Chương 20
TUYỆT TÌNH, ĐOẠN NGHĨA

Vào mùa thu năm ấy Ikuyo đột ngột xuất hiện ở Hananoya.
– Mẹ....
– Ở đây có nhiều hoa đỏ nhỉ. Đẹp quá!
Tomoko đến gần mẹ và lơ đãng ngắm nhìn vườn hoa. Cô không đủ can đảm để hỏi mẹ đến đây có việc gì, có phải là mẹ vừa cãi cọ với chú Hachirô, và định lưu lại đây bao nhiêu ngày. Cô đang bận tâm về cuộc hội kiến vừa rồi với ông Murata.
Murata lúng túng không biết làm sao để tống khứ người đàn bà sáu tháng qua đã đến gặp ông ít nhất là mười ngày một lần và cứ ba ngày lại gọi điện thoại cho ông. Nhưng ông không thể đuổi thẳng thừng Tomoko vì mỗi lần cô đến gặp ông lại mang đến cho ông và các đồng sự cơ man nào là hộp thức ăn thượng hạng. Dần dà rồi Murata cũng loáng thoáng nhận ra được vì sao cô lại tha thiết muốn gặp Ezaki và rồi càng ngày ông càng thương hại bà chủ quán Hananoya.
Vừa ngắm nghía các cây địa du và thu hải đường, Tomoko vừa nhớ lại là sáu tháng qua cô như bị quỷ ám, không lúc nào không nhớ tới Ezaki. Mặc dù vậy, nhà hàng vẫn nườm nượp khách. Mọi chuyện ở đây đều tốt đẹp, nhờ thế mà Tomoko vẫn yên tâm ngày nào cũng đến các chùa chiền cầu xin cho Ezaki được bình yên vô sự. Nhưng chính trong khi mải mê nhìn các cây thu hải đường mà cô đã trở lại với chính mình. Cô đột ngột tự nhủ là anh ấy, Fumitake Ezaki, đã kiên quyết từ bỏ cô gái tội nghiệp mà mong muốn duy nhất là được kết hôn với anh, đã dửng dưng với cô và hầu như đã quên cô trong lần cuối cùng họ gặp lại nhau. Mình thì cứ chạy đến còn anh ta thì cứ xa dần, như thế đâu có được. Tình yêu là phải hai chiều chứ?
Nghĩ như vậy trong tâm trạng mệt mỏi sau lần gặp vừa rồi với Murata, Tomoko cảm thấy chán nản vô cùng.
– Mẹ ơi... cô kêu lên như thể muốn ôm chầm lấy mẹ. Cô đã trở lại đứa con bé bỏng ngày xưa, muốn tìm chỗ để dựa để chống chọi với buồn phiền.
– Tomoko...
Ikuyo có vẻ như cũng có điều gì bực bội muốn tâm sự với con gái, cho nên ít phút sau, lần đầu tiên, họ ngồi đối diện nhau trên chiếu và nhìn nhau chờ đợi.
– Mẹ, anh Ezaki đã bị kết án treo cổ, anh ấy hiện bị giam ở Sugamo vì tội ác chiến tranh. Sáu tháng nay con thường đến sở giải ngũ để thử gặp anh ấy nhưng không được. Mẹ, mẹ hãy nói đi, con có thể làm được gì, con có thể làm được gì? Đó là những lời mà cô muốn hét lên cho mẹ nghe, nhưng lòng cô cũng quá buồn phiền khiến cô không nói được nên lời.
Ikuyo hoàn toàn vô cảm trước tâm trạng của con gái bà, cứ nói năng huyên thuyên.
– Mẹ rất vui mừng khi nhận được tấm vải crếp để may kimono. Thật là tốt khi biết nghĩ đến mẹ! Nghĩ đến mẹ vào thời buổi khó khăn này... a, mẹ thường nói, cái con Tomoko đúng là con của ta, chúng ta có chung một dòng máu. Và thế là bỗng dưng mẹ rất muốn gặp lại con, mẹ không còn kiên nhẫn để chờ đợi nữa! Nhưng tất nhiên là Hachirô đã can ngăn. Ồ không, không, lão nói với mẹ là đừng có đi Tôkyô, nhưng mẹ đã nói dối lão là mẹ chỉ đi để biết con có khỏe mạnh không, và thế là mẹ đã ở đây!
– Nói dối...?
– Đúng. Này, con có muốn sống với mẹ như trước không hả?
