ên ngoài thành Giang Ninh chừng ba bốn mươi dặm có 1 bến đò tên gọi Thuận Phong. Từ sau khi bến đò lớn của thành Giang Ninh bị quân đội trưng dụng thì Thuận Phong cổ độ vốn vắng vẻ hoang liêu này phục hồi lại sinh cơ ngày trước, hành khách qua lại, thuyền bè lui tới, chỉ một vài năm mà đã nhiệt náo vô cùng. Ngoài bến đò có một tòa miếu cổ xưa cùng thời kỳ với cổ độ. Miếu không lớn nhưng cũng khá huy hoàng, khách qua đường đi ngang thảy đều ghé vào thắp một nén nhang, cầu cho đi đường thuận lợi, vì vậy mấy năm nay xung quanh miếu cũng trở nên náo nhiệt. Tòa miếu này vốn là Nguyệt Lão từ, xung quanh hàng quán bán nhang đèn, tượng Phật, dầu đốt, tiền đồng... ngay cả các thứ đồ chơi giả cổ, thức ăn cũng đều có đủ, người người qua lại không ngớt, phồn thịnh vô cùng. Thế nhưng cảnh nhiệt náo này lại được kiến lập trên vùng đất hoang lương, trong vòng 10 dặm xung quanh đều vì nạn binh lửa mà đìu hiu vắng vẻ. Vùng đất Giang Nam thời kỳ này thỉnh thoảng vẫn có những khu như thế, cứ như trong bức tranh thủy mặc vẫn có một một hai chỗ huy hoàng rực rỡ, người người qua lại, chừng như nước nhà hưng thịnh, giấc mộng phồn hoa ngày trước vẫn còn quanh quẩn. Kẻ thống trị cũng vì vậy mà yến tiệc vui cười, giống như họ đã an bang định quốc. Nhưng lầu vàng gác tía chỉ là lầu vàng gác tía riêng của họ, màu sắc ảm đạm là của chung dân chúng. Vùng đất bồi nơi bến đò này nếu như có ai nhàn nhã tả lại thì có thể sẽ có một vẻ đẹp đặc biệt hiếm có, chỉ là khi này, sợ rằng chẳng có ai cần đến vẻ đẹp ngàn năm đó. Hôm nay là ngày 8 tháng 11, tương truyền là sinh nhật của Nguyệt lão, vì thế nơi Thuận Phong miếu người người tụ tập vô cùng đông đúc. ................ Lúc này ở gian thờ bên trong miếu, một nữ tử hai tay chắp thành chữ thập, thành kính quỳ trước tượng Nguyệt lão. Gian thờ này xây dựng đã lâu, cột trụ đều mục nát, cho nên trước giờ đều không cho khách hành hương tiến vào. Trong gian thờ, màn trướng che phủ cũng do khói hương nhiều năm đọng lại khiến cho màu sắc rực rỡ ban đầu cũng không còn, càng lộ thêm vẻ âm u lạnh lẽo. Đây vốn cũng là chuyện thông thường đối với những tòa Phật điện nhưng nữ tử đang yên lặng quỳ trên bồ đoàn gương mặt càng lúc càng trở nên thanh tĩnh. Gạch cũ xà xưa, đèn mờ Phật tối trái lại càng hiển lộ vẻ từ hòa sáng láng của nàng. Nữ tử này tuổi chừng 27, 28, thân hình thon thả, trang sức đơn giản, áo khoác vải bố màu lam, quần lụa màu vàng nhạt. Những màu sắc nhợt nhạt này vốn không nên mặc cùng nhau nhưng nàng vận lên người lại có một vẻ thanh nhã khác biệt. Hai màu sắc này như khẽ xung đột với gian thờ âm u, giống như đá lửa chạm nhau, lộ ra vẻ trang nhã thanh tịnh khó bề diễn tả. Nàng mi mắt như khói nước, trên đầu chỉ cài một cây trâm ngọc, hạt ngọc dưới ánh nến chiếu ra ánh sáng hiu hắt lành lạnh. Một lúc sau nàng mới cầm lấy nén hương trong tay bé gái bên cạnh cắm lên án, miệng lẩm bẩm mấy câu tụng niệm, sau đó đứng dậy chỉnh đốn y phục, nhẹ vái tượng Nguyệt lão 1 cái rồi bước theo bé gái kia đi vào một gian trắc thất phía sau Phật đường. Gian trắc thất này trần thiết đơn giản sạch sẽ, một thanh niên tuổi chừng 24, 25 đang chờ bên trong. Người này vai rộng lưng dày, dáng vẻ hiên ngang vững chãi. Nữ tử cất tiếng chào:"Tiểu Xá nhi!" Người trẻ tuổi này họ Mễ tên Nghiễm, tiểu danh là Tiểu Xá nhi, trong Viên môn thì y và nữ tử này giao tình sâu đậm, chẳng khác gì chị em. Dung mạo y tuy bình phàm nhưng y lại chính là Vũ Mã trong Thất Mã thanh danh hiển hách chốn giang hồ. Thiết vũ phi hồ phiêu long báo, vô nhân khống bí dĩ nan cao khôi! Y cười nói với nữ tử:"Như tỷ đã cầu nguyện xong chưa?" Nữ tử gật đầu, nàng chính là Tiêu Như, thuộc Tiêu tính trong Giang thuyền cửu tính. Họ Tiêu trong Giang thuyền cửu tính vốn xuất thân từ vương thất Tiêu Lương thời Nam triều, cũng là dòng dõi đế thất. Hai câu thơ "Tông Thất Song Kỳ danh sĩ thảo, Giang Thuyền Cửu Tính mỹ nhân ma" chính là đề cập đến những nhân vật tuy sống tại giang hồ nhưng xuất thân từ hoàng thất tiền triều. Tông Thất Song Kỳ Triệu Vô Lượng, Triệu Vô Cực vốn là tử đệ tông thất không cần phải nói, còn Cửu Tính chia ra là Lưu, Trần, Tiêu, Lý, Thạch, Sài, Vương, Tạ, Tiễn, thảy đều là hậu duệ của đế thất thời kỳ Thập ngũ quốc. Nếu như muốn kể rõ lai lịch của họ thì cũng khá dài dòng, đại để là Nam Tề, Nam Lương, Nam Tống, Nam Trần vào thời Nam triều và các nhà Hậu Hán, Nam Hán, Bắc Hán, Hậu Đường, Nam Đường, Hậu Tấn, Hậu Chu, Mân, Tiền Thục, Hậu Thục và Ngô Việt, vì các họ trùng nhau nên cộng lại tất