CHƯƠNG 3
Vong cơ

    
ảnh Thương Hoài cắp Thạch Nhiên tới một ngôi miếu nát bên sông rồi mới bỏ hắn xuống. Gã Thạch Nhiên này cũng thật cứng cỏi, Cảnh Thương Hoài định băng bó cho hắn, hắn lại gạt đi, cắn răng tự nối xương gãy ở trước ngực, dùng nhành cây nẹp lại, rồi dùng răng cắn dải tay áo, xé lấy một mảnh bó vết thương trên vai. Cảnh Thương Hoài im lặng đứng bên cạnh. Hắn ra tay cứu thủ hạ của Viên lão đại, vốn chỉ do nhất thời vì nghĩa mà phẫn nộ, cứu xong rồi, tuy không nói là hối hận nhưng cũng thật chẳng có lời gì tiện nói. Bấy giờ Thạch Nhiên mới ngẩng đầu, hỏi: “Ngươi là ai?”
Tuổi tác của Thạch Nhiên xem ra cũng không lớn nhưng lại có một vẻ trấn định vững vàng như thép tôi trăm lượt.
Cảnh Thương Hoài nhàn nhạt đáp: “Ngươi không nghe thấy sao? Ta họ Tiền.”
Thạch Nhiên bật cười. “Tông thất song kỳ danh sĩ thẹn, giang thuyền chín họ mỹ nhân ngây. Họ Tiền trong chín họ? Hắc hắc, ngươi lừa Mạc Dư nhưng chớ có lừa ta! Nếu ta đoán không sai... ngươi chính là Trung Châu đại hiệp - Cảnh Thương Hoài.”
Cảnh Thương Hoài cả kinh, không rõ gã làm thế nào mà nhận ra mình. Thạch Nhiên cười, bảo: “Viễn lão đại bọn tôi từng nhắc đến ngài. Người nói, trong giang hồ, hạng đội lốt văn nhân nho sĩ như Văn gia rất nhiều. Có điều, tận trong lòng dạ, trong xương tủy, có thể xứng xưng là nho sĩ lại chỉ có một, đó chính là Cảnh Thương Hoài.”
Cảnh Thương Hoài sửng sốt, hắn không ngờ Viên lão đại lại bình sau lưng mình như vậy. Thạch Nhiên cười, nói: “Lão đại nói ngài là một trong những người hiếm hoi trên giang hồ có được sự kính trọng của lão đại, bảo bọn tôi nếu gặp ngài, ngàn vạn lần phải lưu ý Hưởng ứng thần chưởng của ngài.”
Cảnh Thương Hoài bật cười vui vẻ, có được một lời khen của Viên lão đại, tuy là người trầm ổn như hắn cũng không khỏi hưng phấn trong lòng. Hắn không muốn dây dưa nhiều với người trong Thất mã của Viên môn, dứt cười liền lạnh nhạt nói: “Tuy ta cứu ngươi nhưng cũng chỉ cứu được nhất thời, không cứu được cả đời. Đằng sau có truy binh, ngươi phải tự mình ứng phó, ngươi tự lo liệu thương thế của bản thân, ta đi đây!”
Vừa nói hắn vừa vươn thẳng lưng. Thạch Nhiên đã nhận ra hắn, hắn cũng không cần cải trang nữa, cái gáo nước kẹp trong áo hắn dưới cái vươn lưng này lập tức bị ép vỡ tan tành. Mảnh vỡ thuận theo vạt áo sau của Cảnh Thương Hoài rơi cả xuống đất, Cảnh Thương Hoài cười to một tiếng, xoay người sải bước đi ra ngoài cửa.
Thạch Nhiên bỗng kêu lên: “Khoan đã!” Cảnh Thương Hoài không hề dừng lại.
Thạch Nhiên hô rằng: “Quân tử lấy đức báo đức, tôi muốn báo cho ngài một tin tức.”
Cảnh Thương Hoài vẫn làm thinh không hỏi, bước ra ngoài sân.
Thạch Nhiên vội nói: “Tôi muốn nói là tin tức của Lạc Hàn.” Lời vừa nói ra, Cảnh Thương Hoài không khỏi dừng bước. Hiện giờ trên đời chẳng có hai từ nào có thể khiến hắn chấn động như thế này. Lúc này, hắn nhớ lại đôi mắt sáng rực của Thạch Nhiên khi trước, lúc mới nhìn thấy, trong lòng hắn liền máy động, hắn cũng không rõ do đâu, bây giờ mới rõ, là vì một khắc ấy, hắn nghĩ tới Lạc Hàn, đôi mắt của Lạc Hàn, đôi mắt trong dịch trạm đêm mưa ấy... Trong cơn khốn đốn đó, chỉ có Cảnh Thương Hoài để ý tới sự nóng rực trong cảnh nguy khốn cùng nét cao ngạo, lạnh lùng, cô độc trong đôi mắt nọ. Trong ấn tượng của Cảnh Thương Hoài, đại để cũng chỉ có đôi mắt ấy có nhiệt huyết rừng rực hơn đôi mắt của Thạch Nhiên.
Thạch Nhiên nói với theo bóng lưng của Cảnh Thương Hoài: “Tin này trước mắt hẳn chỉ có mình tôi biết. Tôi nhận được bồ câu đưa thư báo, Lạc Hàn đang ở cách Vu Hồ không xa. Hắn đang bị Triệu Vô Cực trong Tông thất song kỳ quấn lấy. Lúc người của tôi trông thấy bọn họ, bọn họ vẫn chưa động thủ, Triệu Vô Cực cùng Lạc Hàn đang đi về hướng chính đông, phía đông là Thái Thạch Cơ, tôi đồ rằng Triệu Vô Cực muốn dùng Xà Trận Đồ vây khốn Lạc Hàn ở Thái Thạch Cơ, cạnh mộ Lý Bạch.”
Vẻ mặt Cảnh Thương Hoài chấn động. Thái Thạch Cơ cạnh mộ Lý Bạch? Triệu Vô Cực? Tới nhân vật bậc này cũng xuất thủ rồi, Giang Nam lúc này thật xứng xưng là gió mây cuộn nổi.
Cảnh Thương Hoài vẫn không nói gì, đi ra khỏi cửa, dõi về nơi xa xôi trên dòng sông. Bãi Bạch Lộ đã khó mà nhìn thấy được, bầu trời trống trơn như được gột rửa, không bóng chim muông, chỉ thấy mây vờn bay qua.
Trong cảm giác của Cảnh Thương Hoài lại chỉ có hai chữ: Loạn dấy - Loạn dấy lên ở Giang Nam.
Bấy giờ còn có người khác đang nhắc tới Lạc Hàn, chính là Triệu Húc cùng Triệu Vô Lượng đang trên đường tới Trấn Giang.
Triệu Húc hỏi: “Thúc gia, mọi người đều bảo năm Lạc Hàn mười bốn tuổi từng liên tục đấu với rất nhiều người trong Giang thuyền chín họ cùng Tông thất song kỳ ở Đằng Vương các tại Nam Xương. Hôm ấy người cũng ở đó sao?”
Triệu Vô Lượng đang ngẩng đầu xem thời tiết - sắc trời trong lạnh, xem ra tiết Sương giáng đã chẳng còn xa nữa, lão lắc đầu, đáp: “Không, ta không có mặt ở đó, là tam thúc gia của ngươi có mặt. Hắn ở trên sông bên ngoài các, trận đó Lạc Hàn đấu với người trong sáu họ Lưu, Trần, Sài, Thạch, Vương, Mạnh trong chín họ. Trong sáu họ này không thiếu cao thủ nhưng nếu bảo toàn bộ tinh anh trong Giang thuyền chín họ đều có mặt thì cũng có phần quá khoa trương.”
Đôi mắt Triệu Húc phát sáng. “Thế hắn đã thắng ạ?” Tựa như có chút xấu hổ về sự sốt ruột của mình, Triệu Húc lại nói thêm một câu: “Là ai thắng ạ?”
Triệu Vô Lượng nhạt giọng bảo: “Tam thúc gia của ngươi cách đó cũng xa, không biết rõ kết quả, chỉ biết về sau người trong sáu họ ngậm miệng không nhắc tới trận chiến trong Đằng Vương các cùng với gã Lạc Hàn này.”
Mặt Triệu Húc càng đỏ. “Thế lần này chúng ta đi Trấn Giang làm gì?”
Triệu Vô Lượng cười, đáp: “Tam thúc gia ngươi bận như thế, chúng ta cũng không thể ở nhàn mãi được, đi trông chừng Viên lão đại thôi, lúc thích hợp thì làm người tặng củi.”
Triệu Húc ngạc nhiên: Người tặng củi này định tặng củi gì đây?
Hôm đó, sau khi Lạc Hàn đánh lùi tam đại quỷ thì lên bờ chính ở bên cạnh quán rượu của Vu quả phụ. Lên bờ rồi, hắn còn ở trong quán ăn cơm, gọi một con cá, nhưng thấy con cá đó không ngừng chép miệng thì trước sau không hạ được đũa. Hắn chỉ cảm thấy hơi mệt, hơn hai tháng nay, hắn vì cướp món tiền kia mà dụng tâm không ít. Đề kỵ khó dây, hắn cũng chẳng hề tiết kiệm được sức lực như người bên cạnh thấy. Như nay, sau khi sự thành, thứ hắn có được chẳng phải niềm vui mà chỉ là sự mệt nhọc.
Ăn cơm xong, trời đã tối om. Trong đêm tối, hắn cưỡi lạc đà, men sông đi xuống năm dặm. Ngẫu nhiên có ánh lửa thuyền chài điểm xuyết dòng sông, một điểm sáng leo lét nọ chẳng thể rọi sáng được gì, ngược lại còn khiến con đường quê dưới chân càng thêm tăm tối. May mà con lạc đà của hắn tinh mắt, chỉ cần hơi có ánh sáng là có thể thấy đường, cho nên tuy đường gập ghềnh nhưng cũng không hề sẩy chân.
Đi được gần năm dặm, con đường nhỏ chia lối, Lạc Hàn mới thấy được tấm biển địa giới, biết phía trước có thị trấn. Hắn không thúc lạc đà đi tới, cũng không tính ở trọ mà tìm lấy một cái cây lớn, xuống lạc đà, kiếm một nhành cây to rồi nhảy lên. Trên cành đọng nhiều sương lạnh, hắn cũng chẳng bận tâm, khép áo nằm xuống. Y phục trên người hắn vốn đã ướt đẫm, nhưng hắn không đi nhóm lửa hong, chỉ ngẩng đầu ngây người nhìn bầu trời. Trên trời vắng trăng vắng sao, bốn phía vắng lặng, chỉ có gió thấu qua áo, cho hắn đôi phần thoải mái trong cái ẩm ướt lạnh lẽo.
