổn ngang bao nhiêu điều, không khéo giống như búi chỉ, càng rút càng rối. Có những người “thi” mãi không xong, tốn bao nhiêu nước mắt, hạ mình xuống bao nhiêu bậc mới qua được. Thế mà bản của Liệu, vào loại dài nhất lớp học, lại giúp ông “đỗ” ngay trong lần “khảo hạch” đầu. Liệu lý giải vì sao lại chậm trễ trong quá trình chuyển từ Quốc dân đảng sang Cộng sản:
Tôi nghĩ đến câu “Gái trinh không lấy hai chồng”. Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên được kết nạp vào VN QDĐ, tôi đã giơ tay thề. “Trước mặt giang sơn Tổ quốc, trước mặt các anh em đồng chí, tôi…”. Tôi càng nhớ các đồng chí rất thân của tôi trước kia đã chết vì đảng, vì nước, đã đem máu viết nên những chữ lớn “Việt Nam Quốc dân đảng”… Sự mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm kéo dài hết ngày tháng ấy sang ngày tháng khác trong đầu tôi. Lập trường giai cấp của tôi còn bấp bênh nên không cho phép tôi giải đáp thỏa mãn những kiên giải và tình cảm kể trên”. (Dự thảo tổng kiểm thảo).
 
Những sự kiện. Biết bao nhiêu quan hệ, kèm theo là hành động, nhận thức trong từng thời kỳ. Rõ ràng Liệu không phải là một người cộng sản từ gốc, mà đã nhuộm mình qua vài phong trào có xu hướng dân tộc. Sự từng trải tạo nên sự vì nể, nhưng cũng gây phức tạp. Ông đã thiếu kỷ luật, sự phục tùng lãnh tụ trong năm 1945-1946, có phải vì mắc mưu khiêu khích của địch không? Trước đó, ở căng Bá Vân, vì sao ly khai chi bộ? Vụ bạo động non ở Nghĩa Lộ, đứng đầu ban hành động, có phải Liệu đã dao động? Ngần ấy “nút thắt” phải được gỡ, dần dần, vừa nghĩ vừa viết chứ không hạ bút lấy nhanh được.
 
Nhưng phần căn cốt là tình trạng hiện tại.
 
Sau khi ra khỏi Tổng bộ Việt Minh, tôi dần dần xa cơ quan chỉ đạo tối cao của Đảng và sống cái đời lạc lõng với một tinh thần hoảng loạn… Thấy mình bị khinh bị nhục, một tư tưởng tự sát lởn vởn trong đầu tôi. Người đầu tiên mà tôi cho biết ý nghĩ này là HT (có lẽ là Hải Triều - TC) trong cuộc đại hội văn hóa toàn quốc. HT bảo tôi rằng người Mác-xít không bao giờ tự sát. Thực ra tôi cũng hiểu như thế và nói rõ tự tử là khiếp nhược… Sau đó, ý niệm tự sát không thực hiện được vì hai cớ sau đây: 1) Năm ấy 1948, Đảng đã triệu tập đại hội, đã gửi đề án cho các đại biểu nghiên cứu trước. Tôi biết mình sẽ được đi dự đại hội nên nảy ra ý nghĩ: từ ngày vào Đảng đến giờ, chưa được đi dự đại hội ngày nào. Lần này mình không thể bỏ qua trước khi chết. Nhất là trước đại hội, mình sẽ có dịp phát biểu ý kiên đối với mấy chính sách lớn của Đảng mà mình vẫn không thông. Sau đó, mình còn phải nhân dịp nói rõ trường hợp của mình và rút một kinh nghiệm cay chua cho nhiều đồng chí khác. Rồi có chết sẽ chết. 2) Bộ sử Cách mạng cận đại Việt Nam của tôi lúc ấy chưa biên soạn xong. Tôi tự hẹn phải biên soạn cho xong bộ sử này rồi mới có thể chết được.
 
Về “phương pháp tư tưởng”, Liệu tự phê bình:
Nhìn vào Đảng, tôi đã lý tưởng hóa Đảng. Nên, một khi thấy Đảng chưa tận thiện tận mĩ như lý tưởng của mình thì đâm ra bực tức. Cũng như, nhìn Đảng không thấy toàn khối, mà chỉ thấy từng cá nhân. Rồi cũng chỉ thấy những khuyết điểm của cá nhân mà sinh ra bi quan. Vì vậy, cái ám ảnh nhất trong đầu tôi bao năm nay là nạn đảng viên phức tạp.
Tôi gửi thư đề nghị lên TƯ. Tôi yêu cầu thanh Đảng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc. Tôi không tin vào “giáo dục vạn năng” của Đảng (phát biểu trong Đại hội Đảng). Những ý kiến không được thu nhận, tôi càng phẫn uất.
 
