Lúc trở về, hai người cùng đi bộ. Thảo hỏi Nam, thư gởi Mẹ có chuyện gì không. Nam cho biết đã kiếm được nhà dưới Chợ Dinh nên báo để Mẹ ra xem. Thảo cũng mừng và hỏi thêm: - Nhà rộng không anh, ngói hay tôn? - Nhà tôn, ba phòng, khá rộng, có vườn. - Anh nhắm Mẹ có thích không? Lần thứ hai nghe Thảo gọi bà Nhiêu bằng Mẹ, Nam cảm động, choàng tay qua vai Thảo: - Anh nghĩ, Mẹ sẽ bằng lòng. - Giá bao nhiêu anh? - Ba mươi lăm ngàn. - Mẹ làm sao đủ tiền? - Tháng tới Mẹ ra lãnh tiền tử tuất của Ba. Ði được nửa đường Nam hỏi: - Em mỏi cẳng chưa? - Dạ chưa, anh mỏi không? - Anh có đi suốt đời cũng không mỏi. - Anh thiệt khéo nịnh dễ sợ. Chiều ni mình làm chi anh. - Em muốn đi chơi Cồn Hến không? - Ở mô anh? - Ðứng trên chợ Ðông Ba nhìn chéo thấy một cồn nổi, đó là Cồn Hến. Sông Hương tới đập đá gặp Cồn Hến rẽ hai, xuống Vĩ Dạ nhập lại rồi về biển Thuận An. - Răng kêu Cồn Hến? - Cồn có nhiều Hến, dân ở cồn chuyên sống về nghề đãi hến. Hến cồn ngọt thịt, cơm hến nhờ vậy mà nổi tiếng. - Ði, em mượn xe chị Hiền, hai đứa hai xe cho khỏe. - Có bao giờ em nghe anh than mệt vì chở em không? - Nhưng em ngồi để anh đạp em không đành. Về phòng gặp Hiền, Hiền chào hai người: - Cuối tuần vui quá há, chào anh Nam. - Chị Hiền cũng mới đi về? - Tôi qua phố mua mấy thứ lặt vặt. - Tụi này định rủ chị đi Cồn Hến chơi. Ði chị. - Tôi đi cả buổi mới về, hai người cứ tự nhiên. - Chị cho Thảo mượn xe đạp được không? - Ừ, lấy đi đi. Thảo nói cũng đúng, mỗi người một xe, đạp nhẹ nhàng hơn. Tất nhiên chở nhau thì có cái thú riêng. Lúc qua Ðập Ðá, hai người phải dẫn xe đi bộ. Mùa lụt năm rồi làm lở sạt hết kè đá, đường không thể đạp xe. Mặt đường, đá từng tảng lởm chởm, xe đạp dắt tay mà cứ nhảy cà tưng. Nam dặn Thảo: - Thảo cẩn thận nghe, em mang guốc coi chừng té. Lúc nãy để anh chở, giờ phải dễ đi hơn không. - Không sao, em đi được. Thỉnh thoảng Thảo mất thăng bằng như muốn chúi người xuống, Nam phải la lên. Tự nhiên Nam đâm lo, Thảo mà té là dập mặt. Nam buộc phải dừng lại. - Thôi em thả xe ra, để qua một bên, anh đưa em qua rồi anh lui lấy xe. Em đi vầy anh hồi hộp lắm. Nghe anh đi, dừng lại. Thảo không biết phải làm sao đành nghe lời Nam. Nam tay dẫn xe tay đưa cho Thảo vịn. - Em nắm chặt cánh tay anh mà đi. Biết vầy đừng rủ em đi Cồn Hến cho xong. Thấy Nam lo lắng, Thảo cảm động nói nhỏ: - Anh, em đi được, anh đừng lo. - Em nắm chặt tay anh. - Nè, em bóp ri anh không đau hả. - Ðau chi, em mà té xuống anh mới đau. Thảo tưởng như vừa uống một liều thuốc kích thích tim. Tim Thảo đập nhanh hơn. Thảo muốn bày tỏ những suy nghĩ, những rung động tự đáy lòng mình với Nam mà không biết làm cách nào. Hễ vào chuyện