cả gồm có 9 họ, đều là hậu duệ đế vương tông thất. Tiêu Như cất tiếng:"Ngươi sao lại đến ngôi miếu này?" Mễ Nghiễm đáp:"Gần đây nguy cấp, Thất Mã bọn đệ trong giang hồ liên tục bị địch nhân phục kích, đệ tuy ở dưới trướng Lưu Kỳ nhưng cục thế hiểm ác, có lẽ đã có vài huynh đệ trong Thất Mã bị bại lộ thân phận. Người chủ trì miếu này thân phận là thúc tổ của đệ, cho nên đệ tạm thời ẩn thân ở đây. Như tỷ lúc trước dã từng tới đây ư?" Tiêu Như cười nói:"Ta và Viên lão đại các ngươi năm xưa đã từng gặp nhau nơi đây." Mễ Nghiễm hơi ngạc nhiên, y biết Tiêu Như là nữ nhân mà Viên đại ca quan tâm nhất nhưng không ngờ họ lại gặp nhau ở Nguyệt Lão từ này. ................. Thì ra vị kỳ nữ nổi danh Kim Lăng này còn có một thân phận khác! Nàng chính là nữ nhân của Viên lão đại. Còn Mễ Nghiễm tôn kính nàng không chỉ vì nàng là hồng phấn tri kỷ duy nhất ở Giang Nam của Viên lão đại mà chính là vì bản thân nàng. Chẳng cần nói đâu xa, chỉ với tâm pháp Thập Sa Đê Tiêu Như khổ luyện cũng đủ để tranh ngắn dài với bất kỳ cường giả nhất đẳng nào trong chốn giang hồ. Mễ Nghiễm xưa nay vô cùng kính trọng đại ca, tự nhiên cũng coi Tiêu Như như tẩu tẩu. Lại nghe Tiêu Như thở dài nói:"Nói vậy, người của Văn gia không chịu nhẫn nhịn, quyết ý ra tay sao?" Mễ Nghiễm gương mặt lộ vẻ phẫn hận:"Không sai, nghe nói Tất Kết còn lập ra Giang Nam Phong Hội gì đó, những người tham gia đều là danh môn cựu tộc có danh tiếng khắp nam bắc dải Trường Giang, còn có cả bọn giặc cướp lưu lãng trên sông hồ biển cả. Bọn chúng năm xưa bị đại ca áp chế, nào ngờ hiện nay lại cấu kết với nhau làm loạn. Đệ nghe nói Thạch lão lục tháng trước trúng phục kích ở Bạch Lộ châu chính là do Huy Châu Mạc gia Mạc Dư xuất thủ, nếu như không phải được Cảnh Thương Hoài bất ngờ giúp đỡ thì sợ là đã chết. Như tỷ cũng biết, Viên đại ca mấy năm nay đắc tội với nhiều người, giờ đây chúng được cơ hội thì lớp lớp đều cùng nhau bày mưu tính kế, trong triều ngoài nội e là không ít người xem đại ca như cái gai trong mắt. Song Xa bị Tần tướng ngầm tính kế, hãm thân vào loạn cục Mân Nam không thể quay về chi viện. Thất Mã bọn đệ thì lúc nào cũng bị bọn liên minh bên ngoài của Văn phủ rình rập hòng giết sạch Viên môn Thất Mã, đệ không thể nào không cẩn thận. Về mặt quan trường thì thủ hạ của đại ca trong Đề Kỵ bị Vạn Sĩ Tái dùng nhiều việc để quấn chân khó bề hành động. Hơn nữa Tam đại quỷ trên Long Hổ sơn năm xưa vì một lời đánh cược với đại ca đến tương trợ cũng bị Lạc Hàn đánh bị thương, tung tích còn chưa rõ. Ha ha, một thanh kiếm từ phía Tây này thực sự đã làm nhiễu loạn cục thế Giang Nam. Nghe nói Tông Thất Song Kỳ Triệu Vô Lượng, Triệu Vô Cực hai lão cũng đang muốn thừa cơ hành động. Giang hồ cũng đang đồn đại câu nói "Nhất kiếm Tây lai, tương hội nhất Viên, thu mạt đông chí, quyết chiến Giang Nam" gì đó. Lạc Hàn một mình một kiếm, rất ít tiếp xúc với người khác, vậy thì câu nói đó ở đâu ra? Chẳng phải là có người mưu tính, thừa nước đục mò cá, muốn làm biến đổi cục thế Giang Nam ư?" Y khẩu khí có chút giận dữ và phẫn hận. Viên môn không giống như những môn phái khác trên giang hồ chỉ quan tâm đến thực lực tăng giảm, bọn họ vốn là những người muốn làm việc lớn nhưng ở trong cục thế rối ren này thì muốn làm gì cũng vô cùng gian nan. Tiêu Như thở dài:"Thảo nào 3 tháng nay ta chưa được gặp Viên lão đại. Lúc này chắc y đang vô cùng đau đầu nhức óc, bệnh cũ tật mới đều phát tác cùng lúc thật khó mà chống đỡ. Mấy năm nay, y chỉnh đốn pháp kỷ, bức bách cường hào, đúng là đã đắc tội với không ít người. Văn gia vốn cũng chẳng dễ trêu vào, có họ tham gia lần này biến số càng thêm lớn. Lần này người chủ sự của Văn phủ là ai?" Mễ Nghiễm liếc nhanh về Tiêu Như:"Văn Hàn Lâm!" Tiêu Như ánh mắt chớp lên, khẽ gật đầu không nói gì. Sau đó nàng nhẹ phủi bụi trên bàn, bình tĩnh nói:"Thần Long huynh nói sao?" Mễ Nghiễm chỉnh sắc:"Viên đại ca nói hiện nay tình thế giống như một khối thuốc nổ đã được chôn sẵn, muốn dẹp sạch thì sợ là người giật dây sẽ phải chết trước, vì vậy huynh ấy không cần diệt trừ mà chỉ cần cắt đứt dây dẫn!" Đoạn điển cố Ám lôi thâm uyên này vốn xuất phát từ kinh Phật, Tiêu Như nghe xong, ngẩng đầu lên, cất giọng kinh ngạc hỏi:"Y muốn giết Lạc Hàn?" Mễ Nghiễm sắc mặt bừng bừng nói:"Không sai! Viên đại ca muốn giết Lạc Hàn! Hắn ta cướp tiêu ngân, đuổi Tam quỷ, làm nhục Viên môn, giờ đây giang hồ biến động đều do hắn kích khởi. Muốn nồi canh khỏi trào thì không cách nào bằng rút củi đáy nồi! Viên lão đại nói canh dù có nóng