– Mẹ muốn nói là mẹ đã bỏ Hachirô?
– Lão nói là sẽ đến đây tìm mẹ, nhưng tao trả lời với lão là chẳng cần đâu.
– Mẹ nói thế có nghĩa là sao?
– Mẹ đã chán ngấy cái cảnh sống chung với một con người hoàn toàn xa lạ.
– Sao, một người hoàn toàn xa lạ? Nhưng người đó là chồng mẹ, phải không nào?
– A, đã lâu lắm rồi chúng tao chỉ là những người xa lạ đối với nhau thôi, mày nghe rõ chưa?
Tomoko thôi không tiếp tục hỏi mẹ nữa. Cô đã hiểu rõ điều mẹ muốn nói.
Nhưng cô bàng hoàng trước cái logic đặc biệt ấy, mà theo đó, vợ chồng trở thành người xa lạ đối với nhau chỉ vì quan hệ tình dục của họ ngày một thưa thớt.
So sánh với cách suy nghĩ của mẹ, cô cảm thấy mình có những suy nghĩ thật cao thượng, đã tìm đủ mọi cách để cứu sống một người mà hai mươi năm nay cô chưa được gặp lại. So sánh với cuộc đời bẩn thỉu của mẹ, cô cảm thấy cuộc đời mình thật trong sáng.
– Này, Tomoko, mẹ chỉ có mỗi mình con trên đời này là có cùng huyết thống với mẹ. Người duy nhất còn lại bên mẹ là con.
– Mẹ quên Yasuko rồi. Con không phải là con gái duy nhất – Tomoko nói toạc ra.
Yasuko không cùng cha với con.
– Thế thì đã sao? Rõ ràng nó là con của mẹ, không còn nghi ngờ gì nữa. Vậy mẹ nên tìm đến chúng nó ở Nakano, bây giờ chúng cũng khấm khá lắm. Tại sao mẹ không bảo chúng nó đón mẹ đến ở với chúng?
– Đừng có bướng bỉnh con. Đã ba năm rồi chúng ta không gặp nhau, Ikuyo nói, giọng van nài.
– Đúng, ba năm nay mẹ đã bỏ chạy vì không muốn sống trong cái ổ chuột; ba năm nay mẹ không gửi cho con một lá thư nào, thế mà mẹ lại cứ bảo là mẹ của con ư? Con không thể một mình nuôi dưỡng mẹ suốt cả đời, cho nên mẹ hãy đến với Yasuko!
– Nhưng Yasuko không phải là con của Sheikichi; tao không ưa gì nó.
– Mẹ nói gì mà kỳ quặc vậy?
– Tao đã có lần nói với mày là tao muốn khi tao qua đời, thi hài tao sẽ được chôn cùng với bố mày. Tao là mẹ mày, còn Yasuko thì chỉ là người dưng nước lã đối với tao.
Tomoko không còn thì giờ để ngồi tranh cãi, trách móc mẹ. Khách hàng đã kéo đến, cô phải ra tiếp họ.
Hoàng hôn buông dần, cửa ra vào của khách sạn trở nên náo nhiệt.
Khi Tomoko đứng dậy để đi ra thì mẹ cô gục nằm trên chiếu, hai tay giơ ra phía trước như muốn níu kéo con gái lại. Dáng điệu đầy kịch tính đó làm cho Tomoko thêm khó chịu, nhưng nó cố giữ bình tĩnh và nói với mẹ, giọng khinh bỉ:
– Con đồng ý, mẹ có thể ở lại đây!
Sự có mặt của Ikuyo càng ngày càng làm cho Tomoko thêm khó chịu. Nhà lại không được rộng rãi như hồi trước, cho nên cô khó có thể sống biệt lập đối với mẹ dưới cùng mái nhà. Sáng và chiều cô buộc phải cứ thường xuyên giáp mặt với bà, tình hình này đã nhanh chóng làm cô hết chịu nổi.
Ngày nào cô cũng ra đi để thực hiện những cuộc hành hương. Nhưng mục đích của những chuyến đi này không chỉ để nguyện cầu sự bình yên cho người yêu cũ, mà còn là một dịp để cô được ra khỏi nhà và thảnh thơi đi trên các đường phố. Cứ ở nhà mãi rồi sẽ có lúc cô không giữ được bình tĩnh, và sự hiện diện của Ikuyo sẽ trở thành một cực hình đối với cô.