Đối với những người phụ trách lớp chỉnh Đảng, Trần Huy Liệu là một trường hợp đặc biệt, tuy không hẳn là quan trọng quá. Mất cán bộ là điều không ai muốn. Người ấy đã thành khẩn bộc lộ một cách sâu sắc, có suy xét lý giải - chứ chả phải chi trình bày- vấn đề của mình, thì đối thoại, cởi gỡ từng “nút” là chuyện cần. Liệu làm việc liên tục với Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn, Lê Văn Lương, và cố vấn họ Mã trong đoàn cố vấn Trung Quốc tại lớp học. Có những điểm yếu, Liệu đã nhận thì họ góp ý thêm, yêu cầu tìm ra “gốc rễ” để khắc phục hoàn toàn. Cũng có những điểm ông nhất định “rằng không sai” thì đành để vậy. “Nhận thức là một quá trình” kia mà, đối với một trí thức càng không nên đơn giản, kiểu mệnh lệnh đơn thuần. Điều chủ yếu là giữa lãnh đạo và “đối tượng phê bình” đã có sự cởi mở giữa những người đồng chí. Thấy “đồng chí già” gầy yếu, phong phanh, Mã cố vấn tặng ông chiếc áo khoác dạ, thứ cực kỳ xa xỉ thời đó.
 
Noel năm 1952, lớp chỉnh Đảng tổ chức cưới tập đoàn cho bốn đôi học viên. Sau lời khai mạc, một ủy viên trung ương lên căn dặn, đại diện các cô dâu chú rể hứa kiểm thảo tốt để về đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Khách khứa liên hoan rất sơ sài, nhưng được xem phim Liên Xô “Hạnh phúc Cri-mê”, phim Trung Quốc “Người lính biên cương”. Phần Liệu, tuy chả cưới xin gì, tâm tính cũng phải chộn rộn. Buổi trưa, ông vừa đề đạt với Hoàng Quốc Việt một nguyện vọng về công việc trong giai đoạn tới.
 
Chừng một năm sau, có mấy thanh niên lên rừng đẵn nứa vác về dựng căn lán ở Sơn Dương, Tuyên Quang, cách cây đa Tân Trào nửa cây số đường chim bay. Bên những cột tre, vách nứa lỏng chỏng mấy bồ sách chữ nho, chữ Pháp. Đấy là tài sản đầu tiên của cơ quan tiền thân cho Viện Khoa học xã hội ngày nay. Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn thành lập ngày 2-12-1953 trực thuộc Trung ương Đảng, là kết quả của nhiều nhu cầu, cố gắng, trong đó có phần rất nhỏ là những ngày chỉnh Đảng khắc nghiệt của Trần Huy Liệu.
 
“Quốc sử Quán” Đầu năm 1954, Liệu thấy mình trở nên dềnh dàng. Có hai “dinh” hai bên dãy Tam Đảo, Tý ở Đại Từ còn Sửu đằng Lập Thạch. Phần nhiệm sở, đã có cơ quan Thường trực Quốc hội, giờ thêm “anh” Sử - Địa - Văn. Ngôi nhà của “Quốc Sử quán” đầu tiên của “vương triều cộng hòa” lợp lá, thưng nứa, có hai gian ngăn làm bốn “phòng”. Liệu chiếm một chỗ, rồi đến văn thư, nơi làm việc của cán bộ. Và phòng Trần Đức Thảo, ông trí thức khét tiếng vì cuộc tranh luận với nhà văn - triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre từ Pháp trở về. Trước đó, Thảo ở bên văn phòng Tổng Bí thư, vừa dịch “Đề cương văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh sang tiếng Pháp.
 