là bị Nam dẫn đi một mạch, Thảo như cánh chim bé nhỏ lạc giữa rừng hoang. Qua được đoạn đường đá lở, hai người dừng lại thở hổn hển. Nam nói: - Em nghỉ ở đây, chờ anh trở lại lấy xe. Thảo đứng một mình, nhiều người qua lại cứ nhìn nhìn, nhất là mấy chàng trai nhìn chằm hăm. Thảo tự hỏi không biết mình có cái gì mà họ nhìn dữ vậy. Nam không bao giờ. Nam thích ngắm những cái mà người khác không để ý tới, những ngón tay ngập ngừng, mấy sợi tóc mai lảng đảng. Lúc Nam trở lại, Thảo nói: - Em thấy anh cực nhọc với em quá. - Còn hơn để em té xuống cho thêm rầy rà. Thôi lên xe đi. Ðường rộng ít xe, hai người đạp sóng đôi, thỉnh thoảng Nam liếc sang ngắm vóc dáng Thảo. Ði bộ, Thảo có vẻ lớn khổ, nhưng ngồi xe đạp, Thảo như một nữ sinh bé bỏng. Gần tới trường tiểu học Vĩ Dạ hai người rẽ theo một lối ra bờ sông. Trong khi chờ đò, anh chị dựng xe đứng ngắm dòng sông trong xanh êm đềm. Không biết Nam đang nghĩ gì. Thảo thấy người thư thái nhẹ nhàng, trái ngược với lúc qua Ðập Ðá. Thỉnh thoảng một cơn gió bất chợ hất tung vạt áo sau, Thảo vội đưa tay chụp lại. Thảo hỏi Nam: - Khi chừ anh nghĩ chi rứa? - Anh hát. - Em có nghe chi mô? Nam quàng tay qua eo Thảo kéo một cái rõ mạnh. - Em thật thà quá đi. Ðến bây giờ anh vẫn chưa thực hiện điều đã hứa với em. Thảo ngạc nhiên: - Anh hứa chi mà chưa với rồi? - Lúc đi chơi đồi Thiên An, anh nói sẽ tìm cho em một "Tà Áo Tím". - Ðược rồi, em sẽ thực hiện lời hứa của anh. Nhanh như gió thổi Nam hôn xuống bàn tay Thảo: - Ðò sắp qua, mình chuẩn bị. Em lên trước, anh đưa xe lên sau. Bên Cồn có nhiều quán chè, em muốn ăn chè gì? - Anh ăn chi em ăn nấy. - Nói xong Thảo mỉm cười và liếc qua Nam. - Giỏi lắm. - Chẳng lẽ có ông thầy như anh mà không học được gì? Nhưng chạy một vòng chơi đã anh. Nam Thảo đạp xe theo con đường đất nhỏ chạy quay co, xóm này qua xóm kia, có những chỗ tre phủ kín đầy, tưởng như đi trong đường hầm. Thôn quê ít thấy trẻ nhỏ tụ tập ngoài đường như ở thành phố. Mỗi nhà một vườn riêng, họ sinh hoạt trong yên lặng. Lúc trở lại đường cũ, Thảo Nam ghé vào quán chè nghỉ mệt. - Em ăn chè Khoai Sáp nghe. Khoai Sáp bùi và ngon. Chè Bông Cau cũng thích. - Xong mình kiếm một bến nào đó ngồi chơi. - Ờ, hay lắm. Mà em không sợ người ta nhìn em sao? - Thôn quê, người hiền lành chớ đâu có quỉ như mấy ông thành phố. Lúc nãy em thấy phía dưới có bến đẹp ghê. Rời quán, hai người đạp xe xuống xóm dưới. Một cầu ván cách mặt nước chừng vài gang tay, xa bờ chừng vài sải, mãi tít đằng lùm tre phía xa mới có đôi ba chiếc đò chụm mũi vào nhau. Trên bến một cây Sung thân khá lớn, nằm ngả ra mặt sông. - Em bỏ guốc ra, đi khỏi trợt. - Thường người ta ra đây