Một tháng sau, vào thời kỳ hoa tử đinh hương thơm ngát vườn cây, Tomoko vừa đi lễ chùa về thì chị người ở chạy đến báo cho cô là từ sáng sớm có bốn, năm lần điện thoại gọi từ sở giải ngũ.
Tomoko biến sắc mặt và chạy đến bên điện thoại.
– Alô, cho tôi nói chuyện với ông Murata ở bộ phận điều tra tư pháp.
Giọng trầm của Murata vang lên trong ống nghe?
– A, cô Sunaga, danh sách những người đến thăm đại tá Ezaki khuyết một người. Cô cấp tốc đến ngay. Chậm tý nữa là cô ở lại đấy. Tôi đợi cô trong vòng nửa giờ. Nhanh lên!
– Vâng, tôi đi ngay.
Cô không còn thì giờ để thay kimono, xỏ vội đôi giày vải là cô chạy nhanh ra ga Yurakuchô.
Khi đến trước sở giải ngũ, cô trông thấy một chiếc xe cam nhông đỗ ở đấy khoảng hai mươi người ngồi trong. Murata luôn nhìn đồng hồ, và thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy cô:
– A, cô lên xe nhanh cho. Chúng ta đi thôi!
Xe lăn bánh ngay và phóng nhanh trên đường đá gồ ghề. Thần kinh căng thẳng bị sốc mạnh, các hành khách không trò chuyện gì. Rất yên lặng, một sự yên lặng rùng rợn ngoại trừ tiếng la hét của bọn trẻ mỗi khi xe đi qua những ổ gà to.
Những đứa bé... có lẽ con cái của Ezaki cũng có mặt ở đây. Cô cố nhìn mặt chúng xem có cháu nào giống Ezaki không, nhưng vô vọng. Cô lại để ý quan sát ba người đàn bà trên ba mươi tuổi để xem ai có thể là vợ Ezaki. Rồi cô lại chăm chú nhìn những người đàn ông trạc sáu mươi tuổi có dáng dấp của một cựu chiến binh. Nhưng có gần mười người thì làm sao mà tìm được cha của Ezaki?
Cô sẽ chào ông ta như thế nào đây? Liệu ông ta có ngăn cản không cho cô gặp con ông không? Nghĩ đến đây, Tomoko cảm thấy ớn lạnh. Và cô sẽ nói gì với vợ của Ezaki? Và khi các con của anh ngơ ngác nhìn cô thì liệu cô có còn đủ bình tĩnh để mỉm cười với chúng không? Trong sáu tháng vừa qua cô nghĩ nhiều về Ezaki, nhưng không một lần nào cô nghĩ đến vợ con anh.
Trung tâm giam giữ những tội nhân do lính Mỹ gác. Xe cam nhông vừa đỗ trước cổng liền bị các binh sĩ Mỹ bận quân phục chiến đấu đến vây quanh.
Trong số ba người phụ nữ đi cùng Tomoko thì có hai người mặc quần bông nông dân, còn người thứ ba thì mặc kimono. Tất cả các hành khách đi hàng một theo sau Murata. Người lớn mặt đờ đẫn, lặng lẽ bước đi, có lẽ vì quá căng thẳng, còn bọn trẻ, sốt ruột muốn gặp được cha bắt đầu chuyện trò, bàn tay nắm chặt lấy tay mẹ. Tomoko bất chợt nghe chúng nói với nhau:
– Anh ơi, có phải là chúng ta không được nói là ông nội đã chết rồi?
– Không, nhất là em, đừng có nói như vậy đấy.
– Nhưng nói thì có sao? Bây giờ thì ông nội đã được chôn cất rồi.
– Ngốc quá. Nếu người ta đã nói với em như vậy thì em đừng có nói, thế thôi.
– Mẹ ơi, sao lại không được nói như vậy?
Tomoko nín thở và ngẩng đầu lên. Có ba đứa bé, và mẹ chúng là người đàn bà mặc kimono bằng vải sồi màu nâu, loại tốt, với hoa văn lỗi thời.
– Vì không được làm cha buồn phiền.
– Đúng rồi, chúng ta sẽ nói với cha là tháng này ông nội không đến được vì nội hơi bị bệnh.
– Để mẹ nói với cha điều đó, còn các con, các con sẽ nói như thường lệ về việc học tập của mình ở trường, và những chuyện đại loại như vậy.