đến đâu cũng không thể dập tắt cả lò, tốt nhất vẫn nên để lại một chút lửa. Hiện tại huynh ấy chỉ có thể rút thanh củi quan trọng nhất ra khỏi lò mà thôi!" Tiêu Như mím chặt môi, im lặng một lúc mới lên tiếng:"Cũng chỉ có thể làm vậy, cũng là cách trong khi không có cách, nhưng làm sao mới có thể tìm được Lạc Hàn?" Mễ Nghiễm lắc đầu:"Không có cách nào!" Tiêu Như nhướng mày, Mễ Nghiễm nói tiếp:"Chúng ta đã huy động tất cả nhân mã nhưng hắn giống như đã biến mất, chẳng cách nào tìm thấy. Bọn đệ chỉ biết hắn vẫn còn ở Giang Nam chưa về Tái ngoại nhưng không cách nào tìm ra. Vì vậy lần này Viên lão đại mới đem quân chặn sông, thế bức Hoài thượng, ép hắn phải xuất hiện. Dịch Bôi Tửu hiện giờ ở Hoài thượng đang phải chống đỡ với Kim Trương môn, không thể nào địch nổi Viên lão đại từng bước ép tới. Vốn Tô Bắc Dữu Bất Tín gần đây cũng đã gây náo loạn quá nhiều. Đệ biết nghĩa quân hắn ta thiếu hụt ngân lượng, nhưng hắn đã xưng hiệu là Nghĩa Đạo, cũng không thể nhúng tay vào dải đất Giang Nam. Một dải đất này đều là sản nghiệp của đại lão triều đình, lần trước sau khi hắn đánh cướp Dương Châu Trang Từ của Lưu thượng thư, người trong triều đã run sợ, phàn nàn oán trách. Như tỷ cũng biết Viên đại ca ở trong triều đình có thể chi trì thật ra là nhờ giúp đỡ cho bọn người hám lợi này một cục diện an ổn nhất định. Giờ đây huynh ấy cơ hồ đã trở mặt với Tần tướng, thật sự không thể đắc tội thêm nhiều người nữa! Còn Lạc Hàn kia là bằng hữu của Dịch Bôi Tửu, Dữu Bất Tín lại là chi trọng yếu nhất trong ba chi nghĩa quân được Dịch Bôi Tửu giúp đỡ. Bọn chúng ở Tô Bắc, hợp nhau ở Hoài Âm, kháng cự Kim binh vùng Sơn Đông. Viên lão đại bức ép Dữu Bất Tín một là để giáo huấn hắn ta, hai là bức Dịch Liễm chịu không nổi áp lực phải mượn sức Lạc Hàn xuất mã!" Y ngừng một lúc rồi nói tiếp:"Vì vậy, Viên đại ca gần đây đã tự mình bố trí, tam kích Tô Bắc, phá tan phân đà Lạc Thác minh ở Dương Châu, hủy thủy trại Bưu Hồ, lại còn sai đô úy Đề Kỵ Hồ Sâm Nam trú binh Thông Châu! Ba đòn này đả kích Dữu Bất Tín rất mạnh. Hắn ta tự xưng là Thiên hạ đệ nhất minh đạo, tự cho mình là đạo khả đạo phi thường đạo, minh khả minh phi thường minh, nhưng lần này cũng phải nếm quả đắng rồi!" Từ "minh đạo" Mễ Nghiễm nói chính là chữ thêu trên đại kỳ của Dữu Bất Tín sau khi dựng cờ khởi nghĩa! Dữu Bất Tín xuất thân từ giang hồ tạp phái nhưng cực kỳ tự phụ, một thân nghệ nghiệp hơn hẳn bọn cao thủ giang hồ tầm thường. Khi Tống Kim đang giằng co với nhau, y từng gia nhập vào nghĩa quân Ngũ Mã sơn, gào mây thét gió uy phong một thời, lại vì tính khí nóng nảy, hành sự hấp tấp nên dùng câu nói này để biểu lộ lòng hăm hở của mình. Y tự nhận là đạo tặc, nhưng lại không phải đạo tặc bình thường, tự cho mình là minh, nhưng chẳng phải là minh bình thường, có thể nói là vì phẫn hận với thói hèn yếu của Giang Nam nên mới tự xưng là Minh Đạo (*). Lạc Thác minh thưởng phạt rõ ràng, thực sự đủ sức đảm đương ngoại hiệu này. Y hành sự khác hẳn với bọn đạo tặc khác, thường gởi thiếp báo trước số tiền cần lấy rồi mới dẫn người tới ra tay cướp đoạt. Y kể ra cũng là một trang hán tử, làm việc tuy khác hẳn thói thường nhưng có thể mưu tính bình an, bảo vệ lê dân, lại có thể cướp giàu giúp nghèo, tự túc tự cấp. Trong ba chi nghĩa quân được Dịch Bôi Tửu chi viện thì y là chi nghĩa quân nhu cầu ít nhất. Nhưng việc gì cũng có hai mặt, y làm vậy cũng đắc tội với nhiều người nhất, thanh danh cũng bị hủy hơn nửa trong miệng người đời. Tiêu Như mặt lộ vẻ suy tư, lúc này chợt bên ngoài vang lên tiếng ca văng vẳng, thanh âm trong trẻo non nớt nhưng lại rất xúc động và dễ nghe. Gian thờ này nằm trong miếu tuy không sâu nhưng tường viện cách trở, tiếng ca đó chỉ nghe văng vẳng không rõ, Tiêu Như vốn thích âm nhạc, bất giác ngưng thần lắng nghe, một lúc sau mới nghe ra tiếng ca truyền từ khoảng không trước miếu vọng tới. ........... Mùa đông Giang Nam giống như một nữ tử hơn 30 tuổi tẩy sạch phấn son lộ ra bộ mặt thật. Những tiếng rao hàng lảnh lót, những đường vân của đá tảng lót đường, gợn sóng mặt hồ đều là nếp hằn năm tháng trên bộ mặt Giang Nam, tuy không quá xinh đẹp nhưng lại thêm chân thật, càng thêm vẻ phong vận. Nếu như một quốc gia, một dân tộc đều đi theo quá trình từ thịnh đến suy thì lúc này vương triều Tống thất và thần dân của nó cũng giống như một nữ nhân quá lứa lỡ thì đầy mệt mỏi. Dù nàng ta có hiểu được đời người chỉ là giấc mộng trống rỗng, nhưng đến lúc phải diễn trò thì vẫn phải cố điểm trang diễn trò trên sân khấu đời, chỉ là sau khi tẩy trang thì vẫn lộ ra thần thái mệt mỏi chán chường. Suy bại cũng là một loại mỹ cảm, bách tính cũng yêu thích loại mỹ cảm này, yêu thích vẻ mệt mỏi còn chút hơi ấm sót lại sau khi kinh qua đường đời trắc trở này. Đây là cũng tâm thái trầm mê của mọi người vào thời đại này, Giang Ninh cũng thế, Thuận Phong cổ độ cũng vậy, con người vô ý thức đắm chìm vào mỹ cảm suy đồi. Khoảng trống trước miếu vừa rồi còn vắng vẻ giờ đã có không ít người tụ tập ở đó nhưng ba người mãi nghệ đứng dưới gốc cây dâu lớn khô cằn phía Đông là đặc biệt nhất. Họ gồm một ông lão mù ôm hồ cầm, một cô nương khoảng 15, 16 tuổi và một hán tử tráng niên hơn 30 tuổi. Hán tử khi mở đầu thì múa một bộ Phục Hổ quyền cực kỳ uy mãnh để thu hút khách, sau đó hắn ta lại ngồi trên một cái ghế dài mượn từ quán rượu cạnh đó nghỉ ngơi, còn ông lão bắt đầu kể chuyện, câu chuyện ông ta kể khá hay, nhóm người vây quanh nghe tấm tắc khen. Kể xong, ông ho nhẹ vài tiếng, cô cháu gái của ông bắt đầu biểu diễn. Cô ta chính là Tiểu Anh tử từng xuất hiện ở Khốn Mã tập. Chỉ mới hai tháng ngắn ngủi nhưng cô đã thêm phần thành thục, thân hình cũng nẩy nở nhiều hơn dưới lớp áo bông. Cô chải lại mái tóc, còn gia gia cô cười nói với mọi người:"Chư vị, hiện tại để cháu gái ta hát một khúc trợ hứng cho mọi người!" Nói đoạn, ông ôm đàn so dây gảy thử hai tiếng, rồi lại hắng giọng nói:"Khúc hát này cũng bình thường, nửa tháng gần đây bọn ta đi đường đều hát, cũng được vài lời khen thưởng, khen thưởng chẳng phải vì giọng hát của cháu gái ta mà là vì khúc từ này là của một vị danh thủ sáng tác, nghe ra rất có ý tứ!" Ông nói xong, quay đầu bảo cô gái:"Anh tử, cháu hát đi!" Cô gái vuốt tóc mai, chờ tiếng hồ cầm vang lên thành điệu mới bắt đầu cất giọng hát. Khúc hát là một khúc từ ngắn theo điệu Nam Hương tử. Mọi người nghe ông lão nhấn mạnh đến khúc từ này, lại thêm trong đó không ít người đọc qua sách vở đều nhịn không được cố tâm lắng nghe thử. Nên biết thời nhà Tống, trên từ quan, dưới đến dân, ai ai cũng yêu từ khúc, lúc này họ chăm chú lắng nghe cũng không lạ gì. Tiếng hát của cô gái cũng vang lên trong trẻo. Tửu bãi dĩ khuynh đồi, Thu thủy trường thiên chiết dực phi. Mạc đạo phong ba tê vị ổn, Đình bôi, Vân khởi giang hồ nhất nhạn khiếu... (**) ................. Giọng hát của cô vốn hay, lại thêm cô gởi gắm tâm sự lòng mình vào trong đó, khiến bài hát càng thêm truyền cảm. Tửu bãi dĩ khuynh đồi... Cô chợt nhớ tới hình bóng người thiếu niên say ngủ gục trên bàn. Áo đen má sẫm, dáng vóc mệt mỏi mà sắc bén đều là những gì cô cả đời này không quên được. Thu thủy trường thiên chiết dực phi... Nếu như lúc trước thì cô sẽ không hiểu "thu thủy trường thiên" cảnh đẹp như thế mà khúc từ lại tả "chiết dực nhi phi" (***). Nhưng hiện tại thì cô đã hiểu rõ, trên dải giang sơn thanh tú này còn có con người, còn có đau khổ dằn vặt, cho dù tâm tình có tốt đến đâu thì con người cũng chỉ "chiết dực nhi phi" mà thôi. Mạc đạo phong ba tê vị ổn... Cho dù phong ba có ổn thì người sẽ ra sao sau khi "chiết dực"? Chỉ có thể ngừng chén thôi sao? Ở giữa cõi đời mệt mỏi này, liệu có được mấy lần ngừng chén? Ngừng chén nhìn ra, cái nhìn ấy chứa biết mấy chờ mong? Vân khởi giang hồ nhất nhạn khiếu.... Chờ đến lúc này chăng? Người sáng tác bài từ này xem ra không phải người có kinh nghiệm, khúc từ rõ ràng còn có đôi chỗ bình trắc chưa hài hòa nhưng nhờ vậy mà càng tăng ý vị chua chát. Vài người đứng xem cũng vỗ tay hòa theo khen hay. Hán tử múa quyền ngồi trên ghế cũng hơi ngước mắt nhìn lên. Giữa tiết trời đông nhưng hắn vẫn đội cái nón tơi lớn che khuất cả mặt mày, không biết có phải là thói quen hay không. Hán tử vừa nghe hát vừa nhẹ gõ nhịp ngón tay xuống ghế, xem ra hắn cũng không phải là người giang hồ mãi nghệ bình thường. ................ Tiêu Như ở bên trong nghe được tiếng ca văng vẳng, khúc hát vừa dứt nàng cất tiếng khen:"Hay cho Vân khởi giang hồ nhất nhạn khiếu!" Nói xong, nàng như có vẻ buồn bã, hững hờ thốt:"Xem ra người ở Hoài thượng đã bị Viên lão đại ép đến đứng ngồi không yên rồi" Mễ Nghiễm mặt lộ vẻ kinh ngạc, lại nghe Tiêu Như nói tiếp:"Lần này ta đến, vốn có một nửa nguyên nhân là nghe nói khúc ca này lại được người hát khắp nơi." Mễ Nghiễm càng thêm kinh ngạc, Tiêu Như tự cho mình là danh sĩ, lại có phong độ của đại gia vọng tộc, xưa nay rất ít khi ra khỏi Kim Lăng, tuy rất quan tâm từ khúc nhưng vì sao lại... Mễ Nghiễm trong lòng không khỏi nghĩ tới lời nàng nói còn có ẩn tình khác. Chợt Tiêu Như cười nói