Bộ 2 - Lời dẫn
Đình Vân

    
ách Trữ Châu khoảng ba trăm dặm về phía tây có một tòa thành nhỏ, tên gọi Thư(1) thành. Tên thì rõ hay, gọi lên nghe thong thả, thoải mái nhưng đang buổi loạn thế, người trong thành có thoải mái nổi chăng? Chẳng ai biết được. Nhưng khi khúc đàn nọ vang lên, những người nghe được đều cảm thấy lòng mình yên ắng. Đây không phải sự yên ắng thông thường mà là “lặng lẽ như mây rủ khắp trời, bồng bềnh tựa con thuyền không buộc.”
  1. ) nghĩa là thong thả, chậm rãi
Khúc đàn được gảy ở Túy Nhan các. Sở dĩ Thư thành hấp dẫn người ta, chỉ e không phải vì mấy con ngõ nhỏ sâu thẳm, cũng không phải vì những căn nhà cổ vắng vẻ nằm cạnh con ngõ, mà là vì thứ rượu cũ đắng chát nổi danh của tòa thành cổ kính, trầm muộn này: Khổ Tô. Túy Nhan các là một quán rượu khá lớn, trong toàn Thư thành, Khổ Tô ở Túy Nhan các là có tiếng nhất. Lúc này, trên sàn gỗ trong các, một thiếu niên đang ngồi đánh đàn, hắn mặc bộ đồ màu trắng, một thứ màu trắng cũ kĩ, đại khái là sau khi đem ánh trăng tháng Bảy lịch cũ vo nát, giặt đi rồi lại giã thêm ngàn lần thì sẽ ra được thứ màu như thế. Mặc trên người hắn, bộ đồ mềm mại ấy liền toát ra vẻ vật với người hài hòa. Trên đùi hắn đặt một chiếc thất huyền cầm bằng gỗ cây đồng đen mượt, khúc đàn đang gảy có tên là Đình vân, chỉ nghe hắn khe khẽ hát:
“Mây tụ ùn ùn
Mưa giăng lún phún
Chiều xuống nơi xa
Con đường trắc trở
Lặng tựa hiên đông
Rượu xuân độc ẩm
Bạn nơi xa khuất
Ngóng đợi bâng khuâng(1);”
Tiếng ca tuy nhẹ nhưng trầm bổng vừa tai. Bên kia gác có một lão giả đang ngồi, nghe được tiếng ca bèn duỗi bàn tay đeo nhẫn ngọc thời Hán, nâng một chén rượu Khổ Tô, chậm rãi nhâm nhi. Uống xong, lão mới vỗ nhẹ xuống bàn, miệng khẽ đếm: “Nhất giải(2)”. Bên cạnh lão có một thư đồng mặc áo xanh, đội mũ quả dưa đứng hầu, thấy lão đã uống hết bèn tới rót thêm chén nữa. Cậu lấy làm kỳ quái, lẩm bẩm: “Con thật không hiểu, hai hôm trước lão gia còn nói kẻ khác đang nợ người một món tiền lớn, chưa biết có thu về được không, vậy mà bây giờ người lại chẳng lo đến nó, vẫn còn tâm tư uống rượu.”
Lão giả cười mỉm, nói: “Không biết có thu về được không nhưng chủ vay này không giống người thường, nguy hiểm lớn, lợi tức nhiều. Có cơ hội kiếm, sao ta lại không thể uống rượu?”
Xem ra lão đặc biệt thích rượu Khổ Tô của Thư thành, trong lúc nói chuyện đã cạn thêm một chén. Thư đồng kia lại rót đầy, cười, hỏi: “Nhưng mà khoản nợ này đã quá hạn trả tới mười bảy ngày rồi, tiền trang của chúng ta trước nay chưa từng có chuyện thế này, sao người vẫn có thể nhàn nhã ngồi đây? Con thật rất tò mò, người mượn tiền kia là ai? Mỗi lần hắn chỉ gửi tới một tờ giấy, vẽ một thứ chẳng ra hình dạng gì, cho dù là tên có ký, dấu đã đóng nhưng lần nào hắn cũng vay lão gia mấy chục vạn lượng bạc, lại còn chẳng có thế chấp, lão gia không sợ không thể thu hồi tiền về sao?”
Vị lão giả nọ cười, bảo: “Sợ, sao không sợ cho được, nhưng hắn còn cần thế chấp sao? Chỉ cần cái tên của hắn đặt đó đã là quá đủ rồi. Đúng là quá hạn lâu một chút nhưng hắn có chỗ khó riêng. Huống chi, chẳng phải hắn đang gảy đàn để đền cho ta đấy thôi?”
Thư đồng kia trợn mắt, há miệng, bấy giờ mới chú ý tới thiếu niên đang gảy đàn dưới lầu, không kìm được trừng mắt nhìn hắn. Trước giờ thư đồng chưa từng thấy lão gia nhà mình hào phóng thế này. Lão gia của bọn họ - tức là vị lão giả đang ngồi đây - là một nhà buôn nức tiếng đất này, cũng là tài chủ nổi danh một dải Sào Hồ, ông chủ lớn của Thông Tế tài trang, tên gọi Lỗ Tiêu, người giang hồ gọi là Lỗ Cuồng Triều. Thuở bấy giờ, hai nước Tống - Kim chia nhau cai trị, cũng chỉ có ngân phiếu của tiền trang nhà lão là có thể lưu thông bắc nam. Tiền trang của lão phân thành Bắc trang và Nam trang, chia nhau chuyên trách xử lý việc làm ăn ở hai nơi, thật là gia tài muôn vạn, giàu hơn nhà vua. Lão một đời tinh minh hơn người, xưa nay về tiền bạc chưa từng thua lỗ, cũng không cả tin, làm thế nào mà lão lại có thể tin tưởng người thiếu niên trông có vẻ không quá hăm mốt, hăm hai kia đến vậy? Thư đồng nhìn xuống dưới lầu, chỉ nghe thiếu niên kia đệm xong một đoạn mới đàn tới giải thứ hai, lời rằng:
“Mây tụ ùn ùn
Mưa giăng lún phún
Chiều xuống nơi xa
Bình địa thành sông
Có rượu có rượu
Nhàn ẩm đông song
Nhớ mong thì lắm
Xe thuyền không thông.”
Lão giả kia tựa như đã nghe tới nhập tâm, tay cứ khe khẽ gõ xuống bàn, ứng theo nhịp phách, mi mày hơi nhíu, nghe xong mới buông tiếng thở dài, khẽ đếm: “Nhị giải.”
Thư đồng hình như vẫn chưa hiểu, tuy biết rõ lúc này không nên mở miệng nhưng vẫn không kìm nổi lòng hiếu kỳ ngày một tăng, bèn hỏi: “Hóa ra chủ vay là hắn. Hắn là ai thế? Khúc ca này có gì đặc biệt? Đàn khúc này là có thể bù cho khoản lợi tức gần ngàn lượng bạc tiền phạt quá hạn mỗi ngày sao? Lão gia người trước nay không thích đàn sáo mà.”
Lão giả cười mỉm, nói: “Mấy ngón đàn của bọn thô tục đương nhiên ta không thích, nhưng cầm khúc của hắn, cho dù có bị xem là học đòi ra vẻ, ta cũng không dám nói không thích. Ài, “Nhớ mong thì lắm, xe thuyền không thông”, khúc đàn thế này, lẽ nào còn không đáng giá? ”
Thư đồng nhìn thiếu niên dưới lầu, bĩu môi hỏi: “Con chưa nghe ra chỗ nào đáng giá.”
Lão giả cười, bảo: “Đó là vì ngươi còn nhỏ quá, cũng không chú tâm mà nghe. Đây là lần đầu tiên hắn vì đền nợ mà gảy đàn cho người khác, chẳng lẽ còn không quý giá sao?”
Có vẻ như thư đồng càng lúc càng tò mò về người đang gảy đàn này. “Hắn là ai thế?”
Lão giả thở dài, ánh mắt như có ý cười nhưng trong ý cười lại ẩn tàng cay đắng, sâu thẳm bên trong chứa đựng một thứ ý vị khôn tả. “Hắn ư? Chỉ e hắn là kẻ nghèo nhất, ít được biết tới nhất, cũng lập dị, khó gần nhất trên đời.”
Thư đồng đang định nói, bỗng nghe sau lưng vang lên tiếng bước chân nhẹ nhàng, một người ăn mặc giống gia nhân đi lên lầu, cung kính khom người sau lưng lão giả, hai tay dâng lên một tờ giấy. Thư đồng nhận lấy rồi trình lên lão giả. Lão giả xem xong, hồi lâu không nói gì, sau đó khoát tay, gia nhân kia lui xuống, lão giả mới cất tiếng: “Tin từ Giang Nam, món bạc nọ đã qua sông rồi.”
Thư đồng không tin nổi, nói: “Dựa vào Đỗ Hoài Sơn, Tiêu Tứ Ẩn cộng thêm mấy người Vương Mộc mà có thể đoạt món hàng đó sao? Tần Ổn quá vô dụng rồi! Chẳng phải lần này Đề kỵ cũng nhắm vào nó sao? Con nghe tin lần trước lão gia nhận được, tới cả Viên nhị cũng tham gia, chẳng lẽ lần này cũng thất bại? Chuyện này... quá... quá kỳ quái!”
Lão giả không đáp, một lúc sau mới nói: “Ta đã đoán hắn hẳn có trợ thủ khác, chỉ là không ngờ kẻ này lại ẩn nấp kín đáo đến thế. Ừm, ừm, Cửu huyễn hư hồ, Cửu huyễn hư hồ, rốt cuộc một kiếm ấy ra làm sao mà lại có thể khiến cho Đề kỵ đại bại, Viên nhị trọng thương rút lui? Sau này, chỉ e đại thế trên giang hồ sắp biến đổi rồi.”
