Đầu những năm sáu mươi, đất nước có những vận động lớn: bước vào xây dựng nền kinh tế theo kế hoạch với nền tảng là công nghiệp nặng; đấu tranh giữa hai “con đường” Xét lại và Giáo điều của các cường quốc xã hội chủ nghĩa… Không phải bao giờ Liệu cũng tán đồng ý kiến từ trên đưa xuống. Nhưng đối với công cuộc đưa bộ đội vào miền Nam chiến đấu, giành sự thống nhất cho đất nước, ông là một tín đồ nhiệt thành. Những chiến thắng Đồng Xoài, Bình Giã làm ông nức lòng. Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông phấn khởi: Không Tết nào vui bằng Tết này, Quang Trung xưa cũng vẫn chưa tày để rồi lại rầu lòng thương xót cho máu xương đổ ra mà cuộc tổng tiến công không thành. Đó là những lúc Liệu đồng cảm, hòa hợp chân thành được với không khí chung. Nhưng lại chẳng hiếm những khi ông không “nhất trí trăm phần trăm” với lãnh đạo. Hòa bình trở về là lúc thực hiện giấc mơ về nền sản xuất đại quy mô. Công nghiệp nặng sẽ là nền tảng lôi dắt các ngành kinh tế khác. Bên nông nghiệp, chẳng còn gì ngăn cản nổi cái hình ảnh quyến rũ cánh đồng thẳng cánh cò bay “tung tăng” những chiếc máy cày hằng xuất hiện trên phim Liên Xô, Trung Quốc. Trong khung cảnh đó, những Cô Thắm cô Nhài sẽ vừa hát vừa nhoẻn miệng cười với anh lái máy, biểu tượng của công nông liên minh. Thóc sẽ ự lên như núi. Người nông dân đi làm có kỷ luật, theo kẻng, nhận công điểm chứ không khư khư mảnh ruộng riêng của mình nữa. Đến thời cộng sản chủ nghĩa chỉ còn mấy bước chân thôi, nhưng manh mún, tư lợi vứt hết đi, để mà chỉ nghĩ đến cái chung…Khi công cuộc hợp tác hóa diễn ra, nghĩa là ruộng đất tập trung hết, khối tư tưởng, khoa giáo có đợt học tập, quán triệt đến từng người. Quyết tâm trong Nghị quyết của Đảng phải đến với từng cán bộ các cấp, người ta có thông thì những cản trở trong thực hiện mới không “lòi ra”. Hình thức thảo luận được áp dụng, ai nghĩ gì có thể nói, để rồi được đả thông.Lớp do Tố Hữu chỉ đạo, làm với hình thức nghe chủ trương, tổng kết trên hội trường, rồi chia tổ thảo luận. Những cán bộ quản lý khối trí thức, kỹ thuật như Lê Khắc, Bùi Công Trừng, Tạ Quang Bửu đều thấy hợp tác hóa là cần thiết. Liệu cũng vậy, nhưng lại “thêm” vào một thái độ e ngại. Rằng việc tập đoàn hóa sớm quá, và cũng nhanh quá (theo kế hoạch thì trong ba năm triển khai xong ở miền Bắc) có ảnh hưởng đến sự nỗ lực của nông dân? Rằng nông dân ở Việt Nam chả biết có được giác ngộ như ở Liên Xô, nhưng mảnh ruộng riêng đối với họ lớn vô cùng. Rằng, nhiều người vào hợp tác là bắt buộc, để con họ được tiến bộ, vào đoàn, vào đại học hay biên chế, chứ thực tâm vẫn muốn có miếng đất chăm lấy. Khi mọi người hỏi bắt buộc ra sao, ông dẫn chứng những chuyện ở quê mình, ở quê này quê no đã đi qua. Có cái gì đó không dân chủ, không “con người” rồi. Hồ Chủ tịch bảo hợp tác hóa là tự nguyện, phải để người ta thấy hợp tác đạt năng suất cao hơn thì vào cơ mà. Mà chuyện năng suất cao hơn ruộng ngoài thì chưa thấy, có dẫn đến thiếu ăn?…- Tôi tán thành chủ trương hợp tác hóa, nhưng kết luận là “tốt” và “đã căn bản hoàn thành” thì không đồng ý.Liệu chấm dứt phần ý kiến của mình. Không khí phòng thảo luận nặng trĩu. Các cán bộ trí thức bứt rứt. Hiển nhiên, đây là một quan điểm chẳng dễ chịu gì cho người nghe lẫn người nói ra.Sáng hôm sau, Liệu đến lớp lớn dự tổng kết. Văn Tạo ngồi cùng xe, hỏi rất ngập ngừng: “Hôm nay bác định phát biểu thế nào?”