với nữ hài đứng bên:"Thủy Hạnh, khúc từ này có lẽ liên quan không ít đến thiếu niên ngày đó cứu ngươi ở giữa sông phải không?" Thủy Hạnh ngạc nhiên lắc đầu, không biết là đang nghĩ gì, Tiêu Như lại cười nhạt nói:"Chính là y, trừ y ra thì ở vùng Giang Nam chẳng có ai cưỡi lạc đà cả!" Thủy Hạnh gương mặt lại lộ vẻ kỳ quái, cô chính là tiểu nữ hài được Lạc Hàn cứu ở bãi đá ven sông ngày trước. Bãi đá nơi cô sinh sống có một điền trang sản nghiệp của tổ phụ Tiêu Như để lại, Thủy Hạnh nhi và phụ thân đều là người trong điền trang, cũng là gia bộc của Tiêu gia. Ngày đó cô được Lạc Hàn cứu giúp, rồi gần đây vì đưa tin trọng yếu nên mới cùng cha đi tới Kim Lăng thành tìm Tiêu Như. Tiêu Như đương nhiên cũng nghe nàng kể về kinh lịch kỳ dị nhất đời cô gái này. Tiêu gia đến đời này nhân khẩu điêu linh, dòng chính chỉ còn một mình Tiêu Như. Lúc này Tiêu Như thở dài than:"Không ngờ còn có thể gặp lại y!" Mễ Nghiễm ngẩn người, y không ngờ Tiêu Như đã từng gặp qua Lạc Hàn! Nên biết Lạc Hàn xưa nay rất ít vào quan nội, nhân sĩ võ lâm bình thường cơ hồ chỉ nghe danh chứ chưa từng gặp mặt, càng đừng nói đến Tiêu Như rất hiếm khi ra khỏi Giang Nam. Tiêu Như sắc mặt như thoáng hiện một tia hồi ức, trầm ngâm nói:"Lần gặp mặt cũng đã khá lâu, tính ra thì ta gặp y cách đây cũng đã 6 năm rồi!" Mễ Nghiễm không hỏi nhiều mà chờ nàng nói tiếp. Y biết tính tình Tiêu Như, những gì cần nói thì không cần hỏi nàng cũng tự nói ra, còn những gì không cần nói thì có hỏi cũng bằng không. Chỉ thấy Tiêu Như gò má chợt hơi ửng đỏ, ánh sáng rọi vào gương mặt nàng càng thêm vẻ vũ mỵ, nàng bất giác đưa tay nhẹ vuốt lọn tóc xõa bên vai trái, nhẹ giọng nói:"Nói ra thì Thần Long cũng từng có duyên gặp mặt y một lần, không ngờ 6 năm sau lại đụng độ nhau trong tình cảnh này!" Mễ Nghiễm càng thêm kỳ quái, Lạc Hàn không ngờ đã từng gặp mặt Viên lão đại! Điều này thật quá ly kỳ! Tiêu Như lại nói:"Sáu năm trước, ta vì có hẹn với người trong Giang thuyền cửu tính cho nên đã đến Dương Châu, và cũng gặp Lạc Hàn ở đó!" Thần sắc nàng lộ vẻ xa xăm, xem ra việc năm đó đối với nàng vô cùng trọng yếu, ngay cả khi hồi tưởng bất giác cũng tỏ ra trịnh trọng. Nàng thốt:"Việc này nói ra cũng có chút ngượng ngùng, vì lần đó là lần đầu ta gặp Tần thừa tướng!" Nói đến đây, nàng nhếch mép mỉm cười:"Một nữ nhân, đặc biệt là nữ nhân nổi danh xinh đẹp, thì những nam nhân nàng ta gặp phải, dù tình nguyện hay không tình nguyện, chẳng biết sao đều chẳng phải là những nam nhân bình thường!" Nàng tự xưng "nổi danh xinh đẹp" nhưng ngữ ý không hề có chút tự khoe, trái lại còn có chút bất đắc dĩ! Thực tế hiện nay chỉ có hai người nổi danh xinh đẹp đệ nhất mà thôi, đó là Lâm An không ai hơn được Chu Nghiên, Kim Lăng chỉ mỗi Tiêu Như. Tiêu Như bình thản nói:"Năm đó ta ở Lâm An vô tình gặp Tần thừa tướng, ban đầu ta không biết y, khi ấy vốn ta đang tản bộ ngắm cảnh trong Tiết Viên ngẫu nhiên gặp được, bấy giờ đã không biết, sau đó cũng chẳng nhớ, nào ngờ... Y vốn nổi danh là người chẳng ra gì nhưng lại dáng vóc nho nhã, thư sinh, lại đọc nhiều hiểu rộng, lấy mắt xanh mà nhìn ta, sau lần gặp gỡ đó còn sai người tới tìm muốn tiến cử ta vào phủ chưởng quản Văn Tiên." Nàng nói đến đây lại lắc đầu cười, chừng như cũng cảm thấy hoang đường. Dù Tần Cối tiếng tăm xấu xa, hễ nhắc đến thì người người đều nghiến răng oán hận nhưng đối với nàng thì nam nhân chỉ là nam nhân! Nàng không quan tâm đến quyền mưu toan tính, đại nghiệp kinh bang tế thế, hoài bão giúp đời hay xuất thân cao quý của nam nhân, vì nàng đã nhạt nhẽo với những cuộc tranh đấu quá nhiều trên thế gian. Đối với nàng thì nam nhân chỉ hai loại, một loại nàng yêu thích và một loại nàng không ưa thích, thế thôi! "Ta đương nhiên là không tình nguyện, chẳng cần nói khi ấy ta đã quen biết Viên Thần Long mấy năm, cho dù chưa quen y thì ta cũng không vào tướng phủ để làm cái chức giáo thư gì cả. Có lẽ về sau Tần tướng cũng nghe ngóng được một số việc về ta, với tai mắt của y thì chắc chắn dò la được ta và Viên Thần Long có giao tình, nghe nói y còn ngầm biểu thị việc này với Thần Long." Nói đến đây, Tiêu Như bất giác mỉm cười, giống như trào phúng người nam nhân đó quyền khuynh thiên hạ mà không thể dùng khí độ bản thân để chiếm được tấm lòng nhi nữ, chỉ có thể dùng quyền thuật nhằm chiếm lấy. Nàng lại kể tiếp:"Thần Long không hề nói chuyện này với ta nhưng ta có thể hiểu rằng y làm sao có thể đáp ứng Tần tướng! Hình như bắt đầu từ đó y và Tần tướng mới trở mặt với nhau. Đương nhiên việc