Qua nửa đêm, trời đổ lạnh, hắn nhảy xuống, co ro cạnh bụng lạc đà mà ngủ. Lông lạc đà khá mềm mại. Hơi ấm từ cơ thể con lạc đà hong khô y phục ướt của hắn, hơi thở của lạc đà cũng ấm nóng, có tiết tấu, tựa một chút bình yên và nương tựa khó tìm trên nhân thế này. Hửng sáng hôm sau, có nông phu dắt trâu ra ruộng đi qua đây, nhìn thấy dưới cái cây lớn nọ một thiếu niên đang rúc đầu dựa vào một con lạc đà to ngủ ngon lành. Nghe tiếng chân người vọng tới, con lạc đà tỉnh dậy nhưng không lập tức đứng lên, dường như sợ thiếu niên giật mình thức giấc, cứ để thiếu niên nọ ngủ ngon giấc. Trong cơn mơ, thiếu niên phát ra vài tiếng vui vẻ.
Mấy ngày sau đó, Lạc Hàn đi rồi dừng, dừng rồi đi, cứ thuận dòng mà tiến. Lúc đi qua Địch Cảng, thậm chí hắn còn có hứng tới đền Mễ Công bên sông thăm thú, buồn bực thì liền ngắt một chiếc lá cuộn thành sáo thổi chơi. Hắn chuyên lựa đường nhỏ mà đi, càng là nơi gập ghềnh, lầy lội hắn càng thích, may ở chỗ hắn có vật cưỡi tốt. Có điều, chuyện này lại làm khổ một người... Mấy ngày nay, từ lúc ở quán rượu của Vu quả phụ, có người một mực ở xa xa bám theo hắn. Người này giống một ông câu cá, áo quần vải thô, tay nắm cần câu, người khổ chính là lão. Mà cũng phải, lão so với người khác không khỏi quá bắt mắt, huống chi đường Lạc Hàn đi lại chẳng bóng người. Qua được hai ngày, lão già nọ không rõ kiếm đâu được con thuyền, chèo giữa dòng mà theo Lạc Hàn. Lạc Hàn làm như hoàn toàn không biết gì, mặc lão đi theo, chầm chậm đi về phía đông.
Giang Nam đầu đông là một bức họa đã gột sạch màu mè. Trông con sông nọ, sắc nước trong veo; lại nhìn lúa vụ đông, từng ngọn, từng ngọn vươn khỏi mặt đất, muốn nói lại ngập ngừng, màu xanh lục chẳng được liền thành trọn vẹn; còn có bãi cỏ ven bờ cùng cây già bên sông, thế mới biết ẩn giấu sau cái xán lạn, rực rỡ của mùa xuân, mùa hè Giang Nam còn có cái phần đìu hiu này nữa. Có khi trời lác đác mấy giọt mưa, tản mát miên man, nghiêng nghiêng theo gió, cây cối bên sông liền có thêm một lớp vỏ ẩm ướt, biến thành sắc đen. Mấy cành khô cứng cáp, hoặc co gập, hoặc xoắn xuýt, hoặc tán rộng, hoặc chọc xiên, thường bất thình lình ở đầu một khúc ngoặt đường sông nào đó nhảy vào tầm mắt, ngang như quét, thẳng như chẻ, uyển chuyển như kiếm ý. Lạc Hàn thích ngắm nhất chính là mấy thứ này, thường đã dán mắt vào một khúc cành khô là sẽ dán cả nửa ngày. Phong vị của cây cối tiết đông cùng liễu rủ triền đê, gió lay ngàn lá ngày xuân khác nhau rất xa. Lạc Hàn thấu được nó, tựa như hiểu nhau, nhưng niềm vui trong đấy thì không cách nào truyền đạt bằng lời được.
Người trên thuyền nhìn hắn, thiếu niên tái ngoại giết Đề kỵ, cướp bạc quan, kết oán với Viên lão đại, mấy việc kinh thiên động địa đó vào thời khắc này cứ như đều đã bị hắn quăng khỏi đầu. Chuyện đả thương Viên nhị lúc trước đối với hắn đã là một chuyện xong rồi, năm sau đấu với Viên lão đại là chuyện còn chưa bắt đầu, mà hiện tại thì chính là hôm nay. Hôm nay, Lạc Hàn hắn đang một mình một lạc đà, hành tẩu Giang Nam.
Trên con thuyền giữa sông nọ là một lão già, đầu trần chân đất, tóc bạc lưa thưa. Lão là Triệu Vô Cực, đường đệ của Triệu Vô Lượng, trên giang hồ cùng Triệu Vô Lượng hợp xưng là Tông thất song kỳ, đều thuộc dòng dõi đế vương. Tướng mạo của lão khác rất xa Triệu Vô Lượng. Tên thật của lão vốn không phải là Vô Cực mà là Triệu Tượng - như Triệu Vô Lượng, tên thật cũng không phải là Vô Lượng mà là Triệu Kỷ, hai người đều vì phải lưu lạc giang hồ mà tự thẹn cho rằng mình là nỗi xấu hổ của tông thất, bèn bỏ tên thật, lựa dùng danh tự “Vô Lượng đường” và “Vô Cực hiên” trong vương phủ ở Đông kinh năm xưa làm tên gọi.
Hai má Triệu Vô Cực gầy hóp, dung mạo gầy guộc, không giống đường huynh Triệu Vô Lượng trông rất trí tuệ, khôn ngoan, có điều lão được cái thần thái xuất trần. Sở dĩ hai người họ có cái ngoại hiệu “Tông thất song kỳ danh sĩ thẹn” là bởi vì có được phong thái ngày trước của bậc anh, bậc chú là hai vua Huy, Khâm, giỏi về thư pháp. Triệu Vô Lượng thạo về Lệ, Triện, Triệu Vô Cực thì giỏi về thể Sấu Kim. Kinh lịch của hai người không giống các vương tử khác, thuở thiếu thời gặp được danh sư, lại thừa hưởng võ học gia truyền, Tề mi côn, Thái Tổ trường quyền đều là võ kỹ tu tập từ lúc nhỏ. Cũng nhờ vào một thân võ công này mà họ mới may mắn bảo toàn được tính mạng trong cái nạn năm Tĩnh Khang. Sau khi nam độ, nếm đủ gian nan, võ công lại càng tiến mạnh, bởi thế mới có một câu: “Tông thất song kỳ danh sĩ thẹn” truyền khắp Giang Nam. Tới bây giờ, hai người im hơi lặng tiếng đã gần mười năm, ai mà ngờ được hôm nay Triệu Vô Cực nọ sẽ tái xuất giang hồ, lại còn nhắm vào Lạc Hàn từ phương xa tới kia.
Triệu Vô Cực là người ham võ, nghĩ rằng kẻ luyện kiếm chắc hẳn phải giờ giờ mài giũa, ngày ngày rèn luyện chứ nhỉ? Lão liền muốn xem Lạc Hàn luyện kiếm. Ấy vậy mà suốt dọc đường, Lạc Hàn không phải leo cao ngắm mây thì là nhắm mắt tựa tùng, chẳng sờ đến kiếm lấy một lần. Đáng tiếc cho Triệu Vô Cực, ngày nhớ đêm mong, tới bóng kiếm cũng chẳng được nhìn thấy. Suốt ba ngày liền, tâm tình Lạc Hàn dường như đặt cả trên con lạc đà nọ. Mấy ngày hôm trước bận bịu, hắn không có thời gian lo cho con thú cưng này, hiện rảnh rỗi, một ngày hắn phải chải lông cho con lạc đà tới mấy lượt. Có điều, dáng vẻ con lạc đà kia rất có phong cốt, bất kể hắn chải chuốt thế nào, tuy là thêm chút thần thái nhưng chẳng thể đẹp hơn. Triệu Vô Cực cũng coi như đã nhận thức được sức chịu đựng của Lạc Hàn, với tính tình của Lạc Hàn, đi đứng thất thường, có lúc đi suốt một đêm, có lúc lại dừng ở một nơi rất lâu, Triệu Vô Cực chẳng hề thấy Lạc Hàn mệt mỏi chút nào.
Con lạc đà nọ dường như không thích cỏ ở Giang Nam, mấy ngày nay trừ uống nước, nó không gặm lấy một cọng cỏ nào, Lạc Hàn thường chia lương khô của mình cho nó.
Hôm đó, Lạc Hàn lại dừng lạc đà nghỉ ngơi, Triệu Vô Cực cũng neo con thuyền nhỏ trên khúc sông. Tuy đang ở trên đường nhưng lão tự sửa soạn cho mình không tệ, lão đi vào khoang thuyền, bê ra một hũ rượu hoa điêu nhỏ, mở nắp, rót vào một cái ấm độc ẩm, rót đầy rồi lại lấy ra một cái chén bằng bạc có chạm khắc, khá là tinh xảo. Kế đến lại đổ ra một đĩa lạc, một đĩa cá khô, một đĩa thịt trâu khô tẩm ngũ hương, sắp ở đầu thuyền để nhắm rượu. Triệu Vô Cực là người cầu kỳ trong chuyện ăn uống, mấy hôm rồi lão đăm đăm quan sát Lạc Hàn, Lạc Hàn ăn lương khô, lão cũng ăn lương khô, rất lâu chưa được ăn uống tử tế rồi. Sau khi lưu lạc giang hồ, rất nhiều chuyện tuy đã không còn quá cầu kỳ nhưng việc ăn uống thì vẫn tỉ mỉ như xưa. Chỉ nói một đĩa lạc, một đĩa cá khô, một đĩa thịt trâu khô này của lão tuy đơn giản nhưng lại là thứ đặc biệt mời đầu bếp nổi tiếng dốc lòng sao sấy mà ra. Tới cả đồ dùng cũng là đồ ngày trước ở Khai Phong, không mất khí phái hoàng gia. Nếu có ai trông thấy một lão đầu như vậy, y phục đơn sơ, ở nơi hoang dã ven sông này lại dùng toàn những đồ tinh xảo như thế, chỉ e không khỏi kinh ngạc đoán mò.