Dường như là “lắp ghép” vị tiến sĩ triết này vào đâu cũng là việc khó đối với trên, ngay cả khi hòa bình, quyền lực đã hoàn toàn về tay những người làm cách mạng. Trở về đất nước rất đỗi mến thương, Thảo trở nên một “mảnh” riêng, cô độc, dù sau này đứng trên giảng đường đại học hay làm cán bộ nghiên cứu ăn phiếu thực phẩm loại êng êng.
Bản tổng kiểm thảo trong cuộc chỉnh Đảng cuối năm 1952 cho Trung ương thấy “tâm bệnh” của Liệu trọng đến mức nào. Sự xa cách, mức kỷ luật - không “án”, một nhiệm vụ không thể nói là không có tác dụng nhưng chẳng thích hợp với Liệu…, là những nguyên nhân dẫn đến mất cán bộ như chơi.
 
Mà Liệu lại nổi tiếng, để ông tự sát, nhỡ ra… Khi “đương sự” đã thành thực bộc lộ, đề đạt nguyện vọng về một sự nghiệp mà trên cũng cần, thì tốt nhất là đáp ứng nó, được cả đàng riêng cũng như chung. Sau này, mãi năm 1993, Pelley Patricia Marie, nghiên cứu sinh đại học Cornell, Mỹ, khi làm luận án “Sách báo cách mạng: Lịch sử hiện đại sau thuộc địa ở Việt Nam” đã rất quan tâm đến sự ra đời của cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu tiên này. Những câu hỏi Pelley đặt ra là “Kháng chiến gian khổ vậy, sao ra được các tập san?”, “Các tác giả, nhà nghiên cứu đã sống ở đâu?” “In ấn thế nào, số lượng ấn bản, cách tiêu thụ, ai đọc chúng, nói chung ảnh hưởng ra sao?”…
 
Khởi động từ năm 1953, nhưng thật ra Liệu đã nung nấu một Quốc Sử quán” từ những ngày “cầm” Bộ Thông tin - Tuyên truyền 1946. Lăn vào những cuộc cổ động, diễn thuyết bất tận, con người chả bao giờ thích hợp với vị trí làm một thành viên của “bộ máy” cứ mong ước được ngồi yên đọc sách, chiêm nghiệm về quá khứ, viết những chuyện trong đầu ra. Kể ra cuốn “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” đã thỏa mãn phần nào tâm sự ấy của ông, nhưng chỉ là một thử nghiệm, việc làm thêm ngoài nhiệm vụ.
 
Giờ thì Liệu được ăn bổng để làm việc ấy, tuy không hẳn đã chuyên biệt. Kể cả lương ở Thường trực Quốc hội, ông được hưởng sinh hoạt phí khoảng 70 cân gạo, trong khi người khác lĩnh từ 35 đến 40 cân. Chừng nấy nuôi một gia đình không đủ, nhưng Tý rất có tài tăng gia, và Sửu được khoản tô tức của tá điền trong ấp, trước khi Cải cách ruộng đất tràn đến.
 
Trong lòng kháng chiến, vẫn có những hoạt động trước thuật. Ngoài những cuốn sử Đảng, sử kháng chiến, Bộ Quốc gia Giáo dục có Ban Sử học trong Vụ Văn học Nghệ thuật. Nằm trong khu Bốn, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, vừa viết sách vừa giảng dạy. Việc “tường thuật, cắt nghĩa” quá khứ theo quan điểm mác-xít đã hình thành dần dần qua các tác phẩm. Nhưng phải có một cơ quan chuyên biệt, chính thống của đất nước, kiếu như Quốc Sử viện của giám tu Lê Văn Hưu đời Trần. Sang triều sau, chả phải Lê Thánh Tông đã “sai sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký toàn thư” đó sao.
 
“Sử để chép việc, mà việc hay hay dở đều dùng làm gương răn cho đời sau”. Phan Huy Chú tính vậy trong Lịch triều hiến chương loại chí. Liệu đã không còn tham chính, nhưng vẫn rất có thể tác động vào đương thời - trước hết là làm cách mạng - bădng chữ nghĩa được chứ, dù rằng tác động gián tiếp, xa xôi thôi.
 
Từ nay ta lại là người có ích, được tổ chức cần. Ta thỏa mãn sở nguyện, sở học, và lại có bổng lộc cho vợ con. Cái tâm thể đó khiến Liệu hăng hái xây nền móng đầu tiên cho “ngôi nhà” sau này ngày càng đồ sộ.
 