này cũng chỉ mồi dẫn, giữa bọn họ vốn đã có nhiều việc bất hòa sâu đậm. Bấy giờ Thần Long vừa mới xuất đạo chưa lâu, vì việc này khiến cho đại nghiệp của y bị không ít trở ngại." Tiêu Như gương mặt cũng trở nên rạng rỡ, chừng như nàng vì có thể gây trở ngại cho Viên Thần Long mà cao hứng! Nàng không giống như nữ nhi bình thường, rất thích gây trở ngại cho nam nhân mình yêu thương. Viên lão đại im lặng gánh lấy những phiền nhiễu từ nàng thì càng lộ ra tình ý sâu đậm, nàng cũng càng thêm cao hứng! Nàng lại tiếp tục kể:"Nhưng trên đời rốt lại cũng có nhiều chuyện đáng cười. Việc ấy vốn đã cho qua như thế, Tần tướng tuy áp bức nhất thời nhưng cũng phải nhìn mặt mũi của lão đại các ngươi, lại còn biết xuất thân của ta, nên chẳng còn mơ tưởng gì. Ngờ đâu một năm sau phiền nhiễu lại xuất hiện, chỉ là không phải do ta mà lại là do người trong Giang thuyền cửu tính." Thanh âm của Tiêu Như ngân nga chậm rãi, giống như đang kể cố sự của người khác:"Đó là vào 6 năm trước, giang hồ mới được an định, triều dã cũng tương đối bình yên nhưng trong cung thì lại có chút tịch mịch. Thời thịnh thế thanh bình sao có thể thiếu những nữ tử ca vũ cho được? Vì vậy triều đình ra lệnh tuyển người đẹp, việc này ở dân gian cũng có thể tính là một việc lớn nhưng các ngươi quá nửa là không nhớ! Các ngươi vốn là nam nhân, cũng chẳng coi việc này ra gì, nhưng bách tính bị xâm nhiễu thì hoàn toàn khác hẳn!" "Nghe nói bọn giang hồ hán tử có nói 1 câu về Giang thuyền cửu tính là Giang thuyền cửu tính mỹ nhân ma! Câu đó có lẽ là chỉ mỹ nữ trong Giang thuyền cửu tính đều bị rỗ mặt sao?" (****) Mễ Nghiễm hỏi. Nàng khẽ mỉm cười, câu này vốn không phải có ý như thế mà là để ám chỉ một sự tích. Hai cánh mũi Tiêu Như có hai nốt tàn nhang rất nhỏ, hơn nữa trong Giang thuyền cửu tính nàng được coi là người đẹp nhất, cho nên câu này vốn là để ám chỉ nàng, người đẹp nhất trong Giang thuyền cửu tính. Nàng không đáp, chỉ kể tiếp. "... Chỉ là ta cũng không ngờ tới, những nữ tử xinh đẹp trong cửu tính lại không chịu nổi tịch mịch lạnh lẽo mà động tâm với lần tuyển người đẹp này. Việc đó vốn cũng không có gì, chốn giang hồ nhiều mưa gió, lạnh lùng riêng mình biết. Một người tự phụ vào sắc đẹp của mình, nếu không thể vào trong lầu vàng điện ngọc mà cả ngày chỉ làm bạn với cỏ cây hoang dã thì tính ra cũng là ủy khuất. Bọn họ động tâm cũng chẳng có gì sai trái." Nàng ngữ khí lạnh nhạt, chính là biểu lộ thái độ khinh bỉ nhất của mình:"Ngờ đâu những nữ tử tự cao trong cửu tính đi ứng tuyển vốn vô cùng tự tin đến cửa ải của Tần tướng thì lại bị trở ngại. Tần Cối vẫn còn ghi hận với ta, không ngờ lại đem trút lên đầu những nữ tử này, ngăn trở không cho họ nhập cung. Vì thế ta bị nhiều người trong Giang thuyền cửu tính căm phẫn, không ít người phát thiệp mời ta đến Dương Châu gặp mặt. Ta không còn cách nào khác, đành phải đi đến đó một phen." Kể ra thì Giang thuyền cửu tính tuy tông tộc khác nhau nhưng tổ thượng sư thừa đều là một vị danh sư. Đó là hậu duệ của Tào Ngụy Tào Thanh. Nàng ta vốn là nhất đại cao thủ Nam triều, lúc bấy giờ thương cảm cho thân thế của mình nên sau khi Lương, Trần mất nước đã ra tay cứu vớt di cô của họ, dạy dỗ công phu, lấy thuyền làm nhà lãng tích giang hồ, tiêu dao ngoài vòng kềm tỏa. Nguồn gốc của Giang thuyền cửu tính cũng từ đó mà ra. Gia phái Cửu tính từ đó về sau đều có một quy củ: Nếu như là cao thủ trong môn phái gặp phải lúc xã tắc biến thiên, vương triều tông miếu bị sụp đổ thì phải tìm cách cứu lấy một hai di cô dạy dỗ công phu để họ phiêu bạt giang hồ, kế thừa tông miếu. Vì vậy, Giang thuyền nhất phái tuy rời rạc nhưng vẫn có liên hệ với nhau. Họ nhất định muốn gặp thì Tiêu Như cũng khó mà từ chối. Tiêu Như kể tiếp:"Họ nhất định ép ta tự thân đi đến Lâm An tìm họ Tần bồi tội, còn nói đây là đại sự, cửu tính có thể Đông Sơn tái khởi hay không đều nằm ở việc này! Ta thật sự không hiểu năm xưa tổ tiên mọi người đều từng ngồi trên vương vị, có cả thiên hạ, cũng từng trải qua việc nước mất nhà tan, vậy mà sao vẫn không nhìn rõ? Nhưng ta càng không ngờ họ lại dùng vũ lực uy hiếp. Khi ta rời đi không hề chuẩn bị, lúc ấy công phu Thập Sa Đê cũng chưa luyện thành, mà dẫu có luyện thành thì một mình đối phó với Lưu, Sài, Thạch, Vương, Tạ ngũ tộc cũng khó bề đối địch. Bọn ta ở am Trúc Khê nói chuyện với nhau không hợp thì liền động thủ, họ nhiều người ta không thể nào chống nổi nên bị bắt. Bọn họ ngoài mặt thì nói khi nào ta nghĩ thông thì sẽ đưa ta tới Lâm An, kỳ thật ta biết họ đã ngầm