– Đồng ý với mẹ đấy. Út cưng rõ rồi chứ.
Đứa con cả có vẻ thông minh. Nó có những nét giống cha, đôi mắt đẹp và sáng như đôi mắt của Ezaki.
Tomoko lòng quặn đau, tự hỏi là mình phải làm gì đây. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng thiếu một suất trong danh sách người nhà của Ezaki là do cái chết của cha anh. Vợ của Ezaki trông trẻ hơn và to lớn hơn Tomoko, và trông xinh đẹp hơn cô nhiều. Khuôn mặt hình trái xoan và đài các khiến Tomoko cảm thấy mình kém xa người phụ nữ đó.
Cô đã nghĩ đến chuyện bỏ ra về. Tim cô nhức nhối đến khó thở. Đi xen lẫn vào bốn người đó chỉ để được nhìn thấy Ezaki, thật là kỳ quặc, cô lẩm bẩm và lưỡng lự giữa ở lại và bỏ đi.
Nhưng giọng nói của Murata đột ngột vang lên trong phòng đợi khiến cô không kịp sắp xếp lại cho mạch lạc những suy nghĩ của mình:
– Gia đình đại tá Ezaki!
Vợ con của Ezaki đứng dậy ngay. Tomoko ngập ngừng đe theo họ. Bà vợ của Ezaki không một lần ngoảnh đầu lại, nhưng thằng út đã có lúc ngước cặp mắt đẹp, thơ ngây và ngạc nhiên nhìn Tomoko. Cô định dừng lại, nhưng rồi vẫn tiếp tục bước theo họ.
– Ba! Thằng út kêu to.
– A, cảm ơn em và các con đã đến. Chắc là khủng khiếp lắm khi tháng nào cũng bị lắc lư trong toa tàu nhỉ! Anh chắc là em và các con không có chỗ ngồi suốt cả dọc đường.
Fumitake không thay đổi gì trong hai mươi năm qua:
vẫn khuôn mặt đầy đặn, cái cằm cạo nhẵn, làn da hơi rám nắng và không đến nỗi gầy như cô nghĩ.
Anh trò chuyện với các con một cách thân mật, rồi nhận ra sự hiện diện của Tomoko và thoáng ngạc nhiên, tựa như anh đang tự hỏi mình người đó là ai vậy, rồi anh quay sang phía vợ:
– Thế bố đâu?
Như vậy là anh đã cùng một lúc biết về sự vắng mặt của cha mình và người phục nữ thế chỗ cha là ai, nhưng vợ anh, cho đến bây giờ vẫn không hay biết gì về sự có mặt của Tomoko, trả lời lúng túng:
– Cha hơi mệt, hôm nay muốn nghỉ ngơi cho lại sức.
Ezaki nhíu lông mày và gặng hỏi:
– Cha ốm ư?
– Đâu có, đi tàu đến tận Tôkyô đã khiến cha hơi mệt thôi, nhất là cha lại vừa mới khỏi cúm. Cha gửi lời thăm anh. Còn anh, anh có được mạnh khỏe không?
– Ồ, cũng tàm tạm. Hình như ở ngoài vẫn thực hiện chế độ cung cấp lương thực thực phẩm theo tem phiếu? Ở đây thì toàn là đồ nhập, ăn tốt lắm. Thỉnh thoảng anh lại nảy ra ý muốn chia sẻ với các con những thứ này!
Trong lúc trò chuyện với các con, Ezaki lại đưa mắt nhìn về phía Tomoko, mỗi lúc thêm một lo lắng, rồi đưa mắt nhìn vợ như muốn hỏi điều gì. Và khi vợ anh ngoái cổ ra sau thì Tomoko liền cúi đầu chào anh ở phía bên kia lưới sắt.
– Chào anh, đã lâu lắm rồi chúng ta chưa gặp lại nhau.
Ezaki chăm chú nhìn Tomoko, nhưng có vẻ như là không nhận ra được cô.
Điều này cũng chẳng có gì là lạ vì cô đã thay đổi nhiều so với thời cô còn trẻ và thanh lịch.
Tomoko nhắc lại mà trái tim rộn ràng như lúc bình minh của mối tình đầu:
– Nhà Hanaya ở Tsukiji, anh còn nhớ nữa không? Em là Tomoko đây mà...