Ban Trù bị cho “Quốc Sử quán” gồm Liệu, Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt. Tuy đứng đầu, nhưng Liệu phải dựa vào bộ máy Ban Biên ủy nhà xuất bản Sự thật của Minh Tranh, nơi có cán bộ nghiên cứu, tài liệu, in. Dự thảo quyết định thành lập trình lên trên, điều 4, phần nhân sự ghi “… gồm có: các đồng chí Trần Huy Liệu, Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh và Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan (người ngoài Đảng). Đồng chí Trần Huy Liệu là thư ký của Ban. Với nét chữ rất chân phương, dễ đọc, Tổng Bí thư Trường Chinh chữa: “và hai người ngoài Đảng là các bạn Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan”; “Đồng chí Trần Huy Liệu làm Trưởng ban”.
 
Cái ban mới nghiên cứu Sử, Địa, Văn, gọi là “Quốc Sử quán” thật ra không đúng tí nào. “Sử” được tôn lên đầu vì những người làm đề án, thành viên sáng lập hầu như chỉ toàn anh làm sử. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh tuy có tên nhưng làm việc chính bên văn nghệ. Đề án thành lập của Ban Trù bị ghi: “Nên có một tổ chức gồm các ngành Văn học, nhưng với khả năng hiện có, hãy tập trung vào ngành Sử học để có thể bát tay ngay vào mấy việc cần thiết”. Là một cơ quan thuộc Trung ương Đảng, thì ai ngoài Đảng, ai trong phân ra khá rõ, chi bộ sinh hoạt chung với bên Sự thật. Tổ Lịch sử đông nhất, 7 người, gồm Phiệt, Tranh, Thảo, Liệu, ông Phạm Trọng Điềm chuyên dịch Hán Nôm, hai lính trẻ Văn Tạo, Nguyễn Công Bình. Tất nhiên phải có người đánh máy và người làm thư viện, tư liệu. Có từng nấy “mống” mà đủ cả các “ngành” khảo cổ, dân tộc, thế giới, Hán Nôm…, gần gần được như các viện thuộc “Bộ” Khoa học xã hội bây giờ. Làm được vậy vì các trí thức đang nghiên cứu Sử, Địa, Văn ngay trong kháng chiến đâu có ít. Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi trong khu Bốn. Trần Thanh Mại, Ngô Quân Miện, Văn Tân, Trần Văn Giáp, Nguyễn Lương Bích, Đinh Gia Khánh… ở miền Bắc. Đâu đó trong các khu rừng, nhà dân, hàng ngày chạy ăn, chạy máy bay, họ vẫn đọc, viết.
 
Ban Sừ - Địa - Văn ra đời, họ vô cùng phấn khởi vì coi như đã có một ngôi nhà chung, có chỗ để gửi tác phẩm hằng dày công mài miệt tới. Và tên tuổi người đứng đầu cái cơ quan đó chả phải xa lạ với họ. Từ Khu học xá Trung ương bên Nam Ninh, Trung Quốc, các bài nghiên cứu viết dưới ánh sáng đèn điện cũng được gửi về.
 