sai người báo cho Tần tướng, cũng hiểu rõ họ muốn xu phụ thế lực Tần tướng để ngoi lên! Nên biết ở giang hồ hay triều đình đều có lòng úy kỵ với người trong cửu tính, họ không thể nào ra mặt xuất lực cho Tống triều, lại bất hòa với Viên lão đại các ngươi, chỉ còn đường này để đi. Còn Tần tướng thì chắc là nhìn trúng thanh danh của cửu tính trong giang hồ nên cũng muốn lợi dụng một phen. Hai bên đều có mưu đồ riêng, còn ta vốn là kẻ ngoài cuộc lại trở thành một con cờ của họ. Lúc bấy giờ, bọn họ thường kể sự tích Vệ Tử Phu để lay động tâm chí của ta. Ta khi ấy chỉ có một mình, có muốn báo cho Thần Long cũng không có cách nào, chỉ thầm âu sầu lo nghĩ." Nàng nhắc tới thời gian ảm đạm đó của đời mình nhưng ngữ khí vẫn cứ bình thản như cũ, giống như đang kể về người khác. "Trúc Khê là một nơi rất đẹp, suối chảy trúc reo, nếu như bình thường thì ở đây một thời gian cũng rất thoải mái. Ta bị giam lỏng, tuy có thể đi dạo khắp nơi nhưng huyệt mạch bị phong bế, không thể đề tụ được khí lực. Mấy đêm đó ta thường ra ngồi chơi ở dòng suối ven rừng trúc, nghĩ tới cuộc sống hoang đường này bất giác không khỏi cười đến chảy nước mắt. Đời người quả giống như một vở kịch, cho dù thanh đạm, cho dù không muốn thì cũng bị người khác lôi vào tấn trò đời này. Có một ngày, ta ngồi ở đó trầm tư suy nghĩ chợt thấy một con vật kỳ quái chậm rãi đi tới. Sắc trời đã tối, đến khi nó lại gần ta mới nhận ra đó là một con lạc đà. Người cưỡi trên lưng lạc đà là một thiếu niên quần áo màu đen. Y dẫn lạc đà tới bờ suối uống nước. Lúc này mặt sông cũng có lớp băng mỏng đóng trên đó đã lâu. Y dường như rất thích băng, đưa tay kéo lên, phiến băng tuy mỏng nhưng sắc bén, vậy mà hắn dùng tay trần để nắm, chừng như không hề để tâm đến cái lạnh. Ta lúc ấy lệ còn chưa khô, đối với y tuy hiếu kỳ nhưng đang đắm chìm trong tâm sự nên cũng không nhìn nữa. Y cho lạc đà uống nước xong thì rời đi, một lúc sau Thạch, Lưu hai nhà lại đến bức bách ta. Bọn họ ngữ khí vô cùng ác liệt, ép ta phải đi gặp Tần Cối! Ta không đáp ứng, họ lòng dạ sắt đá, thuyết phục không được thì muốn ra tay đánh đập. Ta tuy yếu ớt nhưng cũng biết tự trọng thanh danh, sao có thể khuất phục, lúc ấy xem ra sắp phải chịu nhục, nào ngờ thiếu niên cưỡi lạc đà lại chưa đi, y vốn đã quay lại tĩnh lặng quan sát trong rừng trúc. Đến khi họ định động thủ thì y mới hắng giọng "ừm" một tiếng. Lúc này ta mới biết y chưa đi, trong lòng kinh hãi, biết rằng người của Thạch gia không dễ gì trêu vào, bất giác thầm lo cho y. Thạch Đình, người của Thạch gia, tính tình nóng nảy, lại đang giận dữ, nghe thấy liền quát:"Người không liên quan thì lăn đi cho ta!" "Thiếu niên kia không giận, chỉ bình tĩnh nói:"Các ngươi cút, để nàng ta đi!" "Y nói rất ngắn gọn, hình như là không quen nói chuyện với người khác. Người của hai nhà Thạch, Sài nghe vậy biến sắc, lập tức phát tác:"Ngươi là ai?" "Thiếu niên không đáp, chỉ mỉm cười nhìn họ, Thạch Đình giận dữ rút đao xông tới! Sáu người của hai nhà cũng nhất tề xông lên hợp kích, chiêu thức nghiêm mật, nhưng thiếu niên lại rút kiếm xông tới trước. Kiếm quang rực lên trong rừng trúc, kiếm chiêu khác hẳn với đường lối kiếm pháp của Trung Nguyên, người đạp quỷ bộ, kiếm đi đường cong, thật sự quái dị phi thường. Hai bên vừa giáp mặt, ta nghe thấy tiếng của người Sài gia kinh hãi kêu lên:"Lạc Hàn! Hắn là Hồ Kiếm Lạc Hàn!" Ta thấy sáu người bọn họ xuất chiêu càng thêm chặt chẽ, dùng tới tuyệt học giữ nhà, lúc này mới chợt nhớ tới truyền thuyết liên quan đến Lạc Hàn.... Năm xưa, sau khi tương hội ở Đằng Vương các, kiếm pháp của y sớm đã vang danh trong cửu tính. Ta nhìn kỹ thì thấy y xuất chiêu khác hẳn lẽ thường, hoàn toàn khác với quy củ, khi đó ta vô cùng kinh hãi, trong lòng chỉ còn một cảm giác: Nếu là Thần Long nhìn thấy thì y sẽ nói gì? Y sẽ nói gì đây?" Nàng ngữ khí tư lự, chậm chạp, Mễ Nghiễm biết rõ kiến thức của Tiêu Như trác tuyệt, nàng nói ra lời này thực sự là phi thường. Bốn năm trước, sau khi nàng luyện thành nội công tâm pháp Thập Sa Đê, theo như Hồ Bất Cô nói, thật sự có thể đảm đương danh hiệu đệ nhất cao thủ trong nhóm cân quắc anh thư hiện thời, ngay trong nhóm nam tử cũng hiếm có đối thủ, Song Xa tuy không nói ra nhưng cũng có ý coi Tiêu Như là một cao thủ đương thế hiếm có. Thời điểm nàng thấy Lạc Hàn xuất kiếm tuy công phu chưa thành nhưng võ học chi đạo của nàng đã khiến cho người trong Viên môn vô cùng bội phục, ngay cả người kiến thức uyên bác như Hoa Trụ cũng phải gọi nàng là Võ khố, đến Viên lão