.Tôi đã nghĩ kỹ cả đêm rồi. Tôi sẽ nói nhận thức thực của mình.- Nhưng mọi người đều nhất trí với Trung ương cả - Tạo thận trọng. - Các tổ khác cũng thế…- Tôi sẽ chấp hành mọi nghị quyết của Trung ương, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức. Nhưng đã thảo luận thì phải phát biểu nhận thức của mình chứ. Nói tất cả nông dân đều tự nguyện tán thành hợp tác hóa là sớm quá.Văn Tạo rất ngại cho thái độ “bảo lưu ý kiến” của Viện trưởng nhưng cũng không muốn can nhiều. Bản thân Liệu cũng e những hậu quả của sự “không nhất trí với trung ương” trong một quyết định về đường lối lắm chứ. Nhưng sự bướng bỉnh trong ông còn mạnh hơn nhiều.Tố Hữu tổng kết lớp học, rằng tuyệt đại đa số trong khối khoa giáo đã nhất trí với Trung ương, có vài ý kiến chưa thống nhất. Các đồng chí đó cứ bảo lưu nhận thức của mình, nhưng đi đâu, phát biểu gì không được nói trái. Hội nghị giải tán. Trong tiếng ghế đập ồn ào, Liệu nhận được những ánh mắt tò mò đến lạ lẫm. Có cả những ý tứ, rằng “quan điểm thế mà cũng nói ra được à…”. Thế là đã hơn một lần, ông bị thiểu số trong đám đông.Chế độ tập thể hóa nông nghiệp được áp dụng trên toàn miền Bắc có những hệ quả tích cực. Trong thời chiến, nó tạo điều kiện cho những người quản lý địa phương dễ nắm chặt nông dân. Ai đi đâu, làm gì là đều biết, bởi người ta ra đồng theo tiếng kẻng. về cũng theo hiệu lệnh của đội trưởng. Kinh tế tất cả đều làng nhàng thì lấy người vào quân đội, đi đắp đê, thủy lợi cũng dễ. Và về mặt tâm lý, lãnh đạo ở tầm cao tít tắp cũng an ổn. Giống Liên Xô, Trung Quốc ra gì mà. Đó là những tấm gương, ta còn non về xây dựng, chưa nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế thì cứ soi vào đó. Cái cảnh máy cày, máy gặt đập liên hợp chạy trên cánh đồng rộng mênh mông trong các phim kiểu “Anh lính Ivan đi khai hoang” nhất định diễn ra trong nay mai. Tóm lại là cứ thực hiện, kiểu gì cũng thắng lợi.Nhưng thực tế càng diễn ra càng theo một chiều hướng khó lường. Nhiều người vừa được ruộng theo cải cách ruộng đất đã phải tập trung lại, cả ao chuôm, trâu bò. Làm theo kẻng, chấm điếm cũng bấy nhiêu, nên đều “tám giờ vàng ngọc” cả mà ai cũng trông nhau. Cấy nhanh, bừa kỹ cũng ăn có chừng nấy. Tập thể, cộng sản có nghĩa là “dàn hàng ngang cùng tiến”, làm cầm chừng, ăn nếm náp. Hết “giờ”, nông dân về hùng hục trên mảnh đất riêng được dành lại, chiếm 5% chỗ đất trước khi góp vào hợp tác xã, có nơi gọi là “ruộng rau xanh”. Bón kỹ, cày sâu bừa ngấu, nên chi chúng cho bộn thóc, hơn hẳn những bờ xôi ruộng mật bên “tập thể”.Vì sản lượng trên phần đất chung không cao, nên thuế má, các khoản thu từ nông nghiệp hạn chế theo. Sinh hoạt miền Bắc cứ thấp dần, tem phiếu ở thành thị cũng như sự cào bằng ở nông thôn đều chỉ duy trì một mức sống tối thiểu. Tóm lại là ổn định trong gieo neo. Trong các tổng kết, người ta giải thích đó là do tâm lý tư hữu, chỉ biết mảnh đất của riêng mình của nông dân. Và báo chí, đến lượt mình, lại lên án sự lạc hậu ấy.