Cơ quan toàn ông già, Liệu nghĩ đến những người trẻ tuổi hơn để làm nguồn cho giai đoạn sau. Lần đầu gặp Văn Tạo, do một chỗ khác giới thiệu, ông đưa chàng thanh niên một bản tin tiếng Pháp, một đoạn văn bạch thoại để dịch thử. Rồi bảo “phải học thêm bạch thoại đi, công việc không phải chỉ toàn chữ nho đâu”. Cái câu lớp người sau luôn luôn được “dạy bảo” là “có sử đã rồi mới thành dân tộc được”.
Sự sống học thuật đầu tiên thể hiện ở hai số Tập san tử Địa Văn, sang số 3 đổi thành Tập san Văn Sử Địa. Sau ngày “khai sinh”, do neo người làm trực tiếp, phần nghiên cứu Văn học có thể nói là khá mỏng, còn mảng Địa lý chủ yếu kết hợp với bên giáo dục làm sách giáo khoa cho các trường phổ thông. Từ Tân Trào sang nhà in Tiến bộ ở Ghềnh Quýt để chạy in tập san phải qua sông Phó Đáy và 24 đoạn suối. May là cơ quan đã có thanh niên lo việc này. Và cũng may cho họ là có xe đạp để đi, cứ thế vác qua sông suối, cốt sao bản thảo khỏi ướt. Không được vào khu vực nhà in đóng, họ phải ở lại lán trạm giữa rừng, chờ có bản in thử để sửa, ngày xơi hai lon gạo, hai quả trứng vịt.
Tập hợp tư liệu, lập thư viện là một công việc phải làm gấp rút, có khi còn cần gấp rút hơn viết lách. Chiến tranh đang từng ngày, thời cuộc chạy thoăn thoắt, sách vở, các giá trị vĩnh cửu có thể tiêu tan bất cứ lúc nào. Đầu năm 1954, số sách báo Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh tập hợp được, tự nguyện cho Ban được chuyển từ khu Bốn ra. Văn tự thu được từ các gia đình địa chủ bị đấu tố trong cuộc Cải cách ruộng đất thí điểm ở 48 xã thuộc Đại Từ, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Liệu phái Văn Tạo đi lấy về.
Một nhiệm vụ tự nhiên “phát sinh” trước các nhà nghiên cứu mới chân ướt chân ráo, là tăng gia sản xuất. Ngoài số gạo tiêu chuẩn, rau xanh phải trồng lấy, chất tươi thì nhà bếp mua lợn choai về vỗ lên. Hôm nào mổ lợn cứ như có Tết. Được ăn lòng, tiết canh, người ngợm tươi lên, yêu đời hẳn. Mắm muối tháng một lần nhà bếp ra chợ Văn Lãng mua. Thỉnh thoảng bên đình Hồng Thái có văn công, chiếu phim, “quân ta” lại kéo sang xem ké, vui như hội. Bên những nếp áo chàm Tày Nùng, những gương mặt xinh tươi của dân văn nghệ, tuyên huấn, dáng vóc của “cánh” Sử Địa Văn có vẻ già trước tuổi, đăm chiêu hơn. Trong bối cảnh ấy của kháng chiến, sụ tồn tại của Trần Đức Thảo rất khó hòa hợp. Chuyên ngành của vị tiến sĩ đào tạo ở Pháp từ thời còn trẻ là triết học, khá xa lạ với Liệu và những bậc túc nho, những nhà cách mạng chuyển sang nghiên cứu.
Thôi thì việc ông ông cứ làm. Khổ nỗi, ác nỗi là những cá tính (?) trong sinh hoạt. Thảo lầm lì, lừ đừ, khó trao đổi, chả văn nghệ văn gừng bao giờ. Người được trên giao nhiệm vụ giúp việc cho ông là một đảng viên, rất khó thông với “quan niệm” phải giặt cả quần đùi áo lót của Thảo, trong khi ông triết gia học Tây về coi đó là đương nhiên, chả có gì đáng gọi là “không tôn trọng”. Tuy chả hợp, thậm chí kêu giời rằng “Thảo điên rồi”, nhưng vài lần Liệu phải bảo vệ con người lập dị ấy khỏi những ý định “cải tạo lão giáo sư tư sản”.
Điện Biên thắng lớn. Cục diện kháng chiến thay đổi hẳn. Tháng 9 năm 1954, Ban Văn Sử Địa (đổi tên rồi) chuyển từ Tân Trào về Đại Từ, Thái Nguyên. Chiếc bè chở họ bị đắm, sách báo trôi lềnh bềnh. Vũ Ngọc Phan chết thốt khi nghĩ tới tập bản thảo cuốn Tục ngữ dân ca Việt Nam sưu tầm, biên soạn bao năm trời. May là cuối dòng có bè mảng của cơ quan khác cũng đang chuyển về xuôi, họ lội ra vớt lên cho. Kiểm lại thì sách báo, bản thảo, lai cảo không mất tí gì. Cuộc hong phơi sách trên bờ thật vui, về tới Ký Phú, Đại Từ càng vui vì có Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang nhập bọn, dù là tàm tạm thôi.
Hoạt động của Ban Sử Địa Văn dần dần có đà. Vất vả, nhưng cái cảm giác làm người thừa không còn, Liệu thấy hứng khởi hơn khi được giao việc khác: trở lại mặt trận, tham gia Việt Hoa hội… Cuối cuộc kháng chiến, sự biến chuyển của thời thế, theo sau là vận mệnh ngày càng xấu của Sửu tạo nên tâm trạng chộn rộn, dấm dứt. Dù thế nào, thân phận bên ngoài của Liệu đã thay đổi hẳn. Ông được gọi vào một đoàn thăm mấy nước xã hội chủ nghĩa mới, rồi về Hà Nội ở nhà riêng, làm việc phòng riêng, sau đó có ô tô riêng. Lắm cái “được” quá…