đại mà có nghi nan gì cũng thỉnh giáo nàng, vậy mà nàng nói về Lạc Hàn như thế đủ biết là nàng đã đánh giá y cao đến mức nào. Tiêu Như nói tiếp:"Kiếm pháp của y cực kỳ hung hiểm, người trong giang hồ đi vào con đường võ học như vậy rất hiếm, mà cho dù có luyện thành cũng khó mà mở rộng khí tượng, tiến lên cảnh giới cao thủ tuyệt đỉnh, nhưng Lạc Hàn hình như đã làm được. Chỉ vài chiêu y đã đánh bại người của hai nhà Thạch, Sài, đuổi bọn họ đi. Sau đó y hỏi ta muốn đi đâu, ta nói Kim Lăng, rồi y đưa ta lên lạc đà hộ tống về nhà. Nói ra thì có lẽ ta là nữ tử duy nhất ở Giang Nam này từng cưỡi qua lạc đà. Trên đường đi y cũng rất ít nói, chỉ nhớ có lần ta gọi y là "thiếu hiệp" thì y đáp "ta không phải", thanh âm cực kỳ lạnh lẽo, chừng như là không thích cách xưng hô đó, ta cũng không dám gọi như vậy nữa." Tiêu Như nói đến đây khóe môi chợt mỉm, chừng như đang cười, như đang nhớ lại tình hình năm xưa mình cùng Lạc Hàn nói chuyện. Nàng vốn tự phụ nhan sắc hơn người, xưa nay đều được mọi người ngưỡng mộ, vì vậy đối với thiếu niên coi nàng như không khí cũng có chút kỳ quái. Nàng không nói cho Mễ Nghiễm rằng khi ấy nàng cảm thấy thiếu niên Lạc Hàn không nhận mình là hiệp gì cả, thực sự không phải do y giả vờ khiêm tốn, mà là y cũng giống như nàng, không hề để ý tới quyền danh tục thế hư ảo. Lạc Hàn không nhận mình là hiệp, cũng giống như nàng tương trợ Viên lão đại chẳng phải vì đại nghiệp nước nhà gì cả mà chỉ vì ông là nam nhân của nàng. Lần này cũng thế, bất kể người ngoài có nói gì thì nàng cũng cảm thấy Lạc Hàn cô kiếm xuất hiện, trở lại Giang Nam cũng chẳng vì đại nghĩa quốc gia gì cả mà chỉ vì người bạn tri kỷ của y! Nàng ngưng một lúc rồi kể tiếp:"Y đưa ta đến địa giới Tô Nam, đi suốt hai ngày đường, cuối cùng ta cũng nhìn thấy Viên đại ca của các ngươi ở phía xa. Ta cất tiếng gọi "Thần Long", Lạc Hàn hơi ngẩn người, nhìn về thân hình Thần Long nghi hoặc hỏi:"Người đón nàng đến rồi ư?" "Ta lúc ấy rất hưng phấn, liền gật đầu. Y bình thản nói:"Xem ra là một cao thủ! Có người này hộ tống thì nàng không cần phải lo lắng, ta có thể đi được rồi!" "Sau đó, y bảo ta xuống lạc đà, cũng không chờ Thần Long tới gần, nhảy lên lưng lạc đà đi ngay, ta cũng không kịp tạ ơn! Đó cũng là một đoạn uyên nguyên giữa ta và Lạc Hàn, có lẽ lần đó y trên đường đi đưa chiếc ly cho Dịch Bội Tửu mới đến Giang Nam, cũng vì vậy nên ta mới nói y và Thần Long cũng coi như đã gặp nhau một lần!" Nàng ngừng lại một lúc lâu mới lặng lẽ thốt:"Không ngờ 6 năm qua đi, giờ đây gặp lại thì là tình cảnh này! Đời người như nước chảy, quanh co ngoắt nghéo, thế sự khó mà dự liệu được. Lần này ta đến đây chính là vì nghe nói khúc hát cũ lại được người phổ lại điệu khác, xem ra là có thâm ý, ta nghĩ Lạc Hàn cũng sẽ đến. Ta cũng muốn gặp y, vì uyên nguyên ngày trước mà gắng sức hóa giải ân oán giữa y và Viên môn." Nàng nói xong, không khí càng trở nên tịch lặng, Mễ Nghiễm không hề mở miệng, Tiêu Như thầm nghĩ:"Ngày trước ta muốn ở cùng Thần Long, cũng trải qua bao nhiêu trắc trở khó lường. Hiện nay ta muốn ở bên Thần Long trọn đời trọn kiếp, cùng an ủi nhau qua trăm năm cô tịch, liệu có còn gì trắc trở hay chăng?" Vốn nàng đã định kết hợp cùng Viên Thần Long từ nhiều năm trước, bát tự thiếp ghi rõ ngày sinh khi nào nàng cũng cất trong người, tấm thiếp này một tháng trước đang còn để ở trước linh vị tổ tiên trong từ đường, chính là nàng bảo Thủy Hạnh nhi mang đến. Tấm thiếp trong lòng nàng như một đốm lửa nhỏ sưởi ấm tim nàng, là một điểm hỷ ý giữa chốn giang hồ thảm đạm này, cũng là si nguyện của một nữ tử không hề để trong lòng tục lễ của bọn nam tử. Nàng là một nữ tử thông minh, việc này không hề muốn nói với người khác, nàng cũng biết nếu muốn làm vậy thì sẽ có rất nhiều trắc trở. Nàng không muốn nói ra nhưng vẫn mong mỏi được cùng nhau giao bái, ước ao được một đoạn tình duyên son sắt, chỉ là chẳng biết có được như nguyện hay không? Hay lại phải chịu thêm nhiều trắc trở? Liệu có được không? Lúc này bên ngoài chợt có tiếng người, Tiêu Như khẽ nhíu mày thở dài. Mễ Nghiễm thoáng ngẩn người, muốn ra cửa xem thử nhưng Tiêu Như cản lại:"Không cần!" Mễ Nghiễm dừng lại, Tiêu Như nói:"Không phải người khác, đều là người trong Giang thuyền cửu tính, ngươi gặp cũng không hay lắm! Không ngờ bọn họ vẫn còn nhớ ngày này! Lần này họ đến là vì ta!" Nói đến đây, gương mặt nàng lộ vẻ khổ sở, nàng lại nói với Thủy Hạnh nhi:"Tiểu Hạnh nhi, ngươi ra ngoài xem thử là ai đang hát, lựa lúc vắng người mời họ gặp mặt ta!"