“Đói thì đầu gối phải bò, túng thì phải tính”. Đã có chỗ đói. Bình thường ăn dè sẻn, đến trận mưa đá, bão lốc thì mất hẳn. Cái khu vực mênh mông nhất của miền Bắc cứ tiêu điều, cạn kiệt. Khá lâu sau cuộc bảo lưu ý kiến của Trần Huy Liệu, tại tỉnh nửa đồng bàng, nửa trung du Vĩnh Phú, ông bí thư Kim Ngọc lãnh đạo cấp ủy ra nghị quyết chia ruộng ra giao khoán, tạm thời thôi, cho nông dân. Sản xuất lên được một chút thì Trung ương biết chuyện. Kim Ngọc mất chức vì “trái đường lối”. Vĩnh Phú lại tiu nghỉu như mèo cắt tai.Nhưng lại chỗ khác phá rào. Một huyện Đồ Sơn ở Hải Phòng mấy năm liền im re chả kêu ca túng đói gì. Trên tìm hiểu, hóa ra họ khoán chui đã lâu. Và chả phải chỉ có Đồ Sơn. Bây giờ thì người ta phải tra tận gốc rễ cái “phong trào tiêu cực” ấy.Nông dân, và nói chung, con người ta, liệu có ai thích chả có quyền lợi riêng gì trong hoạt động lao động không, có phải là ai ai cũng thích “cống hiến hết” cho tập thể? Kết quả của quá trình phân tích tìm hiểu ấy là những nghị quyết “Mười”, “Một trăm”. Hợp tác xã nông nghiệp giải tán về thực chất khi được quyết định “khoán” đất cho nông dân làm “riêng rẽ khỏe ăn”. Tất nhiên đây cũng được đánh giá là một thắng lợi, kết quả của tầm nhìn xa trông rộng. Sản lượng nông nghiệp lên trông thấy. Việt Nam đứng hạng cao thế giới về xuất khẩu gạo. Vai trò Kim Ngọc được đánh giá lại, quê hương Vĩnh Phú đòi dựng tượng ông, còn những người phê ông không “được” đánh giá lại… Nói chuyện ở trường Đại học Tổng hợp, Bộ trưởng Đại học - Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu nhắc lại lớp học về chủ trương hợp tác hóa xưa, có câu “trong thời điểm ấy, nhà khoa học dám nói điều cần thiết với Đảng là rất đáng quý”…LÀM NGƯỜI LÀ KHÓThế sự khôi tâm đầu hướng bạchSuy nhan tá tửu vựng sinh hồng(Chuyện đời đầu gần bạc lòng gần như tro nguộiMặt mày vàng võ mượn rượu để sinh hồng)Liệu viết Nguyễn Trãi. Mấy câu thơ của con người lòng dạ sáng như sao Khuê ám ảnh. Phải phân tích thời cuộc thế nào, Ức Trai([i]) đã vận nó vào mạng mình thế nào, rồi lại bị nó “vặn” lại ra sao.Đúng là ngổn ngang một cục diện oái oăm đến đảo điên, không thể tin đối với cả những ai đã dâng cả ý nghĩa cuộc đời cho nó. Làm sao có thể ngờ được một khai quốc công thần, và hơn thế, người trí thức đã thổi cái hồn vào cho cuộc kháng chiến chống Minh lại bị Lê Lợi, sau khi lên ngôi Thái Tổ, dồn đuổi đến phải từ quan về Côn Sơn dạy học, vui thú cùng lũ vượn. Dù là nhà nghèo bốn bức tường chỉ giàu sách vở, đúng “tạng” hàn sĩ thực nhưng thần liệu có an, tâm biết có tại? Hẳn là không Nếu mũ ni che tai, cầu an bảo mạng hẳn tiên sinh đã không ra thi thố, giúp giập cuộc đời từ thời nhà Hồ, cái triều ông không mấy tâm phục khẩu phục. Dù sao ông đã ra, vì Hồ Quý Ly đã chấm dứt nhà Trần quá bạc nhược. Hơn nữa, Quý Ly đã có những chính sách mới thật đáng khâm phục: phát hành tiền giấy thay tiền đồng, hạn chế số ruộng đất, nô tì của quý tộc. Quý Ly chết vì chỗ ấy. Chiếm được ngôi cao tót vời, ông đã không còn được sự ủng hộ của vương hầu công chúa cũ, vốn đã bị lột nhiều quyền lợi qua các cải cách của ông. Lòng người, sự xoay vần của thế sự khó lường quá. Nhất là khi nhìn vào lịch sử, đem những “sự” trong đó ra ngẫm nghĩ, so đo với những gì đương diễn ra. Mặt người cứ đăm chiêu là phải. “Nguyễn Trãi - một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam” dày 135 trang, in ở nhà xuất bản Sử học năm 1962, là một khảo cứu công phu, có tiếng vang. Nhưng nó có vẻ “khách quan” quá. Mà Liệu bị Nguyễn Trãi ám. Số phận bi thảm của con người quá lớn ấy, ông thấy có nhiều nét tương đồng. Những năm sáu mươi là thời điểm Trần Huy Liệu thấy cực kỳ cô đơn khi phát ra những chính kiến của mình - những suy nghĩ nung nấu ông, không thể nói ra duỗi một dạng nào khác. Nhìn xung quanh cứ thưa vắng dần. Trần Đình Long, Hải Triều tâm giao thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương đều không còn. Nguyễn Bình, người đàn em từ Quốc dân đảng, cùng chuyển sang “phe” Cộng sản ở ngục Côn Đảo, lại mất một cách bí ẩn sau những chiến tích vang dội trong Nam. Những Vũ Đình Huỳnh, Bùi Công Trừng đang ở những đâu đâu, còn hay mất? Và Liệu “còn” được bao lâu nữa? Ông chỉ còn những trao đổi thi thoảng với Trần Văn Giàu, Tạ Quang Bửu. Trên cương vị Bộ trưởng Đại học, Bửu phải rất cố gắng mới lập được chế độ thi vào đại học thay cho lối gọi chủ yếu dựa trên lý lịch. Đó là một kỳ tích, phải đánh giá thế, để những người tài còn ngoi lên, đất nước được hưởng năng lực của họ. Chứ không thì đội ngũ trí thức cứ chỉ được bổ sung những ông “đã kinh qua lao động” nhưng cầm quyển sách là ngại mãi à? Nhưng vẫn còn đó vô vàn cái khó mà Bửu chả thể vượt qua. Không biết bao nhiêu lần, Liệu nghe người ta kêu xin khi giấy gọi con vào đại học bị chính quyền cấp xã ỉm đi mà phải bất lực. Cái bể tiểu nông với những tư thù tủn mủn nhỏ hẹp, những toan tính ti tiện, đến lúc này mới thấy nó quá mênh mông. Liệu tham gia làm những tổng tập chung, có sự chỉ đạo của trên nên cái chủ quan “lên” không được bao nhiêu. Giống như người nông dân làm thư thả trên mảnh ruộng tập thể ấy mà. Dần dần, ông tìm cách trở về với những trước tác riêng, không đồ sộ, bao quát bằng, nhưng có dấu ấn cá nhân. Trong đó, ông tha hồ một mình, làm chủ những nhận định, chịu trách nhiệm khi phán xét. Tất nhiên như thế thì phải công phu hơn trong tư liệu, nghiêm túc hơn trong các đánh giá. Phải thế thôi. Những nhận định non, áp đặt đều không thể có chỗ. Khảo cứu tiếp theo, chỉ đơn giản mang tên “Nguyễn Trãi”, dày 230 trang, ra đời năm 1966, khác hẳn “người anh em” sinh năm 1962. Một phương pháp khoa học, những tư liệu phong phú, kết quả của nhiều lần trở đi trở lại với đề tài. Và không thể không nhận ra rằng nhân vật đã vận vào tác giả quá sâu sắc. Công trình khảo cứu mà lời văn đăm đắm, dù không rơi vào ủy mị, ảo não. Những đoạn trích đều đạt, rất có hồn, mang lại cho cuốn sách một cái “vẻ” dễ đọc, dù là với người đọc đơn giản.Liệu không biết rằng 34 năm sau, trong nền kinh tế thị trường lộn xộn, người ta in lại công trình của ông dưới mác nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Tên sách bị sửa lại: “Nguyễn Trãi - cuộc đời và sự nghiệp”, có lẽ cho dễ bán. Con cái ông chả ai được hỏi ý kiến, chỉ biết đến khi có người phô. Và họ thốt ra câu đùa: “Bố mình dại? Ai bảo dính đến Nguyễn Trãi. Dù là danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO kỷ niệm dịp 500 năm, ông cụ vẫn bị báo người ta in nhầm ảnh kia mà!”
[i] Ức Trai: hiệu của Nguyễn Trãi
[i] Ức Trai: hiệu của Nguyễn Trãi