Ði Huế về bà Nhiêu có một vài thay đổi trong công việc. Bà không sản xuất nhiều rượu như trước, cầm chừng thôi, bà nói với má Thảo: - Chị à, tui nghĩ trước sau mình cũng trả nhà cho Cha. Bây giờ con cái học ngoài Huế, tương lai chúng cũng kiếm việc làm ngoài đó. Mình thu gọn công việc lần lần là vừa. - Chị tính ra ở mô? - Tháng tới tui ra tìm mua cái nhà nho nhỏ. Nghe vậy bà Ðàm có vẻ suy nghĩ. Bà Nhiêu hiểu điều đó, bà nói: - Mua được nhà, chị cứ ở với tui, xưa sao giờ vậy. Nhưng tui hỏi thăm Huế có trại di cư ở Bãi Dâu, mỗi gia đình được cấp một căn nhà. - Như tui xin được không? - Ðược chớ, lúc đó mình nhờ Cha cho cái giấy giới thiệu. Ðể nói mấy đứa nó ngoài đó hỏi cách thức, xin được cứ xin. À cháu Thảo dặn mình đừng cho thằng Nam biết chuyện nó bên Sơn Chà. Chị cẩn thận, lỡ ra làm cháu nó buồn. Ðể rồi tôi cũng dặn mấy đứa nhỏ. Bà Ðàm cảm động về sự chu đáo của mẹ Nam. Biết rằng chuyện không có gì nhưng giữ kín vẫn hơn. Cũng vì chuyện đó mà bà Ðàm muốn đi khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Chuyện tương lai của con chưa biết sao, trước mắt bà rất bằng lòng gia đình Nam, nghèo mà biết ăn ở, bà thầm mong hai đứa nên vợ nên chồng. Cặp heo mới thả ngày nào nay đã lớn có đến tạ là ít. Bà Nhiêu định tháng sau kêu người tới cân. Rượu nấu rút lại còn một nửa. Bà muốn dành thì giờ chăm sóc các con. Thằng bé út vẫn chưa được mạnh. Gái lớn của bà, hè sang năm lên trung học, rồi đây sẽ phải lo nhiều thứ cho chúng. Ăn mặc sách vở, nhưng trước tiên là cái nhà. Có an cư mới lạc nghiệp. Nghĩ đến con cái, mỗi nơi một nhúm bà không yên tâm. Nhưng trong hoàn cảnh này làm sao gom lại được. Sáng nay hai bà lui cui sau vườn thì Thúy Anh đến. Mấy đứa nhỏ mừng reo lên: - Chị Anh, mời chị vô chơi. Thúy Anh đưa mắt đảo một vòng hỏi: - Có bác ở nhà không em. - Dạ có, Mẹ em sau vườn. - Chị muốn hỏi thăm chị Thảo. - Chị đi với em, Lan nhanh nhẩu dẫn Thúy Anh ra gặp Mẹ. - Dạ cháu chào hai bác. - Thúy Anh đó hả, bác lỡ tay một chút. - Dạ bác cứ làm việc, nghe bác về, cháu hỏi thăm chị Thảo anh Nam có khỏe không bác? - Cảm ơn cháu, Nam Thảo đều mạnh giỏi, có gởi lời thăm cháu. - Chị Thảo có nói bác biết chuyện học hành sao không? - Thảo nói thi vô khó chớ học thì bình thường, hè này mãn khóa, Nam cũng vậy. Còn mấy tháng nữa thôi. Thảo nhắc cháu hoài, không có cháu giúp thì chắc không được việc chi. - Có chi đâu bác, trong trường ai cũng mến chị Thảo. Không có chỉ tụi con buồn lắm. Cầu cho chị toại nguyện để đỡ cho gia đình. Bà Ðàm vui vẻ: - Cảm ơn con, bạn bè như con ở đời này hiếm lắm. - Thúy Anh cười quay sang hỏi về Nam: - Còn anh Nam sao hả bác? Bà Nhiêu tỏ ra rất bằng lòng về con mình: - Nam cũng ra trường trong dịp hè này. Nam hy