Lão còn chưa kịp ăn thì bỗng thấy Lạc Hàn đứng dậy. Lão ngạc nhiên, cho rằng Lạc Hàn định đi, đúng là không biết phải làm sao, đành vội vàng chuẩn bị khai thuyền đi theo. Lại thấy Lạc Hàn chẳng phải đi đâu khác mà chính là đang tiến tới con thuyền nhỏ của mình. Triệu Vô Cực thầm kinh ngạc, thật sự không rõ Lạc Hàn có dự định gì.
Lạc Hàn đã lên đầu thuyền, ngồi xuống. Chỉ thấy hắn nâng ấm rượu, cầm chén bạc trên sàn, tự rót cho mình một chén, ngửa cổ uống cạn, làm trơn họng rồi sau đó nếm náp thức ăn, từng món, từng món, tựa hồ khá thích đĩa cá khô, động đũa liên tục, cũng liên tục tự rót rượu, nhàn nhã tự nhiên, cứ như đang ở nhà mình. Sau cùng, hắn ăn hết một cái màn thầu sấy của Triệu Vô Cực, Triệu Vô Cực cho rằng hắn sắp nói gì đó, bèn đợi hồi lâu, vểnh tai lắng nghe, lại thấy Lạc Hàn phủi áo đứng dậy, chẳng nói lấy một câu, cứ thế lên bờ. Tới tận lúc hắn tới dưới gốc cây nhắm mắt ngủ nghỉ, Triệu Vô Cực mới sực tỉnh khỏi cơn ngơ ngác. Liếc mâm rượu bừa bãi trên sàn một cái, lão không khỏi bật cười: “Hắc, nhà ngươi thế mà khôn lỏi đấy, ta bận rộn nửa ngày, cuối cùng thành ra sắp cho ngươi xơi rồi!” Lão xuất thân từ dòng dõi đế vương, về sau lưu lạc giang hồ, có hạng người nào mà chưa thấy qua, nhưng đúng là chưa từng gặp nhân vật hạng nhất thế này. Lạc Hàn nằm dưới gốc cây nhắm mắt dưỡng thần, Triệu Vô Cực không khỏi đăm đăm nhìn hắn hồi lâu.
Bảy, tám ngày sau đó đều là Lạc Hàn dừng lạc đà, Triệu Vô Cực cũng dừng thuyền. Vừa mới chuẩn bị ăn, Lạc lão huynh của lão lại tới, vẫn chẳng nói chẳng rằng, vui vẻ ăn xong thì đi. Ban đầu, Triệu Vô Cực còn cảm thấy ngạc nhiên, về sau thì cảm thấy buồn cười, sau nữa thì không khỏi có chút bất bình: Mình cứ dong thuyền đi theo thế này, thật chẳng phải đeo bám mà đã thành ra một tay đầy tớ dọc đường nấu cơm làm tạp vụ, cần gì cho nấy mà chẳng tốn một xu nào của hắn rồi. Bởi thế, bữa sáng hôm đó, Triệu Vô Cực cố ý không cập bờ mà dừng ở lòng sông cách bờ năm, sáu trượng, khơi bếp lò, đốt củi, khói bếp bốc lên, lại cố ý làm món cá sông, nghĩ thầm: Phen này coi ngươi làm thế nào?
Không ngờ, lão vừa nấu cơm xong, Lạc Hàn đã đi tới bờ sông, Triệu Vô Cực cười thầm: Lần này ngươi phải đói một phen rồi chứ? Đâu ngờ Lạc Hàn nọ nhìn về dòng sông một cái rồi lại ngẩng đầu ngắm nghía, sau đó bất chợt tung người nhảy lộn lên, nắm một cành cây du già ven sông. Cái cây này rất cao, Lạc Hàn thân pháp đẹp đẽ, tựa cưỡi gió đạp không, chuyển mình vòng vòng đi lên, một cái nhảy này phải cao hơn hai trượng, vừa mới tới được đầu cành cây, hắn liền vươn tay vin kéo đầu cành đó. Cái cành ấy vốn thô to như nhánh rễ, Lạc Hàn vận sức một cái, cành cây lập tức bị ép uốn thành nửa hình tròn, kế đến Lạc Hàn buông tay, cành cây lập tức bật ngược trở lại, thân thể Lạc Hàn cũng như đạn nằm trên ná, theo cái bật ngược của cành cây mà bắn đi, phóng vù vù thẳng tới con thuyền. Bấy giờ đã gần giữa trưa, hơi nước trên mặt sông bắt đầu bốc lên, hắn liền dang hai tay, tựa như có thể lướt trên dòng khí, chớp mắt đã tới nơi, nghiêng nghiêng đáp xuống khoang thuyền. Triệu Vô Cực không kìm được kêu một tiếng “hay”, khinh công của gã Lạc Hàn này quả nhiên riêng thành một nhà: Liệng như yến tía, nhảy như vượn xanh. Triệu Vô Cực biết chất gỗ của cây du nọ vốn không mềm dẻo, vậy mà Lạc Hàn có thể dùng tay vin nó thành hình cong mà lại không làm gãy để mượn lực bắn đi, một ngón này dùng tới không chỉ là khinh công mà còn là một môn nội lực bất phàm; kế sau, hắn cưỡi khí lướt đi giữa không trung, sự nắm giữ khí tức này càng cần kĩ xảo, tuy Triệu Vô Cực nghe nhiều biết rộng mà cũng không biết nguồn cơn; tuy Lạc Hàn thoải mái tự nhiên nhưng trong cú nhảy này đã hiển lộ ba loại võ học cực kỳ cao thâm, Triệu Vô Cực không khỏi xem mà thích chí, tầm mắt được rộng mở. Tới lúc sực tỉnh, chỉ thấy Lạc Hàn đã ngồi ở đầu thuyền, múc một bát canh, thong thả ăn uống. Ăn xong, hắn ngồi thêm một lúc cho tiêu cơm rồi mới cầm một ống trúc trên thuyền quăng về phía bờ, ống trúc nọ bay lướt trên mặt nước, thân hình Lạc Hàn liền động, nhảy vút lên, một chân điểm lên ống trúc nọ, mượn ống trúc vượt sông, chớp mắt đã lên bờ, bỏ lại cái ống trúc dài hơn hai thước hơi rung rung cắm ở bờ sông.
Về sau, một già một trẻ thường đấu đá nhau như trẻ con. Mới đầu còn xa lạ, lâu ngày rồi cũng thành quen. Tuy không nói chuyện với nhau nhưng có ngày tốt, có ngày xấu, mỗi ngày đều có chút mới mẻ. Lúc vui vẻ, Triệu Vô Cực sẽ đưa thuyền về bờ, chú tâm làm cơm, tay nghề của lão không tệ, do từng nếm qua mỹ vị, bây giờ để tâm mà làm, thứ nào thứ nấy đều mới lạ, độc đáo. Một dải này lại là quê hương của lúa gạo, cá tôm, cá dưới sông, rau trên bờ, tất tật tươi ngon. Tới lúc không vui, Triệu Vô Cực liền neo thuyền giữa sông, càng cố công làm cơm, khiến cho món cá sông nọ hương đưa mười dặm rồi đưa mắt nhìn trêu tức Lạc Hàn. Mà Lạc Hàn kia lại thành ra thực khách duy nhất, tuy lúc ăn không nói gì nhưng ánh mắt tự có phản ứng, ngon hay không đều nhận ra được. Chỉ cần ánh mắt hắn sáng lên, chính là cảm thấy mùi vị tươi mới, ngon lành, trong lòng Triệu Vô Cực không khỏi mừng rơn; nhưng nếu hắn chẳng đổi sắc mặt thì tức là nhạt nhẽo, vô vị, Triệu Vô Cực liền như phải chịu sỉ nhục cực lớn, trong lòng muôn phần khó chịu, bữa sau làm cơm nhất định phải làm thật tốt, đòi về phần mặt mũi này.
Có lúc, Triệu Vô Cực neo thuyền giữa sông, cũng neo xa dần nhưng mỗi lần cũng chỉ xa hơn lần trước nửa trượng, không nhiều, không ít. Lão biết khinh công của Lạc Hàn trác tuyệt, có ý muốn khảo nghiệm cực hạn của hắn. Điều khiến lão giật mình chính là, Lạc Hàn nhảy một cái mà có thể xa tới bốn, năm trượng, thêm vào tá lực súc thế, chuyển hoán thân hình, mượn cành cây, thân trúc thêm sức càng có thể phóng đi xa tới bảy trượng! Món khinh công này, theo hiểu biết của Triệu Vô Cực, trong giang hồ, trừ quỷ thứ chín Mị Ảnh Tôn Phong trên Long Hổ sơn ra, chỉ e không ai bì được. Triệu Vô Cực ham võ thành tính, lại gặp được Lạc Hàn chịu bị khảo nghiệm, đương nhiên thích thú. Hôm đó, lão thử ra được cự ly bảy trượng chỉ e đã là cực hạn của Lạc Hàn, cố ý neo thuyền xa thêm một chút, nhưng không xa thêm nửa trượng nữa, chỉ dịch thêm ba thước. Lão ngồi ở đầu thuyền, dương dương tự đắc, Lạc Hàn trông thấy, khẽ cười, tựa như không có gì khó. Hắn lại mượn sức cành cây phóng vút đi, mới được bảy trượng, thân thể quả nhiên rơi xuống, có điều hắn vốn cong eo, lúc này eo duỗi thẳng, vị trí cơ thể trong không trung tuy không thay đổi nhưng tay lại vươn thêm về phía trước được hơn một thước. Bằng cái vươn này, ngón tay của hắn chạm được dây neo thuyền, thân thể cũng sắp va xuống mặt nước. Hay cho Lạc Hàn! Dùng sức hai ngón tay lại có thể khiến thân thể vươn lên! Chỉ thấy thân thể hắn cất lên, lộn trong không trung ba vòng mới đáp xuống thuyền. Triệu Vô Cực xem tới mức hoa mắt chóng mặt, bởi một phen này Lạc Hàn cũng đã dốc hết sức, khí tức chưa kịp điều hòa, thế đáp hơi nặng, thuyền nhỏ không vững, chịu cái chấn động này của hắn, tuy chưa tới mức lật nhưng chỉ sợ canh trên bếp sẽ văng đi mất. Triệu Vô Cực không nỡ bỏ, liền đưa tay đỡ lấy Lạc Hàn, hai người nhìn nhau bật cười, đem hồi cãi cọ chỉ vì một con chim âu ban sáng cười xòa xua tan hết.
Ngày hôm sau, Triệu Vô Cực lại dịch thuyền xa thêm mấy thước, muốn xem xem Lạc Hàn làm thế nào. Biết đâu lúc cơm chín, Lạc Hàn tới nhìn cũng chẳng buồn nhìn, lại vỗ vỗ đầu con lạc đà, ghé sát tai nó nói vài câu, con lạc đà bèn đứng dậy, lội xuống nước, bì bõm bơi đi.
Con lạc đà nọ bơi thẳng đến đầu thuyền, cắn lấy hai cái màn thầu rồi quay đầu bơi về. Triệu Vô Cực sững người, trong lúc ngớ người, con lạc đà đã lên tới bờ. Lạc Hàn nhận màn thầu từ miệng lạc đà, cũng không ngại bẩn, mở miệng cắn luôn một miếng. Triệu Vô Cực không khỏi cười khan: Một là cười thiếu niên này đúng là cùng ăn cùng ngủ với con lạc đà, thứ hai là cười con lạc đà thật đúng là hệt như nghe hiểu tiếng người. Đợi một lúc, Lạc Hàn dường như cảm thấy nhạt miệng, bèn tước vỏ cây, dùng móng tay vạch vạch mấy nét rồi đưa cho con lạc đà ngậm lấy, lại bì bõm lội đi như vừa rồi.
Triệu Vô Cực đón lấy miếng vỏ cây, trông thấy bên trên chỉ vạch vạch qua quýt hai chữ: “Món ăn” thì không khỏi phì cười. Được cái lưng con lạc đà này vừa rộng vừa dày, Triệu Vô Cực lấy hai đĩa thức ăn đặt lên lưng nó, để nó đem về bờ.
Cứ tiêu dao như thế gần mười ngày. Mười ngày sau, hai người đã tới trước Mã Yên sơn.
Mảnh đất này có tên Thái Thạch Cơ. Lúc hai người tới nơi thì đã quá chiều, ráng chiều như gấm. Triệu Vô Cực làm thân ngư tiều mười năm, cũng hiếm thấy được cảnh đẹp bằng này, thật đúng là: “Ráng chiều và bóng vạc cùng bay, nước thu hòa dải trời một sắc(1)”. Ngắm cảnh trí này khiến người ta cảm thấy sống tới già ở nơi quê mùa này cũng cam lòng. Lúc lão nấu cơm xong, Lạc Hàn lại lên thuyền như trước, hai người yên lặng ăn cơm.
Mười mấy ngày nay, tuy Triệu Vô Cực chưa từng quên thân phận đôi bên nhưng đã cảm thấy hai người giống như bằng hữu. Một đời này lão ít có bằng hữu, nhưng ở một chỗ với Lạc Hàn, lão tựa như quên đi tuổi tác của bản thân, chỉ cảm thấy như cò vạc một bè, đôi bên không hề nghi kỵ.
Ăn cơm xong, Lạc Hàn nhất thời không động đậy, Triệu Vô Cực cũng không vội thu dọn. Hai người ngắm ráng chiều kia, cả con sông dường như được phủ lên một tầng vàng óng.
Hồi lâu, Lạc Hàn chợt nói: “Ta phải qua sông rồi.” Triệu Vô Cực ngạc nhiên, tựa hồ không kịp phản ứng. Lạc Hàn ngắm ráng chiều nơi chân trời, diễm lệ là thế, xán lạn là thế, nhưng mặt trời vừa xuống, chúng sẽ lập tức thuộc về ngày hôm trước. Còn ngày mai ư, chiều ngày mai, ai mà biết sẽ là sắc mây gì, không chừng còn biến thành nặng nề, u ám. Hôm nay có lẽ thuộc về bọn họ, ráng chiều sau cùng của hắn cùng một lão đầu. Phiêu dạt tương ngộ, ngẫu nhiên hiểu nhau, có điều giờ Lạc Hàn nói: “Ta phải qua sông.”
Triệu Vô Cực nghe tới lần thứ hai mới tựa như hiểu được. Lão cũng nhìn về ráng chiều sặc sỡ, không nói gì. Đời này, những cuộc gặp gỡ ly kỳ của lão nhiều không đếm được, nhưng cùng thiếu niên này ngồi trên một chiếc thuyền con, cùng trải thú ngư tiều, cùng ăn cơm hơn chục ngày, phong vị trong đó thật như là truyền thuyết. Nhưng khổ nỗi, tất cả truyền kỳ đều không được lâu dài, thiếu niên này kiệt ngạo khó thuần mà bản thân lão thì cũng là người trong cái xã hội hiện thực này. Trong cái xã hội hiện thực này, không chỉ có ráng chiều, sông nước, thuyền đơn, mà còn một trường tranh đấu không cách nào tránh né được, có rất nhiều mưu toan không thể không thực hiện.
Lão biết ý của Lạc Hàn, hắn nói sắp qua sông không phải là muốn mình đưa hắn qua sông mà nghĩa là từ sớm đã đoán được mục đích mình bám theo. Hắn có một con lạc đà giỏi bơi lội như thế, qua sông đối với hắn hẳn không phải việc gì khó. Nghĩ tới đây, Triệu Vô Cực thở dài một tiếng.
Thở dài là một dạng tạm dừng tâm linh, cái thở dài ấy của Triệu Vô Cực rất dài, bởi một khắc ấy, tâm tình được buông lỏng, có thể chẳng cần nghĩ ngợi gì, hỏi han gì, dài tới mức lão hy vọng có thể vĩnh viễn không cần lại nghĩ tới mấy thứ công danh lợi lộc, ưu phiền thế tục nữa.
Kế đó, lão mở miệng nói: “Xem ra ta không thể không ngăn ngươi. Duyên phận ngồi ăn cơm cùng thuyền của hai ta xem ra cũng đã tận rồi.”
Lão khẽ bấm đốt ngón tay. “Sau khi nam độ, tính ra hai lão già bọn ta cũng đã thoái ẩn mười ba năm. Bọn ta không muốn thoái ẩn, nhị đế bị bắt lên phía bắc, nước nhà tan nát, ta thật chẳng biết mười hai năm rồi bọn ta làm sao mà sống. Nhưng Viên lão đại... Viên lão đại ép bọn ta quá chặt, bọn ta không có cơ hội. Đường ca Vô Lượng của ta so với ta còn chất chứa sâu hơn một chút, nhưng kể như là ta cũng hiểu được cái đau khổ trong lòng lão. Ngày ngày thuyền chài gió sông, ngư tiều canh độc, xem tựa ẩn dật, kỳ thực làm sao dứt được lòng muốn nhập thế, dạ muốn oai hùng của ta. Trong lòng hai lão già bọn ta, bầu lửa giận kia chưa từng lụi tắt.”
Sau đó, lão vỗ vỗ sàn thuyền. “Tiểu bằng hữu, mười mấy ngày nay ta cùng ngươi kẻ ngồi thuyền, người cưỡi lạc đà, cùng song hành, ta mới coi như cuối cùng đã nếm được một chút cái thú ẩn dật. Ta thuở nhỏ học tập thư pháp, thường dùng thơ từ của danh gia luyện chữ, cũng coi như đọc qua không ít thơ, nhưng tới tận ngày hôm nay, ta mới hiểu thế nào gọi là: “Trong núi lặng yên xem bụt sớm, dưới tùng trai giới ngắt quỳ sương”.”
Nói rồi, lão thở dài: “Thế nào là: “Lão quê chẳng vướng tranh hơn được, âu biển bởi sao cứ ngại ngờ(1)”.”
Lời lão bình đạm nhưng rất khó hiểu, xem ra xuất phát từ chân tâm. Bấy giờ, lão nhìn về phía tây, dưới ráng chiều muộn, con đường bọn họ vừa đi tựa đã xa xôi, nhạt nhòa, giống như chèo buông ngấn nước, chèo qua rồi nước chẳng còn ngấn gì. Đời người, chút ít thanh nhàn cùng khoái lạc cũng đều thế chăng? Mấy chuyện buổi sớm hái râm bụt, dưới sương ngắt hoa quỳ, trên đường gặp lão nông, mua rau đổi gạo; mấy trò vui cười đấu khinh công, đọ nấu nướng ồn ào, thú vị; còn cả chút giản dị rau dại góp bữa ăn, lá rụng vun làm củi đối đãi nhau cũng đều thoáng qua như mộng. Tỉnh khỏi giấc mộng này, trong hiện thực, lão cùng thiếu niên Lạc Hàn này không thể không đối mặt đánh một trận, cũng không thể không có xung đột, bởi vì, Triệu Vô Cực để ý thấy mái tóc bạc phất phơ trong gió chiều của mình, ngày tháng của lão cũng không còn nhiều nữa. “Tuổi xế chiều, bởi vậy ngược dòng mà đi”, đại trượng phu không lập công dựng nghiệp trên đời, không bước trên con đường huy hoàng, cõi người này, há chẳng phải đi uổng một chuyến rồi sao?
Lão nhìn Lạc Hàn, kìm nén lòng thương cảm của mình, bình tĩnh nói: “Người trong giang hồ chẳng được theo ý mình. Giang Nam vốn là một đầm nước chết, may có ngươi tới, một kiếm khuấy lên. Đứng ở lập trường của ta, bất kể thế nào cũng không thể để ngươi cứ thế nhàn nhã rời đi được. Ta không phải muốn đánh nhau sống chết với ngươi nhưng chí ít ta cũng phải vây ngươi bảy ngày, không chỉ là ta, cả Giang Nam lúc này không biết có bao nhiêu người muốn mượn một kiếm của ngươi. Sau bảy ngày, đại cục đã thành, tới lúc ấy ngươi có muốn đi cũng không đi được nữa. Kỳ thực, chuyện này với ngươi cũng chưa hẳn không phải chuyện tốt. Dựa vào tài năng của ngươi, chôn danh ở tái ngoại há chẳng đáng tiếc sao? Giờ vừa hay là cơ hội tốt, chỉ cần ngươi nắm lấy, có rất nhiều thế lực mặc ngươi sử dụng, chưa chắc ngươi không thể tự thành một phe, dựng riêng cờ xí. Bọn ta chỉ muốn ngươi đi đầu, đánh một trận với Viên lão đại, quấn lấy hắn, thu hút tinh lực của hắn, mọi người sẽ có cơ hội cải biến cục diện Giang Nam.”
Lạc Hàn lãnh đạm hỏi: “Nếu không thì sao?”