Lòng cô quặn đau khi nói lên những lời ấy, và cô không thể nào nói tiếp được, đành đứng nhìn anh đắm đuối và vô vọng. A! anh lắp bắp vừa như nhận ra cô và trợn tròn hai mắt, ngơ ngác.
Vừa lúc ấy có tiếng xích sắt lanh canh. Một bàn tay đầy lông màu râu ngô vỗ mạnh lên vai Ezaki và cho anh biết là mười phút thăm viếng đã hết.
Ezaki cảm động đưa mắt nhìn vợ con và nói vội trước khi đi khuất:
– Em hãy giữ gìn sức khỏe. Các con ngoan và học tốt nhé.
Vợ và con anh lặng lẽ ra về. Thằng Út nói với anh nó:
– Anh thấy không, em chẳng nói gì đến nội cả.
– Đúng, ba không hay biết gì hết.
Nghe chúng nói với nhau, Tomoko sững sờ đứng lặng. Vẻ mặt ngạc nhiên với đôi mắt mở to của Ezaki tựa như đã in đậm trong trái tim nhức nhối và tê buốt của cô. Người đàn ông đã chia tay với cô cách hai mươi năm nay lại nhìn thấy cô bên cạnh vợ mình khiến anh sửng sốt là phải. Tomoko lại càng cảm thấy chua xót là anh đã không nói với cô lấy một lời.
– Xin lỗi bà, hồi nãy tôi đã thất lễ với bà, tôi là vợ của đại tá Ezaki.
Người phụ nữ mặc kimono vải sồi đến gần Tomoko và lễ phép cúi đầu chào.
Tomoko đã trở lại bình tĩnh.
– Chính tôi mới xử sự thiếu tế nhị, đã sơ ý không đến chào bà, mong bà thứ lỗi cho. Tôi là chủ khách sạn Tsukiji. Hồi trước chiến tranh, chúng tôi đã có vinh dự được ông nhà thường xuyên đến với tư cách là khách hàng. Vừa qua, tình cờ tôi được biết ông bị cầm tù ở Sugano, tôi muốn biếu ông ấy một ít thực phẩm của nhà hàng, nhưng cuối cùng rồi không được phép. Ông Murata có gọi điện đề nghị tôi đến thay chỗ của một người trong gia đình bà, và thế là tôi vội vã đến đây. Tôi thực sự xin lỗi bà về sự đường đột của tôi...
Bản thân Tomoko cũng không hiểu tại sao lúc này cô lại ăn nói lưu loát đến như vậy. Và trong lúc cô đang thao thao bất tuyệt về những chuyện chẳng đâu vào đâu, vô vị và hời hợt thì bà Ezaki đã đột ngột ngắt lời cô một cách thô bạo:
– Cha chồng tôi đã qua đời.
– Tôi cũng đoán ra như vậy qua chuyện trò của các cháu. Tôi xin có lời chia buồn với gia quyến. Nhân tiện đây tôi muốn mời bà và các cháu quá bộ đến nhà hàng chúng tôi nghỉ ngơi trong khi chờ tàu. Tôi sẽ rất vui mừng nếu được tặng quà các cháu những gì chúng muốn.
– Chúng tôi sẽ đi ngay chuyến tàu đêm.
Giọng bà không lạnh lùng cũng không hình thức, nhưng Tomoko cảm thấy là mình không nên tiếp tục nói năng một cách thân mật như vậy nữa.
Cuộc thăm viếng trong ngày đã kết thúc sau chưa đầy một tiếng đồng hồ.
Các gia đình lại lên xe để đi Ichigaza. Trên đường về, không ai trò chuyện, kể cả lũ trẻ, tựa như chúng đang mải mê nghĩ lại những gì chúng vừa được chứng kiến.
Khi xe đỗ trước sở giải ngũ, mọi người vội vã tản mác.
– Tôi xin cảm ơn... Tomoko nói và cúi đầu chào nhiều lần để nói lên lòng biết ơn của mình đối với ông Murata.
– Vừa rồi cô có nói được gì với ông ấy không?
– Có.
– Tốt lắm, Murata nói ngắn gọn.
Tomoko đảo mắt nhìn xung quanh, nhưng bà Ezaki cùng các con đã biến đâu mất. Cô chạy vội ra ga Ichigaya và chẳng mấy chốc đã đuổi kịp họ.
– Bà, bà!
Vợ Ezaki nắm tay thằng Út từ từ quay đầu lại khi nghe tiếng ai gọi mình, và nói khi nhận ra Tomoko:
– Cảm ơn bà đã quan tâm đến chúng tôi.