vọng điểm cao sẽ được chọn nơi dạy. - Thúy Anh nói như chia xẻ niềm vui với hai bà: - Mới đó mà nhanh ghê, anh chị sắp có nghề cả. - Thì con cũng sắp thi Tú Tài, cô Tú nay mai chớ bộ. Chưa biết sẽ ra sao nhưng nghe bà Nhiêu gọi mình cô Tú, Thúy Anh cũng thích. Cha mẹ Thúy Anh muốn cho con học lên nữa, ít ra cũng cử nhân, bác sĩ. Con gái mà ngưng học là chỉ đi lấy chồng. - Thưa, chừng nào bác ra Huế lại? - Tháng sau bác đi. - Nghĩ hè con cũng về Huế, lâu quá con chưa về thăm mấy bác. Thấy có khách vào mua rượu, cô gái chào hai bà ra về. Thúy Anh chưa biết mặt Nam nhưng qua những lần Thảo tâm sự, cô cũng hình dung Nam là một người có cá tính. Thảo là người con gái rất tinh tế nhạy bén mà Nam lọt được vào mắt xanh tất phải có gì đặc biệt. Suy nghĩ lan man về người chưa quen, Thúy Anh chợt thấy mình hơi kỳ. Mấy người khách vừa vào chẳng phải bạn hàng, một người đàn ông, hai người đàn bà, vẻ mặt hằm hằm như đi đòi nợ. Bà Nhiêu đang làm công chuyện, đứng dậy đon đả: - Chào mấy bác... - Bà là bà Nhiêu nấu ruợu? - Dạ phải, thưa có chuyện chi rứa bác? - Chúng tôi đến hỏi xem lâu nay bà nấu rượu có giấy phép không? Bà Nhiêu tái mặt, tự dưng hôm nay có người hỏi phép tắc. Hồi giờ bà đã làm nghề này nhiều nơi, không nơi nào hỏi han bắt bẻ gì cả. Bà khựng một lúc, rồi hai tay xoa xoa năn nỉ: - Thưa mấy bác, tụi tui di cư vì phải nuôi con dại nên làm chút đỉnh sống qua ngày. May nhờ Cha cho tá túc... - Di cư di quái gì cũng không được phép làm lậu nghe chưa? Muốn nấu rượu phải xin ba tăng (môn bài). - Tui xin thưa thiệt, tụi tui sắp dọn về Huế, các bác lơ cho một thời gian nữa thôi. - Một thời gian là lâu mau? - Cho tui xin hai tháng. Ba người kéo ra nói nhỏ với nhau rồi người đàn ông trở vô: - Ðược, sau hai tháng mà bà không dẹp là chúng tôi đưa về đồn công an. Nói xong, ba người kéo nhau đi. Bà Nhiêu ra gọi bà Ðàm vào nhà. Bà có vẻ lo lắng: - Chừ răng chị, họ cấm mình rồi đó. - Chắc có ai báo cáo, chị nói với họ răng? - Tui năn nỉ xin hai tháng rồi dẹp. - Rứa cũng được, mình coi rồi chuyển qua nghề khác. - Ðể coi, về Huế rồi tính. Kỳ tới chắc tui phải đi mấy ngày. Tui có dặn cháu Nam để ý tìm nhà. Chờ một hai tuần coi có tin gì không. Từ nay mình nấu ít lại và chịu khó đi bỏ mối, đừng để người ta vô ra. Bà Ðàm lại có ý nghi ngờ: - Hay có ai trong nhà thờ đi báo không? Bà Nhiêu gạt đi: - Thôi đừng nghi bậy mang tội. Chuyện xem ra không có gì nhưng cũng làm cho hai bà lo nghĩ. Bà Nhiêu nhân chuyện này giốc chí lo kiếm nhà. Tối đó bà biểu Lan viết thư cho Nam. Qua nội dung lá thư Lan cũng hiểu câu chuyện và đã nói với Mẹ: - Mua được nhà rồi anh Nam có ở chung với mình không Mẹ? - Có chớ, mà phải chờ coi ra trường anh con được dạy mô đã. Có dạy