Triệu Vô Cực nói: “Vậy tiểu lão nhi đành xuất thủ thôi.” Lạc Hàn đứng dậy, bên trái hắn, ánh chiều len tới, chiếu rạng nửa khuôn mặt bên trái. Đấy là một nét mặt vững vàng mà đẹp đẽ, tuy không cất tiếng nhưng đường nét ấy tựa như đã nói lên lời hắn muốn nói: Hắn muốn sống cuộc sống của mình, không muốn dây dưa hay ràng buộc, không cần thế lực, cũng không muốn để kẻ khác sử dụng, chỉ nghe hắn lẳng lặng nói: “... Chiến thôi!”
Cảnh Thương Hoài một đường đuổi gấp, tới được Thái Thạch Cơ cũng chỉ tốn có hai ngày. Bờ sông trống không. Lúc hắn tới bên sông đã là giờ Tý nửa đêm. Mùng Ba tháng Mười một, một vầng cong mỏng như có như không treo trên nền trời, đấy hẳn là mặt trăng, kẻ mắt kém gần như nhìn không ra.
Trăng mảnh như tơ, bờ sông dưới trăng chẳng có ai, không Lạc Hàn, cũng không Triệu Vô Cực, Cảnh Thương Hoài chỉ thấy một con thuyền. Sở dĩ con thuyền này thu hút sự chú ý của Cảnh Thương Hoài là bởi nó nằm trơ trọi cách bờ bốn, năm trượng, trên sàn đồ vật tán loạn.
Cảnh Thương Hoài gọi một tiếng, trên thuyền không có người. Hắn nhảy lên thuyền, thấy con thuyền bị một ống trúc găm xuyên sàn, cắm xuống lớp bùn dưới đáy sông, cho nên mấy ngày rồi mà vẫn không bị trôi đi. Bên trong, nước đã ngập nửa thuyền. Trên sàn thuyền, mâm chén lộn xộn, xem dụng cụ thì đều làm bằng bạc, thủ công tinh xảo, dường như là đồ dùng ngày xưa ở Trung đô. Xem ra Thạch Nhiên nói không sai, chủ nhân của con thuyền chỉ e chính là Triệu Vô Cực trong Tông thất song kỳ.
Cảnh Thương Hoài lấy ra một miếng mồi lửa, hứng gió khơi sáng, xem xét trong thuyền. Mắt hắn sắc bén, quét một cái đã phát hiện dấu vết, sau đó hắn lại nhảy lên bờ quan sát. Trên bờ có một dấu chân in trên một khoảng đất cứng, đạp gãy một đoạn rễ cây. Dấu chân nọ khá sâu, nước đã ngập tới nửa, Cảnh Thương Hoài gật đầu. Hắn lại nhảy vào thuyền, trong khoang thuyền thiếu đi một thanh xà nóc, dường như là bị rút đi. Nước đã ngập thuyền, Cảnh Thương Hoài khom lưng tìm được trong nước một cái chén, một cái mâm bạc. Chén đã bị bổ làm đôi, trên mặt mâm thì có một cái lỗ. Cảnh Thương Hoài phỏng đoán tình cảnh đương thời, trên thuyền này tựa như từng có một cuộc chiến, nếu đúng thế, xuất thủ trước nhất định là Triệu Vô Cực, bởi vì trên sàn có vết rạn, vết rạn đó men theo hoa văn vốn có của thớ gỗ tẽ ra, Lạc Hàn không ra tay kiểu này, cách xuất thủ thế này không có ai khác, rõ ràng là một môn võ công Trần Đoàn năm xưa dùng để đổi lấy ngọn Hoa Sơn với Tống Thái Tổ - Đỉnh Nãi chân kinh. Xem ra Triệu Vô Cực muốn ép Lạc Hàn lên bờ.
Lão không muốn chiến, lão chỉ muốn quấn lấy Lạc Hàn. Lạc Hàn quả nhiên lên bờ, cho nên mới có dấu chân sâu gầy kia. Hắn vừa lên bờ thì Triệu Vô Cực đã đẩy thuyền đi, Lạc Hàn lại nhảy tới, Triệu Vô Cực đẩy thuyền đi xa bốn trượng, Lạc Hàn đã tới nơi, dùng sào trúc ghim thuyền vào lòng sông, nước sông sâu, đoạn sào trúc thòi ra khỏi sàn thuyền không được đến một thước. Kế đó, Lạc Hàn xuất kiếm, Triệu Vô Cực không kịp đánh trả, đây là kiếm ý của Lạc Hàn - đột nhiên xuất thủ, không ai liệu nổi, Triệu Vô Cực lấy chén ngăn, chén bị chẻ, lấy mâm chắn, mâm bị xuyên, sau đó Triệu Vô Cực mới có thời gian rút xà thuyền, dùng món Tề mi trường côn mà năm xưa Thái Tổ gia của lão dùng để dấy binh, danh lừng thiên hạ!
Sau đó thì thế nào? Cảnh Thương Hoài nhìn vết cỏ trên bờ, rõ ràng hai người không hề lên bờ. Nhưng trên thuyền cũng không có dấu vết, hai người kia đã đi đâu rồi? Cảnh Thương Hoài nghĩ mãi không ra, có chút nóng ruột. Hắn cũng không biết vì sao mình nóng ruột, trừ phong thư Viên lão đại nhờ hắn gửi Lạc Hàn ra, đáng lẽ hắn chẳng có chút quan hệ gì với việc này. Coi như ở Khốn Mã Tập hắn thiếu Lạc Hàn một món nợ ân tình, nhưng hắn bị Lạc Hàn giá họa, bị Đề kỵ quấn lấy gần hai tháng trời, thế cũng coi như hòa rồi, nhưng Cảnh Thương Hoài vẫn không kìm được mà quan tâm tới Lạc Hàn.
Hắn không lo lắng về võ công của Lạc Hàn, mà là đối phó với hạng cáo già như Triệu Vô Cực, chỉ dựa vào võ công thì còn xa mới đủ.
Cảnh Thương Hoài ngẩng đầu, nhớ lại lời Thạch Nhiên nói lúc hắn rời khỏi sơn môn ngày hôm đó: “Ngài cần tìm được Lạc Hàn, hắn cũng nhất định phải lộ mặt. Mười năm nay, chưa một ai có thể mảy may làm dao động Đề kỵ. Lúc này, hắn có biết có bao nhiêu người thừa dịp làm loạn không? Ngay ở trong Thất mã của chúng tôi, Phi kỵ bị thương, Thiết kỵ đã chết, Phiêu kỵ Lư Lãnh Ca cũng bặt vô âm tín, đoán chừng đều do Văn gia thừa cơ ra tay, mà người của bọn chúng cũng chẳng tốt lành đâu. Viên lão đại đã nổi giận, Lạc Hàn hắn nhất kiếm tung hoành, xong việc thì đi, hắc, không giết hắn làm sao bình ổn được cái loạn ở Giang Nam đây?”
Đột nhiên, Cảnh Thương Hoài nghe được tiếng lạc đà kêu, dài mà lanh lảnh, đêm khuya tĩnh lặng thế này, nghe mà run người. Cảnh Thương Hoài giật mình, âm thanh đó giống tiếng con lạc đà của Lạc Hàn. Thân hình hắn vút đi, lần tiếng tìm tới, men sông đi một mạch bốn, năm dặm, chỉ thấy dòng sông chợt chuyển, trước mắt bỗng xuất hiện một ngọn núi, núi đó thế đâm ngang, ép dòng chảy vòng sang trái mà đi, dưới núi dòng nước tách đôi, bỏ lại một bãi cát nông. Con lạc đà đang ở bãi cát đó kêu bi thiết. Sắc lông xanh, cốt cách thẳng thớm, đúng là con lạc đà Lạc Hàn cưỡi. Cảnh Thương Hoài cả kinh, nhưng vẫn không thấy chủ nhân của nó đâu, chỉ thấy con lạc đà gục đầu nghe ngóng dòng sông nọ một lúc, kế đến lại ngẩng đầu kêu lên, tiếng kêu đau buồn, lòng Cảnh Thương Hoài lặng xuống: Lạc Hàn đã đi đâu? Triệu Vô Cực cũng đã đi đâu?
Bằng vào một chiêu Hồ kiếm của Lạc Hàn, Triệu Vô Cực không có chỗ dựa sẽ không xuất thủ, lão dựa vào cái gì mà có lòng tin có thể vây khốn Lạc Hàn?
Kỳ thực, Cảnh Thương Hoài ước đoán vậy mà đúng tới già nửa. Hôm đó, sau khi Triệu Vô Cực rút Tề mi côn, lão cùng Lạc Hàn hai người đều đứng im, một ở đầu thuyền, một ở đuôi thuyền. Triệu Vô Cực cũng không muốn một mình va chạm với một kiếm sắc nhọn của Lạc Hàn, hồi lâu bèn cười nói: “Có giỏi thì ngươi cứ xuống nước mà đuổi ta, tiểu lão nhi ở trong nước có thể ngụp bốn ngày bốn đêm không ăn uống đấy! Ngược lại, ta cũng đâu muốn thắng ngươi, ngươi chẳng phải Viên lão đại, gã mới là nhiệm vụ của ngươi, ta chỉ muốn bám lấy ngươi, muốn ngươi không qua được sông, cứ lưu lại đây trước rồi nói.”
Dứt lời, lão bật cười ha ha rồi mang côn nhảy xuống nước. Lạc Hàn kinh ngạc, không nghĩ tới lão nhân nọ lại dùng chiêu này, không khỏi có phần vô lại. Lạc Hàn hắn tuy tài cao gan lớn nhưng qua lại mười mấy ngày đã biết được Triệu Vô Cực này tất là cao thủ, lần này bản thân xuống nam, trong những người gặp được, trừ Cảnh Thương Hoài ra, luận về võ công tu vi, chỉ e có người này xuất chúng. Có lão rình trong nước, nếu mình cưỡi lạc đà qua sông... bản thân không nói làm gì, Đà Nhi là con vật mình yêu quý, không thể để Triệu Vô Cực nọ hại nó.
Hắn trầm ngâm một lúc, đang định lui trở lại bờ, Triệu Vô Cực đã nhảy khỏi mặt nước, nói: “Lạc tiểu ca nhi, ta biết ngươi tới từ sa mạc, là kẻ nơi man di, chỉ e từ nhỏ tới lớn chưa từng thấy nhiều nước thế này. Sao thế? Không dám xuống à?”