làm gì hả anh? - Lấy nước, tắm giặt. Thảo nắm chặt tay Nam khom người chao chân xuống nước: - Mát ghê anh. - Em ngồi xuống rửa chân đi. Anh muốn ngắm... - Dơ quần hết. - Chỗ khô kia sạch, vén áo ra trước, ngồi xuống khua hai chân trong nước.. Anh lên trên bến.... Thảo ngoan ngoản làm theo lời của Nam, nàng kéo cao hai ống quần rồi nhúng cả hai chân xuống nước. Cảm giác mát lạnh làm cho Thảo khỏe hẳn người. Trên bờ, Nam đang đứng ngây ra nhìn. Biết Nam hay "viễn vông", Thảo đã quen không còn ngại như thuở ban đầu. Trong khung cảnh hoang dã Nam mới thấy cặp chân của Thảo trắng đẹp làm sao. Nam chợt nhớ ra đã đọc đâu đó một tác giả cũng cho nhân vật của mình nhìn trộm người con gái đang rửa chân bên cầu ao. Màu trắng làn da pha màu áo, vỡ tan lung linh đáy nước. Cảnh thật nên thơ. Sau buổi đi chơi Cồn Hến, Thảo Nam thỏa thuận dành thì giờ cho mùa thi mãn khóa. Ai cũng nghĩ là mình sẽ đậu, tuy nhiên phải đậu cao mới mong gần nhau được. Nhà bà Ðiền đã đông, lại không có phòng riêng, suốt ngày tiếng cối xay đậu, tiếng cười nói của người vào ra, chỉ còn lúc đêm khuya mới yên tịnh. Nam thường đem sách vở ra các trụ đèn ôn tập hoặc thức vào lúc mọi người đang ngủ say để học bài. Thảo thì thong thả hơn, có chỗ ở riêng nên chuyện bài vở không vất vả, nhưng dạo này Thảo hay lo ra. Không biết nay mai việc thay đổi như thế nào. Một điều cũng làm Thảo suy nghĩ mà không tiện nói với Nam. Thảo cảm thấy dường như Loan có tình ý với Nam. Sự săn sóc của bà Ðiền đối với Nam cũng làm Thảo tin điều mình nghi là đúng. Loan không đẹp bằng Thảo nhưng lại thường xuyên gần Nam, ai mà biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Ðể xua đuổi những ý nghĩ tối tăm, Thảo hỏi Hiền: - Chị Hiền ơi, ra trường chị thích làm ở mô? - Thì dĩ nhiên là Bệnh Viện Trung Ương. Làm ở đây mình còn có cơ hội học lên. Thảo phục Hiền hết mức. Hiền luôn luôn nghĩ đến chuyện học hành để tiến thân. Con gái rồi ai cũng lấy chồng nhưng mình có một nghề vững chắc, một học vấn cao, thì cuộc đời sẽ đẹp hơn. Thảo thấy mình nhiều khó khăn, hoàn cảnh gia đình, những ngày sắp đến mẹ con chưa biết sao, rồi cuộc đời làm vợ, làm mẹ cũng thấp thoáng gần kề. Những lúc nghĩ quẩn, Thảo lại thích có bạn để gợi chuyện san sẻ, hoặc gặp Nam để tâm tình. - Em cũng mong như chị Hiền nhưng chắc khó mà đạt. - Thì người ta vẫn bảo học tài thi phận, hơi đâu Thảo lo. Thảo nghe có lý. Việc gì cứ suy tính chuyện chưa đến, nghĩ chi cho mệt. Suốt mấy tuần Nam Thảo không gặp nhau. Chiều nay Nam đạp xe qua báo cho Thảo biết bà Nhiêu ra lãnh tiền và đã mua được nhà. Nghe tin, Thảo vừa mừng vừa bối rối. Thảo chợt nhớ đến hoàn cảnh mình. - Giờ Mẹ mô anh? - Mẹ vô lại Ðà Nẵng rồi. - Sao anh không báo cho em thăm Mẹ. Có tin gì của Má không? - Má vẫn bình thường. Má nhắn em ráng lo học đừng có mà ham chơi. - Thì khi mô Má không nói rứa. Chừng nào Mẹ dọn ra Huế? - Chắc trở về Ðà Nẵng Mẹ thu xếp rồi dọn ra nay mai. - Thảo nói với vẻ mặt âu lo: - Em không biết Má răng đây? - Thì Má cũng ra luôn, Mẹ nói cứ ở rồi nộp đơn xin nhà trại di cư, thế nào cũng được. Thảo lặng thinh một lúc rồi bảo Nam: - Lần sau anh nhớ phải cho em thăm Mẹ. Thấy Nam không nói gì, Thảo nhắc lại: - Anh có nghe em nói không? - Ðược rồi, lần này mẹ không có thì giờ, hai nữa anh cũng không muốn làm em bận rộn thêm. Thực tình Nam thấy, mỗi khi đầu óc lu bu rối rắm thì chuyện "gió trăng" cũng không thú vị gì. Dạo này phải lo kết thúc chương trình, lại còn lớp vẽ, lúc đầu tưởng là chơi cho vui, té ra cũng không đơn giản. Thảo nhìn Nam có vẻ nghi ngờ. - Hay có gì anh muốn dấu em? - Không có gì đâu, với lại cứ lo chạy lui chạy tới công chuyện của Mẹ anh cũng mệt nên không nhớ gì hết. - À, dạo này anh còn học vẽ không? Thảo chuyễn đề tài làm Nam hứng chí: - Còn chớ, mà khó ghê. Tưởng học vẽ bàn tay hóa ra phải học đủ thứ. Nay anh đã qua vẽ phong cảnh bằng màu nước. Thích lắm Thảo à, sau này có dịp, em cũng nên học. - Thôi, em thích học đàn. Có cây đàn mình tập hát cho vui. - Em nói đúng, em học Mandoline, một cây Mandoline chừng hai trăm thôi. - Nói vậy chớ bây giờ mình còn nhiều chuyện phải làm. Yên lặng một lúc, Thảo hỏi Nam: - Anh, em hỏi thiệt anh, nếu chuyện nhà cửa xong xuôi, Má ở chung với Mẹ, còn em? Nam bật cười: - Bộ em không ở với Má à? - Nhưng mà như vậy thì kỳ lắm người ta nói. - Nói gì, thuê nhà ở chung không được sao? Thôi em đừng nghĩ ngợi, để đó rồi tính. Với lại anh cũng đang hỏi thủ tục xin nhà cho Má. - Làm răng xin? - Có giấy chứng nhận Di cư là được. Việc này nhờ Cha giúp. Thôi, anh về, còn phải chạy muợn ít tài liệu "tâm lý trẻ em". Thảo chưa biết rồi sẽ thế nào nhưng theo ý kiến Nam thì cũng ổn. Lo lắng chỉ thoáng qua chốc lát, thực tế lại đưa hai người trở về với bài vở. Thời gian chẳng còn bao lâu nữa. Trong dư luận của lớp giáo sinh đã xầm xì nhỏ to về đề thi và các nhiệm sở. Anh chị nào cũng hy vọng chọn những trường gần nhà. Nếu phải đi các tỉnh thì vất vả lắm. Nhiều người hồi giờ sống bên cha mẹ, chưa biết tự túc cho cuộc sống của mình nên e ngại. Nam thì khác, gần nhà để tiện nhiều việc, nếu không, chàng cũng xoay sở được dễ dàng. Khóa Sư Phạm đã kết thúc, Nam có nhiều hy vọng được chọn nhiệm sở. Thảo cũng đã thi ra trường. Hai người vừa trút đi gánh nặng suốt một năm dài. Nhưng, trước mắt lại mở ra nhiều sự đổi thay chưa biết như thế nào.