vùng quanh Huế mới về nhà chớ xa thì chịu. - Tụi con muốn có anh để anh dạy kèm thêm. Lan đã mười một tuổi mà mới học lớp Nhì, lại không thuộc hạng khá nên cũng tỏ ra biết lo. Bà Nhiêu trấn an con: - Thì phải rứa, có anh thì mấy con sẽ khá hơn. Từ hôm đó bà Nhiêu lại thường xuyên bị ám ảnh một sự thay đổi. Bà tin lần này sẽ là lần cuối cùng. Nam và Thảo lúc này lo bù đầu về bài vở để chuẩn bị thi mãn khóa. Anh chị cố có điểm cao để được ưu tiên chọn nhiệm sở. Cả hai không nói, nhưng đều mong muốn được làm việc những vùng quanh thành phố Huế. Hôm nay nhân qua bưu điện bỏ thư, Nam ghé thăm Thảo. Nam đi thình lình, có ý xem chừng Thảo có thật sự lo bài vở không, hay lại thẩn thơ mây nước. Nghĩ vậy thôi chứ Nam cũng biết Thảo không đến nỗi nào. Hiền vừa đi qua phố, Thảo đang mãi mê cắm đầu vào trang sách thì Nam tới. Thảo mừng ra mặt: - Anh, răng không lo học mà bỏ đi rứa? - Anh gởi thư cho Mẹ, sẳn ghé em. Nói xong, Nam đứng sửng nhìn Thảo, làm nàng cũng ngượng. - Anh ngồi xuống, chi mà nhìn dữ rứa? Nam như vừa ra khỏi cơn mê: - Anh không ngờ! - Chuyện chi rứa anh, răng khi mô anh cũng có chuyện. - Thiệt mà. - Chuyện chi, nói nghe coi. - Chuyện của em. Vừa nghe câu nói của Nam, người Thảo xiêu xiêu như muốn té, mặt tái không còn chút máu, hai tay chống vào cạnh bàn. Nam cũng hoảng hốt chạy lại đỡ nàng ngồi xuống ghế. - Trời ơi, em sao vậy. Thảo, Thảo... Nam tìm chai dầu Nhị Thiên Ðường trong túi rồi xoa vào hai bên thái dương cho Thảo. Nam tìm bình thủy rót một ly nước đưa Thảo: - Em uống một tí nước nóng là khỏi ngay. Uống một hớp Thảo từ từ hồi tĩnh. Nam bóp bóp vai Thảo nói nho nhỏ: - Anh thấy em hay bị xỉu bất tử, mỗi lần vậy anh sợ quá. E rồi anh đau tim với em. - Thì tại anh mà ra. - Tại anh, anh có làm chi mô? - Thảo ngước nhìn Nam: - Không làm chi mà lúc nào anh cũng có chuyện, khi thì "ly kỳ" lúc thì "không ngờ". Chuyện chi mà không ngờ? Làm em hoảng vía hoảng hồn? - Thì anh định nói "Không ngờ em có đôi cánh tay đẹp quá vậy". Thảo đập tay xuống bàn kêu: - Trời ơi là Trời, răng mà anh ác rứa? Ðẹp thì nói đẹp lại nói "không ngờ". Ri thì có ngày đứng tim với anh. Nam thấy hối hận vô cùng, cúi hôn mái tóc Thảo rồi nói như năn nỉ: - Anh xin lỗi em. Thật tình anh không bao giờ có ý làm em hoảng sợ. - Thảo đã lấy lại sắc diện, nàng nhìn thẳng vào mắt Nam: - Em hỏi thiệt, hồi giờ anh chưa thấy tay em hay răng? - Có, nhưng chưa bao giờ thấy em mặc cái áo đen để lộ cả hai cánh tay. Màu vải đen làm nổi bật làn da trắng lất phất lớp lông măng đẹp lạ lùng. Anh nghĩ ngoài em chắc không người con gái nào có đôi tay đẹp như vậy. Thảo ngồi nghe mà ngây cả người. Sao Nam có những cảm nghĩ kỳ lạ vậy. Mà toàn là những hình ảnh bất chợt. Làm sao