Lạc Hàn biết rõ lão khích tướng, miệng cười lạnh, rốt cuộc vẫn là thiếu niên khí thịnh, nói: “Thủy chiến ta lại sợ lão chắc?” Nói rồi, hắn hít dài một hơi, hai chân nhún một cái, nhẹ nhàng nhảy lên, tựa ảo ảnh lóa không, chui vào lòng nước, không chút tiếng động. Trước khi xuống nước, hắn đã bảo lạc đà tự mình qua sông, hắn muốn ở trong nước bảo hộ.
Lạc Hàn vừa xuống nước liền mở to mắt, sau đó đã cảm thấy không hay, trong nước tựa như có rắc thứ thuốc gì đó, làm buốt đau hai mắt, hắn đành nhắm mắt lại, nhưng cũng đã nhìn được rõ chỗ Triệu Vô Cực ẩn mình. Chỉ thấy sau khi mình xuống nước, lão lại đang bơi lên mặt nước. Lạc Hàn duỗi lưng, hai chân cùng đạp, xoay về lòng sông, lướt đi hơn hai trượng, hắn biết Triệu Vô Cực ắt sẽ theo tới, nước sông trôi chảy, thuốc rắc ra không giữ được lâu, hắn không sợ một chiêu này của Triệu Vô Cực, chẳng mấy chốc đã bơi tới chỗ nước sông trong vắt rồi mới lại mở mắt, thấy được bốn vó con lạc đà của mình đang đưa khỏa không xa.
Bấy giờ, chợt thấy Triệu Vô Cực cũng đã bơi tới cách Lạc Hàn chưa tới ba thước, hai người toàn thân chìm trong nước, đều không chịu ngoi lên trên mặt. Triệu Vô Cực nọ nhếch mép cười với hắn, hai tay không ngừng khoa múa với Lạc Hàn. Lạc Hàn vẫn chưa hiểu lẽ gì, bỗng thấy Triệu Vô Cực đã chìm xuống dưới, khoanh chân ngồi trên lớp cát dưới đáy sông. Hai chân lão gác lên nhau, cắm Tề mi côn xuống đáy, đưa ngón tay viết lên cát chữ: “Ngồi”.
Phải biết nước Trường Giang vốn chảy xiết, cộng thêm sức nâng của nước, muốn dễ dàng, đơn giản ngồi yên ổn dưới đáy sông như thế thực sự là một chuyện cực khó. Lạc Hàn “hừ” một tiếng, biết Triệu Vô Cực muốn so sự tĩnh với mình, bèn cũng chìm xuống đáy, ngồi xuống, có điều tư thế ngồi của hắn không giống với Triệu Vô Cực, không phải khoanh chân mà là một gối buông, một gối dựng, Triệu Vô Cực ngạc nhiên, biết đây là một lộ pháp môn luyện khí khác của Lạc Hàn.
Chỉ thấy lão lại đưa ngón tay, vạch lên lớp cát đáy nước: “Chúng ta so hơi xem sao? Xem ai không kìm được trước. Người hơi dài thì thắng, xem ai không kìm được trồi lên mặt nước trước.”
Lạc Hàn biết, kỳ thực ngón khó nhất của Triệu Vô Cực không phải là ngồi im đáy nước mà là mấy chữ lão viết xuống lớp cát dưới đáy sông. Nước lùa cát chảy, cát đáy sông vốn luôn phẳng lì như gương, muốn viết chữ lên mặt cát trong dòng nước chảy này, lại còn phải để người ta xem được nét chữ, điều này chẳng phải chuyện đùa, ắt phải khổ tu tiên thiên chân khí mấy chục năm mới làm được. Thật ra, Triệu Vô Cực nhảy xuống sông lần này cũng là việc đã tính toán kĩ từ trước. Lão biết lộ số võ công của Lạc Hàn thiên về nhẹ nhàng, tuấn dật, biến chếch, mau lẹ, trên bờ, trừ Viên lão đại ra, không biết có được mấy người ngăn nổi một kiếm sắc bén của hắn. Năm xưa, ở Đằng Vương các tại Nam Xương, Lạc Hàn mới chỉ mười bốn, bản thân lão từng ngồi trong thuyền ở xa xa ngoài các quan sát chận chiến của hắn cùng với người trong Giang thuyền chín họ. Một trận đó tới nay, trong hơn trăm trận so đấu của cao thủ giang hồ mà Triệu Vô Cực từng chứng kiến, xứng đáng với hai chữ “quan chỉ(1)”, mười mấy năm đã qua, Lạc Hàn hẳn càng có tiến bộ. Có điều, ở trong nước thì liền có sự khác biệt lớn, thân pháp “nhẹ nhàng” của Lạc Hàn chỉ e khó có thể ổn định trong nước; mà cái “tuấn dật” của kiếm thế, chịu lực cản của nước chỉ e cũng khó mà phát ra; còn cái đạo “biến chếch” vốn là kỳ chiêu trong kiếm pháp, nhưng trong dòng nước xiết chớp mắt có muôn vạn biến hóa lay động mũi kiếm, chỉ trong thoáng chốc, sợ rằng sai một ly đi ngàn dặm; mà luận tới “mau lẹ”, bị nước cản trở, nghĩ cũng biết ắt sẽ bị giảm trừ lớn.
Còn bản thân lão, từ nhỏ cẩn tu Đỉnh Nãi công. Môn nội công này Tống Thái tổ khen là “nhất phẩm đương triều”, xem nó là bảo vật của tông thất, đương nhiên cũng chẳng phải tầm thường. Môn khí công này xuất phát từ Đạo gia. Năm xưa, Trần Đoàn lão tổ chính là dùng ba trăm mười bảy câu mật quyết của công phu này đổi với Thái tổ Hoàng đế lấy tòa Hoa Sơn. Môn công phu này bên ngoài truy cầu cái nặng nề, bên trong chủ cái hư rỗng, mà tôn chỉ yếu quyết của nó thì quy vào bốn chữ “Thượng thiện như thủy(1)”. Bốn chữ này vốn xuất phát từ sách Đạo Đức kinh của Lão Tử, chỉ bốn chữ này thôi trong ca quyết của Cửu Nãi công đã xuất hiện lặp lại trước sau không dưới ba mươi mấy lần. Bộ công phu này Triệu Vô Cực tu luyện khắc khổ, trong lòng thầm đoán, Trần Đoàn truyền bộ công phu này cho Thái tổ tuyệt không chỉ đơn giản vì đổi một tòa Hoa Sơn, chỉ e là muốn dùng võ công mà khuyên răn: Thượng thiện như thủy, thượng binh phạt mưu(2) - đều liên quan tới đạo lý lớn về trị quốc bình thiên hạ. Cái gọi là có thể lập tức đoạt được thiên hạ thì cũng không thể lập tức khiến nó được yên bình.
Chiêu này của Triệu Vô Cực để đối phó với Lạc Hàn thì thật đáng xưng là “lấy cái cùn của ta, ngăn vào chỗ không sắc nhọn của địch”, chính hợp vào yếu chỉ quan trọng trong võ công Đạo gia.
Chỉ thấy lúc này Triệu Vô Cực lại dùng ngón tay vạch chữ, cười mà viết rằng: “Có dám không?”
Lạc Hàn nhướng mày, ở trong nước, hắn không cách nào lên tiếng, nội lực tu vi cũng không theo lối dày dặn, thuần hòa như Triệu Vô Cực, khó viết chữ dưới cát đáy sông, bỗng thấy hắn thình lình rút kiếm. Hắn không hề dùng kiếm vạch chữ lên lớp cát mà duỗi tay khua trong nước, thuận theo kiếm thế, mũi kiếm của hắn khua lên những hoa nước mảnh, nhìn kĩ thì cũng ra hình chữ, chính là: “Đọ đi.”
Triệu Vô Cực bật cười, điều một ngụm khí, hai mắt hơi khép, mắt nhìn mũi, mũi nhìn miệng, miệng nhìn tim, đả tọa ngồi xuống, hệt như định ngồi dưới đáy sông cả năm. Môn nội công này của lão căn cơ nằm ở Tử Phủ tiên thiên chân khí. Công phu Đạo gia vốn lấy thân mình làm vũ trụ, hô hấp trong đó khác xa bình thường. Luyện tới chỗ cùng cực, từng lỗ chân lông trên da đều có thể thổ nạp qua lại với bên ngoài. Chỉ thấy sau khi Triệu Vô Cực ngồi xuống, thắt lưng vùng eo tự động nới ra, y phục toàn thân cũng bồng bềnh trong nước, trông rất rộng rãi, thoải mái. Mi mày của lão cũng theo nhịp điều khí mà dần mở ra, khuôn mặt nở nụ cười nhẹ, cơ bắp buông lỏng, rất nhanh đã tiến vào cảnh giới vật ngã hài hòa. Nhìn thật kĩ chỗ làn da lão, tựa như thấy được bọt khí cực nhỏ, cơ hồ mắt thường không thấy được đang nhẹ nổi lên, mặc kệ sinh diệt. Thần thái tướng mạo lão vốn bình thường, lại một thân ăn mặc như ngư phu, nhưng công phu vận tới chỗ thâm sâu, chỉ thấy dưới đáy sông, trong ánh sáng mờ mờ, mi mày Triệu Vô Cực bồng bềnh, y phục phất phơ, hình dáng tư thế đó ẩn hiện phong thái tông sư một phái.
Lạc Hàn hiếu kỳ nhìn lão. Hơi thở của hắn cũng rất dài, từng khổ luyện suốt ba mùa đông trong lòng hồ Thanh Hải, bởi thế mà có một dạo da dẻ nứt nẻ, nhưng cuối cùng cũng không so được với loại công phu dưỡng khí Đạo gia đã lắng trải hơn ngàn năm của Triệu Vô Cực. Dần dần, đã qua thời gian một tuần trà, khí tức của Triệu Vô Cực càng lúc càng thoải mái, chỉ thấy lão đưa tay vạch cát, viết: “Nhàn rỗi vô sự, vậy coi ta luyện chữ.”
Ngừng một lát, lại viết rằng: “Người xưa than thở viết chữ vào không khí, nay ta dưới sông viết chữ lên cát than thở, chưa biết ai có phong độ hơn.”
Lão nhàn nhã cao hứng, có tâm tư nói đùa. Kế đến, lão khoát tay áo, quả nhiên ở trong nước vẫn tiêu sái tự nhiên, đưa ngang dựng dọc, thật sự viết chữ, khởi bút chính là Bá Viễn thiếp của Vương Tuần thời Đông Tấn, cái phóng túng của bút ý, nét khỏe khoắn của hình chữ trong đó, Lạc Hàn tuy không hiểu nhưng cũng cảm nhận được.