Trong lời lão hiển lộ sự chần chừ hiếm gặp, thư đồng chưa từng thấy chủ nhân trầm ngâm tới mức này, thật không biết hạng người nào, việc thế nào mà lại khiến cho chủ nhân của mình cũng phải suy tư? Bấy giờ, lại nghe tiếng ca dưới lầu cất lên, khúc hát đã tới giải thứ ba:
“Cây nơi vườn đông
Lá cành lại mướt
Cảnh mới tươi nguyên
Gợi lại niềm cũ
Người ta lại bảo
Năm tháng trôi mau
Chẳng được cùng chiếu
Kể chí bình sinh...”
Tiếng ca của hắn khúc chiết, uyển chuyển, lão giả tựa như vì đó mà cảm khái, miệng ngâm nga theo: “... Mong gặp bạn xưa, kể chí bình sinh; mong gặp bạn xưa, kể chí bình sinh... Kẻ hắn hoài niệm là ai vậy?”
Thư đồng dường như không muốn thấy chủ nhân do dự mãi thế, cố ý chen vào: “Tiêu ngân đã qua sông, ít ra cũng tốt, tiền của lão gia người đã tới nơi rồi.”
Lão giả lắc đầu, nói: “Không sai, đúng là đã tới nơi, có điều, ngươi chớ nghĩ đơn giản như thế, cho dù bạc đó đã qua sông, ngươi cho rằng sẽ được yên ổn sao? Viên lão đại với đám người kia sẽ bỏ qua chắc? Bạc ấy cầm bỏng tay đấy! Hắc hắc, có lấy được không còn là vấn đề. Với lại, chủ nợ của hắn không chỉ có mình ta, chỉ sợ lần này còn chưa tới phiên ta thu nợ kìa.”
Thư đồng ngạc nhiên nói: “Không phải chứ, món tiêu kia tuy không phải ít nhưng cũng chẳng phải lớn lắm, lẽ nào Đề kỵ lại chấp nhặt đến thế, vì nó mà đắc tội với từng ấy người, hủy đi ước định năm xưa, tiến vào Giang Bắc? Hai mươi mấy vạn lượng bạc có đáng để từng ấy cao thủ ra mặt tranh cướp không?”
Lão già nọ bật cười. “Không phải vì món bạc đó, e là vì trong chuyến tiêu ấy còn có can hệ khác, liên quan tới một bí mật cực lớn. Hà hà, cao nhân trong thiên hạ, chẳng ai vì món bạc kia mà động lòng đâu, nhưng chỉ sợ hiếm có người nào không sinh lòng với bí mật nọ!”
Tâm trạng lão tựa như rất kích động, tuy trước nay lão luôn có cử chỉ thong dong nhưng bây giờ bỗng mạnh mẽ nốc cạn chén rượu, đôi mắt già nua sáng rực, toát lên vẻ hăng hái tới mức người trẻ tuổi cũng khôn bì. Bỗng lại nghe tiếng ca dưới lầu vang lên, lần này thanh âm chuyển thành cao vút, lời ca rằng:
“Chim bay vờn nhẹ
Đậu nhánh vườn ta
Thu cánh ngơi nghỉ
Hót vang tưng bừng
Chẳng lẽ không ai
Nhớ người thực nhiều
Lời mong chẳng đến
Ôm hận đành sao!”
Lần này đã hát tới giải thứ tư của Đình vân - khúc cổ luôn gọi một đoạn là một giải. Đình vân là tác phẩm của Đào Uyên Minh thời Tấn, tuy chỉ có bốn giải nhưng tư vị chứa đựng trong đó là vô hạn. Lão giả lẩm bẩm: “Hay cho câu: “Chẳng lẽ không ai, nhớ người thực nhiều”, nhưng vì sao lại “Lời mong chẳng đến, ôm hận đành sao”? E là khúc Thủy điệu còn chưa vang khắp Giang Nam, tứ giải của Đình vân đã phá tan Thư thành rồi.”
Tĩnh lặng trở lại, chợt nghe từ dưới lầu vọng lên giọng nói trong trẻo: “Một ngày hát một khúc, một khúc thưởng nghìn vàng. Nợ đàn hôm nay đã trả, Lỗ lão, ngày mai kẻ hèn sẽ lại tới.” Thư đồng nhìn xuống dưới lầu, quả nhiên thấy thiếu niên kia đã ôm đàn rời đi. Y phục bạc màu, ôm trong tay cây đàn cổ, hắn cất bước mà tựa như vẫn đang đi trong những nốt nhạc mình đàn ban nãy. Mắt thư đồng hoa lên, cảm thấy thiếu niên kia tuy đang cử động nhưng lại mang một sự tĩnh lặng khó tả, đó là... tĩnh lặng ở trong tâm. Trong ánh dương trải vào bậu cửa dường như có sông lắng mây ngừng tưởng đã bao đời...