trách Nam. Nam nhìn bằng đôi mắt và trái tim của Nam, làm sao Thảo biết được. Thảo chỉ còn nước xin Nam: - Anh à, từ nay em xin anh, có gì cứ nói cho em biết liền chớ cách của anh làm em hồi hộp lắm. Anh hứa đi. - Anh hứa, nhưng Thảo à... - Chi nữa anh? - Em có thấy những gì đẹp thì đều mong manh huyền ảo không? Người ta nói nhiều đến hạnh phúc mà suốt đời đi tìm hạnh phúc vẫn không thấy hạnh phúc. Thảo chẳng hiểu Nam muốn nói gì. - Em thú thiệt là em không hiểu, anh học ở mô rứa. - Học ở trường, em cũng học rồi. Thảo mở tròn xoe mắt hỏi lại: - Em học rồi? Em chưa bao giờ được học những điều anh nói. - Năm Ðệ Tứ em có học Kiều? - Dạ có. - Em có thấy Kiều bao nhiêu năm chìm nổi mà cuối cùng có hạnh phúc không? Lại một lần nữa, Thảo thấy như hụt hẫng. Nàng ngồi lặng thinh nghĩ về những điều Nam nói. Nam hỏi: - Thảo khỏe chưa. Mình đi một vòng được không. Thảo vui vẻ: - Ðúng đó anh, anh chở em đi ăn bánh bèo nghe? - "Hoàng Hậu" thích gì anh làm nấy. Thảo lại đấm cho Nam mấy cái vào lưng: - Ðằng nào anh cũng hay cả rứa. - Em mặc áo như vậy đi nghe. Thảo giật mình: - May, anh không nói em quên, đi vầy người ta cười chết. Chờ em thay áo. - Bánh bèo chỗ mô em? - Phía bên kia cầu Bến Ngự. Chỡ Thảo đi được một đoạn Nam quay ra hỏi: - Thảo muốn đi đường gần hay đường xa. - Răng phải đi xa? - Ði xa cho đói ăn mới ngon. - Anh cứ ưa "viễn vông vòng vèo". Nam cười: - Tại cuộc đời ngắn ngủi nên anh thích "vòng vèo" cho dài thêm. - Nói chuyện với anh chắc em bể cái đầu quá, rõ ràng mới hứa đó chớ lâu lắc chi. - Anh xin lỗi. Gần tới chưa, anh đói hung rồi. - Tới rồi, anh rẽ vô nhà có cây khế. Hai người kêu hai dĩa, rồi hai dĩa nữa. Thảo nhìn Nam cười: - Răng bữa ni anh không ngồi nhìn em nữa, bộ anh đói dữ! - Em nghĩ coi, chở một người thường đã mệt rồi, đằng này chở Hoàng Hậu mà lại lên cả dốc cầu Bến Ngự thì cơm đâu còn. Thảo cười như biết mình có lỗi, nhưng cũng chống chế: - Tự anh thích chở chớ bộ. - Anh giỡn em, chớ được hai cánh tay em quàng qua người thì có đi cùng trái đất anh cũng chịu. Em có nghe câu Ca Dao "...Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua" không? Thảo nguýt Nam một cái thật dài: - Anh ranh như tinh. Lát em đi bộ về. - Em đi bộ anh càng mừng. - Răng mừng? Thì được đi cạnh em lâu hơn, được ngắm em kỹ hơn. - Trời! Ðàng mô anh cũng nói xuôi cả là răng? Nam cười có vẻ đắc thắng rồi dịu giọng: - Em biết sao không, tại em thật thà, hiền lành nên anh chọc em cho vui. - Chọc người ta tức mà vui hả. - Em tức lên mới càng đẹp. - Rứa thì từ nay em không tức chi nữa cho bỏ ghét anh. Nam mĩm cười làm thinh. Thảo có vẻ hài lòng, vì Nam không đối đáp được. Có biết đâu Nam muốn cho Thảo thỏa mãn tự ái nên không nói đó thôi.