Mới đầu, Lạc Hàn chỉ cho rằng lão đang viết chữ, chẳng bao lâu liền cảm thấy dòng chảy quanh người có dị biến. Triệu Vô Cực càng viết càng nhanh, dòng chảy cạnh người Lạc Hàn cũng càng cuộn nhanh. Thuật dùng dòng nước quấy nhiễu khí tức này hoàn toàn là pháp môn của Đạo gia. Tiếp đó, tay Triệu Vô Cực đột ngột chậm lại, đổi thành lối tiểu khải của người thời Đường, ngay ngắn, đẹp đẽ, một nét bút là một nét vạch, không chút cẩu thả. Đỉnh Nãi công của lão vốn luyện thành từ trong nước, để thể hội tinh nghĩa của bốn chữ: “Thượng thiện như thủy” nọ, mà thư pháp này của lão cũng là môn được tâm truyền thuở còn luyện công. Viết tới đoạn sau, Triệu Vô Cực đã giống như chủ nhân Thủy Tinh cung, phiêu du tiên tục, chẳng phải là người nơi trần thế. Khuôn mặt Lạc Hàn lại đỏ dần, một ngụm khí tựa không ép được nữa cuối cùng nhả ra.
Thấy Lạc Hàn thổ ra một hơi bọt khí dài, Triệu Vô Cực không nén được vui mừng, đang định viết xuống cát: “Ngươi thua rồi” thì thấy Lạc Hàn nhả khí xong, sắc mặt lại bình hòa, há miệng hút lấy một ngụm nước, hồi lâu thì nhả ra, rồi lại ngậm một ngụm nước rồi lại nhả ra. Hai tay ôm lấy một đầu gối, vênh vang làm như chẳng có chuyện gì. Triệu Vô Cực cả kinh, nghe nói ở miền cực bắc, người Đoạt Oa Nhĩ thạo thuật hoán khí dưới nước, tiện cho việc bắt cá Bắc Hải vào mùa đông, hành động của thiếu niên này tựa như chính là dị thuật đó, chỉ không biết hắn học được từ đâu?
Chỉ thấy Lạc Hàn thu kiếm, đưa ngón tay vạch trong nước: “So thế này, không biết chúng ta phải so tới năm nào tháng nào?”
Triệu Vô Cực chính là muốn cầm chân hắn, nề hà gì thời gian ngắn dài, liền đưa tay viết: “Bạn tốt khó được, tiểu lão nhi hiếm hoi có được bạn vong niên là ngươi, tĩnh tọa đáy nước, há chẳng hơn xa vất vả chốn bụi trần sao? Ta tuổi đã cao, ngày tháng còn lại không nhiều, ta không vội, ngươi vội cái gì?”
Hai người đều vạch nước truyền ý. Lạc Hàn viết tới nét cuối cùng, Triệu Vô Cực mới cảm thấy một luồng nước ngầm vọt tới mi mày mình. Lạc Hàn lấy ngón tay thay kiếm, ý không ở chữ mà ở kiếm ý.
Triệu Vô Cực mở miệng định “ha ha” cười lớn, miệng mở rồi mới nhận ra đang ở dưới nước, ở cuống họng chỉ có thể phát ra hai tiếng “khục khục” biểu thị cười to. Chưởng trái thì vạch hai chữ “ha ha”, hóa giải một chiêu đánh tới của Lạc Hàn.
Chỉ thấy Lạc Hàn lại viết: “Vì sao lão nhất định giữ ta lại?” Triệu Vô Cực ngạc nhiên, có điều Lạc Hàn bút bút đều như kiếm thế, trùng điệp mà đến, không chừa chỗ cho lão chần chừ. Lão cũng dùng bàn tay vạch chữ, đáp: “Bởi vì ta muốn thấy ngươi đấu một trận với Viên lão đại. Không chỉ có ta, võ lâm Giang Nam không biết bao nhiêu người trông ngóng trận chiến này đấy!”
Lạc Hàn không nói nữa mà chỉ chợt chỉ chợt điểm, từng chiêu từng chiêu công tới. Triệu Vô Cực tiếp tục dùng chưởng thay bút, hóa giải thế chiêu dày đặc của Lạc Hàn, tay trái thì viết lên cát: “Ngươi có biết, trong võ lâm Giang Nam, Viên lão đại đã kết bao nhiêu oán thù không?”
Lạc Hàn duỗi ngón tay lạnh lùng đâm tới, tiện tay viết: “Có can hệ gì tới ta?”
Trầm ngâm chút rồi viết tiếp: “Cũng có liên can gì tới lão?” Triệu Vô Cực sững người, tựa như bị câu hỏi này chọc giận. “Nhưng mà còn gã ở đó thì sẽ bảo hộ cho hôn quân gian tướng nọ, vĩnh viễn chẳng thể nghênh đón nhị thánh quay về!”
Nhị thánh mà lão nói cũng chính là thúc, huynh của lão - hai vua Huy Tông, Khâm Tông.
Lạc Hàn cười lạnh, viết: “Chỉ sợ nhị thánh đã chết cả rồi.”
Triệu Vô Cực thấy nôn nao trong ngực, tuy đang ở dưới nước, hai dòng lệ nóng vẫn tứa ra. Dùng chưởng vạch chữ, lúc này lão bi phẫn, trong chưởng vận thêm lực, vạch ra mà khiến thế nước ùng ục vang tiếng: “Thế cũng phải nghênh rước di cốt hai vị trở về.”
Lạc Hàn lạnh lùng vạch rằng: “Bao kẻ bần hàn đều phải phơi thây đồng hoang, chẳng ai lo liệu, mà nhị thánh này thì có tác dụng gì, nghênh hay không nghênh đã làm sao?”
Triệu Vô Cực liền viết: “Nhưng họ là hoàng đế.”
Lạc Hàn viết: “Hai gã hôn quân.”
Triệu Vô Cực bừng giận, hận không thể một chưởng chém chết Lạc Hàn. Nhưng nghĩ lại, lời hắn nói cũng không sai, bản thân lúc thường chỉ nói gian tướng hại nước, nhưng mà chỉ e nước là bị hại trong tay họ Triệu bọn họ, trong mắt lão bỗng ứa hai hàng lệ, từ từ viết rằng: “Nhưng bọn họ một người là thúc phụ, một người là đường ca của ta.” Rồi ngừng một chút mới viết tiếp: “... Cũng đều là bậc văn tài phong lưu, hai nghề thư họa quán tuyệt một thời, Tuyên Hòa họa viện tới nay còn nức tiếng.”
Chỉ thấy Lạc Hàn viết rằng: “Bắt cống nạp đá hoa, mệt nhọc cả thiên hạ, thân phải chết nơi dị vực ấy là phận đáng phải thế!”
Triệu Vô Cực nuốt giận, nói: “Thằng tiểu tử man di nhà ngươi thì hiểu cái gì?” Lạc Hàn cũng không chịu nổi bị lão dây dưa nữa, hai người càng nói càng giận, lửa giận lớn dần, kiếm ý trong tay Lạc Hàn nhanh dần, Triệu Vô Cực chỉ dựa vào một tay đã không địch lại được kiếm ý của hắn, dần phải dùng tới hai tay, thoáng cái chiếm được thượng phong. Lạc Hàn trong lúc chỉ chưởng giao nhau đấy đã cảm thấy không tiếp nổi lão, bèn đảo đầu kiếm, dùng chuôi kiếm vạch nước đánh trả, chiếm lại thượng phong. Chỉ thấy Triệu Vô Cực chợt duỗi tay, rút ra cây Tề mi côn cạnh người, ngay dưới đáy sông, mặc kệ lực cản, một chiêu Hoành tảo thiên quân đánh về phía trước.
Sóng nước cuộn ra, Lạc Hàn lùi về sau, hắn thật không ngờ dưới đáy nước mà Triệu Vô Cực có thể xuất côn. Có điều, lùi về thì vẫn trong dòng chảy, bị thế nước ngăn lại, còn có sóng nước ép vào trước ngực, Lạc Hàn không kìm được bật ho, tay phải rung một cái, kiếm đã đảo đầu, chém dòng chẻ sóng, đánh vỡ thế công kia. Hai người dưới lòng sông kiếm qua côn lại đấu nhau. Hai người họ vốn là tĩnh tọa, khí tức còn có thể xuôi thuận, nay vừa động thủ, máu chảy càng mau, dần thấy nôn nao trong lồng ngực. Bấy giờ trên mặt sông có mấy con thuyền đang qua lại, dân chài chiều hôm quay về, làm gì có ai biết lòng sông dưới thuyền họ đang có một già một trẻ ở trong bãi cát lắng, dòng nước ngầm đấu đá nhau?
Triệu Vô Cực một côn vung ra thường quấy động bùn cát, ảnh hưởng cũng lớn tới dòng chảy, người trên mặt sông chỉ cảm thấy đáy thuyền có điều lạ, không được yên ả, tựa như có loài cá lớn nào đó lồng lộn, ai biết đấy là một vị cao thủ tông thất, một gã thiếu niên tái ngoại đang ác đấu dưới đáy nước? Lạc Hàn khinh kiếm đâm chọc, theo dòng đưa thế, ấy vậy mà cũng không quá thua kém trên bờ. Triệu Vô Cực một côn tới lui, dòng sông biến sắc, càng làm tăng uy thế lão chưa từng có lúc còn trên bờ.
Triệu Vô Cực vốn đã mưu tính đầy đủ, ước đoán được bản thân không có năng lực thắng nổi thiếu niên này, nhưng tới giờ lão mới biết hóa ra lại khó nhằn đến thế.
Lão mặt mừng, mặt lo, mừng là Viên lão đại tới đây phiền toái to rồi, lo thì là chỉ sợ mình không cầm chân được Lạc Hàn. Lão vốn muốn dẫn Lạc Hàn xuống đáy sông đánh một trận, nghĩ rằng lấy sở trường của mình đánh sở đoản của đối phương, đâu ngờ hắn có thể ép mình dùng tới Tề mi côn. Côn ở trong nước, lật sông khuấy biển, thế tuy kinh người nhưng khó duy trì được lâu, thời gian lâu dài, làm sao theo kịp một kiếm nhẹ nhàng, mau lẹ của Lạc Hàn?