Bà lễ phép cúi đầu rồi quay gót tiếp tục đi.
Tomoko đứng sững tại chỗ. Chắc chắn là bà ta đã đoán ra lai lịch và quan hệ của cô với Ezaki. Nét mặt tao nhã, phong thái quý tộc, mọi thứ ở bà ta đều làm Tomoko khó chịu. Bà đã lịch thiệp xua đuổi người tình cũ của chồng để tránh bị xúc phạm. Tomoko hối tiếc. Cô có linh tính là mình bị đuổi khéo, vậy thì cớ sao ta lại cứ chạy theo bà? Fumitake không nhận ra được cô ngay, và khi nhận ra rồi thì mặt anh thoáng có chút ngạc nhiên. Chỉ có thế thôi. Tomoko chạnh lòng và hối tiếc đã chạy theo vợ anh.
Cô bị choáng mạnh. Tim cô đau nhói. Bụng dưới của cô vốn dĩ thường đau râm ran, nay bỗng đau quặn, kèm theo ói mửa. Cô tự hỏi đây có phải là những triệu chứng có mang không, nhưng rồi cô tự trách mình là đã quá ngốc nghếch:
nghĩ đến chuyện có mang ở tuổi cô bây giờ, lại không có quan hệ tình dục với đàn ông? Và cô tiếp tục rảo bước.
Khi cô về đến Hananoya, cơn đau đớn khó chịu đã gia tăng tột độ. Tim đập mạnh, bụng dưới đau ghê gớm. Cô mệt lả chưa từng thấy. Cô không còn sức để trả lời chị người ở vừa chạy đến. Cô kéo lê đôi chân về phòng mình và gặp Ikuyo vừa ở nhà bếp ra, vẻ hồ hởi.
– A, con đã về! Mày biết không, Hachirô vừa mới đến! Bà kiêu hãnh báo tin với giọng vui vẻ của một bé gái.
Hachirô ngồi trong phòng, lưng cúi gập, tiều tụy, tựa như toàn bộ sức lực sống của ông đã bị Ikuyo hút hết.
– Thưa cô, đã lâu lắm tôi không được gặp lại cô! Tôi vui mừng thấy cô làm ăn rất phát đạt. Cảm ơn cô đã có nhã ý mời chúng tôi...
– Ông cứ yên tâm, Hachirô, Ikuyo nhanh nhẩu tiếp lời ông. Ông rồi cũng sẽ được ở lại đây, phải thế không Tomoko? Ở đây thì tốt hơn, ngàn lần tốt hơn là cứ sống leo lắt ở cái tiệm đồng hồ.
Nghe mẹ nói như vậy, cố nén cơn đau thắt bụng, Tomoko quát lên:
– Ông bà ra khỏi đây ngay! Trở về Osaka ngay lập tức! Có ai trên thế gian này dám cưu mang ông bà? Đi đi! Đi ngay đi! Cô thét lên, điên cuồng, giận dữ, rồi bất thình lình đổ sụp trên chiếu, quặn đau.
– Trời ơi, nó trắng bệch ra kìa!
– Đi gọi bác sĩ ngay!
Hai ông bà nhìn nhau, hoảng sợ, và phỏng đoán là cô bị bệnh.
Nhưng Tomoko biết quá rõ là mình không ngã bệnh. Những chất bày tiết ra pha lẫn máu cuồn cuộn chảy giữa hai đùi cô. Bản chất nữ tính đang mất đi của cô bùng lên qua những cơn co giật cuối cùng. Toàn bộ máu và các chất trong cơ thể cô có lúc tưởng chừng như đã đông lại chung quanh lồng ngực, và giờ đây đã chảy từ dạ con đến bụng dưới của cô. Tomoko cảm thấy vừa đau đớn vừa vui mừng tột độ. Bác sĩ vừa được mời đến đã chẩn đoán đây là những rối loạn của thời kỳ mãn kinh, và cô biết rằng đối với những phụ nữ vô sinh thì những rối loạn như vậy thường đến sớm hơn.
Hãy đánh tôi đi, đánh nữa đi! Đánh mạnh vào, mạnh hơn nữa vào! Vừa đau quặn, Tomoko ý được rằng chính người đàn bà trong cô đã lên cơn điên đó, và tại sao cô lại vùng vẫy như thế.