Triệu Vô Cực đang thầm hối hận, chợt thấy Lạc Hàn một thức đánh tới, rất giống chiêu Thiên ngoại phi tiên trong kiếm thuật phái Thanh Thành, một thức này của hắn thừa dòng nước một côn của mình vừa rồi quấy ra, càng tăng tốc độ, khó che khó tránh. Triệu Vô Cực liền nhổ khí thật mạnh, sử ra chiêu Tề mi án, một tay nắm đuôi côn, một tay đỡ đầu côn, chắn ngang ra, quả thật có tư thái một người chặn ải, muôn người khó qua. Cây Tề mi côn này của lão vốn là bảo vật trong đại nội, là đồ ngự chế của Thái tổ, cứng rắn phi thường, lão chắn ra thế này, hai tay liền bẻ cây côn. Cái bẻ này khiến cây Tề mi côn bị uốn thành hình cung. Kế sau, thủ thế Tề mi án của lão đã biến thành Tiễn xạ Thiên Lang, một lão đầu mặt mày cằn cỗi, tháng Mười ngày đông, dưới đáy Trường Giang, chân trước cong, chân sau đạp, tay trái như giữ Thái Sơn, tay phải như ôm trẻ nhỏ, thổ khí cất tiếng, liền lấy côn làm cung, lại dùng nước làm tên, bắn tới Lạc Hàn!
Lão buông lỏng tay, liền như dây cung được thả, thứ lão bắn đi không phải là tên mà là dòng nước, là khí. Lạc Hàn chỉ cảm thấy một luồng đại lực xộc tới, thật là một chiêu hung mãnh bình sinh chưa từng gặp, vội một tay khỏa nước, liên tục lùi lại. Nhưng một chiêu này của Triệu Vô Cực đã dốc hết toàn lực, huống hồ còn là giận dữ ra tay, tốc độ nhanh như vọt, thế tựa núi sập, Lạc Hàn đã không lùi thoát được nữa, liền cắn răng, rút mạnh kiếm, kiếm vốn không vỏ nhưng cái rút này của hắn giống như rất gồng sức. Rút kiếm này xong, hắn liền dốc hết sức, chém xả thế nước đang tới. Nếu hắn nhắm chính giữa mà bổ, kiếm nhẹ côn nặng, chỉ sợ lập tức thụ thương, nhưng tôn chỉ Cửu huyễn hư hồ của Lạc Hàn chính là dùng một kiếm nhanh lẹ tránh thực tìm hư, chỉ thấy giỏi thay Lạc Hàn, thân thể chỉ vừa kịp nghiêng nghiêng né qua, kiếm trong tay đã xẻ sóng nước ập tới từ một thành chín, từ cạnh bên chém vào. Một bổ này tựa đón sóng mà tới, nghịch sóng Tiền Đường, thực tế chính là tránh cái thực, dẫn thế sóng, lạng sức sóng để tìm cái hư. Sóng nước kia bị một kiếm của hắn lần lượt chia thành một thành và chín thành, bổ thành hai phần, chỉ có một thành va vào ngực Lạc Hàn, chín thành kia ập thẳng lên mặt nước.
Tuy chỉ có một thành đập vào Lạc Hàn nhưng Lạc Hàn vẫn cảm thấy tứ chi bách mạch đều đau đớn, sau đó lúc nóng, lúc tê; Triệu Vô Cực cũng chẳng khá hơn, lão vừa dốc toàn lực, khí tức trong người đã loạn, miệng mở ra, uống phải một ngụm nước, tức thì ngũ tạng như xoắn lại. Có điều, kinh hoảng nhất vẫn là trên mặt sông. Dòng nước bị Lạc Hàn dẫn đi nọ mạnh mẽ bùng nổ trên mặt sông, nó mang công lực Đỉnh Nãi công mấy chục năm khổ tu của Triệu Vô Cực, giờ giống nước đổ chảo nóng, tiếng dội hoàng hôn, thực không phải tầm thường. Trên mặt sông vốn đang có một thuyền chài thu lưới quay về, ở đuôi thuyền là một hán tử tuổi hơn ba chục, trong thuyền có một cô bé đang ngồi nghịch cá, người phía sau hẳn là phụ thân nó, tay đang đưa chèo. Bấy giờ cô bé bỗng thấy trên mặt sông có một con lạc đà, không khỏi tò mò. Nó không nhận ra con vật này, ở đất Giang Nam vốn có câu: “Thấy lạc đà mà tưởng ngựa gù lưng” để cười kẻ không có kiến thức, lúc này cô bé cũng đang hiếu kỳ như thế, bèn gọi cha một tiếng rồi đưa cánh tay nhỏ với con lạc đà kia.
Ai ngờ, lúc này giữa con thuyền nhỏ và con lạc đà bỗng dâng lên một quả cầu nước, thế đi của quả cầu nước kỳ dị, rời khỏi mặt nước rất mau, không chỉ cô bé kia sợ ngây người mà phụ thân nó cũng đần mặt, tiếp đến liền cảm thấy con thuyền nhỏ đột nhiên chấn động, con lạc đà cũng kêu thảm một tiếng, đều phải chịu va đập nặng. Thế còn chưa hết, tiếp sau đó, quả cầu nước thình lình nổ tung, tựa Ngân Sơn nước tháo, tuyết lớn sụp nhào, như chín vạn thiên binh vào trận, kinh sợ trăm vạn ngọc long, lại như mộng hồn kinh giấc trong Thủy Tinh cung, rung vỡ vụn ngọc đầy trời. Bọt trắng bắn tung, tơ nước lả tả, còn may luồng lực ấy không nhắm chuẩn vào người hay lạc đà, quá nửa lệch về con lạc đà nọ, con lạc đà kêu thảm một tiếng, thân hình phải nặng tới năm, sáu trăm cân vẫn không khỏi xô lật, cả đầu lộn vào trong nước, nhất thời không dậy được, ắt hẳn đã bị thương. Cô bé con đang tựa cạnh thuyền, thuyền lại nhỏ, trọng tâm vốn đã không vững, chống đỡ làm sao được? Bị lực đẩy liền lật nhào! Cô bé sợ hãi kêu một tiếng, đã rơi xuống nước, phụ thân nó cũng bị thuyền úp lên, trước thì bị mái chèo của chính mình phang choáng, rồi lại bị ập xuống đáy thuyền. Cô bé chỉ biết khóc gọi: “Cha, cha!” Họa tới đột ngột, cô bé vốn biết lội nước cũng bị sặc liền mấy ngụm, mê man sắp chìm tới nơi.
Lạc Hàn nơi đáy nước trông thấy bóng áo hoa lấp loáng, kế đến thấy trên mặt nước hỗn loạn liền cảm thấy không hay, mặc kệ trong ngực đau đớn, hai chân quẫy một cái, đã nổi lên gần mặt nước. Trước tiên hắn trông thấy hán tử bị mắc dưới đáy thuyền, liền chộp lấy thắt lưng gã, gỡ ra, kế đến hắn mới trồi khỏi mặt nước, trông thấy cô bé kia. Cô bé cách hắn cũng chỉ bốn, năm thước, hắn thu kiếm, khoa tay một cái đã tới bên cạnh nó, cô bé nọ mắt nhắm mà vẫn khóc kêu: “Cha ơi, cha!”
Lạc Hàn đưa tay nắm lấy nó rồi chụm môi huýt một cái, con lạc đà đã lại nổi lên mặt nước nhưng vẫn đang thở dốc, nghe thấy tiếng liền bơi về phía hắn. Lạc Hàn thấy Đà Nhi hành động chậm chạp liền biết nó cũng đã bị thương, không khỏi càng giận. Lạc Hàn đặt hán tử lên lưng lạc đà, cô bé nhiễm chút nội lực, hơi thở hỗn loạn, đã hôn mê. Lạc Hàn nhìn mặt nó, đành áp miệng truyền khí, muốn cứu cô bé. Lúc bấy giờ, hắn không rảnh lên bờ, đành ở dưới nước cấp cứu, một lạc đà cùng ba người đều trôi xuống hạ lưu. Được một khắc, cô bé mới tỉnh, vừa mở mắt liền nhìn thấy một khuôn mặt sắc da nâu nhạt, cực kỳ tuấn tú, toàn thân bận đồ đen. Trên bầu trời, tà dương đã lặn khuất, chỉ còn lại ráng chiều sặc sỡ, dường như tất thảy sắc chiều đó đều tụ lại trong mắt hắn nên mới có thể sáng rạng như thế. Cô bé cảm thấy như đang mơ, Lạc Hàn cười với nó, không muốn nó lập tức tỉnh hẳn mà để nó ngủ một chút cho ổn định tâm thần, đồng thời cũng không muốn cô bé nhìn rõ mình, liền điểm huyệt ngủ của nó rồi cũng đặt nó lên lưng lạc đà, vỗ vỗ đầu Đà Nhi, sai lạc đà đưa cha con cô bé lên bờ.
Con lạc đà nghe lời bơi về bờ. Lạc Hàn quay đầu, liền thấy Triệu Vô Cực cũng trồi lên hoán khí, không kìm được tức giận quát: “Ngươi loạn thương người vô can, lại đả thương Đà Nhi của ta, còn muốn thế nào?”
Triệu Vô Cực cũng đã bình lĩnh lại, cười ha ha. “Chỗ này mặt sông, thuyền bè quá nhiều, tiểu lão nhi dùng sức quá đà, làm bị thương người vô can, ngươi cũng không nỡ vậy. Lạc tiểu ca nhi, ngươi rất được, nhưng có dám tìm chỗ không người cùng ta so đấu không? Lúc ấy, ngươi mà thắng, ta liền gọi con lạc đà của ngươi bằng ông, nếu ngươi bị ta vây khốn, vậy phải ngoan ngoãn đáp ứng ba điều kiện của ta.”
Lạc Hàn còn chưa kịp đáp, lão đã không đợi trả lời mà tự bơi xuống hạ du.
Lạc Hàn thấy Đà Nhi đã đưa hai cha con nọ lên bờ, mi mày dãn ra, thuận dòng đuổi theo sau.
Qua một khắc, cô bé kia mới tỉnh lại, lúc tỉnh, ráng chiều còn sót lại nơi chân trời đã rút mảnh hồng cuối cùng. Cô bé mở mắt, thấy cha mình còn đang hôn mê nằm đó, bên cạnh lại có một con lạc đà mũi thở phì phì, mình mẩy ướt sũng. Đầu óc cô bé choáng váng, không kìm được lại ngất đi - thật không biết tình này, cảnh này, ráng chiều tàn, bờ sông, bao gồm cả khuôn mặt lúc nãy dưới nước trông thấy, rốt cuộc đâu là thật, đâu là ảo, hay là cô bé còn đang trong mộng.